Tư liệu đăc biệt: Hồi ký Trần Văn Giàu (XII): Phần thứ năm: Tổng khởi nghĩa thành công - Kháng chiến chống Pháp bắt đầu (Đoạn 1) (Diễn Đàn & Viet-studies 31-1-11) -- Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập - Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất -- Trần Văn Giàu tranh luận với Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Nguyễn ◄◄
1. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc
1. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc
Báo tiếng Việt ở Sài Gòn đăng đủ các tin chiến thắng của quân đội Xô Viết ở xung quanh Berlin, ở Trung Âu, tin chiến thắng của quân Đồng Minh ở phía tây nước Đức. Có hai điều tôi chú ý về việc đăng tin tức ấy. Một là các báo hình như muốn người đọc thấy rằng hai phe trong đồng minh (tức phe Anh-Mỹ một bên và phe Liên Xô) mâu thuẫn nhau ngày càng gay gắt. Anh-Mỹ sợ Liên Xô vào Berlin trước, sợ Trung Âu được Hồng quân giải thoát. Hai là mâu thuẫn ấy có thể đưa đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, và có thể nổ ngay trên nước Đức bị tàn phá, đó là theo lời nói hình tượng bấy giờ, một cuộc chiến tranh giữa đạo quân (tư bản) Anh-Mỹ v.v… xuất hiện từ những ngọn sóng của Đại Tây Dương và đạo quân (cộng sản) Liên Xô xuất hiện từ đồng cỏ Âu Á. Cái đó có một phần sự thật. Liên Xô và Anh-Mỹ quả có mâu thuẫn, nhưng tuyên truyền của Nhật Bản ở Sài Gòn và Hà Nội chắc chắn là có dụng ý, muốn làm cho dân ta hiểu rằng sự xung đột vũ trang giữa hai ông khổng lồ tây phương sẽ nổ ra và vô tình cứu nước Nhật khỏi sự đại bại sẽ đến, chắc chắn sau khi Berlin thất thủ, Hitler đầu hàng. Nhưng rồi việc phải đến đã đến. Hồng quân chiếm Berlin (2.5.1945). Hitler tự tử trước đó vài hôm. Giữa Mỹ, Anh và Liên Xô không xảy ra chiến tranh, hai bên nhượng ước với nhau, tuy mâu thuẫn đã quá rõ.
Ảnh hưởng chính trị ở Sài Gòn của việc Hồng quân chiếm Berlin rất lớn. Đọc báo, chẳng thấy bình luận gì nhiều lắm. Còn ngồi tiệm nước thì không ai không nói chuyện: Cộng sản đánh bại phátxít, văn minh thắng dã man, Hồng quân có mặt hầu hết ở các thủ đô Trung Âu, chính lúc này là lúc Thanh niên Tiền phong và Tổng Công đoàn, dưới danh nghĩa Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp, được tổ chức và nhanh chóng mở rộng hoạt động của mình để “chạy đua với thời gian”.
Tôi không biết gì ráo về cái nghị quyết của Liên Xô, Mỹ, Anh họp ở Potsdam quy định việc Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản ba tuần sau khi Đức đầu hàng, và sau khi chiến tranh ở Châu Âu kết thúc. Trong trí tôi lởn vởn cái ý khá chủ quan rằng sẽ có lợi cho cách mạng thế giới hơn nếu Liên Xô cứ để mặc cho hai bên Nhật và Anh, Mỹ đánh nhau, cho chiến tranh Viễn Đông kéo dài, bởi vì trước sau gì Nhật cũng thua, nhưng Nhật kháng chiến càng lâu thì Mỹ, Anh càng mệt, mà Mỹ, Anh sắp tới đây sẽ là địch thủ số một của cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Khi ấy tôi cho rằng Mỹ-Anh trì hoãn mãi cuộc đổ bộ lên Tây Âu, trì hoãn để cho Hồng quân Liên Xô mỏi mệt, tổn hao càng nhiều càng hay trong cuộc chống chọi với Đức Hitler, thì, bây giờ nếu Liên Xô “trả lại cho họ loại đồng tiền đã trả cho mình” thì cũng là vừa phải thôi, có gì là ác? Thật thà mà nói, tôi không dè, đầu tháng Tám 1945, Liên Xô tuyên bố tham chiến chống Nhật, rút ngắn cuộc chiến tranh ở Viễn Đông, tin chắc rằng, đến một lúc nào đó Hồng quân Liên Xô nhất định sẽ đánh Nhật ở đông bắc nước Tàu (khi ấy là Mãn Châu quốc) chớ không thể để cho quân Mỹ vào đây.
Việc Hitler tự tử, Đức đầu hàng làm rung động rất mạnh các đảng, các nhóm thân Nhật, hàng ngũ của họ tan rã càng nhanh.
Trở lại chiến cuộc ở Viễn Đông, Đông Nam Á Châu và Thái Bình Dương từ sau cuộc đảo chính 9 tháng 3, ở Đông Dương nhất là từ sau khi Đức đầu hàng, đứng vào vị trí của người Việt Nam mà ngó, mà xét:
Mỹ đã giành lại Philippines từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1945. Trên mặt biển Nhật mất Tân Guinée, Philippines và những quần đảo Salomons, Marshall, Gilbert, Mariannes. Còn trên lục địa và ở Nam Dương quần đảo, thì “Đại Đông Á” của Nhật không mất mát gì quan trọng mà hãy còn rộng lớn vô cùng từ Mãn Châu đến Miến Điện – ở đây quân Anh có ghi được mấy bàn để mở lại đường đi Vân Nam. Đồng thời, với việc chiếm lại Philippines, quân Mỹ một mặt chiếm thêm mấy đảo Nhật gần Nhật như: Iwoshima, Okinawa dù phải chịu tổn thất rất lớn. Quân Nhật tổn thất nặng hơn nhiều. Thử hỏi vậy chớ nước Mỹ đổ bộ lên những đảo nhỏ gần Nhật mà đã phải trả giá đắt như thế, thì đến khi đổ bộ lên đất Nhật sẽ phải trả giá bao nhiêu nữa? Liệu chính phủ Mỹ, dư luận Mỹ có dám trả giá đó không? (Phe thân Nhật ở Sài Gòn cho rằng đất Nhật sẽ là mồ chôn quân Mỹ). Mặt khác, Mỹ tăng cường việc ném bom vào các thành phố công nghiệp của Nhật bằng pháo đài bay B29. Đài truyền thanh Mỹ đã thuật lời tuyên bố của tướng Mỹ Curtis Lemay rằng: “Chúng ta sẽ kéo nước Nhật trở lại thời kỳ đồ đá”, khi hắn ta, từ trên không quan sát một trận ném bom xuống Đông Kinh, gây ra một trận cháy lớn nhất trên đời làm mấy trăm ngàn nhà một lượt ra tro. Và cứ như vậy mãi, lần sau dữ dội hơn lần trước, bởi vì, sau khi đã chiếm được Iwoshima và Okinawa rồi thì, từ đó máy bay trung bình cũng bay đến Nhật được, để cùng B29 đi từ Guam gieo chết chóc trên nhân dân vô tội.
Những cuộc ném bom và sự phong toả đã làm cho nước Nhật lâm nguy; tuy Nhật còn nhiều triệu quân trên lục địa Châu Á. Sau này các nhà quân sự và chính trị đồng ý rằng không cần phải ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, rồi Nhật cũng phải sớm đầu hàng thôi, để thắng, Mỹ phải dùng đến bom nguyên tử làm gì? Nhưng Mỹ ném bom còn có mục đích thị uy đối với thế giới, với Liên Xô, rằng: “ta đây là tuyệt đối vô địch”.
Tám giờ ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi công nhân, viên chức các công tư sở đều đi làm, Mỹ ném một quả bom cực mạnh xuống Hiroshima, một hải cảng, một thành phố công nghiệp lớn của nước Nhật đông hàng triệu dân cư: 250 ngàn người chết ngay; toàn bộ thành phố đổ nát, trừ vài ba ngôi nhà bê tông cốt sắt.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, Hồng quân vào Mãn Châu.
Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném một quả bom cực mạnh thứ hai xuống Nagasaki, cũng một hải cảng, một thành phố công nghiệp lớn của Nhật, cũng đông hàng triệu dân. Tin truyền bom nổ ở đây còn dữ hơn là ở Hiroshima.
Bom cực mạnh nổ ở Hiroshima và Nagasaki là bom nguyên tử, vũ khí giết người lớn nhất loài người chưa hề thấy, tàn phá nhà cửa nhiều nhất, loài người chưa hề thấy.
Thông tin tuyên truyền của Mỹ ầm ĩ ngay về sức mạnh tàn phá môi trường của bom nguyên tử, mà nước duy nhất làm ra được là nước Mỹ.
Các báo ở Sài Gòn nói đến bom nguyên tử một cách hãi hùng.
Khi ấy Nhật không biết rằng nước Mỹ chỉ có hai quả bom nguyên tử đó mà thôi, chưa kịp làm quả thứ ba, quả thứ ba còn phải chờ lâu. Bọn Mỹ nói dóc rằng quả thứ ba dành cho thủ đô Đông Kinh, nếu Nhật không kịp kíp đầu hàng!
Mấy ngày rày tôi đeo dính cái máy thu thanh. Ở Sài Gòn bấy giờ chúng tôi chỉ có cái máy ấy mà thôi. Chúng tôi cho rằng Nhật đầu hàng hoặc quân Mỹ trực tiếp đổ bộ lên Nhật Bản thì điều kiện khởi nghĩa chín muồi, ta sẽ phải hành động thật nhanh, giành lấy thời cơ. Lực lượng để khởi nghĩa thì chúng tôi đã tập hợp khá đủ rồi.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng.
Tin này đến với tôi hơi đột ngột. Mấy hôm rày tôi ở miết Sài Gòn. Tôi tưởng đâu là những người cầm đầu nước Nhật có đủ gan góc để chịu đựng một thời gian nữa, buộc Mỹ phải chấp nhận một cuộc đổ bộ đại quy mô trên các hòn đảo Nhật, nghĩa là chấp nhận một trận chiến đấu xáp lá cà hết sức lớn trong đó chưa chắc gì phần thắng về kẻ có nhiều máy bay, nhiều bom đạn. Đấy! Mình cứ đem cái tâm trí của mình đặt vào cái thân xác của người ta, cho nên nghĩ sai, tính không đúng hẳn. Quân Nhật còn nắm cả lục địa Đông Á và Đông Nam Á từ Mãn Châu đến Mã Lai, gồm cả miền đông nước Tàu, vậy mà phải đầu hàng không điều kiện hay gần như không điều kiện. Ai mà biết được? Làm sao mà biết được cái dại cuối cùng của Hitler so với cái khôn của hắn hồi đầu; khi còn cả triệu quân ở trên vùng Bắc Hải, Bắc Ý, Ban Căn, hắn không chịu đưa một phần số quân ấy về bảo vệ hang ổ Berlin, đánh một trận thư hùng trên nước Đức mà chỉ khư khư trông mong cái khả năng Anh-Mỹ và Liên Xô đánh nhau trên nước Đức, khi ấy Đức sẽ quay sang liên kết với Mỹ-Anh và bằng cách đó giải vây cho Berlin, đưa lại chiến thắng cho Đức, y như (hay gần như) chiến thắng của vua Frédéric II đại vương khi Nga-Áo-Pháp liên minh tan rã trước Berlin hồi thế kỷ XVIII! Frédéric II chiến thắng, còn Hitler thì tự tử.
Cái tin Nhật đầu hàng làm chấn động mạnh dư luận Sài Gòn, mặc dầu rằng mấy tháng nay từ sau khi Đức đầu hàng, không còn một ai tin vào thắng trận của Nhật nữa. Đảng phái, chính khách, quần chúng đều bàn luận xôn xao. Người ta tự hỏi, hỏi nhau: việc gì sẽ xảy ra ở xứ ta, ở Sài Gòn mấy ngày tới? Ngồi tiệm cà phê trước chợ Bến Thành, nghe mấy ý kiến lạ tai mà thích thú:
- Mỹ có bom nguyên tử rồi thì còn nước nào dám đương đầu với Mỹ nữa? Mỹ cứ đòi hỏi, ra lệnh là được.
- Không chắc! Xưa nay, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, chưa hề có một thứ vũ khí nào mà sau đó lại không có thứ vũ khí khác trừ nó, chẳng qua nhân loại sẽ giết nhau nhiều hơn mà thôi.
- Đế quốc tư bản có bom nguyên tử ghê gớm như thế thì chúng nó sẽ tiêu diệt mọi cuộc cách mạng giải phóng, các dân tộc bị áp bức làm sao đánh thắng nổi thực dân.
- Thì cách mạng chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng cách mạng vẫn tiến và không bị thủ tiêu bởi bom nguyên tử đâu. Kìa hãy xem, đại bác 75 ly là mạnh dữ, mà nó còn làm gì được đối với đàn chim én bay liệng đâu? Cách mạng giải phóng sẽ nổi lên ở hàng trăm thành phố không lớn như thành phố Nhật, nổi lên ở làng mạc rừng núi thì bom nguyên tử là vô dụng hoàn toàn; sợ gì?
Những câu chuyện ngoài tiệm nước này nghe thì hay thật. Nhưng thời giờ đâu mà ngồi nghe? Vấn đề lớn được đặt ra cấp bách trước Xứ uỷ và Thành uỷ là phải làm gì bây giờ; tình hình nghiêm trọng, không thể mất thì giờ được dầu chỉ một ngày. Cái lo lắng nhất của tôi bây giờ là Nam Kỳ phải tự quyết định một vấn đề hết sức trọng đại mà hoàn toàn không có liên lạc bàn tính gì với Bắc… Các anh Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp đại biểu của chúng tôi ra Bắc, chưa biết chừng nào về tới. Không chờ đợi được. Chờ đợi thì bị động, bị động thì thua thiệt. Phải dám nghĩ, dám làm, dám độc lập tác chiến, tin rằng trong một tình thế giống nhau, các đồng chí dầu ở phương trời nào cũng tư tưởng và hành động như nhau, bởi vì chúng ta đều là những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin, theo một phương pháp tư tưởng giống nhau, nếu trong việc làm cụ thể có khác nhau thì chắc là chỉ khác trong chi tiết, trong chiến thuật là chính.
2. Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập
Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ họp ngày 15 tháng 8, nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ cần kíp.
Thời cơ khởi nghĩa tới rồi. Thời cuộc chắc sẽ chuyển biến nhanh, ta phải kịp kíp sử dụng thời cơ lúc quân Nhật đã đầu hàng rồi, còn quân Đồng minh thì chưa tới; các lực lượng chúng đã tổ chức nay đang tan rã, còn ta thì đã tập hợp được những lực lượng to lớn, lực lượng này đã phát triển nhảy vọt mấy tháng nay, tất nhiên phát triển nhảy vọt càng nhanh hơn nữa trong những ngày tới.
Cho nên trong khi chờ đợi quyết định của cuộc hội nghị Xứ uỷ mở rộng cho các tỉnh (và mấy đồng chí kỳ cựu giỏi lý luận hiện có mặt ở gần Sài Gòn) thì chúng tôi chỉ định một Uỷ ban khởi nghĩa làm việc ngay để hoàn thành sự chuẩn bị mà Xứ uỷ Nam Kỳ và Thành uỷ Sài Gòn đã bắt đầu từ lâu, đặc biệt là từ sau đảo chính tháng 3 năm 1945. Cần lắm, và Uỷ ban khởi nghĩa bắt tay vào việc ngay.
Uỷ ban khởi nghĩa (Nam Kỳ và Sài Gòn) gồm các thành viên:
1. Trần Văn Giàu.
2. Nguyễn Văn Trấn.
2. Nguyễn Văn Trấn.
Cả hai đều đại diện cho Đảng Cộng sản.
3. Nguyễn Lưu
4. Huỳnh Văn Tiểng, đại diện cho Thanh niên Tiền phong.
4. Huỳnh Văn Tiểng, đại diện cho Thanh niên Tiền phong.
Và hai người nữa.
Trên thực tế thì, Tiểng và tôi đã bàn luận nhiều lần về những nét lớn của kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn và ở Nam Kỳ, kế hoạch này phải được trình cho Xứ uỷ một khi đã quyết định khởi nghĩa. Chẳng những bàn luận mà đã đi vào thực hiện rồi, việc xây dựng lực lượng chính là nhằm một kế hoạch khởi nghĩa, với cái lý là, chúng ta phải sẵn sàng, đủ sức để một khi quân Nhật hạ khí giới, thì có thể tổng khởi nghĩa vài ba ngày sau ở Sài Gòn và lục tỉnh. Nói một cách khác, vừa sau khi được thành lập, Uỷ ban khởi nghĩa đã tính được rằng cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn có thể nổ ra và thành công hôm 17, có trễ là 18 tháng 8 năm 1945, nghĩa là vừa đủ thời giờ thông báo cho các đơn vị ở nội thành và ngoại thành, thông báo cho các tỉnh. Sau đây là mười nét chính của kế hoạch khởi nghĩa:
1. Cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra dưới khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh” (phỏng theo khẩu hiệu của Lenin – “tout le pouvoir aux Soviets” hồi tháng Mười 1917). “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Độc lập hay là chết”, (sáng kiến của chúng tôi, về sau có người nói là “phỏng theo Cu Ba” không phải! Lúc ấy chưa có cách mạng Cu Ba), “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm” (theo Nghị quyết Trung ương tháng 11 năm 1939).
2. Khởi nghĩa phải nổ ra sau khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng minh và trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật. Chính quyền cách mạng phải được thành lập xong trong khoảng đầu cuả thời gian đó. Thời gian đó, thời gian giữa khi Nhật đầu hàng và đồng minh đã vào, chắc chắn sẽ là ngắn. Nếu chần chừ đến khi quân Đồng minh đã vào rồi, thì sẽ không còn khởi nghĩa được, không thành lập được chính quyền cách mạng nữa. Quân Đồng minh vào Sài Gòn sẽ là quân Anh nhưng chắc chắn là có quân Pháp theo, và chắc chắn là Anh ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương. Chúng nó sẽ tới bằng máy bay, tàu chiến, nhanh lắm! “Thời gian vật chất” mà chúng ta có để khởi nghĩa, lập chính quyền là ngắn như vậy, nhưng chúng ta đã chuẩn bị từ lâu, không có gì bất cập lắm.
3. Khởi nghĩa sẽ nổ ra trước ở Sài Gòn (Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tân Bình) có sự góp sức và rút kinh nghiệm của các tỉnh lân cận rồi ngày sau và vài ba ngày kế đó sẽ khởi nghĩa đồng loạt ở toàn bộ Nam Kỳ. Giành chiến thắng ở Sài Gòn là quyết định, là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi nghĩa ở các tỉnh gồm cả những tỉnh ở đó sức ta còn yếu. Ở các tỉnh, lực lượng khởi nghĩa cũng phải tập trung giành tỉnh lỵ trước, tuy không phải không có việc lấy một số quận tỉnh đồng thời hay trước đó nếu có đủ điều kiện.
4. Nhật đầu hàng rồi thì đối tượng trực tiếp của khởi nghĩa cách mạng là chính quyền bù nhìn, chính quyền này đang rệu rã và không có ý chí đề kháng đáng kể. Cho nên cuộc khởi nghĩa của chúng ta không nhằm đánh vào doanh trại, cơ quan Nhật mà phải tìm đủ cách để cho quân Nhật trung lập, không can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam. Bây giờ mà khởi nghĩa nhằm đánh bại quân Nhật là đánh sai mục tiêu, và đánh cũng không nổi. Mục tiêu là đánh vào bộ máy bù nhìn, giành chính quyền, mà như vậy ta sẽ thành công nhanh chóng và không gặp khó khăn gì lớn lắm.
5. Lực lượng khởi nghĩa (ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tân Bình) là các đội xung phong vũ trang rất kiên quyết của Tổng Công đoàn và của Thanh niên Tiền phong; cũng là các đơn vị quân bảo an đã ngả hẳn về phía cách mạng rồi và đã được bổ sung cấp tốc bằng nhiều lực lượng mới của Công đoàn và Thanh niên. Nông dân ngoại thành rất đông đảo là một sức chi viện không thể thiếu. Quyền lãnh đạo thuộc khởi nghĩa là duy nhất và tập trung, thuộc Đảng Cộng sản.
6. Đến ngày giờ khởi nghĩa do Xứ uỷ quyết định, Uỷ ban khởi nghĩa sẽ dùng các đội xung phong của Công đoàn và Thanh niên với số đông chừng từ 20.000 đến 40.000 nhưng rất kiên quyết, chiếm từ bên trong tất cả các công sở (và một số các tư sở), chiếm tất cả các cơ quan yết hầu của bộ máy cai trị, giao thông, thông tin truyền thanh, kinh tế tài chính, điện nước, kho tàng (dinh khâm sai[2], toà đốc lý[3], dinh tham biện[4], sở bưu điện, đài phát thanh, kho bạc, các ngân hàng, bến tàu biển, sân bay, các nhà tù, các trại bảo an, các bót cảnh sát, các cầu chính, các ngả đường lớn ra vào Sài Gòn, các quảng trường quan trọng). Dùng một bộ phận lực lượng vũ trang có băng đỏ trên cánh tay, súng ống tốt, đi tuần tra các đường phố. Các cơ quan ta chiếm tới đâu thì treo cờ đỏ sao vàng ở đó. Chương trình chiếm đóng phải được hoàn thành trong vòng mấy giờ đầu của một đêm. Xong, thì ta thượng lên ở ngả tư đại lộ Charner và đại lộ Bonard[5] một cái đài mang tên các uỷ viên của ban hành chánh lâm thời Nam Bộ do Xứ uỷ chỉ định, đồng thời ta chuẩn bị một lễ đài ở đường Norodom[6], sau Nhà thờ lớn, đó là nơi trung tâm cuộc mít tinh rất lớn của ngày mai sau đêm chiếm được các cơ quan.
7. Lúc các đội xung phong bắt đầu chiếm các cơ quan, thì các đoàn nông dân vũ trang từ ngoại thành cách Sài Gòn hai, ba chục cây số sẽ bắt đầu tập trung rồi kéo vào Sài Gòn từ các ngả, có mặt ở trung tâm Sài Gòn từ mờ sáng. Trong thành phố và ngoại ô phụ cận thì các đoàn thể nhân dân, công đoàn, thanh niên, tập trung trong nội thành từ quá nửa đêm ở những nơi nhất định. Đến sáng, các tổ chức quần chúng ở nội thành và ngoại ô, ai theo đường nấy, kéo về tập trung ở đại lộ Norodom. Đoàn nào có chỗ nấy đã quy định trước cho từng địa phương. Phải huy động cho được một cuộc biểu tình tuần hành có vũ trang dưới hiệu cờ đỏ sao vàng, của từ bảy, tám trăm ngàn người đến một triệu. Các khẩu hiệu, cờ băng phải tràn ngập thành phố, khẩu hiệu đó do Xứ uỷ định, nói lên ý chí của nhân dân khởi nghĩa giành tự do cho tất cả chính quyền về tay Việt Minh, kiên quyết chống xâm lược thực dân. Cuộc tuần hành bắt đầu từ Norodom bằng các ngả đường, chủ yếu là đường Catinat[7]sẽ đến trước dinh đốc lý thành phố ở đó có danh sách Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ được công bố, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương và đại biểu Mặt trận Việt Minh sẽ kêu gọi đồng bào ủng hộ chính quyền cách mạng.
8. Mỗi tỉnh phái lên Sài Gòn một đoàn tham gia cuộc biểu tình khởi nghĩa vũ trang, rút kinh nghiệm và nhận chỉ thị mới nhất để về làm khởi nghĩa ở địa phương mình. Đặc biệt là ba tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa phải cố gắng đưa về Sài Gòn những đoàn đồng bào Mạ, Stiêng có mang theo cung, ná nên giữ ăn mặc kiểu miền núi rừng bình thường. Sài Gòn thì động viên đông đảo Hoa kiều đi biểu tình. Cũng cố gắng đưa một vài chục xe cam nhông đồng bào ở Phnôm Pênh về cho kịp sáng ngày biểu tình khởi nghĩa.
9. Bắt giữ một số rất ít nhà cầm quyền bù nhìn tiêu biểu và một số Việt gian nguy hiểm nhằm ngăn chặn mọi sự hoạt động của chúng chống lại khởi nghĩa cách mạng.
10. Bảo đảm trật tự an ninh trong thành phố, ngừa mọi sự cướp giật và trả thù riêng, ngừa mọi hành động đánh đập, giết hại người Pháp và người ngoại quốc khác. Bảo đảm hoàn toàn cho điện nước được duy trì, cho các nhà thương được hoạt động liên tục. Bảo đảm “ưu thế tinh thần” (supériorité morale) của lực lượng khởi nghĩa.
Kế hoạch thì như vậy, không phải khó khăn lâu lắc gì lắm để làm kế hoạch này. Chắc cũng không khó khăn gì to lớn lắm để điều động lực lượng thực hiện kế hoạch, bởi vì chúng ta đã thử hoạt động nhiều lần rồi, và bởi vì ta tính chiếm Sài Gòn với lực lượng nội thành Sài Gòn và ngoại ô là chính. Nhưng còn phải có Nghị quyết khởi nghĩa của Xứ uỷ, được triệu tập Hội nghị tại Chợ Đệm tối ngày 16 tháng 8.
3. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất
(Tối 16 rạng ngày 17 tháng 8)
Hội nghị Xứ uỷ lần này họp ở Chợ Đệm. Mấy lần trước họp ở Phú Lạc. Phú Lạc do Bảy Trân lo tổ chức hội nghị; Chợ Đệm có Bảy Trấn lo việc ấy. Hai ông Trân, Trấn đều là thứ bảy, đều là hai nhân vật của phong trào cộng sản thời Mặt trận bình dân. Bảy Trấn là một ông tú trường Pétrus Ký, làm báo Le Peuple; sau lên rừng miền đông Nam Kỳ, có lúc lên tới rừng miền nam Trung Kỳ, ở núi Laba, động Bàn Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Ở đó có tiếng đồn là có xuất hiện một “đạo” mới, giáo chủ và tín đồ chỉ có 3 người: một là đại ca Hành (tài bắn như Dương Bá Dương), nhị ca Tươi là người Tân An, quê tôi, và tam ca là Bảy Trấn. Họ uống trà chờ thời, chờ khởi nghĩa là chờ cơ hội về Sài Gòn sau khi lánh mặt. Trấn là “Laba sơn, Bàn Tiên động, trà đạo sư thúc”. Trấn về Sài Gòn gặp tôi hồi 1944, và từ đó chúng tôi cùng hoạt động.
Ngày trước Chợ Đệm thành danh nhờ vựa bán đệm. Chiếu dệt bằng cây lát; đệm, đan bằng cây bàng; chiếu để ngồi, nằm, dọn mâm; đệm để phơi lúa, làm nóp, làm cá ròn. Đệm ở các vùng Đồng Tháp Mười, chở đi Sài Gòn - Chợ Lớn thì thường vựa ở Chợ Đệm nổi tiếng nhất Nam Kỳ, nổi tiếng như nem Thủ Đức, như cháo đầu cá lóc Chợ Đồn.
Từ 1930, thì Chợ Đệm còn nổi tiếng vì những cuộc biểu tình cách mạng của nhân dân vùng “Tam Tân” (tức là ba xã: Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo). Chợ Đệm như Bà Hom, Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi, là một khâu mạnh trong vành đai đỏ của thành phố Sài Gòn. Chợ Đệm là một căn cứ tốt của Xứ uỷ Nam Kỳ mà Bảy Trấn là một thành viên Xứ uỷ được chỉ định phụ trách mấy tỉnh miền Đông và một số cơ sở, công tác đặc biệt ở thành phố.
Bây giờ họp hội nghị, dầu là hội nghị lớn, không còn sợ ai bắt nữa. Có bạn nói: bây giờ mình không bắt ai thì thôi, chớ ai dám bắt mình? Tuy vậy cũng phải đề phòng. Địch nó ném một quả lựu đạn vào cuộc họp thì cũng rầy lắm chớ! Cho nên Bảy Trấn xếp cho hội nghị họp ở một cái nhà bên kia chợ, từ chợ phải qua đò, đi một khúc ở lộ, vô một đoạn bờ hai bên trống trơn, vào vườn, qua một cái nhà ngói lớn, sau cái nhà lớn là cái nhà nơi bọn tôi họp. Sau nhà, nhiều dừa nước, có rạch nhỏ, nếu cần thì tạm lánh đi hoặc rút lui an toàn. Canh gác dễ. Canh gác cho có chừng vậy thôi, chớ xung quanh mười người thì đã hết chín người cảm tình cộng sản rồi.
Từ Sài Gòn xuống Chợ Đệm mất chừng một giờ đạp xe đạp. Xe ngựa, xe hơi đều sẵn. Có việc gì xảy ra quan trọng ở Sài Gòn thì bọn tôi biết ngay, đối phó kịp. Đại biểu lục tỉnh lên họp cũng tiện, khỏi phải đi vòng vo, khỏi phải đổi xe cộ.
Nguyễn Văn Tạo và hai đồng chí cộng sản Pháp (ảnh chụp năm 1927 ở Paris).
Dự hội nghị có đông đủ Xứ uỷ viên, một số đồng chí Tỉnh uỷ của các tỉnh trọng yếu và đặc biệt là có mời ba đồng chí đàn anh là Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn và Bùi Công Trừng. Ba đồng chí này là khách mời nhưng được công nhận là có quyền thảo luận và biểu quyết. Anh Tạo ở Côn Lôn về, ở thị xã Rạch Giá, mượn vốn lập tiệm bán nước mắm để cho gia đình sống qua ngày tháng: một nhân tài làm báo mà chôn chân ở đất cá mắm khoai tràm, hai ba ngày mới đọc được một tờ báo hai trang. Tụi tôi có cho đi rước anh từ đầu năm 1945, mà anh hoặc chưa tin cậy hoặc không muốn lãnh nhiệm vụ gì trong một tình thế còn lắm khó khăn. Anh chỉ muốn làm việc hợp pháp như trước. Anh ít công tác thực tế; nên tạm chịu cảnh “an trí”, để bút khô queo; anh mới lên Sài Gòn chừng mươi ngày trước cuộc hội nghị bàn về khởi nghĩa. Tạo nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, anh vào Đảng Pháp vài năm trước tôi, tôi là đàn em của Tạo; Tạo đã có vinh dự tham dự đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI như là một thành viên của đoàn đại biểu Pháp. Ở đại hội này bài tham luận của anh (lúc đó lấy bí danh là An) kịch liệt phản đối cái ý kiến cho rằng ở Đông Dương chưa có giai cấp công nhân, chưa có phong trào công nhân cho nên chưa tổ chức Đảng Cộng sản được. Tạo chứng minh rằng ở Đông Dương giai cấp công nhân đã hình thành và đã đấu tranh; anh yêu cầu Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp phải lo liệu giúp những người cách mạng Đông Dương, lập thành Đảng Cộng sản. Tạo được bầu vào ban Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, anh bị trục xuất khỏi nước Pháp (sau tôi gần 2 năm). Về Sài Gòn, anh làm báo công khai, đắc cử hội đồng thành phố Sài Gòn. Viết báo giỏi. Diễn thuyết cũng giỏi. Hồi thời làm báo Le Peuple, nhất là trong dịp bầu cử hội đồng quản hạt 1939, anh có xung khắc khá mạnh với Lê Hồng Phong. Chân đi khập khiễng. Tạo không xông xáo trong công tác quần chúng, anh chỉ muốn làm báo là chính. Nhưng lý luận khá.
Nguyễn Văn Nguyễn, dân tỉnh Mỹ Tho, người nhỏ thó, vẻ văn nhân. Anh đã sớm vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng như Dương Văn Phúc, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây. Hồi thời 1936-1939, anh làm báo tiếng Tây, tiếng ta như Tạo, tôi chú ý theo dõi, thấy tay này viết văn hay, có duyên, làm phê bình văn học sắc sảo. Nguyễn muốn làm một nhà văn cộng sản hơn làm một chiến sĩ cách mạng, nên từ chối lời của Khuy, Phúc mời anh vào tỉnh uỷ Tiền Giang. Phúc phàn nàn thái độ đó của Nguyễn, nhưng tôi thì cho rằng để Nguyễn làm văn học hơn là mời anh hoạt động quần chúng. Nhưng sau đảo chính Nhật, anh lên Sài Gòn tham gia công tác với bọn tôi, giúp giảng bài cho sinh viên, thanh niên cho công nhân nữa. Giảng kể cũng xuất sắc.
Bùi Công Trừng (1905-1986)
Bùi Công Trừng là một “cây” văn chương và lý luận, người Huế; vào Nam làm báo đâu hồi thời 1925, 1926 với Trần Huy Liệu; cùng Trần Huy Liệu cùng một số anh em trẻ khác, lập Thanh niên đảng công khai, một thời nổi tiếng ở Sài Gòn. Rồi đi Pháp, đi Nga, học ở trường Đại học Đông Phương một lớp với Trần Phú, Nguyễn Văn Trân. Học giỏi. Năm 1930, Trừng về Sài Gòn, làm tuyên huấn Trung ương Đảng. Vào tù, dạy lý luận cho nhiều anh em. Được ân xá năm 1936, hoạt động báo chí, có nhiều bài hay về lý luận văn học nghệ thuật, hợp tác với Hải Triều. Sau đảo chính Nhật, lấn xấn ở Huế, anh không làm được việc gì và cũng không làm gì tích cực, tuy Huế khi ấy là trung tâm chính trị sôi nổi, thu hút đến cả Tạ Thu Thâu – đối thủ có cỡ của Bùi Công Trừng. Cuối cùng, anh lại vào Sài Gòn mới mấy ngày rày, lúc quân Nhật đã thua, nước Nhật đã hàng. Nghĩa là anh Trừng xa thực tế Nam Kỳ và Sài Gòn mười lăm năm nay, nhưng tiếng tăm về lý luận và sự trung thành của anh với chủ nghĩa thì không một ai nghi ngờ. Anh hợp tác ngay với bọn tôi. Riêng tôi hy vọng là Trừng sẽ có thể làm tiếp cái việc thống nhất của Đảng mà tôi và Giáp đều không thành công. Trừng chưa kịp làm gì về nhiệm vụ tế nhị và quan trọng đó, thì đã đụng phải vấn đề lớn lao, cần kíp, khẩn trương là khởi nghĩa giành chính quyền.
Chúng tôi có nghĩ tới mà không mời Dương Bạch Mai – đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Pháp, về Sài Gòn làm báo La Lutte, Le Peuple, L’Avant Garde, đắc cử hội đồng thành phố, viết báo được, diễn thuyết cũng được, tính sôi nổi hết sức. Tuyệt đối trung thành với Liên Xô là một đặc sắc của Mai. Đồng chí này đứng về phía “Giải Phóng” lên án chúng tôi. Mời đồng chí họp thì hội nghị sẽ thêm sóng gió, không ích gì. Vả lại, mấy tháng nay, từ ở Côn Lôn, đồng chí về quê ở Long Điền (Bà Rịa), ngày nào cũng như ngày nào, giết thời giờ bằng bài tứ sắc. Bọn tôi tính sẽ mời Mai tham gia chính quyền sau khi khởi nghĩa thành công, thì sẽ tiện hơn là mời anh bàn việc khởi nghĩa. (Hãy ghi rằng hồi trước khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Mai được Xứ uỷ đề nghị làm thủ tướng chính phủ cách mạng lâm thời).
Thế là hội nghị Chợ Đệm có thêm ba đồng chí khách được quyền thảo luận và biểu quyết: Tạo, Nguyễn, Trừng. Anh em không ai phản đối, anh em ai nấy đều hoan nghênh lời mời của Thường vụ Xứ uỷ. Riêng tôi đặt nhiều hy vọng vào Trừng, một nhà bác học mác-xít; tôi chắc anh ấy sẽ hơn ai hết ủng hộ những đề nghị của tôi, của Thường vụ Xứ uỷ.
Ở đây phải nói rằng, việc mời ba anh tham dự hội nghị Xứ uỷ Nam Kỳ mở rộng là đúng, phải đạo lý nữa. Ba anh già kinh nghiệm, lý luận giỏi, chắc góp được nhiều ý sáng. Phần thì tôi có cái “phong tục” hơi cũ, là kính nể bậc đàn anh, làm gì lớn cũng đều tìm cách hỏi ý kiến các bậc đàn anh đó. Tôi không điều tra thăm hỏi trước xem tình ý các anh ra sao về vấn đề khởi nghĩa này; đáng lý bàn bạc trước sau rồi mới mời để cho việc thêm chạy nhanh, tốt, nào dè sự có mặt không nhất thiết phải có của các anh lại là một trở ngại lớn quá chừng.
Vấn đề chính của hội nghị là quyết định khởi nghĩa, chỉ định chính quyền cách mạng lâm thời.
Hội nghị bắt đầu từ chập tối ngày 16 tháng 8, anh em ngồi trên đệm trải dưới đất.
Tôi đại chủ quan, cho rằng nội đêm nay hội nghị sẽ xong, hội nghị sẽ đồng ý khởi nghĩa ở Sài Gòn nổ ra ngày 17 hay 18 là trễ nhất, rồi một hai ngày sau Sài Gòn là khởi nghĩa ở tất cả các tỉnh khác của Nam Kỳ. Việc chỉ định một danh sách Uỷ ban hành chánh lâm thời thì cũng dễ dàng thôi. Tôi tính trước là, gần sáng ngày 17, một nồi cháo gà sẽ kết thúc hội nghị, các đại biểu ai về vị trí nấy. Ai về tỉnh nấy thi hành quyết định khởi nghĩa với một tinh thần chiến thắng cao nhất. Ở Sài Gòn thì mọi sự chuẩn bị đã sẵn, chỉ cần “bấm nút” thì xong mau. Tôi đi họp ở Chợ Đệm thì ở Sài Gòn hôm sau Huỳnh Văn Tiểng làm thường trực ngồi chờ tại chỗ, liên lạc chặt chẽ với các đội xung kích.
Tôi báo cáo chủ trương, kế hoạch của Thường vụ và Uỷ ban khởi nghĩa, đại ý là:
- Ngay từ khi Đảng Cộng sản mới ra đời (1930), thì, trong tập “Luận cương chính trị” đã có mục nói rõ về sự cần thiết, đến ngày nào đó, như trong một cuộc chiến tranh đã qua, sẽ ra nổ ra cuộc bạo động cách mạng giành chính quyền. Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935) cũng nói như vậy. Cuối năm 1939, liền sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu, hội nghị Trung ương có quyết định rằng Đảng Cộng sản Đông Dương phải thừa cuộc chiến tranh thế giới này mà làm cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc.
- Khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940, là một cuộc bạo động non; thất bại không tránh khỏi; tinh thần chiến sĩ thì cao mà kết quả lại tai hại hết sức lớn. Nhưng sau đó, chúng ta đã khôi phục cơ sở và hệ thống Đảng ở Nam Kỳ. Và theo đường lối của hội nghị Trung ương cuối 1939, chúng ta đã nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng nhằm đón thời cơ, làm khởi nghĩa. Hiện chúng ta đã tập hợp được lực lượng mạnh nhất từ trước tới nay và mấy ngày rày một Uỷ ban khởi nghĩa đã được thành lập và đã làm việc có kết quả mong muốn. (Tôi báo cáo về tương quan lực lượng).
- Nay, thời cơ đã chín muồi. Pháp thì đã bị Nhật lật đổ từ 9 tháng 3. Nhật thì vừa bị Hồng quân Liên Xô và Mỹ đánh bại. Nhật đã đầu hàng. Quân Nhật ở xứ ta mất hết tinh thần, không còn chút ý chí nào bám vào Đông Dương nữa. Tinh thần cách mạng của nhân dân ta lên cao hơn bao giờ hết, các chiến sĩ của ta đang hăng hái, quyết tâm, chờ lệnh. Chính quyền ngụy và phe thân Nhật hoang mang đến cực độ. Chúng ta có sức mạnh, có thời cơ để làm ngay một cuộc khởi nghĩa cách mạng chắc chắn thành công ở Sài Gòn và trên toàn bộ hai mươi tỉnh Nam Kỳ.
- Cuộc khởi nghĩa của chúng ta phải nổ ra trong ngày gần đây nhất trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương (ở Nam thì quân Đồng minh đó là quân Anh, chắc có quân Pháp theo sau, còn ở Bắc, quân Đồng minh đó là quân Tàu Tưởng Giới Thạch). Ta phải khởi nghĩa thành công, lập chính quyền cách mạng xong xuôi, để khi quân Đồng minh vào thì họ đứng trước một cái thực tế là Việt Nam đã có chủ, chủ đó chính là nhân dân Việt Nam cách mạng; họ đứng trước một cái thực tế là nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất, do những lực lượng đã đi với Đồng minh trong chiến tranh bây giờ nắm vững chính quyền. Nếu chúng ta chậm trễ, thì khi quân Đồng minh vào rồi thì sẽ không còn khởi nghĩa được nữa.
- Hiện nay, chúng ta ở đây không biết các đồng chí ở Bắc, ở Trung đã làm gì, đang làm gì, có làm như ta không? Nhưng lấy lý mà xét thì chắc họ cũng tính làm khởi nghĩa như chúng ta. Đứng trước một tình huống giống nhau thì bất kỳ ở đâu, những người cộng sản cũng tư tưởng và hành động như nhau. Ta không sợ lẻ loi, chỉ sợ ta tới trễ hay, tệ hơn nữa, sợ ta vắng mặt trong tổng khởi nghĩa.
Rồi tôi trình bày kiến nghị của Uỷ ban khởi nghĩa ta có thể khởi nghĩa đêm 17 (tối ngày mai) hoặc nếu trễ là đêm 18 (tối ngày mốt), mọi việc đều đã được sắp xếp xong xuôi gần hết rồi, các chiến sĩ đã sẵn sàng, chỉ còn một việc nữa là “bấm nút” thì nổ, nghĩa là thông báo hiệu lệnh cho các đơn vị ở nội thành và ở ngoại thành (hai tỉnh Gia Định- Chợ Lớn), việc thông báo này thì nhanh chóng thôi, anh em lãnh đạo ở hai tỉnh quanh thành cũng đã sẵn sàng rồi.
Tôi trình bày tiếp kế hoạch khởi nghĩa của Uỷ ban khởi nghĩa và yêu cầu hội nghị: Đồng ý quyết định khởi nghĩa và chỉ định Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ, không quên nhấn mạnh lần cuối cùng là tình hình buộc chúng ta phải có một quyết định dứt khoát, mau lẹ và chúng ta nhất định sẽ thành công rực rỡ trong cuộc khởi nghĩa này.
Mấy anh em chất vấn về tình hình nhất là về lực lượng cách mạng, về các đảng phái, về dự đoán biến chuyển của thời cuộc. Tôi trả lời xuôi chảy. Tôi tin chắc rằng toàn bộ hội nghị đồng ý với báo cáo và chuẩn bị kiến nghị, chỉ còn một chuyện phải thảo luận có thể hơi dài là lựa người chấp chánh. Nhưng bất ngờ cho tôi và cho đa số các đồng chí dự họp, hai anh Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Nguyễn đặt câu hỏi “trái cẳng ngỗng”, anh Nguyễn Văn Tạo thì đêm đó không nói gì.
Trừng, Nguyễn nói:
- “Trong tình hình thế giới và tình hình Việt Nam hiện nay, liệu Đảng ta, dân ta có cần, có nên khởi nghĩa giành chính quyền không? Trong tình hình hiện nay, có thể nào làm cuộc khởi nghĩa thành công trót lọt hay không? Hay là bây giờ ta phải đi một ngõ khác, làm một cách khác, một ngõ, một cách không nguy hiểm mà về lâu dài thì chắc ăn hơn?”.
Hai anh đều bài bác sự cần thiết phải khởi nghĩa, đều phủ nhận khả năng khởi nghĩa thành công. Họ đề nghị một con đường không bạo động, con đường hoà bình, con đường đấu tranh bằng chính trị để đi lần đến dân chủ, độc lập.
Tôi chắc chắn là các anh Trừng, Nguyễn không có bàn trước với nhau, nhưng cả Trừng lẫn Nguyễn đều đồng thanh bảo rằng: khởi nghĩa hiện nay là phiêu lưu; cho dầu ta có giành chính quyền đi nữa, đó chỉ là tạm thời, rất tạm thời thôi. Có những khi có thể giành chính quyền được mà không nên làm khởi nghĩa; hồi 1871, Marx đã khuyên nhân dân lao động Paris đừng khởi nghĩa (tất nhiên là khi Công xã Paris được thành lập rồi thì Marx hết sức ủng hộ chính quyền vô sản đó), Marx khuyên đừng khởi nghĩa là vì một chính quyền cách mạng ở Paris trong điều kiện lúc ấy sẽ bị kẻ thù tiêu diệt và chiến sĩ cách mạng công xã sẽ bị phe phản cách mạng tàn sát hết sức dữ dội, phong trào cách mạng sẽ sụt xuống lâu dài. Trong tình hình trước mắt của đất nước ta, ít hôm nữa thôi, quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương, để giải giáp quân Nhật, mà nói Đồng minh đây chắc không phải là Liên Xô, Tàu đỏ, mà là Tàu Tưởng ở miền Bắc, là Anh ở miền Nam, mà sau lưng Anh, bên cạnh Anh, thì có Pháp; Anh-Pháp sẽ dùng vũ lực tiêu diệt cách mạng, lực lượng cách mạng sẽ bộc lộ ra hết, sẽ bị tiêu diệt hết như chiến sĩ Công xã Paris bị phe Versailles tiêu diệt, tổn thất của ta sẽ nhiều lần nặng hơn tổn thất của khởi nghĩa 1940; nếu vậy thì chừng nào mới khôi phục được phong trào? Nhớ 1940 không? Biết 1871 không? Chúng ta đều biết, đều nhớ, đồng chí Giàu hơn ai cả. Cho nên bây giờ mà chủ trương khởi nghĩa là phiêu lưu, là hết sức phiêu lưu. Ta thắng bù nhìn Trần Trọng Kim thì chắc được, nhưng ta làm sao đương đầu nổi với Anh, Pháp? Mà Anh, Pháp là hai đế quốc thực dân lớn nhất, già nhất, chúng nó ủng hộ nhau chống cách mạng ở thuộc địa. Ta phải “ngó thấy xa hơn ngày mai”. (Câu của Trừng nói là: phải thấy xa hơn cái chóp mũi của mình; nói tiếng Pháp: il faut voir plus loin que le bout de son nez).
Tôi theo dõi nét mặt của một số anh em, thấy vài ba người có chiều nao núng. Lý luận của Trừng, Nguyễn cứng quá và không phải không có căn cứ nào.
Nguyễn Văn Nguyễn (1910-53)
Trở về trên thì Trừng nói là chính. Nguyễn phụ hoạ, xem chừng như hai anh đã ăn ý thảo luận với nhau từ hồi nào. Nhưng không phải; họ chỉ cùng chủ trương. Bây giờ thì Nguyễn ra quân, Trừng tiếp ứng. Nguyễn nói:
- Hiện nay bên Pháp có một chính phủ còn tả hơn cả chính phủ Léon Blum về mặt thành phần. Trong chính phủ De Gaulle, một chính phủ kháng chiến chống phát xít, có đảng viên cộng sản làm Bộ trưởng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản làm Phó Thủ tướng. Chính phủ Pháp đã hứa hẹn và tuyên bố sẽ cho Đông Dương tự trị. Dĩ nhiên là ta không bằng lòng với cái tự trị đó, nhưng đó cũng là một bước tới trước, một cái mốc để ta vịn vào đó mà đấu tranh, Đảng Cộng sản Pháp lớn mạnh sẽ ủng hộ ta như trước kia, hơn trước kia, để ta tiến lên tự trị, độc lập. Đó là con đường chắc chắn nhất, tuy chậm mà tránh được phiêu lưu, tránh được sự đàn áp tiêu diệt của địch sau cuộc khởi nghĩa hoặc thất bại ngay từ đầu hoặc chỉ thành công trong một lúc thôi. Con đường hoà bình là chậm mà chắc.
Một số đồng chí (tôi nhớ đâu là Tây, Phúc, Khuy, Xuân) rộ lên hỏi: “Chắc không?”. Chắc gì cái chính phủ Liên hiệp kháng chiến ở Paris đứng vững lâu dài để cho ta đi lên tự trị rồi từ tự trị lên độc lập? Chẳng thấy nội các Blum sống có mấy tháng rồi nhường chỗ cho nội các Chautemps, rồi Chautemps bị Daladier thay thế hay sao? Sao lại không nghĩ được rằng, đặng chim bỏ ná, đặng cá quên nôm, bọn tư bản Pháp sẽ đuổi các ông bộ trưởng cộng sản ra khỏi chính phủ, quay qua một chính sách hữu, phản động? Hứa hẹn của De Gaulle trong chiến tranh thứ hai hơn gì hứa hẹn của A. Sarraut trong chiến tranh thứ nhất? Rồi thì sẽ khỏi lỗ vỗ vế cả thôi. Đế quốc thì làm sao mất đi bản chất thực dân được! Con đường hoà bình đi đến độc lập là ảo tưởng. Không khéo ta đi vào đường lối Phan Châu Trinh, tệ hơn nữa là đi vào vết xe của Bùi Quang Chiêu, của Phạm Quỳnh. Không chịu khởi nghĩa, tránh dùng vũ trang, thì đó là gì nếu không phải là rơi vào chủ nghĩa cải lương mới? (Lúc ấy tôi dùng chữ “néo-réformisme”). Chỉ có khởi nghĩa thì mới được độc lập tự do. Khởi nghĩa thành công rồi mới có cái thế để nói chuyện với chính phủ Paris. Trong việc giành độc lập tự do, tiếng nói có hiệu nghiệm hơn hết là tiếng nói của súng đạn, của bạo lực quần chúng.
Cú đánh trả này kể cũng khá trúng, khá đau. Mấy anh em phụ hoạ với tôi. Tây, Thạch, Kỉnh đều khẳng định rằng, chính phủ kháng chiến Liên hiệp ở Pháp chỉ là tạm thời, nước Pháp vẫn là đế quốc thực dân, không thể trông cậy. Nhưng xem chừng như là cái ý kiến “chủ bài” để chống khởi nghĩa (quân Đồng minh sẽ can thiệp, đàn áp khởi nghĩa, đánh tan chính quyền cách mạng, ta không đánh bại nổi, mà chỉ có thể tan vỡ mà thôi, cuộc phiêu lưu sẽ dẫn đến thoái trào dài), con chủ bài đó vẫn ám ảnh nhiều đồng chí. Tôi vào cuộc tranh luận biết rằng mình được “vũ trang” bằng lịch sử cuộc khởi nghĩa tháng Mười Nga ở Petrogad, lịch sử ấy, ai thì không rõ chứ Trừng thì thuộc lắm rồi, gợi đến đó thì anh hiểu ngay, hiểu hơn tôi nữa là khác. Tôi nhấn mạnh vào mấy ý sau đây:
- Làm gì có con đường hoà bình dẫn đến độc lập? Làm gì có chế độ xã hội chủ nghĩa mà không cần phải khởi nghĩa vũ trang lập chính phủ cách mạng của công nông? Theo lời của Stalin, đến khi nào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa bao vây các nước tư bản thì khi ấy mới có khả năng cách mạng vô sản không cần bạo lực nữa, mà phải đến khi ấy mới có. Quan niệm của Đảng ta trước nay là, nếu không dùng bạo lực cách mạng, nếu không dùng khởi nghĩa vũ trang thì đế quốc thực dân sẽ tiếp tục thống trị nhân dân ta bằng bạo lực phản động. Có lẽ, đến khi bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa của dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa thành công ở nhiều nơi và sức ủng hộ quốc tế của cách mạng giải phóng ở thuộc địa lớn mạnh, đều khắp, cho đến nỗi đế quốc thực dân không đàn áp xuể, không thể duy trì quyền lợi nếu không bỏ hình thức cai trị thuộc địa thì khi ấy ở xứ này, xứ nọ, chúng mới chịu trao trả “độc lập” cho dân tộc thuộc địa chăng? Chớ trước mắt thì không có khả năng đó. Vả lại nếu có trao lại quyền “tự trị” thì bọn chủ đế quốc sẽ trao cho đám tôi tớ tư bản địa chủ bản xứ lâu nay đã được chúng thuần dưỡng, thì cái đó làm sao gọi được là tự trị, tự chủ, độc lập được? Mà chúng ta, những người cách mạng vô sản, có thêm những “của quý” ấy bao giờ? Chương trình Brazzaville, tuyên bố Alger của De Gaulle đều là bịp; ngốc ngác lắm mới tin vào hứa hẹn của đế quốc. Nước Pháp sau chiến tranh vẫn còn là một nước đế quốc, một đế quốc bị tàn phá bởi chiến tranh nên càng cần phải có thuộc địa để xây dựng lại, một đế quốc bị nhục nhã vì chiến bại nên càng cần phải củng cố quyền lực ở các thuộc địa rải rác trên khắp thế giới, để tỏ ra mình vẫn là cường quốc, oai phong lẫm liệt như trước đây.
- Vấn đề cấp bách được đặt ra trước mắt chúng ta hiện giờ là: chúng ta có thời cơ và lực lượng để khởi nghĩa thắng lợi, để lập chính quyền cách mạng nhân dân do Đảng lãnh đạo thì chúng ta phải khởi nghĩa. Khởi nghĩa hay chần chờ? Hay đừng khởi nghĩa? Thời cơ, không phải năm nào cũng có; từ chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) đến giờ, non già 30 năm mới có một lần. Không thể bỏ qua, nhất là khi ta có lực lượng để giành chính quyền. Ta không chịu khởi nghĩa thì ta sẽ trả lời thế nào với đồng chí ta, với đồng bào ta; họ sẽ nói rất đúng là ta ngôn hành bất nhất, ai theo ta nữa, ta nói ai nghe? Bây giờ mà không chịu khởi nghĩa giành chính quyền thì ấy là từ bỏ vai trò tiên phong cách mạng của Đảng, là giẫm lên nhiệm vụ lịch sử của Đảng, nói một cách huỵch toẹt ra, là phản bội chủ nghĩa Lenin, phản bội cách mạng, là đầu hàng chủ nghĩa quốc gia cải lương.
- Còn như bảo rằng, một thời gian ngắn sau khi ta khởi nghĩa giành chính quyền, thực dân Pháp sẽ trở lại, ra sức đánh đổ chúng ta, đánh đổ chính quyền nhân dân, chinh phục lại nước ta một lần nữa, tiêu diệt các lực lượng cách mạng, tàn sát nhiều lần hơn từ hồi cuối 1940, thì chúng ta hãy chú ý rằng:
Thứ nhất, không một ai trong chúng ta, trong số những đồng chí chủ trương khởi nghĩa, khờ khạo cho đến nỗi yên chí rằng ra khởi nghĩa giành chính quyền, tuyên bố Việt Nam độc lập thống nhất rồi thì, khi quân Anh, quân Pháp ở xứ ta, họ sẽ “chịu chết” trước tình thế “đã rồi” sẽ công nhận cái thực tế ấy. Không ai khờ khạo đến thế. Ai cũng biết trước rằng Anh sẽ ủng hộ Pháp, Pháp sẽ hết sức cố gắng để trở lại làm chủ Đông Dương cho dầu là bằng võ lực.
Thứ nhì, vậy thái độ ta phải thế nào? Có thể có hai, một là ta biết trước địch mạnh ta yếu, ta không làm khởi nghĩa nữa, mà chỉ tranh đấu đòi tự do dân chủ và cải thiện dân sinh mà thôi, (như hồi thời kỳ 1936-1938), hai là nhanh chóng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nhà nước độc lập của Việt Nam, đến khi Anh vào, Pháp trở lại, chúng phải bị bắt buộc kể tới chính quyền dân tộc, ta có cái thế để mà nói chuyện với họ, ta có thời giờ (tuy ngắn) để mà tổ chức thêm lực lượng chính trị và vũ trang, hễ nó đánh thì ta nghinh chiến, có khi vừa nói chuyện vừa đánh, ta đánh càng mạnh thì nói chuyện càng dễ; bọn Pháp chưa được chuẩn bị nhiều và đủ trong lúc đầu thì ta càng có điều kiện để chuẩn bị thêm lực lượng kháng chiến.
Thứ ba, ta giành chính quyền rồi, ta bắt đầu chuẩn bị kháng chiến, thì, khi trở lại, dễ gì thực dân Pháp có thể bắt bớ chúng ta, tiêu diệt chúng ta? Đâu có dễ như vậy? Ai xui tay cho nó còng, cho nó xỏ xâu? Ta sẽ kháng chiến đến thắng lợi. Đâu có thể nói đến một cuộc tàn sát (của phía Pháp) như hồi cuối 1940, nhân lên gấp bội? Vì hồi 1940, ta khởi nghĩa thất bại, tinh thần đảng viên và quần chúng xuống; còn bây giờ ta khởi nghĩa thành công: tinh thần đảng viên và quần chúng lên cao; hồi đó nó càn ta chạy, bây giờ nó tới ta đánh, ta lại tìm nó mà đánh. Nhân dân, đồng bào được tổ chức, động viên hàng triệu lượt người để bảo vệ độc lập tự do đã giành được thì dễ gì nước Pháp chiếm lại nước ta, dễ gì thực dân Pháp bắt được cán bộ ta để mà tàn sát như bọn Versailles, tàn sát chiến sĩ Công xã hồi 1871. Paris là một thành phố, Việt Nam là một nước. Versailles thắng Paris Công xã, Pháp không trị nổi Việt Nam khởi nghĩa. Lấy Paris Công xã 1871 và Nam Kỳ khởi nghĩa 1940 làm tỷ dụ để ngăn cản khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 là “rung cây nhát khỉ”, nhát khỉ được, nhát sao được mãnh hổ, nhát sao được người cách mạng triệt để kiên quyết là chúng ta? Dễ gì một đế quốc Pháp già cỗi và suy sụp bởi chiến tranh với Đức, có thể chịu đựng nổi cuộc kháng chiến của ta, cuộc kháng chiến này có thể sẽ lâu dài, đẫm máu mà vô cùng tốn kém, chắc chắn Việt Nam cuối cùng sẽ thắng lợi như ông cha ta đã đánh bại quân Minh ngày nào.
Tôi thấy anh em chủ trương khởi nghĩa vững bụng trở lại.
Tôi thấy anh Nguyễn Văn Tạo đầu hôm tới giờ ngồi hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, im thin thít, chẳng nói chẳng rằng, không phải như ông Phật trên toà sen, cũng không phải như ông Gióng trong nôi. Tạo không có ý kiến gì, cứ nghe, và khi giải lao, Tạo nói nhỏ với Trấn (Tạo với Trấn có bà con xa xa với nhau): “Coi chừng Nhật Bản nó chém ngang lưng, đau lắm nghen!”. Ý muốn bảo rằng ta khởi nghĩa thì Nhật sẽ can thiệp đàn áp ta. Nhưng Tạo chỉ nói nhỏ với Trấn, Trấn nói nhỏ lại với tôi, nên ý đó của Tạo chưa thành vấn đề thảo luận lần này.
Hai “phe”, mà có hai phe thật, nói cho đúng, có tới ba, bên này thì khởi nghĩa, bên kia thì không khởi nghĩa, ở giữa có mấy anh lưng chừng chưa quyết, giống y như trong Quốc hội Pháp hồi 1789-1793, có phe “núi” (Montagne), phe “đồng” (Plaine) và phe chính giữa là phe “bưng” (Marais) vậy!
Nguyễn Văn Nguyễn nói thêm; anh lưu ý các đồng chí rằng từ sau cách mạng tháng Mười Nga, cho đến chiến tranh thế giới thứ hai không có cách mạng thành công trong nước nào hết. Tụi đế quốc thấy cách mạng nổi lên ở đâu thì xúm lại đánh cho đến chết, ngay cách mạng Tàu cũng ì ạch hết sức mà đã tới đâu đâu! Chú Mao vẫn còn ở trong thâm sơn cùng cốc của biên khu Tấn Sát Ký[8], cách Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải hàng ngàn dặm hay ở thôn quê Giang Tô, Giang Tây. Trong thời kỳ cuối của chiến tranh thứ hai này, có mấy nước lập được chính quyền cách mạng nhân dân trước hết là nhờ có Hồng quân Liên Xô kéo vào, không có Hồng quân thì cũng chẳng làm gì nên. Tôi (Nguyễn) cho rằng: sát biên giới, chung biên giới với Liên Xô thì cách mạng và khởi nghĩa mới có hy vọng thắng lợi mà cũng chưa chắc. Huống chi cách mạng Việt Nam hiện nay, nếu thành công, thì cô lập dữ lắm về mặt địa lý, Liên Xô thì quá xa mà Hồng quân Tàu còn trong vùng Diên An, trong mấy khu Giang Tô, thì có cách nào hỗ trợ cho chúng ta đâu? Việt Nam cách mạng sẽ bị Pháp dập chết đã đành mà còn bị tất cả các nước đế quốc tư bản, chắc gồm cả Tàu Tưởng nữa, hiệp nhau mà dập thì liệu ta tồn tại được không? Tồn tại thế nào được? Phải nghĩ kỹ, đừng phiêu lưu mà chết; chết ta không sợ, chỉ sợ lực lượng cách mạng bị phá tan bởi thực dân Pháp, đồng thời bởi phản động quốc tế liên hiệp nhau.
Nguyễn hỏi thẳng tôi: “Vậy nếu Anh, Pháp đánh ta thì ta lấy sức gì để mà đánh lại?”. Tôi bèn trả lời ngay: “Lấy cái sức của nhân dân đã khởi nghĩa thành công để mà kháng chiến; đồng minh quốc tế của ta chắc sẽ nhiều, kể cả nhân dân Pháp”.
Tôi ngại là lập luận của Nguyễn (và Trừng) có thể làm lung lay tư tưởng một số anh em, vì sự thật quả có như vậy, như Nguyễn đã nói, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, mặc dù có sự hô hào sôi nổi của Quốc tế Cộng sản, không có cách mạng thành công ở nước nào hết, các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, khởi nghĩa Java, khởi nghĩa Quảng Châu, khởi nghĩa Hambourg, v.v…và v.v.. mãi đến cuối 1944/1945, Hồng quân Liên Xô mới giải phóng được mấy nước Trung Âu và ở đó nếu không có mặt của Hồng quân hay tác động trực tiếp của Hồng quân thì cũng không chắc có cách mạng giải phóng thắng lợi. Sự thật cho đến hôm nay đúng là như vậy. Song nếu lập luận kiểu Nguyễn, Trừng thì, nước nào, dân nào ở xa Liên Xô phải bó tay chịu chết hay sao? Đâu có lý như vậy? Xa hay gần Liên Xô, hẳn là quan trọng, nhưng gần như Phần Lan thì cách mạng đã nổi lên ở đâu; còn xa như Việt Nam, khi có điều kiện khởi nghĩa cách mạng sao lại không dám làm? Ta không thật sự là cô lập, lẻ loi đâu. Việt Nam khởi nghĩa giành độc lập thành công sẽ là tấm gương sáng cho các dân tộc thuộc địa, là tiếng gọi những người “đồng bệnh” ấy cùng đứng lên, trước hết là ở thuộc địa Pháp. Có lẽ đang có và chắc chắn sẽ có nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập tại Phi Châu, Á Châu. Thế giới thuộc địa sẽ như một biển lửa, đó là đồng minh đáng tin cậy của ta. Đảng Cộng sản Pháp hùng mạnh chắc sẽ ủng hộ ta. Đế quốc Pháp và các đế quốc thực dân sẽ bị căng ra như căng nọc cả bốn tay chân để mà chịu đòn cách mạng từ khắp bốn phương trời, chúng chắc không rảnh rang mà tập trung đánh một mình Việt Nam ta đâu. Còn Liên Xô và các nước được Hồng quân Liên Xô giải phóng thì, khỏi phải nói, nhất định sẽ đứng về phía ta, họ ở xa mà tiếng nói của họ có sức nặng quốc tế. Cách mạng chúng ta cuối cùng sẽ chiến thắng. Nay ta phải kịp khởi nghĩa, đến một lúc, không còn khởi nghĩa được nữa, chúng ta sẽ có tội với lịch sử. Cách mạng ở mỗi nước là sự nghiệp của nhân dân nước ấy trước hết. Ta không đợi chờ ai giải phóng cho ta cả, ta không chờ, chờ được giải phóng thì sẽ không khi nào được giải phóng. “Ta giúp ta thời trời mới giúp ta”- người Tây phương nói như vậy là đúng.
Tôi trông thấy rõ số đông anh em tán thành lập luận của tôi.
Rồi tôi dùng tỷ dụ lịch sử đập lại luận điểm không chịu khởi nghĩa của Nguyễn, Trừng, hai anh này đã dùng lịch sử đánh lại chủ trương khởi nghĩa; hai anh này đã gán cho tụi tôi cái danh hiệu “phiêu lưu”, “thiển cận”, “thiêu thân” (và cái gì nữa) thì, nhịn nhục nào đi nữa tôi cũng trả cho hai anh một cái danh hiệu gì mà chữ dùng không do tôi đặt ra, chữ đó do Lenin nói lên hồi tháng 11 năm 1917, để chống Zinoviev, Kamenev là những người phản đối chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Lênin. Hồi đầu tháng 10 năm 1917, trong khi Lênin chủ trương phải khởi nghĩa liền thì một số uỷ viên Trung ương Thường vụ nổi tiếng giỏi lý luận, đảng viên kỳ cựu, đã chủ trương là không nên khởi nghĩa mà nên chờ đợi cuộc họp Đại hội các Xô viết, chờ đợi cuộc họp Quốc hội lập hiến rồi sau sẽ tính. Kamenev, Zinoviev tính rằng Đảng Bôn-sơ-vích sẽ được đa số trong đại hội các Xô viết và như thế ta (đảng Bôn-sơ-vích) sẽ nắm chính quyền một cách hoà bình, không cần phải khởi nghĩa vũ trang. Lenin gọi Kamenev, Zinoviev và những ai theo họ là “những phần tử mệt mỏi”, Lênin nói rằng: những phần tử mệt mỏi thường xuất hiện ở những khúc quanh lịch sử. Từ ngữ “mệt mỏi” nhẹ hơn từ ngữ “phiêu lưu, thiêu thân”.
Ở xứ ta, ở Nam Kỳ nay cũng có những “phần tử mệt mỏi” đó; họ bảo “không nên khởi nghĩa”, “khởi nghĩa là chết”, họ gieo rắc sự hoài nghi, họ làm lung lay tan rã tình đồng chí và quần chúng, họ đặc biệt nguy hiểm khi họ là những nhà cách mạng kỳ cựu, có lý luận chẳng kém gì Zinoviev, Kamenev. Không biết Trừng, Nguyễn phải là những “phần tử mệt mỏi” không, nhưng chắc chắn là các anh xa công tác thực tế, xa quần chúng từ nhiều năm rồi. Họ gây hoài nghi, hoang mang; mà, lập luận của họ khốn thay, không phải là không có cơ sở nào: quân Anh sắp vào Sài Gòn là chắc chắn có quân Pháp theo “ăn có”.
Khuya quá rồi. Nói mệt, mà nghe càng mệt. Hội nghị tạm ngưng. Anh em ăn cháo gà. Chợp mắt một chút. Đến sáng, sau một bình trà đậm, lại tiếp tục cãi nhau. Sáng ngày 17, tôi sốt ruột hết sức. Như thế là khả năng “bấm nút” cho khởi nghĩa Sài Gòn nổ ra đêm 17 thì xem như không còn nữa. Huỳnh Văn Tiểng, ở nhà (6 Colombert) chắc càng sốt ruột hơn tôi. Tôi hy vọng sáng 17 giải quyết thì chiều 18 có thể “bấm nút” được.
Sáng 17, trong cuộc thảo luận tiếp, không có gì mới. Hai phe “núi” và “đồng” giữ vị trí cũ; phe “bưng” vẫn còn.
Cuối cùng tôi định phá vỡ sự bế tắc bằng một câu hỏi nhất thiết phải trả lời và hễ trả lời thì tức là hẹn phải khởi nghĩa. Hỏi rằng, nếu trong mấy ngày này mà Hà Nội khởi nghĩa, ngoài Bắc khởi nghĩa, thì Sài Gòn phải làm gì? Trong Nam phải làm gì? Ta khởi nghĩa, hưởng ứng các đồng chí ta, hay cứ bảo rằng anh em Hà Nội, anh em ngoài Bắc “phiêu lưu”, họ không nắm vững tình hình thế giới, rồi ta cứ ngồi ngó?
Phe chống khởi nghĩa lúng túng rõ như bị tấn vào vách tường. Thấy vậy, tôi “cười trong bụng”. Té ra câu hỏi đó đơn giản mà lại có kết quả to lớn.
Còn tất cả các đồng chí khác, kể cả phê “bưng” đều trả lời: trường hợp đó thì không còn do dự gì nữa, nhất định chúng ta sẽ phải khởi nghĩa tiếp theo thôi!
Tôi đưa ra kết luận tạm thời hôm nay và mọi người đều đồng ý là:
- Chưa quyết định ngày khởi nghĩa, nhưng nắm vững quan điểm phải khởi nghĩa. Uỷ ban khởi nghĩa, Xứ uỷ, Thành uỷ các tỉnh có nhiệm vụ cần kíp, khẩn trương, là hoàn chỉnh sự chuẩn bị lực lượng vũ trang xung phong và hoàn chỉnh sự chuẩn bị động viên lực lượng đạo quân chính trị, phát triển mặt trận Việt Minh thật nhanh chóng có thể bao gồm thêm nhiều cánh tả của những tổ chức quốc gia, tôn giáo, đẩy phong trào quần chúng lên đến mức cao nhất làm nền cho một cuộc khởi nghĩa nhân dân to lớn nhất trong lịch sử Nam Bộ.
- Theo dõi rất sát tình hình miền Bắc, tình hình Hà Nội, từng ngày từng giờ. Hễ được tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn và Nam Bộ khởi nghĩa ngay. Nhận xét rằng nếu Hà Nội khởi nghĩa thì chắc phải khởi nghĩa trong mấy ngày này thôi, không trễ được, trễ thì quân Tàu Tưởng chỉ còn mấy bước thì vào biên giới; khi quân Tàu Tưởng vào tới Hà Nội thì không còn khởi nghĩa được nữa. Cho nên, các thành viên của hội nghị Chợ Đệm trừ một ít, phải túc trực ở Sài Gòn và chung quanh Sài Gòn để họp lại, lấy quyết định cuối cùng về khởi nghĩa và chỉ định Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ.
- Trong lúc chờ đợi thì “Việt Minh ra công khai”. Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp lấy lại tên Tổng Công đoàn, làm thành viên độc lập của Mặt trận Việt Minh. Thanh niên Tiền phong và đoàn Tân Dân Chủ chính thức tuyên bố là thành viên Mặt trận Việt Minh.
Các đảng bộ toàn Nam Bộ sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa.
Hội nghị Chợ Đệm tạm ngừng. Tôi đạp xe về Sài Gòn.
Bọn tôi trong Uỷ ban khởi nghĩa gấp rút hoàn chỉnh sự chuẩn bị khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn với lòng tin chắc rằng nay mai đây thôi tin khởi nghĩa ở Bắc sẽ tới. Không thể không tới. Tiểng nói với tôi: ý kiến khởi nghĩa ngay không toàn thắng ở hội nghị Xứ uỷ mở rộng, xét cho cùng chúng ta không mất gì, nếu có mất gì là mất cái danh dự khởi nghĩa trước hết trong nước. Tôi đỡ lời: Nghe nói anh em ngoài Bắc đã khởi nghĩa từng phần từ mấy tháng nay rồi; bây giờ là tổng khởi nghĩa trên cả nước; cốt cho toàn thắng, không cốt ở trước sau.
Chú thích của người biên tập
1 Colombert: Nay là đường Thái Văn Lung (song song với đường Hai Bà Trưng, nối liền Lý Tự Trọng với Nguyễn Siêu).
2 Dinh Khâm sai: Tòa nhà hiện nay là Viện bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, ở đường Lý Tự Trọng (góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Xây xong năm 1890 để triển lãm sản phẩm Nam Kỳ, sau đó trở thành Dinh thống đốc (Pháp, rồi Nhật: đây chính là dinh Minoda mà Hồi ký Trần Văn Giàu nói tới). Ngày 14-8-45, Nhật giao cho chính quyền Trần Trọng Kim để làm Dinh Khâm sai (đại diện chính quyền ở Nam Bộ) cho Nguyễn Văn Sâm. Mười một ngày sau, nó trở thành trụ sở của Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ (mà Trần Văn Giàu làm chủ tịch). Khi quân đội Anh đổ bộ vào Sài Gòn, nó trở thành trụ sở của Phái bộ Đồng Minh, rồi Cao ủy cộng hòa Pháp (tướng Leclerc đóng ở đây). Năm 1947, thực dân Pháp trao cho Lê Văn Hoạch làm dinh thủ tướng Nam Kỳ Quốc. Năm sau, Nam Kỳ Quốc nhường chỗ cho Quốc Gia Việt Nam, tòa nhà trở thành Dinh tổng trấn, rồi Dinh thủ hiến (Trần Văn Hữu). Chính tại đây, ngày 9.1.1950, hàng ngàn học sinh sinh viên Sài Gòn đã biểu tình, bị chính quyền Trần Văn Hữu đàn áp, học sinh Trần Văn Ơn bị tử thương, dẫn tới “đám tang trò Ơn” khổng lồ ngày 12.1.1950 và cuộc bãi khóa lan rộng ra Huế và Hà Nội. Bảo Đại đặt tên dinh này là Dinh Gia Long. Thời Ngô Đình Diệm, nó trở thành Dinh Quốc khách, nhưng năm 1962, Dinh Độc Lập (Norodom cũ) bị ném bom, phủ tổng thống phải chuyển về đây cho đến ngày anh em Diệm Nhu bị lật đổ và giết chết (2.11.1963).
3 Tòa đốc lý: tòa thị sảnh (chính), nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
4 Dinh tham biện: Sở thanh tra (Inspection), sau trở thành Tòa Hành chánh Gia Định, nay là Ủy ban Nhân dân Quận Bình Thạnh.