Đại hội Toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 được đánh giá có ý nghĩa lịch sử, tạo bước ngoặt đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển của đất nước bước sang một trang mới.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI-Đại hội đổi mới năm 1986. Ảnh Internet Với tinh thần Đổi Mới, Đại hội đã quyết tâm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”; công khai những sai lầm; thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, dứt khoát xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp. Đây cũng là Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, dân chủ hoá sinh hoạt chính trị của Đảng; rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử “Lấy dân làm gốc”, và đưa ra khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với việc công nhận kinh tế nhiều thành phần, Đại hội VI đã giải phóng hoàn toàn sức dân; và với việc trả lại quyền tự do làm ăn, sinh sống cho nhân dân, Đổi Mới 1986 thực sự là một thành quả dân chủ. Trước năm 1986, Thị xã Tân An của tỉnh Long An là nơi bùng nổ của “bù giá vào lương”, tức thực hiện việc mua bán bằng giá thị trường, xoá bỏ hoàn toàn tem phiếu. Khái niệm Nhà nước phân phối và lưu thông biến mất. Lần đầu tiên một địa phương bội thu ngân sách, Trung ương thực sự muốn tìm hiểu. Thành phố Hồ Chí Minh những năm 80. Không còn nguyên vật liệu để sản xuất, tất cả phải trông chờ vào kế hoạch phân phối của Trung ương. Lúc đó, gạo dự trữ của thành phố cũng chỉ còn có vài ngày. Phải tự xoay sở, Thành uỷ cho phép ra đời các công ty xuất nhập khẩu trực dụng, nghĩa là tìm kiếm nguyên liệu bằng cách đổi hàng sử dụng trực tiếp cho sản xuất. Ông Phan Chánh Dưỡng, Nguyên giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Cholimex, Nguyên Giám đốc Ban Quản lý khu chế xuất Tân Thuận nhớ lại: “Cả cái cơ chế lớn đè nặng lên chúng tôi, nó không giống cái đang làm nhưng chính cái đang làm lại đem lại hiệu quả giúp chúng tôi tự tin tiến hành”. Trên báo Nhân Dân lúc đó, những cụm từ mới như “cởi trói, trao quyền tự chủ” đã thay thế cho cụm từ “làm chủ tập thể”. Có người ủng hộ, có người phản đối. Đó là một thời kỳ tranh luận sôi nổi và cũng hết sức gay gắt. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người chứng kiến những bước chuyển động của thời kỳ đó đã cho rằng: Đó là kết quả của sức ép từ bên dưới, và sự nhìn nhận một cách cầu thị từ trên. Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt: “Nếu như trên mà không tiếp cận được, mà không đánh giá đúng được, không nghe nhiều mặt, nhiều ý kiến mà chỉ nghe một chiều thì có thể là TP.HCM hay các tỉnh khác tháo gỡ cũng chỉ là chừng mực nhất định, chứ không thể là sự thay đổi toàn diện, cái này nó vừa là sức ép sự bức xúc ở dưới cũng là cái sự nhận ra được của bên trên, thì đến Đại hội VI, chuẩn bị Đại hội VI có những quyết định có thể coi đó như bước ngoặt”. Những ngày cuối năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khai mạc. Nhiều người sửng sốt và kinh ngạc khi đọc những dòng báo cáo chính trị: “Mười năm qua 1975-1985, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo Xã hội Chủ nghĩa và quản lý kinh tế”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Đó là Đại hội mà nhân dân gọi bằng cụm từ “Đổi Mới”. Trong cuốn sách “Đổi mới ở Việt Nam, nhớ lại và suy ngẫm”, Giáo sư Đào Xuân Sâm và các đồng nghiệp đã đúc kết: Đổi Mới là một thành quả dân chủ. GS Đào Xuân Sâm, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ: “Đại hội VI kết luận bài học nêu ra thấm thía lắm, đấy là bài học số 1 lấy dân làm gốc, giải phóng sức dân thì mới dám làm điều đó. Chẳng hạn như từ bỏ công hữu là nguy hiểm lắm, như là mất chủ nghĩa xã hội rồi… Ta phải nói là thành quả dân chủ của Đổi Mới, cái đáng tự hào nhất là trả lại quyền tự do làm ăn, sinh sống cho nhân dân là thành quả dân chủ cao nhất”. Đại hội VI mang một ý nghĩa lịch sử. Hơn lúc nào hết, tinh thần Đổi Mới chính là tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vượt lên chính mình. Một phần tư thế kỷ đã qua, Đổi Mới thực sự đã giải phóng nguồn lực, tiềm năng, và những khát khao vươn lên của mỗi người dân. Những bài học từ Đổi Mới, vẫn còn nguyên giá trị. Tác giả : Đăng Học ----------- Góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng X
TT - Góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng X, GS Đào Xuân Sâm - nguyên trưởng khoa quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, từng là thành viên nhóm tư vấn của cố tổng bí thư Trường Chinh trước Đại hội Đảng lần thứ VI, hiện là chuyên gia tư vấn thường xuyên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - nói: “Khu vực kinh tế tư nhân trước đây được xem là khu vực cần “cải tạo” thì bây giờ đang hết sức năng động. Còn khu vực nhà nước lại rất khó chuyển đổi”. >> Thời cơ vàng: Vận hội mới>> Thời cơ vàng: Vượt qua cái bóng của mình>> Thời cơ vàng và hiểm hoạ đen >> Hướng đến chân lý sẽ vượt qua cái bóng của mình >> Người tài chưa được trọng dụng hay bị đố kỵ? Đột phá từ kinh tế dân doanh Chính sách nhất quán phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã là khâu đột phá mở đường thúc đẩy sự ra đời của khu vực kinh tế dân doanh rộng lớn trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trong đó mọi người lao động và người kinh doanh nắm quyền tự do làm ăn sinh sống, đã đi vào quan hệ thị trường một cách rất tự nhiên. Từ đó đương nhiên Đảng và Nhà nước không cần và không thể lập ra bộ máy lãnh đạo quản lý chủ quản quan liêu bao biện bao cấp cầm tay chỉ việc cho nhân dân; cũng đương nhiên cần và đã ban hành hiến pháp mới và hệ thống luật kinh doanh mới cơ bản mang tính thương mại, thay chế độ cho phép bằng chế độ đăng ký kinh doanh..., tức là đi vào cách tổ chức và phương thức lãnh đạo quản lý mang tính dân chủ thuận lòng dân. Đây là nhân tố mới trong lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước trên mặt trận kinh tế. Bài học này nổi rõ trong nông nghiệp; khi đã thực thi chính sách mới trao quyền tự do sản xuất kinh doanh cho nông dân với kinh tế hộ tự chủ, thì gần như lập tức tự động giải thể hệ thống tổ chức bộ máy cùng phương thức lãnh đạo quản lý cũ; kéo theo sự xóa bỏ tận gốc nạn quan liêu, tham ô lãng phí là căn bệnh nặng và kinh niên suốt mấy thập kỷ từ hợp tác xã (kiểu cũ) đến các cấp trong hệ thống thống nhất chỉ đạo điều hành thu mua phân phối cấp phát. Đổi mới chưa nhất quán Chúng ta chưa có được thành công đột phá trong khu vực kinh tế nhà nước và sự nghiệp văn hóa - xã hội cùng với toàn bộ hệ thống chính trị. Khu vực này trong những năm đổi mới đã có thêm nhiều thuận lợi để phát triển mạnh về qui mô, nhưng ngày càng trì trệ trong đổi mới mà nguyên nhân cơ bản là do chính sách phát triển chưa đổi mới nhất quán.
Do khôi phục và mở rộng cách tổ chức và phương thức lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng với Nhà nước ở các cấp, đã tạo thành hai hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo song hành từ cấp cao đến cơ sở: bên Đảng, bên Nhà nước, mà thực chất là Đảng phân thành hai, trong đó về nguyên tắc đặt Đảng trên Nhà nước, trên pháp luật. Đảng trực tiếp xét duyệt phương án kinh tế xã hội và hành chính, duyệt thể chế, duyệt phương án xét xử. Điều này thực tế đã gây chồng chéo làm suy yếu hiệu lực quản lý của Nhà nước, do cơ quan Đảng bao biện làm thay, vi phạm chức năng nhà nước ở mọi khâu, mọi cấp. Với các tổ chức kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, sự nghiệp công của Nhà nước, đã thực hiện Đảng có mặt lãnh đạo trực tiếp toàn diện đến cấp cơ sở gắn với nhà nước chủ quản. Trong đơn vị cơ sở, đã trở lại chế độ tổ chức Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tập thể, làm suy yếu chế độ tự chủ và chế độ trách nhiệm cá nhân, cản trở đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Đồng thời từ đó còn nảy sinh hiện tượng tranh chấp kéo dài giữa cán bộ Đảng với cán bộ hành chính và chuyên môn ngay trong cán bộ lãnh đạo quản lý. Cần trở lại bài học của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám, chỉ có rất ít đảng viên mà vẫn lãnh đạo toàn dân. Hiện nay, cách tổ chức lãnh đạo của Đảng với các doanh nghiệp và sự nghiệp nhà nước đang rất bất ổn. Trong khi đó, Đảng và Nhà nước với chính sách, luật pháp và nhiều công cụ khác, đã và đang định hướng và điều tiết toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân phát triển với hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng lớn, không cần và không thể áp dụng cách tổ chức và phương thức lãnh đạo toàn diện và trực tiếp ở mọi nơi. Từ những bài học thực tế đó có thể khẳng định: giải pháp thúc đẩy đổi mới phải bắt đầu từ chính sách, phải đột phá từ chính sách. Chính sách mới phù hợp thực tế tự nó mang tính khả thi, tự nó bao hàm sức mạnh để thay đổi tổ chức và phương thức lãnh đạo, quản lý cũ, tạo lập cách làm mới. Khi chính sách chưa đổi mới cơ bản, đang còn dành đặc quyền đặc lợi cho khu vực nhà nước và hệ thống chính trị như hiện nay, gắn liền với việc ít nhiều chưa nhất quán xóa bỏ mọi sự kỳ thị với khu vực ngoài nhà nước, thì không thể đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng. GS. ĐÀO XUÂN SÂM (THÀNH VĂN ghi) Những con số thống kê còn cho thấy: kinh tế nhà nước hầu hết thuộc các ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ. So với khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, từ 1996 luôn có tốc độ tăng đầu tư cao nhất, ứng với tốc độ tăng GDP thấp nhất, chưa nhích lên được. Tình hình năm 2005 rất điển hình: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,2% so với 2004, trong đó ngoài quốc doanh tăng 24,1%, đầu tư nước ngoài 20,9%, doanh nghiệp nhà nước 8,7% (8,7% là tốc độ cao nhất từ 1996-2005). Như thế là hiệu quả của kinh tế nhà nước rất thấp. Hội nghị T.Ư 9 đã nêu bốn lĩnh vực có tổn thất lớn: tổn thất về đất đai; tổn thất về vốn đầu tư nhà nước; tổn thất về chi tiêu ngân sách thường xuyên; và tổn thất về tài chính doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh đang có số nợ xấu rất lớn, nếu “sòng phẳng” với số nợ xấu này thì ngân hàng hết vốn, nghĩa là không có Nhà nước bảo hộ thì nguy cơ đổ vỡ là rất cao. Còn doanh nghiệp nhà nước thì hằng năm số vốn được cấp thêm ngang bằng với số nộp vào ngân sách, nghĩa là Nhà nước không hề có lợi nhuận trong kinh doanh. Như vậy, nền kinh tế nước ta có hai mảng: sáng và tối. Khu vực kinh tế tư nhân trước đây được xem là khu vực cần “cải tạo” thì bây giờ đang hết sức năng động. Còn khu vực nhà nước lại rất khó chuyển đổi. Thực tế chứng minh rằng kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng, các thành phần liên kết không phân biệt đối xử, không đặc quyền đặc lợi cho quốc doanh là nền tảng vững chắc nhất để phát triển kinh tế. |