Sự việc diễn ra ngay trước mắt nhiều học sinh khác, nhưng không ai ngăn cản hay báo cáo giáo viên. Em Việt và gia đình đã nhiều lần báo cáo với cô giáo, nhưng cô vẫn “không biết”. Sự vô cảm đã biến thành tội ác.
Trong truyện ngắn “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải đã phản ánh thái độ nhiệt tình thái quá của những cán bộ đối với một người giúp việc cho một gia đình “tư sản”. “Mỗi ngày chị đi chợ, đều có cán bộ bám theo, dò hỏi: “Chị có bị chủ nhà hành hạ không? Tiền công có được trả đều đặn không?..”.
Chúng ta hãy so sánh sự quan tâm đến mức “lẩn thẩn” (do lòng tốt) của người cán bộ nọ với sự việc sau: Một em bé giúp việc bị vợ chồng người chủ hành hạ, đánh đập dã man hàng chục năm liền, thân thể bầm dập, chi chít vết sẹo, thế nhưng những người dân, cán bộ xung quanh Thủ đô đều “không biết”.
Một nhà máy đầu độc đến mức bức tử dòng sông hàng chục năm, cá tôm chết, người dân cũng ngoắc ngoải, nhưng nhà chức trách đã tỏ ra hết sức “khách quan” khi bảo “bằng chứng đâu?”.
Nói vui, giả sử có một sắc lệnh quy định các vị chức sắc khi trả lời phỏng vấn liên quan đến các vụ tiêu cực không được dùng các từ ngữ như “không biết, không rõ, chưa nghe báo cáo…” thì bảo đảm các vị sẽ rất... gay.
Xe CSGT chốt bên đường, ngày và đêm, tỉnh nào cũng có, có tỉnh hai ba trạm, thế mà những chiếc xe khách lèn người như nêm, những chiếc xe chở quá tải đến mức chạy rung cả đường…vẫn vô tư xuôi ngược Bắc-Nam.
Các vị “dân chi phụ mẫu” thương dân sống trong nhà tranh nhếch nhác (vả lại trên ô tô nhìn xuống rất…phản cảm) nên ra chủ trương “xóa nhà tranh tre dột nát”, thế là người ta mở chiến dịch xóa rất rầm rộ, và thay mái tranh bằng tấm lợp prôximăng. Nhà mới quả nhìn “hoành tráng” hơn, song người nông dân không thể ở nổi vì mùa hè nóng bức như cái lò thiêu, mùa mưa lại không thể hứng nước từ mái nhà để ăn (vì độc), mặc dù họ vốn chịu khổ cực đã quen.
Cán bộ quảng cáo rầm rộ, ép dân mua lúa giống ngoại với giá trên trời. Đến khi mất mùa, người nông dân nhìn cánh đồng xác xơ không hạt mà nghẹn ngào, rơi nước mắt. Người ta vẽ ra những siêu dự án vô cùng tốn kém, hoành tráng, mà quên mất hàng triệu nông dân còn đang khốn đốn với thiên tai, “bão giá”, quên mất rằng có những nơi trẻ con phải đu dây qua sông để đến trường.
Không ít trường học bắt hàng ngàn học sinh phơi nắng chang chang để nghe những bài diễn văn rất dài với nội dung “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều trường học không có nhà vệ sinh cho học sinh, và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Hiện nay, nhiều trường không có nước cho HS uống. Trong khi nhiều người vô gia cư, không một tấc đất cắm dùi, có những kẻ chiếm hàng trăm m2 đất để xây mộ nguy nga, mỗi ngôi có giá trị hàng tỷ đồng, xây xong chưa ưng ý đập bỏ xây lại. Hình ảnh những ngôi nhà lụp xụp của người sống bên “thành phố ma” nguy nga lộng lẫy, tô rồng vẽ phượng quả là “miễn bình luận”. Có địa phương diện tích đất để xây mộ đã chiếm gần hết diện tích canh tác, gấp 6 lần đất ở của người sống. Có người bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để công đức hay đốt vàng mã, nhưng lại thản nhiên trước ánh mắt khẩn cầu, bàn tay gầy guộc của người ăn xin khốn cùng nơi cửa Thiền.
Nghịch cảnh “kẻ ăn không hết”, người lần chẳng ra càng nhiều, càng khốc liệt, chứng tỏ bệnh vô cảm đang lan tràn. Có rất nhiều người có xe hơi siêu sang, siêu biệt thự, siêu vương giả, thậm chí mua cả máy bay hàng chục triệu USD để “đi mây về gió”, nhưng cũng không ít người đang lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa toát mò hôi”, hay chấp nhận cái chết vì không đủ tiền chữa bệnh…
Về chuyện vô cảm, ông Trần Chí Hiển, trong bài “Tai họa từ sự vô cảm”, báo Thanh niên ngày 1/4/06 đã viết: “Một cơ thể không nhất thiết phải hỏng hết mới tử vong. Có khi chỉ vì một vết loét. Một cơ thể sống nhận biết ngay sự nhức nhối ở vết loét nhỏ. Vậy tại sao vết loét to đến vậy mà cơ thể sống không nhận biết? Tại vì cái trung tâm thần kinh đã vô cảm”.
Gần đây, có sự việc một HS THCS đánh thầy gục ngay trên bục giảng, nhưng cả lớp không có phản ứng gì. Tác giả Lê Chân Nhân viết: “…tại sao cả lớp không có bạn nào dám xông vào cứu thầy, các thầy cô khác chạy đến cũng chỉ đứng nhìn không ai dám động tay động chân với cậu học trò côn đồ này, đến nỗi người bị đánh phải ngã ra ngất xỉu. Nếu như có một học sinh dũng cảm, xông vào vật cổ tên côn đồ ra để cứu thầy thì câu chuyện sẽ khác”.
Hình như cuộc sống hiện đại, xô bồ khiến người ta ích kỉ hơn, thực dụng chỉ biết mỗi bản thân mình. Chủ nghĩa Makeno (mặc kệ nó) đang trở nên phổ biến. Sự vô cảm là nguồn gốc của bao tai họa. Hình như cảm nhận được nguy cơ vô cảm đang lan tràn, nên trong các cuộc thi gần đây từ thi học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD-ĐT liên tục ra những câu hỏi liên quan đến đạo đức, lối sống. Nhưng chừng ấy chưa đủ, nếu không nói là quá ít ỏi. Có lẽ đã đến lúc cần có một cái gì tương tự như một “đại dự án” để ngăn chặn thứ "trùng độc" này của xã hội?
Trần Quang Đại