Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục đích của Hoa Kỳ
Kỳ 1
Khi các sử gia tìm cách để am hiểu thế giới của thế kỷ hai mươi mốt, họ nên lưu ý đến cuộc khủng hoảng Parsley. Vào tháng Bảy năm 2002, chính phủ nước Morocco gởi mười hai binh sĩ đến một hòn đảo nhỏ tí mang tên Leila, cách đất liền vài trăm bộ, trong dải Gibraltar để dựng một cột cờ ở đó. Hòn đảo không có người ở, chỉ có một số dê, mọc đầy trên đảo là toàn rau mùi, thành ra mới có cái tên Tây Ban Nha là Perejil. Nhưng từ lâu chủ quyền đảo bị tranh giành bởi Tây Ban Nha và Morocco và chính phủ Tây Ban Nha phản ứng rất mạnh mẽ với sự "xâm lược" của người Morocco. Chỉ trong vài tuần lễ, bảy mươi lăm binh sĩ Tây Ban Nha đã được thả dù xuống đảo. Họ nhổ lá cờ của Morocco, trồng lên hai cột cờ Tây Ban Nha và đuổi những người Morocco về xứ.
Chính phủ Morocco lên án "hành vi gây chiến" này và tổ chức biểu tình, hàng ngàn thanh niên tràn ra đường xướng lên “Linh Hồn và Máu huyết chúng tôi sẽ hy sinh cho em, hỡi Leila!” Tây Ban Nha duy trì những chiếc trực thăng quần vũ bên trên hòn đảo và các tàu chiến ngoài khơi. Nhìn từ xa, toàn bộ sự kiện tựa như một màn hí kịch. Nhưng dù có giống như bao nhiêu ngu xuẩn, một ai đó sẽ phải dỗ dành hai quốc gia này dịu xuống.
Vai trò ấy đã không rơi vào Liên Hiệp Quốc, hay Liên hiệp Âu châu, hay một quốc gia châu Âu thân thiện như Pháp, vốn có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai phía. Vai trò ấy lại rơi vào tay Hoa Kỳ. Bộ trưởng ngoại giao khi ấy, Colin Powell từng nhớ lại một cách khôi hài “Tôi vẫn cứ tự nghĩ, tại sao Hoa Kỳ chúng ta lại vướng vào những chuyện này?”. Một khi đã rõ là không có giải pháp nào khác từng hữu hiệu, ông bắt đầu bằng một loạt các cuộc điện đàm ngoại giao, gọi nhà vua và bộ trưởng ngoại giao Morocco hàng chục lần đến tận khuya tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy. “Tôi quyết định rằng tôi cần phải đẩy nhanh một cuộc thoả hiệp bởi vì nếu không thì các niềm tự hào sẽ nhập cuộc, tình hình trở nên căng thẳng hơn và mọi người sẽ trở nên cứng đầu”, ông Powell cho biết. “Lúc ấy các cháu nội, ngoại của tôi sắp đến bơi và trời sắp tối ở vùng Địa Trung Hải”. Thành thử Powell đã soạn một bản thoả thuận trên máy computer ở nhà của ông, có được hai phía đồng ý, rồi tự mình ký vào thay cho cả hai phía, xong fax qua Tây Ban Nha và Marocco. Các nước đồng ý rời khỏi hòn đảo, không chiếm giữ nữa để bắt đầu thương thuyết ở Rabat về thể trạng tương lai của đảo này. Hai chính phủ công bố các lời cảm ơn Hoa Kỳ đã giúp giải quyết cơn khủng hoảng. Và Colin Powell đã có thể đi bơi với các cháu của ông.
Đấy là một thí dụ nhỏ nhưng có ý nghĩa. Hoa Kỳ chẳng có quyền lợi gì ở vùng Eo biển Gibraltar. Không như Liên hiệp Âu châu, vốn không có được sức bẩy đặc thù đến Tây Ban Nha và Morocco. Không như Liên Hiệp Quốc, vì không thể nói thay cho cộng đồng quốc tế. Nhưng chính là chỉ một quốc gia có thể thu xếp được cuộc tranh cãi, vì một nguyên nhân đơn giản, cơ bản. Trong một thế giới đơn cực, đó chính là một siêu quyền lực duy nhất.
Mùa hè năm 2002 sẽ được nhìn thấy như một biểu hiện rõ ràng của tính đơn cực, thời điểm Roman huy hoàng của Hoa Kỳ. Thập kỷ dẫn đến giai đoạn này đã là một thời kỳ dữ dội. Kinh tế gầm rống, sản xuất tăng cao hơn hẳn những thập niên trước, Washington nổi lên với các thặng dư hết sức lớn lao, đồng đô la cao ngất trời xanh và các CEO của Mỹ là những minh tinh của cả toàn cầu. Rồi thế giới nhìn Hoa Kỳ bị tấn công một cách tàn bạo vào tháng Chín năm 2001, mang đến những cảm giác tội nghiệp cùng những niềm vui thú ngấm ngầm rằng ngay cả một siêu quyền lực cũng phải cúi đầu. Nhưng chẳng bao lâu sau, dù Mỹ như yếu đuối và dễ thương tổn, thế giới đã chứng kiến đáp trả của Hoa Kỳ với sự cố 9/11 trên một mức độ không thể thưởng tượng được đối với nhiều nước. Washington lập tức tăng ngân quỹ quốc phòng lên 50 tỉ, một con số lớn hơn cả ngân sách hàng năm của cả Anh và Đức. Hoa Kỳ đơn thương độc mã đặt chủ nghĩa khủng bố vào ưu tiên một của chương trình hành động, khiến tất cả các nước khác phải tái định hướng chính sách ngoại giao của mình lại cho phù hợp. Pakistan vốn là đồng minh của Taliban trong nhiều năm, chỉ trong tuần lễ đã quay lưng lại với chúng. Trong vòng một tháng, Hoa Kỳ đã tấn công Afghanistan, cách xa mình bảy ngàn dặm, hoàn toàn từ trên không và nhanh chóng lật đổ được chính quyền.
Đó là chuyện ngày ấy. Ngày nay Hoa Kỳ vẫn là một siêu quyền lực toàn cầu, nhưng là một siêu quyền lực yếu. Kinh tế đất nước này có các khó khăn, giá trị đồng tiền tụt xuống và đất nước đối diện với các khó khăn về đường trường bởi các khó khăn của quyền được phép làm và sự dành dụm thấp. Tình cảm chống Mỹ hiện đang cao nhất khắp nơi từ Anh Quốc đến Malaysia. Nhưng thay đổi đáng sợ nhất trong những năm 1990 và hiện tại không có liên quan gì đến Mỹ mà là với cả thế giới. Vào những năm 1990, Nga hoàn toàn lệ thuộc vào trợ giúp và nợ của Mỹ. Hiện nay, họ đang có những ngân sách thặng dư thường niên đến hàng chục tỉ đô la. Khi trước, các nước ở Đông Á từng tuyệt vọng cần đến IMF cứu họ ra khỏi khủng hoảng. Nay, họ đang có những trữ lượng hối đoái khổng lồ mà họ đang cùng đến để tài trợ các món nợ của Mỹ. Ngày nào, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu của Mỹ. Năm 2007, Trung Quốc đã đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn là Hoa Kỳ - lần đầu tiên mà các quốc gia đã tạt được như thế tối thiểu là kể từ những năm 1930 – và đã vượt qua mặt Hoa Kỳ trong vai trò là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới trong một số phạm trù quan trọng.
Về đường dài, khuynh hướng ngàn năm mới có một lần này - sự vươn dậy của các nước còn lại - sẽ chỉ tăng thêm sức mạnh, bất kể các thăng trầm ngắn hạn. Ở mức độ chính trị quân sự, Hoa Kỳ vẫn còn thống lĩnh thế giới nhưng phần lớn cơ cấu của đơn cực – kinh tế, tài chính và văn hóa – đang suy yếu đi. Ngay cả trong một thời gian dài nữa, Washington vẫn chưa từng có và sẽ khó có được một ai ngang ngửa với mình, nhưng lại đang phải đối diện với các căng thẳng liên tục gia tăng. Sự ảnh hưởng không phải là một tình huống lưỡng cực. Thế giới sẽ không ở tình trạng đơn cực trong nhiều thập niên rồi một ngày kia thình lình chuyển sang lưỡng cực hay đa cực. Sẽ có một thay đổi chậm chạp trong bản chất của các công việc quốc tế. Dù tính đơn cực tiếp tục là một thực tế được xác định của hệ thống quốc tế hiện nay, mỗi năm nó mỗi yếu đi còn các quốc gia khác, các diễn viên khác lại tăng thêm sức mạnh của họ.
Việc thay đổi quyền lực là một sự thuận lợi rộng rãi. Đấy là một sản phẩm của những điều tốt lành – tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định quanh thế giới. Và điều này tốt cho Mỹ, nếu biết tiếp cận đúng. Thế giới đang đi bằng phương cách của Mỹ. Các nước đang trở nên cởi mở hơn, thị trường thân thiện hơn và dân chủ hơn. Chừng nào chúng ta còn giữ được các sức mạnh hiện đại hóa, tương tác toàn cầu và giao thương phát triển, cai trị tốt hơn, dân chủ và các quyền con người đi lên. Chuyển động ấy không phải lúc nào cũng dịch chuyển. Cũng có những trở ngại, nhưng phương hướng căn bản là rõ rệt. Nhìn vào Phi châu, nơi thường được xem là một lục địa tuyệt vọng nhất của thế giới. Ngày nay, hai phần ba lục địa này là dân chủ và kinh tế phát triển.
Các chiều hướng này mang lại một cơ hội cho Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ để duy trì được như một tay chơi quan trọng trong một thế giới giàu mạnh hơn, năng động hơn và thú vị hơn. Nhưng nắm được cơ hội ấy cần đến một thay đổi quan trọng trong lối tiếp cận cơ bản của Hoa Kỳ với thế giới. Chỉ có ngần ấy điều mà nước Mỹ có thể làm về quyền lực có liên quan của mình. Khi các nước khác đang tăng trưởng từ các khởi điểm thấp, trọng lượng tương đối của họ sẽ mắc khuyết điểm. Những vẫn có một số sự việc quan trọng mà Washington có thể hành động để tái xác định mục đích của Hoa Kỳ.
(Còn tiếp)
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 2
Hiệu quả của sự cạnh tranh
Hoa Kỳ đã khởi đi như thế nào ? Hoa Kỳ đã từng có một vai trò phi thường để tham dự trong chính trường toàn cầu - một vai trò tốt nhất hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Tuy nhiên, từ bất cứ lãnh vực nào - khả năng giải quyết khó khăn, thành công đạt được, xây dựng cơ chế, tăng cường uy tín – Washington đã sử dụng vai trò này kém. Hoa Kỳ đã từng có một giai đoạn của ảnh hưởng không cân bằng. Đất nước này đã cho thấy gì từ điều đó?
Vượt khỏi các chính sách và tính cách riêng, những gì đã từng được hình thành, thật trớ trêu, các hoàn cảnh tạo nên các sai lầm đó lại chính là vì quyền lực quá lớn của Hoa Kỳ. Người Mỹ rất tin tưởng vào hiệu quả của sự cạnh tranh. Chúng ta tin rằng các cá nhân, tập thể và các công ty thương mại đã thực hiện được tốt hơn khi họ ở trong một môi trường cạnh tranh. Nhưng đến vũ đài quốc tế, chúng ta lại quên mất sự thực này. Suốt kể từ cuộc sụp đổ của Liên Xô, Hoa Kỳ đã cư xử với thế giới như một người khổng lồ vô địch, không thể kềm hãm. Điều này có những mối lợi của nó, nhưng đồng thời cũng đã tạo cho Washington trở nên bất cẩn, kiêu ngạo và lười biếng. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thời giống như chiến lược kinh doanh của General Motors trong những năm 1970 - một lối tiếp cận bị lèo lái bởi các yếu tố quốc tế, với ít hiểu biết về môi trường rộng rãi hơn mà họ đang vận hành. Điều ấy không có hiệu quả tốt lắm cho GM và cũng như cả nước Mỹ.
Chúng ta đã không bắt đầu môt cách bất cẩn. Hầu hết các chính trị gia và chuyên viên, cả ở Mỹ và quốc ngoại, đều chậm nắm bắt được tính đơn cực. Vào những năm 1990, khi Liên Xô xụp đổ, Margaret Thatcher đã bày tỏ một quan điểm chung là thế giới đang di chuyển vào ba nhóm khu vực, “một nhóm có điểm tựa trên đồng đô la, một nhón trên đồng yen và một nhóm trên đồng Đức Mã”. George H. W. Bush miệt mài với trật tự lưỡng cực, không bao giờ phản ứng như một nhà lãnh đạo của một siêu quyền lực đơn cực. Ông đã tiếp cận một cách cẩn trọng với các thay đổi lịch sử trong hệ thống toàn cầu. Thay vì khẳng định vang dội chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh, chính quyền của ông lại cẩn thận củng cố những gì đạt được từ sự xụp đổ của Liên Xô, chờ Liên Hiệp Quốc chấp thuận và theo sát sự uỷ nhiệm vốn mang lại tính chính đáng cho cuộc chiến tranh. Với Hoa Kỳ bị vây hãm bởi sự suy thoái và các thâm hụt dâng cao, Bush đã gởi James Baker, tổng trưởng ngoại giao của mình, đi quanh thế giới với cái mũ chìa ra trên tay để quyên góp tài trợ cho chiến tranh. Cuộc thống nhất nước Đức, thành quả của chính sách vĩ đại của ông, đã không đạt được qua sức mạnh đơn phương mà qua sự hợp tác về ngoại giao - mặc dù Hoa Kỳ đang nắm tất cả con bài chủ trên tay vào lúc ấy. Đức đã thống nhất trong khối đồng minh Tây Phương, và 340000 người Nga lặng lẽ rời khỏi Đông Đức - tất cả trong sự ưng thuận của Moscow.
Một số người không nhận ra rằng, với Liên Xô đang tan vỡ từng mảnh, Hoa Kỳ là “cực” duy nhất còn lại. Nhưng họ cứ cho rằng đơn cực đã là một thời kỳ qua rồi, trong câu viết của một nhà bỉnh bút, đó là một “thời huy hoàng” đã qua. Các lời bàn tán về sự suy yếu của Mỹ xâm chiếm cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. “Chiến tranh lạnh qua rồi, Đức và Nhật chiến thắng”. Paul Tsongas đã nói như thế trong suốt thời gian vận động tranh cử mà ông được đảng Dân chủ đề cử. Henry Kissinger, trong cuốn Diplomacy của mình vào năm 1994, ông đã tiên đoán sự xuất hiện một thế giới đa cực mới, một quan điểm được nhiều học giả tin tưởng. Những người Âu châu tìn rằng họ ở trên con đường đến sự thống nhất và quyền lực thế giới, và những người châu Á đã phát biểu một cách tự tin về sự nổi dậy của “Thế kỷ Á Châu”.
Bất chấp các khẳng định này, các khó khăn đối ngoại, bất kể ở khoảng cách xa nào, luôn luôn kết thúc trong lòng Washington. Khi cuộc khủng hoảng trong vùng Balkans bắt đầu vào năm 1991, Jacques Poos của Luxembourg, chủ tịch hiệp hội Âu châu, đã tuyên bố “Đây là thời khắc của Âu châu. Nếu một khó khăn có thể được giải quyết bởi người người châu Âu thì đó là vấn đề của người Tiệp. Đây là một nước Âu châu và không thể để tuỳ thuộc vào người Mỹ được”. Thật không có gì bất thưòng cho một thứ quan điểm chống Mỹ; hầu hết các nhà lành đạo Âu châu, kể cả Thatcher và Helmut Kohl đều có như thế. Nhưng vài năm máu me sau đó, sự việc lại được bỏ mặc cho Mỹ để mà chặn đứng cuộc chiến tranh. Khi Kososvo nổ ra chiến tranh trong thập niên đó, Âu châu lập tức để Washington nắm lấy vai trò lãnh đạo. Mô hình tương tự xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế vùng Đông Á, cuộc đấu tranh cho độc lập của Đông Timor, dẫ đến các xung đột ở Trung đông và các món nợ không đòi được ở châu Mỹ La Tinh. Các nước khác là một phần của giải pháp, nhưng, trừ khi có Hoa Kỳ nhúng tay vào, các cuộc khủng hoảng vẫn cứ tiếp diễn. Và cùng vào lúc ấy, kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ phát triển dài nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai, thực sự đã gia tăng phần chia của mình với đầu ra của thế giới khi Nhật và Âu châu bị đình trệ.
Khi Bill Clinton đắc cử vào năm 1993, ông đã hứa hẹn sẽ ngưng không lo lắng gì về chính sách đối ngoại và tập chú vào kinh tế “như một tia laser”. Nhưng sức kéo của đơn cực đã mạnh. Vào nhiệm kỳ thứ nhì, ông đã phải trở nên một vị tổng thống về chính sách ngoại giao, xử dụng gần hết thời gian, năng lực của mình để tập trung vào các vấn đề như hòa bình ở Trung Đông và khủng hoảng Balkans. George W . Bush phản ứng với điều ông xem là một khuôn mẫu của sự liên hệ quá đáng đến các công việc quốc tế - từ các vụ mua chuộc kinh tế đến xây dựng quốc gia – đã hứa hẹn vào lúc tranh cử là sẽ đi trở lại với các hứa hẹn của Mỹ. Thế rồi đến nhiệm kỳ tổng thống của ông và đến sự cố quan trọng hơn: 9/11.
Trải qua những năm tháng của Clinton, sức mạnh Hoa Kỳ đã trở nên rõ rệt hơn, Washington trở nên một chính phủ quyết đoán hơn và các chính phủ ngoại quốc trở nên đối kháng hơn. Một số cố vấn kinh tế của Clinton, như Mickey Cantor và Lawrence Summer, đã bị kết tội kiêu căng trong các cách giải quyết của họ với các nước khác. Các nhà ngoại giao như Madeleine Albright và Richard Holbrooke đã bị xem thường ở Âu Châu vì đã nói về Mỹ như thể “một đất nước không thể thiếu được” - từ của bà Albright. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Hubert Verdine sáng chế ra ý nghĩa “Sức mạnh Thái quá” (hyperpower) – mà ông không có ý như một ý nghĩa về sự được quý trọng – trong những năm 1990.
Nhưng tất cả những điều phàn nàn này chỉ là những lời đối đáp lịch sự khi đem so sánh với tính thù địch gây nên bởi George W. Bush. Trong một vài năm, chính phủ Bush đã đặc biệt khoác loác về sự xem thưòng các thoả ước, các tổ chức đa phương, ý kiến công chúng quốc tế và bất cứ điều gì mang lại một tiếp cận hòa giải với chính trị quốc tế. Vào nhiệm kỳ thứ hai của Bush, khi sự thất bại của lối tiếp cận này đã rõ rệt, chính quyền đã bắt đầu thay đổi tiến trình trên một số mặt trận, từ vấn đề Iraq, tiến trình đề hòa bình Isreali-Palestinian đến Bắc Triều Tiên. Nhưng các chính sách mới đã thực hiện chậm, vì các lời lầm bầm, càu nhàu đáng kể và các yếu tố của một chính quyền rõ ràng không chịu hòa giải với chiến lược mới.
Để am hiểu được chính sách đối ngoại của chính quyền Bush, tập trung vào những xung lực loại “Jackonian” của Donald Rumsfield và Dick Cheney, căn bản Texas của Bush hay âm mưu tân bảo thủ bất chính là không đủ. Yếu tố quan trọng đã đưa đến các chính sách của Bush là yếu tố 9/11. Một thập niên trước cuộc tấn công, Hoa Kỳ đã không có cản trở gì trên sân khấu thế giới. Nhưng một số ràng buộc - tiền bạc, Quốc hội, ý kiến công chúng - đã khiến Washington khó theo đuổi một chính sách đơn phương và hiếu chiến. Cả các can thiệp quân sự và viện trợ nước ngoài đều là không bình thường khi thế giới muốn Hoa Kỳ rút lui ra khỏi thế giới sau những cơn rùng mình của chiến tranh lạnh. Các can thiệp vào Balkan, bành trướng của NATO, viện trợ cho Nga tất cả đều phải cần đến những nỗ lực đáng kể từ chính quyền Clinton, đôi khi rất gay go, bất chấp thực tế rằng những điều này là những chi tiêu tương đối nhỏ và chỉ cần đến một chút dự trữ. Nhưng sự cố 9/11 đã thay đổi tất cả. Sự cố này đã phá vỡ tất cả các câu thúc nội địa về chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau cuộc tấn công khủng khiếp ấy, Bush đã có được một đất nước đoàn kết và một phần lớn thế giới chan chứa cảm thông. Cuộc chiến Afghan làm nổi bật tinh hoa quyền hạn tuyệt đối của Hoa Kỳ, khuyến khích đến các những thành phần cứng rắn nhất trong chính quyền, những người đã xử dụng thắng lợi ấy như một luận cứ để gây chiến với Iraq nhanh chóng và thực hiện điều ấy trong một tính cách đơn phương. Hoa Kỳ không cần đến cả phần còn lại của thế giới hay cơ cấu cổ lỗ của tính hợp pháp và sự hợp tác. Luận điểm đã là : một đế chế toàn cầu mới tạo nên một thực tại mới - Công thức để lý giải chính sách ngoại giao của Bush đơn giản là :
Đơn cực + 9/11 + Afghanistan = Chủ nghĩa đơn phương + Iraq.
Không phải chỉ thực chất của chính sách Hoa Kỳ đã thay đổi trong thời kỳ đơn cực. Mà cả phong cách, vốn đã từng trở nên oai phong và hống hách. Có rất nhiều đối thoại với các lãnh đạo nước ngoài, nhưng đó là các loại đối thoại một chiều. Các chính phủ khác thường chỉ được thông báo về chính sách của Hoa Kỳ. Các quan chức quan trọng của Hoa Kỳ sống riêng trong cõi của mình, hiếm khi có các giao tiếp chân thành với các đối tác ở nước ngoài chứ chưa nói gì đến những người ngoại quốc khác. "Khi chúng tôi hội họp với các quan chức Mỹ, họ nói và chúng tôi lắng nghe - hiếm khi chúng tôi có bất đồng hay nói chuyện thẳng thắn bởi vì đơn giản họ không thể lắng nghe. Họ cứ đơn giản lập lại vai trò của Mỹ, như một du khách nghĩ rằng anh ta chỉ muốn nói to hơn, chậm hơn và rồi tất cả chúng ta đều hiểu cả" một cố vấn quan trọng về chính sách đối ngoại trong một chính phủ quan trọng ở Âu châu từng nói với tôi như thế.
"Ngay cả đối với một viên chức ngoại quốc cao cấp khi giải quyết công việc với chính phủ Mỹ", Christopher Patten, người mạnh mẽ ủng hộ Hoa Kỳ, từng viết nhắc lại kinh nghiệm của ông với tính cách là một ủy viên Âu châu về công tác đối ngoại, "bạn ý thức được vai trò của mình như thể một người đi triều cống: dù bạn lịch sự tôn kính đến đâu, bạn vẫn đến như thể một người cấp dưới mang theo thiện ý và hy vọng để được bắt đầu bằng sự ban phước cho nỗ lực của mình...Sẽ hữu ích cho một số phụ tá của ông khi họ hãy thử đi vào văn phòng của mình mà tự họp với chính mình đôi ba lần, nếu quan tâm đến tính cách lãnh đạo khiêm tốn mà tổng thống Bush từng tự tin một cách đúng đắn !". Patten viết tiếp, "Tham dự bất cứ phiên họp ở nước ngoài nào, các quan chức nội các Mỹ đến với một kiểu tuỳ tùng ắt phải khiến Drious tự hào. Các khách sạn đều bị trưng dụng, các thành phố đều đi đến tình trạng ngừng hoạt động; những người bàng quan vô tội đều bị dồn vào các góc kẹt bởi những người to khoẻ với các thứ đồ nhựa đeo tòng teng trên tai. Thật không phải là một cảnh tượng có thể đạt được nhân tâm".
Các chuyến đi nước ngoài của tổng thống Bush như được sắp xếp càng ít tiếp xúc với những đất nước ông viếng thăm càng tốt. Ông thường được hộ tống bởi trên dưới hai ngàn người Mỹ cùng vài phi cơ, trực thăng và xe cộ. Ông không nhìn thấy gì ngoài những nơi chốn và các phòng họp. Các chuyến đi của ông không có quan hệ gì đến việc chứng tỏ lòng tôn trọng hay cảm kích quốc gia và nền văn hóa mà ông đến thăm. Cũng ít quan hệ gì đến việc thăm gặp hội họp với dân chúng bên ngoài chính phủ - các thương nhân, lãnh tụ dân quyền, các nhà hoạt động. Ngay cả việc một chuyến thăm viếng của tổng thống cần phải được soạn thảo kỹ càng trên danh nghĩa, một nỗ lực rộng rãi nhằm tiếp xúc va chạm với dân chúng ở các miền đất lạ cũng sẽ là một giá trị có tính biểu tượng cao. Hãy xem một chương đoạn có liên quan đến Bill Clinton và Ấn độ. Vào tháng Năm 1998, Ấn độ cho nổ năm thiết bị hạnh nhân ngầm dưới đất. Chính quyền Clinton thẳng thắn phản đối New Delhi, phê chuẩn việc trừng phạt và đình chỉ vô thời hạn một cuộc viếng thăm cấp tổng thống. Các cuộc trừng phạt đã cho thấy kết quả đau đớn, ước đoán gây tổn hại đến khoảng 1 phần trăm GDP của Ấn độ trong năm sau đó. Cuối cùng Clinton đã cởi mở và đến thăm Ấn độ vào tháng Ba năm 2000. Ông trải qua năm ngày trong nước này, viếng thăm các nơi nổi tiếng, khoác lên người bộ y phục cổ truyền của Ấn độ và tham dự vào các buổi múa hát cùng lễ lạc. Ông đã chuyển giao đến một thông điệp là ông vui thích và thán phục Ấn độ như một đất nước văn minh. Kết quả đã là một sự chuyển biến. Clinton đã trở thành một minh tinh nhạc rock ở Ấn độ. Và George W. Bush, dù là một tổng thống ủng hộ Ấn độ nhất trong lịch sử Mỹ, đã không gây được sự cảm mến, kiêng nể, lưu ý nào. Chính sách là hệ trọng nhưng các biểu tượng chung quanh cũng quan trọng không kém.
Kiểu cách hống hách quan quyền chẳng những đem lại các phẫn uất còn khiến các quan chức Mỹ không hưởng được lợi lộc gì từ các kinh nghiệm và tài trí của người ngoại quốc. Các kiểm soát viên Liên Hiệp Quốc ở Iraq đã từng khó xử bởi cách thức quan chức Mỹ không thích bàn bạc gì với họ trước cuộc chiến. Người Mỹ, ngồi lọt thỏm thoải mái ở Washington, lên lớp các kiểm soát viên - những người đã bỏ ra nhiều tuần lễ cày bới khắp Iraq - về các bằng chứng của vũ khí giết người hàng loạt. "Tôi ngỡ họ sẽ lưu ý đến các báo cáo mắt thấy tai nghe của chúng tôi về các loại cơ xưởng được cho là nước đôi ấy ra sao", một kiểm soát viên nói với tôi, "Nhưng không, họ giải thích cho tôi biết những cơ xưởng đó đã được dùng vào việc gì".
Đối với người ngoại quốc, các quan chức Mỹ dường như không biết gì về thế giới mà lẽ ra họ phải cai quản. "Có hai loại đối thoại, một loại với người Mỹ trong phòng họp và một loại không có", Kishore Mahbubani, cựu bộ trưởng ngoại giao, đại sứ Liên Hiệp Quốc của Singpaore đã từng nói thế. Bởi vì người Mỹ sống trong một cái "tổ kén", họ không nhìn thấy "cả một đại dương thay đổi trong tính cách nhìn về người Mỹ trên khắp thế giới".
(Còn tiếp)
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch : Lê Quốc Tuấn
Mục đích của Hoa Kỳ
(3)
Lần này là khác hẳnRất dễ dàng để gạt bỏ tính thù địch từng phát triển từ chiến dịch Iraq như chỉ là một loại ghen tỵ với chủ nghĩa chống Mỹ (dù rằng một phần nào có thực là như thế). Giới bảo thủ Mỹ cho rằng đã từng có một sự chống đối lớn và phổ biến ở Âu châu mỗi khi Hoa Kỳ có hành động quân sự mạnh mẽ - chẳng hạn như khi Hoa Kỳ triển khai các đầu đạn hạt nhân Pershing ở Âu châu trong những năm đầu thập niên 1980. Thực ra, các ghi chép lịch sử đã nêu bật sự trái ngược. Các cuộc biểu dương và tuần hành của công chúng trên đường phố chống lại việc triển khai Pershing là chỉ để cho truyền hình, sự thực chính là, căn cứ vào hầu hết các thăm dò, 30 đến 40 phần trăm người châu Âu, và có thể hơn thế nữa, đã hết sức ủng hộ các chính sách của Mỹ. Ngay cả ở Đức, nơi các tình cảm hoà bình dâng cao ngất trời, 53 phần trăm dân số ủng hộ việc triển khai Pershing, theo một cuộc thăm dò năm 1981 ở Der Spiegel. Một khối đa số người Pháp đã ủng hộ chính sách của Mỹ qua hết hai nhiệm kỳ của Ronald Reagan và còn đã ưa chuộng ông hơn là ứng viên Dân chủ Walter Mondale trong cuộc bầu cử năm 1984. Ngược lại, ngày nay, một đa số dao động trong hầu hết các quốc gia ở Âu châu - lên đến 80 phần trăm ở nhiều nơi - chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ và còn cho rằng Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất cho thế giới.
Josef Joffe, một trong những nhà phê bình công tác ngoại giao quốc tế đã nhận xét rằng, trong thời chiến tranh lạnh, chủ nghĩa chống Mỹ là một hiện tượng cánh tả. "Ngược lại với hiện tượng này, đã luôn có một cánh hữu trung tâm vốn chống cộng và do đó, ủng hộ Mỹ", ông lý giải. "Con số lúc tăng lúc giảm, nhưng ta vẫn luôn có một căn bản vững chắc ủng hộ cho Hoa Kỳ. Nói vắn tắt, cuộc chiến tranh lạnh đã giữ cho Âu châu ủng hộ Mỹ. Thí dụ như, năm 1968, là năm chứng kiến những cuộc chống đối lớn về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, nhưng cũng là năm của việc Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc. Các nước Đông Âu (và Á Châu) có thể chống lại Mỹ, nhưng quan điểm của họ được cân bằng bởi sự lo lắng về mối đe dọa Liên Xô. Một lần nữa, những cuộc thăm dò đã chứng tỏ điều này. Ngay cả sự chống đối của Âu châu đối với chiến tranh Việt Nam cũng chưa bao giờ đến mức như sự chống đối với cuộc chiến ở Iraq. Điều này cũng đúng với cả những nước ở bên ngoài Âu châu nữa. Ở Úc, đa số công chúng ủng hộ sự tham dự của nước này vào chiến tranh Việt Nam đến khi đất nước này rút quân đội ra khỏi vào năm 1971.
Đối với đa phần của thế giới, cuộc chiến tranh Iraq không phải là về Iraq. "Mexico hay Chile đâu cần quan tâm gì đến việc ai cai trị ở Baghdad ?", Jorge Castaneda, cựu bộ trưởng ngoại giao Mexico đã nói với tôi. "Họ quan tâm về việc siêu quyền lực của thế giới vận dụng sức mạnh của mình như thế nào. Đó chính là điều mà chúng tôi quan tâm sâu sắc nhất". Ngay cả nếu như cuối cùng Iraq giải quyết được vấn đề, điều ấy chỉ giúp giải quyết được vấn nạn cho chính Iraq. Vấn đề của Mỹ vẫn còn đó. Dân chúng trên thế giới lo lắng về việc sống trong một thế giới mà một quốc gia có quá nhiều sức mạnh. Ngay cả nếu như họ không có khả năng thử thách với sức mạnh này, họ cũng có thể làm cho nó rắc rối. Trong trường hợp Iraq, không một quốc gia nào trên thế giới đã có thể ngăn cản Mỹ khỏi lâm chiến mà không có các trừng phạt quốc tế, nhưng cả phần còn lại của thế giới đã thực hiện những nỗ lực khó khăn hơn bằng cách đứng ở vòng ngoài của các hậu quả. Khi những dòng chữ này được viết ra, không một quốc gia Arab nào từng mở toà đại sứ ở Baghdad. Các đồng minh không-Ả Rập của Mỹ không hữu dụng gì lắm.
Nicolas Sarzoky sung sướng được gọi là "một người Mỹ" và ngay cả được gọi là một người « tân bảo thủ » ở Pháp. Ông ủng hộ Mỹ một cách không rụt rè và tỏ rõ rằng ông muốn bắt chước Mỹ trong nhiều phương cách. Khi gặp Condoleeza Rice sau khi ông đắc cử Tổng thống Pháp vào tháng Năm 2007, bà đã hỏi ông "Tôi có thể làm gì được cho ngài ?". Câu trả lời của ông rất bộc bạnh "Hãy cải thiện dung mạo của đất nước bà trên thế giới", ông nói. "Sẽ là một điều khó khăn khi một quốc gia quyền lực nhất, thành công nhất - một quốc gia mà, khi cần thiết, sẽ là nước lãnh đạo phe chúng ta - là một nước không được ưa thích nhất trên thế giới. Điều đó sẽ mang đến những khó khăn áp đảo đến quý vị và những khó khăn không thể tránh khỏi cho các đồng minh của quý vị. Do đó, hãy làm bất cứ điều gì có thể làm được để cải thiện những gì quý vị đang được nhận biết - đó là điều mà quý vị có thể làm cho chúng tôi".
Robert Kagan, người cầm bút tân bảo thủ đã lập luận rằng các khác biệt của Mỹ và Âu châu qua các hợp tác đa phương là kết quả từ sức mạnh tương đối của họ. Khi các nước lớn ở Âu châu là những quyền lực lớn của thế giới, họ tán dương tính thực dụng và ít lo lắng gì đến hợp tác quốc tế. Theo Kagan, bởi vì hiện nay Âu châu còn yếu, thành ra họ thiên về lề luật và sự kềm chế. Về phần mình, nước Mỹ muốn tự do tuyệt đối trong hành động: "Hiện nay Hoa Kỳ là sức mạnh, họ cư xử như thể một quốc gia quyền lực". Nhưng lập luận này diễn giải sai lịch sử và thiếu hiểu biết về vị trí độc đáo mà Mỹ đã đạt được trong nền ngoại giao của thế kỷ hai mươi. Mỹ là đất nước mạnh nhất thế giới khi họ đề nghị thành lập Hội Quốc Liên để quán xuyến các quan hệ quốc tế sau Đệ nhất Thế chiến. Hoa Kỳ là quyền lực thống lĩnh sau Đệ nhị Thế chiến khi đất nước này hình thành Liên Hiệp Quốc, tạo nên cơ chế Breton Woods về các hợp tác kinh tế quốc tế và thành lập các thổ chức quốc tế quan trọng của thế giới. Mỹ có cả thế giới trên đoàn tàu của mình, nhưng Franklin Delano Roosevelt và Harry Truman đã lựa chọn việc không tạo nên một nước Mỹ đế quốc. Thay vào đó, họ xây dựng một trật tự quốc tế của những đồng minh và các cơ quan đa phương đồng thời giúp tất cả các nước khác trởvề được với đôi chân của mình bằng cách bơm một số lượng viện trợ khổng lồ và các đầu tư tư nhân. Trung tâm điểm của nỗ lực này, Kế hoạch Marshall, đã có trị giá đến 100 tỉ trong trị giá đồng Mỹ kim ngày nay. Nói một cách khác, trong hầu hết thế kỷ hai mươi Mỹ đã ôm lấy mối hợp tác quốc tế không phải vì sợ hãi và sợ tổn thương mà từ tự tin và sức mạnh của mình.
Trọng tâm của lối tiếp cận này là sự lưu tâm đặc biệt đến ngoại giao. Hãy thử nghĩ đến điều gì thực có ý nghĩa đối với Franklin Roosevelt, tại đỉnh cao của quyền lực, đã đi nửa vòng thế giới đến Tehran và Yalta để gặp Churchill và Stalin vào năm 1943 và 1945. Roosevelt là một người đau yếu, bị tê liệt từ ngang hông trở xuống, phải lê 10 cân gọng sắt trên đôi chân của mình. Đi bốn mươi giờ trên biển và trên không gần hết hơi. Ông có nhiều phụ tá – George Marshall, Dwight Eisenhower – có thể đi thay ông. Hoặc ông có thể mời những lãnh tụ khác đến với mình. Nhưng Franklin D. Rooservelt đã hiểu được rằng quyền lực Hoa Kỳ cần phải đi đôi với sự hào phóng của tinh thần. Ông cương quyết đòi các nhà chỉ huy Anh như Montgomery phải được chia phần công bằng về vinh quang trong cuộc chiến tranh. Ông đã mang Trung Quốc vào Hội đồng Bảo An LHQ, dù đấy chỉ là một xã hội nông thôn nghèo, bởi vì ông tin vào tầm hệ trọng phải nên có một nước rộng lớn nhất Á châu đại diện trong một bộ phận của thế giới.
Chuẩn mực đặt ra bởi Roosevelt và thế hệ của ông đã kéo dài. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Marshall sáng tạo ra một kế hoạch mang tên ông, ông đã nhấn mạnh rằng sáng kiến và sự chi phối là công việc của những người Âu châu. Trong nhiều thập niên sau đó, Hoa Kỳ đã xây các đập nước, tài trợ các tạp chí và cung cấp bí quyết kỹ thuật cho các nước khác. Hoa Kỳ đã gửi các học giả và sinh viên của mình ra nước ngoài để mọi người biết đến Mỹ và dân Mỹ. Hoa Kỳ đã tôn trọng các đồng minh của mình, ngay cả khi các đồng minh không ở trong ý nghĩa tương đương. Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự với các nuớc nhỏ, ngay cả khi họ không hành động gì nhiều với sự sẵn lòng của Hoa Kỳ. Trong nửa thế kỷ, các tổng thống Hoa Kỳ và các bộ trưởng ngoại giao đi quanh địa cầu và chủ trì các đối tác của mình trong một chu kỳ không bao giờ chấm dứt về ngoại giao.
Dĩ nhiên tất cả những nỗ lực này phục vụ cho quyền lợi của chúng ta. Chúng mang lại một thế giới ủng hộ Hoa Kỳ giàu mạnh và an ninh. Chúng đặt để các nền tảng cho một nền kinh tế toàn cầu nở rộ mà các nước khác có thể tham dự và Hoa Kỳ tăng thêm thịnh vượng. Nhưng đó chính là một sự tự kỷ sáng suốt khi biết tính đến quyền lợi của kẻ khác. Nói cho cùng, tất cả những điều này bảo đảm với các nước – thông qua lời nói và việc làm, phong cách và thực chất - rằng quyền lực khủng long của Hoa Kỳ là không đáng sợ.
(Còn tiếp)
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 4
Những quy luật mới cho một Kỷ nguyên mới
Một số người Mỹ tin rằng chúng ta chỉ cần bắt chước chứ không cần phải học hỏi từ lịch sử. Nếu chúng ta đã có thể tìm được một chính quyền Truman khác để có thể thiết kế nên một tập hợp các định chế mới cho một kỷ nguyên mới, nhiều người Cộng hoà và Dân chủ có lẽ mong mỏi lắm. Nhưng điều này chỉ là nỗi luyến tiếc quá khứ chứ không phải là chiến lược. Khi Truman, Acheson và Marshall xây dựng trật tự hậu chiến, cả thế giới còn lại đang ở trong tình trạng tả tơi. Dân chúng đã nhìn thấy các hậu quả tàn hại của chủ nghĩa quốc gia, chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Hậu quả là, đã có được một sự ủng hộ rộng rãi ở mọi nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, cho một nỗ lực rộng lớn và hào phóng nhằm dự phần vào thế giới, đưa thế giới ra khỏi nghèo đói, tạo nên các định chế toàn cầu và bảo đảm các hợp tác quốc tế - để một cuộc chiến tranh như thế không xảy ra nữa. Hoa Kỳ đã có một căn bản đạo lý cao có được từ việc đánh bại chủ nghĩa phát xít và đồng thời Hoa Kỳ cũng có được một sức mạnh không thể so sánh. GDP của Mỹ gần đạt đến 50 phần trăm của nên kinh tế toàn cầu. Bên ngoài quỹ đạo Xô Viết, vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc phát kiến ra các định chế mới không hề bị thử thách. Ngày nay, thế giới là khác biệt, và vai trò của Mỹ trong thế giới ngày nay cũng khác biệt. Nếu Truman, Marshall và Acheson còn sống, hẳn các vị đó đã phải đối diện với những thử thách hoàn toàn mới. Nhiệm vụ của ngày nay là phải thiết lập một lối tiếp cận mới đến một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên sẽ giải quyết được một hệ thống toàn cầu mà trong đó quyền lực đã khuếch tán hơn nhiều so với trước đây, trong đó mọi người đều cảm thấy mình đang được tăng thêm sức mạnh.
Hoa Kỳ đã không có được sự kiểm soát mà họ từng có trong năm 1945 hay ngay cả vào năm 2000. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn có được một vai trò hơn tất cả các nước khác - một hệ thống hoàn thiện nhất về sức mạnh kinh tế, chính trị quân sự, văn hóa – và Hoa Kỳ sẽ không thể bị thay thế trong một tương lai có thể dự đoán được. Có lẽ, quan trọng hơn, chúng ta không cần phải tái tạo ra một thế giới khác. Trật tự quốc tế hình thành bởi Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến đang khẩn thiết cần đến một sự mở rộng và sửa chữa nhưng không cần phải thụ thai lại. Như học giả John Ikenberry của trường ĐH Princeton từng nhận xét một cách sâu sắc rằng, cơ chế thiên Tây phương đã được tạo nên trong những năm 1940 và 1950 đã đưa đến sự bành trướng của thương mại toàn cầu, sự nổi dậy của các quyền lực mới và các các cơ chế của sự hợp tác và giải quyết xung khắc. Nó hoàn toàn không thể giải quyết được một số khó khăn, như sự xung khắc giữa các quyền lực lớn và các thảm kịch nhân quyền nội địa, nhưng đấy chính là những giới hạn của các mối quan hệ quốc tế chứ không phải của cấu trúc đặc thù này. Đồng thời, thực tế của các cản trở cùng vũ khí hạt nhân đã khiến các khó khăn trở nên cực kỳ tốn kém - gần như tự sát – cho một quyền lực đang lên muốn tự khẳng định mình với các nước tương đương bằng quân sự. “Nói tóm lại, nền trật tự Phương Tây ngày nay thì dễ tham gia nhưng khó có thể quay ngược lại”, Ikenberry đã viết như thế. Đó là cách thức mà một nước Nhật bản và Đức hiện đại đã nhìn ra lựa chọn của mình và có lẽ cũng là cách mà Ấn độ và Trung Quốc đang nhìn về tương lai của mình. Chắc chắn họ muốn tăng thêm sức mạnh và địa vị của mình, nhưng trong khuôn khổ của hệ thống quốc tế chứ không phải bằng cách đảo ngược lại. Chừng nào các quốc gia này còn cảm thấy mình hoà hợp được, họ sẽ còn có tất cả các khích lệ để trở nên những “kẻ ăn chịu có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế này.
Cuộc nổi dậy của các nước còn lại, là một tiến trình dài và chậm chạp. Và đó là một tiến trình bảo đảm cho Mỹ là một vai trò tuy khác biệt nhưng có tính quan trọng sống còn. Khi Trung Quốc, Ấn độ, Ba Tây, Nga, Nam Phi và một loạt các nước nhỏ hơn tất thảy đều khá lên trong những năm sắp tới, các quan điểm mới về sự căng thẳng sẽ nổi lên giữa các nước này. Nhiều nước trong số nhưng nước đang lên này có các oán thù lịch sử, tranh chấp biên giới và các tranh cãi đương đại với các nước khác; trong hầu hết các trường hợp, chủ nghĩa quốc gia sẽ phát triển cùng vóc dáng của kinh tế và địa chính trị. Là một quyền lực từ xa, Mỹ thường là một đối tác thuận tiện cho nhiều quốc gia khu vực quan ngại về sự nổi dậy của một loại bá chủ giữa khu vực của họ. Thực ra, như học giả William Wohlforth đã nhận xét, ảnh hưỏng của Mỹ được củng cố bởi sự tăng trưởng của một quyền lực thống trị trong khu vực . Những yếu tố này thường được lưu ý trong các thảo luận của Châu Á nhưng cũng đúng với các khu vực khác trên toàn cầu nữa. Tiến trình ấy sẽ không có tính máy móc. Như một trong những quốc gia này (Trung Quốc), đất nước này sẽ không sản xuất ra một động lực cân bằng ngược chiều kim đồng hồ khi người láng giềng của mình (Ấn Độ) tìm kiếm một quan hệ đồng minh bình thường với Hoa Kỳ. Thế giới ngày nay phức tạp hơn thế. Nhưng các đối thủ cạnh tranh nhau này thực đã mang lại cho Hoa Kỳ một cơ hội để đóng một vai trò lớn và có tính xây dựng ngay tại trung tâm của trật tự toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ có được cái tiềm năng mà Bismark đã từng giúp Đức trở nên – “người môi giới chân thành” của Âu châu (ngắn ngủi) - trong cuối thế kỷ mười chín, hình thành nên các quan hệ chặt chẽ giữa các nước quan trọng, những mối quan hệ vốn chặt chẽ hơn với những quan hệ mà các nước từng có với nhau. Đấy là trung tâm của cơ chế Âu châu. Là một người môi giới toàn cầu ngày nay sẽ là một công việc có liên quan không chỉ đến chính phủ Mỹ mà còn đến cả xã hội Mỹ nữa, với tất cả những sức mạnh và khung cảnh vốn mang đến cho sự thử thách. Đó là vai trò mà Hoa Kỳ - với hiện tại và các quyền lợi trên toàn cầu của mình, thành tích quyền lực đầy đủ của mình và các cộng đồng di dân đa dạng của mình – có thể học hỏi để tham dự với một khả năng khôn khéo to lớn.
Vai trò mới này rất khác so với vai trò siêu quyền lực truyền thống. Vai trò này đòi hỏi đến sự tham khảo, hợp tác và ngay cả sự thoả hiệp. Vai trò này nhận được quyền lực của mình bằng việc sắp đặt chương trình hành động, xác định các vấn đề và động viên các liên minh hợp tác. Đấy không phải là một loại trật tự từ trên xuống mà từ đó Hoa Kỳ sẽ hình thành các quyết định của mình rồi chỉ đạo xuống một thế giới dễ chịu (và yên lặng). Nhưng đấy là một vài trò quan trọng bởi vì, trong một thế giới với nhiều người tham dự, đặt định một chương trình làm việc và tổ chức các liên minh sẽ trở thành các hình thái quyền lực chính. Vị chủ tịch một hội đồng có thể điều khiển hướng dẫn một nhóm các giám đốc một cách nhẹ nhàng vẫn là một con người rất quyền lực.
Những người từng tìm ra được cách vươn dậy tốt nhất trong một thế giới Hậu Hoa Kỳ chính là những công ty đa quốc vĩ đại của Mỹ. Họ là những công ty đã chinh phục được các thị trường mới bằng cách thay đổi phương cách lỗi thời của mình. Hãy lấy General Electric làm thí dụ, một công ty trong quá khứ đã từng không tin vào các loại liên doanh ở ngoại quốc. Công ty này từng muốn làm chủ sở hữu 100 phần trăm các tham dự ở ngoại quốc mà họ có. Tuy nhiên, trong năm năm vừa qua, khi theo dõi niềm tự tin và kỹ năng tăng trưởng của các công ty địa phương ở các quốc gia mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi, GE đã đi đến sự nhận ra rằng một chiến lược như thế sẹ giữ cho họ không bị rơi ra ngoài các khu vực đang tăng trưởng nhanh chóng của thế giới. Do đó, công ty đã thay đổi cách tiếp cận. CEO Jeffrey Immelt của GE đã tóm tắt rằng: “Đúng là chúng ta có thể cứ tiếp tục mua các công ty nhỏ và đồng hoá chúng trở thành GE. Nhưng chúng ta đã học được rằng thà là hợp tác với một công ty đứng thứ ba muốn trở nên một công ty đứng hàng đầu hơn là cứ tự mình kinh doanh hoặc đi mua một công ty tí hon bé xíu. Tờ The New York Times gọi đấy là một sự xoay lưng lại với kiểu “quản trị đế quốc” vốn đã trở nên một “thứ xa xỉ mà GE không còn kham nổi nữa”. Washington vốn không phải đối diện với một thử thách thị trường nào, thành ra chưa tìm ra được rằng chủ nghĩa đế quốc có tính ngoại giao là một thứ xa hoa mà Hoa Kỳ không còn kham nổi nữa.
Từ những nguyên nhân địa chính trị lẫn kinh tế, có một thị trường vững mạnh cho quyền lực Hoa Kỳ. Nhưng trọng tâm hơn, vẫn còn có một đòi hỏi ý thức hệ cho điều này. “Không một ai ở châu Á muốn sống trong một thế giới bị thống trị bởi người Trung Quốc. Không có một giấc mơ Trung Quốc nào mà con người có thể cảm hứng được”, Simon Tay, một học giả Singapore đã giải thích như thế. Một cựu tổng thống Brazil, ông Fernando Henrique Cardoso, đã lập luận rằng điều mà thế giới thực sự cần đến ở Mỹ là không phải Mỹ chào mời các nhượng bộ về thương mại ở nơi này nơi khác mà là họ phải cứng rắn trong các lý tưởng của chính mình. Vai trò ấy, khi đất nước này sẽ minh định các lý tưởng phổ quát, vẫn còn là vai trò mà chỉ Hoa Kỳ mới có thể sắm vai. Sức mạnh mềm của Hoa Kỳ, trong ý nghĩa này, liên kết một cách phức tạp vào sức mạnh cứng của họ. Nhưng chính sự liên kết của cả hai sức mạnh sẽ mang lại cho Hoa Kỳ một vai trò độc đáo trong các vấn đề thế giới.
(Còn tiếp)
i. Theo John Ikenberry, "The Rise of China and the Future of the West" Foreign Affairs 87, no.1
(Jan/Feb. 2008)
ii. Theo William C. Wohlforth, "The Stability of a Unipolar Word" International Security 21 no. 1 (Summer
1999) tr. 5-41.
iii. Theo Claudia Deutsch, "The Venturesome Giant", The New Yorker, 5 Tháng Mười 2007.
iv. Theo Fernando Henrique Cardoso, "A Collaborative Contract", Newsweek: Issues 2008, Special
Edition, Tháng 12.2007.
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 5
Để diễn tả các loại hoạt động nào trong thế giới mới này sẽ ra sao cụ thể hơn, tôi đặt ra sáu chỉ hướng đơn giản :
1. Lựa chọn: Quyền năng vô hạn của Mỹ đã khiến Washington tin rằng mình được miễn trừ khỏi nhu cầu có các quyền ưu tiên. Washington muốn có tất cả. Việc Hoa Kỳ trở nên kỷ luật hơn về chủ đề này rất là hệ trọng. Thí dụ như trong các vấn đề về Bắc Triều Tiên, Iran, chính quyền Bush đã không thể quyết định được mình muốn thay đổi chế độ hay là thay đổi chính sách (trong việc tạo nên một vùng không có vũ khí hạt nhân). Cả hai đều có hiệu quả chồng chéo nhau. Nếu ta đe dọa thay đổi chế độ tại một quốc gia, chỉ khiến thúc đẩy mong muốn hạt nhân của chính phủ nước ấy, nghĩa là một chính sách không an toàn cho chính trị thế giới.
Hãy thử xem thế giới được nhìn ra sao đối với Iran. Đất nước này bị vây bủa bởi các quyền lực về hạt nhân (Nga, Trung quốc, Ấn độ, Pakistan, Isreal) và bên kia hai lần biên giới của mình là hàng ngàn quân nhân Mỹ (ở Iraq và Afghanistan). Tổng thống Mỹ đã minh định lập đi lập lại rằng ông xem chế độ ở Tehran là không hợp pháp, muốn lật đổ chúng đi và đã tài trợ nhiều tổ chức để nhắm đến mục đích tương tự. Nếu quý vị ở Tehran, những điều này có làm quý vị cảm thấy mình cần từ bỏ chương trình hạch nhân của mình đi hay không? Cứ khăng khăng đòi hỏi phải thay đổi chính sách hoặc chế độ, chúng ta sẽ chẳng đạt được điều nào cả.
Hoặc hãy nhìn chính sách của Mỹ đối với Nga. Chúng ta chưa từng bao giờ có thể chính xác dành ưu tiên gì trong các mối quan tâm và quyền lợi chủ yếu của mình với Moscow. Phải chăng là sự nguy hiểm của việc mất đi các vũ khí hạt nhân của mình, vốn chỉ có thể được bảo đảm bằng sự trợ giúp của nó ? Có phải chính Moscow hỗ trợ cô lập Iran ? Hay thái độ của họ ở Ukraine và Georgia ? Hay sự đối lập của họ đối với vòng đai ngăn chặn đạn đạo được đề nghị ở Đông Âu ? Hay là các chính sách về dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên của họ ? Hay các điều kiện về nhân quyền ở Nga ? Chính sách gần đây của Mỹ đã từng là "tất cả những điều trên". Nhưng lãnh đạo là sự lựa chọn. Nếu chúng ta tin rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố là những vấn đề lớn lao nhất mà chúng ta đương đầu trong hiện tại, như Tổng thống Bush đã từng nhận xét, thì việc bảo vệ các đầu đạn hạt nhân của Nga và ngăn chặn Iran khỏi việc khai triển vũ khí hạt nhân chắc chắn chính là hai vấn đề chúng ta cần đến sự hợp tác của Nga - hơn tất cả mọi thứ khác.
Hoa Kỳ sẽ đặc biệt cần phải chọn lựa với những gì có quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc đang chứng nghiệm một cuộc vươn dậy mạnh mẽ, nhanh chóng đến quyền lực thế giới mà chưa nước nào từng trải qua trong lịch sử - nhanh chóng và mạnh mẽ hơn cả Hoa Kỳ trong quá khứ. Trung Quốc phải được ban cho một số không gian chính trị, ngay cả quân sự có giá trị để xứng tầm với sức mạnh đó. Đồng thời, cuộc vươn lên của họ không nên trở nên một che đậy cho chủ nghĩa bành trướng, gây hấn hoặc chia rẽ. Làm thế nào để đạt sự cân bằng này - một mặt ngăn cản được Trung Quốc, mặt khác lại điều tiết được với sự phát triển hợp pháp của họ - là chiến lược trọng tâm thử thách nền ngoại giao Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thể và nên định đặt những giới hạn với Trung Quốc. Nhưng cũng nên nhận ra rằng mình không thể định đặt những giới hạn ở mọi nơi chốn. Không may thay, chướng ngại đáng kể nhất mà Hoa Kỳ đối diện trong việc hình thành một chính sách như thế chính là một khí hậu chính trị trong nước vốn có khuynh hướng xem bất cứ nhượng bộ và điều tiết nào đều như một sự nhân nhượng vô nguyên tắc.
Trong mức độ mà Hoa Kỳ có thể học hỏi được điều gì từ kinh nghiệm của Anh Quốc, chính là sự cần thiết phải thực hiện những chọn lựa lớn lao về nơi nào Hoa Kỳ tập trung năng lực và chú ý của mình. Anh Quốc đã hành động như thế hết sức khôn ngoan khi đất nước này đối diện với sự vươn dậy của Hoa Kỳ. Anh Quốc đã kém khôn ngoan hơn về đế quốc của chính mình. Vào đầu thế kỷ hai mươi, London đã đương đầu với một tình trạng tiến thoái lưỡng nan hơn là tình trạng của Washington ngày nay. Khi một cuộc khủng hoảng nổ ra ở đâu đó, bất kể là ở khoảng cách xa đến đâu, thế giới đã nhìn về London và hỏi "Qúy vị sẽ hành động ra sao về điều này ?" Chiến lược ngớ ngẩn của Anh đã phải trải qua hàng nhiều thập niên - thời gian, năng lực và sức chú ý - vào những nỗ lực tuyệt vọng để ổn định hóa những nơi chốn ngoại vi trên bản đồ. Thí dụ như, Anh Quốc nên dùng ít nỗ lực để tổ chức các thu xếp về định chế của giới nông dân Hoà Lan ơ Transvaal - cũng như đánh nhau trong trận chiến Boer, khiến đã làm gãy lưng đế chế - để đối đầu hơn với sự suy giảm năng xuất của mình và sự nổi lên của Đức quốc trong khu vực trung tâm Âu châu.
Giới ưu tú Anh Quốc đã nhìn đăm đăm vào lịch sử La Mã một phần bởi vì sự mê hoặc của họ đối với một đế chế vĩ đại trước đây, nhưng cũng bởi vì họ tìm kiếm các bài học trong việc quản trị các giải đất bạt ngàn trên các lục địa khác nhau. Có một nhu cầu, như đã từng có, về những người giỏi ngôn ngữ, lịch sử và hành chính rộng lớn. Tuy nhiên, nhu cầu này, cuối cùng đã đi đến việc hoàn thiện một nhu cầu phát triển những người thiết kế của tương lai. Sức mạnh và tầm với của Anh Quốc cũng khiến cho đất nước này bị say sưa với một loại ý nghĩa của định mệnh lịch sử, một khuynh hướng được kích động từ cuộc phục hưng của đạo Tin Lành. Sử gia Correlli Barnett đã viết (trong những năm 1970) rằng một cuộc "cách mạng về đạo đức" đã thu hút nước Anh vào giữa thế kỷ mười chín, đưa đất nước ra khỏi một xã hội có căn cứ về lý lẽ và thực tiễn đến một loại xã hội thống trị bởi thuyết Phúc âm tôn giáo, sự tuân thủ đạo lý quá đáng và chủ nghĩa lãng mạn.
Hoa Kỳ đã có thể dễ dàng rơi vào cạm bẫy đế chế tương tự. Mọi khủng hoảng quanh thế giới đều cần đến sự chú ý và hành động của Hoa Kỳ. Ngày nay, các nhánh rễ và quyền lợi của Mỹ trải rộng khắp tựa như của Anh Quốc trong những ngày tháng ở đỉnh cao của đế chế. Đối với những ai tin rằng vị trí của Hoa kỳ trên thế giới là hoàn toàn khác biệt với vị trí của đế chế Anh, sẽ là một lợi ích có tính hướng dẫn để đọc bản "Báo cáo Cơ cấu Căn bản" (Base Structure Report) cho tài khóa năm 2006. Trong báo cáo này, bộ Quốc phòng khoe khoang về việc là "một trong những chủ đất lớn nhất thế giới" với một nhà máy thực chất bao gồm hơn 571.200 cơ phận (dinh thự, cấu trúc và các ban ngành) đặt tại hơn 3.700 khu vực, trên diện tích gần 30 triệu mẫu". Bản báo cáo liệt kê một mạng lưới trải dài 766 căn cứ trong bốn mươi nước ngoài, từ Argentina đến Liên Hiệp Anh. Những căn cứ hải ngoại này trị giá tối thiểu 127 tỉ vào năm 2005, chứa 197.000 nhân sự quân đội cùng một con số tương đương của các viên chức dân sự, độc lập và thuê mướn một số lượng 81.000 người ngoại quốc ở địa phương nữa. Tất cả bao trọn 687000 mẫu (gần 1.100 dặm vuông) đất đai ngoại quốc và riêng chi phí bảo quản đã tốn đến 13 tỉ của người đóng thuế.
Mỹ có thể mạnh hơn Anh Quốc, nhưng Mỹ vẫn không thể bỏ qua bài học là mình phải chọn lựa. Mỹ không thể can dự vào tất cả mọi thứ. Căng thẳng ở vùng Trung Đông là hệ trọng, nhưng căng thẳng ấy đã làm vướng kẹt tài nguyên, năng lực và sự tập chú khỏi mọi vấn đề khác trong chính sách ngoại giao Mỹ trong bảy năm qua. Washington ra khỏi những khiếu nại xét xử của thế kỷ thứ tám A.D., giữa người Sunnis và Shias ở Baghdad để đi vào thế kỷ thứ hai mươi mốt - đến Trung Quốc, Ấn độ, Brazil - nơi tương lai sẽ đưọc định đoạt. Mỗi lựa chọn nhằm tham dự vào một số chính nghĩa, xứng đáng, là một sự sao lãng khỏi những vấn đề chiến lược quan trọng hơn đang đối diện với Hoa kỳ. Để tập trung vào những vấn đề dường như khẩn thiết, chúng ta có thể quên mất những vấn đề thực sự quan trọng.
2. Xây dựng những lề luật rộng mở chứ không phải những quyền lợi nhỏ hẹp: Có một mối căng thẳng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đất nước này muốn thúc đẩy các quyền lợi đặc thù của mình ra thế giới bên ngoài hay muốn tạo nên một cơ cấu của các lề luật, hành xử và các giá trị mà từ đó thế giới sẽ phải ràng buộc vào ? Trong một thời đại của những quyền lực đang nổi lên, quyền lợi quan trọng hơn của Mỹ nên là điều đến sau - để ngay cả các nước này có trở nên nhiều sức mạnh hơn, họ vẫn tiếp tục sống trong cấu hình của hệ thống quốc tế hiện hành. Đây là sự câu thúc có tính nguyên tắc mà chúng ta có thể dựng xây lên để bảo đảm rằng sự vươn dậy của những nước còn lại không trở nên một hình xoáy ốc cạnh tranh đi xuống, với các quyền lực lớn tự do hành động với những quyền lợi và lợi thế của riêng mình trong một phương cách làm bất ổn cả hệ thống. Để một hệ thống như thế có thể hoạt động được, chúng ta cũng nên bám chặt vào những lề luật này. Nếu Hoa Kỳ hành động tự do khi thích hợp với mục đích của mình, tại sao Trung Quốc lại không thể hành động tương tự trong vấn đề với Taiwan ? Hoặc Ấn Độ trong liên hệ với Pakistan ? Nếu chúng ta không bị ràng buộc bởi lề luật, tại sao họ lại phải ràng buộc ?
Trước tiên, điều đó có nghĩa là tự hiến mình vào các cơ cấu và định chế để giải quyết các khó khăn và phán quyết mà Hoa Kỳ đã từng sáng tạo (rộng khắp) trong năm thập niên qua. Nhưng điều này nhiều hơn là việc chỉ đơn giản tham dự nhiều buổi họp ở LHQ và ký kết nhiều hiệp định. Khi công bố các giá trị phổ quát, Hoa Kỳ phải diễn đạt vị trí của mình cẩn trọng. George Bush đã từng tuyên bố trong lễ nhậm chức lần thứ nhì của ông rằng "chính sách của Mỹ là tìm kiếm và ủng hộ sự phát triển các phong trào dân chủ và định chế trong tất cả các nước và các nền văn hóa, với mục đích tối hậu là chấm dứt bạo chúa trên thế giới của chúng ta". Thế nhưng, khi các nhà dân chủ ở Taiwan, Pakistan và Saudi Arabia bị bịt miệng, Hoa Kỳ yên lặng, lập luận - có lẽ thuyết phục - rằng đấy là những trường hợp đặc biệt. Đã thế, Washington bêu riếu Trung Quốc và mắng mỏ Ấn Độ vì đã không cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên và Burma. Các nhà ngoại giao ở cả hai nước này sẽ bảo cho bạn biết rằng đấy là những trường hợp đặc biệt đối với họ. Sự bất ổn ở Burma là một vấn đề ở xa đối với Mỹ. Nhưng quốc gia này chia xẻ chung biên giới với Trung Quốc và Ấn độ. Đối với họ, bất ổn đồng nghĩa với hàng triệu người di dân. Washington nên nhận thức rằng nếu mình có được sự đặc miễn của riêng mình thì các nước khác cũng có được những điều tương tự. Nếu không, Hoa Kỳ nên từ bỏ các đặc miễn của mình. Nhưng không làm gì cả, lại cứ rao giảng một đàng, hành động một nẻo, chính là sự giả dối, vốn cả hai đều sẽ không có kết quả và làm giảm giá trị của Hoa Kỳ.
Khi đến với chủ nghĩa khủng bố, Hoa Kỳ đã từng quá hạn hẹp. Một hệ thống bảo vệ tốt nhất chống lại đe dọa của khủng bố sẽ là một tập hợp các thuế quan và nhập cư trên toàn cầu kiểm tra hàng hóa vận chuyển và con người chung quanh thế giới, sử dụng cùng một tiêu chuẩn và cùng chia các căn bản dữ liệu. Còn như hiện nay, tiếp cận đơn phương của Mỹ là cưỡng ép các nước và các hãng hàng không áp dụng nhưng chỉ tại chính biên giới của mình - khiến tạo ra các điểm nghẽn, với các hậu quả tiêu cực cho kinh tế và hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Đó là lý do vì sao, trong khi ngành du lịch cả thế giới bùng phát triển, việc du lịch đến Mỹ đã ngưng trệ từ sau 9/11.
Một thí dụ có ý nghĩa hơn đang diễn ra về mối căng thẳng này là công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ yêu cầu cả thế giới còn lại phải bám chặt vào Hiệp Ước Không Sản xuất vũ khí Hạt nhân. Hiệp ước này tạo ra một hệ thống đôi: những quốc gia đã phát triển vũ khí hạt nhân trước năm 1968 được phép có chúng, những nước chưa từng phát triển thì không được phép (và phải tuân thủ một số hướng dẫn tùy thuộc về việc khai triển năng lượng hạt nhân). Nhưng ngay cả khi khăng khăng đòi hỏi các quyền lực hạt nhân tuân thủ theo hiệp ước, Hoa Kỳ và các quyền lực khác lại tự cho phép mình không phải tuân thủ huấn lệnh khác trong bản hiệp ước; để "theo đuổi các thương thảo trong thiện ý về một số biện pháp có hiệu quả có liên quan đến sự chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân... và việc giải giới vũ khí hạt nhân". Vì thế, khi Hoa Kỳ bảo các nước rằng việc chế tạo một vũ khí hạt nhân là một sự ghê tởm về chính trị, đạo lý và chiến lược trong khi mình lại duy trì một kho hàng ngàn đầu đạn và chế tạo, thử nghiệm những vũ khí mới, thì việc lên án vang lên sự giả dối. Thúc đẩy bởi các quan tâm ấy, Henry Kissinger, George Shultz, William Perry và Sam Nunn đã đề nghị Hoa Kỳ lãnh đạo một nỗ lực tham vọng giữa các sức mạnh hạt nhân - đặc biệt với Nga, để cùng với Hoa Kỳ giữ 85 phần trăm tất cả các vũ khí hạn nhân - nhằm giảm bớt số lượng các vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra ngoài tình trạng nguy hiểm để cuối cùng hoạt động hướng đến một thế giới phi hạt nhân. Dù chúng ta có đến được mục đích đó hay không - và dù một thế giới không có ngăn trở của hạt nhân có là một ý tưởng tốt hay không - Hoa Kỳ sẽ đạt được nhiều niềm tin cậy nếu như di chuyển theo hướng này. Bằng không, Hoa Kỳ sẽ một lần nữa tựa như bảo cả thế giới còn lại rằng "Hãy làm theo lời tôi nói thôi, chớ có làm theo những gì tôi hành động".
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 6
3. Hãy là Bismark nhưng đừng là Anh Quốc : Josef Joffe từng lập luận rằng có hai điều tương tự của lịch sử Hoa kỳ có thể nhìn vào mà xây dựng chiến lược vĩ đại của mình: Anh Quốc và Bismark. Anh Quốc đã từng nỗ lực để cân bằng với các quyền lực đe dọa và đang nổi lên nhưng mặt khác vẫn giữ một vai trò thấp trong lục địa châu Âu. Ngược lại Bismark đã chọn lựa cách tham dự với tất cả các quyền lực lớn. Mục đích của ông là có những mối quan hệ với tất cả các quyền lực lớn tốt hơn là các quan hệ giữa họ với nhau - để trở thành một trung tâm cho cơ chế thế giới của Âu châu.
Đối với Hoa Kỳ, lựa chọn của Anh Quốc không phải là một lựa chọn tốt. Mỹ đã từng đảm nhiệm vai trò đó trong quá khứ - chống lại Nazi của Đức và Liên Xô - nhưng các trường hợp ngày nay khiến cho chiến lược ấy trở nên thiếu khôn ngoan. Thế giới không chia ra thành những doanh trại, thế giới liền lạc, lệ thuộc lẫn nhau hơn trước đây. "Cân bằng" với một quyền lực đang lên có thể là một chính sách có tiềm năng tự thoả mãn, gây bất ổn và nguy hiểm. Nếu Washignton cân bằng với Trung Quốc, trước khi Bắc Kinh lộ ra bất cứ nghiêng ngả nghiêm trọng nào khiến gây gián đoạn đến trật tự thế giới, Hoa Kỳ sẽ thấy chính mình bị cô lập - và sẽ phải trả một giá đắt về kinh tế và chính trị cho chính mình vì đã phải là một lực lượng ngăn trở. Vì sức mạnh hết sức lớn của Mỹ, không hành động thái quá vai vế của mình cần phải là một phần quan trọng của bất cứ chiến lược lớn nào. Nếu không, các nước khác sẽ, bằng nhiều cách khác nhau - sẽ cố gắng để bù đắp lại.
Tuy nhiên, Washington thích hợp một cách lý tưởng để đóng một vai trò có tính cách Bismark trong hệ thống hiện tại của toàn cầu. Hoa Kỳ có được các quan hệ với tất cả các quyền lực lớn trên thế giới tốt hơn là giữa họ quan hệ với nhau. Ở Á Châu, chính quyền Bush đã hoàn thành xuất sắc công việc tăng cường mối dây liên kết với Nhật Bản, Úc và Ấn độ. Hoa Kỳ nên thực hiện điều tương tự với Moscow và Bắc Kinh, không có lợi gì khi biến họ trở thành những đối thủ thường trực. Khôn ngoan của lối tiếp cận kiểu Bismark là nó mang lại cho Hoa Kỳ sự cân bằng lớn nhất với tất cả mọi phe phái, tối đa hóa khả năng của mình để định hình một thế giới an bình và ổn định. Và nếu như mọi điều không có kết quả, nó cũng mang lại cho Hoa Kỳ một tính chính đáng và lối thoát để chuyển vào một vai trò cân bằng.
4. Chọn theo thực đơn (Order à la carte): Trong các học giả và các nhà thực hành về quan hệ quốc tế, có một lý thuyết vượt trội về việc làm thế nào và vì sao hòa bình quốc tế có thể tồn tại được. Lý thuyết này cho rằng hệ thống ổn định nhất là hệ thống với một quyền lực thống trị đơn độc để duy trì trật tự. Anh quốc và Hoa kỳ đã từng dùng đến vai trò này trong hai trăm năm. Trong mỗi trường hợp, quyền bá chủ là nền kinh tế thống trị và quân sự, trở thành thị trường, người cho vay một giải pháp tối hậu, nơi chốn của một trung tâm tài chính thế giới và là kẻ cầm giữ hối đoái. Trong các ý nghĩa về quân sự-chính trị, mỗi trường hợp bảo đảm các đường hàng hải, cân bằng các mối de dọa đang lên và can thiệp khi nghĩ rằng mình cần cần thiết phải hành động để ngăn chặn sự mất trật tự. Mặc dầu cả hai đã có nhiều sai lầm, nhưng sự ổn định của hệ thống và thành công của kinh tế thế giới và các xã hội mở rộng mà họ từng xây dựng nên đã là một gia tài của quyền bá chủ Anglo-Mỹ.
Nhưng nếu quyền bá chủ suy yếu đi thì sao ? Mỹ không còn là thị trường lớn duy nhất trên thế giới. Đồng đô la có lẽ không duy trì được vai trò được tôn thờ của nó mãi như một loại tiền tệ dự trữ, nhường bước cho một thành phần cấu thành đa số từ đồng euros và đô la nhưng cũng bao gồm cả các tiền tệ khác nữa. Trong một số khu vực - Vùng biển Nam Trung Hoa chẳng hạn - lực lượng quân đội Mỹ có lẽ ít thích hợp hơn với lực lượng quân đội Trung Quốc. Trong các thương thuyết quốc tế, Mỹ sẽ phải thoả hiệp và mặc cả với nhiều nước khác. Tất cả những điều này có tăng thêm bất ổn và mất trật tự không ?
Không cần thiết. Hai trăm năm của quyền bá chủ Mỹ-Anglo thực đã tạo nên một hệ thống không mỏng manh như đã từng có trong những năm 1920 và 1930 (Khi quyền lực Anh suy mòn, Mỹ chưa sẵn lòng thay thế và Âu châu còn đổ vỡ trong những vết rạn nứt). Khái niệm căn bản của hệ thống hiện hành - một nền kinh tế thế giới mở rộng, các thương thảo đa phương - đã được chấp nhận rộng rãi. Và một hình thái mới của sự hợp tác đang phát triển. Anne-Marie Slaughter đã từng viết về việc một hệ thống pháp lý kiến lập những tiêu chuẩn liên quốc gia mà không cần ai phải cưỡng ép làm như thế nào - tạo nên một trật từ mạng lưới từ dưới lên. Không phải vấn đề nào cũng tự dẫn đến sự ổn định, nhưng nhiều vấn đề sẽ được như thế. Nói một cách khác, cuộc tìm kiếm một siêu giải pháp cho mọi vấn đề có lẽ là vô ích và không cần thiết. Sự làm việc chung quanh nhau ở mức nhỏ hơn có lẽ lại có hiệu quả.
Hoa Kỳ nên đi theo trật tự đặc biệt ấy. Richard Haass, nhân vật cầm đầu Ban Hoạch định Chính sách trước đây đã gọi một cách sáng tạo là "chủ nghĩa đa phương theo thực đơn (à la carte multilateralism). Không một định chế tổ chức riêng biệt nào là luôn luôn đúng, không một hệ thống mạng lưới nào là lý tưởng. LHQ có thể hữu hiệu cho một khó khăn này, NATO cho một khó khăn khác, OAS cho một điều khác nữa. Và đối với vấn đề mới như sự thay đổi khí hậu, có lẽ một liên minh mới bao gồm các thương nhân tư và các tổ chức phi chính phủ có thể có ý nghĩa nhất. Đời sống quốc tế sẽ chỉ luôn luôn trở nên nháo nhào hơn. Hòa giải, mềm dẻo và đáp ứng có lẽ sẽ mang lại các kết quả tốt hơn về căn bản thay vì khăng khăng về một lối tiếp cận thuần nhất dựa trên một khái niệm như một phương cách duy nhất để giải quyết các vấn đề quốc tế là phương cách mà chúng ta đã từng giải quyết được các khó khăn trong quá khứ, trong những thập niên khi đất nước còn mạnh mẽ một cách khác thưòng. Một cơ chế quốc tế có tổ chức hơn qua đó các vấn đề được giải quyết bằng một loạt các giải pháp và cấu trúc khác nhau có thể tạo nên một tầng ổn định riêng của nó. Điều này không thu hút như nhiều cơ cấu chính thức cho hoà bình, đang bám rễ và được điều khiển qua một hoặc hai tổ chức trung tâm ở New York và Geneva nhưng là một loại trật tự bền và thực tiễn hơn.
Công cuộc tìm kiếm trật tự không đơn giản là một khó khăn của riêng Hoa Kỳ. Nếu sự vươn dậy của các nước còn lại cũng mang đến sự nổi dậy của những quyết đoán, lợi quyền và tự hào quốc gia, thì sự nổi lên này có tiềm năng mang đến bất ổn ở mọi nơi chốn. Đồng thời, sự nổi dậy này đang xảy ra ở những quốc gia nơi hòa bình và ổn định mang lại được những phần thưởng vĩ đại - mang đến những mối khích lệ lớn lao của Trung Quốc, Ấn độ và ngay cả Nga để giữ được hệ thống của mình ổn định. Khó khăn chính ở chỗ là những quyền lực đang lên này không có được một khích lệ trực tiếp và rõ ràng để giải quyết các vấn đề chung mà hệ thống mới này tạo nên. Các va chạm quốc gia, khí hậu thay đổi, tranh cãi giao thương, tình trạng môi trường xuống dốc và các bệnh tật lây nhiễm có lẽ sẽ đều mưng mủ cho đến khi chạm phải một cơn khủng hoảng - và đến lúc ấy có thể là quá muộn. Giải quyết các vấn nạn ấy và mang lại cho những điều tốt lành cho công chúng thế giới đòi hỏi một nhà tổ chức, một nhà trọng tài hoặc một lãnh tụ.
5. Suy nghĩ một cách bất đối xứng: Hoa Kỳ có một quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Thế mà vẫn thấy mình khó khăn để đạt được ưu thế ở Iraq. Quân đội Israel vô cùng giỏi hơn các lực lượng của Hezbollah. Nhưng quân đội này không thể thắng được một trận quyết định trong các xung đột sau này của họ với Hezbollah. Tại sao ? Bởi vì thời đại hiện nay là một thời đại mà các đáp trả bất cân xứng đã trở nên dễ thi hành nhưng khó có thể bị đánh bại. Điều này là đúng, không chỉ đơn giản trong chiến tranh. Hãy nghĩ đến sự nổi dậy của các tổ chức ma túy, rửa tiền, những công nhân nhập cư và bọn khủng bố, tất cả đều nhỏ hơn và nghèo hơn nhiều so với các chính phủ đối đầu với họ. Trong một thời đại của hành động dai dẳng và chỉ trong khuôn khổ của các biên giới, các nhóm dân nhỏ với sự khéo léo, đam mê và cương quyết sẽ có được những thuận lợi quan trọng.
Để hành động trong khuôn khổ của ý nghĩa này, điều quan trọng và trước nhất là đừng bị rơi vào những cái bẫy. Trong một khúc phim video thực hiện vào năm 2004, Osama bin Laden đã giải thích chiến lược của y với sự thẳng thừng đáng ngạc nhiên. Ông ta liệt chiến lược ấy là “khiêu khích và nhử mồi”. “Tất cả mọi điều chúng ta phải hành động là gởi đến hai chiến sĩ Hồi giáo (mujahedin) …(và) dơ cao lên một mảnh vải viết dòng chữ ‘Al Qaeda’ nhằm mục đích dụ quân chúng đến đó, để gây cho bọn Mỹ phải đau khổ về những mất mát nhân mạng, kinh tế và chính trị”. Quan điểm của y đã được hiểu rõ bởi những nhóm khủng bố bần cùng trên khắp thế giới. Hoàn toàn không có liên lạc, giao tiếp, hướng dẫn gì rõ rệt từ bin Laden, các đơn vị nhỏ từ miền Đông nam Á Châu đến bắc Phi, Âu châu nay tuyên bố rằng họ là một phần tử của Al Qaeda, do đó đã thổi phồng tầm quan trọng của mình lên, tạo được sự chú ý của toàn cầu về mục đích của họ - và dĩ nhiên sẽ khiến được Hoa Kỳ phải chạy đua mà đánh trả lại chúng. Loại hành động quá tay này cũng khiến các chính sách cùng sự hiện diện của quân đội Mỹ - các cuộc đánh bom, những thiệt hại đến cả đôi bên của họ - trở nên vấn đề quan trọng. Cuộc tranh cãi có tính cục bộ chuyển từ chủ nghĩa khủng bố sang đế quốc Mỹ.
Hãy thử nhìn đến tính cách mà Hoa Kỳ dự tính bành trướng hiện diện của mình ở Phi Châu. Những lời khoa trương mà chính phủ Bush từng sử dụng thật đáng bình phẩm. “Chúng ta muốn ngăn ngừa các khó khăn khỏi việc trở nên những cơn khủng hoảng, ngăn ngừa những cơn khủng hoảng không trở nên các tai ương” Theresa Whelan, phụ tá thứ trưởng quốc phòng đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007 “Chúng ta muốn Phi Châu được ổn định vì quyền lợi quốc gia của chúng ta”. Tuy nhiên, giải pháp của tính cách này, đã là sự sáng tạo ra một bộ chỉ huy quân sự mới cho lục địa này, AFRICOM, với vị tư lệnh và ban chỉ huy riêng của mình. Nhưng như nhà bỉnh bút David Ignatius của tờ Washington Post đã chất vấn một cách mẫn cảm: “Có phải quân đội Mỹ là công cụ đúng đắn cho nỗ lực xây dựng quốc gia mà AFRICOM hình dung rõ rệt ?” Một sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ sẽ kiểm soát được khủng bố và bất ổn trên lục địa này hay sẽ trở nên một sức hút cho chủ nghĩa chống Mỹ ?”Hoa Kỳ có rất nhiều quyền lợi ở châu Phi, từ việc giữ cho đất nước này ổn định đến việc kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm ngăn ngừa những thảm kịch con người. Nhưng có phải một bộ chỉ huy quân đội là phương cách để thực hiện những điều này ? Hay đó chỉ đơn giản là một đáp ứng được hình thành bởi vì đây là cách chính phủ Mỹ biết cách đáp ứng - bằng một bộ chỉ huy quân đội. Mối nguy hiểm ở đây là một sự phí phạm tài nguyên, một phản ứng khiến khêu gợi đến chủ nghĩa đế quốc. Nhưng vấn nạn sâu hơn nằm ở tại quan điểm. Đấy chính là sự phân tích sai về vấn đề. Mark Twain từng viết “Đối với người có cây búa trong tay, mọi khó khăn đều trông như những cái đinh”.
Hoa Kỳ nên suy nghĩ sáng tạo và bất đối xứng. Điều này sẽ cho phép Hoa Kỳ tận dụng được một trong những thuận lợi chính của mình. Hoa Kỳ có những phương tiện tầm rộng hơn và sâu xa hơn là chỉ phương tiện quân đội của mình. Chẳng hạn như chính sách của Hoa Kỳ về Phi châu, nên tập trung vào việc xây dựng những đoàn ngoại giao, các năng lực xây dựng quốc gia và các nhóm hỗ trợ kỹ thuật thì có thể ít tối dạ hơn AFRICOM – nhưng sẽ có hiệu quả nhiều hơn về lâu dài. Điều này cũng đúng với cả những nước khác hơn ở Phi châu nữa. Điều mà Hoa Kỳ thiếu sót ở những nơi như Pakistan là một nỗ lực rộng lớn hơn để giúp đỡ đất nước ấy trong công cuộc hiên đại hóa của họ và một nỗ lực nhằm chứng tỏ rõ ràng với mọi người rằng Hoa Kỳ muốn là đồng minh với dân chúng ở đất nước ấy chứ không phải chỉ với quân đội. Khi tôi lớn lên ở Ấn độ, cơ quan thông tin Hoa Kỳ thường phục vụ như một sứ giả của văn hóa, ý tưởng và lý tưởng Mỹ. Toàn thể tiếp cận đến ngoại giao ấy đều bị đóng cửa sau thời chiến tranh lạnh và thậm chí còn tàn lụi sau 9/11. Nỗ lực chống khủng bố của quân đội Mỹ đã nhận được gần 1 trillion tài trợ. Một tài phí rộng rãi cho ngoại giao và các hoạt động dân sự sẽ chỉ dưới 10 tỉ.
Mỹ còn nhiều thứ hơn ngoài chính phủ của mình. Và tại đây có các hoạt động hứa hẹn hơn. Các tổ chức, trường đại học, từ thiện và các cá nhân đang hoạt động sâu sắc hơn và hiệu quả hơn ở ngoài nước. Washington nên học nhiều hơn từ những hội nhóm này, làm việc với họ nhiều hơn và động viên nhiều người Mỹ tham dự vào các hội nhóm này hơn. Những người Mỹ Hồi giáo, thay vì bị tra vấn, quấy nhiễu và cầm tù, nên được tranh thủ trong nỗ lực để am hiểu và thu hút chủ nghĩa căn cơ Hồi giáo. Một trong những sức mạnh chủ lực của Mỹ - xã hội dân sự của mình - phần lớn đã chưa được sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố.
(Còn tiếp)
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 7
6. Tính chính đáng là sức mạnh: Ngày nay, Hoa Kỳ có tất cả các loại sức mạnh trong nguồn tiếp liệu phong phú trừ một thứ: tính chính đáng. Trong thế giới ngày nay, đây là một thiếu sót quan trọng. Tính chính đáng cho phép một đất nước thiết lập chương trình hành động, xác định một mối khủng hoảng và huy động sự ủng hộ cho các chính sách giữa các sức mạnh của cả nhà nước lẫn dân sự như các giới doanh thương tư nhân và các tổ chức đại chúng. Tính chính đáng là tính cách khiến đã cho phép ca sĩ ngôi sao nhạc Rock Bono, chẳng hạn, thay đổi được chính sách của chính phủ trong một vấn đề hệ trọng, giải trừ nợ nần. Sức mạnh của ông ta nằm trong khả năng nắm bắt được căn bản quan trọng của trí thức và đạo lý của mình.
Tính chính đáng đến từ nhiều hình thái. Chính quyền Clinton đã dùng sức mạnh trong ba dịp quan trọng - ở Bosnia, Haiti và Kosovo. Không có trường hợp nào chính phủ mang vấn đề ra trước Hội đồng An Ninh LHQ, nhưng đã có một chút gợi ý là chính phủ nên làm như thế. Thực ra, ngay Tổng thư Ký Kofi Annan đã từng ra các tuyên bố như biện hộ cho hành động ở Kosovo, giải thích rằng chủ quyền quốc gia không nên được dùng đến như một che đậy cho các hành vi quấy nhiễu con người. Chính quyền Clinton đã có thể bỏ qua điều này một phần bởi vì một căn bản của lòng tin. Dù chính quyền Clinton - hay chính quyền George H. W. Bush - đã có tính quyết đoán trong nhiều cách, các nước còn lại của thế giới đã không cần đến sự đoan chắc về ý định của họ. Chính quyền Bush đương thời không phải chịu tất cả những chê trách về những đổi thay bi đát đến thế nào trong hiện tại. Bời vì ngày 9/11, chính quyền này không có lựa chọn nào ngoài việc phải quyết đoán sức mạnh của hoa Kỳ và hành động mạnh mẽ trên sân khấu thế giới. Nhưng tất cả những điều đó đã mang đến đủ lý do để áp dụng một cử chỉ tham vấn và hợp tác trong khi hành động những gì cần phải làm. Dọa nạt kẻ thù là một việc nhưng đồng thời việc ấy có thể gây kinh sợ đến cả thế giới còn lại.
Hoa kỳ giữ được khả năng đáng kể để thiết lập chương trình hành động, từ đó tham khảo được tính chính đáng trong liên quan đến những gì cấu thành một khó khăn, khủng hoảng hay vi phạm. Các ý tưởng và lý tưởng của Mỹ vẫn thống trị các cuộc tranh cãi về Darfur, vũ khí hạt nhân của Iran và Burma. Nhưng Washington cần phải am hiểu rằng việc khuyến khích sự ủng hộ của công chúng thế giới cho các quan điểm của mình là một nguyên tố quan trọng của sức mạnh, không phải chỉ là việc thực hành các quan hệ về công chúng. Các nước khác, dân chúng và các hội nhóm hiện nay có truy cập được đến các hệ thống và phương cách riêng của mình. Họ không yên lặng chấp nhận một phiên bản của các sự cố xỉa xuống mình. Washington sẽ phải chứng tỏ mình đúng và có tính thuyết phục. Nhiệm vụ này đã trở nên khó khăn hơn nhưng đồng thời cũng trở nên quan trọng sinh tử hơn. Về đường dài, trong một thế giới không ngừng dân chủ hóa và tăng cường sức mạnh, cuộc chiến tranh của các ý tưởng là gần như quan trọng hơn cả.
Chính quyền Bush hầu như chưa bao giờ hiểu được giá trị thực tiễn của tính chính đáng trong sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Iraq. Các quan chức Mỹ sẽ không thừa nhận quan điểm cho rằng mình bị cô lập bằng cách đổ tội cho các đồng minh của mình ở vùng “Châu Âu mới”, Á châu và Phi châu - nhiều người đã bị mua chuộc hoặc bị dụ dỗ vào các lien minh hợp tác. Và trong khi các chính phủ ở Trung Âu ủng hộ Washington, dân chúng của họ vẫn chống lại trong một số lượng gần bằng với ở Châu Âu cũ. Mất đi sự khác biệt này, Washington đã hiểu lầm Turkey, một người đồng minh lâu dài và đáng tin cậy vốn đã trở nên dân chủ hơn nhiều từ những năm 1990. Chính phủ muốn ủng hộ Hoa Kỳ, nhưng hơn 90 phần trăm người Thổ Nhĩ Kỳ chống lại. Kết quả, sau một cuộc bỏ phiếu kín của quốc hội, Turkey không thể ủng hộ Mỹ được nữa – có nghĩa là cuộc chiến hai trận tuyến chống lại Saddam trở thành cuộc chiến đơn tuyến với những thất lợi hết sức nghiêm trọng. Vào lúc khởi đầu cuộc chiến tranh, Hoa Kỳ có được đa số dân chúng ủng hộ chỉ duy nhất trong một nước trên thế giới: Do Thái. Và dù có thể nghi ngờ lòng trung thành của Tony Blair, không ai có thể mong đợi một chính khách dân chủ nhất lờ đi nguyện ước của tuyệt đại đa số dân chúng mình.
Chủ nghĩa yêu nước trong một thế giới đơn cực có thể thường trở nên một thứ chủ nghĩa chống Mỹ. Làm cách nào để chứng tỏ mình là một người Brazil, Trung Quốc hay Nga ái quốc đáng tin ? Bằng cách đứng lên chống lại Ông Bự. Trong những năm 1970, nhiều chính sách nội địa của Indira Gandhi không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, chống lại Mỹ luôn luôn đạt được những lời tung hô trong các cuộc vận động tranh cử. Tại sao ? Ấn Độ khi ấy và hiện nay bị quyến rũ bởi nước Mỹ và giấc mơ Hoa Kỳ. Nhưng chính là một dấu hiệu của sức mạnh và lòng can trường mà Bà Gahndhi đã tự gán mình vào việc chống lại quyền bá chủ ấy. Người Mỹ từng phàn nàn rằng đấy là một sự phi lý, và rằng nước mình đã bị trở thành một cái bị cho thiên hạ đấm vào một cách bất công. Họ đúng. Nhưng hãy cố vượt qua đi. Là một siêu quyền lực, có rất rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng có những phí tổn nữa. Những phí tổn đó dễ được giảm nhẹ xuống bằng một nền ngoại giao chu đáo.
"Làm cho sợ hãi thì tốt hơn là làm cho được yêu mến", Machiavelli từng viết. Đó là một khẩu hiệu mà Dick Cheney khắc ghi trong lòng. Trong một bài diễn văn vào năm 2007, ông đã trích dẫn Bernard Lewis đến một hậu quả rằng, trong thời chiến tranh lạnh, các nhà độc tài vùng Trung Đông đã hiểu rằng họ nên sợ Sô Viết chứ không phải Mỹ. Machiavelli và Cheney đều sai. Đúng, Sô Viết bị các đồng minh sợ hãi, trong khi Mỹ được đồng minh thương mến, hoặc tối thiểu là cũng ưa thích. Hãy nhìn xem ai là kẻ vẫn còn tồn tại. Thật là kỳ khôi và rối rắm nếu phó tổng thống Dick Cheney nên viện dẫn một cách ghen tức những chiến lược có thất bại và tính ăn cướp của một chế độ độc tài chuyên chế. Nước Mỹ đã chuyển hóa thế giới bằng sức mạnh nhưng cũng bằng lý tưởng của mình. Khi những người ủng hộ dân chủ tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, họ đã xây dựng nên một hình ảnh tạm thời về một bức Tượng Nữ Thần Tự Do, chứ không phải phản lực cơ F 16. Hình ảnh của Mỹ có thể không hiền từ vô hại như người Mỹ từng nghĩ, nhưng đúng là như vậy, bởi vì cuối cùng, hình ảnh của Mỹ vẫn còn tốt hơn những gì đang có thể thay thế. Đó là nguyên nhân vì sao Mỹ đã tạo nên một sức mạnh vô song được thế giới chấp nhận dài lâu như thế.
Sợ hãi và căm ghét
Tuy nhiên, trước khi có thể thực hiện được bất cứ chiến lược cụ thể nào, Hoa Kỳ cần phải tiến hành các điều chỉnh sửa chữa rộng rãi. Nước Mỹ cần phải chấm dứt thái độ hèn nhát vì sợ hãi. Đó là sự sợ hãi đã tạo nên một không khí hoảng loạn và hoang tưởng ở Hoa Kỳ và đã khiến cho các chiến lược của chúng ta đi trật bước. Từng tự mình bị ma ám vào sự tin tưởng rằng chúng ta không hề có được lựa chọn nào ngoài việc phải hành động đơn độc, đơn phương và không báo trước, chúng ta đã từng hủy diệt nhiều thập niên của thiện chí quốc tế, xa lánh đồng minh, khuyến khích kẻ thù trong lúc giải quyết một số khó khăn quốc tế mà chúng ta từng đương đầu. Để tái tạo lại vị trí của mình trên thế giới, trước tiên nước Mỹ cần tái lập lại lòng tự tin của mình.
Căn cứ vào hầu như tất cả các đánh giá khách quan, hiện nay Hoa Kỳ đang ở trong một vị trí có phước. Hoa Kỳ đối diện với các khó khăn, khủng hoảng và sự đề kháng, nhưng so sánh với bất cứ đe dọa khủng khiếp trong quá khứ - Đức Quốc Xã, gây hấn của Stalin, chiến tranh hạt nhân - các trường hợp là đều thuận lợi và thế giới đang di chuyển theo hướng của chúng ta. Vào năm 1933, Franklin Delano Roosevelt đã chẩn đoán mối nguy hiểm thực sự của nước Mỹ. "Điều duy nhất chúng ta cần phải lo sợ là chính bản thân sự sợ hãi", ông đã tuyên bố. "Những loại kinh hoàng, không tên, vô lối, không căn cứ". Và ông đã lập luận chống lại nỗi sợ hãi khi hệ thống kinh tế và chính trị Mỹ gần đổ xụp, khi một phần tư lực lượng làm việc bị thất nghiệp và khi chủ nghĩa phát xít đang tiến bước quân hành quanh thế giới. Bằng cách nào đó, chúng ta đã tự mình hoảng sợ trong một giai đoạn cả thế giới hòa bình và thịnh vượng. Giữ điều này trong tâm tưởng của mình là quan yếu để bảo đảm rằng chúng ta không hiểu lầm, tính toán nhầm và đánh giá sai.
Mỹ đã trở nên một đất nước héo hon vì lo lắng, xao xuyến về khủng bố và các nước ngỗ nghịch, người Hồi Giáo và người Mễ, các công ty nước ngoài và nền giao thương tự do, các di dân và các tổ chức quốc tế. Một quốc gia mạnh nhất thề giới giờ tự xem mình như đang bị cắt cổ bởi những sức mạnh vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Dù chính quyền Bush đã đóng góp một sức mạnh vĩ đại cho các công việc quốc gia, vẫn còn những hiện tượng vượt khỏi một nhiệm kỳ tổng thống. Nhiều người Mỹ đã bị thất kinh bởi các khoa trương của nỗi sợ hãi.
Cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 đã có thể mang lại một cơ hội bàn luận mức quốc gia về một thế giới mà chúng ta đang sống. Về phía những người Cộng Hòa, đa phần đã là một cuộc diễn tập của chứng hiếu chiến vỗ ngực tự hào. Những đối thủ có lẽ đã rời khỏi hiện trường nhưng ngôn từ của họ đã phản ánh và định dạng ý thức của cả một dân tộc. "Chúng nó thù ghét quý vị !" Rudy Giuliani liên tục gào lên trong cuộc vận động tranh cử, không ngừng nhắc nhở các thính giả về những con người ghê tởm ở ngoài kia. "Chúng không muốn các bạn ở trong trường học này !", ông đã cảnh báo thính giả tại Trường Đại học Oglethorpe ở Atlanta "Anh này, anh này hoặc cả anh này nữa !" ông nói thêm, và được biết là còn chỉ cả ngón tay mình vào mặt các sinh viên nữa. Giuliani hối thúc rằng nước Mỹ không những chỉ duy trì tư thế tấn công của mình mà còn phải đi đến vị trí tấn công trên các mặt trận mới nữa.
Trong tác phẩm Courage Matters của mình, Thượng nghị sĩ John McCain, với một tiếp cận cảm tính hơn, đã viết "Hãy nhảy vào cái thang máy chết tiệt kia đi ! Lao lên chiếc máy bay khốn nạn đi ! Tính thử xem những phần rủi của việc bị đau đớn bởi bọn khủng bố. Thật vẫn không khác gì việc bị quét khỏi biển cả bởi một cơn sóng dữ". Trước tác vào cuối năm 2003, ông đã thêm vào những điều tựa như một quy luật căn bản: "Hãy để ý đến mức độ báo động khủng bố. Khi nào mức báo động xuống đến mức màu vàng mới nên đi ra ngoài". Bất hạnh thay, kể từ 9/11 mức báo động đã chưa bao giờ từng xuống dưới mức màu vàng (ám chỉ một mức độ rủi ro "cân bằng" cho một cuộc tấn công của khủng bố). Ở các phi cảng, hầu như lúc nào cũng ở mức báo động màu cam - nguy hiểm cao độ, "mức báo động cao thứ nhì từ hàng cao nhất". Đã thế, Bộ An ninh Lãnh thổ còn thú nhận rằng "lúc này vẫn tiếp tục chưa có được các thông tin đáng tin cậy về một mối đe dọa sắp xảy ra đến lãnh thổ". Kể từ 9/11, chỉ có ba trường hợp khủng bố nhỏ bị phát hiện trong toàn cõi, và không hề tìm được bằng chứng về các tổ hoạt động bí mật của Al Qaeda ở Mỹ.
Và như nhiều chính trị gia mô tả - kẻ thù của nước Mỹ vẫn còn rộng khắp trên toàn cầu và không thương xót. Giuliani cứ tuỳ tiện gom Iran và Ai Qaeda lại làm một. Mitt Rommey còn đi xa hơn, gom tất cả những kẻ xấu lại với nhau. Gần đây ông đã tuyên bố "Việc này là vì tụi Shia và Sunni. Chuyện này là vì Hizbullah, Hamas, Al Qaeda và những đồng đạo Muslim". Thực ra, Iran là một loại quyền lực Shiite và thực ra đã từng giúp Hoa Kỳ lật đổ chế độ Taliban ủng hộ Al Queda ở Afghanistan. Những người Sunnis cực đoan có bè cánh với Al Qaeda đã tàn sát người Shiite ở Iraq, và lực lượng vũ trang Shiite do Iran ủng hộ đã đáp trả bằng cách hành quyết người Sunnis Iraq. Hiện chúng ta đang lập lại một trong những sai lầm quan trọng của thời kỳ đầu chiến tranh lạnh - dồn tất cả các thành phần có tiềm năng là đối phương về một mối thay vì chia rẽ họ ra. Mao và Stalin đều ghê tởm cả. Nhưng họ là những kẻ gớm ghiếc ghét bỏ lẫn nhau, một thực tế vốn đã có thể bị khai thác để trở thành mối lợi cho cả thế giới tự do. Bỏ lỡ điều này thật chẳng phải là một sức mạnh. Đấy là sự ngu xuẩn.
(Còn tiếp)
-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn
Mục Đích Của Hoa Kỳ
Kỳ 8
Cuộc tranh đua xem ai là người cứng rắn đã đẻ ra những ý tưởng mới - những ý tưởng đã đi từ dở đến mất trí. Romney, người tự xem mình là một thứ thông minh, một nhà quản trị tài giỏi xứng đáng, gần đây đã giải thích rằng dù "một số người từng nói rằng chúng ta nên đóng cửa trại Guantánamo, quan điểm của tôi là chúng ta cần phải nhân đôi diện tích của trại tù này", vào năm 2005 Romney đã từng hỏi "Chúng ta có đang theo dõi (các đền thờ Hồi giáo) không ? Chúng ta có cài máy nghe lén chúng không ?". Dĩ nhiên, những đề xuất này còn là nhẹ so với những gì dân biểu Tom Tancredo, một ứng viên tổng thống khác, trong cùng năm ấy từng đề nghị. Khi được hỏi về một cuộc tấn công bằng hạt nhân có thể xảy đến bởi những người Hồi giáo cực đoan ở Mỹ, ông đề nghị rằng quân đội Hoa Kỳ nên đe dọa "chiếm lấy" Mecca.
Một số người đã ca ngợi lối tiếp cận hung hãn của chính quyền Bush trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công khác của khủng bố trên lãnh thổ Mỹ sau 9/11. Chắc chắn rằng, chính quyền này xứng đáng nhận được các công trạng về việc đã phá hủy các hạ tầng cơ sở của Al Qaeda ở Afghanistan và ở các nước khác từng ủng hộ hay có chi nhánh của chúng - dù các kết quả của công việc ấy có ít giới hạn hơn là như chúng ta từng mong đợi. Nhưng kể từ 9/11 đã từng có những cuộc tấn công của khủng bố ở các nước khác như Anh, Tây Ban Nha, Morocco, Turkey, Indonesia và Saudi Arabia - những nước đều từng rất cứng rắn với bọn khủng bố. Dòng mạch chung trong những cuộc tấn công này là chúng đều khởi phát từ những nhóm ở địa phương. Dễ tìm được và ngăn chặn các phần tử ngoại quốc nhưng rất khó mà phát hiện những nhóm địa phương.
Lợi thế quan trọng mà Hoa Kỳ có được trong vấn đề này là đất nước không có một dân số địa phương cực đoan. Những người Hồi Giáo Mỹ thường là thành phần trung lưu, ôn hòa và hội nhập tốt. Họ tin vào Hoa Kỳ và giấc mơ Mỹ. Cuộc thăm dò rộng rãi đầu tiên ở Mỹ về người Mỹ Hồi giáo, được thực hiện vào năm 2007 bởi Trung Tâm Khảo cứu PEW, đã tìm thấy rằng 70 phần trăm dân số tin rằng ở Mỹ, nếu ai làm việc chăm chỉ sẽ thăng tiến được (con số này chỉ được 64 phần trăm trọng tổng dân số chung của Mỹ). Các câu trả lời đến hầu hết các câu hỏi đều là từ người Mỹ chính dòng – và hoàn toàn khác biệt với những câu hỏi cho dân Hồi giáo ở những nơi khác. Khoảng 13 phần trăm người Mỹ Hồi giáo tin rằng những cuộc đánh bom tự sát có thể bênh vực được. Chắc chắn là quá cao, nhưng con số để so sánh là 42 phần trăm Hồi giáo người Pháp và 88 phần trăm người Hồi giáo Jordan.
Thuận lợi đặc biệt của Mỹ - sự đóng góp cho khả năng của quốc gia vào việc đồng hóa các di dân mới – đang ngày càng bị trói buộc. Nếu các lãnh đạo Mỹ bắt đầu nói bóng gió rằng toàn bộ dân số Hồi giáo sẽ được xem xét bằng sự nghi hoặc, điều ấy sẽ thay đồi mối quan hệ của cộng đồng ấy với Hoa Kỳ. Các đề xuất của những ứng cử viên tổng thống về việc nghe lén các đền thờ Hồi giáo và nên bỏ bom Mecca chắc chắn là không đi vào đúng đường.
Mặc dù những người Dân Chủ nhạy cảm hơn trong hầu hết những vấn đề này, đảng Dân Chủ vẫn bị ăn mòn bởi nỗi lo sợ rằng mình chưa đủ cứng rắn. Các ứng viên tổng thống của đảng này đua nhau chứng minh rằng họ sẽ trượng phu và lính tráng như thể các chàng Cộng Hòa vạm vỡ nhất. Trong một cuộc tranh luận năm 2007 giữa mùa tranh cử tổng thống, khi các ứng cử viên được hỏi sẽ hành động ra sao với một cuộc tấn công mới của bọn khủng bố, lập tức họ thề sẽ tấn công, trả thù và sẽ biến ngay một ai đó ra tro bụi. Barack Obama, người duy nhất đã trả lời khác hơn, ông nhanh chóng nhận thức được sự dễ tổn thương về chính trị đồng thời cả trách nhiệm phục thù của mình. Sau cuộc tranh luận, các đối thủ của ông cho rằng lời giải thích khéo léo của ông đã chứng tỏ rằng ông không có đức tính dũng cảm để trở thành một vị tổng thống. (Thực ra, lời giải thích khéo léo của ông là lời giải thích đúng. Ông đã tuyên bố rằng điều trước tiên ông sẽ hành động là bảo đảm rằng hành động phản ứng khẩn cấp được hiệu quả, sau đó bảo đảm rằng ông sẽ có được nguồn tình báo tốt nhất để biết được ai là kẻ gây ra cuộc tấn công, sau đó sẽ cùng với các đồng minh để bẻ gẫy trách nhiệm của mạng lưới).
Chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng ngăn ngừa được một nhóm nhỏ những kẻ bất xứng muốn mưu toan thực hiện một số hành vi khủng bố. Dù lực lượng tình báo, cưỡng chế luật pháp của chúng ta có nhìn xa trông rộng hay khôn ngoan đến đâu, vẫn có những người thoát ra khỏi được những kẽ hở của một đất nước đa dạng, cởi mở và rộng lớn. Thử thách thực sự cho hàng lãnh đạo Mỹ không phải là chúng ta có chắc chắn 100 phần trăm ngăn ngừa được một cuộc tấn công hay không mà là chúng ta sẽ phản ứng ra sao trước một cuộc tấn công như thế. Stephen Lynn, một chuyên gia về An Ninh Quốc nội tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, lập luận rằng mục đích của chúng ta phải mềm dẻo – Chúng ta sẽ trở lại được tình trạng bình thường sau sự gián đoạn nhanh đến mức nào ? Trong ngành khoa học về vật chất, sự mềm dẻo là năng lực trở lại được hình dạng ban đầu sau khi bị biến dạng của một vật chất. Nếu ngày nào đó các quả bom nổ tung, chúng ta phải đảm bảo được rằng chúng sẽ gây ra ít gián đoạn - về kinh tế, xã hội, chính trị - chừng nào tốt chừng nấy. Điều này sẽ ngăn bọn khủng bố không đạt được mục tiêu chính của họ. Nếu chúng ta không bị khủng hoảng, thì chính là chúng ta đã đánh bại được khủng bố trong một ý nghĩa quan trọng nhất.
Không khí lo sợ và kinh hoảng mà chúng ta đang gieo giống có lẽ đã mang lại những ảnh hưởng ngược lại. Nếu như có một cuộc tấn công khác, hai điều có thể tiên đoán được với sự gần chắc xảy ra. Các hậu quả thực tế của cuộc tấn công sẽ có giới hạn, cho phép đất nước trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng. Và Washington sẽ trở nên cáu tiết. Các chính khách sẽ đè lên nhau mà hứa hẹn sẽ băm vụn, thủ tiêu và tiệt trừ …một kẻ nào đó. Một cuộc tấn công trả đũa sẽ là thích đáng và quan trọng - nếu ta có thể đánh đúng vào mục tiêu. Nhưng nếu kẻ phạm tội lại có căn cứ ở Hamburg, Madrid hay Trenton thì làm sao ? Có nhiều khả năng là một cuộc tấn công trong tương lai có thể xuất phát từ những quốc gia không biết và không cố tình chứa chấp khủng bố. Phải chăng chúng ta sẽ thả bom Anh Quốc và Tây Ban Nha vì họ chứa một đơn vị khủng bố ?
Một ảnh hưởng có thể nữa của một cuộc tấn công khủng bố khác là sự gia tăng các hạn chế về đi lại, sự riêng tư và các quyền tự do dân sự vốn đã gây một tổn phí quá lớn về kinh tế, chính trị và đạo lý cho Hoa Kỳ. Quy trình khám xét hành khách ở các phi cảng, tốn gần 5 tỉ mỗi năm, mỗi năm lại cồng kềnh hơn vì những phát hiện “rủi ro” có tiềm năng mới. Hệ thống visa, đã trở nên hạn chế và ngăn cấm hơn, sẽ còn trở nên tệ hơn thế mỗi khi có một gã ăn trộm lẻn vào được. Không một điều nào trong những tiến trình này được hình thành với bất cứ cân nhắc nào về tạo được sự cân bằng giữa nhu cầu an ninh và nhu cầu cho sự cởi mở và lòng mến khách. Sự khích lệ đã bị nghiêng lệch để bảo đảm rằng mỗi khi người viên chức ở đâu đó, vào lúc nào đó có điều gì lo ngại, anh ta nên chặn lại, tra hỏi, bắt giữ và trục xuất đi.
Các nỗi sợ hãi của chúng ta đi quá giới hạn của chủ nghĩa khủng bố. Lou Dobbs của đài CNN từng trở thành một phát ngôn viên cho phần giận dữ và kinh hoảng của đất nước. Đối với đa số ở cánh hữu, các di dân bất hợp pháp đã trở nên một nỗi ám ảnh. Một đảng của sự thiếu gan dạ đã tự hiến mình vào sự xây dựng nên một sức mạnh cảnh sát của nhà nước để ngăn cản dân chúng khỏi sự làm việc. Những người Dân Chủ lo lắng về lương bổng của giới làm thuê ở Hoa Kỳ, nhưng những nỗi sợ hãi này hiện đang tập chú vào nền giao thương tự do.
Một số chính sách ngoại giao là điều chúng ta thực hiện, nhưng một số cũng chính là chúng ta. Hubert Humphrey từng nổi tiếng với lời tuyên bố rằng Bộ luật Dân sự của năm 1964 là một trong những chính sách ngoại giao quan trọng nhất của thập niên đó. Nơi chốn Mỹ đã từng là phương thuốc giải độc đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong khi các hành động của Hoa Kỳ trên thế giới có vẻ cộc cằn, lạc hướng hoặc bất công, bản thân nước Mỹ luôn luôn là cởi mở, chào đón và khoan dung. Tôi còn nhớ đã đến thăm Mỹ khi còn là một đứa bé hồi những năm 1970, vào thời điểm mà Ấn Độ là một đất nước chính thức chống Mỹ. Thực tế của nước Mỹ mà tôi từng trải qua là một sự bác bỏ những tuyên truyền và châm biếm từ những kẻ thù của họ. Nhưng ngày nay, thông qua sự vô tình, nỗi sợ hãi và những khiếp nhược của quan liêu, sự biếm nhạo có nguy cơ trở thành hiện thực.
Cuối cùng, sự rộng mở là sức mạnh lớn nhất của Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu chính sách thông minh có các ý tưởng phi thường rằng Mỹ sẽ trở nên tốt hơn trong sản xuất, dành dụm và chăm sóc sức khỏe. Tất cả đều thêm nhiều sức mạnh. Nhưng về lịch sử, nước Mỹ đã từng thành công không phải vì các chương trình khôn khéo của chính phủ mình mà nhờ vào sức mãnh liệt của xã hội. Nước Mỹ đã thịnh vượng bởi vì đã giữ mình mở ra với thế giới - với hàng hóa và dịch vụ, ý tưởng và sáng tạo, và trên hết là với con người và văn hóa. Sự rộng mở này đã cho phép chúng ta đáp ứng nhanh chóng và mềm dẻo với các thời kỳ mới về kinh tế, xoay sở được sự đổi thay và đa dạng bằng một sự dễ dàng đáng chú ý và đẩy các giới hạn của tự do cá nhân và quyền tự trị về phía trước. Sự rộng mở đã giúp Mỹ tạo dựng nên một quốc gia chung toàn cầu đầu tiên, một nơi mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể làm việc, hòa trộn và chia xẻ giấc mơ chung và một định mệnh chung.
Năm 1982, tôi đến đây trong vị trí của một cậu sinh viên 18 tuồi từ đất nước Ấn Độ tám ngàn dặm xa. Nưóc Mỹ đã ở trong một hoàn cảnh căng thẳng. Tháng Mười hai năm đó, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 10.8 phần trăm, cao hơn bất cứ thời điềm nào kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Mức lãi suất lởn vởn ở 15 phần trăm. Việt Nam, Watergate, khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng con tin Iran tất thảy đều đánh tơi tả vào niềm tự tin của người Mỹ. Hình ảnh những chiếc trực thăng trên nóc tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, hình ảnh Nixon từ chức, những đoàn người xếp hàng dài ở các trạm xăng và hình ảnh những người con tin bị bịt mắt, tất thảy như còn tươi nguyên trong tâm tưởng người dân. Liên xô đã đang tăng trưởng, bành trướng ảnh hưởng của mình ra xa khỏi biên giới, từ Afghanistan đến Angola đến Trung Mỹ. Tháng Sáu năm đó, Israel xâm lăng Lebanon, tạo cho tình huống dao động ở trong vùng trở nên căng thẳng hơn.
Nhưng Mỹ đã là một quốc gia rộng mở và bành trướng một cách đáng kinh ngạc. Reagan là hiện thân của điều ấy. Bất chấp tỉ lệ ủng hộ thấp vào lúc ấy, ông đã lan tỏa niềm lạc quan ngay từ trung tâm của cơn bão. Trước hình ảnh vươn dậy quyền lực của Moscow, ông đã tự tin phát biểu về một cơn khủng hoảng chết người trong cơ chế Xô Viết và tiên đoán rằng chế độ này cuối cùng sẽ trở nên “đống rơm của lịch sử”. Bên kia cánh chính trị, đứng sừng sững Thomas (Tip) O’Neill, vị chủ tịch Nghị viện dũng cảm, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, người đã nhân cách hóa lòng thứ tha và bao dung của chủ nghĩa tự do cũ kỹ. Ở mọi nơi mà tôi đến, không khí đều ấm áp và mời đón. Đó là một cảm giác mà tôi chưa từng trải qua bao giờ, một đất nước mở rộng ra với thế giới. Đối với một người khách trẻ tuồi, đất nước này như chào mời sự rộng lượng và hứa hẹn vô tận.
Để nước Mỹ được thịnh vượng trong thời đại mới và thử thách này, để được thành công giữa sự vươn dậy của các nước còn lại, nưóc Mỹ chỉ cần hoàn thành một thử thách. Nước Mỹ nên là một nơi chốn mời gọi và quyền rũ đối với người sinh viên trẻ đặt chân đến Mỹ ngày nay như ngày xưa, như nưóc Mỹ từng đối xử với kẻ mười tám tuổi lạc hậu này một thế hệ trước đây./
LTS: Đến đây là hết chương Mục Đích Của Hoa Kỳ - đây cũng là chương chót của cuốn sách Một Thế Giới Hậu Hoa Kỳ (The Post-American World).
DĐTK xin cám ơn sự theo dõi tác phẩm này của bạn đọc trong hơn nửa năm qua, đồng thời cảm ơn dịch giả Lê Quốc Tuấn đã dành cho Diễn Đàn Thế Kỷ nguyên bản dịch này ngay từ ngày đầu tiên diễn đàn ra đời.
Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục gửi đến quý bạn đọc những tác phẩm hay và bổ ích khác.