Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Đại hội của Đảng và của Dân


-Đại hội của Đảng và của Dân (01/01/2011)
Bàn đến Đại hội Đảng lần thứ XI nổi bật vẫn là nhân sự, mọi chuyện đều xoay quanh danh sách ứng cử viên vào Ban chấp hành Trung ương. Đây là vấn đề nóng bỏng nhất liên quan đến mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Biểu quyết tại Đại hội Đảng bộ khối cơ quan Trung ương
Ảnh: HOÀNG LONG
Bàn đến Đại hội Đảng lần thứ XI nổi bật vẫn là nhân sự, mọi chuyện đều xoay quanh danh sách ứng cử viên vào Ban chấp hành Trung ương. Đây là vấn đề nóng bỏng nhất liên quan đến mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân vì Ban chấp hành Trung ương không chỉ là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng mà còn là Bộ tham mưu của cả dân tộc, sẽ nắm toàn bộ quyền lực bộ máy Nhà nước. Việc Đảng cũng chính là việc dân, rất thiết thân với dân, ai cũng tâm niệm có một thế hệ lãnh đạo, quản lý đất nước có bản lĩnh, có khả năng đột phá, chớp thời cơ, biết tạo thế và lực để đưa đất nước phát triển lên một tầng cao mới. Lịch sử đã chứng minh khi đất nước có minh quân, có những người đứng đầu hết lòng vì nước vì dân thì hiền tài xuất hiện, sỹ phu phấn khởi, nhân dân hào hứng, làm ăn phát đạt, ngược lại, khi có hỗn quân, nịnh thần, bọn buôn quan bán chức nắm quyền thì đất nước chỉ suy vong, chẳng thể mở mày, mở mặt với thiên hạ.

Đổi mới đã 25 năm, đất nước đã thay đổi nhiều, chúng ta liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1200 USD. Thế nhưng đằng sau thành quả đã đạt được lại là hàng loạt bất cập được tích tụ ngày càng lớn suốt quá trình dài chú trọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng chưa coi trọng đúng mức hiệu quả và bền vững nên đến nay điều đó đã trở thành mối nguy cơ của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc đến 60% vào tăng vốn đầu tư, tỷ lệ này của giai đoạn 1991 - 1995 chỉ có 29,8%, càng phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư tăng trưởng càng bấp bênh. Nhịp độ tăng năng suất của công nghiệp chế biến liên tục sút giảm và hiện chỉ bằng 59% so với trung bình của cả nền kinh tế. Công nghiệp phụ trợ sản xuất các phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, phụ tùng liên quan đến mọi ngành công nghiệp, không có công nghiệp, phụ trợ xuất khẩu còn lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và không thể nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cho đến nay công nghiệp phụ trợ của ta mới ở dạng sơ khai, mới phát triển. Công nghiệp ta vẫn chưa thoát khỏi lắp ráp và gia công, vẫn lấy công làm lãi vì đã làm thuê thì lợi nhuận rất thấp, lương công nhân nuôi bản thân đã khó. Ta khai thác nhiều tài nguyên đến nỗi ngành có năng suất lao động cao nhất là ngành khai thác tài nguyên. Nước ngoài rất khôn ngoan, ta xuất bao nhiêu khoáng sản họ cũng mua, coi như “của chìm”  để khi cần dùng, họ có sẵn. Và biết đâu đấy, khi tài nguyên ta đã cạn kiệt, con cháu cần phải ra nước ngoài mua có thể lại mua phải thứ khoáng sản ông cha đã đem bán. Thế giới coi nơi nào xuất khẩu tài nguyên thô là ăn cắp tài nguyên của tương lai. Đất nước độc lập và thống nhất đã 35 năm mà bước vào thập kỷ thứ hai (2011) của thế kỷ 21 vẫn tụt hậu trên nhiều phương diện: hiệu quả kinh tế quá thấp, năng suất lao động thấp, xuất khẩu thô với tỷ trọng lớn chỉ tạo ra giá trị gia tăng nhỏ, hiệu quả đầu tư ngày càng kém, mặt hàng công nghệ của ta hiện chỉ tương đương với Trung Quốc năm 1980, với Malaysia năm 1970, với Hàn Quốc năm 1960, với Nhật Bản năm 1920 công nghệ tiên tiến ta mới có 1 phần trăm. Công nghiệp ôtô hơn 10 năm Nhà nước bảo hộ chưa có gì phát triển hơn vẫn chỉ là những xưởng lắp ráp cho các tập đoàn nước ngoài, nội địa hóa không đáng kể. Công nghiệp tàu thủy còn đang vực lên từ phá sản. Đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp năm 2001 là 8%, đến năm 2009 còn 1% trong khi các doanh nghiệp ở nông thôn phải tự xoay sở trong suy thoái. 35 năm qua một số nước trong khu vực đã thay đổi hẳn về quan hệ ngoại thương, xuất hàng công nghiệp nhiều hơn hàng thô. Càng xuất hàng thô ở dạng tài nguyên càng làm giàu cho nước nhập tài nguyên, còn nước xuất thô chỉ nghèo đi. Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang trở thành những nước xuất hàng công nghiệp. Chỉ có Việt Nam suốt 10 năm qua chủ yếu vẫn xuất nguyên liệu thô chiếm gần 90%, còn hàng công nghiệp có giá trị gia tăng ta mới xuất được hơn 10%.
Bộ máy Nhà nước ta còn chỗ yếu rất căn bản, trong dân cũng gọi là một thứ tụt hậu, mà là tụt hậu lớn, đó là không xác định trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh những thành tích xuất sắc ta đều có khen thưởng, hàng ngày trên tivi thường thấy trao bằng khen, gắn huân chương. Thế nhưng sai lầm, khuyết điểm rất trầm trọng cũng chẳng thấy ai từ chức hoặc bị cách chức. Mấy chục năm quá ít từ chức và cách chức, bộ máy tồn đọng ngày càng đông cán bộ lãnh đạo đã biến chất đáng lẽ bị kỷ luật lại vẫn an toàn tại chức, đây là mối họa lớn trong lòng bộ máy Nhà nước. Các vụ thua lỗ, lãng phí đến đỉnh điểm cũng không thấy ai từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí ra trước Quốc hội, chỉ thấy hứa sau Quốc hội sẽ giải quyết. Qua một số việc kể trên càng hiểu đầy đủ hơn tại sao sức cạnh tranh của nền kinh tế ta lại bị xếp gần cuối hạng các nước cùng khu vực, các điểm tựa để tăng trưởng của Việt Nam không khác là bao nhiêu cách đây 10 năm. Một số chuyên gia, kể cả nước ngoài đã góp ý kiến, nếu Việt Nam không cải thiện tình hình, vẫn chỉ ra sức dựa vào những thuận lợi được thừa hưởng từ trước, không bắt đầu xây dựng những thế mạnh và năng lực riêng của mình thì bàn đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp là khó khả thi.

Hàn Quốc là một nước nông nghiệp cực nghèo như ta, chuyển sang sản xuất kinh doanh 30 năm sau đã là một cường quốc công nghiệp. Ôtô Hàn Quốc xuất vào Mỹ cạnh tranh ngang ngửa với ôtô Nhật. Năm 1986, Tập đoàn Hyundai dám bỏ số tiền 25 triệu USD thuê hẳn một công ty quảng cáo lớn của Mỹ để chuyên quảng cáo ôtô Hàn Quốc trên đất Mỹ. Công nghiệp tàu thủy của Hàn Quốc đứng đầu thế giới. Sự tự chủ kinh tế và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của Hàn Quốc dựa trên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và hầu hết là doanh nghiệp tư nhân. Hàn Quốc có tập đoàn tư nhân, tập đoàn Nhà nước và tập đoàn đa sở hữu, tư nhân và nhà nước cùng làm chủ. Kỷ cương phép nước của Hàn Quốc rất nghiêm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chỉ mới bị nghi ngờ đã đưa con vào làm ngành ngoại giao không hợp pháp, ông đã phải từ chức. Gần đây xảy ra đấu pháo ở biên giới, Hàn Quốc bị thiệt hại về người, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tự thấy có trách nhiệm đã từ chức.

Hàn Quốc tài nguyên nghèo hơn ta, đất nước lại bị chia cắt, thường xuyên căng thẳng Bắc - Nam, đâu được ổn định và thuần nhất như ta, tại sao Hàn Quốc lại bỏ xa ta như vậy? Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ta là hơn 100 tỷ USD cũng chỉ bằng doanh số hai tập đoàn của Hàn Quốc. Phim ảnh Hàn Quốc hơn hẳn ta. Tại ASIAD Quảng Đông (Trung Quốc), Hàn Quốc đoạt mấy chục huy chương vàng, ta chỉ có một. Không chỉ Hàn Quốc mà Singapore, Thái Lan cũng bỏ xa ta.

Nhân dân ta hiểu rõ đất nước chưa thể theo kịp một số nước cùng khu vực, cố gắng vượt bực cũng phải một vài chục năm nữa, còn phải thu hẹp dần khoảng cách. Nhưng nỗi bức xúc ngày một lớn trong nhân dân ta là khoảng cách với một số nước cùng khu vực đã quá xa và với đà này còn xa đến đâu nữa. Đời con, đời cháu có đuổi kịp không trong khi hiện nay cha ông chưa dám nghĩ đến rút ngắn khoảng cách mà trước hết làm thế nào không để khoảng cách xa hơn nữa đã là một thử thách nghiệt ngã. Càng tụt hậu sức cạnh tranh càng yếu và đến mức nào đó sức trỗi dậy không còn nữa đành sa vào cái bẫy thu nhập trung bình như một số nước nghèo đã cam chịu. Tới lúc đó thì dù có quá khứ anh hùng oanh liệt một thời thì cũng đành chịu lệ thuộc, bị đối xử bất bình đẳng và bị sai khiến bởi các siêu cường. Để khả năng xấu nhất không thể xảy ra, phải rũ bỏ tư duy tăng trưởng theo mô hình cũ, vì các động lực tăng trưởng theo cách cũ đã tới giới hạn, phải vượt lên chính mình, vượt lên những nguyên lý, cơ chế không còn phù hợp với thực tiễn, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, triệt để bằng những bước đột phá có hiệu quả, phải tái cơ cấu quyết liệt nền kinh tế, dám đụng chạm và vượt qua các nhóm lợi ích để đi lên bằng chất lượng tăng trưởng, nếu không tăng trưởng sẽ chậm lại và không phát triển được nữa.

Kháng chiến 30 năm, thắng Pháp và thắng Mỹ, cả loài người ngưỡng mộ nhân dân ta, ngưỡng mộ Bác Hồ và Đảng vì đã lãnh đạo một dân tộc từ tay trắng, dám đánh Pháp khi vùng ra khỏi nạn đói chết 2 triệu người và đã đánh bại mọi danh tướng, nổi tiếng nhất của thế giới tư bản. Một dân tộc nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc, trí tuệ phải lớn lắm, người tài phải đông lắm. Thế mà tại sao trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam lại thua kém như vậy? Câu hỏi nhức nhối này luôn luôn được nêu lên và suy nghĩ chung của nhiều người về nỗi đau này, khá giống nhau: đất nước ta không thiếu người tài đức nhưng nhiều người chưa được trọng dụng trong khi khá nhiều người tài đức rất hạn chế lại giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước.

Đại hội Đảng lần thứ XI là một thời cơ lớn để thu hút nhân tài, tập trung nhân tài trọng dụng nhân tài. Đại hội của Đảng, cũng là Đại hội của dân. Nhân dân ta là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực trong xã hội ta. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo do nhân dân uỷ quyền cho Đảng bằng việc Đảng thay mặt dân đưa ra cương lĩnh, đường lối cho sự phát triển đất nước, thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật. Để cho sự uỷ quyền đó không bị lạm quyền, nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền của dân. Dân rất mong Đại hội Đảng không họp kín, như mấy Đại hội trước, họp kín không còn phù hợp với dân trí ngày nay đã khác trước, đặc biệt lại là một Đảng cầm quyền, càng cần công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân biết. Cần dân chủ hoá công tác nhân sự, mọi ứng cử viên cần trình bày công khai chương trình hành động và đây là tiêu chí rất cần thiết để xác định người tài và chọn lựa người tài. Phải có tranh cử công khai mới ngăn chặn tệ hư danh, bằng giả, chuyên nịnh bợ, con ông cháu cha... Nhiều trường hợp con ông cháu cha không thi vào đại học chính quy phải học hệ tại chức. Nhưng đến khi được lựa chọn vào quy hoạch cán bộ thì họ lại nằm ở vị trí cao, rồi từ đó thành cán bộ lãnh đạo. Có người “gọi dạ, bảo vâng”, là những kẻ cơ hội, kém về tài năng nhiều khi vẫn được coi là người có “đức tốt” để đưa vào chức vụ lãnh đạo cao, còn những người có năng lực, có chủ kiến, dám đấu tranh tự phê bình và phê bình lại bị coi là hay gây mất đoàn kết, là “thiếu đức’.

Trách nhiệm của dân là những người chủ đất nước không chỉ cần biết Đại hội sau khi đã kết thúc mà quan trọng hơn được theo rõi quá trình diễn biến của Đại hội để kịp thời góp ý kiến, nhất là đối với công tác nhân sự. Cần phải dựa hẳn vào dân và đông đảo cán bộ mới đảm bảo mọi người tài đức được trọng dụng.
Thái Duy

Tổng số lượt xem trang