Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Hoa Kỳ, Một Đế Quốc Hoang Mang

-Hoa Kỳ, Một Đế Quốc Hoang Mang Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune 20101212

Một nước Cộng hoà với sự cám dỗ trở thành Đế quốc... 


Hoa Kỳ là một nước Cộng hoà, theo thể chế kết hợp nhiều tiểu bang và sắc tộc sống chung trên một lãnh thổ vuông vức an lành của liên bang, mà không bị lân bang nào đe dọa. Nước Cộng hoà này lại rất trẻ, mới chỉ 235 tuổi, nhưng cũng là nền dân chủ cổ xưa nhất so với các quốc gia dân chủ chỉ có hiến pháp như hiện nay sau nước Mỹ khá lâu.

Mâu thuẫn đầu tiên của Hoa Kỳ là trong thế kỷ 20, nền Cộng hoà này phát triển rất nhanh và trở nên cường quốc hùng mạnh nhất, với ảnh hưởng bao trùm lên nhiều khu vực và quốc gia khác của địa cầu.

Hoa Kỳ là một nước Cộng hoà với sự cám dỗ trở thành Đế quốc, là khả năng chính trị và địa dư của một đại cường có thể khống chế nhiều nước khác. Được bầu lên theo thể thức dân chủ, Tổng thống Hoa Kỳ đôi khi còn có quyền lực hơn nhiều Hoàng đế của các Đế quốc thời xưa.

Khi ta nghe dân Mỹ - từ lãnh đạo trở xuống - nói rằng "Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới" thì đó là sự cám dỗ của tinh thần Đế quốc cho một nước Cộng Hoà. Trong thâm tâm, các quốc gia hay dân tộc khác không ưa gì chữ "lãnh đạo" ấy! Ai khiến Mỹ cứ xía vào chuyện thiên hạ? Các chế độ độc tài thì kết luận ngay từ đầu, từ thế kỷ trước, rằng Hoa Kỳ là một Đế quốc. Đánh "Mỹ đế" cho Quốc tế Cộng sản còn là nghĩa vụ của nhiều thế hệ!

Khi thế kỷ 21 mở ra thì lần đầu tiên mà lãnh thổ Mỹ, ở nơi then chốt nhất là trong lục địa, lại bị khủng bố tấn công: vụ 9-11. Mà khủng bố tấn công vào đầu não quân sự là Ngũ giác đài ở thủ đô chính trị và đầu não tài chánh là New York. Vì vậy, biến cố năm 2001 khiến Hoa Kỳ thực sự hành xử như một Đế quốc. Một cách bất đắc dĩ mà triệt để.

Hoa Kỳ khai chiến khắp nơi, dưới hình thức đa diện, chứ không thuần túy quân sự như tại A Phú Hãn và Iraq. Lý luận dữ dội và ngang ngược ở đây là "xứ nào chứa chấp khủng bổ thì là kẻ thù", và an ninh của Hoa Kỳ cùng việc truy lùng khủng bố là tiêu chuẩn xác định bạn/thù. Mươi năm trước, tuyệt đại đa số dân Mỹ hoàn toàn ủng hộ lý luận đó của Tổng thống George W. Bush.

Mâu thuẫn thứ hai là đa số dân Mỹ lại không hiểu được rằng vì vậy nước Mỹ hành xử như Đế quốc!

Một Cộng hoà Đế quốc? Một Tổng thống Đại đế?

Thực ra, nhiều tổng thống Mỹ đã quyền biến như vậy và có làm thay đổi bộ mặt của thế giới mà chính dân Mỹ lại không biết. Franklin D. Roosevelt và Ronald Reagan là hai thí dụ xuất sắc nhất.

Roosevelt liên kết với Liên Xô để đánh gục Đức quốc xã rồi chia đôi Âu châu. Ông hy sinh phân nửa Âu châu ở miền Đông, và cho binh đội Mỹ có mặt tại phân nửa miền Tây, như các Lữ đoàn Viễn chinh của Đế quốc La Mã thời xưa. Reagan vượt qua hàng rào phản chiến của Âu châu dân chủ và bày ra cuộc chạy đua khiến Đế quốc Xô viết hụt hơi tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc mà Mỹ khỏi tốn một viên đạn. Cứ tưởng rằng hai ông này đàng hoàng tử tế, chứ không gian hùng như Richard Nixon đã bất ngờ bắt tay Trung Quốc và hất "tiền đồn Thế giới Tự do" là miền Nam xuống biển!

Với đa số người dân, Hoa Kỳ đâu đến nỗi hắc ám như vậy vì là quốc gia đầy từ tâm đã hào hiệp viện trợ hay cứu giúp mọi người. Nước Mỹ là nơi mà tổng số chi tiêu của việc từ thiện vượt xa ngân sách về súng đạn, vốn dĩ không nhỏ. Họ không hiểu cũng phải. Hãy nhớ lại là trong năm Canh Dần vừa qua, thế giới bị rất nhiều thiên tai mà Hoa Kỳ luôn luôn dẫn đầu việc cứu trợ. Rất nhanh và rất nhiều. Hình ảnh hàng không mẫu hạm Carl Vinson vượt sóng Carribe vào cứu nạn nhân động đất tại Haiti vào đầu năm 2010 là biểu tượng của một Đế quốc... có từ tâm! Các cựu Tổng thống như George H. Bush và Bill Clinton đi vận động cứu trợ thiên hạ, dễ thương như những ông Bụt.

Cho nên, nhìn trong trường kỳ thì giữa hai ngả đường, là một siêu cường Cộng hoà hay một Đế quốc, dân Mỹ vẫn chưa dứt khoát được. 


Thế rồi tai họa kinh tế ập xuống khi cuộc chiến chưa tàn.

Trong hai năm 2008-2009, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm nặng nhất kể từ cuộc Tổng khủng hoảng thời 1929-1933. Và năm qua vẫn chưa ra khỏi khốn đốn. Hơn 15 triệu người thất nghiệp, trong đó sáu triệu tìm việc từ hơn sáu tháng mà chưa ra, sau khi đã thấy các tổ hợp tài chánh lớn nhất sụp đổ, tổ hợp xe hơi GM xém vỡ nợ và mấy ngàn tỷ đô la được bơm ra từ hai vòi nước, của Ngân hàng Trung ương và Ngân sách Quốc gia. Mà chưa có kết quả. Trong khi ngân sách khiếm hụt nặng hơn và gánh nợ nần thì đã vượt khỏi tầm nhìn của mọi người.

Sau hai năm hốt hoảng là một năm bàng hoàng!

Mọi thành phần dân chúng bây giờ, từ tỷ phú tổng quản trị đến nhà đầu tư cò con, từ các gia đình vặt mũi bỏ mồm đến người đang kiếm việc, đều nhìn thấy rất nhiều rủi ro trước mắt. Người người đều tìm cách hạn chế chi tiêu để trả nợ và do dự rất lâu khi phải quyết định bung ra làm ăn vì những bất trắc trước mặt. Các doanh nghiệp đang ngồi trên một núi hiệm kim trị giá nhiều ngàn tỷ đô la mà không dám đầu tư - và vì vậy, vẫn chưa tuyển người. Liều lĩnh lắm thì thuê người theo kiểu bán thời, vừa dễ sa thải vừa nhẹ gánh an sinh, phúc lợi hay bảo hiểm.

Thành phần lạc quan tin tưởng rằng lợi tức năm tới sẽ khá hơn năm nay chỉ là thiểu số, chừng 25%.

Nhìn trong trường kỳ thì quốc gia quá trẻ này có hai phản ứng trái ngược, mà lại dễ hiểu.

Dân Mỹ vững tin vào định mệnh ưu việt của một quốc gia giàu mạnh nhất nên lạc quan cho rằng Hoa Kỳ có thể làm được mọi chuyện. Kể cả lên cung trăng. Và  họ tin rằng người nào trên thế giới cũng chỉ mong thành người Mỹ, xếp hàng xin giấy nhập cảnh vào Mỹ. "Giấc mơ Hoa Kỳ" là giấc mơ toàn cầu, thế hệ di dân thứ hai có thể thành triệu phú, hay phi hành gia vuốt mặt nguyệt cầu. Vì vậy, họ sẵn sàng ra tay cứu khổn phò nguy ở mọi điểm nóng trên thế giới, có khi bị đả kích là Đế quốc mà không hiểu vì sao.

Nhưng cũng dân Mỹ đó, khi gặp chuyện bất ngờ thì hốt hoảng tự hỏi "why me?" 

Các dân tộc khác đều đã có thể bị ngoại xâm hay khủng bố - nhiều lần - và nếu trôi lăn trong khủng hoảng kinh tế thì thắt lưng buộc bụng, rau cháo có nhau. Người Mỹ thì chưa trải qua những thế kỷ u ám đó. Vì vậy, sau cơn hốt hoảng thì chính người Mỹ lạc qua hôm qua lại trở thành người Mỹ bi quan hôm nay và vào phòng phiếu  trong tinh thần đó. Hai năm qua là một sự bi quan phổ biến, từ giới có tiền và dám đánh cược với thị trường là các nhà đầu tư, đến những người trước đây vẫn tin vào chính nghĩa "tế khổn phò nguy" về đối ngoại.

Hãy nhắc tới hai thí dụ điển hình về kinh tế kiêm chính trị.

Sau trăm năm đề cao tự do ngoại thương là giải pháp lý tưởng cho mọi quốc gia, cho kẻ mua lẫn người bán, đa số dân Mỹ ngày nay bỗng hoài nghi và thủ thế bằng phản ứng "bảo hộ mậu dịch". Yêu nước Mỹ thì phải mua hàng Mỹ, để tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ. Viên kỹ sư tại Ấn Độ đang trả lời thân chủ Mỹ của một doanh nghiệp Mỹ là người đã cướp mất việc làm của một kỹ sư Mỹ! Các chính khách mau mắn nhảy vào khai thác tinh thần thụt lùi đó, ra cái điều quan ngại cho quyền lợi của người dân.

Từ đó mới có Quốc sách Xuất cảng, được Tổng thống Hoa Kỳ thông báo hồi đầu năm  2010 trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang và khởi động từ Tháng Ba: xuất cảng trở thành nhiệm vụ chiến lược của chính phủ. Ngoài chức năng cố hữu của bộ Thương mại, Hội đồng Thương mại Quốc tế hay Ngân hàng Xuất nhập cảng Eximbank, v.v... các phủ bộ như Hội đồng An ninh Quốc gia bên Tổng thống hay cả bộ Ngoại giao từ nay phải góp phần đẩy mạnh xuất cảng. Bành trướng thị trường không là chức năng tự phát của các doanh nghiệp mà thuộc trách nhiệm của chính trường, của nhà nước. Rất màu sắc Trung Quốc.

Hậu quả?

Xưa nay, Hoa Kỳ dùng ngoại thương làm đòn bẩy để tranh thủ lòng người. Quốc gia nào có lập trường ngoại giao thân hữu với nước Mỹ sẽ dễ làm ăn buôn bán, nhất là bán cho một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Đế quốc đầy từ tâm đã mua hàng của thiên hạ để mua phiếu của các đồng minh nhằm giải quyết thiên hạ sự.

Bây giờ, Đế quốc ngập nợ và hốt hoảng này sẽ... tranh ăn với thiên hạ. 

Mua ít hơn và bán nhiều hơn để còn trả nợ và tìm việc cho dân thất nghiệp. Phản ứng bi quan khiến ngoại thương từ nay sẽ chi phối ngoại giao. Chuyện phân định bạn thù lại có thêm một tiêu chuẩn mới. Hoa Kỳ là một quốc gia đang lâm chiến, lại hoang mang về chuyện bạc tiền và sẽ trải qua nhiều năm xoay trở giữa một chuỗi mâu thuẫn - như một vòng luẩn quẩn.

Tương lai?

Không phải là kết quả tranh cử năm 2012 sẽ làm thay đổi tình hình. Chính là dân Mỹ mới quyết định về lá phiếu căn cứ trên cảm quan của mình. Tâm lý hoảng loạn năm 2008 mới dẫn tới việc cử tri chọn lựa một tay mơ là Nghị sĩ Barack Obama. Hai năm sau khi lèo lái con thuyền quốc gia bơi lòng vòng trong bão tổ, cuối năm 2010, Obama có tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn Tổng thống sặc mùi Đế quốc là George W. Bush vào lúc thất thế nhất. Vì tâm trạng bàng hoàng của dân Mỹ.

Điều gì sẽ cứu nước Mỹ? Người viết mà biết được thì đã... khỏi viết mà đi làm việc khác!

Nhưng, nước Mỹ tuyệt vời này có cho chúng ta một cái quyền, là tha hồ phát biểu!  Cho nên xin dự đoán một trong hai chuyện. Hoa Kỳ có thể rũ cơn bàng hoàng bải hoải hiện nay nếu... lại bị tấn công lần nữa. Nghĩa là đang lâm chiến lại còn gặp một cuộc chiến khác. Và lại nổi điên!

Hoà bình và chậm rãi hơn, nước Mỹ có thể bớt hoang mang khi kinh tế hồi phục mạnh hơn mọi dự báo và các doanh nghiệp lại vùng ra đầu tư và dám lấy rủi ro. Trong năm 2011, ai cũng có thể mong muốn kịch bản thái hòa này, nhưng nên e sợ giả thuyết thứ nhất.


Vì thế giới không chỉ có Hoa Kỳ.

Nhiều quốc gia khác cũng có thể nhân khi dân Mỹ bần thần mà chơi bạo! Suy đi nghĩ lại, ta không mấy lạc quan về viễn ảnh 2011, năm Mão có khi còn dữ hơn năm Dần! Và nước Mỹ càng dễ trôi vào con dốc Đế quốc... trong khi gánh nợ vẫn chưa nguôi vì đã vay mượn quá nhiều khi lạc quan, rồi còn vay mạnh hơn khi bi quan!

Chúng ta sẽ còn mất nhiều thời giờ mới hiểu (gần) hết thực chất đầy mâu thuẫn của nước Mỹ!....

Tổng số lượt xem trang