Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Soi gương

-Soi gương (TVN)  Cao Huy Thuần
Trong chuyện "Công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn", bà dì ghẻ của cô Bạch Tuyết ngày nào cũng soi gương thần và hỏi: "Hỡi gương thần, ai là người đẹp nhất trên đời này?" Lần nào gương thần cũng trả lời: "Tâu Lệnh Bà, Lệnh Bà là người đẹp nhất". Thế rồi bỗng một hôm, cũng câu hỏi ấy, bà hoàng giật mình nghe một câu trả lời khác: "Tâu Lệnh Bà, Lệnh Bà là người đẹp nhất, nhưng có người còn đẹp hơn Lệnh Bà".
Trên thế giới ngày nay, có kẻ cũng đã soi gương thần như vậy và cũng đã giật mình khi nghe một câu trả lời tương tự: "Tâu Ngài, Ngài mạnh nhất trên đời, nhưng... ha ha, có anh chàng kia đang muốn mạnh hơn Ngàỉ". Ai soi gương, ai hỏi gương thần, chuyện cổ tích thời đại này chỉ mới viết ngang đó, những trang sau hãy còn giấy trắng, mời mọc tương lai viết tiếp. Ta thử viết xem chơi cho vui, được chăng?
Vậy thì, những trang đầu viết như thế này, xin đọc lại. Trang thứ nhất: nước Mỹ soi gương và nghe nói mình là chúa tể. Trang thứ hai: nước Mỹ hết là chúa tể, chỉ còn lãnh đạo. Trang thứ ba: ha ha, ngay cả lãnh đạo cũng phải xét lại, vì Ngài đang xuống dốc, kẻ khác đang vù vù đi lên. Coi chừng, lãnh đạo đang có cơ trở thành đồng lãnh đạo, chữ G vừa được thiên hạ lắp thêm số 2 để thành G2. Này gương thần, cái viễn tượng đó ta đây không chấp nhận, làm sao tránh?
Câu hỏi được giải thích trong các trang kế tiếp. Nước Mỹ, dù đang khó khăn về nội bộ, dù đang suy thoái về kinh tế, vẫn là nước mạnh nhất về mọi lĩnh vực - quân sự, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, óc sáng tạo, tài thích ứng... Duy trì lãnh đạo chưa vượt quá khả năng của Mỹ. Vấn đề là làm thế nào để duy trì trong bối cảnh mới của toàn cầu, trong đó nhiều tay chơi đang nổi bật lên, và trong đó, khiếp đấy, có anh hảo hán đang từ thế tự vệ chuyển qua thế tấn công, từ thế hùm thiêng ẩn trong núi chuyển qua thế rồng bay vọt lên trời.
Mỹ vẫn là "quốc gia không thể thiếu vắng" ("the indispensable nation") như Mỹ tự định nghĩa về Mỹ. Ảnh: VnE
Làm thế nào? Sách lược đề ra là đa phương hóa. Một mình nước Mỹ giải quyết không nổi, hợp lý nhất là làm chung với các nước có cùng một quan tâm. Làm chung đâu có đánh mất vai trò lãnh đạo? Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại... Cây Mỹ, cây Âu châu, cây Nhật Bản có thể cùng nhau phối hợp một chính sách chung về mậu dịch quốc tế. Cây Mỹ có thể hợp tác với cây Nga trong việc biểu quyết các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ở chỗ khác, có cây Ấn Độ. Cây Mỹ cũng đang rất cần các cây khác để bảo đảm tự do giao thông trên đường biển. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.
Đừng tưởng đa phương hóa như vậy thì Mỹ xem nhẹ bớt đi vai trò văn hóa. Không thể nói đến lãnh đạo mà không phất cao lá cờ văn hóa, sức mạnh mềm mà ngày nay ai cũng nhận ra. Một nước, dù mạnh đến bao nhiêu đi nữa, mà những giá trị căn bản làm nên văn hóa của nước ấy không vượt quá biên giới quốc gia, không được quần chúng quốc tế san sẻ. không bao giờ có thể là bá chủ toàn cầu. Cho nên, với bạn hay với thù, đừng ngạc nhiên nếu nước Mỹ đặt nặng vấn đề văn hóa. Chính vấn đề đó quyết định tối hậu ai là bạn, ai là thù, ai là bạn giả, ai là bạn thật, ai là bạn giai đoạn, ai là bạn lâu dài, ai là bạn chiến thuật, ai là bạn chiến lược.
Đa phương hóa là mới, là phương cách để thích ứng sức mạnh vật chất trong hoàn cảnh mới. Đề cao văn hóa là cũ, là xác nhận sự trung thành với sứ mạng tinh thần tự gánh lên vai từ hồi trở thành cường quốc. Trên cả hai phương diện, lãnh đạo của Mỹ dễ quan niệm, dễ trình bày, bạn dễ nghe mà thù cũng dễ hiểu.
Đến điểm thứ ba này mới gay cấn: lãnh đạo thì không chấp nhận có kẻ cạnh tranh, thách thức. Gay cấn, là vì phải định nghĩa: thế nào là thách thức? Giá như kẻ kia thách thức công khai như Nhật ngày xưa đánh úp ở Trân Châu Cảng, thì trắng đen rõ ràng, nói làm gì. Còn nếu như cái chuyện "đánh úp" ấy chỉ mới nằm ở trong bụng thôi, thì làm sao moi bụng ra để biết? Mà chính trị, nhất là chính trị quốc tế, toàn là chuyện moi bụng nhau ra để dòm. Dòm ý đồ của đối phương. Chiến thuật, chiến lược, nói ngôn từ cho to thế thôi, kỳ thật cũng không khác gì đánh cờ tướng. Nó đi nước ấy là trong bụng nó nghĩ gì? Ta đi nước này thì nó nghĩ gì về bụng của ta? Nói cách khác, đoán ý đồ là soi bụng nhau, là... soi gương! Dân gian nói tài tình lắm: suy bụng ta ra bụng người. Suy bụng ta, ấy là soi gương vào bụng ta!
Bây giờ đây, soi thế nào vào đối thoại sau đây. Mỹ vừa nói trong bản tường trình hàng năm gửi đến Quốc hội: Trung Quốc thay đổi chiến lược, từ chiến lược phòng thủ, tập trung trên việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, qua chiến lược định nghĩa lại lợi ích quốc gia một cách rộng hơn, bao gồm cả lợi ích kinh tế từ nay trải rộng ra khắp toàn cầu. Mỹ kể: Trung Quốc đã xài hơn 150 tỷ đô la trong năm 2009 cho chi phí quân sự, nếu bổ túc thêm những lĩnh vực mà ngân sách chính thức tảng lờ đi, không nói. Mỹ lo ngại: Trung Quốc chế tạo một loại tàu ngầm nguyên tử mới có trang bị tên lửa liên lục địa. Mới đây thôi, cách đây 10 năm thôi, chỉ 10% lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc được xem là "hiện đại", bây giờ một nửa lực lượng ấy đã hiện đại hóa rồi, nhanh sao mà nhanh thế. Mỹ kể thêm về một nỗi lo ngại lớn hơn: sau khi đã thử nghiệm thành công tên lửa "diệt vệ tinh" đầu tiên năm 2007, bây giờ Trung Quốc tích cực đầu tư vào hệ thống phòng thủ không gian cũng như đang phát triển khả năng chiến tranh điện tử. Cuối cùng, Mỹ chép miệng: đáng sợ hơn nữa, quân đội nhân dân đang triển khai một tên lửa tầm xa "diệt hàng không mẫu hạm", trù liệu đặt tại căn cứ Shaoguan, phía bắc Quảng Đông. Eo ôi, tên lửa Đông Phong 21D này có thể hạ được một cái đích đang di chuyển ngoài biển cách xa hơn 900 dặm. Còn gì trái tim của lực lượng phóng quân Mỹ nữa!
Ấy là một nửa của đối thoại. Nửa kia là phản bác của Trung Quốc. Láo toét, Trung Quốc trả lời. Người phát ngôn bộ Ngoại giao tuyên bố: "Trung Quốc một lòng một dạ theo đuổi đường lối phát triển hòa bình và giữ vững chính sách phòng thủ quốc gia mà bản chất là tự vệ". Báo Huanqiu Shibao bình luận thêm: "Phát triển quân lực của Trung Quốc đi đôi với phát triển kinh tế. Lầu Năm Góc của Mỹ đang gặp khó khăn về ngân sách vì kinh tế suy thoái nên cố làm cho người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc là một đe dọa quân sự trường kỳ. Nhưng chính Mỹ đã để lộ ra tất cả gân cốt  trong việc bao vây Trung Quốc bằng những căn cứ quân sự, bằng chiến tranh ở láng giềng Afghanistan và bằng cách bán khí giới cho Đài Loan". Kết luận: Trung Quốc đâu có ý định làm thay đổi quân bình lực lượng! Cả khí giới lẫn tàu bè, nếu có phát triển, cũng chỉ để tự vệ mà thôi.
Soi gương đối thoại này, bỗng thấy chuyện cũ, cũ mèm. Tại Hội nghị tài giảm binh bị họp năm 1932, các phe thương thuyết đã từng cãi nhau về bản chất tự vệ hay tấn công của xe tăng và hàng không mẫu hạm. Lý thú hơn nữa là lý luận của Krushchev để biện minh cho việc đặt tên lửa của mình trên đất Cuba năm 1962: "Nếu tớ dí cái súng lục của tớ vào đầu ông thì cái súng của tớ là vũ khí tấn công. Nhưng nếu tớ dùng súng lục của tớ để ngăn không cho ông bắn vào tớ, thì chẳng phải cái súng của tớ là vũ khí tự vệ sao?" Đố ai biết cái gì là tự vệ, cái gì là tấn công. Bởi vì cái ấy nằm trong đầu trong bụng. Cả cái khả năng của bên này hay bên kia có sử dụng đến bom nguyên tử hay không, cũng nằm trong bụng - trong bụng của người nguyên thủ quốc gia. Điều duy nhất mà những kẻ tầm thường như chúng ta có thể nói được là: nếu nước nào đó đang phát triển khả năng gọi là phòng thủ, phát triển ấy cũng chứa đựng tiềm năng tấn công nếu trong bụng nước đó có ý định tấn công.
Đó là về phía đối phương của Mỹ. Còn về phía nước Mỹ, nước Mỹ có ý định tấn công không? Soi bụng người lãnh đạo, vậy mà dễ thấy hơn, vì có nhiều tiêu chuẩn cụ thể, cho phép suy đoán hợp lý.
Thứ nhất, từ ông tổng thống Wilson cho đến ông tổng thống Obama, ông nào cũng khẳng định một điều: giữ địa vị của nước Mỹ như là nước mạnh nhất. Cụ thể là gì? Là để không ai mạnh bằng! Họ mạnh thì mình bắt buộc phải mạnh hơn.
Do đó, thứ hai, Mỹ xài tiền về quân sự lớn hơn tổng cọng tiền xài về khoảng ấy của tất cả thế giới. Quân đội Mỹ ở trong tư thế sẵn sàng can thiệp trên khắp toàn cầu, cho nên lực lượng phóng quân của Mỹ rất hùng hậu, mà một số lớn tập trung trong vùng Á châu - Thái Bình Dương. Mỗi lần Mỹ điều động hạm đội hải chiến vào nơi nào đang căng thẳng, đe dọa quyền lợi an ninh của Mỹ hoặc của đồng minh, ai cũng biết: bản chất của việc điều động ấy không phải là để tự vệ.
Cứ như vậy mà xét thì, thứ ba, kẻ nào thách thức Mỹ không khỏi tự nghĩ: tay này không ngán đánh nhau. Chỉ kể từ sau chiến tranh lạnh mà thôi, trong 21 năm mà Mỹ đã làm chiến tranh 14 năm rồi. Coi như làm chiến tranh liên miên. Đừng tưởng ông Iran không biết soi bụng Mỹ. Đố ai dám nói chắc, đến một mức nào đó, Mỹ vẫn chịu nhịn, không xài đến vũ lực.
Sở dĩ như vậy là vì, thứ tư, dù tương đối suy yếu, Mỹ vẫn là "quốc gia không thể thiếu vắng" ("the indispensable nation") như Mỹ tự định nghĩa về Mỹ. Định nghĩa về mình như vậy thì hách thật, nhưng thế giới đều biết Mỹ vốn hách như thế. Tay này tự xem mình như có quyền và có trách nhiệm can thiệp trên khắp địa bàn thế giới. Chỉ nói riêng ở Á châu thôi, đầu thế kỷ 20, ông xông vào tận nhà trong của Trung Quốc với chính sách "mở toang cửa" ("open door policy"). Rồi ông làm chiến tranh với Trung Quốc ở Triều Tiên. Hồi đó, đồng minh Pháp và Anh của ông lo thất sắc, vì sợ ông can thiệp sâu quá ở Á châu mà sao nhãng quan tâm ở Âu châu, ngưỡng cửa của bức màn sắt. Ngày nay, Âu châu cũng đang lo như vậy, sợ ông trở lui về lại địa bàn Á châu, dành ưu tiên cho danh hiệu "Hoa Kỳ: cường quốc Á châu". Ấy là chưa kể ông làm chiến tranh với Nhật Bản, ông làm chiến tranh ở Việt Nam. Đúng là tay này khó dọa.
Có lẽ cũng nên dài dòng thêm chút nữa ở đây, nhắc lại quá khứ để suy đoán tương lai: ông ấy chuẩn bị làm tới kể cả lúc thua, lúc rút lui. Thua ở Việt Nam là thất bại duy nhất trong lịch sử của ông, cay lắm, vậy mà ngay tháng chạp 1975, chiến lược 6 điểm mang tên tổng thống Ford xác quyết tức khắc trong điểm 1: "Duy trì một vị thế áp đảo của Mỹ tại Thái Bình Dương. Sự bền vững của các quốc gia Á châu tùy thuộc vào vị thế đó". Ông Ford giải thích: "Giữ vững chủ quyền và độc lập của các nước bạn và các nước đồng minh Á châu vẫn là mục tiêu tối hậu của chính trị Hoa Kỳ".
Điểm 4 nói thêm: "Tiếp tục giữ một vai trò ở Đông Nam Á. Hoa kỳ chia sẻ những quan tâm chính trị và kinh tế của Indonesia, của Phi Luật Tân, của Thái Lan, của Singapore và của Malaysia, cũng như của Úc, của Tân Tây Lan trong vùng Tây Nam Thái Bình Dương". Ông Ford bình luận: "Trong cuộc viếng thăm Á châu của tôi, tôi hiểu rằng các nước bạn của ta đều muốn ta tiếp tục dấn thân vào quan hệ trong vùng ấy. Đó cũng là ý định của ta". Khi dừng chân ở Djakarta, ông tuyên bố: "Không có vùng nào quan trọng hơn cho Hoa Kỳ bằng Á châu".
"Học thuyết Ford" cũng được gọi là "học thuyết Thái Bình Dương" vì nó nhằm duy trì thế lãnh đạo của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bằng một chiến lược biển và đảo. Trên biển, tăng cường hạm đội Thái Bình Dương. Trên đảo, kéo dài một chuỗi căn cứ quân sự từ Nhật và Okinawa trong vùng Tây Bắc Thái Bình Dương cho đến Đài Loan, Phi Luật Tân và Micronésie trong vùng Tây Nam, và từ đó kéo đến tận Singapore và Diego Garcia trong vùng Ấn Độ Dương. Phần lớn quân đội Mỹ rút lui khỏi những căn cứ lục địa ở Thái Lan và Hàn Quốc đã được chuyển qua các căn cứ hải quân kế cận như Okinawa, Phi Luật Tân và Guam. Sau thất bại ở Việt Nam, Mỹ không đủ sức để duy trì một lực lượng quân đội vô tận trên đất liền, chiến lược hợp lý nhất và tiết kiệm nhất là dồn sức trên biển. Từ đất qua biển, ý định vẫn thế: sẵn sàng ở trong tư thế can thiệp. Thua mà vẫn gân guốc. Lùi là để vọt tới. Như con mèo. Chê hay khen, cứ việc, nhưng hãy tỉnh táo biết nước Mỹ là như vậy để suy đoán tương lai.
Vậy thì, tạm kết luận ngang đây: Không ai biết ý đồ của ai cả, nhưng cụ thể, một bên ở trong vị thế tấn công, một bên ở trong vị thế nói là tự vệ nhưng hàm chứa tiềm năng tấn công nếu muốn. Bên phía có thể tấn công, tín hiệu bắn qua bụng bên kia là: ta đây là bậc lãnh đạo, lãnh đạo thì phải hành động như thế, không khác được, và lãnh đạo có nghĩa là bao gồm cả thế giới không loại trừ địa bàn nào, nhất là địa bàn quan trọng.
Thế nhưng tới đây, kẻ lãnh đạo vấp phải một thực tế khó chối cãi: Xưa nay, trong lịch sử, chưa từng có một bá chủ nào thống lĩnh toàn vẹn địa cầu, kể cả đế quốc La Mã, kể cả đế quốc Anh. "Mặt trời không lặn trên đế quốc Anh" là một câu nói nhiều thơ mộng hơn là thực chất. Đế quốc Mỹ cũng vậy thôi. Thống lĩnh toàn vẹn địa cầu thì phải điều quân từ rất xa. Mà lực lượng phóng quân, dù hiện đại bao nhiêu đi nữa, cũng không thể thần tốc, vụt một cái là vượt qua được Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Cho nên nước nào mạnh nhất ngày nay cũng đều chỉ có thể ôm trong bụng sách lược này thôi: chế ngự vùng của mình như là một bá chủ vùng, rồi lân la đặt chân lên vùng khác để làm bàn đạp tiến nữa. Lịch sử Âu châu là vậy. Napoléon làm chiến tranh liên miên cũng chỉ cốt làm bá chủ vùng Âu châu. Mà không được! Hitler làm được nhưng cũng chẳng lâu bền hơn số kiếp con phù du.
Ây vậy mà nước Mỹ làm được. Lịch sử của Mỹ trong suốt 115 năm sau ngày độc lập là từng bước, từng bước, không mỏi mệt, không ngừng nghỉ, nới rộng biên giới từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương như là một phần của chiến lược mà mục tiêu là bá chủ Đông bán cầu. Xâm lăng, chiếm cứ, thuộc địa hóa, bung lãnh thổ, lịch sử của nước Mỹ là một chuỗi thành công suốt thế kỷ 19. Và cả thế kỷ 20 dù vấp quả trứng Việt Nam. Không mỏi mệt, anh này đã tống khứ tất cả cường quốc Âu châu ra khỏi vùng của anh để trở thành bá chủ vùng.
Xong cái chuyện bá chủ vùng rồi, phải làm gì nữa? Phải ngăn, không cho các anh nuôi mộng bá chủ ở vùng khác mạnh lên đến mức rắp ranh bước theo vết chân của mình. Vì vậy mà Mỹ đã choảng nhau với nước Nhật quân phiệt, với nước Đức đế chế, với nước Đức quốc xã, với Liên Xô. Các anh ấy mà làm bá chủ vùng rồi tất trở thành đối thủ, phải hạ xuống, trước khi các anh mon men lủi vào sân sau của vùng ta hoặc cạnh tranh với ta để hạ ta trên trường quốc tế. Chận các anh lại trên bước đường tiến tới bá chủ vùng, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Gián tiếp, nghĩa là bằng cách tiếp sức cho đối thủ nào đó ở trong vùng đang gờm các anh, nuôi cọp này để đè chừng cọp kia. Thường thì hai cọp. Ba cọp càng tốt. Nhiều cọp nhỏ nữa, càng hay: ấy là đa phương hóa an ninh như đã nói ở trên. Trong suốt một thế kỷ, Mỹ đã làm như thế: đô hộ vùng của mình và ngăn cản không cho ai khác đô hộ Âu châu hay Á châu như Mỹ đô hộ vùng của Mỹ.
Mỹ đã làm như vậy, tại sao kẻ khác không làm như vậy? Họ ngu gì mà không làm như vậy? Mỹ đã tống các cường quốc Âu châu ra khỏi vùng của Mỹ hồi thế kỷ 19, tại sao người khác không nghĩ đến việc tống Mỹ ra khỏi vùng của họ? Trong những năm 1930, Nhật hô hào "Á châu của người châu Á" với chương trình Đại Đông Á. Ấy là muốn tống các cường quốc thuộc địa Âu Mỹ ra khỏi vùng Đông Á xem như đã ngon xơi vào tay của Nhật. Cho nên, nếu Mỹ soi vảo gương, nghĩa là vào bụng mình, thì suy ra bụng của Trung Quốc hay của bất cứ cường quốc nào, để thấy ai cũng sẽ làm như mình. Điều đó quá bình thường cho mọi cường quốc. tỉnh táo mà nhận định như vậy với một cái đầu rất lạnh để đừng khen đừng chê. Chính vì soi gương như vậy cho nên thay vì tập trận với hải quân Hàn Quốc trên Hoàng Hải để đe Bắc Triều Tiên hồi tháng 8 vừa qua, thao diễn thủy chiến Mỹ-Hàn đã dời sâu hơn qua phía đông, trong biển Nhật Bản. Cũng như Mỹ, Trung Quốc làm sao nhìn tàu chiến của ai rượt qua rượt lại ngay sau nhà bếp của mình?
Chuyện đó bình thường. Cho nên, cũng rất bình thường: không kẻ lãnh đạo nào chấp nhận bị tống khứ ra khỏi một vùng mà mình cho là quan trọng. Nước Mỹ có cả một thế kỷ xương máu để bắn tín hiệu đó vào bụng bất cứ ai: ta đây chưa hề đi lui.
Chuyện cổ tích thời đại này chưa có kết luận, tất cả những trang giấy sau hãy còn để trắng. Ai lạc quan, cứ viết thêm một happy end như đoạn kết của mọi chuyện cổ tích. Ai bi quan, có thể thở dài mà đặt bút: tương lai của Á châu là quá khứ của Âu châu. Nghĩa là chiến tranh. Kẻ viết mấy dòng này không lạc quan cũng chẳng bi quan. Nếu viễn tượng là chiến tranh, thì hãy làm mọi cách để gìn giữ hòa bình. Đó là vai trò của các chú cọp con. Huống hồ binh pháp ngày xưa có nói: "Đặt vào chỗ chết thì sống". Biết đâu viễn tượng chiến tranh là chỗ sống của ta. Biết đâu ở cái chỗ đó ta sống ngửa mặt lên trời, không khom lưng cúi đầu trước bất cứ ai, bạn cũng như thù của bạn? Kết luận, do đó, có thể tóm gọn vào một chân lý này thôi, duy nhất và hiển nhiên: trước bối cảnh căng thẳng, trước viễn tượng chiến tranh, lạnh hoặc nóng, hãy tự định nghĩa mình với chính mình, với thế giới rộng lớn và với thế giới gần gũi chung quanh: ta đây cũng là một "indispensable nation" cho hòa bình, cho khu vực. Vị thế của ta là vậy. Địa lý của ta là vậy. Sống còn của ta là vậy. Và chỉ có như vậy ta mới đi ở giữa mặt trời, đầu ngẩng, lưng thẳng.
(Bài cũng đăng trên Người Đại biểu Nhân Dân xuân Tân Mão)

Tổng số lượt xem trang