Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Mỹ-Hoa Dàn Trận: Còn Nổ Lớn

 -Mỹ-Hoa Dàn Trận: Còn Nổ Lớn
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 100320

Bài dẫn nhập trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Hoa Kỳ và Trung Quốc Đấu Trí Như Thế Nào?

Chưa đầy một tuần sau khi thông báo là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ hoãn chuyến công du Á Châu ba ngày (dự trù cho ngày 18 thì dời đến ngày 21 tháng Ba), Chính quyền Obama cho biết là việc thăm viếng Indonesia và Úc Đại Lợi sẽ dời đến tháng Sáu. Lý do là Tổng thống Mỹ phải ở nhà theo dõi diễn tiến của kế hoạch cải tổ chế độ bảo hiểm y tế.
Việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho kế hoạch này - thủ tục và nội dung - sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay và từ đó ảnh hưởng đến việc ông Obama ra tái tranh cử vào năm 2012. Vì vậy, Chính quyền Obama đã chọn lựa ưu tiên, và để lãnh đạo Nam Dương (Indonesia) và Úc phải nán đợi. Việc này không có lợi cho uy tín  và sư khả tín, đáng tin, của Hoa Kỳ, nhất là khi nghị trình thảo luận trong chuyến Á du sẽ liên quan đến kinh tế và an ninh châu Á.
Mà cũng trực tiếp liên quan đến Trung Quốc.
Trong khi ấy, bên kia biển Thái bình, Trung Quốc vừa hoàn thành kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá 11, cơ chế có quyền lực cao nhất của nhà nước, trên nguyên tắc. Kỳ họp này đáng chú ý ở tình trạng bất công lan rộng, an ninh bị đe dọa và ở đạo luật cải tổ thế thức bầu cử cho các đại biểu quốc hội ở miền quê. Nạn bất công và khác biệt về mức độ phát triển của các địa phương là một vấn đề lớn cho thế hệ lãnh đạo thứ tư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. An ninh nội địa là một mối lo khiến ngân sách cho công an và cảnh sát được Quốc hội Bắc Kinh biểu quyết với một sự lạ: gia tăng nhiều hơn ngân sách quốc phòng! Việc phân phối lại quyền đại biểu qua luật bẩu cử cũng phản ảnh mối quan tâm của Trung Quốc về nguy cơ động loạn. Chuyện ấy, truyền thông bên ngoài  lại ít chú ý! Cũng lạ...
Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc phải chuẩn bị Đại hội đảng cho năm 2012. Đấy là lúc thế hệ lãnh đạo thứ tư về hưu sau hai nhiệm kỳ và thế hệ thứ năm xuất hiện, như Phó Chủ tịch Tập Cận Bình hay Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đâm ra, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều bị cột vào một cuốn lịch 2012. Từ nay đến đó, lãnh đạo hai nước đều có những vấn đề nội bộ dẫn tới tình trạng đối đầu. 

Khi Tổng thống Obama thông báo sáng kiến khuếch trương xuất cảng hôm 11 tháng Ba, ông khai triển mấy ý trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang vào đầu năm và nêu đích danh chế độ hối đoái Trung Quốc: ta biết là ông khó thể lùi được nữa vì Hoa Kỳ bị nhập siêu và thất nghiệp quá cao. Trả lời Tổng thống Mỹ sau khi hoàn tất kỳ họp Quốc hội hôm 14 tháng Ba, Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ còn cách nói thách. Rằng Trung Quốc sẽ không điều chỉnh hay thả nổi đồng Nhân dân tệ và rằng chính Hoa Kỳ mới phải thay đổ lập trường quan điểm!
Song song, Quốc hội Hoa Kỳ cũng nhập cuộc về hối suất quá thấp của đồng Nguyên và chuẩn bị đưa ra biện pháp trừng phạt: lịch tranh cử tháng 11 tới đây là một nhắc nhở cho mọi người! Và trong bài diễn văn hôm 18 tại Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, Đại sứ Hoa Kỳ John Hunstman lại hâm nóng nhiều vấn đề giữa hai nước, từ chuyện hối suất đồng Nguyên đến thái độ của Bắc Kinh với hồ sơ Iran....
Trên đấy là bối cảnh chung của một vấn đề rộng lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì địa dư hình thể lẫn chính trị, vấn đề này cũng bao trùm lên Việt Nam!
Từ trận chiến mậu dịch - mặt ngoài - chúng ta có thể nhìn sâu vào những mâu thuẫn giữa đôi bên và về các yếu tố chi phối lãnh đạo của hai nước, dù là ông Obama, Hồ Cẩm Đào hay những người sẽ kế nhiệm sau này. Tuần tới, người viết sẽ tuần tự trình bày các yếu tố trên, tuần tự đăng tải trên cột báo này.... Xin đón xem!


Đây là bài mở đầu trong loạt bài viết năm ngoái về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - làm bổi cảnh theo dõi những chuyển động sắp tới. NXN
-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Yếu Tố Kinh Tế
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 100325

Bài số hai trong tám bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

... Mâu Thuẫn Kinh Tế

Mở đầu cho loạt bài về những mâu thuẫn thậm chí xung đột sắp tới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chúng ta cần nhìn lại quan hệ của hai nước trên đại thế.
Người ta thường cho rằng Hoa Kỳ chi tiêu bừa phứa, lại còn mắc nợ nặng nề sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 và nạn suy trầm kinh tế năm 2008-2009. Trong khi đó, Trung Quốc tiết kiệm tối đa và làm chủ một lượng dự trữ ngoại tệ tương đương với 2.400 tỷ Mỹ kim mà đa số được lưu giữ dưới dạng đầu tư vào thị trường Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ thành quốc gia khách nợ và Trung Quốc là quốc gia chủ nợ, cho nên hai nước đều cần nhau, với thế thượng phong thuộc về chủ nợ.
Nhận xét ấy thật ra phiến diện và không phản ảnh đúng sự thể, nhưng cứ được nhiều "học giả" Mỹ lưu truyền, với sự hoan hỉ của Bắc Kinh và sự sốt sắng phiên dịch của truyền thông Việt ngữ.
Trước hết, như tại nhiều quốc gia khác trên địa cầu từ khi có tự do giao dịch kinh tế, Hoa Kỳ có gặp chu kỳ suy trầm từ cuối năm 2007 và bị khủng hoảng tài chánh năm 2008 sau vụ bể bóng đầu tư trên thị trường gia cư từ năm 2006. Vụ khủng hoảng ấy lan rộng khiến nước Mỹ bị coi là thủ phạm của mọi tai họa kinh tế ở nơi khác. Điều ấy không chính xác nếu ta thấy là Âu Châu chưa ra khỏi suy trầm và đang mấp mé khủng hoảng tài chánh vì những chứng tật riêng. Lại càng không chính xác khi ta nhìn qua đầu máy kinh tế thứ nhì là Nhật Bản, bị suy trầm và khủng hoảng từ hai chục năm trước sau vụ bể bóng gia cư địa ốc và cổ phiếu năm 1990.
Chẳng những điều ấy không chính xác mà lại không đầy đủ: Trung Quốc có góp phần cho vụ khủng hoảng năm 2008 tại Mỹ, là điều thiên hạ ít biết vì không quan tâm đến kinh tế quốc tế.
Nhắc lại thì Hoa Kỳ có trách nhiệm trong sự bất cẩn vì tinh thần hồ hởi sảng truyền thống của dân Mỹ, nên nhập cảng ào ạt và vay mượn lung tung. Bên kia Thái bình dương, Trung Quốc là nơi mà dân chúng có tâm lý bất an cũng truyền thống nên thắt lưng buộc bụng và tiết kiệm rất cao. Họ còn bị nhà nước thắt lưng buộc bụng cho, để xuất cảng bằng mọi giá cho nhà nước thu về ngoại tệ, lập ra một kho tài sản tung hoành trên thế giới.
Đáng lẽ, kho tài sản ấy đã có thể được đầu tư vào bên trong để nâng cao mức sống toàn dân. Hoặc nhà nước Bắc Kinh đã có thể nâng cao hối suất đồng bạc của mình (đồng Nguyên, hay "Nhân dân tệ" là cách gọi có dụng ý chính trị của Trung Quốc mà truyền thông thế giới ngô nghê nói theo) để nâng lợi tức người dân. Nhưng lãnh đạo Bắc Kinh không tính như thế. Họ giữ hối suất thấp - nôm na là giàng giá đồng Nhân dân tệ vào đồng Mỹ kim theo tỷ giá cố định và giả tạo - để chiếm ưu thế nhờ xuất cảng với giá rẻ. Và khi có thu nhập thì họ lại đông lạnh một phần đối giá của ngoài tệ đó để kiểm soát lạm phát, chuyện này, truyền thông Mỹ ít nói vì... ít biết! Có ngoại tệ trong tay, lãnh đạo Bắc Kinh cho đầu tư ngược vào Mỹ để kiếm lời trên một thị trường an toàn hơn... thị trường Hoa Lục.
Kết quả, đúng hơn, phải nói là hậu quả, là Trung Quốc tạo ra một nguồn tiền lưu hoạt cực lớn, tới cả ngàn tỷ Mỹ kim, được chảy vào thị trường Mỹ.
Nguồn tiền ấy có góp phần làm giảm lãi suất tại Mỹ và thổi lên bong bóng đầu tư. Lãi suất càng hạ, dân Mỹ càng phóng tay chi tiêu nên càng bị nhập siêu về ngoại thương và càng đưa ngoại tệ vào tay Bắc Kinh để lại thổi qua Mỹ. Nói ví von thì dân Mỹ lạc quan như trẻ thơ thích chơi ma túy, Bắc Kinh là người cung cấp!  Lại còn cho vay tiền để dân Mỹ hít cho mạnh...
Sau khi bị Chính quyền Bush phàn nàn về việc định giá đồng bạc quá thấp, Bắc Kinh sợ bị trả đũa nên từ tháng Bảy năm 2005 đến tháng Bảy năm 2008, đã tiệm tiến nâng tỷ giá đồng Nguyên khoảng 20% - ghi cho dễ nhớ, thực tế là gần 21%. Thế rồi khi thấy kinh tế thế giới bị suy trầm, từ tháng Bảy năm 2008, Bắc Kinh lại ấn định đồng bạc theo hối suất thấp, rồi tung kế hoạch kích thích kinh tế và khuyến khích xuất cảng bằng trợ giá.
Để tiếp thục thu thêm ngoại tệ về làm dự trữ.
Nói vắn tắt, Bắc Kinh có góp phần gây ra khủng hoảng tài chánh toàn cầu vì tiếp tục bơm tiền. Và nay còn đình chỉ khả năng điều chỉnh của thế giới - của Mỹ và các nước công nghiệp khác.
Chuyện điều chỉnh ấy là như thế nào?
Là Trung Quốc không nên tiếp tục cạnh tranh nhờ tiền rẻ để xuất cảng ra ngoài mà phải nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa - và lượng nhập cảng - bằng cách tăng hối suất đồng bạc. Tức là phải cho người dân được hưởng công lao sản xuất của mình và nhập cảng nhiều hơn từ các xứ khác hầu quân bình lại cán cân ngoại thương của thế giới. Việc điều chỉnh ấy là cần thiết cho thế giới và cho chính Trung Quốc. Nhưng dù lãnh đạo Bắc Kinh có muốn như vậy từ lâu, họ vẫn không làm được vì những chứng tật ngay trong cơ chế kinh tế chính trị của Trung Quốc. Nhiều đảng bộ địa phương và doanh nghiệp nhà nước chống lại việc đó.
Trong khi ấy, Bắc Kinh thực tế dựa vào khối ngoại tệ dự trữ làm đảm bảo cho hệ thống tiền tệ và ngân hàng của Trung Quốc! Nếu không, xứ này sẽ bị khủng hoảng. 

Khi nhìn lại toàn cảnh như vậy, ta thấy Bắc Kinh cũng cần Hoa Kỳ và mong là dân Mỹ sớm ra khỏi suy trầm để tiếp tục cấp cứu kinh tế Hoa Lục bằng cách lại tiêu xài như Mỹ và nhập cảng tưng bừng!
Vì không hiểu điều ấy, hoặc vì gian ý từ các cơ sở đầu tư có quan hệ với thị trường Hoa Lục và các học giả hay chính khách Mỹ được Trung Quốc viện trợ, hà hơi tiếp sức - người ta mới lưu truyền lý luận rằng Hoa Kỳ là khách nợ nên không thể cưỡng chống Trung Quốc hoặc lớn tiếng đả kích Bắc Kinh về chuyện hối suất đồng Nguyên. Nhiều người còn uyên bác cảnh báo là nếu Mỹ tiếp tục tăng chi vô trách nhiệm hoặc tiêu xài phóng túng thì đồng Mỹ kim sẽ mất ưu thế của một ngoại tệ dự trữ. Bắc Kinh cũng nương theo đó mà từ năm 2008 bắn tiếng dọa nạt là họ sẽ đánh gục đồng đô la hoặc sẽ đưa đồng Nguyên lên hàng "ngoại tệ dự trữ".
Đó là một nét khôi hài phản ảnh sự mù lòa kinh tế hoặc gian manh chính trị. Lý do là muốn thành một ngoại tệ dự trữ có khả năng lưu hành toàn cầu thì đồng Nhân dân tệ phải được thả nổi đã! Là chuyện Bắc Kinh chưa thể làm được!

Trên đây là vài điểm khái quát về tình hình đôi bên, về "tương quan lực lượng" giữa hai cường quốc. Nó không đơn giản như nhiều người nghĩ. Và sẽ còn trở thành phức tạp hơn khi Tổng thống Barack Obama và Lưỡng viện Quốc hội đều khẳng định nhu cầu gia tăng xuất cảng để tạo thêm việc làm - và còn nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc khi lũng đoạn thị trường bằng đồng Nguyên.
Vì vậy mà hai nước đang dàn trận cho một cuộc đấu trí toàn diện, nhưng đều mong là không đi tới đấu lực.
Trong vụ đấu trí, Trung Quốc có một ưu điểm... tiền kiếp. Đó là lời khuyên trong Binh pháp Tôn tử "Không đánh mà khuất phục được người mới là sáng suốt nhất". Cả một nền văn hóa về mưu lược chính trị đã thấm nhuần triết lý đó. Muốn thế, phải dụng mưu - kể cả làm chuyện dối trá - phải đánh đòn ngoại giao để tranh thủ người này, ly gián người kia, chứ dụng binh rồi đánh thành mới lả dở nhất. Từ đó, và cho đến ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn có "chiến lược kỳ biến" là gây ra nhận thức giả tạo về ta (Trung Quốc) và về địch (Hoa Kỳ trong trường hợp này) và cả mưu "gây ấn tượng" (tốt về ta và xấu về địch) ngay trong hàng ngũ địch. Đấy là phần vụ của tuyên truyền và nghệ thuật "lobby" rất phổ biến trong xã hội Hoa Kỳ, có khi còn nhắm vào thành phần có trách nhiệm về tình báo, ngoại giao và chính sách ứng phó với Bắc Kinh.
Ngược lại, Hoa Kỳ cũng có ưu điểm của một xã hội trẻ, cởi mở và đa nguyên, nơi mọi chuyện đều đưọc tranh luận công khai, mọi thông tin đều trình bày minh bạch. Và quan trọng nhất là ưu thế tự do kinh tế khiến mọi chuyện trái phải, lợi hại đều thường xuyên được thẩm xét và thay đổi.
Nhưng đấy là chuyện văn hoá chính trị lâu dài.
Chuyện trước mắt là thực lực kinh tế và trí tuệ của hai hình thái xã hội khác nhau. Một thí dụ thời sự là Hoa Kỳ mắc nợ ngập đầu làm các chính trị gia tranh luận thường xuyên nhưng chẳng vì vậy mà chính quyền tan rã. Trong khi ấy, và đây cũng là một tiết mục thời sự, Trung Quốc đang mất dần ưu thế xuất siêu vì thặng dư về xuất nhập cảng bị thu hẹp. Tức là xuất cảng không tăng kịp đà nhập cảng.
Hôm 22 tháng Ba vừa qua, nước Mỹ mải tranh luận chuyện cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế nên không chú ý đến lời báo động của Bộ trưởng Thương Mại Bắc Kinh là Trần Đức Minh, rằng số thặng dư mậu dịch giảm 22 tỷ trong hai tháng đầu năm nay. Sau hai năm bơm tiền kích thích kinh tế và khuyến khích xuất cảng, ưu thế ngoại thương của Trung Quốc đang sụt vì nhập cảng tăng hơn 63% mà xuất cảng chỉ thêm có 31,4%. Hoa Kỳ vốn dĩ đã quen với chuyện ấy nên không thấy là lãnh đạo Bắc Kinh đang rất lúng túng vì ảnh hưởng chính trị sẽ lên tới trung ương. Mà do tình hình kinh tế chưa khả quan, số nhập cảng Âu-Mỹ-Nhật chưa tăng, chiều hướng bất lợi này còn tiếp tục và Bắc Kinh không có đất lùi nên sẽ càng dùng mọi thủ đoạn để gia tăng xuất cảng. Mâu thuẫn Mỹ-Hoa vì vậy càng dễ bùng nổ.
Trong khi đó, khi nhìn lại toàn cục thì bong bóng đầu tư tại Mỹ là hiện tượng tự phát, khiến nhiều người có lợi và nhiều nhà đầu tư phá sản khi bóng bể. Tại Trung Quốc, bong bóng đầu tư là kết quả của chánh sách quản lý kinh tế quốc dân và đem lại mối lời lớn cho thiểu số đảng viên cán bộ hay tay chân thân tộc. Ngày bóng bể thì dân nghèo lại bị thiệt hại hơn cả và tiền tiết kiệm gửi ngân hàng có khi là giấy lộn. Vì vậy, khi Trung Quốc đang ngồi lên một bong bóng đầu tư vĩ đại, lãnh đạo Bắc Kinh không thể không lo sợ.
Kết cuộc là trong trận đấu trí này, Trung Quốc không hẳn là chiếm thế thượng phong như người ta có thể nghĩ.
Và theo kịch bản giả tưởng - là "do âm mưu của Mỹ" - nếu bong bóng Hoa Lục cứ tiếp tục căng phồng như thế này, Trung Quốc sẽ lại gặp tai họa như Nhật Bản hai chục năm trước. Với kết quả chính trị kinh hoàng hơn nhiều. Vì xứ này không có dân chủ!

Kỳ sau xin nói về yếu tố "nhận thức" trong trận đấu Mỹ-Hoa này...



-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Nhận Thức Trong Chiến Pháp
Nguyễn Xuân Nghĩa -Việt Báo ngày 100326
Bài thứ ba trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc


Yếu tố nhận thức trong trận đấu...



Chịu ảnh hưởng từ nền văn hoá Trung Hoa, chúng ta đều biết câu danh ngôn nói là của Tôn Vũ tử. "Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng". Thật ra, trong thiên "Mưu công" của cuốn "Tôn tử Binh pháp", người được cho là Tôn Vũ có chỉ ra như thế này: "Biết mình biết người, trăm trận không nguy. Không biết người mà biết mình, một được một thua. Không biết người không biết mình, hễ đánh là nguy".

Vấn đề ở đây là cái "biết". Phải biết về mình, về người và còn phải làm cho người biết sai về mình... Vì thế, chuyện "nhận thức" hay đánh giá, mới là hệ trọng, trước khi lâm trận.
Mà là trận gì?
Chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa, chúng ta đều có thói suy nghĩ khá lười biếng. Rằng Trung Quốc có truyền thống "trọng văn khinh võ". Lãnh đạo Bắc Kinh đang muốn thiên hạ cũng nghĩ như vậy, khi phát huy - tuyên truyền - chủ trương "quật khởi hoà bình". Bauxite là trò quật khởi đó tại Việt Nam.
Thật ra, văn hoá Trung Quốc có một kho tàng đồ sộ về nghệ thuật chiến tranh, về binh pháp.
Nói cho ngắn gọn, họ có cả một nền văn hoá về "đấu tranh" và rất nhiều tài liệu giá trị, kể cả bộ "Võ kinh thất thư", bảy cuốn sách mà người Việt nào cũng nghe nói đến như Lục Thao của Lã Thái công (Khương Tử Nha), Tam Lược (tương truyền là của Hoàng Thạch công), Tôn tử Binh pháp của Tôn Vũ, Ngô tử của Ngô Khởi, Uý Liêu tử của Uý Liêu, Tư Mã pháp của Tư Mã Nhương Thư, và cuốn Đường Thái tông - Lý Vệ công vấn đối. Các cuốn sách ấy có thể xuất hiện về sau, không nhất thiết là của những tác giả kể trên, và còn được các chiến lược gia đời sau bình nghị, bổ túc. Nhưng nhìn như vậy, văn hoá Trung Quốc không chỉ "trọng văn".
Hơn thế nữa, nền văn hóa đó cũng không đơn giản chia ra hai cõi văn-võ mà biết tổng hợp và nhấn mạnh đến sự thật là trong văn có võ - nghệ thuật tuyên truyền - trong võ có văn - nghệ thuật lung lạc chính trị bằng quân sự - và phát huy hình thái đấu tranh toàn diện, kết hợp cả văn lẫn võ.
Người Việt chúng ta đều ham đọc truyện Tầu và hiểu ra những điều trên khi nhớ tới nào Đông Chu Liệt Quốc, nào Chiến Quốc Sách, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, hay Thủy Hử, v.v... Một số người quan tâm thì càng biết ra điều ấy khi đọc "Quân trung Từ mệnh tập" của Nguyễn Trãi....
Nói cho gọn, giữa các quốc gia với nhau, việc tranh đua về quyền lợi là một thực tế khách quan. Giải pháp lý tưởng là giành tối đa quyền lợi cho mình mà không phải dụng binh.
Trong tinh thần ấy, ta có thể hiểu ngay là trận đấu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không đơn giản là võ trang, với ưu thế hiển nhiên vẫn đang thuộc về Hoa Kỳ, ít ra trong nửa thế kỷ nữa. Lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết vậy nên không chơi dại. Họ nói "chủ hòa" để khỏi bị tổn thất nhưng vẫn đấu tranh để khai thác tinh thần "phản chiến" của nước Mỹ hầu có thể thắng mà khỏi đánh. Họ đánh vào nhận thức của dân Mỹ, tác động vào cái "biết" của nước Mỹ về chính họ trong khi tăng cường cái "biết" của chính họ về nước Mỹ.

Và trận đánh ấy không giới hạn vào quân sự mà còn là kinh tế, ngoại thương, ngoại giao, tình báo, tuyên truyền...
Trong cuộc đấu trí về nhận thức, họ chủ yếu tác động vào nhận thức của những người Mỹ tạo ra dư luận (xin tạm gọi là "học giả") và những người có trách nhiệm giúp lãnh đạo Hoa Kỳ làm ra chánh sách. Khi phiên dịch tài liệu của các "học giả" Mỹ, người Việt ta càng nên cẩn thận để khỏi rơi vào trò chơi "gây ra sự lầm lạc trong nhận thức" mà Trung Quốc đang ráo riết thi hành.
Người viết sở dĩ phải nhắc tới điều ấy khi thấy một số bài tham luận của các học giả Hoa Kỳ về Trung Quốc đã được hồn nhiên phổ biến trong cộng đồng người Việt. Và càng phải nhấn mạnh tới điều ấy khi từ giữa năm 2004, Bắc Kinh lập kế hoạch xây dựng các "Viện Khổng học".
Các viện Khổng học này chỉ là những trung tâm tuyên truyền và vận động tư tưởng do Bộ Giáo dục Trung Quốc thiết lập theo chủ trương của của Thường vụ Bộ Chính trị. Từ những viện đầu tiên lập tại... Trung Á vào tháng Sáu năm 2004 - do tiền viện trợ của Trung Quốc - họ đã có hơn 300 viện tại gần tám chục quốc gia vào cuối năm 2008. Chỉ tiêu của Bắc Kinh là năm 2010 sẽ có 500 viện, 10 năm nữa sẽ có ngàn viện. Với dân số cực đông, và một cộng đồng Hoa kiều rất sinh động, Bắc Kinh có nguồn nhân lực dồi dào cho nỗ lực tuyên truyền ấy. Chưa kể đến mục tiêu tình báo hay nghệ thuật "dụng gián" được Tôn tử nói tới trong thiên cuối của Tôn tử Binh pháp!

***


Nhìn qua bên này, về phía Hoa Kỳ, ta có thể giật mình, e ngại.
Trước nền văn hoá Trung Hoa lấy việc đánh lừa là nghệ thuật cao điệu - và có chính nghĩa - trên trường ganh đua về quyền lợi, dường như Hoa Kỳ là một xứ chậm tiến vì quá trẻ! Nhìn rộng ra ngoài, ta còn nghĩ rằng cả khối Tây phương cũng thế. Quanh đi quẩn lại chẳng lẽ chỉ có cuốn "Về Chiến tranh" của Carl von Clausewitz hay uyên bác lắm thì có cuốn "Lịch sử trận chiến Peloponnesian" của Thuycidides? So với Võ kinh Thất thư thì hơi mỏng!
Huống hồ, Hoa Kỳ còn là một xã hội cởi mở, nơi mà không ai được có độc quyền chân lý và mọi việc đều phải công khai hóa. Trong môi trường đó, Trung Quốc tha hồ tung hoành.
Chuyện thứ hai là trong trường đấu tranh ấy, Trung Quốc tận dụng hai mặt "chính" và "kỳ".
Chính là mặt dương, nghĩa là sự thể không tẩy xoá; kỳ là mặt âm, là sự thể được dàn dựng trong ý hướng xuyên tạc để gây lầm lạc. Thực và hư, chính và kỳ là hai mặt sáng/tối của một vấn đề, và của cách đặt vấn đề. Hoa Kỳ thì dường như trái ngược. Phản ứng minh bạch hoá của một xã hội cởi mở khiến mọi việc đều trở thành công khai cho mọi người bình nghị. Nếu như Chính quyền Hoa Kỳ có ý dựng ra chuyện "hư" để thi hành gian kế theo kiểu "kỳ binh" thì âm mưu sẽ được truyền thông và đối lập phanh phui với tốc độ điện tử và coi đó là thành tích. Một thí dụ nóng hổi là lý do hay lý cớ khai mở chiến dịch Iraq của Tổng thống George W. Bush.
Như vậy thì... đánh đấm làm sao?

***
Thật ra, chúng ta nên nhìn lại nước Mỹ.

Nói về nghệ thuật gây ấn tượng để chi phối nhận thức và quyết định của người khác thì ai có thể vượt qua... nghề quảng cáo hay tiếp thị Hoa Kỳ? 

Cả một bộ môn tận dụng kỳ binh đã và đang được giảng dạy trong các đại học và thi hành hàng ngày, hàng giây trên doanh trường, màn ảnh, mặt báo. Và các chính trị gia Hoa Kỳ cũng là bậc sư, với những nhà tư vấn consultant về nghệ thuật gây ấn tượng.
Trung Quốc có một đảng độc quyền gây ấn tượng, có nghệ thuật tạo ra ấn tượng, và tận dụng việc lung lạc người khác bằng "chiến lược kỳ biến". Hoa Kỳ có cả nước hàng ngày sinh hoạt trong thế giới hư hư thực thực đó. Và trí thông minh của nhiều người Mỹ chính là moi ra ẩn ý của những trò ma mãnh ấy, hầu vượt qua bằng những trò còn ma mãnh hơn!
Ngoài nghệ thuật quảng cáo tuyên truyền trên doanh trường và trong chính trường, Hoa Kỳ còn có cả một kỹ nghệ gây ấn tượng - trong phim trường. Đó là bộ môn điện ảnh! Chống Mỹ hay phản chiến nhất thì ta có thể thấy qua nhiều bộ phim xuất sắc, đã hốt bạc mà còn được giải thưởng! Nhưng, ngợi ca tự do cá nhân hay quyền dân và đả kích âm mưu độc tài hoặc chính trị gian trá thì cũng là đề tài của nhiều tác phẩm cực hay của nghệ thuật thứ bảy!
Khán giả sẵn sàng bỏ tiền đi xem các đạo diễn hay tài tử lừa mình ra sao, đề cao chuyện gì và đả kích những ai. Khán giả, hay thị trường, tạo ra một trường ganh đua về nghệ thuật gây ấn tượng. Trong cái cảnh thật sự trăm hoa đua nở trăm nhà tranh hơi như vậy, người dân có toàn quyền chọn lựa và ngợi ca những người có tài nhất trong nghệ thuật biến hoá hư thực. Hoa Kỳ đã mặc nhiên dân sự hoá và đại chúng hoá chuyện chính-kỳ. Và không chấp nhận kiểm duyệt!
Cai trị một xã hội như vậy quả là mệt. Mà sướng!
Nói đến chuyện cai trị, lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ là loại sinh vật phù du.
Dân biểu thì hai năm phải xin phiếu một lần; Thống đốc thì thường là bốn năm, y như các Tổng thống; Nghị sĩ thì có sáu năm. Trong suốt giai đoạn thường xuyên có bầu cử như vậy, xã hội dân sự của Mỹ vẫn vận hành. Và bộ máy quản trị quốc gia về mọi mặt, vẫn hàng ngày hàng giờ làm việc. Việc bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ cũng thế....

Biết bao cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ đang hàng giờ hàng giây tổng hợp tin tức bên trong và bên ngoài về những điều mà... Tôn tử quan tâm. Trước hết là "đạo" - cái gì thì hợp ý thiên hạ, thuận với lòng dân... ở đâu? Kế đó là "thiên", là điều kiện thiên văn khí hậu thời tiết, và cả nguy cơ thiên tai hay hoa màu ở nơi này nơi khác. Ba là "địa", nghĩa là địa dư hình thể và điều kiện sinh hoạt hay sản xuất... ở mọi nơi. Sản phẩm gì sẽ mất mùa mà tăng giá và ở nơi đâu, là câu hỏi không chỉ có thị trường mới quan tâm tìm hiểu! Bốn là "tướng", hệ thống nhân sự có trách nhiệm ở các nơi khác, nước khác. Thí dụ như Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là những ai, được phe nào ủng hộ, phe nào chống đối và khi cầm quyền thì sẽ tính sao, căn cứ trên xuất xứ, quan hệ thân tộc hay quá trình làm việc của họ....
Cứ như vậy, như bầy kiến hàng ngày thi hành những chức năng gần như bản năng của mình, hệ thống nhân sự có trách nhiệm trong chính quyền vẫn thu thập, phân tách và tổng hợp rồi cập nhật mọi dữ kiện và... để đó trên bàn của thượng cấp. Họ có nhiệm vụ chuẩn bị cho thượng cấp phương thức đối phó trước mọi tình huống, và phương thức ấy gồm có nhiều cách khác nhau! Việc gì cũng có plan A, plan B, với từng thông số cân nhắc lợi hại cho từng kịch bản và kế hoạch hay giải pháp.
Và thành phần nhân sự này cũng chỉ là người dân, quân nhân hay công chức, tức là sinh hoạt trong một xã hội cởi mở đầy sáng kiến và trí tưởng tượng!
Lãnh đạo Hoa Kỳ không thuộc loại ba đầu sáu tay. Bộ máy tham mưu ở dưới thì quả là ba đầu sáu tay, có khi đánh nhau chí tử bằng cách tác động lên thượng cấp hoặc tiết lộ cho truyền thông. Đâm ra nhiều kế hoạch gọi là "mật" cứ bị phanh phui trên báo, thậm chí còn được khuyến khích phanh phui trên màn ảnh. Kết quả? Kết quả là nhận thức của thiên hạ - kể cả thiên hạ ở Trung Quốc - về sự gian manh của nước Mỹ khi chuẩn bị sẵn cả chục kế hoạch khác nhau mà kế hoạch nào cũng đều là "thực". Nhưng vẫn chỉ là "hư" khi chưa được áp dụng.
Trong cõi hư hư thực thực đó, lãnh đạo Mỹ tính sao thì ít ai biết. Và khi thi hành thì họ có thể ngay tình, nói thật, rằng điều ấy đã được nói ra rồi mà lúc đó chẳng ai nghe hay hiểu.
Khi Đại tướng David H. Petreaus, Tư lệnh Quân khu Centcom tại Trung Đông và Trung Á, nói đến kế hoạch rút quân khỏi Iraq sau cuộc bầu cử, ông nói thật vì Mỹ có kế hoạch ấy, đã được Tổng thống Barack Obama công khai hoá. Hai ngày sau lời phát biểu của ông, một vị Tướng dưới quyền là Raymond T. Odierno, Tư lệnh Chiến trường Iraq, lại tuyên bố là Hoa Kỳ có Kế hoạch B về việc rút quân, nếu như tình hình tại chỗ đòi hỏi. Tướng Odierno không thể nói sai, kế hoạch này cũng có thật và sẽ có thể áp dụng... Cả hai vị Tư lệnh đều là những viên tướng có tài và không là chính khách. Họ đều nói thật mà gây ra những ngờ vực về thực hư cho các phe trong cuộc tại Iraq. Và cho các đấng con trời ở Trung Quốc.
Kết luận của Bắc Kinh: Hoa Kỳ là loại con buôn ưa lật lọng! Không sai lắm, nhưng rất khó đoán là khi nào sẽ lật lọng! Trong khi ấy, người dân của xứ nào được sống tự do và hạnh phúc hơn?

***

Bây giờ, ta kết thúc bằng trận đấu giữa con buôn với gian thương. Giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Từ cả trăm năm nay, từ khi trở thành cường quốc rồi siêu cường kỹ nghệ, Hoa Kỳ có một chiến lược kinh tế - ngoại giao nhất quán. Đó là dùng kinh tế để tranh thủ hậu thuẫn ngoại giao, chính trị và an ninh của các nước khác. Mục tiêu là để không cường quốc nào có thể thách đố quyền lợi của Mỹ trên toàn cầu. Phương thức là "phát triển ngoại thương tự do", cụ thể là mở cửa cho các nước bán hàng vào Mỹ. Càng "thân Mỹ" càng dễ bán hàng! Bị Hoa Kỳ khuất phục sau Thế chiến II, Nhật Bản đã nhờ chiến lược kinh tế ấy của Mỹ mà bán hàng cho Hoa Kỳ và trở thành cường quốc kinh tế rồi chủ nợ của Mỹ. Cho tới 1990 thì tanh bành mà có phải là vì âm mưu của Mỹ đâu.
Ai biết được?
Nói ra thì ít người hiểu vì chưa quan tâm vào chuyện kinh tế: xuất cảng chỉ chiếm 15% tổng sản lượng Mỹ nên không là chuyện sinh tử. Ngược lại, nhập cảng của Mỹ là chuyện sinh tử cho nhiều xứ khác. Và thị trường tiêu thụ cực lớn của Hoa Kỳ là nguồn sống cho người dân của nhiều quốc gia, là lẽ thành bại của lãnh đạo nhiều nước. Trong trò chơi xuất nhập ấy, doanh nghiệp Mỹ đóng chốt ở cả hai đầu. Bước vào Hoa Lục dạy cho doanh nghiệp Trung Quốc nghệ thuật bán hàng vào Mỹ là một đầu. Đầu kia là đứng đợi bên này để phân phối và lại kiếm lời nữa. Mà kín như bưng.
Như vậy, việc nhập cảng rất mạnh và bị nhập siêu là cái giá kinh tế mà nước Mỹ sẵn sàng trả để đạt mục tiêu chiến lược là chi phối xứ khác bằng kinh tế, bằng miếng ăn. Xuất cảng mà giảm là các xứ này có thể khốn đốn. Doanh nghiệp và chính quyền Mỹ đã từng giúp Trung Quốc và cả Việt Nam trong chiến lược ấy rồi lãnh đạo hai nước trở về nhà nói phét với thần dân u mê của họ. Là... giỏi hơn Mỹ và lừa được Mỹ.
Thu được tiền Mỹ thì lại rửa sạch và đem qua Mỹ đầu tư!
Thế rồi vụ khủng hoảng 2008 bùng nổ khiến kinh tế thế giới suy trầm và Trung Quốc điêu đứng nên phải dốc sức xuất cảng và lại gây tranh luận về hối suất quá thấp của đồng Nhân dân tệ. Bên này chiến hào rộng bằng cả Thái bình dương, Hoa Kỳ cũng điêu đứng vì kinh tế suy trầm, thất nghiệp cao và bội chi kỷ lục.
Đấy là lúc Tổng thống Obama tung ra quốc sách: xuất cảng!
Mục tiêu là nhân đôi số xuất cảng từ nay đến 2015 để tạo thêm hai triệu việc làm, cụ thể là mỗi năm Mỹ phải xuất cảng thêm 15 tỷ Mỹ kim. Ông Obama tuyên bố điều ấy hôm 11 Tháng Ba và gây chấn động lớn cho quốc gia đang sống nhờ xuất cảng tới 40% tổng sản lượng là Trung Quốc khi nói tới hối suất thiếu cơ sở tự do của đồng Nguyên. Vì thế mà trận đấu Mỹ-Hoa mới có nguy cơ bùng nổ, trước tiên trên bình diện ngoại thương mậu dịch. Nhưng với Bắc Kinh thì đây là một trận chiến toàn diện và họ đang tác động vào nhận thức của nhiều người.
Nhìn từ bên này, ta nên chú ý tới sự kiện là Hoa Kỳ của ông Obama đang đi ngược quy luật gần trăm năm của nước Mỹ. Đó là ông muốn dùng ngoại giao chính trị để thúc đẩy riêng một vế xuất cảng thay vì để phát triển ngoại thương. Trong khi lại tăng chi lung tung để cải tạo xã hội. Chính là loại lãnh tụ tay mơ mới dễ gây chiến tranh, là giải pháp mà người khôn ngoan thường tránh.

Trận chiến Mỹ-Hoa rất dễ bùng nổ, mà lần này Mỹ sẽ càng mất đồng minh vì sáng kiến xuất cảng! Chuyện ấy, xin để một kỳ sau!


Kỳ tới, bài thứ tư sẽ nói về thuật "quỷ biến".


-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Thuật Quỷ Biển
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 100329
Bài số bốn trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc

Thuật Qủy Biển...


Viết đến bài thứ tư của loạt bài về chuyện Hoa Kỳ và Trung Quốc dàn trận thì người viết... hết chữ!
 
Bèn nặn ra chữ mới...

Chúng ta có chữ gì để diễn tả nghệ thuật tác động vào nhận thức của thiên hạ về ta, về địch, nhằm lung lạc kẻ địch để đạt mục tiêu của ta? Tìm mãi trong kho ký ức mỏng như chôn đĩa, người viết đành xin phép các nhà chiến lược và Hán học thông thái mà bày ra một chữ khác. Bảo đảm là sai nhiều hơn đúng. Đó là "chiến lược quỷ biển". 

"Quỷ" không chỉ là hồn ma hiện hình với tâm địa ác độc, mà còn có nghĩa là gian khôn, gian dối. "Biển" không chỉ có nghĩa là bể như... bể mánh - ôi thôi, trật rồi - như bể nước, biển cả, mà còn có nghĩa bần tiện, hẹp hòi, như biển lận. "Chiến lược quỷ biện" là mưu lược gian hùng, được hệ thống hóa trong mục tiêu chiến tranh, hay đấu tranh. 

Và đấy là sở trường của nền văn hoá Trung Hoa, nay được cập nhật bởi "xã hội chủ nghĩa khoa học" trong mục tiêu gây ấn tượng sai về ta về địch để đạt kết quả là đưa Trung Quốc lên hàng bá quyền hiện đại. Và vì mục tiêu ấy mà họ đụng vào đệ nhất siêu cường toàn cầu hiện nay là Hoa Kỳ. Do đó, nói đến thuật quỷ biển hay chiến lược biến hóa từ chính qua kỳ - chiến lược kỳ biến - từ thực đến hư, là nói đến trận chiến về xây dựng nhận thức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
 
Đó là mục tiêu của bài viết hôm qua trên cột báo này.

Trong hệ thống lãnh đạo của nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh có khoảng hai chục cơ quan cao thấp khác nhau có trách nhiệm về tình báo và gián điệp. Từ Bộ Công an đến Bộ Quốc an cho tới các Bộ "hiền lành" như Công nghiệp, Thông tin và Công nghệ, chưa nói đến cơ chế đối ngoại của Bộ Ngoại giao, v.v... Từ các cục, phòng, trong Quân ủy Trung ương hay Quân đội Giải phóng Nhân dân và Cảnh sát Võ trang tới các cơ quan về điện tử, điện báo hoặc hiền khô như các viện nghiên cứu.
Ở vòng ngoài của cả một hệ thống "dụng gián" ấy là một trận tuyến kiều vận và địch vận, những trung tâm nghiên cứu về Khổng tử và các Viện Khổng tử. Đối tượng được họ ưu tiên chiếu cố là Hoa Kỳ.

Nhìn từ nước Mỹ, trong 142 quốc gia đã tính ra vào nhòm ngó nước Mỹ trong mục tiêu tình báo về an ninh và kinh tế, thì Trung Quốc đứng đầu, với đòn phép ngày càng nhiều và càng tinh xảo. Giới chức hữu trách Mỹ tất nhiên là biết vậy và còn biết hơn những gì họ phải điều trần trước Quốc hội để phổ biến cho công chúng.

Nhưng công chúng thì có thể quên cái mặt hiền lành tử tế của kế hoạch Khổng tử.

Kế hoạch này do Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động năm 2004 và chỉ định nàng Trần Chí Lập thi hành. Kiều nữ họ Trần này là một quái chiêu của đất Phúc Kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Tổng trưởng Gíáo dục và Phó Chủ tịch Thường vụ Quốc hội, nổi danh nhờ vụ tàn sát giáo phái Pháp luân công. Đàn bà dễ có mấy tay!

Cho nên sau nàng Trần Chí Lập, tới lượt nàng Lưu Việt Đông của đất Giang Tô được ủy thác cho việc xua đức Thánh Khổng ra trận tuyến tuyên truyền quốc tế.

Thật ra, Trung Quốc không có bộ môn "dân vận" vì chuyện ấy không cần ở bên trong. Cơm áo và cái còng là hai đường rầy để người dân phải chạy cho phải đạo. Nhưng, Bắc Kinh cần hoạt động "kiều vận" để huy động, tuyên truyền và phái khiển cộng đồng Hoa kiều trên toàn thế giới, trong đó có những điệp viên nằm sâu trong xã hội địch. 

Mà họ gọi là "trầm để ngư". Những con cá lặn sâu ở dưới, trong vùng đất địch, trong dòng nước đục.

Ngoài hoạt động "kiều vận" thì còn chuyện "địch vận". Đánh vào lòng tham, tư duy và cơ chế của địch để tìm người hợp tác, để "thống nhất chiến tuyến" hầu... "bất chiến tự nhiên thành". Khuất phục kẻ địch mà không cần dụng binh.
Kế hoạch Khổng tử nằm trong chiều hướng kiều-địch vận đó, ở bên ngoài.

Năm năm sau, tính đến tháng 10 vừa qua, thế giới bỗng thấy các miếu Khổng tử hay viện Khổng học mọc lên như nấm, đã lên tới 522 cơ sở! Và theo chỉ tiêu thì sẽ phải tới một ngàn trong vòng năm năm tới...

Khổng tử là nhân vật hiền lành, đôi khi thiếu tử tế, nhưng là nhà giáo kiêm tư vấn quốc tế - international consultant - có hạng, dù là thất nghiệp dài dài trong thời lưu vong. Về trí tuệ, chưa chắc ông đã hơn các nhân vật cùng thời hay đời sau. Nhưng ông... gặp may. Vì các bạo chúa đều khoái lý luận về kỷ cương trật tự và về tinh thần nô lệ được định chế hóa bằng trò tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức.

Họ dựng ông lên, cho các Nho thần xì xụp lạy bên dưới để dạy cả nước về cách bảo vệ ngai rồng!
Chu Nguyên Chương đời Minh hay Mao Trạch Đông đời Cộng đều nâng Khổng tử và triệt Mạnh tử vì ông Mạnh này lỡ nói ra điều không phải đạo là "dân vi quý, xã tắc thứ chi và quân vi khinh." Quân mới là vi quý, đảng mới là lãnh đạo bất khả tư nghị! Thế rồi, trong việc tranh đoạt quyền bính thời Đại Văn Cách, sau khi diệt Lâm Bưu, thì Mao cho người đẹp Giang Thanh phát động chiến dịch "Phi Lâm - Phi Khổng". Các học giả Tây phương bèn xúm vào nghiên cứu và nhiều học giả của ta thì nồng nhiệt bảo vệ đức Thánh Khổng. Bi thảm!

Vì bây giờ bốn chục năm sau, Khổng tử lại được Bắc Kinh phục hồi danh dự và đưa ra trận làm tụ điểm kiều vận, và tâm điểm toả ra nhiều mũi công về địch vận.

Và, tuyệt vời trong nghệ thuật quỷ biển, Bắc Kinh xua các bà ra làm nguyên soái. Chẳng ai tin là các nàng họ Trần, họ Lưu này lại là những con ác phụ có gian ý! Họ gọi đó là "soft power". Sợi dây hồng của cái còng số tám!

Hoa Kỳ có biết chuyện ấy không?

Làm sao không biết khi mà độc giả chúng ta còn đọc ra chuyện ấy trên trang báo này! Họ phải theo dõi, nghiên cứu và rút kết luận. Kết luận ra sao thì ta chưa biết vì nó cũng thiên biến vạn hóa. Điều mà người Mỹ không biết, hoặc không thèm biết vì quá nhỏ, là trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, những Chen này Hu kia, các em nhỏ đều ngay tình tin rằng Tây Tạng hay Việt Nam là lãnh thổ của Trung Quốc! Người Mỹ không thèm để ý đến chuyện ấy.
 
Chúng ta thì nên... thèm.

Vì nếu con em chúng ta trong học đường của Mỹ không hề quan tâm đến chuyện Bản Giốc Nam Quan hay Bauxite thì có ngày chúng sẽ nói như người Mỹ gốc Tầu, rằng xưa nay Việt Nam hay Tây Tạng vẫn là chư hầu của Trung Quốc mà!

Do đó, trong trận đấu Mỹ-Hoa đầy hoa mỹ kỳ ảo, có cả số phận của Việt Nam. Đó là lý do tại sao mình nên tìm hiểu trận này. Vì khi trận chiến bùng nổ theo kiểu toàn diện, hư thực, chúng ta sẽ đứng đâu, làm gì và cho ai? Một cách tìm ra giải đáp chính là nhìn thấu cái chất quỷ biển của chiến lược. Từ đó, may ra ta sẽ hiểu chuyện bauxite hoặc những đấu đá hiện nay cho Đại hội tới của Đảng Cộng sản.

Và dù có ngây thơ khờ khạo vì... không có bốn ngàn năm văn hiến như chúng ta, Hoa Kỳ cũng biết thế nào là "dục cầm cố tung" trong "Tam thập lục kế". Hay lời dạy của Tôn tử, rằng muốn bắt thì tha. Muốn thắng thì lùi. Trong thế giới mua bán, muốn mua rẻ thì cứ để kẻ kia nói thách. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng bong bóng. Cứ dướng lên cho nổ tan tành. 

Hèn gì, trong khi Hoa Kỳ phàn nàn về những manh động của Bắc Kinh, thị trường bỗng ngó vào bong bóng Trung Quốc. Tay quỷ biện thì ngồi chờ ngày bóng bể để giầu to! 

Trận đấu Mỹ-Hoa có khi lại là trò thổi bóng! Và thổi lên chuyện giả để chiếm lấy lợi thực thì có ai bằng dân Mỹ?

Tổng số lượt xem trang