Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

“Dân biết, dân bàn và dân kiểm tra”

Hình: Getty Images/iStockphoto

-“Dân biết, dân bàn và dân kiểm tra”
Đó là một trong những khẩu hiệu mà chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam thường lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một khẩu hiệu hay. Nó chứa đựng ba yếu tố căn bản để hình thành và duy trì một chế độ dân chủ, hơn nữa, nó còn làm cho dân chủ thực sự là dân chủ. Ít nhất nó cũng cụ thể hơn cái khẩu hiệu “một chế độ của dân, do dân và vì dân” vốn đã cũ và chỉ dựa trên những nguyên tắc khá chung chung, những nguyên tắc cần thiết trong thời kỳ sơ khai của nền dân chủ trên thế giới, lúc quyền tự do bầu cử và ứng cử mới được xác lập và được xem là hai tiền đề chính của một chế độ “vì dân”.

Có điều, ở Việt Nam, tiếc, cái khẩu hiệu rất hay đó chỉ thuần là một khẩu hiệu.
Quyền được biết, được bàn và kiểm tra của dân chúng là điều mà mọi người mong ước và là những điều kiện thiết yếu của một nền dân chủ thực sự vốn bao gồm ba đặc điểm chính: sự rộng mở (openness), sự minh bạch (transparency) và tính khả kiểm (accountability). Với sự rộng mở, dân chúng được biết, nếu không phải tất cả thì cũng là phần lớn, các chính sách của chính phủ, ít nhất các chính sách không thuộc phạm vi an ninh và quốc phòng. Với sự minh bạch, dân chúng được biết lý do và chi phí cho các chính sách ấy. Cuối cùng, với tính chất khả kiểm, dân chúng có thể theo dõi quá trình thực thi cũng như hiệu quả của từng chính sách để qua đó, có thể đánh giá được chính xác các thành quả, và nhất là, các lời hứa hẹn của chính phủ.
Có thể nói không thể có một chế độ nào có thể gọi là dân chủ nếu thiếu ba đặc điểm vừa nêu. Ngay cả một chính phủ do dân chúng bầu lên, một cách đàng hoàng nghiêm túc chứ không phải là giả hiệu hay do gian lận, cũng không thể được coi là dân chủ nếu không rộng mở, không minh bạch và không thể kiểm tra. Chính phủ Iran hiện nay là ví dụ.
Nhưng chuyện dân biết, dân bàn và dân kiểm tra không phải là những lý tưởng hay những ước mơ. Chúng phải là quyền của dân chúng: dân được quyền biết, dân được quyền bàn và dân được quyền kiểm tra. Quyền, thực sự là quyền, phải được pháp chế hoá, nghĩa là được biến thành luật. Là luật, chúng mang tên khác: quyền tự do thông tin (freedom of information), quyền tự do ngôn luận (freedom of speech) và quyền tự do chính trị (freedom of politics).
Không có tự do thông tin, người ta không thể biết chính phủ đang làm gì, tại sao họ quyết định làm như thế và cách thức tiến hành cũng như kết quả công việc của họ như thế nào. Không có tự do ngôn luận, dân chúng không thể bàn bạc được chuyện gì cả. Và không có tự do chính trị, một mặt, không thể bảo đảm hai quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận vừa nêu; mặt khác, dân chúng không thể kiểm tra các việc làm của chính phủ được.
Tất cả những điều vừa trình bày đều sơ đẳng và quá hiển nhiên đến độ gần như không cần phải phân tích thêm. Chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam biết rất rõ tất cả những điều đó. Biết, nhưng họ làm ngơ. Điều họ muốn không phải là việc thực thi mà đơn giản chỉ là những sự mị dân.
Trên thực tế, tất cả những điều họ làm đều ngược lại.
Dân biết ư? Ở Việt Nam, tất cả những gì người dân được biết chỉ là những khẩu hiệu hay những bài diễn văn dài dòng, lê thê, ồn ào và rỗng tuếch. Mọi chính sách, kể cả các chính sách xã hội, đều được quyết định một cách âm thầm, thậm chí, lén lút, đâu đó. Có vô số sự kiện lớn trong xã hội, rõ nhất là các vụ tham nhũng, dân chúng biết chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng ở phương Tây.
Chuyện dân bàn mới hài hước. Thỉnh thoảng chính phủ và đảng Cộng sản nêu lên một số vấn đề cho dân chúng góp ý, nhưng hầu như họ chỉ đón nhận những sự “nhất trí”, hầu hết đều là những sự nịnh bợ giả dối. Bất cứ lời bàn luận nào đi ngược lại chủ trương chung của họ đều bị xem là tiêu cực, chủ quan, bi quan, võ đoán, xuất phát từ những động cơ xấu, nếu không muốn nói là “phản động” hoặc “phá hoại”. Và dĩ nhiên, tất cả đều bị vất vào sọt rác. Ngay cả những sự phản biện công khai, một cách quang minh chính đại, trên các diễn đàn Quốc Hội, cũng bị sổ toẹt.
Còn dân kiểm tra?
Ối giời! Ở Việt Nam, có lẽ dân chúng chỉ được quyền “kiểm tra” một nơi duy nhất: Khoảng cách giữa các bức tường kín mít trong các nhà tù!
Thì cứ hỏi những người như Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, v.v.. thì biết!
---------
-Đào Tuấn - Quyền được biết blog Đào Tuấn
Như vậy là lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc sẽ có truyền hình trực tiếp, dù chỉ trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc, và “một số phiên khác”. “Đây là một tiến bộ vượt bậc trong quá trình mở rộng dân chủ trong Đảng”- Nhà báo lão thành Thái Duy đánh giá. Công khai, chính là một biểu hiện của dân chủ, dù việc công khai không hề dễ dàng. Chẳng hạn như vấn đề công khai các phiên chất vấn tại Quốc hội (QH). Dù QH là cơ quan đại diện của dân, do nhân dân bầu nên, về nguyên tắc cũng như thực tiễn trên toàn thế giới, QH đã họp là phải họp công khai để dân còn biết những đại biểu của mình đại diện ra sao cho họ tại nghị trường. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 1994, tức gần 50 năm sau phiên họp quốc hội lịch sử ngày 31-10-1946, khi lần đầu tiên các đại biểu của nhân dân chất vấn những công việc đã ủy nhiệm cho Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - hoạt động chất vấn tại Quốc hội mới được truyền hình trực tiếp để nhân dân cũng biết. Tới năm 2009, tức là 63 năm sau phiên họp QH đầu tiên, những ý kiến bàn bạc thảo luận về các vấn đề quốc kế dân sinh mới trực tiếp đến được với người dân khi các phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội được tuyền hình trực tiếp.
Hai tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Mình viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung của dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Đảng, cũng như QH, đều là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Niềm tự hào của Đảng, chính là việc Đảng tự coi mình là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Người dân là chủ xã hội, Đại hội của Đảng, cũng là Đại hội của dân. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo do nhân dân uỷ quyền. Để cho sự uỷ quyền đó không bị lạm quyền, nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền của dân. Dân rất mong Đại hội Đảng không họp kín, như mấy Đại hội trước, họp kín không còn phù hợp với dân trí ngày nay đã khác trước. Không có lý do gì để không công khai công việc của Đảng, nhất là khi công việc đó là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. “Không thể có chuyện người chủ lại không được biết đầy tớ của mình họp như thế nào”- nhà báo Thái Duy nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng: Đã là đảng cầm quyền như ở Việt Nam thì càng cần phải công khai. Trước mắt, những bàn bạc, thảo luận để đi đến quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, những vấn đề sát dân, của dân, được coi là quốc kế dân sinh phải được công khai để dân cùng biết, cùng chứng kiến, cùng bàn bạc. Vì sao giờ đây người dân quan tâm nhiều hơn đến các phiên họp hội nghị TƯ, đến Đại hội Đảng, là bởi họ biết Đại hội sẽ quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, đến những người lãnh đạo đất nước. Nhân dân đang chăm chú theo dõi những thông tin xung quanh Đại hội Đảng. Khi mà dân còn quan tâm, là vẫn còn niềm tin vào Đảng, là Đại hội Đảng vẫn còn thiết thân đối với mỗi người dân. Nhưng từ đó cũng nghiêm túc đặt ra vấn đề dân cần biết. Nếu không biết thì không thể nói đến chuyện dân bàn, dân kiểm tra. Và sự biết này hoàn toàn không phải, không nên chỉ là những thông báo cuối cùng về kết quả của Đại hội, khi mọi sự đã an bài.
Bộ máy Nhà nước ta còn chỗ yếu rất căn bản, trong dân cũng gọi là một thứ tụt hậu, mà là tụt hậu lớn, đó là không xác định trách nhiệm cá nhân. Sai lầm, khuyết điểm rất trầm trọng cũng chẳng thấy ai từ chức hoặc bị cách chức. Mấy chục năm quá ít từ chức và cách chức, bộ máy tồn đọng ngày càng đông cán bộ lãnh đạo đã biến chất đáng lẽ bị kỷ luật lại vẫn an toàn tại chức, đây là mối họa lớn trong lòng bộ máy Nhà nước. Các vụ thua lỗ, lãng phí đến đỉnh điểm cũng không thấy ai từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí ra trước Quốc hội, chỉ thấy hứa sau Quốc hội sẽ giải quyết (NB Thái Duy)

Tổng số lượt xem trang