Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Nghịch lý của Việt Nam : ngoài thẻ đảng, trong tư bản

Cửa hiệu Louis Vuitton trên đường Ngô Quyền tại Hà Nội (DR)

-Nghịch lý của Việt Nam : ngoài thẻ đảng, trong tư bản (RFI)-Cứ 5 năm một lần, Việt Nam mới là một nước cộng sản, nhân dịp đại hội đảng. Phần lớn thời gian còn lại, Việt Nam chạy theo chủ nghĩa tư bản. Đó là nhận xét của một doanh nhân Pháp ở Hà Nội. Nhật báo Le Figaro trích dẫn câu nói này trong bài viết nhân ngày bế mạc Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11.

Năm 2011 cũng đánh dấu 25 năm chính sách đổi mới. Nhân dịp này, nhật báo Le Figaro nhìn lại quá trình phát triển Việt Nam. Theo Florence Compain, đặc phái viên của tờ báo từ Hà Nội, nghịch lý của Việt Nam hiện giờ vẫn là : một chế độ cộng sản nhưng với bản chất tư bản. Đảng cộng sản Việt Nam hiện có khoảng 3,6 triệu đảng viên, tương đương với 10% số dân ở độ tuổi lao động. Nhưng đa số người dân chỉ nghĩ tới chuyện kinh doanh làm ăn. Trong mắt họ, sự thành đạt được đo với 3 tiêu chuẩn : tậu nhà mới, mua xe hơi và cho con đi du học ở nước ngoài.
Tờ báo đơn cử một ví dụ để minh họa cho sự hình thành nhanh chóng của một tầng lớp mới giàu lên nhờ kinh doanh. Hiệu thời trang đắt tiền Louis Vuitton của Pháp có khoảng 200 cửa hiệu trên thế giới, trong đó có gần 40 gian hàng ở Nhật Bản, và chỉ có một cửa hiệu Vuitton duy nhất là ở Hà Nội, nằm trên đường Ngô Quyền. Nhưng nếu tính theo diện tích cửa hàng, hiệu Vuitton ở Hà Nội lại đứng đầu về mặt doanh thu và số hàng được bán.
Theo Le Figaro, tại Việt Nam, chạy theo đồng tiền đã trở thành một môn thể thao, nếu không nói là một ‘‘nỗi ám ảnh quốc gia’’. Đối với các nhà tư bản đỏ, có thẻ đảng viên ở trong túi là một cách để làm giàu dễ dàng hơn. Theo ông Benoit de Tréglodé, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, các cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ đảng chủ yếu là để giành lấy quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế.
Về phía người dân Việt Nam, theo Le Figaro, hầu hết nghĩ đến chuyện làm ăn kiếm tiền và tuyệt đối không đụng tới chuyện chính trị. Họ hầu như không bao giờ bày tỏ chính kiến miễn là chính quyền duy trì một sự tăng trưởng đều đặn, giúp cho đời sống kinh tế đi lên. Tờ báo trích dẫn họa sĩ Đào Anh Khánh cho rằng : chính sách đổi mới đã cứu giúp đảng và nhà nước, các nhà lãnh đạo đã biết thích ứng với tình hình, khi để cho dân chúng thoải mái làm giàu…giờ đây, không ai còn tin vào chủ nghĩa cộng sản. Nếu có tin, thì chỉ là giả vờ.
Tự do kinh doanh không đi đôi với tự do ngôn luận. Theo ông Matthieu Salomon, đại diện ở Hà Nội của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chính quyền duy trì gọng kềm kiểm soát, không để cho các nhà ly khai hay đối lập một không gian hay khoảng trống nào cả. Ngoại trừ trường hợp của một số nhà trí thức và nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Võ Thị Hảo không ngại bày tỏ chính kiến qua các bài viết hay trang blog, đa số còn lại thì ít khi nào mà dám chất vấn chính quyền.
Theo Le Figaro, làm giàu nhưng phải giữ im lặng dường như là chuyện thường tình ở Việt Nam, nơi mà người dân thuộc vào hàng lạc quan nhất thế giới, nơi mà thăm dò dư lụân cho thấy, giới trẻ thích nhà tỷ phú Bill Gates nhiều hơn là Bác Hồ.

Tổng số lượt xem trang