Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Đánh giá Văn kiện của Đảng CSVN

Đánh giá Văn kiện của Đảng CSVN

Đảng không đi xa bao 
nhiêu khỏi nhãn quan 
cộng sản kiểu cũ
Việc thiếu vắng các nguồn tổng quan về chính các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm qua đã khiến giới nghiên cứu chính trị Việt Nam ở nước ngoài đau đầu.
Chính vì vậy, sau khi Văn kiện Đảng Toàn tập từ 1924 đến 1995 được công bố trong năm 2010, tạp chí Việt Nam học tại Đại học California-Berkeley (Bấm Journal of Vietnamese Studies) hồi tháng 6/2010, đã mở một diễn đàn để đánh giá chủ đề này.
Cuộc thảo luận bằng các bài viết với sự tham gia của năm nhà nghiên cứu đã tập trung vào những giá trị và hạn chế của bộ Văn kiện Đảng, nhìn từ góc độ chính trị học và lịch sử văn hóa.
Tất cả năm học giả đều có cái nhìn phê phán về Văn kiện Đảng và nhấn mạnh vào điều họ cho là mang tính tuyên truyền, cũng như cách chọn lựa có mục tiêu riêng của các tài liệu này.
Cuộc thảo luận của họ nhìn vào ba chủ đề chính quanh Văn kiện Đảng: động cơ và thời điểm công bố; quá trình thu thập, soạn thảo, biên tập; và tính ứng dụng của bộ văn kiện như một nguồn sử liệu.

Thời điểm và động cơ
Các học giả Việt Nam và Phương Tây không đồng ý được với nhau vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại chọn năm 1995 là thời điểm dừng lại của tư liệu gồm 54 bộ và 40 nghìn trang.
Theo nhà nghiên cứu Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quang Minh từ Đại học Quốc gia Hà Nội, thì năm 1995 là "điểm chuyển đổi bước ngoặt" cho đất nước, đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ cô lập, mở đầu cho giai đoạn tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế.
Năm đó, Việt Nam không chỉ được mời vào Asean, mà còn bình thường hóa quan hệ với nước cựu thù Hoa Kỳ.
Ông Minh cho rằng "Các thành công đó cho Đảng Cộng sản Việt Nam một sự tự tin lớn hơn về quyền lực và tính chính danh, cũng như tự tin trong cuộc chiến đấu của Đảng chống lại các thế lực khác".
Trích lời nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông Minh nói việc công bố Văn kiện Đảng "có ý nghĩa vĩ đại".
Văn kiện phản ánh niềm tin chắc chắn và tinh thần cởi mở của Đảng
TS Phạm Quang Minh
Theo ông, Văn kiện phản ánh "tinh thần Đổi mới, dân chủ và cởi mở của Đảng", và khẳng định thành tích của Đảng trong quá trình đấu tranh và hy sinh cho dân tộc.
Về giá trị lịch sử, ông nói Văn kiện Đảng "là cột mốc đa chiều" cho công tác nghiên cứu về Việt Nam trong thế kỷ 20, và cũng phục vụ cho "giáo dục và nghiên cứu" về Đảng.
Nhưng Vũ Tường, giáo sư Mỹ gốc Việt tại Đại học Oregon, không đồng ý với phân tích của ông Phạm Quang Minh.
Ông đưa ra lập luận rằng "nỗi sợ", chứ không phải "sự tự tin" chính là động cơ khiến Đảng công bố bộ văn kiện toàn tập.
Ông nêu ra một loạt mối đe dọa nhắm vào Đảng từ nhiều hướng.
Thứ nhất, sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và bước tụt dốc của học thuyết công sản có tác động "như một trận động đất với giới cầm quyền tại Việt Nam", và làm sút giảm hoàn toàn lý do tồn tại của hệ thống.
Thứ nhì, thách thức với tính chính danh của Đảng đến từ những nhà bất đồng chính kiến trong nước, đa số có uy tín không suy chuyển từ cuộc cách mạng nhưng nay lên tiếng phê phán nạn tham nhũng và áp bức.
Cuối cùng, các nguy cơ còn đến từ nước láng giềng Trung Quốc, nơi đảng cầm quyền đưa ra thông tin trái ngược với những gì Đảng ở Việt Nam nêu, nhất là đoạn về vai trò của Bắc Kinh tại trận Điện Biên Phủ.
Theo Giáo sư Vũ Tường Văn kiện Đảng là "một ván cờ chính trị", nhằm giành lại tính chính danh bị mất vì các mối đe dọa.
Ông trích ra lời của ban lãnh đạo Đảng nay thường sẵn sàng thừa nhận các sai lầm trong quá khứ như bằng chứng rằng họ sợ bị mất niềm tin trong quần chúng, và cũng là mong muốn của Đảng nhằm ngăn ngừa sự phản đối của Trung Quốc cũng như chỉ trích từ giới bất đồng chính kiến nội bộ. Ngoài ra, còn có bức bối của Đảng trước việc làm sao vẫn còn phù hợp với thế hệ trẻ Việt Nam.
̣Đặng Tiểu Bình
Văn kiện Đảng phải biên tập kỹ phần nói về Trung Quốc
Quá trình biên tập
Dù có tên là Toàn tập, bộ Văn kiện bị một số học giả chỉ ra rằng nó chưa hề hoàn thiện và đầy đủ.
Bản thân ông Phạm Quang Minh mô tả rằng trong quá trình soạn thảo, Ban chỉ đạo biên tập do chính quyền bổ nhiệm nhanh chóng nhận thấy rằng họ không thể nào công bố mọi tài liệu cho dư luận biết.
Ban này, do ông Phan Diễn điều hành và báo cáo lên người phụ trách cao nhất là ông Trương Tấn Sang, cũng xác định rằng có một loạt chủ đề giới quan sát cho là "tế nhị", từ quan hệ quốc tế, ý thức hệ đến tôn giáo.
Còn ông Phạm Quang Minh cho rằng các biên tập viên đã hoặc là phải cắt bỏ, hoặc không cho in một số đoạn.
Đây là cách làm "vi phạm nguyên tắc tôn trọng sự thật lịch sử", theo ông Minh.
Quan hệ với Trung Quốc vốn luôn sóng gió đã bị biên tập lại hết sức kỹ lưỡng, như mục về sự sút giảm con số thanh niên muốn vào Đảng, và quan hệ với các nhóm Công giáo, Phật giáo.
Có thể nói rằng mục tiêu cuối cùng của Đảng không phải là xuất bản ra một bộ văn kiện toàn tập, minh bạch mà chỉ là "tương đối đầy đủ" (relatively complete), theo chính một quyết định của Bộ Chính trị hồi tháng 2/1997.
Nhưng có cách nhìn khác, coi Văn kiện cũng là một sản phẩm của giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Ken McLean, Giáo sư tại Đại học Clark, Hoa Kỳ nói công tác lưu trữ tài liệu rất thiếu tổ chức và manh mún của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến việc lập ra một mạng lưới thông tin bổ trợ lẫn nhau trong các cuộc chiến Đông Dương không được điều phối kỹ.
Hậu quả là nguồn tư liệu họ hiện có cũng chỉ là một phần nhỏ của những gì Đảng thực sự tạo ra.
Trong phần về tác động của việc này tới quá trình soạn thảo Văn kiện, GS McLean cho rằng chính sách kiểm soát chặt thông tin trong Đảng tạo ra tình trạng các chính sách ra tại thủ đô ít phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Trói người trong Cải cách Ruộng Đất dưới hình các lãnh tụ Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Một số sử gia nước ngoài quan tâm đến giai đoạn Cải cách Ruộng Đất
Những nội dung này được lưu trữ lại tạo ra cảnh trái ngược, bất nhất khi ta so sánh rất nhiều sự kiện được văn kiện Đảng mô tả với thực tế.
Ở đây có hiện tượng khác biệt giữa “điều nói ra và điều được người ta cho là đã xảy ra", với "điều thực sự xảy ra", theo GS McLean.
Ông McLean nêu ra ví dụ cho hiện tượng này qua việc soạn các "báo cáo tổng kết" từ cơ sở trình lên trên trong nhiều vụ việc, ví dụ như Khoán nông nghiệp trong thập niên 1950, hay các đợt kiểm thảo, thanh tra, đánh giá "đi chệch đường lối".
Văn kiện Đảng, theo ông, không chỉ là tài liệu ghi nhận sự kiện mà còn "tạo ra sự kiện" (producing facts).
Là nguồn sử liệu
Vì tính chọn lựa tùy mục tiêu chủ quan của Văn kiện Đảng, đa số các học giả khuyên chỉ nên sử dụng nó bên cạnh các nguồn tư liệu gốc khác, chứ tuyệt đối không nên chỉ dùng nó một mình.
Ken McLean nói "không nên coi các tài liệu này là nguồn độc lập" mà chỉ là "sự can thiệp được đặt hàng", phản ánh những gì Đảng muốn người ta tin vào khi nói về Đảng, chứ không phải là thực tế.
Còn Alec Holcombe, một nghiên cứu sinh tại University of California-Berkeley, thì nói việc dùng Văn kiện Đảng mà không nắm vững chủ đề từ trước thì quả là "công việc ẩn chứa hiểm nguy" (fraught with peril).
Ông Vũ Tường cho rằng Văn kiện Đảng mơ hồ ở những đoạn về thời kỳ đầu cũng như thời kỳ gần đây nhất trong lịch sử của Đảng.
Tuy thế, các học giả cũng thừa nhận bộ Văn kiện Đảng đã mở ra những dòng chảy mới cho hướng nghiên cứu về lịch chính Đảng Cộng sản Việt Nam, và cho hay họ đã dùng bộ văn kiện này thế nào.
Pierre Asselin, giáo sư lịch sử tại ĐH Hawaii Pacific University, cho rằng Văn kiện đã giúp ông vạch lại chiến lược cách mạng của Đảng thời chiến.
Trong khi đó, Alec Holcombe thì chú tâm vào cuộc Phát động quần chúng giảm tô và Cải cách Ruộng Đất.
Ông Vũ Tường thì ghi lại chiều dài của sự tiến hóa trong thế giới quan của Đảng và thấy rằng dù chính trị quốc tế và trong nước biến đổi nhanh, Đảng Cộng sản Việt Nam không xa rời bao nhiêu lăng kính Marxist-Leninist mà họ dùng để nhìn nhận và phân tích thế giới.
Bài dịch từ bản tiếng Anh của Martina Nguyễn, một nhà nghiên cứu xã hội người Mỹ gốc Việt, hiện sống tại London.

Tổng số lượt xem trang