Vấn nạn “nuốt đất ” ở Vĩnh Phúc có nhiều khả năng đang là một hiện tượng phổ biến trong cả nước mà Tổng thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền trong một hội thảo tham nhũng về lĩnh vực đất đai đã cho rằng: “Qua những sự việc như thế này, dư luận quần chúng bức xúc, cộng đồng quốc tế lo ngại trước thực trạng tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức Nhà nước”. Hay xa hơn đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom còn nhận định: “Tham nhũng trong quản lý đất đai gây mất niềm tin, nó ảnh hưởng đến mọi người đặc biệt là người nghèo và cản trở đến sự phát triển của Việt Nam’’.
Thực tế đang diễn ra nhiều nghịch lý khi người nông dân cần đất sản xuất lại không được giao đất. Những công chức không cần đến đất sản xuất lại lợi dụng chức vụ quyền hạn để có được rất nhiều đất. Người nông dân trở thành vô gia cư, vô nghề nghiệp ngay trên thửa đất của chính mình. Rốt cuộc những năm qua, ngân sách nhà nước lại phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đào tạo nghề tại Vĩnh Phúc. Đây thực sự là một thực tế cần được quan tâm. Đó là chưa kể kinh phí học nghề lại do những người không có nghề nắm giữ và giải ngân... Nhiều lớp học nghề trá hình đã mọc lên, hơn 30 tỷ đồng đến giờ không thể quyết toán là một hậu quả có thể nhìn thấy.
Từ việc “phát lộ” phần nổi "tảng băng tham nhũng" 25,51 ha đất nông nghiệp ở phường Đồng Tâm cho thấy, nhiều dự án khác ở Vĩnh Yên cũng đang trong quá trình phù phép để “nuốt”đất. Chúng tôi xin tạm liệt kê một số dự án“có họ” với dự án phường Đồng Tâm như: Các dự án thuê đất trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại tại phường Định Trung, Liên Bảo, TP Vĩnh Yên giai đoan 2009-2012 định hướng đến 2020. Dự án này mới chỉ có chữ ký xác nhận "trích lục bản đồ" của Chủ tịch UBND các phường Định Trung, Liên Bảo nhưng đã được giao đất chờ thời cơ “xẻ thịt". Các dự án này gồm 79 ha đều nằm trong số diện tích 500 ha của công ty TNHH Kim Long được giao nhưng bỏ hoang chưa thu hồi. Tuy nhiên công ty này đã kịp làm thủ tục chuyển nhượng bất hợp pháp. UBND TP Vĩnh Yên đã lập đoàn thanh tra có kết luận, kiến nghị nhưng chưa được Tỉnh ủy và UBND Tỉnh xử lý .
Điều cần nói là các dự án này đều làm theo cách của chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Ngọc Phi trong việc lập trang trại hơn 10 ha cho mẹ vợ là cụ Trần Thị Hồng... đã gần trăm tuổi. Vụ án này cũng đã được tỉnh Vĩnh Phúc xử lý “làm phép”, mặc dù trước đó UBKTTW đã chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm vì sợ nguy cơ "nhờn thuốc".
Quan sát tại Vĩnh Phúc thì thấy, sau sự kiện này các dự án trang trại khác đã mọc lên như nấm và "nghề" xin đất lập dự án, sang nhượng dự án kiếm lời đã hình thành. Đất đai là một kênh tạo vốn nhanh nhất mà các "doanh nghiệp ma" đã tận dụng để kiếm chác. Tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc chỉ riêng “doanh nhân” Mạc Anh Tuấn đã được giao hơn gần 100 ha để làm dự án. Đầu tiên là dự án sân gôn nam Đầm Vạc, sau khi bị phát hiện hành vi xẻ thịt bán nền biệt thự, Mạc Anh Tuấn đã sang nhượng lại dự án cho một doanh nghiệp khác kiếm hơn chục tỷ đồng.
Cảnh xẻ thịt tại dự án trang trại phường Đồng Tâm Vĩnh Yên
Có tiền, Mạc Anh Tuấn lại làm dự án trường quốc tế UNET tại khu Trại Giao phường Khai Quang và được giao 15,5 ha. Sau 2 năm không thực hiện được việc đền bù, mới đây Tuấn lại sang nhượng cổ phần của mình tại Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục UNET cho người khác. Sau đó, Tuấn lại ôm tiền đi lập dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Câu hỏi đặt ra là liệu UBND Tỉnh Vĩnh Phúc có tiếp tục giao đất cho Mạc Anh Tuấn?
Ở Vĩnh Phúc, "hành nghề" kiếm lời như Mạc Anh Tuấn không phải là ít. Như vậy có thể thấy tại Vĩnh Phúc có một “nghề” mới là "nghề" lập dự án xin đất, sang nhượng dự án kiếm lời đang được hình thành. Để có được các quyết định thu hồi đất, giao đất cho các dự án, những "con cò" này đã được sự hậu thuẫn tích cực của không ít công chức, viên chức nhà nước mà Tổng thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền đã đề cập. Sự “mẫn cán” của các viên chức này chắc chắn sẽ được “đền bù”một cách xứng đáng mà một đại biểu quốc hội đã gọi tên một cách rất hình ảnh là... “chi phí qua gầm bàn”.
Chừng nào đất đai – một loại hàng hóa đặc biệt nhưng lại không được đưa vào vận hành theo cơ chế thị trường, chừng nào nhà nước vừa ra quyết định thu hồi đất lại vừa giao đất cho doanh nghiệp làm dự án thì chừng đó các quy định của pháp luật sẽ còn tiếp tục bị lợi dụng để làm giàu cho một số người. Và đương nhiên khi đó vấn nạn “nuốt đất” sẽ tiếp tục tồn tại không chỉ ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc như phần nổi của "tảng băng tham nhũng". Và một khi hiện tượng "nuốt đất" trở nên phổ biến thì sự phát triển của xã hội sẽ bị cản trở, đó là một hiện thực có thể nhìn thấy từ câu chuyện ở Vĩnh Phúc hôm nay.
Thuận Thành