Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011
Theo giới quan sát, nhiều khả năng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm thêm một nhiệm kỳ
-Trong bối cảnh Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào tuần tới, giới thạo tin và các nhà quan sát, được AFP trích dẫn, đưa ra những nhận định về thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, người có thể sẽ tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Một quan chức trong đảng Cộng sản Việt Nam, xin giấu tên, nói ông Dũng « thực sự là một chính trị gia đầy mưu mô » và chưa bao giờ lại có một vị lãnh đạo đầy tham vọng như thế.
Theo các nhà quan sát chính trị Việt Nam, thì ông Nguyễn Tấn Dũng, đã từng có thời làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã sống sót, bảo vệ thành công chiếc ghế thủ tướng của mình trước sự thách thức, tấn công dữ dội của ông Trương Tấn Sang, là dân miền Nam cùng thế hệ và lâu nay vẫn là một đối thủ của ông Dũng.
2010 là năm đầy sóng gió với ông Nguyễn Tấn Dũng. Ngay trong Đảng, ông đã bị chỉ trích mạnh mẽ về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, món nợ khổng lồ của Vinashin, đấu tranh chống tham nhũng không có hiệu quả. Ngay tại Quốc hội mà tuyệt đại đa số là đảng viên, một số đại biểu còn kêu gọi ngừng dự án bauxite, một hồ sơ gây tranh luận từ nhiều năm qua, do có sự dính líu của Trung Quốc tại một nơi nhậy cảm về chiến lược và an ninh đối với Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội còn yêu cầu chính phủ trả lời về vụ Vinashin. Doanh nghiệp Nhà nước này mắc nợ tới 4,4 tỷ đô la và cuối tháng 12 vừa qua, đã không trả nổi khoản nợ 60 triệu đô la đáo hạn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chủ trương thúc đẩy việc xây dựng các tập đoàn kinh tế. Tháng 11 năm ngoái, ông đã phải thừa nhận trách về « những hạn chế và yếu kém » trong vụ Vinashin.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc trường đại học New South Wales – Úc, nói rằng ông Dũng đã phải làm rất nhiều việc để khống chế những thiệt hại và tác động của vụ Vinashin và dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Tuy vậy, theo giới quan sát, ông Dũng dường như vẫn có được sự ủng hộ cần thiết cho phép ông tiếp tục giữ chiếc ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. Một nguồn tin trong đảng cộng sản nói rằng ông Dũng đã từng phục vụ trong quân đội và công an trong vòng 2 thập niên, do vậy, ông có được sự ủng hộ của bộ máy an ninh, của nhiều bộ trưởng cũng như lãnh đạo các tỉnh.
Theo AFP, một nhà ngoại giao của ASEAN nhận định là ông Dũng dường như trong thế thượng phong và sẵn sàng làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. « Ông tỏ ra năng động hơn, tập trung hơn ». Ông Benoit de Treglode, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, IRASEC, ở Bangkok nhấn mạnh, ông Nguyễn Tấn Dũng rất chú trọng đến việc tạo dựng hình ảnh của mình, kể từ khi nhậm chức thủ tướng cách nay 5 năm. Ông đã tạo ra một sự biến đổi theo hướng cá nhân hóa quyền lực tại một đất nước vốn có truyền thống duy trì văn hóa bí mật trong những vấn dề chính trị quan trọng. Chuyên gia Treglode thừa nhận là ông Dũng tỏ ra nổi bật trên các phương tiện truyền thông và có hình ảnh tốt trên chính trường quốc tế. Đây cũng là ý kiến của một nhà ngoại giao ASEAN : Tại Việt Nam, « quyền lực phụ thuộc nhiều vào tính cách ».
Các nhà phân tích cho rằng đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Trương Tấn Sang có nhiều khả năng được chỉ định giữ chức chủ tịch nước. Đây dường như là kết quả của cuộc « hưu chiến » được thương lượng giữa hai nhân vật này. Bình thường ra, chức chủ tịch nước không có nhiều thực quyền, nhưng theo một số nguồn tin, nếu lên làm chủ tịch, ông Sang sẽ có nhiều quyền hành hơn.
Ngoài thủ tướng, chủ tịch nước, trong bộ ba chóp bu quyền lực tại Việt Nam còn có Tổng bí thư đảng Cộng sản. Chức vụ này có thể được giao cho đương kim chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, người được coi là chuyên gia về chủ nghĩa Mác Lênin và ý thức hệ của đảng Cộng sản cầm quyền. Ông Nguyễn Phú Trọng là người miền bắc, được miêu tả là « có đức tính tốt của một người cao tuổi ». Theo giới quan sát, trái ngược với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng là một quan chức theo mô hình cổ điển của một thời đã qua tại Việt Nam, do vậy, ông Dũng không coi đây là một mối nguy hiểm chính trị.
Trên đây là những nhận định của giới quan sát về những dàn xếp nhân sự lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở những diễn biến tình hình cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, việc triệu tập Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 hai ngày trước khi khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc cho thấy có thể vấn đề nhân sự chưa được dàn xếp xong và không loại trừ những đột biến vào giờ phút chót.
-
-Đảng Cộng sản Việt Nam bất ngờ họp hội nghị trung ương 15 (RFI)-Theo báo chí trong nước, hôm nay, 08/01/2011, hai ngày trước Đại hội đảng tòan quốc lầng thứ 11, hội nghị trung ương lần thứ 15 được khai mạc tại Hà Nội. Ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thư Đảng cho biết công việc chính của hội nghị này là làm nốt các công việc còn lại sau hội nghị trung ương 14 được tổ chức vào giữa tháng 12 vừa qua. Cụ thể là hoàn chỉnh phương án nhân sự ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung uơng cũng như các dự thảo văn kiện về Quy chế, Chương trình Đại hội 11, ra soát lại các công việc chuẩn bị cho Đại hội.
Sự kiện này có phần gây bất ngờ đối với giới quan sát. Bình thường ra, trước Đại hội Đảng thì có họp trù bị. Hơn nữa, trước đây, theo nhiều nguồn tin, thì hội nghị trung ương 14 là hội nghị cuối cùng trước Đại hội 11.
Thế nhưng, lần này, đảng Cộng sản Việt Nam lại triệu tập thêm một hội nghị trung ương nữa, chứ không phải là hội nghị trù bị. Điều này càng củng cố những nguồn tin, theo đó, nhiều vấn đề, đặc biệt là về nhân sự, chưa được dàn xếp xong. Không loại trừ những thay đổi bất ngờ trong giờ phút chót.