Nhà Trắng Văn phòng Thư ký Báo chí
East Room-19-01-2011
TT Obama: Xin chào quý vị. Hân hạnh chào đón Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng và đáp lại lòng hiếu khách mà ông đã dành cho tôi khi tôi đến thăm Trung Quốc năm ngoái. Đây là buổi họp thứ tám của chúng tôi. Chúng ta cùng cho thấy rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi chúng ta hợp tác, có thể nhận được lợi ích đáng kể.
Mối quan hệ tích cực, xây dựng, hợp tác Mỹ – Trung, tốt cho nước Mỹ. Chúng tôi vừa có một cuộc họp rất tốt với các lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước. Họ chỉ ra rằng Trung Quốc là một trong những thị trường hàng đầu cho xuất khẩu của Mỹ. Hiện chúng tôi xuất khẩu nhiều hơn $100 tỷ đô la hàng hoá và dịch vụ mỗi năm tới Trung Quốc, điều này hỗ trợ cho hơn nửa triệu việc làm của Mỹ. Thực ra, xuất khẩu của chúng tôi đến Trung Quốc đang tăng gần hai lần so với xuất khẩu của chúng tôi tới phần còn lại của thế giới, điều này là một phần quan trọng trong mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ gấp đôi, và làm cho Mỹ có tính cạnh tranh trong thế kỷ XXI.
Hợp tác giữa hai nước cũng tốt cho Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế khác thường của Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Và điều này là phần thưởng cho người Trung Quốc. Nhưng cũng nhờ vào hàng thập kỷ ổn định ở châu Á đã làm cho Mỹ có thể hiện diện phía trước trong khu vực, do trao đổi thương mại mạnh mẽ với Mỹ, và do một hệ thống kinh tế quốc tế mở rộng đã được bảo vệ bởi Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hợp tác giữa hai nước cũng tốt cho thế giới. Cùng với các đối tác G20 của chúng tôi, chúng tôi đã chuyển từ bờ vực của thảm họa đến giai đoạn đầu của sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Với các đối tác ở Hội đồng Bảo an, chúng tôi đã thông qua và thực thi các lệnh trừng phạt mạnh nhất chống lại Iran về chương trình hạt nhân của họ. Chúng tôi đã làm việc với nhau để làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Và gần đây nhất, chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở miền Nam Sudan.
Khi chúng ta nhìn tới tương lai, điều cần thiết, tôi tin rằng, là tinh thần hợp tác mà cũng là sự cạnh tranh thân thiện. Tại các khu vực mà tôi vừa đề cập tới, chúng tôi sẽ hợp tác, quan hệ đối tác bền vững và tiến triển mà không riêng một quốc gia nào có thể một mình đạt được. Trong các lĩnh vực khác, chúng tôi sẽ cạnh tranh, một cuộc cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy cả hai nước đổi mới và trở nên cạnh tranh hơn. Đó là mối quan hệ mà tôi thấy đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thế kỷ XXI, và đó là mối quan hệ mà chúng ta phát triển hôm nay.
Tôi rất hài lòng khi chúng tôi đã hoàn thành hàng chục hợp đồng, sẽ gia tăng xuất khẩu của Mỹ với hơn 45 tỉ đô la và cũng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ hàng tỉ đô la. Từ máy móc đến thiết bị phần mềm, từ hàng không đến nông nghiệp, những hợp đồng này sẽ hỗ trợ 235.000 việc làm ở Mỹ. Và điều đó gồm nhiều công việc ở nhà máy sản xuất. Cho nên, đây là tin tuyệt vời cho người lao động Mỹ.
Tôi cũng nhấn mạnh với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng, phải có được một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ cạnh tranh ở Trung Quốc, rằng làm ăn thương mại phải công bằng. Vì vậy, tôi hoan nghênh cam kết của ông, rằng các công ty Mỹ sẽ không bị phân biệt đối xử khi cạnh tranh với các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Trung Quốc. Và tôi đánh giá cao thiện chí của ông thực hiện những bước mới để chống lại trộm cắp tài sản trí tuệ.
Chúng ta đang đổi mới hợp tác lâu dài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, khơi mào cho những sự tiến bộ trong nông nghiệp và công nghiệp. Chúng ta đang di chuyển về phía trước với trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch Mỹ-Trung và các liên doanh năng lượng gió, mạng lưới điện thông minh và than sạch hơn. Tôi tin rằng hai nuớc sử dụng năng lượng lớn nhất và phát thải các khí nhà kính, Hoa Kỳ và Trung Quốc có trách nhiệm chống lại sự biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng tiến độ tại Copenhagen và Cancun, và cho thấy con đường đi tới tương lai năng lượng sạch. Và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho thấy, ông đã đồng ý với tôi về vấn đề này.
Chúng tôi đã thảo luận sự tiến triển của Trung Quốc trong việc tiến tới một nền kinh tế theo định hướng thị trường nhiều hơn và làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và cân bằng. Chúng tôi đồng ý rằng điều này có nghĩa là thúc đẩy nhu cầu nội địa ở Trung Quốc, và ở tại Hoa Kỳ, có nghĩa là chi tiêu ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn.
Tôi đã nói với Chủ tịch Hồ rằng chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc gia tăng tính linh hoạt của đồng tiền. Nhưng tôi cũng đã phải nói rằng đồng nhân dân tệ vẫn có giá trị thấp, cần phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hơn nữa, và rằng điều này có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu nội địa và giảm các áp lực lạm phát kinh tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục chờ đợi giá trị tiền tệ Trung Quốc gia tăng do thị trường, điều này giúp bảo đảm rằng sẽ không có quốc gia nào có được lợi thế kinh tế quá đáng.
Để gia tăng sự chia sẻ về an ninh, chúng tôi đang đối thoại và hợp tác rộng hơn và sâu hơn giữa hai quân đội, điều này làm tăng sự tin tưởng và làm giảm sự hiểu lầm.
Về sự ổn định và an ninh trong khu vực Đông Á, tôi nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có lợi ích cơ bản trong việc duy trì sự tự do đi lại, thương mại không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết những sự khác biệt một cách hòa bình.
Tôi hoan nghênh những tiến bộ đã được thực hiện ở hai bên eo biển Đài Loan trong việc làm giảm căng thẳng và xây dựng các mối quan hệ kinh tế. Và chúng tôi hy vọng tiến trình này sẽ được tiếp tục, bởi vì đó là vì lợi ích của cả hai bên, trong khu vực và Hoa Kỳ. Thật vậy, tôi khẳng định cam kết của chúng tôi về chính sách một nước Trung Quốc dựa trên ba thông cáo Mỹ-Trung và Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Tôi đã nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng chúng tôi đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và chúng tôi nhất trí rằng Bắc Triều Tiên phải tránh có những hành động khiêu khích hơn nữa. Tôi cũng đã nói rằng chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên ngày càng trở thành mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi đồng ý rằng mục tiêu tối thượng phải được thực hiện là phi hạt nhân hóa trên bán đảo. Về vấn đề này, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục nói rõ rằng chương trình làm giàu uranium của Bắc Triều Tiên là vi phạm các cam kết và các nghĩa vụ quốc tế của Bắc Triều Tiên.
Về an ninh toàn cầu, tôi hài lòng là chúng ta đang tiến tới những cam kết của Chủ tịch Hồ tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân hồi năm ngoái để Trung Quốc thiết lập một trung tâm vượt trội, giúp làm giữ an toàn các vật liệu hạt nhân dễ bị nguy hại trên thế giới.
Về việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng tôi nhất trí rằng Iran phải tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và các lệnh trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an LHQ phải được thực thi đầy đủ.
Cùng với các đối tác trong “5 thành viên cộng 1” (5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ cộng với Đức), chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho Chính phủ Iran đối thoại và hội nhập vào cộng đồng quốc tế, nhưng chỉ họ thực thi các nghĩa vụ của mình.
Tôi xin khẳng định lại cam kết cơ bản của Hoa Kỳ đối với các quyền phổ quát của tất cả mọi người. Điều đó bao gồm các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và biểu tình, và tự do tôn giáo – những quyền được ghi trong hiến pháp Trung Quốc. Như tôi đã nói trước đây, Hoa Kỳ nói rõ về những quyền tự do này và giá trị của mỗi con người, không chỉ là vì chúng tôi là người Mỹ, mà chúng tôi làm như thế bởi vì chúng tôi tin rằng ủng hộ các quyền phổ quát, tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc, cuối cùng sẽ được thịnh vượng và thành công hơn”.
Vì vậy, hôm nay, chúng tôi đồng ý đi tới các đối thoại chính thức về nhân quyền. Chúng tôi đồng ý các trao đổi mới để nâng cao các quy định pháp luật. Và ngay cả chúng tôi, Hoa Kỳ, công nhận rằng Tây Tạng là một phần của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ đối thoại hơn nữa giữa Chính phủ Trung Quốc với những người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết các vấn đề quan tâm và sự khác biệt, bao gồm sự bảo tồn bản sắc tôn giáo và văn hóa của người dân Tây Tạng.
Cuối cùng, chúng tôi tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác giữa người dân hai nước, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hôm nay, Michelle, vợ của tôi, nhấn mạnh những nỗ lực của chúng tôi nhằm gia tăng số lượng sinh viên Mỹ du học tại Trung Quốc đến 100.000. Và tôi rất vui mừng là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đến thăm quê hương của tôi ở Chicago.
Ngài Chủ tịch, ông dũng cảm đến thăm Chicago vào giữa mùa Đông. Tôi đã cảnh báo ông rằng thời tiết có thể không dễ chịu như ở đây, hôm nay (cười). Nhưng tôi biết rằng các sinh viên và doanh nhân mà ông gặp gỡ, ông sẽ thấy các triển vọng quan hệ đối tác phi thường giữa các công dân của chúng ta.
Cho nên một lần nữa, tôi tin rằng chúng ta đã giúp đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới. Michelle và tôi mong được tiếp đãi Chủ tịch Hồ một bữa chiêu đãi cấp nhà nước đêm nay để kỷ niệm mối quan hệ sâu sắc giữa người dân hai nước chúng ta, cũng như những hy vọng mà chúng ta chia sẻ trong tương lai.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: (nói qua phiên dịch) Xin chào quý bạn bè và báo chí, quý ông và quý bà.
Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tổng thống Obama, Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ về sự đón tiếp nồng ấm cho tôi và các đồng nghiệp của tôi.
Cho đến bây giờ, tôi đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Obama trong bầu không khí thẳng thắn, thực tế và xây dựng. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi sâu sắc về quan điểm và đã đạt được thỏa thuận quan trọng về quan hệ Trung – Mỹ, và các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng về lợi ích chia sẻ. Chúng tôi xem lại sự phát triển mối quan hệ Trung – Mỹ trong hai năm qua. Chúng tôi đánh giá tích cực những tiến bộ chúng tôi đã thực hiện về đối thoại, phối hợp và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Phía Trung Quốc đánh giá cao cam kết của Tổng thống Obama về chính sách tích cực và xây dựng của Trung Quốc, và để ổn định và phát triển mối quan hệ Trung – Mỹ kể từ khi ông nhậm chức.
Cả Tổng thống Obama và tôi đồng ý rằng, khi nhân loại bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, tình hình quốc tế tiếp tục trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp và có một số các thách thức toàn cầu gia tăng. Trung Quốc và Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích phát triển chung và đặt lên vai những trách nhiệm chung ngày càng gia tăng.
Hợp tác Trung – Mỹ có ý nghĩa to lớn đối với hai nước và thế giới. Hai bên nên tôn trọng triệt để hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ của chúng ta, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển của nhau, thúc đẩy mối quan hệ Trung – Mỹ phát triển lành mạnh và bền vững, lâu dài; và đóng góp nhiều hơn nữa nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới.
Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Trung – Mỹ tích cực, hợp tác và toàn diện và cam kết cùng nhau làm việc để xây dựng một quan hệ đối tác, hợp tác Trung – Mỹ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, để người dân hai nước chúng ta và trên toàn thế giới được hưởng lợi tốt hơn.
Chúng tôi đồng ý tăng cường trao đổi và hợp tác về kinh tế và thương mại, năng lượng và môi trường, khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa và giáo dục, chống khủng bố, không phổ biến [vũ khí hạt nhân], thực thi pháp luật và các lĩnh vực khác để cùng đạt được lợi ích chung.
Trong chuyến thăm này của tôi đến Hoa Kỳ, các ban ngành, các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan của hai nước đã ký một số thỏa thuận hợp tác và đạt được thỏa thuận về một loạt các dự án hợp tác mới. Điều này sẽ tăng thêm đà mới về hợp tác song phương của chúng tôi và tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho cả hai nước.
Chúng tôi đã thảo luận một số bất đồng trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, và chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết một cách hợp lý những bất đồng này trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tham khảo ý kiến dựa trên cơ sở bình đẳng.
Tổng thống Obama và tôi đồng ý rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ cần thiết lập một mô hình trao đổi cấp cao có tính năng trao đổi chuyên sâu và đối thoại thẳng thắn. Tổng thống Obama và tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ thông qua các cuộc họp, các cuộc điện thoại và thư từ. Hai bên tin tưởng rằng việc mở rộng các trao đổi và hợp tác giữa quân đội của hai nước đóng góp cho sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau giữa hai nước và cho sự phát triển mối quan hệ tổng thể của chúng ta.
Chúng tôi cũng đồng ý khuyến khích mọi thành phần xã hội thực hiện các loại hình về các hoạt động trao đổi. Đặc biệt, chúng tôi hy vọng nhiều vào những người trẻ tuổi, hy vọng họ sẽ hiểu thêm về đất nước của nhau và tham gia nhiều hơn đến các trao đổi giữa người với người, giữa hai nước chúng ta.
Tổng thống Obama và tôi trao đổi các quan điểm về tình hình kinh tế quốc tế. Chúng tôi tin rằng nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, nhưng vẫn còn một số yếu tố không ổn định và không chắc chắn. Hai bên đồng ý tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vi mô và tích cực theo đuổi cơ hội hợp tác lớn hơn trong quá trình này.
Hai bên hỗ trợ nhóm G20 đóng một vai trò lớn hơn về các vấn đề kinh tế quốc tế và tài chính. Chúng tôi đồng ý để thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế và cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu. Chúng tôi bảo vệ tự do thương mại và phản đối chính sách bảo hộ, và chúng tôi hy vọng vòng đàm phán Doha có tiến bộ sớm và đáng kể.
Tổng thống Obama và tôi trao đổi các quan điểm về các vấn đề quan trọng trong khu vực và quốc tế, bao gồm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân của Iran, biến đổi khí hậu và những vấn đề khác. Chúng tôi đồng ý tăng cường tham vấn và phối hợp về các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình và phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tăng cường phối hợp, hợp tác và làm việc với các bên liên quan để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo, thúc đẩy giải trừ hạt nhân ở bán đảo, và đạt được hòa bình và an ninh lâu dài ở Đông Bắc Á.
Chúng tôi sẽ làm việc với Hoa Kỳ và các nước khác để giải quyết những thách thức toàn cầu một cách hiệu quả, chẳng hạn như cuộc họp về thách thức khí hậu, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng và tài nguyên, an ninh lương thực, an ninh y tế công cộng và thiên tai nghiêm trọng, để xây một tương lai tươi sáng cho thế giới.
Tôi đã nói với Tổng thống rằng Trung Quốc cam kết tôn trọng con đường phát triển hòa bình và một chiến lược mở ra cho đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc là một người bạn và là đối tác của tất cả các nước, và Trung Quốc phát triển là cơ hội cho toàn thế giới.
Tất cả chỉ có thế. Cảm ơn quý vị.
Ông Gibbs: Ben Feller từ hãng tin AP.
Ben Feller: Cám ơn ông rất nhiều. Câu hỏi này tôi muốn hỏi cả hai vị lãnh đạo, nếu có thể được.
Tổng thống Obama, ông đã nói rất nhiều vấn đề về mối quan hệ này, nhưng tôi muốn theo sát ý kiến của ông về vấn đề nhân quyền. Ông có thể giải thích cho người dân Mỹ rằng làm thế nào Hoa Kỳ có thể liên minh được với một quốc gia nổi tiếng về việc đối xử tệ với người dân của họ, sử dụng vũ lực và kiểm duyệt để đàn áp người dân của mình? Ông có tin rằng kết quả của chuyến thăm này sẽ thay đổi điều đó?
Và nếu tôi có thể, về một chủ đề không liên quan, tôi muốn biết ông có sự suy đoán gì về người ngồi ở phía trước mặt tôi, Đại sứ Huntsman, người có thể ra tranh cử với bạn ông năm 2012.
Và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tôi muốn cho ông một cơ hội để trả lời về vấn đề nhân quyền. Làm sao ông có thể bào chữa cho những kỷ lục của Trung Quốc, và có phải ông nghĩ rằng đó là chỉ là chuyện của người Mỹ?
TT Obama: Trước hết, tôi chỉ muốn nói, tôi nghĩ Đại sứ Huntsman đã làm công việc rất tốt trong vai trò là Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Ông nói được tiếng Quan thoại. Ông có kỹ năng, cống hiến, và tài năng cho công việc. Và chuyện ông ấy thuộc một đảng khác, tôi nghĩ đó là một điểm mạnh, không phải là điểm yếu, bởi vì điều đó cho thấy cả ông ấy và tôi tin rằng tinh thần đảng phái đều kết thúc ở bên trong đất nước, và rằng chúng ta làm việc với nhau để phục vụ cho đất nước chúng ta.
Vì vậy, tôi không thể hài lòng hơn với công việc của Đại sứ. Và tôi chắc chắn ông ấy sẽ rất thành công trong bất cứ nỗ lực nào mà ông ấy lựa chọn trong tương lai (Cười). Và tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ làm việc rất tốt với tôi và sẽ là một tài sản quý giá trong bất kỳ chính đảng Cộng hòa nào (Cười).
Để tôi nói về vấn đề khác, và một vấn đề quan trọng. Trung Quốc có một hệ thống chính trị khác với chúng ta. Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển khác với chúng ta. Chúng ta đến từ các nền văn hóa khác nhau với lịch sử khác nhau. Nhưng, như tôi đã nói lúc nãy và tôi đã nhắc lại cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng, chúng ta có một số quan điểm cốt lõi như người Mỹ về tính phổ quát của một số quyền nhất định như: quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, mà chúng tôi nghĩ là rất quan trọng và áp dụng ở mọi nơi.
Tôi đã rất thẳng thắn với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về những vấn đề này. Đôi khi, các vấn đề này là nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai Chính phủ. Nhưng điều tôi tin tưởng và cũng là điều mà tôi nghĩ rằng, bảy đời Tổng thống trước đây đã tin rằng, chúng ta có thể thảo luận các vấn đề này một cách thẳng thắn, tập trung vào những lĩnh vực mà chúng ta đồng ý, trong khi chấp nhận sẽ có những lĩnh vực mà chúng ta không đồng ý.
Và tôi muốn nói rằng có một sự tiến hóa ở Trung Quốc trong 30 năm qua kể từ khi bình thường hóa các mối quan hệ đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và kỳ vọng của tôi là trong 30 năm tới chúng ta sẽ phải nhìn thấy sự tiến hóa hơn nữa và thay đổi hơn nữa.
Và như vậy, phương pháp của tôi sẽ tiếp tục là, để chào mừng những thành tựu đáng kinh ngạc của người Trung Quốc, nền văn minh khác thường của họ, nhiều lĩnh vực trong đó chúng ta phải hợp tác không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia của chúng ta mà còn vì lợi ích của thế giới; thừa nhận rằng chúng ta sẽ có sự khác biệt nhất định và thực tình mà nói, tôi nghĩ rằng bất kỳ đối tác nào cũng cần phải trung thực khi nói đến cách chúng ta xem xét nhiều vấn đề này.
Và rằng đánh giá thẳng thắn và chân thực là điều mà chúng ta sẽ tiếp tục làm. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Xin lỗi. Tôi nghĩ chúng ta đã có sự thông dịch xảy ra cùng lúc ở đó. Vì vậy, tôi đã chia các câu trả lời thành những phần nhỏ hơn.
Câu hỏi: (nói bằng tiếng Trung)
Tổng thống Obama: Xin lỗi, tôi nhận được câu hỏi bằng tiếng Trung.
Câu hỏi: Tôi từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Có một câu ngạn ngữ cũ ở Trung Quốc rằng, một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc giữ tầm quan trọng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Chúng tôi biết rằng để tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ công chúng về sự phát triển mối quan hệ này, thì cũng rất quan trọng cho sự phát triển mối quan hệ của chúng ta được duy trì liên tục, tốt đẹp và bền vững. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tôi muốn hỏi ông câu hỏi, ông nghĩ rằng hai nước cần phải làm gì để tăng thêm tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Trung – Mỹ?
Đồng thời, chúng tôi cũng lưu ý rằng, phía Hoa Kỳ đã nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng xem một nước Trung Quốc mạnh và thịnh vượng hơn. Vì vậy, tôi muốn hỏi Tổng thống Obama, rằng sâu thẳm trong trái tim ông, ông có thực sự nghĩ rằng ông có thể thoải mái với một nước Trung Quốc liên tục phát triển? Và cũng có câu hỏi này, Ông nghĩ rằng sự phát triển của Trung Quốc thực sự có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ?
Chủ tịch Hồ: (Nói qua phiên dịch) Tôi muốn trả lời câu hỏi này cho nữ nhà báo. Tôi nghĩ rằng sự giao lưu giữa hai dân tộc đại diện cho sự căn bản và là động lực đằng sau sự phát triển mối quan hệ của chúng ta. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta thấy những giao lưu mạnh mẽ hơn nữa giữa hai dân tộc. Và những sự giao lưu như vậy giúp thúc đẩy sự tăng trưởng vững chắc mối quan hệ của chúng ta.
Các số liệu thống kê tôi đã trình bày, mỗi năm chúng tôi có khoảng 3 triệu người đi lại giữa hai nước. Nói cách khác, mỗi ngày, khoảng 7.000 – 8.000 người đi lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều này khó tưởng tượng được cách nay 32 năm, khi lần đầu tiên chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy sự phát triển trên diện rộng về trao đổi ở cấp địa phương. Cho đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa 36 tỉnh và tiểu bang, và chúng tôi cũng đã phát triển 161 cặp thành phố kết nghĩa giữa hai nước chúng ta.
Chính phủ Trung Quốc ủng hộ sự giao lưu hữu nghị giữa hai dân tộc, và chúng tôi đã tạo nhiều điều kiện để mở rộng giao lưu hữu nghị giữa các dân tộc ở Mỹ và Trung Quốc.
Trong chuyến viếng thăm này, Tổng thống Obama và tôi đã đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên sẽ có những bước đi tích cực để gia tăng thêm các mối giao lưu giữa người với người. Một mặt, chúng tôi sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi ở hai nước đi đến nước kia để theo đuổi việc học hỏi thêm lẫn nhau. Và đồng thời, chúng tôi cũng đã quyết định đưa vào các cơ chế đối thoại và trao đổi giữa các tỉnh và tiểu bang khác của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ mở rộng hơn nữa giao lưu văn hóa và phát triển du lịch. Chúng tôi sẽ sử dụng nhiều loại phương tiện để tăng thêm sự trao đổi giữa người với người.
Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh ở đây là những người trẻ tuổi nắm giữ tương lai mối quan hệ này. Nó vô cùng quan trọng để gia tăng trao đổi giữa những người trẻ tuổi ở hai nước. Thông qua các cuộc trao đổi như thế, tôi hy vọng rằng tình bạn của chúng ta có thể được đẩy mạnh. Và tôi cũng hy vọng rằng trong tương lai họ có thể phục vụ như là các Đại sứ thiện chí của hai nước, và họ có thể đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.
TT Obama: Để tôi trả lời ngắn gọn câu hỏi của cô. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự trỗi dậy một cách hòa bình của Trung Quốc là tốt cho thế giới và rất tốt cho nước Mỹ. Trước hết, nó tốt là vì các lý do nhân đạo. Hoa Kỳ quan tâm đến việc thấy hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Chúng tôi tin rằng một phần của công lý và một phần của nhân quyền đó là con người có khả năng kiếm sống, có đủ thức ăn để ăn, có chỗ để ở và có điện sinh hoạt.
Và sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có cho người dân nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Và đó là lợi ích tích cực cho thế giới là điều mà Hoa Kỳ tôn trọng và đánh giá cao.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cung cấp cơ hội kinh tế rất lớn. Chúng tôi muốn bán cho quý vị tất cả các loại công cụ (Cười). Chúng tôi muốn bán cho quý vị máy bay. Chúng tôi muốn bán cho quý vị xe hơi. Chúng tôi muốn bán cho quý vị phần mềm. Và khi Chủ tịch Hồ và Chính phủ của ông lại tập trung vào nền kinh tế qua việc mở rộng nhu cầu nội địa, thì điều đó cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ, mà cuối cùng biến thành việc làm ở Mỹ.
Nó cũng có nghĩa rằng, khi mức sống ở Trung Quốc nâng cao, họ có khả năng mua sắm nhiều hơn. Tôi muốn nói rằng, điều mà tôi nghĩ, chúng tôi phải tự nhắc nhở chính mình là nền kinh tế của Hoa Kỳ vẫn lớn hơn kinh tế của Trung Quốc gấp ba lần, mặc dù dân số chỉ bằng một phần tư. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn khác biệt giữa hai nước. Và khi thu nhập trên đầu người của Trung Quốc tăng lên, điều đó sẽ cung cấp một cơ hội để gia tăng thương mại và các quan hệ thương mại có lợi cho cả hai nước.
Và cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là tiềm năng tốt cho thế giới. Trong phạm vi mà Trung Quốc hoạt động như một diễn viên có trách nhiệm trên sân khấu thế giới, trong phạm vi mà chúng ta có một đối tác bảo đảm rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt không rơi vào tay khủng bố hoặc các quốc gia hiếu chiến, với điều kiện chúng ta có một đối tác trong việc giải quyết các điểm nóng khu vực, với điều kiện mà chúng ta có một đối tác trong việc giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc xảy ra đại dịch, với điều kiện chúng ta có một đối tác giúp đỡ các nước nghèo hơn ở châu Á hay châu Phi phát triển hơn nữa để những nước này, cũng có thể là một phần của nền kinh tế thế giới, đó là điều có thể giúp tạo ra sự ổn định, trật tự và thịnh vượng trên thế giới. Và đó là loại quan hệ đối tác mà chúng tôi muốn thấy.
Và có nhiều khả năng xảy ra – nếu Trung Quốc cảm thấy tự tin và chính Trung Quốc đang thực hiện tốt về kinh tế, họ có nhiều khả năng là một đối tác hiệu quả với chúng tôi trên sân khấu thế giới.
Ông Gibbs: Hans Nichols từ báo Bloomberg.
Hans Nichols: Cảm ơn ông, ngài Tổng thống, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Thưa TT Obama, xin ông cho phép, vì có vấn đề thông dịch, nên câu hỏi đầu tiên với Chủ tịch Hồ tôi có thể nói trực tiếp được không ạ?
TT Obama: Tất nhiên.
Hans Nichols: Cảm ơn ông.
Thưa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đồng nghiệp của tôi đã hỏi ông một câu hỏi về nhân quyền, mà ông không trả lời. Tôi không biết là chúng tôi có thể nhận được câu trả lời về câu hỏi đó hay không?
Và cũng tại Capitol Hill, ông Harry Reid, lãnh đạo khối đa số Thượng viện, ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện không tham dự bữa ăn tối đêm nay. Nhiều người ở Capitol Hill xem Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế. Vậy ông có thể làm gì để làm giảm bớt nỗi lo sợ của họ?
Chủ tịch Hồ: Trước tiên, tôi muốn nói rõ, do vấn đề trục trặc kỹ thuật trong phiên dịch, tôi đã không nghe câu hỏi về nhân quyền. Tôi chỉ biết rằng anh ấy (Ben, phóng viên AP) đã hỏi TT Obama một câu hỏi trực tiếp. Khi anh (Hans, phóng viên Bloomberg) hỏi câu hỏi này, và tôi đã nghe câu hỏi rõ ràng, chắc chắn tôi trả lời câu hỏi đó.
Tổng thống Obama và tôi đã gặp nhau tám lần. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, chúng tôi có một cuộc trao đổi sâu sắc các quan điểm, trên tinh thần thẳng thắn về các vấn đề quan tâm chia sẻ và về các vấn đề đôi bên cùng quan tâm. Về những vấn đề mà chúng tôi đã trao đổi, chúng tôi cũng đã thảo luận về nhân quyền.
Trung Quốc luôn luôn cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Và trong vấn đề nhân quyền, Trung Quốc cũng đạt được tiến bộ to lớn, được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Trung Quốc công nhận và cũng tôn trọng tính phổ quát về nhân quyền. Và đồng thời, chúng tôi tin rằng chúng tôi cũng cần tính đến hoàn cảnh quốc gia khác nhau khi nói đến các giá trị phổ quát về nhân quyền [Thực ra, mấy chữ “giá trị phổ quát” (“universal value”) là của người phiên dịch Trung Quốc, chứ Hồ Cẩm Đào chỉ nói “nguyên lý phổ quát” (“universal principle”), xin xem http://www.nytimes.com/2011/01/22/world/asia/22hu.html?_r=1&ref=politics. Cần nhớ rằng xưa nay Trung Quốc luôn luôn phủ nhận quan điểm nhân quyền là một giá trị phổ quát, kết án rằng đó là sản phẩm của phương Tây và không phù hợp với Trung Quốc – BVN].
Trung Quốc là một nước đang phát triển với dân số rất đông và cũng là một nước đang phát triển trong giai đoạn cải cách quan trọng. Trong bối cảnh này, Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về phát triển kinh tế và xã hội. Và rất nhiều điều cần phải làm ở Trung Quốc, liên quan đến nhân quyền.
Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để cải thiện đời sống người dân Trung Quốc, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy dân chủ và pháp quyền ở đất nước chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục có những trao đổi và đối thoại với các nước khác về nhân quyền, và chúng tôi cũng sẵn sàng học hỏi lẫn nhau liên quan đến những thực tiễn tốt đẹp.
Như Tổng thống Obama vừa nói, mặc dù có những bất đồng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền, Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại và trao đổi với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Qua cách này, chúng tôi có thể tăng thêm hiểu biết lẫn nhau, làm giảm những bất đồng, và mở rộng những nguyên lý chung của chúng tôi.
Đối với câu hỏi thứ hai về sự có mặt tại bữa ăn tối nhà nước của một số người Quốc hội, những người nào sẽ tham dự và những người nào sẽ không tham dự, và vì lý do gì, tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama chắc chắn là ở một vị trí tốt hơn để trả lời câu hỏi này (Cười).
TT Obama: Có phải đó là câu hỏi mà ông muốn đặt ra cho tôi không, Hans? (Cười). Ông có được một câu.
Hỏi: Tôi có một câu hỏi về xuất khẩu và việc làm.
TT Obama: Được.
Hỏi: Ngài vừa nói về một số hợp đồng mà ngài vừa ký ở đây, về tầm quan trọng của xuất khẩu, mục tiêu của ngài là tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu cho tới chiến lược về việc làm của ngài. Đồng thời ngài nói, cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hối đoái và đồng nhân dân tệ bị định giá thấp.
TT Obama: Vâng.
Câu hỏi: Trung Quốc giảm giá trị tiền tệ ở mức độ nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển công việc ở đất nước này và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp của ông?
TT Obama: Vâng, tôi nghĩ rằng điều quan trọng để chúng tôi xem xét toàn bộ các quan hệ kinh tế, và các vấn đề tiền tệ là một phần của nó.
Lần đầu tiên tôi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là vào tháng 4 năm 2009. Đó là tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tiên mà tôi tham dự, khi chúng tôi đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất mà chúng tôi đã trải qua từ thập niên 1930. Và ngay cả khi chúng tôi đã cố gắng để ổn định hệ thống tài chính, hoàn toàn rõ ràng là chúng tôi không thể quay trở lại hệ thống, trong đó Hoa Kỳ đi vay ồ ạt, tiêu thụ ồ ạt, mà không sản xuất và bán cho phần còn lại của thế giới, tạo ra sự mất cân bằng rất lớn, đã góp phần vào cuộc khủng hoảng. Và đó là lý do tại sao chúng tôi thúc đẩy và tại sao các nước G20 đã thông qua một khuôn khổ, kêu gọi tái cân bằng nền kinh tế thế giới.
Bây giờ, điều đó cho chúng ta một số trách nhiệm. Chúng ta phải tiết kiệm nhiều hơn trên đất nước này. Chúng ta phải cắt giảm những mức nợ nần to lớn ở cả khu vực tư nhân mà còn trong khu vực tư nhân [công?]. Điều đó cũng có nghĩa là có những cải cách cơ cấu mà chúng ta phải trải qua để làm cho chính chúng ta cạnh tranh hơn trong nền kinh tế thế giới. Vì vậy, bảo đảm rằng chúng ta có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, mà chúng ta đang đào tạo các Kỹ sư nhiều hơn các Luật sư, và đảm bảo rằng chúng ta xử lý các vấn đề tài khóa của chúng ta, đảm bảo rằng chúng ta có cơ sở hạ tầng thuộc đẳng cấp thế giới, đây là những phần quan trọng của chúng ta có thể cạnh tranh và có thể xuất khẩu.
Điều đó cũng có nghĩa là, mặc dù chúng ta có một sân chơi bình đẳng khi nói đến các đối tác kinh doanh của chúng ta. Và như vậy, đối với Trung Quốc, những gì mà Chủ tịch Hồ và bản thân tôi và phái đoàn của chúng tôi đã thảo luận là làm thế nào để chúng tôi đảm bảo rằng trong thực tế, mối quan hệ kinh doanh của chúng tôi là công bằng và trong tình hình đôi bên cùng có lợi ngược với tình hình kẻ được, người mất.
Một số điều trong đó phải làm với những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến tiền tệ. Ví dụ, chúng tôi đang có tiến triển và đảm bảo rằng quá trình mua sắm của Chính phủ Trung Quốc là mở rộng và công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ. Và chúng tôi đã đạt được tiến bộ là kết quả của chuyến thăm cấp nhà nước này.
Một số vấn đề phải làm liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, chúng tôi vừa có một cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp, và Steve Ballmer của Microsoft đã nêu ra rằng ước tính trong 10 sản phẩm của họ, chỉ có một khách hàng là thực sự trả tiền ở Trung Quốc. Và vì vậy chúng ta có thể có được thực thi tốt hơn, vì đó là một lĩnh vực mà Mỹ vượt trội – sở hữu trí tuệ và các sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao.
Và Chính phủ Trung Quốc đã, với uy tín của họ, từng bước thực thi sở hữu trí tuệ tốt hơn. Chúng tôi đã có thỏa thuận thêm như là một kết quả của chuyến thăm cấp nhà nước này. Và tôi nghĩ rằng Chủ tịch Hồ thừa nhận rằng có nhiều điều cần phải làm.
Nhưng vấn đề tiền tệ là một phần của vấn đề. Đồng nhân dân tệ bị định giá thấp. Chính phủ Trung Quốc đã can thiệp rất mạnh vào thị trường tiền tệ. Họ đã bỏ ra 200 tỉ đô la thời gian gần đây, và đó là một chỉ dấu về mức độ mà nó vẫn còn có giá trị thấp.
Chủ tịch Hồ đã cho thấy, ông cam kết hướng tới một hệ thống dựa vào thị trường. Và đã có sự thay đổi, nhưng không thay đổi nhanh như chúng tôi muốn. Và những điều mà tôi đã nói với Chủ tịch Hồ – và tôi tin chắc rằng điều này – không phải các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc nếu chúng ta có một loại tiền tệ theo tỉ giá thị trường, mà nó còn tốt cho Trung Quốc và chương trình nghị sự về mở rộng nhu cầu nội địa của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Bởi vì nếu đồng nhân dân tệ có giá trị hơn, có nghĩa là nó có thể mua thêm các sản phẩm và dịch vụ, và điều đó sẽ đóng góp cho Trung Quốc có sức mua lớn hơn và có tiêu chuẩn sống cao hơn.
Vì vậy, đây là điều mà đôi bên cùng có lợi. Điều mà Chủ tịch Hồ quan tâm có thể hiểu được, về quá trình chuyển đổi này nhanh như thế nào và những gián đoạn có thể xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu. Nhưng tôi tin rằng đó là điều đúng cần làm, và hy vọng và kỳ vọng của tôi là, việc giải quyết của Chủ tịch Hồ sẽ dẫn đến một chương trình tiền tệ hoàn toàn dựa vào thị trường, sẽ cho phép [sự trao đổi] thương mại giữa hai nước chúng ta hiệu quả hơn.
Câu hỏi: Vì việc thông dịch bị ngắt quãng do các buồng phiên dịch phải hoạt động đồng thời, tôi muốn nhờ người phiên dịch Trung Quốc dịch liên tục hai câu hỏi của tôi một cách đúng đắn và chính xác (Cười).
Câu hỏi đầu tiên của tôi dành cho Tổng thống Obama: Nhiều người tin rằng vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ này là thiếu sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược. Ông có đồng ý với quan điểm này? Và ông nghĩ rằng hai bên cần tăng cường sự tin tưởng chung mang tính chiến lược như thế nào? Và ông nghĩ rằng hai bên cần xử lý một cách thích hợp những khác biệt và mở rộng lợi ích chung như thế nào?
Câu hỏi thứ hai của tôi dành cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Chúng tôi lưu ý rằng cả hai lãnh đạo Trung – Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh thực tế là ảnh hưởng và tầm quan trọng trong mối quan hệ Trung – Mỹ đã đi xa hơn khuôn khổ song phương. Trung Quốc và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều vấn đề cả hai cùng quan tâm và chung vai gánh trách nhiệm quan trọng trong việc giải quyết một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu. Vì vậy, câu hỏi của tôi là, ông nghĩ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đẩy mạnh hợp tác trong một nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng như thế nào?
TT Obama: Rõ ràng chúng ta càng có thể xây dựng một niềm tin căn bản hơn – như anh gọi là "sự tin cậy lẫn nhau mang tính chiến lược " – thì chúng ta càng có nhiều khả năng hơn để giải quyết các vấn đề xích mích hoặc những vấn đề khó chịu tồn tại trong mối quan hệ giữa hai nước một cách xây dựng hơn. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng, rất quan trọng không chỉ cho chính quyền mà người dân ở cả hai nước hiểu rõ những thách thức mà mỗi nước phải đối mặt và không chỉ nhìn mọi vấn đề qua lăng kính của sự cạnh tranh đối đầu.
Chẳng hạn, tôi biết rằng ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng Hoa Kỳ quan tâm đến việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Như tôi đã nói trong câu trả lời cho một người hỏi trước, chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm rằng sự trỗi dậy đó được thực hiện bằng cách nâng cao các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế, và tăng cường an ninh và hòa bình, chống lại việc nó (sự gia tăng này) là nguồn gốc của sự xung đột, hoặc trong khu vực hoặc quanh thế giới.
Và các cuộc đối thoại an ninh và kinh tế mà chúng tôi đã thực hiện, được thiết kế một cách chính xác để giảm bớt những nghi ngờ, để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta càng hiểu rõ những thách thức của nhau thì chúng ta càng có thể tận dụng các cơ hội.
Chủ tịch Hồ: (Nói qua phiên dịch) Như phóng viên đặt câu hỏi đã nói, nhân loại thế giới ngày nay phải đối mặt với những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng. Và tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng không một quốc gia có thể vô sự khi đối mặt với rất nhiều thách thức toàn cầu. Và không một quốc gia nào có thể giải quyết những thách thức toàn cầu một mình.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực chống khủng bố, duy trì an ninh của nhân loại, hoặc trong việc xử trí cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế thế giới trong việc giải quyết các điểm nóng khu vực, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống vi phạm bản quyền, ngăn ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm, tất cả các lĩnh vực này, các nước cần phải làm việc với nhau để giải quyết các thách thức.
Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất, và Hoa Kỳ là quốc gia đã phát triển lớn nhất. Trong bối cảnh này, rất cần thiết cho Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác để đáp ứng những thách thức đó.
Làm thế nào để Trung Quốc và Mỹ có thể làm việc tốt hơn trong việc cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu? Tôi nghĩ rằng có ba điểm tôi muốn nói, và ba điểm này xứng đáng để chúng ta chú ý và cân nhắc.
Một là, hai bên hành động trong tinh thần hợp tác, như thể chúng ta ở trong cùng một thuyền và chúng ta nên cùng chèo [chiếc thuyền] đi về một hướng, khi chúng ta giải quyết những thách thức quốc tế, và tôi nghĩ chúng ta cần phải giữ vững tinh thần trong tương lai khi chúng ta giải quyết những thách thức.
Hai là, chúng ta cần gia tăng sự giao tiếp và phối hợp. Và thứ ba là, chúng ta cần phải tôn trọng và điều tiết các lợi ích và mối quan tâm của nhau. Tôi tin rằng miễn là hai bên của chúng ta tiếp tục hành động trên tinh thần đó, và miễn là chúng ta tiếp tục cùng làm việc với các nước khác có liên quan, chúng ta có thể hợp tác ngay cả trong một phạm vi rộng lớn hơn của khu vực, cho lợi ích hòa bình và phát triển thế giới.
TT Obama: Được. Tất cả mọi người, cảm ơn quý vị rất nhiều về sự kiên nhẫn của quý vị do những khó khăn về kỹ thuật.
Thưa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, một lần nữa, chúng tôi đánh giá cao chuyến viếng thăm của ông. Chúng tôi đánh giá cao cuộc đối thoại. Và chúng tôi rất mong được ăn tối với ông sau đó trong buổi tối này.
Cảm ơn tất cả mọi người.
Ngọc Thu dịch từ Whitehouse
Video buổi họp báo: Video TT Obama đón Hồ Cẩm Đào với 21 phát đại bác: http://www.whitehouse.gov/blog/2011/01/19/president-obama-welcomes-president-hu-china-white-house
Video người dân biểu tình chống Hồ Cẩm Đào bên ngoài Nhà Trắng:
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
-Hồ Cẩm Đào chơi khăm Mỹ?
Ngọc Thu
Trong buổi họp báo với Tổng thống Obama chiều thứ Tư ngày 19 tháng 1 vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc, kết thúc với những lời lẽ đã làm cho nhiều người cảm động và có thể nhiều người Mỹ tin rằng đó là những lời nói xuất phát tự đáy lòng của ông:
“Làm thế nào để Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác tốt hơn trong việc cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu? Tôi nghĩ rằng có ba điểm tôi muốn nói, và ba điểm này đáng để chúng ta chú ý và cân nhắc.
Một là, hai bên hành động trên tinh thần hợp tác, như thể chúng ta đang ở trong cùng một chiếc thuyền và chúng ta nên cùng chèo chiếc thuyền đi về một hướng, khi chúng ta giải quyết những thách thức quốc tế. Và tôi nghĩ chúng ta cần phải giữ vững tinh thần trong tương lai khi chúng ta giải quyết những thách thức.
Hai là, chúng ta cần gia tăng việc liên lạc và phối hợp với nhau.
Và thứ ba là, chúng ta cần phải tôn trọng và điều tiết các lợi ích và mối quan tâm của nhau. Tôi tin rằng, miễn là hai bên chúng ta tiếp tục hành động trên tinh thần đó, và miễn là chúng ta tiếp tục cùng làm việc với các nước khác có liên quan, chúng ta có thể hợp tác ngay cả trong một phạm vi rộng lớn hơn của khu vực, cho lợi ích cho hòa bình và phát triển thế giới”.
Tuy nhiên, sau khi đưa ra những lời lẽ “có cánh” nói trên chẳng được bao lâu, chỉ vài tiếng sau đó, trong bữa tiệc ăn tối cấp quốc gia tại Nhà Trắng, bản nhạc chống Mỹ đã được trình diễn. (Phút 6’24”):
Bài hát chống Mỹ này có tựa đề “Quê hương tôi”, do nhạc sĩ dương cầm Lang Lang, 28 tuổi, gốc Trung Quốc, trình diễn trong buổi tiệc tối cấp quốc gia tại Nhà Trắng, là bài hát chống Mỹ rất nổi tiếng. Đây là bài hát chính trong bộ phim tuyên truyền chống Mỹ của Trung Quốc hồi chiến tranh Triều Tiên, khi quân đội Trung Quốc đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên đánh Mỹ. Tựa đề của bộ phim này là: “Battle of Triangle Hill”, tức “Trận đánh đồi Tam giác”, mà hầu người Trung Quốc nào cũng đều biết đến. (Link bài hát trong bộ phim “Battle of Triangle Hill”: )
Cũng xin nhắc thêm, trong buổi họp báo nói trên, ông Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trẻ:
“Chúng tôi đồng ý khuyến khích mọi thành phần xã hội thực hiện các loại hình về các hoạt động giao lưu. Đặc biệt, chúng tôi hy vọng nhiều vào những người trẻ tuổi, hy vọng họ sẽ hiểu thêm về đất nước của nhau và tham gia nhiều hơn các buổi giao lưu giữa người với người, giữa hai nước chúng ta.
Trong chuyến viếng thăm này, Tổng thống Obama và tôi đã đạt được một thỏa thuận mà hai bên sẽ có những bước đi tích cực để gia tăng thêm các mối giao lưu giữa người với người. Một mặt, chúng tôi sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi ở hai nước, đi đến nước kia để theo đuổi việc học hỏi lẫn nhau. Và đồng thời, chúng tôi cũng đã quyết định đưa vào các cơ chế đối thoại và trao đổi giữa các tỉnh và tiểu bang khác của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh ở đây là, những người trẻ tuổi nắm giữ tương lai mối quan hệ này. Nó vô cùng quan trọng để gia tăng trao đổi giữa những người trẻ tuổi ở hai nước. Thông qua các cuộc trao đổi như thế, tôi hy vọng rằng tình bạn của chúng ta được đẩy mạnh. Và tôi cũng hy vọng rằng trong tương lai họ có thể phục vụ như là các đại sứ thiện chí của hai nước, và họ có thể đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi”.
Và một thanh niên trẻ gốc Trung Quốc có lẽ đã hưởng ứng lời phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào khi chơi bản nhạc chống Mỹ trong buổi tối hôm ấy.
Rất nhiều thanh niên Trung Quốc đã ca tụng Lang Lang trên mạng như một vị anh hùng. Một người gốc Trung Quốc đã comment như sau: “Lang Lang, hay lắm! Hoan hô! Tôi rất tự hào là một người Trung Quốc và tôi rất tự hào về anh!!”. Một người khác viết: “Lang Lang rất can đảm khi chơi bài hát này trong Nhà Trắng. Bài hát này được viết trong chiến tranh Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc”. Một người comment: “Wow! Dường như Nhà Trắng đã bị người Trung Quốc xâm nhập”.
Đây là một sự sỉ nhục người Mỹ khi phía Trung Quốc cho chơi bản nhạc này tại bữa tiệc tối cấp quốc gia ở Nhà Trắng do Tổng thống Obama thết đãi.
Điều này nhắc nhở người Việt Nam chúng ta, hãy luôn cảnh giác với người “bạn” hữu nghị “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Trước mặt chúng ta, họ bắt tay thân thiện, nhưng đằng sau lưng, họ sẵn sàng đâm những nhát dao chí tử vào chúng ta.
N. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.