Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Người ta dựng tháp chuông Đồng Lộc để làm gì?

Chuông ở Tháp chuông Khu di tích ngã ba Đồng Lộc cần có một cái tên (Ảnh nguồn internet)
-Thấy gì ở Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc ?
(Tamnhin.net) – Công trình tháp chuông được xây dựng tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc xương máu làm nên chiến thắng oanh liệt. Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy nhiên việc chuông chưa được khắc tên và chưa có bài minh đang gợi nên băn khoăn trong lòng nhiều du khách.

Trở lại Đồng Lộc vào một ngày tháng Tám mùa thu, chúng tôi càng thấm thía hơn về nghĩa tình cách mạng trong lòng bao thế hệ người Việt. Ngã Ba Đồng Lộc ngày nào cũng vậy, rất đông người và các loại xe ô tô mang nhiều loại biển kiểm soát khác nhau trên khắp mọi miền đất nước đậu chật kín bên đường.

Du khách hài lòng trước sự tiếp đón lịch sự, tận tuỵ và mến khách của Ban tổ chức Khu di tích lịch sử cách mạng Ngã Ba Đồng Lộc. Các hạng mục di tích được đầu tư xây dựng ngày càng đúng tầm, đúng nghĩa với khu di tích lịch sử quốc gia. Trong chiến tranh ác liệt, Ngã Ba Đồng Lộc “địa chỉ chết” của “thần sấm”, “con ma”. Ngày nay trong hoà bình xây dựng và phát triển, Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ thu hút nhân dân cả nước hành hương về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Nhưng có một điều làm cho nhiều du khách đến đây thăm viếng còn băn khoăn là quả chuông ở di tích chưa được đặt tên và chưa có bài minh chuông. Không hiểu do nhà thiết kế hay là sự chậm trễ của Ban tổ chức khi tiến hành xây dựng tháp chuông?.


Tháp chuông Đồng Lộc lung linh trong đêm (Ảnh nguồn Internet)

Ông Dương Phước Thu - nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ở thành phố Huế nói: “Trên đất nước ta có rất nhiều đền, chùa, nhà thờ và di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng. Hầu như ở đó đều có treo chuông. Quả chuông được khắc tên, khắc bài minh chuông nói về lịch sử ngôi đền, chùa, di tích lịch sử có từng khi nào do cá nhân hay tập thể dựng nên. Ở Thành cổ Quảng Trị họ treo quả chuông rất to, khắc tên trên quả chuông là Thành cổ Quảng Trị và bài minh chuông ngắn gọn, ngôn từ giàu tính biểu cảm và dễ nhớ.

Hoặc quả chuông ở Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị, quả chuông Hoà Bình trên đỉnh núi Ngũ Phong ở thành phố Huế họ đặt tên đúng với địa danh và bài minh chuông khắc trên quả chuông khái quát lịch sử địa danh đó. Thành thử tôi nghĩ do nhà thiết kế hay Ban tổ chức xây dựng tháp chuông, họ treo quả chuông lên mà quả chuông không có tên, không có bài minh chuông khắc trên quả chuông thì họ nghĩ gì?”.

Còn ông Dương Châu, xóm 6, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà mộc mạc tâm sự: “Năm 1968 - 1972, tôi đi thanh niên sẵn sàng phục vụ tuyến đường tỉnh lộ 15, đoạn đường qua Ngã ba Đồng Lộc này. Từ ngày tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc xây dựng xong, lúc nào nhàn rỗi việc nhà tôi lại đến Ngã ba Đồng Lộc leo lên tầng 7 tháp chuông ngắm nhìn, hồi tưởng về những trận đánh, thương nhớ các đồng đội đã hy sinh. Trong các lần đến đây, tôi luôn thấy từng đoàn người đến xem rồi bàn tán xôn xao là tại sao quả chuông không có tên, không có bài minh chuông. Đưa vấn đề này trao đổi với các đồng đội thì mọi người đều có chung suy nghĩ: Đất nước ngày một đổi mới đi lên, đời sống và trình độ dân trí người dân rất cao, thành thử thiếu sót một chi tiết nào là họ phát hiện và bàn tán là có lý, đúng với cơ sở thực tế”.

Quả thật đây là điều khá hi hữu, lịch sử kiến trúc xây dựng chùa, đền, di tích lịch sử… nước ta xưa nay không ai làm vậy. Hơn nữa dùi đánh chuông không nên dùng dây xích khoá lại mà để cho khách được đánh mỗi người 1 – 3 tiếng. Bởi khách đến Đồng Lộc tâm tưởng ai cũng muốn được leo lên tháp chuông ngắm nhìn thiên nhiên quang cảnh Ngã ba Đồng Lộc, được đánh một đến ba tiếng chuông để cầu nguyện hương hồn cho các liệt sỹ an nghỉ vĩnh hằng, mọi người đoàn kết, ra sức lao động và học tập… để xây dựng đất nước như nhiều di tích trên đất nước ta đã làm.

Việc đặt tên chuông và khắc bài minh chuông là việc làm khó khăn và phức tạp nhưng thiết nghĩ đây là một việc làm cần thiết, không nên để quá lâu. Trách nhiệm này thuộc về ai, thiết kế dự án hay Ban tổ chức xây dựng tháp chuông Ngã Ba Đồng Lộc?

Câu trả lời xin dành cho cơ quan chủ quản ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.

                                                    Quốc Tuấn – Hà Vy
Tháp chuông Đồng Lộc: thiếu cả văn hoá lẫn tâm linh (Nguyễn Hữu Quý blog) Người ta dựng tháp chuông Đồng Lộc để làm gì?
Mới đây, tại Quảng trường Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh, người ta đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Tháp chuông Đồng Lộc. Khi nhìn thấy Tháp chuông đó, tôi giật mình hỏi : “ Người ta dựng Tháp chuông Đồng Lộc để làm gì ?”
Một câu hỏi thật buồn cười và ngớ ngẩn phải không ? Đúng. Nhưng chính sự buồn cười và ngớ ngẩn ấy là nội dung của câu trả lời. Ai cũng biết Ngã ba Đồng Lộc gắn với một sự kiện đặc biệt của lịch sử bi tráng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại. Nơi đó, có biết bao con người đã hy sinh cuộc đời mình cho độc lập, tự do của tổ quốc.



Và đặc biệt, nơi đó mấy chục năm về trước, 10 cô gái đã ngã xuống với tuổi thanh xuân của mình. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của họ. Nơi họ ngã xuống cùng bao người con khác của dân tộc Việt nam đã biến mảnh đất đó thành niềm đất thiêng. Bởi thế, mọi công trình xây dựng ở địa điểm đó phải là những công trình giản dị nhưng tôn nghiêm và tạo ra sự linh thiêng cho cả quần thể tưởng niệm đó.
Thế nhưng khi nhìn thấy ảnh Tháp chuông Đồng Lộc, tôi không thể không lên tiếng. Mà không chỉ tôi muốn lên tiếng mà còn rất nhiều người khác cũng muốn lên tiếng như tôi về cái Tháp chuông này. Từ tấm ảnh chụp Tháp chuông rực rỡ ánh điện giống như một nhà hàng thời nay, tôi nhận thấy sự vô nghĩa của nó.
Trước khi nói đến điều không muốn nói dưới đây, tôi xin cúi đầu bái vọng linh hồn 10 cô gái và linh hồn những người đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc cho hòa bình của tổ quốc và cầu mong các linh hồn xá tội cho tôi khi nói những lời không phải về một công trình liên quan đến các linh hồn.
Điều vô nghĩa mà tôi nói đó chính là sự phi truyền thống trong một công trình linh thiêng và tâm linh. Dọc đất nước chúng ta có biết bao các công trình như chùa chiền, đền thờ, miếu mạo đã tạo nên một không gian kiến trúc hài hòa trong tinh thần văn hóa Việt cùng với sự linh thiêng và một không khí tâm linh trùm phủ . Tháp chuông có thể không sao chép những công trình đã xếp hạnh di tích văn hóa nhưng phải được sáng tạo trên nền tảng đó. Nhiều người cho rằng Tháp chuông này như bản sao cái Hoàng Hạc Lâu và những gì gì đó của Trung Hoa.
Lại có người cãi ở nước Nam ta có bao nhiêu cái tháp chẳng có mái cong như Hoàng Hạc Lâu là gì. Xin thưa người Nhật cũng có mái cong, người Hàn cũng có mái cong, người Thái cũng mãi cong, Miến Điện cũng mái cong...nhưng nhìn là thấy ngay cái nào thuộc Nhật, thuộc Hàn và cái nào thuộc Thái...Còn cái Tháp chuông ở Ngã ba Đồng Lộc nhìn là thấy thuộc...Trung Hoa. Giống hay không giống Hoàng Hạc Lâu của Trung Hoa xin để các kiến trúc sư và các nhà sử học phán định. Tôi chỉ xin nói về "điểm chết" của công trình này.
Nguyên tắc hay văn hóa trong kiến trúc những công trình nhằm để tưởng nhớ, tưởng niệm hay để thờ một người hay nhiều người như đền thờ, miếu mạo...chính là khả năng thiêng liêng và tâm linh hóa những công trình đó. Ở một nơi chốn có thể nói là máu của những người anh hùng đã hy sinh có thể nhuộm đỏ đất đai, cây cỏ thì không thể xây dựng một công trình có tính trang trí, phô trường và  hoa hòe hoa sói như vậy.
Nếu du khách nhìn Tháp chuông trong đêm mà không được giới thiệu nơi đó có lịch sử như thế nào và mục đích của những người dựng Tháp chuông kia thì nghĩ Tháp chuông nhiều tầng lòe loẹt ánh đèn kia có lẽ là  nơi trà lầu, tửu quán vậy. Với hình dáng, ánh sáng lòe lọet như vậy thì việc tạo ra hiệu ứng tâm linh của Tháp chuông là bằng 0.  Rồi du khách đến trước Tháp chuông sẽ bị  thứ ánh sáng lòe loẹt tạo ra cảm giác đang ở một khu du lịch chứ không tạo ra được mối giao cảm nào giữa những người còn sống và linh hồn  những người đã mất.
Khi  không tạo được mối giao cảm đó thì mọi công trình với mục đích để thờ, để tưởng niệm...sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Đặc trưng của cuộc chiến tranh ở ngã ba Đồng Lộc và sự hy sinh huyền thoại đầy tính bi tráng của những người anh hùng đã rung động tận đáy tâm can con người Việt Nam đã trực tiếp mang đến tư tưởng và cảm hứng một cách rõ ràng cho những người xây dựng quần thể kiến trúc tâm linh đó. Thế mà, tôi không hiểu tại sao người ta lại dựng lên một Tháp chuông như vậy ?  Một cái Tháp chuông với đèn hoa quá sặc sỡ có lẽ để khoe với thiên hạ chứ đâu để tìm ra một " cánh cửa giao cảm" với những người đã khuất./.
Nguồn: Vnn.vn


-THÁP CHUÔNG TƯỞNG NIỆM 10 CÔ GÁI NGÃ BA ĐỒNG LỘC- "HOÀNG HẠC LÂU" CỦA HÀ TĨNH ? Phúc Lộc Thọ.

- Tháp chuông tưởng niệm 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc- "Hoàng Hạc Lâu " của Hà Tĩnh...
Báo SGGP đưa tin: “Tối 2-1, tại Quảng trường Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Đầu tư, Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động, Học viện Quốc phòng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Tháp chuông Đồng Lộc.
Các đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội cùng lãnh đạo các bộ, ban, nghành Trung ương, lãnh đạo TPHCM và đông đảo nhân dân địa phương, lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động đã đến dự.

Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, đến nay công trình Tháp chuông Đồng Lộc toạ lạc trên ngọn núi Mũi Mác nằm trong Khu di tích lịch sử Ngã ba đã chính thức được khánh thành. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 27 tỷ đồng do đồng bào cả nước tình nguyện đóng góp, trong đó các hạng mục chính như, tháp chuông cao 37m bao gồm 7 tầng và 1 tầng áp mái (trị giá gần 14 tỷ đồng), quả chuông đồng nặng gần 6 tấn, cao 3,7m, đường kính 1,95m được treo ở tầng thứ 7 (trị giá 2,5 tỷ đồng) và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống khuôn viên với kinh phí 10 tỷ đồng do Đảng bộ, nhân dân TPHCM đóng góp...

Tháp chuông Đồng Lộc là công trình có giá trị lịch sử, tâm linh thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước tưởng nhớ đến công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc nơi “chảo lửa, túi bom” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất đã đi vào huyền thoại của dân tộc…”
Đọc bản tin trên và nhìn hình tấm ảnh chụp Đài tưởng niệm lung linh ánh điện, nhiều người bất chợt nhớ tới một bài thơ của Lý Bạch, đó là Bài Hoàng Hạc Lâu. Xin chép ra đây toàn văn bài thơ này cả chữ Hán và bản dịch rất thành công của cụ Ngô Tất Tố…

       Lầu Hoàng Hạc bên bờ sông Dương Tử của Trung Quốc...

Nguyên văn chữ Hán:

黃鶴樓送孟浩然之廣陵
故人西辭黃鶴樓, 煙花三月下陽州。 孤帆遠影碧空盡, 惟見長江天際流。

Dịch nghĩa:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. 
Dịch thơ:
Lầu Hoàng Hạc tiễn bạn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
(Người dịch: Ngô Tất Tố)

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời…

Sở dĩ liên tưởng tới bài thơ trên của Lý Bạch là bởi cái lầu Hoàng Hạc mà thi sĩ Lý Bạch nhắc đến ấy, nó được bê y chang làm Đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc trong chiến tranh chống Mỹ…
Nhiều người khi xem Đài tưởng niệm 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đoán rằng: các cô gái của hậu duệ của Thi hào Nguyễn Du, chắc là yêu thơ lắm nên mượn cái Lầu Hoàng Hạc của Trung Quốc về để các cô còn có dịp ngâm ngợi thơ Đường…
Hu… hu…nhìn tác phẩm Đài tưởng niệm mà thấy chạnh lòng: kể đây cũng là một sáng kiến hay ho của giới kiến trúc tài hoa và am hiểu Đông Tây kim cổ của Việt Nam ?
Hay đây là một sáng kiến để Hà Tĩnh đất thơ có thêm một Hoàng Hạc Lâu để cụ Nguyễn Du và 10 cô gái thanh niên xung phong không cảm thấy ???

Hoàng Hạc Lâu của Trung Quốc...

Hoàng Hạc Lâu của Hà Tĩnh ...

P.L.T.

Tổng số lượt xem trang