-Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh nên ‘chiếm lại’ Trường Sa
Duy Ái
Một học giả Trung Quốc mới đây đã lên tiếng hối thúc chính phủ ở Bắc Kinh nhanh chóng dùng vũ lực để thực hiện điều gọi là “chiếm lại” những hòn đảo thuộc quần đảo Tây Sa, mà Việt Nam gọi là Trường Sa, từ tay các nước nhỏ hơn trong vùng Đông Nam Á.
Trong khi đó, các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đã đề cập tới việc Bắc Kinh âm thầm gia tăng ảnh hưởng ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Sô cũ và gợi ý rằng Trung Quốc có thể đang từ bỏ sách lược bành trướng về hướng đông để theo đuổi chính sách Tây Tiến được Trung Tướng Lưu Á Châu của Học viện Quốc phòng Trung Quốc mạnh mẽ cổ xướng trong nhiều năm qua. Mời quí vị xem Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Hình: c7f.navy.mil/
Giáo sư Hứa Khả cho rằng sức mạnh trên biển của Trung Quốc hiện còn thua kém Hoa Kỳ quá nhiều nên Trung Quốc không thể có hành động quá khích
Tại cuộc họp báo hôm thứ 5 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, đã nhắc lại lời trấn an của chính phủ ở Bắc Kinh trước những mối lo ngại của quốc tế về sự phát triển rất đỗi nhanh chóng của quân đội Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi xin nhấn mạnh một điều là Trung Quốc kiên quyết đi theo con đường phát triển một cách hòa bình, thực thi chính sách quốc phòng có tính chất phòng vệ và không tạo ra sự đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.”
Người phát ngôn của Trung Quốc đã tuyên bố như vậy một ngày sau khi trang mạng Xinhua do nhà nước kiểm soát cho đăng một bài phỏng vấn trong đó một chuyên gia hải dương của Đại học Hạ Môn hối thúc chính phủ nhanh chóng dùng vũ lực để đạt mục tiêu gọi là “lấy lại” từ tay các nước nhỏ hơn trong vùng Đông Nam Á những hòn đảo đang có tranh chấp ở Biển Nam Trung hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Trong bài báo này, giáo sư Hứa Khả đề nghị chính phủ huy động một lực lượng tuần dương hùng hậu đến xua đuổi tất cả tàu bè nước ngoài xâm phạm vùng biển mà ông gọi là của Trung Quốc bên trong đường biên giới 9 đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò”. Ông nói rằng Trung Quốc nên nhân lúc này là lúc mà sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với các nước Asean về vấn đề Biển Đông đang còn ở trong giai đoạn phôi thai để thừa cơ “đoạt lại” toàn bộ quần đảo Trường Sa. Giáo sư Hứa Khả nói thêm rằng việc vấn đề Biển Đông không thể trì hoãn vì giải quyết trễ chừng nào thì cái giá mà Trung Quốc phải trả về kinh tế và chính trị càng cao chừng đó.
Những chủ trương “hung hãn” của học giả Trung Quốc đã được đưa ra trong lúc một số các nhà quan sát tình hình Á châu cho biết Trung Quốc đã âm thầm bành trướng thế lực kinh tế và quân sự tới các quốc gia Trung Á thuộc Liên Sô cũ. Theo bài tường thuật hôm chủ nhật (mồng 2 tháng 1, 2011) của tờ New York Times, các giới chức Bắc Kinh xem Trung Á là một vùng biên cương trọng yếu đối với Trung Quốc trong các lãnh vực an ninh năng lượng, khuyếch trương mậu dịch, ổn định sắc tộc và phòng vệ đất nước. Bài báo cho biết các công ty quốc doanh đã tiến sâu vào khu vực này với những đường ống dẫn dầu lửa và khí đốt, đường xe lửa và đường cao tốc trong lúc chính phủ đã lập ra các Viện Khổng Tử tại các thủ đô vùng Trung Á để truyền bá văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường vị thế quân sự trong khu vực với việc thực hiện những cuộc tập trận qui mô lớn tại Kazakhstan hồi tháng 9 trong khuôn khổ của các cuộc diễn tập hàng năm với một số nước Trung Á. Và theo một công điện ngoại giao mật của Mỹ bị trang mạng WikiLeaks tiết lộ hồi gần đây, các giới chức Hoa Kỳ nghi là Trung Quốc đã đề nghị viện trợ 3 tỉ đô la cho Kyrgyzstan để chính phủ nước này đóng cửa một căn cứ không quân của Mỹ.
Một số nhà quan sát cho rằng diễn tiến vừa kể có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ sách lược “Đông Tiến” — bành trướng về hướng biển phía đông, để theo đuổi chủ trương “Tây Tiến” — bành trướng về lục địa phía tây, mà Trung Tướng Lưu Á Châu của Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã cổ xướng từ nhiều năm nay. Tiến Sĩ Dương Trung Mỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Nhật Bản, cho rằng sự bành trướng của Trung Quốc là một xu thế tất nhiên vì sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nước này, nhưng Bắc Kinh cần phải xem tới vấn đề “nặng nhẹ nhanh chậm” để lựa chọn giữa hai con đường “Tây Tiến” và “Đông Tiến”. Ông Dương nói thêm như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Hoa Ngữ đài VOA:
“Dựa theo những điều mà ông Lưu Á Châu trình bày trong Tây Bộ Luận, chúng ta có thể thấy rằng một số tướng lãnh trong quân đội do nhóm ‘Thái tử đảng’ cầm đầu và một bộ phận các nhà lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh cảm thấy rằng nếu tiếp tục ‘Đông Tiến’ thì sẽ xảy ra tình trạng xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nên tránh tình trạng đó vì nó không có lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có thể họ nghĩ rằng nên lợi dụng cơ hội hiện nay để phát triển về hướng tây, giúp cho toàn bộ khu vực miền tây phát triển và nối kết chặt chẽ với Âu châu để làm cho hai lục địa Á Âu trở thành một khối.”
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ cho biết công cuộc phát triển của Trung Quốc ở miền tây đang được xúc tiến rất đỗi nhanh chóng, với kế hoạch lấy thành phố Kasha ở Tân Cương làm trung tâm để xây dựng một loạt các đặc khu kinh tế kiểu Thâm Quyến để thực hiện sách lược hợp nhất Á Âu. Ông nói thêm rằng sách lược Tây Tiến mà Tướng Lưu Á Châu là người đại biểu là một sách lược sáng suốt, có tính chất thực tế, và sẽ làm cho liên minh Mỹ-Nhật yếu đi rất nhiều.
Ông Dương cho biết thêm: “Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dường như đang nỗ lực theo chiều hướng này. Họ đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng đường xe lửa Âu-Á, đường cao tốc Âu-Á và đường ống dẫn dầu Âu-Á. Tôi tin rằng việc này sẽ giúp cho Á châu và Âu châu nối kết chặt chẽ với nhau và như vậy Hoa Kỳ sẽ mất đi một đồng minh rất quan trọng là Âu châu và chỉ còn một đồng minh lớn là Nhật Bản.”
Trong lúc cổ xúy cho những hành động có tính chất quyết liệt về vụ tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á, Giáo sư Hứa Khả của Đại học Hạ Môn cũng đề nghị một đường lối thận trọng hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản ở Hoàng Hải, mà Trung Quốc gọi là Đông Hải. Trong bài báo trên mạng Xinhua, ông Hứa nói rằng vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản đang chiếm giữ và gọi là Senkaku là một vấn đề mà Hoa Kỳ đã cố ý tạo ra sau Đệ nhị Thế chiến để kiềm chế Trung Quốc. Ông cho rằng sức mạnh trên biển của Trung Quốc hiện này còn thua kém Hoa Kỳ và Nhật Bản quá nhiều nên Trung Quốc không thể có hành động quá khích. Ông nói thêm rằng nếu làm như vậy thì “giấc mơ trỗi dậy trên biển” Trung Quốc sẽ tan thành mây khói vì sẽ gặp phải sự chống cự kịch liệt từ phía Hoa Kỳ và Nhật Bản.
VOA
-
Lung lay quy tắc
--
-
Lung lay quy tắc
Greg Torode, South China Morning Post 04/01/2011
Trong những tháng tới đây, bất cứ ai quan tâm đến Biển Đông và vai trò ngày càng phức tạp của Trung Quốc trong khu vực đều nên để mắt sát sao đến Indonesia. Quốc gia này vừa đảm nhận trọng trách Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ tay Việt Nam. Các đặc phái viên và các nhà phân tích khu vực đang chờ xem những dấu hiệu cho thấy “độ nóng” đã được Hà Nội tạo ra tại Biển Đông thời gian gần đây có thể được tiếp tục duy trì hòng tạo đà thúc đẩy việc giải quyết một trong những vấn đề hóc búa nhất khu vực hay không.
Thách thức lần này là chuyển đổi Tuyên bố chung giữa ASEAN với Trung Quốc năm 2002 về Biển Đông thành một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về pháp lý, một động thái được đưa ra nhằm duy trì hòa bình ở khu vực cho đến khi nào các tranh chấp về lãnh thổ giữa các bên có thể được giải quyết rốt ráo.
Vào thời điểm đó, tuyên bố này được xem là một bước ngoặc – dấu hiệu tiến bộ hiếm hoi từ nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á, từ lâu bị chế giễu như là một nhóm chỉ “nói chuyện chuyên môn” – đã mở đường cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ với một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh. Nhưng những năm gần đây, những hy vọng đã sớm tiêu tan khi mà căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp gia tăng, sự chạy đua vũ trang, những cuộc đụng độ giữa các tàu cá và những nỗ lực kín đáo của Bắc Kinh hòng hất vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN.
Không có gì ngạc nhiên, ngay sau bước ngoặc 2002, vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi. Do những nghi ngờ kéo dài giữa các bên tuyên bố chủ quyền, chưa kể đến những hệ thống chính trị và pháp lý hoàn toàn khác nhau, tuyên bố này có là một văn kiện thật sự có trọng lượng? Liệu sự thèm muốn ảnh hưởng sẽ tan biến một cách đơn giản theo thời gian với tính trì trệ cố hữu của ASEAN, đặc biệt là mỗi nước ASEAN lại một lần nữa cân nhắc tầm quan trọng của mối quan hệ giữa mình với Bắc Kinh? Và khi nêu ra hiện trạng của tranh chấp Biển Đông bằng cách bày tỏ lo ngại về những căng thẳng, thì liệu có phải Washington thực sự muốn thấy chính nó bị lôi kéo vào một cuộc chiến hỗn độn tiềm tàng như là một giải pháp không?
Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn cả là những cử chỉ được cho là tích cực mới đây, đặc biệt là sau khi hầu như không che giấu ác ý ngoại giao chỉ một vài tháng trước. Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn đang khăng khăng rằng bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào thì cuối cùng cũng phải giải quyết “tay đôi” (một chọi một) với Bắc Kinh, dù sao thì họ cũng tích cực nỗ lực để tiến đến bộ quy tắc. Điều này phản ánh tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước các đối tác khu vực hồi tháng 10 rằng Trung Quốc muốn giúp tạo ra một "vùng biển hòa bình và hợp tác".
Hai tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một cuộc đàm phán với nhóm công tác hỗn hợp gồm các đối tác thuộc ASEAN về bộ quy tắc tại Côn Minh. Rất ít chi tiết được công bố nhưng được biết các cuộc thảo luận tiếp theo đang được lên kế hoạch tổ chức trong hai tháng tới tại Indonesia.
Trong khi một số người trong nội bộ ASEAN vẫn bàn đến khả năng sẽ không có gì thay đổi trong những tháng tới, thì các quan chức Indonesia đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiến bộ trong một thỏa thuận vì lẽ hiện cây gậy chỉ huy đã được chuyển qua cho Jakarta.
Cảnh báo rằng không cho phép Biển Đông trở thành một nơi được ghi dấu bằng “ngoại giao pháo hạm” và “những thế lực chính trị”, Bộ trưởng Ngoại giao trẻ trung và năng động của Indonesia Marty Natalegawa cho biết sự tiến bộ là một ưu tiên của Jakarta và ông muốn cam kết hoàn toàn với Trung Quốc.
Thế sự tiến bộ đó sẽ mang ý nghĩa gì cho quan hệ Trung-Indo? Đó là một trong những câu hỏi hấp dẫn nhất. Trung-Indo là một trong những mối quan hệ nhạy cảm nhất của khu vực, phản ánh một lịch sử đẫm máu của sự bức hại và nghi kỵ mà các cư dân gốc Hoa tại Indonesia đã gánh chịu.
Những năm gần đây, người ta thấy Hoa kiều đã chính thức được chào đón trước một xã hội Indonesia rộng mở hơn – những nỗ lực đó đã giúp họ dễ dàng mở rộng quan hệ hơn với Bắc Kinh. Các hợp đồng thương mại và đầu tư đang được khuếch trương, và chỉ một tuần trước, ba tàu chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đang trên đường trở về từ chiến dịch tuần tra chống hải tặc Somalia, đã ghé thăm các quần đảo của Indonesia. Một cách ít rõ ràng nhất, đó là các quan chức Trung Quốc cho đến gần đây đã và đang vận động hành lang các đối tác người Indonesia nhằm kéo vấn đề Biển Đông ra khỏi ASEAN.
Nhưng các nhân tố khác cũng đang xảy ra ở Jakarta. Nên nhớ rằng Indonesia đang tích cực tìm kiếm cách đánh bóng tầm cỡ toàn cầu của mình: là một trong những nền dân chủ lớn nhất châu Á và là một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Việc cố gắng đưa ASEAN hướng tới một tương lai thiết thực và thích đáng hơn, bằng cách bảo đảm một thỏa thuận mang tính cột mốc như là một bộ quy tắc ứng xử cho vấn đề Biển Đông, là một phần của nỗ lực đó.
Quốc Ngọc dịch từ Viet-studies
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.