Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - nhân vật của năm 2010



TT Dũng có xứng đáng là Nhân vật 2010?
Năm hết, tết đến là dịp các báo  bình bầu nhân vật hàng năm của báo mình. Danh giá nhất, đình đám nhất và cũng khởi sự sớm nhất có lẽ là sự bầu chọn của tạp chí Time. Các nhân vật được chọn lựa của Time thường có tầm ảnh hưởng tới cả thế giới. Hôm trung tuần tháng 12 năm nay, nhà tỷ phú trẻ 26 tuổi, người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg,
đã được Time bình chọn là Nhân vật của năm 2010 dù anh thua ông chủ Wikileaks về số vote của công chúng. Facebook đã làm thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực, là công cụ hữu hiệu giúp mọi người chia sẻ thông tin, tạo liên kết xã hội giữa các thành viên. Hiện Facebook là trang mạng đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng thế giới về số lượng truy cập, đặc biệt có tới 70% người sử dụng Facebook thuộc những quốc gia ngoài Mỹ. Facebook đã tạo ra sự hòa quyện và liên kết toàn cầu. Ngoài ra, Mark Zuckerberg  cũng được đánh giá cao qua một số hoạt động từ thiện. Đa số cho rằng ông chủ Facebook xứng đáng với sự lựa chọn này.
Ở một đất nước mà Facebook còn đang bị ngăn chặn, người ta cũng có một cuộc bình bầu. Tuy không rành mạch, rõ ràng như Time, công bố cho toàn thế giới biết có bao nhiêu ứng viên cạnh tranh vào vị trí “Nhân vật năm 2010″ và số phiếu của từng ứng viên là bao nhiêu, nhưng các  trang báo trong nước hôm qua, 1/1/2011 đã đồng loạt công bố: Nhân vật năm 2010 của báo chí Việt Nam là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trang VnExpress lý giải về sự bình chọn của mình như sau: “Việt Nam ghi dấu đậm nét trong vai trò Chủ tịch ASEAN, tái cơ cấu tập đoàn Vinashin… những sự kiện lớn của đất nước trong năm đều có dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
Tờ TuanVietNam cũng có những đánh giá tương tự, gọi thủ tướng Việt Nam là người “đứng đầu sóng ngọn gió”, ngồi vào “chiếc ghế nóng nhất” và những “trọng trách đặt lên vai luôn nặng nề”. Tờ báo cũng ca ngợi thái độ thẳng thắn nhận trách nhiệm của thủ tướng Việt Nam trong các phiên chất vấn của Quốc hội: “cách mà người đứng đầu Chính phủ đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội cuối cùng, với sức ép chưa từng có tiền lệ ở Quốc hội đối với vị trí Thủ tướng đã nói lên được nhiều điều”.
Báo của họ, quyền trong tay họ, bầu chọn ai là việc của họ hay nói rộng ra chút nữa, là quyền của Bộ Truyền thông- Thông Tin, cơ quan chủ quản, Tổng biên tập của 700 tờ báo ở Việt Nam. Nhưng người được bình chọn có xứng đáng hay không thì lại khác, mỗi người có quyền phân tích, đánh giá, nhận định khác nhau, ít nhất cũng trên các trang diễn đàn lề trái.
Theo dõi các ý kiến trên các trang blog, có người nói ông Dũng xứng đáng, có người nói không. Nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng người xứng đáng là đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, bạn đọc một số muốn bầu cho giáo sư Ngô Bảo Châu, số khác lại bình cho cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An.v.v.
Vậy thủ tướng Dũng có xứng đáng là Nhân vật của năm 2010 không? Xin lần lượt điểm qua các ‘ưu điểm’ của ông Dũng đã được báo chí trong nước liệt kê như những tiêu chí để ông được bình chọn vào vị trí này.
“Vai trò Chủ tịch ASEAN”: Năm rồi, Việt Nam  là Chủ tịch khối ASEAN nhưng phải hiểu rõ rằng, Việt Nam ngồi vào vị trí này không phải do bầu bán hay tài cán, giỏi giang gì, mà là chuyện “đến hẹn lại lên” theo quy định luân phiên của ASEAN. Nên, việc thủ tướng Dũng ngồi ghế chủ tịch không thể được coi như một thành tích.
Dù trong năm qua, không thể phủ nhận những kết quả nhất định mà Việt Nam đã đạt được trong nỗ lực ngoại giao nhằm đa phương hóa những tranh chấp biển Đông sau nhiều năm bị kẹt trong thế song phương “hữu nghị” với Trung Quốc. Nếu đây có thể gọi là “thắng lợi” thì là thắng trong thế thua và chỉ nên ghi nhận chứ không nên quảng bá rùm beng như một thành tích ngoại giao… Mưu đồ xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc đã có từ những năm 1950 của thế kỷ trước mà nhiều thế hệ cầm quyền của đảng Cộng sản đã  không có những chính sách ngoại giao và quân sự hữu hiệu để bảo toàn giang sơn của Tổ quốc, nên nay nếu họ có sửa sai thì điều đó không thể gọi là “chiến thắng”.
“Tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực”: Báo cáo của chính phủ cho biết, GDP 2010 của Việt Nam đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra, là kết quả cao hàng đầu khu vực (chỉ sau Trung Quốc và Singapore), tăng trưởng xuất khẩu cao gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD…
Ở đây, khoan nói tới mức độ chính xác của các bản báo cáo tại Việt Nam và chuyện “vượt kế hoạch”, “vượt chỉ tiêu” dường như là chuyện bình thường hàng năm ở mọi cấp từ địa phương tới trung ương. Cứ cho rằng, tăng trưởng  6,78% là một con số chính xác, hoàn toàn đáng tin cậy nhưng các nhà báo đã quên, không đặt cạnh nó một con số khác, cũng ấn tượng không kém: Lạm phát (à quên, chỉ số giá tiêu dùng) năm 2010 là 11,75%. Giá vàng, giá ngoại tệ, giá các nhu yếu phẩm tăng lên chóng mặt, liên tục lập đỉnh mới trong năm qua, các nhà báo quên sao? Vậy thành tích tăng trưởng kinh tế còn lại bao nhiêu? Nông dân, công nhân, sinh viên vật lộn ra sao trong cơn bão giá? Không lẽ những người bình chọn cho thủ tướng chỉ nhìn thấy một con số thôi ư?

"Cặp đôi" Nguyễn Tấn Dũng- Phạm Thanh Bình
“Tái cơ cấu tập đoàn “Vinashin”: Sự đổ vỡ của tập đoàn tầu thủy Vinashin là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh lạm phát, tạo tâm lý bất ổn khiến đồng tiền Việt Nam thêm mất giá, tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán, giảm chỉ số tín nhiệm về tín dụng của Việt Nam trên trường quốc tế, gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế… Ngay trong phiên họp quốc hội gần đây nhất, nhiều đại biểu vẫn tỏ ý nghi ngờ, con số nợ của Vinashin không phải là 85.000 tỉ mà có thể lên tới 100.000 tỉ, thậm chí có đại biểu đưa con số 120.000 tỉ. Hiện chưa có một báo cáo rõ rệt nào về thực trạng của Vinashin được công bố và không rõ còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước khác có nguy cơ đổ bể như Vinashin. Không lẽ chỉ bằng mấy động tác, thủ tướng Việt Nam có thể “tái cơ cấu” Vinashin và đem lại hiệu quả trông thấy như báo chí đưa tin? Vinashin đã thực sự “tạm ổn” hay chỉ là động tác giả trước đại hội Đảng, rồi Vinashin sẽ trả nợ ra sao khi đến hạn… Làm kinh tế đâu có phải là niệm thần chú với cây đũa thần? Liệu có thể nhìn vào việc Vinashin vừa bán thêm được mấy con tầu, vài ngàn công nhân quay lại làm việc mà cho rằng chuyện “tái cơ cấu” đã thành công? Để xảy ra một vụ vỡ nợ lớn tới 4-5 % GDP rồi bằng vài động tác “tái cơ cấu” mà thủ tướng Dũng được “tính điểm” để trở thành nhân vật 2010, liệu có công bằng không?
Ngoài những thành tích mà báo chí đã đề cập tới ở trên, Đại lễ ngàn năm Thăng Long được chuẩn bị 10 năm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, phần lớn là những trò vô bổ; bộ phim Lý Công Uẩn với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, sản xuất xong để… nhập kho; áo dài cho một ngàn cô với đuôi áo cả 100m; một ngàn con rồng mắt bằng đá rubi để tặng quan khách.v.v. không thấy nhà báo nào kể tới. Hay vụ bê bối “mua dâm” ở Hà Giang với chủ tịch tỉnh cởi truồng, chuyện xảy ra liên quan tới cả chục bé gái, trong suốt nhiều năm mà cơ quan chức năng không hay biết. Vụ án xử lên, xử xuống cả năm nay mà 16 vị quan chức trong danh sách mua dâm đều không bị sờ tới, do không đủ bằng chứng, trong khi 2 em Hằng và Thúy vẫn đang bị giam vì bán dâm. Không có người mua, 2 em bán dâm cho ai? Không có người nào mua dâm vì sao 2 em vẫn bị giam? Không lẽ thủ tướng và cả bộ máy điều hành của ông không hay biết? Hay việc ứng phó chậm chạp và lúng túng trong bão lũ miền Trung làm hàng trăm người chết, chuyện tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới mà Trung ương đánh giá chỉ có chưa tới 0,5%, một con số khôi hài hết chỗ nói!
Thủ tướng cũng đặc biệt được tính điểm với màn nhận lỗi rất ấn tượng: “Tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình…”. Báo chí ca ngợi ông “thẳng thắn”, “không né tránh”, “biết nhận trách nhiệm”… Kể ra, nếu so với vô số các lãnh đạo trước kia luôn đổ lỗi cho cơ chế, cho cấp dưới, cho thiên tai, cho tàn tích của chiến tranh, phong kiến, cho thế lực thù địch… kiểu “Mất mùa là tại thiên tai/ Được mùa là bởi thiên tài đảng ta“; thì thủ tướng Dũng quả đã thẳng thắn hơn.
Nhưng, nhận trách nhiệm xong rồi thì sao?
Không xin lỗi nhân dân, không từ chức, không kỉ luật ai cả, không bộ trưởng nào bị cách chức v.v. nhận chỉ để đó thôi ư? Nhận một loạt sai lầm để tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa ư? Nếu thế thì có ý nghĩa gì? Ở các nước khác, với một nửa số sai lầm đó, người ta đã phải từ chức lâu rồi!
Ông Dũng có xứng đáng với danh hiệu “Nhân vật 2010″ hay không, tùy theo đánh giá của mỗi bạn đọc. Cá nhân người viết cho rằng, ông xứng đáng với danh hiệu này, nhưng có lẽ nên dành cho nhân vật… phản diện.
© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - nhân vật của năm 2010
Việt Nam ghi dấu đậm nét trong vai trò Chủ tịch ASEAN, tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực, tái cơ cấu tập đoàn Vinashin... những sự kiện lớn của đất nước trong năm đều có dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. VnExpress bình chọn ông là "Nhân vật của năm 2010".
Dựa trên tiêu chí nhân vật có tác động nhiều nhất đến các sự kiện chính; có ảnh hưởng lớn đến thời sự của Việt Nam trong năm, từ 2010 VnExpress tiến hành bình chọn "Nhân vật của năm". Đây sẽ là danh hiệu thường niên của VnExpress.
Năm nay nhân vật VnExpress bình chọn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những ảnh hưởng lớn của ông đối với đất nước.

Ảnh: AP
Thủ tướng thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010 diễn ra từ 27 đến 31/1 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AP
2010 được đánh giá là năm "đỉnh cao đối ngoại" của Việt Nam, cũng là một năm tất bật của người đứng đầu Chính phủ khi ông hiện diện trong hàng loạt sự kiện mang tầm Quốc tế như: Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi G20, Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, Diễn đàn Kinh tế thế giới...
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010, Thủ tướng được báo chí quốc tế đánh giá là một trong những diễn giả nổi bật khi ông thuyết giải những bài học thành công của Việt Nam về đối phó với khủng hoảng, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực, đưa ASEAN trở thành một điểm sáng của khu vực Đông Á. Thủ tướng đã thể hiện dấu ấn đậm nét khi điều hành thành công Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á cuối tháng 10. "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả", tờ The Nation (Thái Lan) nhận xét.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +), Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới tề tựu ở Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng của khu vực, thế giới đã được bàn thảo, đặc biệt là những tranh chấp ở biển Đông. Với sự "chủ động, tích cực và có trách nhiệm" Việt Nam đã chia sẻ hợp tác về quốc phòng an ninh, tranh thủ được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều quốc gia về các vấn đề gai góc.
Hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản...) đã mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới cho Việt Nam, trên cơ sở lòng tin và cùng có lợi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: "Việt Nam là đối tác trọng điểm của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng: "Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam".
Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực với Nga, Trung Quốc, Anh - 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - tiến tới xây dựng quan hệ tầm chiến lược với Pháp và Mỹ.
Ảnh: Hoàng Hà.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á. Ảnh: AFP.
Trong lĩnh vực kinh tế, khi các nền kinh tế dẫn dắt thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chưa thoát hoàn toàn khỏi suy thoái, thì Việt Nam - một nước vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lại nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, hồi phục và bứt phá để đạt tốc độ tăng trưởng cao.
GDP 2010 đạt 6,78% không chỉ cao hơn chỉ tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra, mà còn là kết quả cao hàng đầu khu vực (chỉ sau Trung Quốc và Singapore), tăng trưởng xuất khẩu cao gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.
Với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168USD, năm 2010 Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế như: World Bank, ADB đưa ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp và chuyển sang nhóm thu nhập trung bình. Đây là những thành công đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ của Chính phủ với sự điều hành của người đứng đầu Nguyễn Tấn Dũng.
* Ảnh: Một năm bận rộn của Thủ tướng
Bên cạnh những điểm sáng, 2010 cũng là năm xuất hiện những vấn đề nổi cộm như: lạm phát, sự đổ vỡ của tập đoàn Vinashin với số nợ lên tới chục nghìn tỷ đồng.
Không chỉ nêu lên những khiếm khuyết trong điều hành, lỗi hệ thống, Thủ tướng không né tránh trách nhiệm người đứng đầu. Hơn một lần, ông đã đứng ra nhận khuyết điểm trước phiên họp toàn thể Quốc hội về vụ Vinashin, đồng thời đưa ra các giải pháp vực dậy nền công nghiệp quan trọng này.
Với quyết tâm tái cơ cấu, Vinashin từ chỗ gần như không còn hoạt động, nay đang dần ổn định sản xuất, khôi phục lại việc làm cho hàng chục nghìn người lao động. Nhiều chủ tàu đã quay lại ký hợp đồng, hàng chục tàu đã được bàn giao kể từ khi tập đoàn bắt đầu tiến hành tái cơ cấu vào tháng 8.
Thủ tướng nhìn nhận, Chính phủ và các thành viên đều "đã làm hết sức vì lợi ích của nhân dân".
2011 bắt đầu với những cơ hội và thách thức "chưa từng có". Để thực hiện mục tiêu số 1: "ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và kìm chế lạm phát", hơn hết người đứng đầu Chính phủ mong muốn: "Quốc hội và nhân dân chia sẻ, ủng hộ, hợp tác để Chính phủ và Thủ tướng hoàn thành chức trách của mình".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949 tại Cà Mau, tham gia quân đội từ nhỏ và chiến đấu tại vùng Cà Mau - Kiên Giang.
Năm 1981 ông phục viên và tham gia công tác tại tỉnh Kiên Giang, lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 1995 ông nhận nhiệm vụ tại trung ương với các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Năm 1997 ông được Quốc hội thông qua chức Phó thủ tướng và sau đó được phân công làm Phó thủ tướng thường trực. Năm 1998 ông kiêm nhiệm thêm vị trí Thống đốc Ngân hàng.
Tháng 6/2006 ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975. Tháng 5/2007, một năm sau khi nhậm chức, ông được tạp chí World Business bình chọn là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.
VnExpress

Tổng số lượt xem trang