Duơng Danh Dy
Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã hơn 30 năm (1979-2010). Nói chung, trong thời gian đó, quan hệ hai nước đã có những phát triển lớn, nhưng nhìn lại một số va chạm đã xảy ra, như sự kiện bán vũ khí cho Đài Loan, sự kiện Thiên An Môn, sự kiện hải quân Đài Loan diễn tập, sự kiện “oanh tạc nhầm” vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư, vụ máy bay Mỹ và Trung Quốc đâm nhau trên vùng trời Biển Đông, vấn đề Dalai Lama,… có thể giúp chúng ta đánh giá đúng (hoặc gần đúng) thực chất mối quan hệ mà ai cũng biết là vô cùng phức tạp này.
Có không ít vấn đề trong quan hệ Trung – Mỹ hơn 30 năm qua, nhưng trong bài viết nhỏ này chỉ xin mạnh dạn đưa ra bốn vụ việc mà người giới thiệu cho là đáng lưu ý.
1. Năm 1981, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống năm 1980, Reagan nói: nếu trúng cử ông ta sẽ thiết lập văn phòng liên lạc chính thức với Đài Loan, khôi phục “quan hệ chính thức”, và hứa “u tiên suy tính tới sự cần thiết phòng ngự của Đài Loan”. Ngay từ lúc đó, Mỹ đã ấp ủ việc bán máy bay chiến đấu loại tiên tiến kiểu FX cho Đài Loan.
Trước việc đó, khi tiếp Bush (cha) lúc đó là ứng cử viên Phó Tổng thống, Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo, nếu những việc đó sau này được thực thi, tất sẽ khiến quan hệ Mỹ – Trung thụt lùi. Một sự kiện đáng chú ý nữa là, không biết có phải vì thấy đã có người Mỹ đi trước nêu gương hay sao mà Chính phủ Hà Lan cũng quyết định bán cho Đài Loan hai chiếc tàu ngầm vào dịp này. Người Mỹ quyết định đi xa hơn nữa, mời Tưởng Ngạn Sĩ, Bí thư trưởng trung ương Quốc Dân đảng Đài Loan tới dự lễ nhậm chức Tổng thống của Reagan ngày 20/1/1981.
Đến lúc này, người Trung Quốc thấy cần phải điều chỉnh quan hệ với Mỹ và Liên Xô, thay đổi chiến lược “đi với Mỹ chống Liên Xô”, vì cho rằng vị thế chiến lược của Trung Quốc đã được cải thiện, có thể tăng cường đấu tranh với Mỹ, thậm chí có khoảng cách với Mỹ. Dùng trò “giết gà để dọa khỉ”, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Sài Trạch Dân nói thẳng với phía Mỹ, nếu Tưởng Ngạn Sĩ tham dự lễ nhậm chức Tổng thống là tạo ra “hai Trung Quốc”, Đại sứ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sẽ không tham dự. Mỹ buộc phải nhượng bộ, tuyên bố Tưởng Ngạn Sĩ đã có mặt tại Washington và “bị ốm phải nằm viện” không thể dự lễ. Trước thắng lợi bước đầu đó, ngày 27/2/1981, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố triệu hồi Đại sứ của mình tại Hà Lan về nước, ngày 5 tháng 5 phía Trung Quốc chính thức tuyên bố hạ cấp quan hệ Trung Quốc – Hà Lan xuống cấp đại diện, ngoài việc nhằm thẳng vào Hà Lan ra còn ngụ ý cảnh cáo Mỹ.
Ngày 14/6/1981, tướng Haig, Ngoại trưởng Mỹ tới thăm Bắc Kinh. Trước đó ngày 13 tháng 6, Đặng Tiểu Bình đã có chỉ thị về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan: chúng ta nhất định phải sử dụng chính sách giáp ranh, nhưng không sợ thụt lùi, càng không sợ đình trệ. Cụ thể là, số lượng phải như cũ, tính năng không được cao hơn thời kỳ Carter, máy bay không vượt qua F5E, quyết không được bán tàu ngầm, quân hạm. Ngoài ra phải giảm bớt từng bước, cho đến phải ngừng hẳn. Biết rõ Haig có chỗ khác Reagan, Đặng Tiểu Bình còn dặn, cần chiếu cố Haig, không nên để ông ta quá khó: “trao đổi về chính trị lời lẽ có thể ôn hũa một chút. Nhưng vấn đề vũ khí sẽ không buông lỏng, các mặt khác có thể để cho đối phương có chút gì mang về”.
Phía Mỹ đánh giá không đúng lập trường của Trung Quốc, qua các cuộc gặp gỡ giữa Reagan và Thủ tướng Trung Quốc, giữa Ngoại trưởng hai nước trong tháng 10 năm 1981 vẫn không đạt được thoả thuận, ngày 29 tháng 10, khi hội kiến Reagan, Hoàng Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc chính thức nói với ông ta: trong quá trình hai bên còn tìm kiếm cách giải quyết vấn đề, phía Mỹ không được bán vũ khí, nếu không phía Trung Quốc sẽ có phản ứng quyết liệt, quan hệ hai nước khó tránh khỏi đình trệ hoặc thụt lùi. Hai bên quyết định thảo luận tiếp tục vấn đề này tại Bắc Kinh.
Ngày 4 tháng 12 hai bên bắt đầu hội đàm tại Bắc Kinh, trước đó Haig đã kiến nghị, thời Carter đã bán đủ vũ khí, hơn nữa trình độ vũ khí và ý đồ của đại lục với Đài Loan không đòi hỏi Mỹ phải nâng cấp vũ khí cho Đài Loan, nên có thể chấp nhận kiến nghị yêu cầu “không vượt quá trình độ thời kỳ Carter” của Trung Quốc. Khi hai bên còn đang thảo luận vấn đề, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ được lệnh tới Bắc Kinh đề nghị Mỹ và Trung Quốc cùng đối phó với hành động can thiệp vào tình hình Ba Lan của Liên Xô, vì cho rằng, nếu chỉ bàn vấn đề bán vũ khí thì xem ra phía Mỹ đã phải khuất phục yêu cầu của phía Trung Quốc, đồng thời có thêm vấn đề quốc tế sẽ cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có lợi ích chiến lợc chung. Phía Mỹ quyết định không nâng cao tính năng máy bay bán cho Đài Loan (tức không bán máy bay kiểu FX hoặc F5G hoặc F-16), nhưng tiếp tục giúp Đài Loan sản xuất máy bay F5E vốn có, và như vậy biểu thị Mỹ đã nhượng bộ. Để nắm được con chủ bài của Trung Quốc, Phó Tổng thống Bush đã tới thăm Trung Quốc. Ngày 8 tháng 5 năm 1982, khi hội kiến ông này, Đặng Tiểu Bình nói: Chính phủ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không thời hạn trên thực tế là cho Đài Loan cái ô bảo hộ. Ông ta yêu cầu Mỹ: trong thời kỳ nhất định, từng bước giảm bớt cho đến lúc hoàn toàn không bán nữa. Phơng thức hứa hẹn ra sao, đưa tin đối ngoại thế nào có thể thương lượng, nhưng bên trong phải khẳng định điểm này.
Do Haig và Reagan có mâu thuẫn, nên ngày 25 tháng 6 Haig đã từ chức, tuy vậy truớc đó ông ta đã đề xuất với Reagan hai phương án nhằm giải quyết khủng hoảng quan hệ Mỹ – Trung. Sau hơn một tháng suy tính, Reagan đã chấp thuận một phần kiến nghị của Haig và ngày 13 tháng 7 ông ta đã gửi thư cho Đặng Tiểu Bình tương đối thỏa mãn yêu cầu của phía Trung Quốc. Do đó cuộc đàm phán hai bên về vấn đề này đã kết thúc. Trong thông báo chung ngày 17 tháng 8 năm 1982, phía Mỹ đã đưa ra ba lời hứa: tính năng và số lượng vũ khí cung cấp cho Đài Loan không vượt qua mức độ cung cấp mấy năm sau khi Mỹ, Trung thiết lập quan hệ ngoại giao; chuẩn bị giảm bớt việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; qua một thời gian dẫn tới giải quyết cuối cùng1.
Đến đây vấn đề đầu tiên trong quan hệ Trung – Mỹ kéo dài hơn một năm kể từ khi Reagan nhận chức, kết thúc. Nhìn bề ngoài có thể cho là, Trung Quốc thắng thế, nhưng nhìn vào thực chất thấy, việc bán vũ khí cho Đài Loan vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ, tức sau gần ba mươi năm vẫn không ngừng. Đố ai đoán được “qua một thời gian” sẽ là bao nhiêu năm nữa?
2. Sự kiện Thiên An Môn (ngày 4/6/1989)
Vào lúc Xuân Hè năm 1989 giao nhau, Bắc Kinh xảy ra sóng gió chính trị, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên tại một số thành phố lớn của Trung Quốc, nhất là tại Bắc Kinh, lấy cớ tưởng niệm Hồ Diệu Bang đã biểu tình tuần hành, thậm chí tổ chức tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn để đòi dân chủ, phản đối tệ nạn tham nhũng. Lấy cớ có bàn tay của “các thế lực phản động” xen vào, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thẳng tay dùng xe tăng và súng đạn đàn áp những thanh niên, học sinh trong tay không một tấc sắt hết sức dã man. Hàng trăm người đã chết và hàng ngàn ngời đã bị thương. Một lần nữa máu lại đổ trên quảng trường Thiên An Môn (lần trước vào dịp người dân tưởng niệm Thủ tướng Chu Ân Lai mới mất – tháng 4 năm 1976, bị “bè lũ bốn tên" chủ mưu đàn áp và lấy cớ đó để hạ bệ Đặng Tiểu Bình một lần nữa).
Tin truyền đến nước Mỹ, một số Nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hũa và Dân Chủ lần lượt gửi thư, gửi điện đòi hỏi Nhà Trắng phải cắt đứt quan hệ ngoại giao và chế tài nghiêm khắc Trung Quốc. Tuy vậy, Nixon khuyên Bush không nên cắt đứt quan hệ ngoại giao, cần có cái nhìn lâu dài với Trung Quốc. Cuối cùng Bush chủ trương ba biện pháp chế tài: 1) ngừng mọi việc bán hàng quân sự và xuất khẩu vũ khí có tính thương mại; 2) tạm ngừng thăm viếng lẫn nhau giữa các lãnh đạo quân sự hai nước Mỹ, Trung; 3) đồng ý nghiên cứu lại yêu cầu xin được kéo dài thời gian lưu lại Mỹ của học sinh Trung Quốc.
Ngày 7 tháng 6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc biểu thị “đáng tiếc rất lớn” trước những lời chỉ trích của Bush, hy vọng Mỹ lấy quan hệ Trung – Mỹ làm trọng, xuất phát từ lợi ích lâu dài của quan hệ hai nước không nên làm bất kỳ việc gì không có lợi cho quan hệ hai nước.
Chủ trương trên của Bush bị Quốc hội Mỹ và một số tổ chức nhân quyền cho là ôn hũa nên không tán thành và gây áp lực. Ngày 20 tháng 6, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố biện pháp chế tài mới, gồm: 1) tạm ngừng các cuộc thăm viếng lẫn nhau ở tầng lớp cao (từ trợ lý Ngoại trưởng trở lên); 2) ngừng sự giúp đỡ của các công ty đầu tư tư nhân hải ngoại với các công ty thực nghiệp đang kinh doanh tại Trung Quốc; 3) phản đối việc Ngân hàng thế giới và Ngân hàng châu á cho Trung Quốc khoản vay mới 1 tỷ USD. Tuy vậy, trong tuyên bố Nhà Trắng đã biểu thị: “Trung Quốc là một quốc gia quan trọng, chúng tôi hy vọng duy trì quan hệ có hiệu quả rõ rệt với họ”.
Dưới sự thúc đẩy của Mỹ, các nước phơng Tây sôi nổi chế tài Trung Quốc, môi trường bên ngoài của Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng, quan hệ Trung – Mỹ ở vào tình trạng nguy kịch, thụt lùi. Vào lúc đó, Đặng Tiểu Bình nói với những người lãnh đạo Trung Quốc: “Trung Quốc phải tự mình đứng vững, phải bảo vệ sự độc lập tự chủ của chúng ta. Chúng ta quyết không được tỏ ra yếu đuối. Anh càng sợ càng tỏ ra yếu đuối, người ta càng cứng rắn. Đừng nghĩ là mình mềm đi thì người ta sẽ tốt với mình hơn, ngược lại, anh càng tỏ ra mềm yếu người ta càng không coi anh ra gì”.
Để duy trì tiếp xúc với người lãnh đạo Trung Quốc, ngày 8 tháng 6, Bush dự tính sẽ tự mình gọi điện thoại cho Đặng Tiểu Bình, đây là việc chưa từng có giữa các nhà lãnh đạo Trung, Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, sau khi thỉnh thị trong nước đã trả lời Nhà Trắng là người lãnh đạo Trung Quốc không có thói quen nói chuyện điện thoại với người lãnh đạo nước ngoài. Ngày 20 tháng 6, Bush dùng tư cách là “một người bạn, một người bạn chân chính” viết một bức thư dài cho Đặng Tiểu Bình. Trong thư ông ta hy vọng Đặng Tiểu Bình “giúp đỡ duy trì quan hệ Trung – Mỹ”, và hỏi liệu phía Trung Quốc có đồng ý tiếp nhận sứ giả bí mật của Washington hay không. Không đến 24 giờ sau, Đặng Tiểu Bình đã có thư trả lời, đồng ý kiến nghị của Bush, nói rõ trong tình hình giữ bí mật tuyệt đối hoan nghênh đặc sứ của Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc. Bush lập tức cử Scowcroft làm đặc sứ bí mật. Bush yêu cầu thuyết minh với người lãnh đạo Trung Quốc, ông ta quyết tâm bảo vệ quan hệ chiến lược quan trọng của hai nước, nhưng ông ta cũng phải chiếu cố tới tâm tư của nhân dân Mỹ. Mỹ chế tài Trung Quốc không có tính vĩnh cửu, nhưng hiện nay nếu nói về chính trị thì phải làm như vậy. Ông ta hy vọng người lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những phản ứng ở Mỹ do sự việc ở Trung Quốc dẫn tới và những áp lực mà ông ta đang phải gánh chịu…
Ngày 30 tháng 6, Scowcroft bắt đầu chuyến đi bí mật. Bí mật tới mức toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ, kể cả Đại sứ cũng không biết chuyến thăm này. Ngày 2 tháng 7, Đặng Tiểu Bình hội kiến Scowcroft. Trước đó ông ta nói với Lý Bằng và một số người là: "hôm nay chỉ bàn nguyên tắc, không bàn vấn đề cụ thể. Tôi chẳng để ý biện pháp chế tài, dọa chúng ta đâu được”. Tiền Kỳ Tham nói: sắp tới có Hội nghị G7, không biết liệu có biện pháp chế tài gì nữa với Trung Quốc không. Đặng Tiểu Bình kiên định nói: “đừng nói 7 nước, 70 nước cũng bất chấp”, và nói: phải làm tốt quan hệ Trung – Mỹ, nhưng không thể sợ, sợ cũng chẳng được gì. Người Trung Quốc phải có khí khái và chí khí của mình. Khi tiếp Scowcroft, Đặng Tiểu Bình nói: hiện nay quan hệ Trung – Mỹ đang ở vào hoàn cảnh rất tế nhị, thậm chí có thể nói là tương đối nguy hiểm. Dẫn tới tình trạng đó là ở phía Mỹ, ông ta phê bình “Mỹ bị cuốn quá sâu” vào sự kiện Thiên An Môn, nếu chỉ dựa vào tình hữu nghị giữa ông ta và Bush không giải quyết nổi vấn đề. Vấn đề là từ phía Mỹ gây ra, “cởi chuông cần phải có người buộc chuông”. Hy vọng người Mỹ làm đúng vai trò đó và đừng lửa cháy đổ thêm dầu. Lần bí mật thăm viếng này không thể có hiệu quả ngay tức khắc vì tình hình thực tế lúc đó không cho phép đi những bước lớn. Sự tình kéo dài đến tháng 12/1989. Ngày 2 và 3 tháng 12 năm 1989, hội nghị người đứng đầu Xô, Mỹ họp ở Malta, đã tạo cơ hội để Bush cử đặc sứ tới Trung Quốc một lần nữa vì từ năm 1972 đến nay việc Mỹ thông báo cho Trung Quốc tình hình hội đàm cấp cao Mỹ – Xô đã thành thông lệ. Do đó từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12, Scowscroft lại một lần nữa tới Bắc Kinh, nhưng lần này là đi thăm công khai. Những hình ảnh ông này nâng cốc với người lãnh đạo Trung Quốc được đưa tin trên truyền hình và đăng tải trên báo chí đã khiến một số Nghị sĩ Mỹ cho là “khuất phục Trung Quốc”, là “cái cúi đầu khiến người ta phải xấu hổ trước chính phủ cộng sản đàn áp”.
Hai bên đang giằng co thì tháng 8 năm 1990, Iraq mang đại quân xâm lược Kuwait gây ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, cung cấp một cơ hội tốt cho việc cải thiện quan hệ Trung – Mỹ. Mỹ lấy việc thu xếp để Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham thăm Washington làm điều kiện nhằm đổi lấy việc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, Trung Quốc ủng hộ Mỹ được trao quyền sử dụng vũ lực. Ngày 29 tháng 11, hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng Bảo an họp tiến hành biểu quyết giao quyền cho Mỹ sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Chiều ngày 30 khi tiếp Tiền Kỳ Tham, Bush đã cám ơn sự hợp tác của Trung Quốc trên vấn đề vùng Vịnh, hy vọng quan hệ hai nước được từng bước cải thiện.
Chuyến thăm này của Tiền Kỳ Tham đã phá bỏ được chế tài không thăm viếng tầng lớp cao lẫn nhau do Mỹ dựng nên từ tháng 6 năm 1989, quan hệ Trung – Mỹ từ đó lên khỏi đáy, mở ra một trang mới2.
Mỹ định chế tài mạnh, lâu dài Trung Quốc nhân dịp hiếm có này, nhng trước những lợi ích thiết thân ở vùng Vịnh đã phải nhượng bộ Trung Quốc, chủ động tháo gỡ chướng ngại để thu đợc sự ủng hộ không có không được của Trung Quốc, còn phía Trung Quốc đã khéo lợi dụng thời cơ, chỉ bỏ ra rất ít mà có thu hoạch tương đối nhiều. Tuy nhiên, bài học cấm vận này của Mỹ và phương Tây, cũng là cái giá phải trả và bài học khó quên cho những nhà đương cục Trung Quốc nhiều thế hệ.
3. Sự kiện Mỹ bắn phá nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư (cũ)
Ngày 7 tháng 5 năm 1999, hai chiếc máy bay B-52 Mỹ cất cánh từ căn cứ tại Mỹ sau mấy lần tiếp dầu trên không đã vượt qua Đại Tây Dương rồi trong đêm bay tới bầu trời thủ đô Belgrade của Nam Tư (cũ) thả 5 quả bom nặng 2000 pound định hướng công kích một tũa nhà được cho là nơi ở của một tổ chức phản động, nhưng thực ra đây là trụ sở của Đại sứ quán Trung Quốc từ năm 1997. Kết quả là văn phòng Tựy viên quân sự của Trung Quốc bị san bằng, 3 phóng viên trẻ tuổi Trung Quốc bị chết, 27 công dân Trung Quốc bị thương (có nguồn tin nói trong số này có Tựy viên quân sự Trung Quốc). Sự kiện oanh tạc sứ quán này đã gây ra lần khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Trung – Mỹ.
Ngày 8 tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra phản ứng chính thức, coi đó là “hành vi dã man”, cảnh cáo khối NATO phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc để đưa ra “kháng nghị mạnh mẽ nhất” về việc Mỹ “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc”. Do bên ngoài sứ quán Mỹ đang tụ tập đông đảo người thị uy, đập phá, nên Đại sứ Mỹ đã từ chối rời khỏi sứ quán.
Ngày 18 tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức gửi công hàm cho phía Mỹ, yêu cầu “NATO do Mỹ đứng đầu” phải: 1) công khai, chính thức xin lỗi; 2) điều tra triệt để, toàn diện vụ việc này; 3) nhanh chóng công bố kết quả điều tra; 4) trừng phạt nghiêm khắc những kẻ gây ra sự việc. Công hàm còn mạnh mẽ yêu cầu khối NATO lập tức đình chỉ hành động quân sự đối với Liên minh Nam Tư, dùng phương thức chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng Kosovo.
Tuy nhiên, Washington đã đánh giá thấp trình độ phản ứng mãnh liệt của Trung Quốc trước việc oanh tạc vào Đại sứ quán của mình, nên hành động xin lỗi dù được thu xếp cẩn thận đã chọc giận dân chúng Trung Quốc hơn nữa. Phía Mỹ cho rằng, oanh tạc nhầm vào sứ quán Trung Quốc là do định vị sai, “cảm thấy đáng tiếc sâu sắc những thuơng vong tạo thành do oanh tạc sai”. Tổng thống Clinton nói rằng, đó là một “sai sót không may”, tỏ ý xin lỗi… nhưng đồng thời lại cho rằng, chính sách “loại bỏ dân tộc” của Tổng thống Serbie, Milosevich mới là nguồn gốc của vấn đề.
Tối ngày 8, Ngoại trưởng Albright đích thân mang thư xin lỗi đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, ngoài việc xin lỗi ra vẫn nhắc tới “chúng tôi không thể ngồi yên nhìn Milosevich thi hành chính sách ‘loại bỏ dân tộc’, NATO cần thiết tiếp tục tiến hành hành động quân sự với Liên minh Nam Tư".
Kết quả điều tra ban đầu vẫn là do định vị sai, ngay sau đó, phía Mỹ đã tổ chức đoàn sang Bắc Kinh giải thích kết quả điểu tra, nhưng bị phía Trung Quốc cho rằng, những giải thích đó là không đầy đủ, là thiếu sức thuyết phục. Để xoa dịu, phía Mỹ đã tỏ ra có nhượng bộ trên vấn đề Đài Loan và Trung Quốc gia nhập WTO.
Ngày 30 tháng 7 hai bên Trung, Mỹ tuyên bố, Chính phủ Mỹ bồi thường cho 27 người bị thương và 3 người Trung Quốc tử nạn 4,5 triệu USD. Tháng 9 phía Mỹ trả đủ tiền, cũng trong tháng này, Tổng thống Mỹ Clinton và Chủ tịch Giang Trạch Dân nhân cơ hội họp hội nghị người đứng đầu tổ chức APEC tại New Zealand đã có mấy lần hội đàm có kết quả, quan hệ hai nước "trở về quỹ đạo bình thường”.
Tháng 11 năm 1999 hai bên Trung, Mỹ đạt được thỏa thuận về việc Trung Quốc gia nhập WTO. Tháng 12 cùng năm, Chính phủ Mỹ đồng ý bồi thường 28 triệu USD do việc Đại sứ quán Trung Quốc bị phá hủy, đồng thời cũng yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường 2,8 triệu USD do những tổn thất của các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Bắc Kinh. Đầu năm 2000 hai bên khôi phục toàn diện giao lưu quân sự.
Vụ việc này được giải quyết phần lớn phụ thuộc vào sự quen biết nhiều năm của hai bên về quan hệ thương mại, về lợi ích chiến lược chung của hai nước, và những cố gắng của những người quản lý.
4. Lại vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Tổng thống Mỹ tiếp Dalai Lama.
Đầu năm 2010, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục xảy ra. Mỹ tuyên bố bán 6,5 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, Obama sẽ tiếp Dalai Lama tại Nhà Trắng, Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ… Một số phương tiện truyền thông đã gọi quan hệ Trung – Mỹ tiến vào “thời kỳ băng hà”. Phía Trung Quốc cũng có một số giọng điệu “khá cao” khi nói về các vấn đề này, họ cho rằng, chính sách đối với Trung Quốc của Obama đột ngột “trở mặt” như vậy là gồm nhân tố đảng phái chính trị, cũng bao gồm cả nhân tố sức ép của dư luận, vừa xuất phát từ những suy tính trong nước cũng là vừa để thoát khỏi cảnh khó ngoại giao, vừa có liên quan tới việc Chính phủ Mỹ muốn chuyển dời sức chú ý của dân chúng, lại vừa có liên hệ trực tiếp với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và quan hệ kinh tế thương mại.
Chính sách của Obama đối với Trung Quốc trong năm 2009 là “tiếp xúc”, “dung hũa” là chính, nhưng sang năm 2010 lại lấy “kiềm chế” làm chính. Trước tiên là tăng cường sức ép kinh tế với Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ tăng lên, tiến hành thu thuế chống bán phá giá 82 loại sản phẩm của Trung Quốc và trưng thu thuế quan với 12 loại bán giá thấp, mà mục đích là buộc đồng Nhân dân tệ phải tăng giá.
Việc bán vũ khí cho Đài Loan là một dụng ý không đổi của Mỹ là nhằm vào vấn đề thống nhất lãnh thổ rất được Trung Quốc quan tâm để gây sức ép.
Còn việc Obama tiếp ngài Dalai Lama, không nói ai cũng rõ là liên quan đến một vấn đề nhạy cảm và không thể nhượng bộ của Trung Quốc, tức vấn đề “độc lập hay tự trị của vùng Tây Tạng”.
Sau một hồi lời qua tiếng lại, rốt cuộc hai bên đều vì lợi ích của mình mà có sự thỏa hiệp: Obama vẫn tiếp ngài Dalai Lama nhưng không phải trong Phòng Bầu dục mà tại Phòng xem bản đồ trong Nhà Trắng, việc bán vũ khí cho Đài Loan vẫn lặng lẽ tiến hành, đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá nhưng vào thời gian thích hợp với mức độ không lớn. v.v.
Một bài viết trên một trang web chính thức của Trung Quốc (trang web Hoàn Cầu) đã nhân việc này đưa ra một cái nhìn có thể nói là khá toàn diện về quan hệ Trung – Mỹ trong thời gian qua, xin trích giới thiệu để tham khảo.
Có nhiều cách giải thích về một số vấn đề trong quan hệ Trung – Mỹ. Dưới đây là mấy giải thích chính:
1) Đó là vì, quan hệ Trung – Mỹ chưa xuất hiện những thay đổi lớn như người Trung Quốc nhận định. Sự phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ tuy có tăng lên nhưng chưa thay đổi được mặt cơ bản trong so sánh lực lượng không cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ; Mỹ càng ngày càng cần Trung Quốc thực hiện hợp tác trong các công việc quốc tế và toàn cầu, nhưng chưa thay đổi được sự chủ đạo của Mỹ trong quan hệ song phương; quan hệ Trung – Mỹ vẫn chưa là quan hệ đối tác chân chính, hoàn toàn; chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn là sự hỗn hợp của sự qua lại và đề phòng, hợp tác và cạnh tranh. Mỹ vẫn làm theo ý mình trong một số vấn đề liên quan tới lợi ích then chốt của Trung Quốc, những xáo động có tính chu kỳ trong quan hệ Trung – Mỹ là không thể tránh khỏi.
2) Đó là vì, mặc dù quan hệ Trung – Mỹ đúng là đang có sự thay đổi nhưng sự thay đổi đó là cục bộ, tiệm tiến. Trong lĩnh vực kinh tế sự phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại giữa hai bên đã sâu sắc và đối xứng, trong công việc quốc tế và toàn cầu, Mỹ càng cần sự hợp tác của Trung Quốc, lợi ích chung của hai nước đang gia tăng. Thế nhưng, trong lĩnh vực chính trị và an ninh, Mỹ vẫn coi chế độ chính trị của Trung Quốc là “dị kỷ”, về mặt chiến lược vẫn thúc đẩy thi hành chiến lược “tránh nguy hiểm” với Trung Quốc.
3) Đó là vì, quan hệ Trung – Mỹ đang thay đổi, nhưng sự nhận biết và mong đợi của hai bên đối với những thay đổi đó có khác nhau. Sự thay đổi trong quan hệ Trung – Mỹ, khiến phía Trung Quốc có thể yêu cầu sự bình đẳng và tôn trọng nhiều hơn. Mỹ cho rằng hai bên có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực vui lòng chia sẻ quyền lãnh đạo với Trung Quốc trong mặt thúc đẩy trị lý toàn cầu, nhưng điều đó không có nghĩa là Washington cần thay đổi cách làm nhất quán của họ đối với các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, nhân quyền, v.v. Có người hỏi: “Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vì sao Trung Quốc lần này phản ứng dữ dội như vậy?”. Câu trả lời là: “Trung Quốc không còn là Trung Quốc trước đây nữa, quan hệ Trung – Mỹ cũng không còn như quan hệ Trung – Mỹ trước đây nữa. tình hình thay đổi rồi. Mỹ cần tôn trọng và nhạy cảm với những lợi ích thiết thân của Trung Quốc".
Ba cách giải thích trên có đạo lý nhất định, nhưng chưa toàn diện. Quan hệ Trung – Mỹ 10 năm gần đây đúng là có những thay đổi rất lớn, về tổng thể những thay đổi đó là có lợi cho Trung Quốc, nhưng có một số vấn đề ở tầng nấc sâu vẫn chưa được giải quyết, vị thế của Trung Quốc trong sự tác động lẫn nhau của hai bên không ngừng tăng cường, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn chặn đứng những thách thức của Mỹ đối với những lợi ích thiết thân của Trung Quốc. Trong hoàn cảnh quan hệ quốc tế và song phương đang thay đổi, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc (bao gồm cả chính sách với Đài Loan) cũng đã có một số thay đổi tích cực, nhưng một số quán tính vẫn tồn tại. Mỹ càng ngày càng tôn trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa, Mỹ coi Trung Quốc là đối tác với ý nghĩa hoàn toàn. Đây chính là điểm phức tạp trong quan hệ Trung – Mỹ.
Xét về lâu dài, do sự phát triển lực lượng và sự lớn mạnh của ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, quan hệ hai nước đã tới bước chẳng ai tách rời khỏi ai được. Vì vậy, Trung Quốc đang dự tính thoát khỏi sách lược đối phó trong thời gian ngắn, mà để mắt vào việc thiết kế một chiến lược lâu dài có hiệu quả với Mỹ. Trong đó có mấy điểm cần lu ý:
Thứ nhất, tích cực hợp tác cùng có lợi, mở rộng lợi ích chung. Chỉ khi nào tính quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ đối với Mỹ tăng lên thì Mỹ mới chú ý nhiều hơn tới sự ổn định của mối quan hệ hai nước và coi trọng đòi hỏi lợi ích của Trung Quốc.
Thứ hai, cần điều chỉnh chính sách trò chơi (cạnh tranh giành lợi ích). Thực chất của quan hệ giữa các nước là sự trao đổi lợi ích. Khi xử lý quan hệ với Mỹ, vừa phải suy tính tới nguyên tắc, vừa phải giỏi trong việc trao đổi lợi ích. Trung Quốc là quốc gia nhìn bên ngoài có vẻ tôn trọng nguyên tắc, coi trọng “hiệp định quân tử” có thái độ coi trọng những “tuyên bố chung”, “thông cáo”,… nhưng Mỹ lại là quốc gia vô cùng thực dụng, khi hoàn cảnh thay đổi, tính toán lợi ích thay đổi là chẳng coi những lời hứa trên báo chí ra gì.
Thứ ba, phải dám và giỏi đấu tranh, chính đấu tranh đã thúc đẩy quan hệ song phương Trung – Mỹ phát triển. Tất nhiên có một số vấn đề không thể đấu một lần là giải quyết được, nhưng không phải vì thế mà từ bỏ đấu tranh, mà phải thông qua đấu tranh không ngừng mới có thể loại bỏ được những cản trở trong việc phát triển quan hệ Trung – Mỹ3.
Người viết bài này cho rằng, ngoài tính chất vô cùng phức tạp ra, cần thấy quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ bao gồm cả sự va chạm của hai nền văn minh Đông và Tây; những xung đột giữa ý đồ, hành động để giữ vững bá quyền của một bên với âm mưu vươn lên quyết giành lấy “bá quyền” của bên kia; lòng nghi ngờ, dã tâm của nước lớn; sự phân chia, tranh đoạt lợi ích… Tất cả những nhân tố trên khiến quan hệ Trung – Mỹ là đối thủ toàn phương vị, hai bên lúc nào cũng lăm le triệt hạ nhau, làm cho nhau mất vai trò cũ để mình thay thế hoặc ngóc đầu lên, khiến mình có thể là kẻ đứng đầu, trong đó không thể chú ý tới những vấn đề nhạy cảm đối với cả hai bên như vấn đề kinh tế, vấn đề Biển Đông… và nhìn chung trong cuộc giao phong đó, xem ra người Trung Quốc dù với rất nhiều muu mẹo và sức mạnh không ngừng tăng lên, nhưng hiện vẫn đang ở vào thế yếu hơn ¾
D. D. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
_________________________
Tài liệu tham khảo:
1. “Ghi chép về những hoạt động ngoại giao của người đứng đầu nhà nuớc Trung, Mỹ”. Nhà xuất bản “Nhật báo kinh tế” Trung Quốc năm 1998.
2. “Lịch sử quan hệ Trung – Mỹ”. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hoa Đông Trung Quốc tháng 10 năm 2002.
3. “Vấn đề mậu dịch Trung – Mỹ”. Nhà xuất bản Xã hội Khoa học Văn hiến Trung Quốc năm 2005.
4. Một số bài viết trên trang web Trung Quốc và bài viết của một số nước khác trong thời gian gần đây.
* Về những va chạm Trung – Mỹ trong vấn đề Biển Đông nổi lên từ tháng 7/2010, xem bài “Không nên coi nhẹ phái diều hâu tại Trung Quốc” trên RFI ngày 29/7/2010.
Chú thích:
1) Nguồn tư liệu: “Nhìn lại những giờ phút then chốt trong diễn biến quan hệ Trung – Mỹ”, tác giả Vương Lập, Nhà xuất bản Thế giới Trí thức.
2) Nguồn: “Lịch sử quan hệ Trung – Mỹ” Đào Văn Kiếm chủ biên, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải.
3) Trang web Hoàn cầu ngày 21/4/2010.
- Mỹ - Trung Quốc: Gates to meet with a Chinese military that's grown bolder (WP 8-1-11)
-U.S. will respond to Chinese military advances: GatesABOARD A U.S. MILITARY AIRCRAFT (Reuters) - The United States will enhance its own capabilities in response to China's growing military muscle, Defense chief Robert Gates said on Saturday, as he to flew to Beijing for talks with China's political and military leaders.
- Soi mối quan hệ quốc phòng Trung - Mỹ Báo Đất Việt