Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Ông Mười Khôi, một đại anh hùng

-Ông Mười Khôi, một đại anh hùng Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị
Hoàng Hải Vân
21/01/2008 0:56

Ông Mười Khôi
Nói Quảng Nam "trung dũng kiên cường..." mà không biết rõ ông Mười Khôi thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này mang danh hiệu đó.

Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị
Người đầu tiên kể cho chúng tôi nghe một cách có hệ thống chuyện ông Mười Khôi là ông Đỗ Quang Thắng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa VII. Ông Thắng có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến và nổi tiếng là người chính trực, chí công vô tư. Chúng tôi được chứng kiến ngày cuối cùng của Đại hội VIII, ngày hôm đó ông hết nhiệm kỳ Trung ương và Bộ Chính trị, ông đã trả lại ngôi biệt thự được cấp cho vợ chồng ông ở Hà Nội và lên đường về quê ngay sáng hôm sau. Tôi không hiểu lắm các "chế độ chính sách" đối với cán bộ lãnh đạo, nhưng nhìn thái độ dứt khoát của ông đối với một chuyện nhỏ như vậy cũng đã khiến lớp hậu sinh chúng tôi ngưỡng mộ.
Ông Mười Khôi sinh năm 1917 ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con một nhà nho yêu nước từng tham gia phong trào Văn thân chống Pháp. Ông tham gia cách mạng  năm 1936, thời kỳ Mặt trận bình dân, là hội viên Thanh niên Dân chủ. Vào Đảng Cộng sản năm 1939, năm 1942 bị thực dân Pháp bắt giam hai năm, bị tra tấn dã man ông vẫn vẹn toàn khí tiết, năm 1944-1945 ông tham gia vận động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Sau đó, tham gia kháng chiến chống Pháp, 8 năm liền hoạt động ở vùng tạm chiếm, lần lượt làm bí thư huyện ủy 3 huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, rồi làm Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Nông hội, Trưởng ty Công an tỉnh. Hiệp định Genève ký kết, ông được phân công ở lại, được chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy, tiếp đó làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Khu ủy viên Khu 5, rồi làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng của Khu ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kiêm Bí thư chiến dịch diệt ác phát kìm. Ông bị thương khi đang chỉ huy chiến dịch phát động quần chúng nổi dậy đánh địch mở rộng nông thôn, đồng bằng các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, giữa lúc cuộc chống Mỹ, cứu nước lên cao trào.
Ông Đỗ Quang Thắng giờ đây đã già yếu, đi lại nói năng đều khó. Nhưng khi nói về ông Mười Khôi, giọng ông trở nên sinh động: "Tôi đã ở nhiều tỉnh ủy, đầu tiên ở Gia Lai, sau ở Quảng Nam, rồi về khu 6, khu 10. Sau 75, làm bí thư Lâm Đồng, Nghĩa Bình, Quảng Ngãi, rồi ra Trung ương. Qua rất nhiều nơi, làm việc chung với rất nhiều người, nhưng người để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là anh Mười Khôi, dù tôi chỉ hoạt động chung với ảnh có 5 năm (1955-1960)".
Ông dừng lại một lúc và bật khóc: "Khi nghe Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị phong anh hùng cho anh Mười Khôi, tôi mừng lắm. Trong lòng tôi hiện tại, nếu anh Mười được phong anh hùng, tôi rất hạnh phúc. Nhiều anh khác, có người cấp cao hơn, có người đồng cấp, đều rất tốt, đều có công rất lớn. Nhưng anh Mười không chỉ có công trong chiến đấu đâu, mà nhân cách, mà tâm hồn, mà chất con người, anh tốt tự nhiên, đẹp tự nhiên. Trong cuộc đời tôi, anh Mười Khôi, đó là một anh hùng, tự nhiên là như vậy. Trong cuộc đời tôi, nói về anh Mười tôi dễ nói nhất".
Ông Mười Khôi (giữa) trong chống Mỹ
Hơn 30 năm sau giải phóng, các vị "trưởng thượng" của kháng chiến như cựu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước -  đại tướng Chu Huy Mân, cựu Ủy  viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN Đỗ Quang Thắng, cựu Phó tổng Thanh tra Nhà nước - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thượng tướng Nguyễn Chơn... cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đồng loạt gửi kiến nghị lên Nhà nước đề nghị phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Phạm Khôi (còn gọi là Phạm Tứ, thường gọi là Mười Khôi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thời chiến tranh chống Mỹ, người đã bị thương cụt một chân năm 1965 và đã qua đời năm 1987.
Và cuối năm 2007,  Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng danh hiệu anh hùng cho ông Mười Khôi, đúng 20 năm sau ngày ông qua đời. Tính đến thời điểm hiện nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy duy nhất được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Việc phong anh hùng cho con người đặc biệt này diễn ra quá muộn màng nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Sau hơn 30 năm thống nhất nước nhà, chúng ta đã nói quá nhiều về chiến công chống Mỹ, cứu nước. Nói quá nhiều về chiến thắng  - như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự - "làm hàng triệu người vui mà cũng làm cho hàng triệu người buồn", là bởi đôi khi chúng ta nói mà lòng chúng ta không xúc động, là bởi chúng ta nói bằng những công thức theo nghi lễ và nhìn trước nhìn sau cho "phải phép". Có một thứ chủ nghĩa quan liêu trong phát huy truyền thống và chính nó đã khiến cho xương máu vô tình bị quên lãng, khiến cho chúng ta nhớ sự kiện mà ít nhớ đến con người.
Hơn hai mươi năm trước, đi ngang qua một ngôi nhà ở đường Quang Trung thành phố Đà Nẵng vào mỗi buổi chiều, chúng tôi hay nhìn thấy một ông già chống nạng lò cò trước ngõ chơi với mấy đứa trẻ. Có người chỉ đó là ông Mười Khôi. Con người từng làm những chuyện "kinh thiên động địa" một thời, sau giải phóng là một thương binh hưu trí, sống lặng lẽ như một người dân thường, không bao giờ nói về công tích của mình, ngay cả con cháu trong nhà cũng chỉ biết loáng thoáng qua lời kể của các bậc lão thành đồng đội cũ của ông. Ở chỗ này chỗ kia thỉnh thoảng người ta nói về ông, rồi dần dần ít ai nhắc tới. Nhưng nói Quảng Nam "trung dũng kiên cường" mà không nói đến ông Mười Khôi và không biết rõ những gì mà ông đã làm thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này được mang danh hiệu đó. Tôn vinh đúng mực con người này cũng là để tạo tiền đề để tôn vinh những người khác, cùng thời với ông và tiếp bước ông đem cuộc đời mình, đem xương máu của mình giữ gìn từng tấc đất của quê hương, mỗi người một vị trí, ai cũng có tên tuổi, không có ai là "vô danh" cả.
Trở lại câu chuyện với ông Đỗ Quang Thắng. Ông nói, vẫn trong nước mắt: "Tôi làm việc ở rất nhiều Tỉnh ủy, chưa có nơi nào như Tỉnh ủy Quảng Nam thời đó.  Tôi nói mà không sợ người ta cho là nói quá, vì tôi là người Quảng Ngãi, không phải Quảng Nam. Các anh ấy mỗi anh mỗi vẻ, nhưng đều rất hay. Dũng cảm kiên cường. Đoàn kết, nhưng thẳng thắn, phải trái phân minh, thực hiện dân chủ nghiêm túc, đã nhất trí rồi người nào người nấy làm hết trách nhiệm của mình, làm đến chết. Đó là điều tôi tâm đắc nhất, không dễ gì có được, không dễ gì giữ được. Sau này làm Kiểm tra, tôi không thấy, cái đó không ở đâu còn trọn vẹn. Ở Quảng Nam sau này cũng giảm đi. Cái đó phải khôi phục lại. Tư tưởng Hồ Chí Minh hồi đó không ai hiểu sâu như bây giờ đâu, hồi đó chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" thôi, nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ. Các tỉnh ủy khác cũng vậy, nhưng đều nhất là Quảng Nam. Trong Tỉnh ủy Quảng Nam, mỗi anh đều tốt, nhân cách, tâm hồn, hành xử đều đẹp, nhưng nổi bật vẫn là Mười Khôi".
Tôi báo cho ông biết là ông Mười Khôi vừa được phong anh hùng. Ông Đỗ Quang Thắng nói: "Anh hùng là xứng đáng quá. Thế mà tôi chưa biết". Trên khuôn mặt già yếu của ông nước mắt lại giàn giụa...
Đọc những dòng tiểu sử của ông Mười Khôi và những ghi chép về ông trong một số sách truyền thống của tỉnh nhà, có thể thấy ông có chức vụ cao trong kháng chiến, nhưng chưa thể thấy hết tầm vóc của một bậc anh hùng. Để phác thảo được chân dung ông, chúng tôi đã xâu chuỗi tất cả các sự kiện, gặp nhiều bậc cách mạng lão thành, những lão đồng chí từng là chiến sĩ bảo vệ, cần vụ của ông, những lão nông ở Điện Tiến, đọc cả những ghi chép, những bản kiểm thảo của ông qua các thời kỳ. Càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy lạ lùng, càng bị cuốn hút... (Còn tiếp)
H.H.V
-
Kỳ 2: Biển máu dưới Điều 14C Hiệp định Genève
21/01/2008 23:30
Ông Mười Khôi (ảnh tư liệu gia đình)
Kỳ 2: Biển máu dưới Điều 14C Hiệp định Genève
Các lão nông ở Điện Tiến đến giờ còn thuộc lòng Điều 14C của Hiệp định Genève. Đó là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi trong tâm trí người Việt Nam sống vào thời đó.
Xin tóm lược tinh thần và việc thi hành Hiệp định Genève lúc đó để bạn đọc dễ theo dõi. Hiệp định Genève cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết quân (quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc và quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam) và quy định 2 năm sau thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Điều 14C của Hiệp định ghi rõ: "Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hoặc phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ". Nhân dân cả nước tin tưởng vào con đường độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước theo Hiệp định. Và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Việc nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định không những được thể hiện công khai mà ngay cả trong những chỉ đạo bí mật của Đảng Lao động Việt Nam. Toàn bộ lực lượng vũ trang, tất cả vũ khí, khí tài đều được tập kết ra Bắc. Tự tước đi vũ khí của mình, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã kiểm soát trên 90% lãnh thổ với một hệ thống chính trị hoàn chỉnh và vững mạnh bao gồm Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, mặt trận và các đoàn thể cùng nhân dân đang phấn chấn với những thành quả của kháng chiến. Đùng một cái, phải giải thể chính quyền, giải thể hệ thống chính trị, đưa tất cả lực lượng vũ trang và vũ khí đi tập kết, chuyển giao toàn bộ quyền quản lý lãnh thổ cho địch. Phần lớn cán bộ, đảng viên (trừ đảng viên trong lực lượng vũ trang phải đi tập kết) đều ngừng sinh hoạt Đảng, về sống với gia đình, chỉ có một bộ phận được chỉ định rút vào hoạt động bí mật. Những người kháng chiến, những người yêu nước ở miền Nam nói chung, ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng hoàn toàn không còn vũ khí.
Trong khi chúng ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định và trong tay không còn vũ khí thì, với âm mưu được chuẩn bị trước, Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, dựng lên và hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định, ráo riết tổ chức bộ máy đàn áp tấn công giết hại đảng viên và quần chúng yêu nước tay không tấc sắt. Ngay trong những ngày đầu tiên sau Hiệp định Genève, chỉ riêng trong tháng 9.1954, Mỹ - Diệm liên tiếp gây ra những vụ khiêu khích, đầu tiên là ở Chợ Được (Thăng Bình) tiếp đến là Chiên Đàn (Tam Kỳ), Cây Cốc (Tiên Phước), Ái Nghĩa (Đại Lộc), chúng ra lệnh cho binh lính xả súng bắn giết gần 500 người (hàng trăm người chết), bắt hơn 60 người. Đến cuối năm 1954, có hơn 300 cán bộ đảng viên bị bắt và giết hại bằng tra tấn. Các chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ được tiến hành ráo riết, các cuộc lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên diễn ra khắp nơi với những thủ đoạn cực kỳ tàn độc: khoét mắt, xẻo tai, mổ bụng, đóng đinh vào tứ chi, dùng xăng đốt cháy, bỏ bao tời dìm xuống đập, thả biển, thả sông, chôn sống... từ lẻ tẻ đến hành hình tập thể. Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm bắt đầu mở chiến dịch "tố cộng" giai đoạn 1 ở các tỉnh khu 5 để "rút kinh nghiệm" nhằm mở rộng đánh phá toàn diện, truy sát tận gốc cán bộ đảng viên, ngăn chặn cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, trong đó trọng điểm là chiến dịch "Phan Chu Trinh" (2.1955), tiếp đó là chiến dịch "Trịnh Minh Thế" đánh phá ác liệt Quảng Nam. Cuối năm 1955 đầu 1956, chúng mở tiếp các chiến dịch "Thanh minh tố cộng", chiến dịch càn quét "vi trùng cộng sản". Năm 1957, chúng phát động tố cộng giai đoạn 2 với các thủ đoạn thâm độc và khốc liệt hơn, giết hại không biết bao nhiêu mà kể... "Bất cứ ai cũng có thể bị tra tấn, bị hành hạ đến chết, có thể thủ tiêu bất cứ lúc nào. Không có đêm nào không có người bị thủ tiêu, chôn sống, thả sông hoặc giết hại bằng cách này hay cách khác; từ bắt giết lẻ tẻ thường xuyên khắp nơi, đến giết tập thể hàng loạt" (theo Những ngày giữ lửa, NXB Đà Nẵng, 1997). Từ trên dưới 5 vạn đảng viên khi đình chiến, đến cuối năm 1958, cả tỉnh còn không tới 100 đảng viên.
Máy chém mà chính quyền Ngô Đình Diệm đem sử dụng đàn áp cách mạng miền Nam (ảnh tư liệu)
Như đã nói, sau Hiệp định Genève ông Mười Khôi được phân công ở lại, được chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy, ông Trương Chí Cương làm Bí thư, sau đó ông Trương Chí Cương bị bệnh được điều ra Bắc, ông Phan Tốn làm Bí thư. Ông Cao Sơn Pháo cũng làm Phó bí thư (có lúc làm quyền Bí thư một thời gian). Là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, ông chấp hành Nghị quyết của Đảng, nhưng với bản năng và kinh nghiệm thực tiễn, trước sau ông không tin đối phương thi hành Hiệp định Genève. Bởi vậy, khi họp Thường vụ Tỉnh ủy bàn chủ trương thi hành Hiệp định, ông đề nghị giữ lại một tiểu đoàn có vũ khí đầy đủ, để - theo lời ông ghi trong sổ tay - "đưa lên phân tán làm ăn trên 4 huyện miền tây, khi nào kẻ địch không thi hành Hiệp định thì ta có lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho ta đấu tranh chính trị". Nhưng đề nghị này "không được các đồng chí trong Thường vụ đồng ý, vì ta phải chấp hành, nếu làm sai Trung ương sẽ khiển trách". Thường vụ chỉ đồng ý "để lại một số súng đạn độ 500-600 khẩu", số súng này được chôn giấu tại xã Quế Phong, nhưng "đã bị Quốc Dân Đảng lấy hết".
Không có lực lượng vũ trang, không có vũ khí mà dù có vũ khí cũng không được dùng. Lực lượng tan nát, tất cả bó tay. Khi địch tập trung khủng bố dữ dội, ông đề nghị với Bí thư Phan Tốn: "Chúng ta tổ chức diệt ác đi, nếu không thì không hỗ trợ được cho đấu tranh chính trị, hai anh em ta chịu trách nhiệm chuyện này". Ông Phan Tốn nói: "Không được! Đâu chỉ có tau với mày bị khai trừ, mà toàn bộ Đảng bộ này cũng sẽ bị khai trừ khỏi Đảng".
Ông Đỗ Quang Thắng nhớ lại: "Hồi đó khủng bố mỗi lúc một ác liệt, khủng bố vào quần chúng, khảo tra liên tục, chúng lệnh cho toàn dân hễ cán bộ ta vào là đánh mõ, ai không đánh mõ phải chịu trách nhiệm, rồi chúng cài mật thám vào, đánh ai đúng nấy, dân sợ cái đó lắm. Ông Cao Sơn Pháo, Phó bí thư, làm căn cước giả định chuyển vào hoạt động bí mật trong thành phố, trên đường đi bị địch bắt. Ông ấy có súng, người bảo vệ có súng, nhưng không dám bắn, vì sợ vi phạm kỷ luật, đành để chúng bắn chết. Nhiều người khác khi bị bắt đã dùng dao tự sát. Không có cuộc cách mạng nào như vậy cả, giơ lưng cho người ta đánh. Còn ông Mười Khôi, một tay lo toan mọi thứ, bắt liên lạc, phát triển cơ sở, tổ chức lại lực lượng. Ban ngày làm việc giữa đám mía, khi gặp nguy nhập vào dân. Ban đêm đánh trống đánh mõ, người khác không vào được nhưng ảnh vẫn vào. Dân dù có chết cũng bảo vệ ảnh".
"Công lớn nhất của ông Mười Khôi là sắp xếp, khôi phục lại giang sơn của tỉnh này", cựu Bí thư Huyện ủy Điện Bàn Nguyễn Tất Thắng nói với chúng tôi. Ông Tất Thắng bảo: "Ổng nhạy bén lắm. Khi thấy địch không thi hành Hiệp định, sau khi quân ta tập kết hết rồi, thấy không bảo tồn được lực lượng, ông đã nhanh chóng huy động 3.000 cán bộ đưa lên núi để bí mật đưa ra Bắc. Ổng nói phải đưa đi gấp, để lại sẽ chết hết. Chính tui được ổng giao nhiệm vụ đưa số cán bộ này đi, ổng bảo tui: chú ở lại cũng không làm được gì. Việc này khó khăn không kể xiết, muối không có, ký-ninh (chữa sốt rét) không có. Chúng tôi phải xoi đường mà đi, nhờ đó mà sau mới có đường mòn, nhờ đó mà sau này có cán bộ lần lượt đưa về hoạt động. Không có ông Mười Khôi, một manh áo cách mạng cũng không còn. Nghĩ lại thấy đau lòng, gian nan cơ cực, răng ổng cái rụng cái lung lay, đói khát triền miên, nhằn lúa non mà mút cũng không được, đào được củ khoai lang sống người bảo vệ cũng phải nhai mà bón cho ổng...".
Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên
23/01/2008 0:49
Ông Nguyễn Văn Nhứt
Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên
“Dân ở đây bị bắt 100%, ai cũng bị bắt đôi ba lần mà chưa hề có ai khai báo, trừ một cậu học sinh bị tra tấn dã man quá không chịu nổi nên chỉ lung tung, nhưng cũng không chỉ trúng, anh ta bị chúng nó cho chó xé nát bét người, lòi cả xương ra...”.
Ông Nguyễn Văn Đài, 81 tuổi, một lão đồng chí ở xã Điện Tiến (huyện Điện Bàn) từng vào sinh ra tử với ông Mười Khôi đã nói như vậy với chúng tôi. Điện Tiến bây giờ đường tráng nhựa ô tô chạy bon bon. Trong chiến tranh, xã có mấy ngàn dân mà có đến 1.360 liệt sĩ, 160 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng lực lượng vũ trang. Còn dân bị giết hại thì không biết bao nhiêu mà kể. Ông Nguyễn Văn Đài hồi đó làm bí thư phụ trách 3 xã, xây dựng và bảo vệ căn cứ của Tỉnh ủy ở đây. Chiến tranh làm ông mất một mắt và thương tích đầy mình, sau này ông làm cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu trở về quê sinh sống. Đến giờ ông Đài vẫn còn ấm ức: "Cán bộ đảng viên ở đây 100% bị bắt, bị tù, bị tra tấn giết hại, nhưng không ai khai báo bất cứ điều gì. Điều 14C, mình thì cứ nghiêm chỉnh thi hành, còn nó thì không". Những năm 56, 57, ác liệt quá, Tỉnh ủy triệu tập họp, ông cũng lên. Ông kể: "Lên đó nướng sắn ăn, rồi kiến nghị: cho đánh, khử ác ôn ! Ông Phan Tốn bảo: Đồng chí hiếu chiến! Anh em tôi nói với nhau: Như vậy thì liệng súng đi, mang làm gì cho nặng".Anh ruột ông Đài là ông Nguyễn Văn Nhứt nói chen vào: "Ổng mà đồng ý, một đêm tui làm hết trơn tụi nó. Mang súng nặng mà không để làm gì, như ông Cao Sơn Pháo đó...". Ông Nhứt hồi đó chuẩn bị đi tập kết, ông Mười Khôi bảo ở lại, ông ở lại làm bảo vệ, che chở ông Mười. Ông Nhứt bảo: "Ổng ở đây 3 năm, sau bị nó phát hiện phải dời cơ quan lên núi, nhưng vẫn đi lên đi xuống luôn". Ông Đài bị bắt 3 lần, còn ông Nhứt thì ở tù 5 năm.
Ông Nguyễn Văn Nhứt năm nay 90 tuổi mà hồn nhiên như một đứa trẻ, ông nói chuyện máu xương mấy chục năm trước như kể một trận bóng đá mới xảy ra hôm qua. Hằng ngày ông vẫn làm việc nặng nhọc thật sự của một nông dân, càng làm ông càng khỏe, lúc nào không làm ông thấy nhức mỏi. Trong tập sách truyền thống của huyện Điện Bàn có đăng một tấm hình của ông kèm theo mấy dòng chữ: "Là cơ sở nòng cốt của cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, bị địch bắt tra tấn bằng nhiều hình thức ghê sợ, chúng đóng đinh vào người ông và đóng kim vào đầu 10 ngón tay, đốt cháy vùng bụng, ông vẫn một lòng kiên trung không khai báo cho địch".
Ông tươi cười kể với chúng tôi: "Tôi bị chúng bắt, tra tấn suốt 5 năm. Chúng đóng đinh ghim vào 10 ngón tay tôi, đóng một đoạn thôi, rồi cài vào mỗi cây đinh một cái lông gà, sau đó chúng bật quạt máy thổi vào những cái lông gà đó. Đóng đinh vào một lần đã đau đứt ruột đứt gan rồi, cho quạt thổi rung 10 cái đinh đó lên tôi không tài nào chịu xiết. Tức quá, tôi lấy hết sức đập 10 đầu ngón tay xuống bàn cái phập, 10 cây đinh lút hết vào, để đau một lần thôi. Về phòng giam, 10 ngón tay sưng vù lên, vừa đau đớn vừa sốt cao, tôi dùng răng rút từng cái đinh ra...".
Ông Nhứt nói tiếp, ông kể một chuyện kinh khủng hơn mà mặt vẫn cười tươi như không: "Lần khác, chúng lấy một cây sắt, đút vào đầu dương vật tôi, rồi quay tít, đau không thể tả. Tôi không khai, chúng lại quay tiếp. Về lại phòng giam, càng ngày dương vật càng sưng vù lên, ứ máu ứ mủ, đau đớn triền miên. Anh em trong tù thương quá, có người lấy miệng hút ra, máu mủ đông đặc thành một dây dài...". Có lúc ông bị tra tấn đến chết, chúng vứt xác ông ra ngoài, có người phát hiện ông vẫn còn thoi thóp, lại đưa vào để tỉnh dậy tra tấn tiếp. 5 năm ông không khai một lời, chúng mới thả ông ra. "Khai làm răng được, thà mình chết thì thôi chứ khai thì còn chi mấy ổng". Đầu não của cách mạng, các vị lãnh đạo khu ủy, tỉnh ủy đều từng trú trong những hầm bí mật ở đây. Các đảng viên ở lại sống công khai theo Hiệp định Genève và toàn dân đều bị bắt, bị giết hại, bị khủng bố, bị tra tấn, nhưng đầu não của cách mạng thì không. Là bởi lòng dân như thế đó, mà ông Nhứt là một trong những biểu tượng. Những người như ông ở đây, ở khu 5, ở miền Nam này nhiều lắm. Ra tù, ông Nhứt được đưa đi thoát ly lên núi, âm thầm làm những công việc hậu cần ở căn cứ cho đến khi giải phóng, ông vui vẻ về quê làm nông cho đến bây giờ.
Ông Nhứt là chứng nhân sống của một thời kỳ. Ngày nay chúng ta nói phải xóa bỏ hận thù, gác lại quá khứ để hội nhập, để hòa bình phát triển. Thì đó, như ông Nhứt và những người như ông Nhứt giờ có căm ghét ai đâu, có kể lể tính sổ tính công gì đâu. Họ có thù cần phải trả, nhưng họ đã xóa bỏ hận thù từ lâu, một cách tự nhiên từ 32 năm trước, từ ngày đầu tiên hòa bình. Nhưng không ai được quyền quên họ. Họ phải được vinh danh, sự kiên trung bất khuất của họ phải được lưu truyền. Lưu truyền để các thế hệ người Việt Nam nhớ rằng nhân dân ta không gây hấn với ai, không thù ghét ai, nhưng ai mà xâm phạm đến đất nước này là không thể được, là dân này sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Lưu truyền để những người cộng sản bây giờ nhớ rằng Đảng này đã từng sống trong lòng dân như vậy, nhớ để biết phải sống và làm việc như thế nào mới xứng đáng được dân tin, dân yêu, dân liều chết bảo vệ mình.
Trở lại chuyện ông Mười Khôi. Trong sổ tay của ông còn ghi lại, năm 1956, căng thẳng đến mức không chịu nổi, ông lên khu ủy "xin một ít súng và xin cho diệt một số bọn phản động ác ôn từ xã lên tỉnh". Nhưng Khu ủy cũng không đồng ý. Khu "không cho làm bọn ở dưới mà chỉ cho diệt bọn ác ôn từ huyện trở lên". Vấn đề là bộ máy đàn áp của địch được giăng khắp thôn xã, cái chính là phải diệt bọn “ở dưới” này. Không cho diệt bọn này thì làm sao có thể diệt bọn ở trên được. “Cho” như vậy cũng bằng không. Có lẽ Khu biết chắc là không làm được, nên không sợ vi phạm chủ trương của Đảng. Ông Mười Khôi viết: "Về tỉnh, bàn nhau trong Thường vụ thành lập Đội bảo vệ đặc biệt gồm 5 đồng chí, do đồng chí Đào Ngọc Chua -Huyện đội trưởng Hòa Vang cũ làm đội trưởng, đồng chí Thoại  - Huyện đội phó Điện Bàn và một số đồng chí đặc công để ở lại làm nhiệm vụ. Nhưng trên nửa năm đội này diệt không được gì hết nên đành phải giải tán".
Lúc đó lực lượng Quốc Dân Đảng cũng tranh thủ đục nước béo cò, phối hợp với chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành khủng bố những người kháng chiến cũ, điển hình là vụ bắt 42 cán bộ của ta cắt tai xẻo mũi bỏ bao tời dìm đập Vĩnh Trinh. Nhưng bọn Quốc Dân Đảng lại mâu thuẫn với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Mười Khôi viết: "Ta nhân cơ hội này xui Diệm chống Quốc Dân Đảng và xui Quốc Dân Đảng chống Diệm, khiến chúng đánh nhau để ngư ông đắc lợi". Nhưng không ăn thua, vì sau đó Quốc Dân Đảng đầu hàng Ngô Đình Diệm bằng "hiệp ước Phước Long". Địch tăng cường khủng bố ác liệt hơn, "coi như cách mạng không có đường ra". Ông Mười Khôi lại kiến nghị cho diệt ác, với lý lẽ: bọn chúng cai trị nhân dân miền Nam ác nghiệt, nên nhân dân miền Nam nổi dậy chống lại, chống lại thì phải có vũ trang để hỗ trợ, làm vậy không có hại gì cho việc thi hành Hiệp định cả. Nhưng cấp trên vẫn không nghe.
Mãi cho đến khi ông Mười Khôi đi theo ông Võ Chí Công vượt Trường Sơn ra Hà Nội...
(Còn tiếp)
Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 4: Nói thẳng với Bác Hồ
24/01/2008 0:27
Nhân dân Kiến Phong (Quảng Trị) biểu tình đòi hủy bỏ luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm (Nguồn: Bảo tàng cách mạng Việt Nam)
Bác Hồ hỏi: "Các chú đã thông Nghị quyết Trung ương chưa?".  Ông Mười Khôi: "Xin thật tâm báo cáo với lãnh tụ là chưa thông".
Để hiểu rõ hơn những sự kiện đang đề cập, cần nói qua về bối cảnh quân sự - chính trị ở miền Nam lúc đó. Trong khi chúng ta tập kết quân ra Bắc thì quân đội Pháp và quân đội tay sai người Việt cũng rút về phía Nam. Theo thỏa thuận với Mỹ, Chính phủ Pháp rút hết quân Pháp về nước, giao đội quân tay sai lại cho Ngô Đình Diệm tổ chức lại thành "quân đội quốc gia" do Mỹ trang bị và huấn luyện. Đội ngũ chỉ huy đầu tiên của "quân đội quốc gia" được đề bạt không ai khác là các sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội tay sai của Pháp được Mỹ gấp rút đưa sang Mỹ tu nghiệp, gồm 4 tướng, 20 đại tá, 60 trung tá, 56.000 sĩ quan khác và 27.000 hạ sĩ quan. Đến tháng 6.1956, Chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn tất việc xây dựng quân đội theo kế hoạch gồm 155.000 quân chính quy hải lục không quân và 60.000 quân "bảo an đoàn". Lực lượng công an cảnh sát được rải khắp từ tỉnh đến thôn, xã, cứ khoảng 1.000 dân có 1 công an. Ngoài ra, lực lượng "dân vệ" được tổ chức cứ 12.000 dân có một đội 20-25 người. Đó là chưa kể hiến binh quân đội và lực lượng "dân vệ đoàn công dân vụ" (số liệu lấy từ tổng kết của Bộ tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn năm 1956, dẫn từ sách Cuộc đồng khởi kỳ diệu ở miền Nam, NXB Đà Nẵng, 2006). Tổng cộng bộ máy đàn áp gồm lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Ngô Đình Diệm lên tới hơn nửa triệu người cộng với rất nhiều cố vấn, sĩ quan, chuyên gia quân sự Mỹ cùng các phương tiện chiến tranh do Mỹ trang bị và do Pháp để lại.
Trong khi đó, những người yêu nước miền Nam đấu tranh với hai bàn tay trắng, hoàn toàn không có vũ khí. Từ năm 1954 đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam Mỹ - Diệm đã giết hại 68.800 đảng viên, bắt giam 466.000 và tra tấn thành thương tật 680.000 người (số liệu lấy từ Viện Lịch sử quân sự, sách đã dẫn). Tổn thất ở Khu 5, đặc biệt ở Quảng Nam - Đà Nẵng là nặng nhất.
Đề cương Cách mạng miền Nam do Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn khởi thảo là một văn kiện lịch sử bất hủ. Đó là ánh sáng soi đường cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Đã có nhiều sách vở bàn về giá trị lịch sử của bản Đề cương này, nó khẳng định nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và cứu mình, đó là con đường cách mạng, ngoài ra không có con đường nào khác. Nghĩa là không thể không dùng vũ trang. Văn phòng Xứ ủy lúc đó đã dùng "bạch thư" để gửi tài liệu này đến các khu ủy, tỉnh ủy để tham khảo. Nhưng chỉ "tham khảo" thôi chứ Trung ương đâu đã cho đánh. Mãi đến tháng 6.1957, ông Lê Duẩn mới ra đến Hà Nội, trình bản Đề cương lên Bác Hồ và Bộ Chính trị, được Bác Hồ giao chuẩn bị Nghị quyết của Trung ương. Đó là Nghị quyết 15 lịch sử.
Nhiều tài liệu nói rằng chưa có văn bản nào được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và gian nan như Nghị quyết 15. Bác Hồ đã phải triệu tập rất nhiều cán bộ đang lăn lộn đấu tranh ở miền Nam ra Hà Nội để lấy ý kiến. Xứ ủy Nam Bộ cử ông Phạm Văn Xô và Phan Văn Đáng ra. Ở Khu 5, năm 1958 ông Mười Khôi được cử ra Hà Nội cùng ông Trần Lương và ông Võ Chí Công, Bí thư và Phó bí thư Khu ủy để báo cáo tình hình với Trung ương và Bác Hồ.
Ông Mười Khôi đã ghi lại sự kiện này trong sổ tay: "Khi Trung ương họp bàn Nghị quyết 15, tôi được dự thính. Tôi tích cực phát biểu với Trung ương là: cách mạng là phải bạo lực mà bạo lực cách mạng là đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, nên phải dùng vũ trang đánh mạnh để hỗ trợ đấu tranh chính trị".
Nghị quyết 15 ra đời giữa lúc cuộc khủng bố của Ngô Đình Diệm đối với nhân dân yêu nước miền Nam lên đến đỉnh cao, hằng ngày đầu rơi máu chảy, sự chịu đựng đã lên đến giới hạn cuối cùng. Nhưng bối cảnh trong ngoài lúc đó rất phức tạp, như ông Lê Duẩn sau này nhắc lại thời kỳ đó: "Tình hình phức tạp lắm, không phải dễ, bước ngoặt này khó lắm. Lúc đó ta nhớ rằng trên thế giới, các đảng anh em đều khuyên ta đừng làm... (Nhưng) Đảng ta độc lập, Đảng ta làm cách mạng Tháng Tám, ta cũng độc lập. Cuộc cách mạng miền Nam, ta cũng độc lập...". (trích bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, khóa III, 1.1968). Tình hình phức tạp còn ở chỗ, cũng theo ông Lê Duẩn, "dưới chế độ phát xít quân sự mà khởi nghĩa thì chưa có nước nào làm nổi", nhưng "ta làm được vì ta có 9 năm kháng chiến, vì ta có cách mạng Tháng Tám" (tài liệu đã dẫn).  Xuất phát từ bối cảnh đó, Trung ương phải suy nghĩ để đề ra chủ trương, bước đi và phương pháp thích hợp, sao cho giành được thắng lợi mà ít tổn thất, lại tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế. Bởi vậy, Nghị quyết 15 khẳng định dứt khoát: "Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới". Tuy nhiên, Nghị quyết lại nêu: "Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang...".
Ông Mười Khôi viết tiếp trong sổ tay: "Khi có Nghị quyết 15 rồi thì Trung ương chủ trương đấu tranh chính trị là chính, còn vũ trang thì hỗ trợ. Tôi chấp hành chủ trương của Trung ương nhưng thật tình trong thâm tâm chưa thông, vì thấy vũ trang hỗ trợ là yếu mà nên đưa vũ trang lên ngang với đấu tranh chính trị. Nên khi đi về, Bác Hồ cho ăn kẹo, Bác hỏi: Các chú đã thông Nghị quyết của Trung ương chưa? Hỏi hồi lâu không thấy đồng chí nào trả lời cả. Tôi nói: Thưa Bác, Nghị quyết của Trung ương, tôi là đảng viên tôi phải chấp hành, nhưng Bác hỏi thì tôi không giấu lòng, là tôi chưa thông, xin thật tâm báo cáo với lãnh tụ như vậy. Bác Hồ chỉ vào mặt tôi, Bác nói: Chú này hiếu chiến! Sau đó về anh Trần Lương nói với tôi: Đồng chí chưa thông thì ở lại học. Tôi trả lời: Học bao nhiêu đi nữa thì chưa thông tôi vẫn nói với lãnh tụ là chưa thông, nói với người khác thì tôi nói thông, nhưng nói với lãnh tụ tôi không thể giấu lòng. Đến khi về Khu, bàn rằng nếu đánh thì có miếng không có tiếng (ý nói: được việc nhưng không được công nhận - TN), tôi phát biểu: Đã đánh thì đánh chứ tiếng miếng gì nữa, kẻ địch dùng vũ lực đánh phá ta, ta phải dùng vũ lực đánh trả lại, phải dùng bạo lực cách mạng tổng hợp để giáng trả lại thì mới đưa khí thế cách mạng lên, mới giữ được phong trào...".
Thực ra, theo nhiều tài liệu ghi lại, chủ ý của Bác Hồ trước và sau Hội nghị 15 là không thể không đánh. Xin dẫn một đoạn trong cuốn sách đã dẫn ở trên để bạn đọc tham khảo: "Hai đồng chí Hai Văn (Phan Văn Đáng) và Hai Xô (Phạm Văn Xô) hỏi Bác về chủ trương đấu tranh vũ trang, Bác nói: "Dù sao cũng không thể để cách mạng miền Nam chịu tổn thất hơn nữa. Xứ ủy các chú có là Đảng không? Trung ương ở xa, các chú phải tùy tình hình, cân nhắc kỹ lưỡng mà quyết định và chịu trách nhiệm". Các đồng chí miền Nam hỏi về khả năng phải tiến hành chiến tranh cách mạng, Bác Hồ nói đại ý: Mỹ Diệm quá tàn ác, không đánh không được. Đánh Pháp ta phải vừa đánh vừa học, đánh Mỹ ta cũng phải vừa đánh vừa học, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi".  (Còn tiếp)
H.H.V
Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 5: Chọn nhân tài
25/01/2008 0:17
Ông Mười Khôi (thứ hai, hàng ngồi, từ phải sang) cùng các cán bộ tập kết tại Hà Nội, 1959 (ảnh tư liệu gia đình)
Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy QN-ĐN nói với chúng tôi về "phong cách Mười Khôi": "Hôm đó, Tết năm 1956, ổng và tôi đi hợp pháp giữa trời từ thôn đông Cẩm Sa xuống Bàu Gừng (Điện Nam), xuống tiếp Bàu Súng, giữa đường bất ngờ gặp địch, 9 thằng. Ổng rất bình tĩnh nói với tôi: Chúng nó tới, mày đánh hai thằng, còn 7 thằng để tau! Lần đó may là qua lọt. Dù khó khăn đến mấy, lúc nào khó, ở đâu khó ổng đều có mặt, lúc nào cũng vui vẻ hát hò. Lãnh đạo mà tự tin bản lĩnh như thế cán bộ nào không phục, dân nào không tin!".
Ông Hồng Thắng nói tiếp: "Hồi tố cộng ác liệt năm 1957, ổng về trực tiếp làm Bí thư Điện Bàn, Huyện ủy không còn ai, có ông Nguyễn Thanh Chỉ là cán bộ nhưng không biết bơi, ổng đưa lên núi tập bơi 3 tháng về mới bổ sung Huyện ủy. Làm cách mạng ở Điện Bàn này không biết lội bơi không làm được".
"Thời gian đó ảnh tranh thủ xin người, người ảnh chọn đúng là người tài cả, như anh Nguyễn Chơn, sau này là anh hùng, là thượng tướng" (lời nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng).
Ông bền bỉ đến mức đi tìm lại từng người, móc nối từng người, tìm cách bảo vệ từng người. Khi Huyện ủy Điện Bàn tan rã hết, chỉ còn 2 người, hai người này cũng phải chạy ra Đà Nẵng để ẩn náu, ông đã một mình lặn lội bắt liên lạc, có người bị bệnh ông lại nhờ người đưa vào Sài Gòn chữa bệnh, rồi móc nối đưa về. Huyện ủy Thăng Bình còn một số người cũng bỏ chạy, ông móc nối tìm người gây dựng lại. Ông cũng làm "sống lại" phong trào của các huyện Đại Lộc, Hòa Vang, Tiên Phước... Chính ông là người có sáng kiến làm nắp hầm bí mật, đưa một số cơ sở lên núi xẻ gỗ, phơi khô, đóng hàng trăm cái giao cho cán bộ xây hầm trụ bám. Bản thân ông lần nào về đồng bằng cũng đeo trên cổ, trên vai hàng chục cái, đến đào hầm trong bụi bờ, gò mả, miếu hoang. Rồi xin đào trong vườn, trong nhà dân; dân cho thì đào, dân sợ không cho thì chỉ xin cơm ăn rồi đi chỗ khác. Nhiều khi địch bố ráp gắt gao quá không vào nhà dân được, ông phải nhịn đói... Cứ như vậy, ông khôi phục lại tổ chức, dựng lại phong trào, chỉ đạo thông suốt.Ông Mười Khôi là ngọn lửa bền bỉ nhất trong "đêm tối" của cách mạng. Trong thư gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22.12.2005) đề nghị lập hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Mười Khôi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công viết: "Thời kỳ đó (sau 1954 - TN) là thời kỳ thoái trào cách mạng, cán bộ đảng viên và quần chúng bị khủng bố, giết hại, tù đày, cực kỳ gian khổ và khốc liệt, cơ sở Đảng bị địch đánh phá tan nát. Đồng chí Phạm Khôi đã lăn lộn trong quần chúng, bám sát nhân dân, bền bỉ móc nối, xây dựng cơ sở, bồi dưỡng nòng cốt và cán bộ, giữ và từng bước phát triển được phong trào; kiên trì quan điểm bạo lực cách mạng trong khi nhiều cán bộ chao đảo, từ đó mà Quảng Nam có những cuộc khởi nghĩa ở miền núi và đồng bằng...".
Giờ đây tình trạng "trên bảo dưới không nghe" trong Đảng, trong chính quyền ai cũng thấy là phổ biến, nhưng hồi đó nghiêm tuyệt đối. Như chúng ta đã thấy, Đảng nói "không vũ trang" thì nhất loạt miền Nam không vũ trang, dù ấm ức bao nhiêu cũng chấp hành. Ông Mười Khôi từng viết trong một bản kiểm điểm: "Đảng bảo đưa cán bộ ra hợp pháp thì vui vẻ đi chuẩn bị, một tháng chuẩn bị được hai, ba nơi. Hay Đảng bảo giải tán đội diệt ác năm 1955 thì thi hành nghiêm chỉnh".
Ông chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng uất ức. Ông thổ lộ với một thầy giáo trường Đảng Khu 5 hồi ấy: "Trước cảnh Mỹ-Diệm dùng chiến tranh một phía, tình hình cách mạng miền Nam ngày càng bị chúng chà xát trong máu lửa, đi vào thoái trào nặng nề, tôi có những thắc mắc và những thắc mắc đó ngày càng lắng sâu, trở thành những oán trách đối với Trung ương và Thường vụ Khu ủy. Những uẩn khúc trong lòng, tôi không thổ lộ cho ai, nhưng là nỗi đau day dứt. Khi được chỉ thị của anh Năm Công, triệu tập tôi đi học, tôi muốn tránh không đi, nhưng rồi cũng đi vì đó là nguyên tắc Đảng. Khi đến lớp, nhìn bề ngoài thấy tôi là con người sôi nổi, hay đùa tếu... nhưng bên trong tôi không yên tâm, vì thế hôm nói chuyện với anh Tư Thuận và anh Tám Tâm, tôi bỗng bộc phát, nổi nóng nói ra nỗi đau xót nội tâm của tôi, mà các anh đã biết. Tôi đã thách: Thường vụ Khu ủy và Trung ương Đảng phải kiểm điểm, nhận rõ sai lầm là để cho phong trào cách mạng miền Nam phải lụi bại, thì lúc đó mới nói đến chuyện bắt tụi tui học tập. Không được cả vú lấp miệng em. Thằng Mười Khôi này không chịu đựng nữa rồi..." (trích Họ đã sống và chiến đấu trên quê hương trung dũng, NXB Thanh Niên, 2004). Sau này trong bản kiểm điểm, ông đã "tự phê bình nghiêm khắc về những lời nói hồ đồ" này.
Chuyến ra Bắc năm 1958 không chỉ để báo cáo, đề đạt góp ý và tiếp thu Nghị quyết 15. Nghị quyết 15 tuy ông Mười Khôi chưa thông lắm, nhưng vẫn là ánh sáng soi đường, là cho phép đánh. Ông tranh thủ nhổ hết hai hàm răng lung lay, cứ một tuần nhổ một cái, rồi xin làm luôn một lúc hai bộ răng giả để phòng bị, "răng mà không tốt thì sức đâu mà đánh Mỹ". Và ông Mười Khôi đã tranh thủ làm được rất nhiều việc lớn. Ông ghi lại trong sổ tay: "Ra đó, tôi có xin Trung ương cho một số súng, một số cán bộ quân sự từ trung úy trở lên và một số cán bộ chính trị...". Cựu ủãy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng nói với chúng tôi: "Ông Võ Chí Công về tháng 5 (1959), anh Mười Khôi tháng 10 mới về, thời gian đó ảnh tranh thủ xin người, người ảnh chọn đúng là người tài cả, như anh Nguyễn Chơn, sau này là anh hùng, là thượng tướng".
"Tôi ở Tiên Phước khá lâu, mấy tháng liền. Từ Tiên Phước, tôi xuống chỗ Duy Nghĩa giáp với Thăng An, vào nhà một cơ sở: Mi nấu khoai, cho tao xin mấy củ. Cơ sở cho tôi 4 củ to bằng nắm tay. Tôi gói khoai trong tấm ni-lông, rồi lội bơi qua sông, nhắm núi Trà Kiệu, băng qua các ấp chiến lược, mò mò đi lên Quế Xuân. Quế Xuân hồi đó bị rào chặt kinh khủng. Tới núi Trà Kiệu, bốn củ khoai ăn được hai ngày. Đói, mệt, yếu, tôi không đi được nữa. Đứng trên núi ngó xuống thấy đám khoai dưới chân núi, chờ tối, tôi mò xuống bới trộm, nhưng khoai củ chỉ nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi moi chừng chục củ, ăn được vài bữa. Sợ người ta phát hiện, tôi không dám moi nữa. Không có lửa nấu. Chân răng tôi bị sưng mủ, nhai khoai sống không nổi..." . (Lời ông Mười Khôi, trích từ tập sách Họ sống và chiến đấu trên quê hương trung dũng, NXB Thanh Niên, 2004)
Ông Mười Khôi vẫn còn ghi đủ trong sổ tay danh sách cán bộ mà ông chọn để xin về cho QN - ĐN đánh Mỹ: "Cán bộ quân sự xin về năm 1959: Đặng Hòa, Đỗ Phú Đáp, Đinh Châu, Nguyễn Khôi, Võ Sơn, Trần Tốc, Nguyễn Hiếu, Năm Cảnh, Hồ Nông, Kim Anh, Nguyễn Sang, Nguyễn Thành, Nguyễn Chơn... Cán bộ chính trị xin về năm 1959: Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng, Phạm Đức Nam...".Chúng tôi không có điều kiện biết được tất cả những cán bộ trong danh sách đó. Nhưng ông Hồ Nghinh thì tôi được gặp đầu tiên khi mới lên chiến khu năm 1974, lúc đó ông là Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, người mà lớp thanh niên chúng tôi hồi đó coi là một "bậc thánh" của cách mạng. Ông Võ Văn Đặng từng là Khu ủy viên, Phó bí thư Tỉnh ủy QN - ĐN, là thủ trưởng cũ của tôi, người suốt đời tôi ngưỡng mộ, tôi không bao giờ quên lời ông nói với các cán bộ trong cơ quan dân vận của Tỉnh ủy sau giải phóng, rằng đừng gọi những người ngoài Đảng là "quần chúng", gọi như thế là vô lễ với nhân dân. Ông Phạm Đức Nam, sau này là Chủ tịch tỉnh QN-ĐN, là một chủ tịch danh tiếng. Còn thượng tướng anh hùng Nguyễn Chơn thì ai cũng biết, ông được coi là một trong ba sư đoàn trưởng lừng lẫy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh đâu thắng đó, chưa hề có một trận thua...
(Còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 6: Tổ chức lực lượng vũ trang
26/01/2008 0:29
 
"Anh Mười Khôi là người trực tiếp tổ chức lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, xây dựng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh" (Thượng tướng anh hùng Nguyễn Chơn)
Người ta nói tài năng nhất trong các tài năng là tài năng thừa nhận tài năng của người khác. Các đấng minh quân ngày xưa do biết trọng dụng hiền tài mà làm nên đại nghiệp. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến, ngoài việc gắn bó máu thịt với dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, cũng là do biết tìm được nhân tài hào kiệt để giao trọng trách. Ông Mười Khôi - vốn là một nông dân đi làm thợ dệt - trước sau không bao giờ tự coi bản thân là một người tài. Ông Nguyễn Tất Thắng kể: "Hồi chống Pháp, khi được đề cử làm Bí thư Huyện ủy, ổng nói: Tôi dốt không làm nổi, phải chọn đồng chí khác giỏi hơn". Nhưng vì nhiệm vụ ông không từ chối được, mà phải làm bí thư nhiều huyện, lần lượt từ huyện này qua huyện khác. Đến kháng chiến chống Mỹ, khi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, ông lại gửi thư về khu xin cử đồng chí khác giỏi hơn ông về làm, nhưng vẫn không từ chối được. Dĩ nhiên là ông không ngại khó, cũng không phải ông tỏ ra khiêm tốn từ chối "lấy lệ", mà, như sau này ông ghi trong bản kiểm điểm, là do ông "tự ti", do ông không nghĩ mình hơn những người khác. Đọc lại những bản kiểm thảo của ông qua những lần chỉnh huấn, thấy ông ghi toàn là khuyết điểm yếu kém, cả những yếu kém nhỏ nhất ông đều liệt kê đầy đủ, rất ít thấy ghi thành tích. Cả đến việc không thích những người nói nhiều mà làm ít, ông cũng tự kiểm điểm là "hẹp hòi cục bộ đối với anh em nói giỏi, cho là cũng thế thôi". Ông Đặng Công Quyện, người bảo vệ cũ của ông, nói với chúng tôi: "Ổng có điều rất hay mà đến giờ già rồi đêm đêm tôi vẫn nghĩ: Ổng không bao giờ chê ai, trước mặt hay sau lưng cũng thế, không bao giờ". Đối với kẻ thù thì ông quật cường, còn đối với đồng chí thì ông là người như vậy. Trong cái khiêm tốn tự nhiên đến trong suốt mà ông gọi là “tự ti”, ông nhìn thấy người tài, thu hút họ, làm cho người ta thấy họ chứ không thấy ông.
Sau Nghị quyết 15, toàn miền Nam đồng khởi, khắp nơi dân bảo "thấy ánh sáng rồi". Ông Mười Khôi trở lại chiến trường, một thời gian sau được cử làm Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN. Vẫn không chịu để "chân vũ trang" ở vị trí thứ yếu, ông mạnh dạn đề nghị Khu ủy "cho nâng chân vũ trang lên ngang với chính trị". Hội nghị Khu ủy mở rộng tháng 4.1960, đã ra Nghị quyết nêu rõ: "Mạnh dạn phát động quần chúng ở căn cứ miền núi vũ trang chống địch càn quét. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, khu...". Với lực lượng còn giữ được, cộng với vũ khí và cán bộ chính trị và quân sự đưa từ miền Bắc về, ông Mười Khôi cùng với Tỉnh ủy nhanh chóng khôi phục và phát triển lực lượng tấn công địch. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng nói: "Anh Mười Khôi vừa làm bí thư vừa trực tiếp chỉ đạo chiến trường. Ảnh không học trường lớp nào mà xây dựng và phát triển rất nhanh chóng. Đầu tiên trừ gian diệt ác cũng anh Mười Khôi, xây dựng các đội vũ trang cũng ảnh. Lo lương thực thực phẩm, thương binh bệnh binh, đặc biệt là vũ khí đạn dược, việc gì ảnh cũng nhúng tay vào. Ảnh hết mình, sáng tạo, điềm tĩnh, sâu sát, thuyết phục tất cả. Tôi chưa thấy bí thư nào được toàn thể cán bộ chiến sĩ và nhân dân tin yêu nể phục như vậy. Tất cả những trận lớn ảnh đều trực tiếp chỉ đạo, nơi nào nguy hiểm nhất ảnh xông tới trước. Quân sự có anh Chơn, đánh giặc không có ông nào hơn ông Chơn đâu".
Chúng tôi đã về Đà Nẵng gặp Thượng tướng Nguyễn Chơn. Tướng Chơn kể say sưa những diễn biến trên chiến trường thời đó. Ông nói: "Khi đề nghị phong anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Mười Khôi có anh em chưa hiểu còn nói này nói khác, tôi bảo: Nếu cần tôi ra đối chứng cho. Anh Mười Khôi là người trực tiếp chỉ đạo, đứng ra tổ chức lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, xây dựng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh".
Tướng Chơn kể: "Tôi vào chiến trường tháng 2.1959, đi 30 anh em, nhưng 1 bị ruột thừa ở lại, 1 đầu hàng sau đó, còn 28. Hồi đánh Pháp tôi không ở chiến trường này. Trước khi vào tôi có nghe một số anh em kể, ảnh quyết liệt vũ trang, một mất một còn với chế độ Ngô Đình Diệm. Anh Mười là người có tầm chiến lược. Sau Nghị quyết 15, phương châm ban đầu chính trị là chủ yếu, quân sự là kết hợp. Phương châm nói như thế nhưng tôi theo dõi anh Mười Khôi, tôi thấy sớm muộn gì quân sự cũng là chủ yếu. Ảnh nói với cán bộ: Phải giải quyết với Ngô Đình Diệm bằng sức mạnh quân sự. Điều này quan trọng lắm".
Lịch sử còn ghi lại, tiếp theo cuộc nổi dậy có vũ trang đầu tiên ở Nóc Ông Tía (Phước Sơn) ngày 13.3.1960, khi 11 tự vệ và 30 gia đình đã dùng rựa tiêu diệt cả tiểu đội bảo an, đốt cháy trụ sở chính quyền địch rồi vào rừng sâu bố trí chống càn quét, địch đưa 1 đại đội tấn công vào làng nhưng gặp sự chống trả quyết liệt nên phải rút lui, từ đó hàng loạt các nơi khác đã nổi dậỵ kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang khởi nghĩa.  Các đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang được hình thành ngay lúc đó đã nhanh chóng phát triển, đưa phong trào lên cao, từng bước tiến công làm chủ các thôn, xã, củng cố căn cứ địa, mở rộng vùng giải phóng.
Tướng Nguyễn Chơn nhớ lại: "Khi mới vào đó, tôi phụ trách tác chiến ở cơ quan có mật danh là Dì Hai, tiền thân của Tỉnh Đội sau này. Lúc này chưa có quân giải phóng, tỉnh đội chưa có, huyện đội chưa có, hậu cần chưa có, bộ đội thì chiến thuật, kỹ thuật chưa có. Khó nhất là cái ăn và vũ khí. Phải tăng gia sản xuất, trồng sắn, bắp, chuối, phát rẫy tỉa lúa, làm công cho đồng bào dân tộc. Ông Mười Khôi trực tiếp chỉ đạo tổ chức sản xuất để có cái ăn cho cán bộ và nuôi quân. Muối là thứ vô cùng quý hiếm, đồng bào lạt muối đã lâu, lạt muối nên có thai đều sẩy thai gần hết. Muối là thuốc chữa bệnh của đồng bào. Chúng tôi mỗi người được cấp 1 lon muối mỗi tháng, kể cả ông Mười Khôi cũng 1 lon. Tôi chia lon muối cho 90 bữa, mỗi bữa một chút bé tí tẹo. Quần áo thì có hai bộ mặc mãi từ đó cho đến năm 63, 64...".
Ông Nguyễn Chơn nói tiếp: "Lực lượng vũ trang đầu tiên hình thành là H30 vùng cao huyện Hiên, H31 vùng cao bắc Hòa Vang khu vực Hố Túi, H21 vùng cao huyện Trà My, còn gọi là cánh Trung, cánh Nam, cánh Bắc của tỉnh, mỗi cánh từ 1 đến 2 trung đội. Chủ trương đánh phá ấp chiến lược để giải phóng cho dân là việc rất khó, nhưng anh Mười Khôi đã cương quyết chỉ đạo thực hiện bằng được. Do bám sát dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng từ trước nên khi ta có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, ảnh đã trực tiếp chỉ đạo, móc nối đưa rất nhiều thanh niên lên đi bộ đội, kể cả số thanh niên bị địch bắt đi quân dịch trốn về, trong đó có cháu của ảnh. Số anh em này có cái lợi là đã được địch huấn luyện về quân sự, chính cháu ảnh là người phụ trách trung liên khi tôi chỉ huy đánh. Ban đầu số thanh niên ảnh rút lên hàng trăm, sau đó lên ngàn này ngàn kia để hình thành lực lượng vũ trang cho tỉnh và tăng cường cho lực lượng vũ trang của Quân khu".
Chỉ trong một thời gian ngắn, đến năm 1960, vùng căn cứ miền núi Quảng Nam căn bản được giải phóng, gần 40.000 dân giành được quyền làm chủ...
(còn tiếp)
Kỳ 7: Mở thế đi lên cho cách mạng
"...Tôi trực tiếp chỉ huy đánh đồn Ga Lâu (huyện Hiên), tiêu diệt 4 trung đội bảo an, thu hết vũ khí. Quân ta 45 đồng chí, chỉ hy sinh 3, bị thương 3. Trận đó đánh để kiểm tra huấn luyện" (thượng tướng Nguyễn Chơn).
Cần biết cho đến đầu năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam theo luật 10-59, sự khủng bố lên đến mức tàn khốc nhất. Bộ máy kèm kẹp của địch trong phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng "chưa có gì đảo lộn cả" (lời ông Mười Khôi nói sau này).
Ông Mười Khôi (bên trái) sau khi bị thương
Ông Mười Khôi (bên trái) sau khi bị thương
Chúng ta xây dựng căn cứ địa ở miền núi, nhưng 4 huyện miền núi (Hiên, Giằng, Trà My, Phước Sơn) từ lâu đã bị địch khống chế phong tỏa. "Nói chung dân ở đây bị 4 cái nạn: đói, đau, lạt (không có muối), rách (không có vải). Trẻ sơ sinh sống được rất ít, dân số hao mòn dần" (theo hồi ký của ông Phạm Đức Nam).Để củng cố căn cứ địa trước hết phải giải phóng miền núi. "Cuối năm 1959, ta chủ trương làm phiếu "Dân haro cách mạng", nghĩa là cho lúa cách mạng. Ta động viên toàn dân làm cái rẫy cách mạng, làm con heo cách mạng (nuôi heo cho cách mạng), làm con gà cách mạng (nuôi gà cho cách mạng). Ta đưa giống lúa ngắn ngày vào. Tiếp đó ta động viên trồng sắn để thêm màu lương thực. Sản xuất phát triển mạnh, thế của ta bật lên thấy rõ... Trong năm 1960, ta đã thu được 4,5 nghìn ang lúa" (tài liệu đã dẫn).
Trong sổ tay ông Mười Khôi còn ghi: "Đến khi thi hành Nghị quyết 15, ta đã xây dựng lực lượng vũ trang. Đầu năm 1960 tôi đề nghị mở màn cho lực lượng vũ trang của tỉnh phải đánh thắng trận đầu để phát động toàn quân, bằng việc đánh cuộc hành quân của địch từ đồng bằng lên miền núi. Đó là trận đánh cuộc hành quân tại Trao (huyện Hiên), tiêu diệt 100 quân địch, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 3 cây moc-chê".
Tướng Nguyễn Chơn, một trong những người chỉ huy "trăm trận trăm thắng" trong chiến tranh chống Mỹ, giờ vẫn còn nhớ như in những trận đánh địch đầu tiên ở Quảng Nam. Ông Chơn nhớ lại: "Năm 1960, tôi phụ trách trường đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên của Quảng Nam, đóng tại làng A Dinh, huyện Hiên, gần sông A Vương. Khung huấn luyện chủ yếu lấy những anh em từ miền Bắc mới đưa về. Lớp đầu tiên đào tạo 1 năm rưỡi, nhưng mất nửa năm tăng gia sản xuất để lấy cái ăn. Huấn luyện xong tôi trực tiếp chỉ huy đánh đồn Ga Lâu (huyện Hiên), tiêu diệt 4 trung đội bảo an. Quân ta 45 đồng chí, chỉ hy sinh 3, bị thương 3. Trận đó đánh để kiểm tra huấn luyện".
Tiếp đó, tiêu diệt luôn đồn Sáu (Hiên) và các đồn bót khác. "Các cứ điểm của địch ở Hiên, Giằng, tôi đều chỉ huy đánh hết. Giờ nói lại chưa hết ý nghĩa, chứ hồi đó tinh thần phơi phới. Dân nói: Trời có ánh sáng rồi". Ông Nguyễn Chơn nói tiếp: "Sau đó địch đưa quân lên chiếm lại Ga Lâu, nó lên 175 tên, tôi cắm trinh sát, bố trí đánh, tiêu diệt hết, bắt sống 60 tên. Trận đó ông Võ Chí Công, ông Mười Khôi phấn khởi lắm, bảo: Không nghe nổ súng sao bắt được tù binh!".Theo ông Nguyễn Chơn, giải phóng căn cứ là vô cùng quan trọng. Có căn cứ mới có thể tự cấp tự túc được, có căn cứ mới nối liền được với đường dây 559 tiếp nhận hậu cần từ miền Bắc chuyển vào sau này.
"Tổ chức, phát động quần chúng ông Mười Khôi cũng là số 1. Cho dân thuốc sốt rét, nói thuốc của Bác Hồ, dân phấn khởi lắm. Ra Hà Nội về ảnh được ông Tố Hữu tặng cái đài, hồi đó chỉ có ảnh, anh Hồ Nghinh mới có đài, anh em tôi làm gì có. Có đài nên nghe dự báo thời tiết, bảo ngày này nắng ngày kia mưa, dân phục lắm, bảo: Thằng này giỏi quá. Nhưng quan trọng nhất là đánh được giặc, phá được kèm, đem lại cơm áo thuốc men cho dân. Dân kéo đi xem ảnh, cũng như đi xem tôi - đi xem thằng Chỡn (tên đồng bào dân tộc gọi ông Nguyễn Chơn)".
Song song với việc giải phóng căn cứ, lực lượng vũ trang của tỉnh đồng thời tiến công xuống đồng bằng. Ông Mười Khôi ghi tiếp: "Ta diệt tên quận phó công an Đại Lộc gian ác khét tiếng, làm lung lay hệ thống tề ngụy ở đồng bằng. Nhân dân nói: Mặt trời mọc ở đồng bằng rồi! Đến giữa năm 1960, ta đánh địch tập kích ở Nam Thành, tạo tiếng vang cho toàn tỉnh, toàn quân phấn khởi, lúc đó đã có câu: Mỹ tới đánh được rồi!". Lúc đó, "chân vũ trang được nâng dần lên ngang với chân chính trị". "Tháng 9 năm 1960, được sự hỗ trợ của đội vũ trang công tác huyện Tam Kỳ, nhân dân xã Kỳ Sanh nổi dậy, diệt ác, giải phóng thôn Tú Mỹ. Đây là thôn đầu tiên ở đồng bằng tỉnh Quảng Nam được giải phóng" (trích sách: Cuộc đồng khởi kỳ diệu ở miền Nam Việt Nam).
a
Văn nghệ sĩ miền Bắc biểu tình chống Mỹ - ngụy tàn sát đồng bào miền Nam ở Chợ Được - Quảng Nam - ảnh: Hồng Tranh (Hà Nội) - sách ảnh việt nam thế kỷ xx của nxb văn hóa-thông tin - 2003
"Ta bắt đầu liên kết được hai đại đội, đánh 10 xã, từ Đá Mài đánh xuống Đại Phong, Đại Hồng, mở cả vùng B, làm chủ 3 ngày. Đồng bào vùng này thực chất thì tốt, nhưng bị kèm kẹp nặng nề nên rất sợ sệt. Một số bỏ chạy đi nơi khác. Một số không chạy, nhưng ta hỏi thì họ nói không biết, không nghe, không thấy. Ở Bến Dầu, có người đang nấu cơm, giả đau, hỏi không dám nói. Có người dám tiếp xúc với ta thì cũng rất bí mật, như vừa la làng vừa đưa đò tiếp tế cho ta. Địch phản ứng lại ta bằng 3 tiểu đoàn, rồi tăng 2 tiểu đoàn nữa với 36 máy bay trực thăng. Chúng đánh ta một ngày, làm cho ta chỉ còn hai thôn... Không trụ được ở đây, ta định chuyển lực lượng vào Tiên Ngọc, Tiên Lãnh (Tiên Phước).Trước khi đi, ta hết gạo ăn mà lúa của đồng bào thì chưa gặt. Ta nói với đồng bào gặt và sấy lúa, làm gạo cho ta mượn 4-5 ang. Ta tổ chức học tập hai ngày về địa hình, địa thế đường chuyển quân thì số gạo mượn đó đã ăn hết. Ta kéo quân sang Phú Nhơn, Mỹ Lưu, đi trong 20 ngày giữa lúc trời đang mưa lụt. Đến Mỹ Lưu gạo chỉ còn nửa lon cho mỗi người. Ta cho người xuống xã Quế Tân... dự tính ít ra cũng mượn được 700 ang lúa, nhưng chỉ được 30 ang và một con trâu. Anh em ta dắt trâu lên núi, làm thịt trâu ăn với rau với muối và tiến thẳng lên giải phóng một lần hai xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc..." (trích lời kể của ông Mười Khôi do ông Nguyễn Thúy ghi lại, tư liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Nam-Đà Nẵng).
Ông Nguyễn Hồng Thắng phàn nàn với chúng tôi về bản thành tích được ghi kèm theo hồ sơ đề nghị phong anh hùng cho ông Mười Khôi: "Đề nghị phong anh hùng phải báo công, phải nói thành tích. Làm mấy năm mà cứ viết cà lăm mãi. Thực ra viết như thế tui mà có trách nhiệm tui cũng không phong. Xét ông Mười Khôi không phải xét ổng cầm súng diệt được bao nhiêu thằng địch, xét ổng không phải xét như thế. Xét ổng là xét việc tổ chức đánh giặc chứ. Kháng chiến ở tỉnh này ai không biết ông Mười! Hôm mấy ông thi đua Trung ương vào nghe tui nói, mấy ổng bảo: Nếu người ta viết như ông nói thì chúng tôi không vào đây làm gì cho mất công".
Trong thư gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chơn nói rõ: "Đồng chí (Mười Khôi) đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức huấn luyện lực lượng vũ trang, giáo dục chính trị tư tưởng, hạ quyết tâm ban đầu đánh các chốt điểm của địch... Đồng chí là người nắm chắc được bọn ác ôn, đầu sỏ, tay sai của địch nên khi ta có chủ trương diệt ác, phá kèm thì đồng chí chủ trương, chỉ đạo đánh, diệt được ác, phá được kèm, mở thế đi lên cho cách mạng. Từ đấy rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh, cho Khu 5 đánh cứ điểm của địch lúc bấy giờ"...
  • Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)
Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 8: Chuyện ghi trong bản kiểm điểm
29/01/2008 23:47
 
 
"Khi địch càn quét vì chủ quan nên dời cơ quan trễ, bị lộ dấu chân nên địch theo dấu đó bắn một đồng chí bị thương, phá kho muối 30 gùi của cách mạng" (trích bản kiểm điểm trong lý lịch ông Mười Khôi).
Với phong trào đồng khởi được phát động rộng khắp ở miền Nam, chiến lược "chiến tranh đơn phương" của Mỹ coi như thất bại, chính quyền Ngô Đình Diệm lâm vào khủng hoảng. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20.12.1960), tiếp đó Quân giải phóng miền Nam được hình thành (15.2.1961). Chính người Mỹ thừa nhận: "Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt tổ chức Việt Minh cũ và đặt cho cái tên Việt cộng. Nhưng quá trình đó, Hoa Kỳ lại tạo ra một Việt Minh mới còn lợi hại hơn rất nhiều cái tổ chức Việt Minh cũ mà người Pháp đã phải đương đầu ở miền Nam" (Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, NXB Tổng hợp TP.HCM, 1990).
Bắt đầu từ năm 1961, Mỹ điều chỉnh chiến lược. Tổng thống Kennedy công bố học thuyết mới và chọn Việt Nam làm thí điểm "chiến tranh đặc biệt", lập tức tăng gấp đôi viện trợ quân sự và đưa 19.000 quân chiến đấu dưới danh nghĩa là cố vấn quân sự qua cứu Diệm. Kế hoạch Staley-Taylor - xương sống của "chiến tranh đặc biệt - được thử nghiệm và sau đó triển khai toàn diện với quyết tâm "bình định" miền Nam trong vòng 18 tháng, dự kiến dồn 10 triệu dân miền Nam vào 16.000 ấp chiến lược, thực chất là các trại tập trung, hòng tiêu diệt toàn bộ lực lượng cách mạng bằng cách "tát nước bắt cá". Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy quân sự (MACV), Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt, đưa không quân, hậu cần vào miền Nam. Quân đội "quốc gia" của Ngô Đình Diệm được ráo riết tăng cường, sử dụng trực thăng, thiết giáp và trang bị vũ khí hiện đại. Dưới sự chỉ huy và hỗ trợ của Mỹ, quân Diệm mở hàng vạn cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, đánh phá ác liệt vùng giải phóng phục vụ cho việc gom dân lập ấp chiến lược.
Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Đại hội Đảng bộ đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ được tiến hành năm 1960. Ông Trương Chí Cương, Thường vụ Khu ủy về làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Mười Khôi làm phó bí thư, các ông Hồ Nghinh, Bốn Hương, Đỗ Quang Thắng làm Ủy viên Thường vụ. Năm 1961, ông Trương Chí Cương về Khu công tác, ông Mười Khôi làm Bí thư Tỉnh ủy. Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này được Khu ủy chỉ đạo làm điểm chống phá kế hoạch Staley-Taylor.
Tướng Nguyễn Chơn nói với chúng tôi: "Công của ông Mười Khôi đối với quân sự lớn lắm. Năm 1962 tỉnh đã xây dựng được một trung đoàn, đó là trung đoàn 1, trung đoàn 1 kiêm tỉnh đội, bí danh là công trường 1. Tôi về phụ trách tác chiến của trung đoàn, vì tôi 9 năm đánh Pháp, chiến đấu tại trung đoàn 803 là đơn vị chủ lực của Liên khu 5, có kinh nghiệm tham mưu tác chiến. Trung đoàn 1 sau này 3 lần được phong anh hùng, là Trung đoàn Ba Gia của Sư 2".
Ông Mười Khôi nhớ lại: "Từ năm 1961, Khu phối hợp với lực lượng của Quảng Ngãi, mở khu Đông Dương Yên rồi chiếm Kỳ Trà (Tam Lãnh), mở ra chỗ quẹo của Tiên Hồ, bao vây Tứ Chánh, xuống huyện lỵ Tam Kỳ, nắm 2/3 dân số. Phía bắc, ta mở lại vùng B Đại Lộc, đánh Phú Thuận, đánh xuống Giảng Hòa, Lộc Mỹ. Ở Điện Bàn, ta mở Sùng Công đánh xuống Điện Tiến, Điện Hòa, lên Hòa Khương, Hương Lam. Thế là ta đã chiếm ba miền trong năm 1962, một ở Tam Kỳ, một ở Điện Bàn ra Hòa Vang, một ở Đại Lộc, nắm 83.000 dân ở phía nam và 112.000 dân ở phía bắc...
Về ấp chiến lược, chúng đã tập trung dân vào mấy cụm lớn. Trên núi thì chúng làm ở Phước Sơn (Ngô Đình Diệm đích thân đến khánh thành), Trà My, Kỳ Sanh (xã Tam Hiệp), Tiên Ngọc (từ Tứ Chánh xuống Phước Lâm), Hạ Hòa (từ Na Sơn xuống vùng trên Phước Lãnh), Cẩm Khê, Cây Cốc, Tam Sơn. Ở vùng ngoài, chúng làm từ Trung Phước lên mỏ than Nông Sơn, Việt An, quận lỵ Quế Sơn, khu An Hòa (tây Duy Xuyên), Vĩnh Điện, Quá Giáng, Ngũ Giáp, Túy Loan, Nam Ô, Thủy Tú... Khi các ấp chiến lược đã xây dựng hoàn thành, chúng đưa quân đi càn quét đánh ta. Trận càn Bình Châu, chúng dùng 19 tiểu đoàn đánh ta trong 9 tháng liền. Chúng đánh lấy lại một số lớn dân: 83.000 dân phía nam của tỉnh chỉ còn 25.000, 112.000 dân phía bắc chỉ còn 30.000. Chúng ráo riết lập lại ấp chiến lược. Tuy vậy, đối với lực lượng quân sự của ta, chúng không làm gì được. Đây là bài học kinh nghiệm tốt của toàn khu" (tài liệu đã dẫn).
Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo mọi mặt của chiến trường từ xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, tổ chức hậu cần, bố trí tác chiến..., ông Mười Khôi hoàn toàn không phải là người "lãnh đạo chung", mà rất cụ thể. Đọc lại những bản kiểm điểm của ông và các hồi ức của những người cùng thời ta có thể thấy điều đó. Trong một bản kiểm điểm năm 1961, ông viết: "Năm 1960, khi địch càn quét vì chủ quan nên dời cơ quan trễ, bị lộ dấu chân nên địch theo dấu đó bắn một đồng chí bị thương, phá kho muối 30 gùi của cách mạng. Năm 1961, đánh địch ở một nơi gần cơ quan không đề phòng chuyển chỗ ở để bị địch ném bom chết một đồng chí, bị thương một đồng chí".
Về "một đồng chí bị thương", ông Phan Đấu, người phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy lúc đó thuật lại như sau: Lúc đó cơ quan Tỉnh ủy đóng cách đồn địch khoảng "nửa ngày đường đi bộ", nhưng bị phát hiện. Địch dùng một tiểu đoàn biệt động cùng quân đồn trú càn quét, "ta chạy trước, địch đuổi theo sau", cuối cùng cũng thoát được, nhưng một cán bộ văn thư tên là Trung bị mất tích. Sau khi địch rút quân về, ông Phan Đấu nhớ lại: "Cơm tối xong, anh Mười Khôi, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì cuộc họp bàn ngày mai phải tìm cho được đồng chí Trung. Phân công một nhóm do Lê Hữu Đức chỉ huy, có đồng chí Kỳ cán bộ quản trị cơ quan thông thạo địa hình, giỏi tiếng Cơ-tu, một nhóm do đồng chí Nguyễn Chơn (thượng tướng bây giờ), có đồng chí Hiền trợ lý trinh sát thông tin ban quân sự tỉnh. Mỗi nhóm có một vài du kích địa phương giúp dẫn đường... Một ngày trôi qua, đến ngày thứ hai cũng không tìm được, anh em kéo về cơ quan trao đổi bổ sung kế hoạch. Anh Mười lại có tiếp ý kiến: "Phải quyết tìm cho kỳ được đồng chí Trung, không thể chậm trễ, nếu đồng chí bị thương mà không khẩn trương tìm thì dễ bị chết khô hoặc bị thú rừng hãm hại, hãy cố lên! Ngày mai tôi sẽ đi với các đồng chí". Hôm sau lại đi tìm và cuối cùng tìm được đồng chí Trung bị thương nằm bất động, đưa về chăm sóc cứu chữa" (lược trích hồi ký của ông Phan Đấu).
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ giữa thời kỳ nước sôi lửa bỏng mà quan tâm đến số phận của từng con người, đến từng hạt muối của cách mạng, không chỉ quan tâm mà thể hiện rõ trách nhiệm, đến mức tự ghi thành khuyết điểm trong hồ sơ lý lịch của mình để gửi cho tổ chức lưu giữ suốt đời. Lãnh đạo như vậy cán bộ chiến sĩ nào không cảm phục, lãnh đạo như vậy dân nào chẳng tin! (còn tiếp)
Tội ác này có thể quên được không?

Bí thư Huyện ủy Quế Sơn Trần Huấn (nằm ) bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt

Chi trưởng "cảnh sát quốc gia" Điện Bàn đang cắt cổ ông Trần Huấn
H.H.V
Kỳ 9: "Mất một mũi tiến công"
Sau khi lực lượng vũ trang của chiến dịch chặn đánh thắng lợi một đoàn xe quân sự gần 100 chiếc của địch tại Quảng Nam, ông trực tiếp đi kiểm tra lại kết quả của trận đánh, thì chẳng may vướng phải mìn.
Đến năm 1963, giữa khí thế cách mạng của đồng bào miền Nam trào dâng mạnh mẽ, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đảo chính diễn ra triền miên không dứt cho đến khi Mỹ "chọn đúng người" là Nguyễn Văn Thiệu.
Lợi dụng triệt để tình hình rối ren đó, cách mạng miền Nam quật khởi. Thời gian này, vào cuối năm 1962, khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, ông Mười Khôi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Đầu năm 1963, ông trở thành Khu ủy viên Khu 5, phụ trách Bí thư Quảng Nam kiêm Bí thư chiến dịch Quảng Nam, Quảng Ngãi, đồng thời làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng của Khu.
Về tình hình chiến trường, ông Mười Khôi kể lại:
"... (có khi) ta cho một tiểu đoàn, chia ra, có nơi 7 đồng chí đối phó với 3 tiểu đoàn địch..., có nơi 3 đồng chí đối phó với 2 tiểu đoàn. Phối hợp với tiến công của quân đội, ta dùng bạo lực của quần chúng diệt tề, trừ gian, lật chính quyền địch, làm chủ thôn xã. Bất cứ nơi nào ở nông thôn mà quần chúng nổi dậy thì nơi đó đều có kết quả.
k
Ông Mười Khôi lúc trẻ - ảnh: tư liệu gia đình
Qua tấn công và nổi dậy, ta giải phóng một vùng lớn từ An Hòa ra Non Nước 80 cây số, bắt đầu từ Kỳ Phú (nửa Tam Thanh, Tam Kỳ) ra Thăng An, Thăng Triều (Thăng Bình), khu đông Cù Lao Chàm, khu 6 nửa Kim Bồng, nửa Cẩm Kim, 3/4 Thanh Hà (Hội An) ra Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương (Điện Bàn) và Hòa Quý (Hòa Vang).Địch phản ứng lại, chúng quay đại bác bắn xuống các xã vùng biển, đánh lại Thăng An, ta chuyển lên Kỳ Anh, từ trên núi ta đánh ép xuống. Những nơi tập trung của chúng ta chưa đụng đến, như Cẩm Khê, cầu Hà Châu, Kỳ Sanh, Đức Phú.
Sau đó ta làm tiếp một mảng thứ hai từ Kỳ Sanh ra Cao Ngạn, Quế Sơn, Hòa Liên, giải phóng nửa xã Quế Phong, nửa xã Quế Châu, toàn xã Quế Hiệp, cả xã Tây Viên là Sơn Phúc, Sơn Thọ, Trung Phước. Mảng thứ ba, ta giải phóng từ miền núi Đại Lộc trở xuống ra đến biển. Tiếp một mảng nữa, ta giải phóng từ Diêm Phổ (Tam Xuân) xuống An Hòa ra Tam Tiến.
Số dân được giải phóng tất cả là 470.000 ở bắc Quảng Nam và 340.000 ở nam Quảng Nam, tức là gần xong vùng nông thôn trong tỉnh" (tài liệu đã dẫn).
Như vậy là từ những ngọn lửa được ông Mười Khôi và một số rất ít những đồng chí trung kiên bền bỉ duy trì cùng nỗi hờn căm của nhân dân bị dồn nén, chỉ trong vòng 1960 đến 1965, đã bùng lên thành thế trận chiến tranh nhân dân thiên la địa võng, tiến công địch bằng "hai chân ba mũi giáp công" (hai chân: quân sự, chính trị; ba mũi: quân sự, chính trị, binh vận), thực hiện làm chủ trên ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị), liên kết phối hợp với toàn khu, với toàn miền Nam đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.
Trước khi nhân dân miền Nam đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt thì ở Quảng Nam diễn ra một thảm họa thiên tai lịch sử. Đó là trận lụt năm Thìn 1964. Nhắc lại trận lụt này để thấy Đảng Cộng sản hồi đó đã hành xử như thế nào. Ông Mười Khôi nhớ lại:"Lụt từ trên nguồn đổ xuống bốn hướng. Từ Phước Sơn, Tân An xuống Giảng Hòa, từ sông Giằng, từ Tam Sơn xuống Tam Kỳ và từ Tam Kỳ xuống Bàu Bầu, An Hòa. Trận lụt to làm nước xuống rất mạnh đến nỗi núi lở từng cụm từng mảng, đẩy những tảng đá như cái nhà cái nong trôi đi, ở Trà My, Phước Sơn. Lụt đã mở thêm ra hai cửa biển và đổi cả dòng sông. Ruộng bị lấp ở Phương Đông, Dương Yên thành như sân bay. Ở Giảng Hòa 480 dân chết hết 400, đất lở hết không còn làng nữa.
Trong tỉnh, 3.000 mẫu ruộng bị lấp, gần 6.000 người chết, huyện Quế Sơn là nặng nhất... Heo, gà, trâu, bò bị trôi có đến 3 vạn con, tấp xuống ven biển làm thành một bờ đê súc vật. Mùa gặt đã thu hoạch về bị mất 35%. Khoai lúa còn ngoài đồng mất từ 70 đến 90%. Sinh lực bị hao kiệt... Trong Liên khu, 13 tỉnh đều bị lụt, nhẹ là Trị Thiên, nặng nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Khu chủ trương xuất hai phần ba ngân sách của khu để cứu trợ, cố gắng bằng mọi cách không để cho đồng bào bị đói kiệt, mặt khác vận động đồng bào trong tỉnh tương trợ tự cứu, vận động đồng bào Nam Bộ ra giúp... Do ảnh hưởng của lụt nên hoạt động quân sự của ta có yếu hơn, nhưng vẫn bằng hai thời kháng chiến chống Pháp" (tài liệu đã dẫn).
Đầu năm 1965, ông Mười Khôi được Khu ủy phân công trực tiếp phụ trách chiến dịch đánh địch mở rộng vùng giải phóng xuống đồng bằng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, kiêm chính ủy Trung đoàn 1. Sau khi lực lượng vũ trang của chiến dịch chặn đánh thắng lợi một đoàn xe quân sự gần 100 chiếc của địch tại Quảng Nam, ông trực tiếp đi kiểm tra lại kết quả của trận đánh, thì chẳng may vướng phải mìn, ông bị thương cụt mất một chân. Bí thư Khu ủy Võ Chí Công nghe tin ngửa mặt lên trời: "Mất Mười Khôi là mất một mũi tiến công !".
Cựu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đánh giá công lao của ông Mười Khôi trong thời kỳ này: "Đồng chí Phạm Khôi đã cùng tỉnh ủy nhạy bén tổ chức thực hiện, xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, lực lượng chính trị, sớm đưa du kích chiến tranh và đấu tranh chính trị, binh vận của Quảng Nam thành cao trào quần chúng sôi nổi, dẫn đầu phong trào du kích chiến tranh và đấu tranh chính trị trong toàn Khu 5.
g
Ông Đặng Công Quyện - ảnh: Lê Văn Thọ
Đồng chí Phạm Khôi là một người lãnh đạo dũng cảm, kiên cường, bám sát đơn vị, bám sát cơ sở, trực tiếp đi chuẩn bị chiến trường và chỉ đạo tác chiến, gương mẫu thực hiện tư tưởng "một tấc không đi, một li không rời" mà Quảng Nam bằng xương máu của mình đã đề xướng phong trào ấy. Đồng chí đã nêu cao hành động anh hùng rất cao cả, có tác dụng cổ vũ ý chí của quân dân Quảng Nam trong suốt thời kỳ đen tối 1954-1959 và thời kỳ đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt..." (tài liệu đã dẫn).Cựu Phó tổng Thanh tra Nhà nước Trần Thận, trong thư kiến nghị phong anh hùng cho ông Mười Khôi cũng nhấn mạnh: "Đồng chí Phạm Khôi là cán bộ mẫu mực, trung kiên của Đảng, tận tụy với công việc của Đảng giao, trong công tác, chiến đấu đồng chí là người xung phong, gương mẫu đi đầu, kiên quyết tấn công kẻ thù trong mọi tình huống, nhiều trận đánh đồng chí là chính trị viên gương mẫu, đi đầu trong các mũi tiến công".
Ông Trần Thận từ năm 1960 là người phụ trách quân sự của tỉnh, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà trong những năm chống Mỹ ác liệt. Ông Thận cũng là một nhân vật đặc biệt, là người tổ chức kháng chiến tài ba và nổi tiếng quyết đoán, cuộc đời ông thầm lặng nhưng đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng trong những năm chống Mỹ, cứu nước.
Nói về chuyện ông Mười Khôi bị thương, người bảo vệ cũ của ông là ông Đặng Công Quyện đến bây giờ vẫn còn ấm ức. Ông Quyện nói: "Tui đi với ổng bao nhiêu năm tui biết, đi đâu cũng đi trước, chỗ khó mấy ổng cũng xông vào. Tui phải bảo vệ từng li từng tí. Tiếc rằng lúc ổng bị thương tui không còn đi với ổng nữa, lúc đó tui đã chuyển sang giao bưu rồi. Nếu còn tui chưa chắc ổng bị thương".
Chúng tôi hỏi tại sao, ông Quyện quả quyết: "Tui phải cãi ổng, phải ngăn chặn không để ổng vào nơi nguy hiểm chứ". Ông Quyện nói tiếp: "Sau khi ổng bị thương, tôi được điều lên chăm sóc ổng. Ổng cứ than mãi: Chưa bao giờ phong trào lên xao xáo như thế này, mà mình thì mất một chân. Thật là tiếc!".
  • Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)
-Kỳ cuối: "Đại anh hùng" Mười Khôi
Sau trận đánh diệt đoàn xe quân sự gần 100 chiếc của địch trận đó, theo ông Mười Khôi kể lại sau này, bên ta "chỉ có một cậu lính xung phong vấp té trầy mắt cá" - ông Mười Khôi đã đi khảo sát lại một mảng chiến trường rộng lớn của tỉnh, đi cùng một thư ký và một bảo vệ.


Gia đình ông Mười Khôi
Gia đình ông Mười Khôi
Khi giẫm phải mìn ở đèo Bằng Dinh (Tam Kỳ), người thư ký hy sinh, còn ông thì bị thương rất nặng. Người bảo vệ để ông nằm lại và đi gọi du kích đến khiêng.Ông kể lại: "Từ 10 giờ sáng đến 5 giờ rưỡi chiều du kích mới lên khiêng tôi đi. Chân tôi lúc đó nát bét. Nghe ở dưới địch bắn hàng loạt lên, tôi tưởng chúng xông lên. Tôi bò đến mấy tảng đá, rồi lên đó nằm. Tôi lấy máu từ vết thương viết lên đá: "Nhất định tôi chết, nếu anh em gặp thì chôn cất đi". Tôi lên đạn, để cây súng lên tay, trù định nếu địch mò tới thì bắn và nằm chết luôn ở đó.
Nhưng đến 5 giờ rưỡi chiều thì du kích đến khiêng tôi đi và mang cả xác người thư ký. Vừa ra khỏi chân đèo Bằng Dinh thì trời đã tối. Cậu y tá chích cho tôi mũi thuốc, lúc đó tôi đã bất tỉnh. Cứ thế anh em khiêng tôi đi suốt đêm, sáng hôm sau về đến cơ quan tỉnh, được y sĩ hướng dẫn khiêng tiếp đến bệnh viện tiền phương của tỉnh ở Tam Kỳ. Tôi nằm viện ở đó 3 tháng" (tài liệu đã dẫn).
Sau khi lành vết thương, bị cụt một chân không ở chiến trường được nữa, ông được đưa ra Bắc, tiếp tục chữa bệnh, rồi đi học văn hóa, học trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1973, được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định làm Trưởng tiểu ban xét duyệt Đảng tịch cho các đảng viên ở tù ra. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó bí thư thường trực Ban Cán sự Đảng B, cho đến ngày giải phóng.
Vợ ông Mười Khôi, bà Đặng Thị Hường, năm nay 87 tuổi. Bà Hường cũng là người tham gia chống Pháp, chống Mỹ, vừa lăn lộn với phong trào vừa sinh con và nuôi dạy con cái. Hai ông bà có 4 người con "Hòa, Chiến, Thắng, Trận" sinh ra trong chiến tranh, nay đều trưởng thành.
Anh Phạm Chí Hòa, hiện là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; anh Phạm Đình Chiến là đại diện của Vietnam Airlines tại Đức, chị Phạm Thị Thắng là Phó giám đốc một đơn vị của Tập đoàn tàu thủy Việt Nam, và người con út là anh Phạm Long Trận, nay là Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty bưu chính - viễn thông Việt Nam.
Chúng tôi tạm kết thúc thiên ký sự về ông Mười Khôi ở đây. Vẫn biết cuộc đời ông Mười Khôi có liên quan đến một tập thể những người kháng chiến lừng lẫy ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tập thể lừng lẫy đó lại nằm trong một Đảng lừng lẫy, một nhân dân anh hùng. Trong ký sự về một con người, chúng tôi không thể có điều kiện để viết về những người khác.
Viết về một con người, nhất là con người đó đã mất và nhiều đồng chí cùng hoạt động với người đó cũng không còn là điều rất khó. Trong những người còn sống, chúng tôi cũng mới có điều kiện gặp một số thôi. Bởi vậy, chúng tôi chỉ mới mô tả một vài nét chấm phá sơ lược về chân dung ông Mười Khôi.
Ông Mười Khôi đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Dĩ nhiên trong các danh hiệu Nhà nước phong tặng không có danh hiệu "đại anh hùng". Chúng tôi gọi ông Mười Khôi là "đại anh hùng" là do chúng tôi thán phục mà gọi như thế, chứ hoàn toàn không có ý đề cao người này mà hạ thấp công lao của người khác. Một thế kỷ máu lửa đã đi qua, sau khi làm cuộc Cách mạng Tháng Tám trời long đất lở để giành lại đất nước này, người Việt Nam phải liên tục tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: chống Pháp, đuổi Mỹ, rồi chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người đã ngã xuống, hàng triệu người để lại một phần máu xương cho đất nước. Không ai trong số họ đem máu xương ra để đổi lấy sự ghi công, để đổi lấy sự khen tặng.
Họ theo Đảng làm cách mạng, theo Đảng đi kháng chiến, vì một mục đích giản dị dễ hiểu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Họ sẵn sàng chết vì Tổ quốc, như nhà thơ Thanh Thảo đã nói thay họ:
"Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết".
Một bạn đọc gọi cho chúng tôi bảo rằng cái ông Nguyễn Văn Nhứt bảo vệ ông Mười Khôi bị địch bắt tra tấn dã man mà vẫn kiên trung kia cũng là một người vĩ đại. Chúng tôi cảm động với sự ngưỡng mộ của bạn ấy. Chỉ có kẻ "hư tâm" mới cãi lại người bạn đọc này rằng không được gọi một lão nông dân chân lấm tay bùn kia là một người vĩ đại, rằng ngôn từ đó chỉ dành cho các vĩ nhân.
Ngưỡng mộ, thán phục là việc của dân. Còn luận công phong tặng là việc của Nhà nước. Trong loạt bài viết về ông Lữ Minh Châu, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi có giới thiệu một đường dây chuyển tiền bí mật vào chiến trường thời chống Mỹ. Một tập thể mưu trí, dũng cảm, vượt qua trăm ngàn gian nan vất vả trên bom dưới đạn, đã chuyển hơn nửa tỉ đô la vào miền Nam cung cấp tài chính cho các chiến trường đánh Mỹ, bí mật tuyệt đối, kiểm toán không thất thoát một xu của cách mạng.
Dù nhiều vị lãnh đạo cấp rất cao của Đảng và Nhà nước nhiều lần đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng cho tập thể đó, nhưng đáp trả lại là một sự im lặng đáng sợ, với lý do được giải thích trước đó là đơn vị này đến nay không còn cơ quan chủ quản. Nhà nước không phong tặng, Nhà nước im lặng, nhưng đối với người dân, đối với đất nước này, họ vẫn là những anh hùng, là những người phi thường xuất chúng.
Ông Mười Khôi cả cuộc đời chưa bao giờ cho mình là anh hùng cả, dù trong ý nghĩ cũng không và theo chúng tôi biết thì cả đời ông Mười Khôi chỉ toàn xin chủ trương đánh giặc, xin vũ khí đánh giặc, còn xin việc riêng cho ông thì ông chỉ xin một lần duy nhất, đó là khi ra Bắc ông xin Đảng và Nhà nước làm cho ông 2 bộ răng giả, vì răng ông bị hỏng hết không ăn uống bình thường được. Mà hai bộ răng giả đó cũng đâu phải để ông ăn sung mặc sướng.
Học và làm theo Bác Hồ
...Câu chuyện về "Ông Mười Khôi, một đại anh hùng" như Báo Thanh Niên vừa biểu dương mới đây đã gây cho người đọc không chỉ sự xúc động mà cả một sự liên tưởng. Con người đã từng gắn bó với Quảng Nam và Khu V suốt từ Cách mạng Tháng Tám 1945 qua hai cuộc kháng chiến làm đến Bí thư Tỉnh ủy... có những cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng đến mức được đánh giá "Nói Quảng Nam trung dũng kiên cường mà không biết được ông Mười Khôi thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất ấy mang danh hiệu đó". Con người ấy đến cuối đời vẫn khiêm tốn trở lại với đời sống bình thường gần gũi với dân để sau khi đã khuất, hơn hai thập kỷ sau (cuối năm 2007) mới được phong Anh hùng khi những đồng đội làm đến chức nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và nhiều vị tướng lĩnh đề nghị. Điều đó làm người ta liên tưởng đến những đơn vị hay nhân vật mới nhận những tấm huân chương và danh hiệu cao ngất trời nhưng chưa được bao lâu đã bị pháp luật xử lý.
Ông Mười Khôi cũng giống như không ít những con người vào sinh ra tử nhưng cuối đời chấp nhận một cách sống khiến người đời ghi nhớ "Hai mươi năm trước đi ngang qua một ngôi nhà đường Quang Trung, TP Đà Nẵng vào mỗi buổi chiều, chúng tôi hay nhìn thấy một ông già chống nạng lò cò trước ngõ chơi với mấy đứa trẻ... Con người từng làm "kinh thiên động địa" một thời, sau giải phóng là một thương binh hưu trí, sống lặng lẽ như một người dân thường...".
Câu chuyện về những nhà lãnh đạo cao cấp khi rời chức vụ trả lại biệt thự và những đặc quyền trở về "trí sĩ" hay trở về đời thường sống gần với dân như ông Mười Khôi tuy chưa phải là phổ biến nhưng thực sự là những tấm gương để mọi người học theo như những bằng chứng mang lại niềm tin rằng những tư tưởng và tấm gương Bác Hồ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong cuộc sống ngày nay.
Nhắc đến tấm gương ông Mười Khôi, một người đồng chí lão thành đã từng làm đến chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng - ông Đỗ Quang Thắng đã phải đưa ra một nhận xét rất sâu sắc: "Tư tưởng Hồ Chí Minh hồi đó không ai hiểu sâu như bây giờ đâu, hồi đó chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" (tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc - BT) thôi, nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ".
Người dân mong muốn trong cuộc sống ngày nay có nhiều ông Mười Khôi hơn nữa để át đi những câu chuyện bê bối liên quan đến những người mà cương vị chắc chắn phải là những người gần gũi tư tưởng Hồ Chí Minh hơn những người dân thường. Và nếu đất nước ta càng có nhiều tấm gương những người lãnh đạo đã học và làm theo lời Bác thì lời nhận xét sâu sắc trên sẽ thành hiện thực là "ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ". (Trích bài Học và làm theo Bác Hồ của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Lao động cuối tuần số 4, 27.1.2008)
Dương Trung Quốc
  • Hoàng Hải Vân

Tổng số lượt xem trang