Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Trần Ngọc Sơn: Đảng Phái Là Phương Tiện Tổ Quốc Là Cứu cánh

-Trần Ngọc Sơn: Đảng Phái Là Phương Tiện Tổ Quốc Là Cứu cánh
Ai cũng nói đảng phái chỉ là phương tiện để thực hiện lý tưởng phục vụ tổ quốc. Thực tế không hẳn như vậy. Lý tưởng phục vụ tổ quốc đã bị đẩy lùi ít nhiều vào hậu trường trước toan tính phục vụ cho đảng, thậm chí phục vụ cho một cá nhân, bè phái. Làm thế nào để phương châm “Đảng là phương tiện, Tổ quốc là cứu cánh” trở thành hiện thực?


CPE: Câu chuyện thứ nhất từ nước Pháp

Vào tháng giêng 2006, khi nước Pháp đạt đến con số thất nghiệp xấp sỉ 10%, thì cùng một thời điểm, 23% giới trẻ đến tuổi đi làm không tìm ra việc. Chính phủ Pháp đưa ra một đạo luật nhằm cải thiện tình trạng này. Đạo luật “Cơ may bình đẳng” (loi pour l’égalité des chances) trong đó điều 8 đề ra một kiểu hợp đồng lao động mới gọi tắt là CPE (Contrat Première Embauche, tạm dịch là Hợp động tuyển dụng khởi nghiệp), đặc biệt giành cho giới trẻ dưới 26 tuổi chưa tìm ra việc làm ổn định.
Với hợp đồng CPE, chính phủ khuyến khích, bằng sự giúp đở tài chánh các chủ nhân, thâu nhận đối tượng trẻ, đồng thời cho phép chủ nhân trong hai năm đầu có thể hủy bỏ hợp đồng bất cứ lúc nào mà không cần nêu lý do.
Một luồng dư luận chống đối hợp đồng CPE mạnh mẽ bắt nguồn từ ngay giới học sinh, sinh viên, lan rộng vào các nghiệp đoàn và sau cùng là các đảng chính trị phe tả. Họ cho rằng kiểu hợp đồng như thế sẽ tạo điều kiện cho phép chủ nhân trục lợi, thực hiện những chu kỳ tuyển dụng hai năm rồi tùy tiện đuổi, tạo thêm bấp bênh cho đời sống giới trẻ. Ngay trong hàng ngũ chính trị cánh hữu, cũng như nghiệp đoàn chủ nhân (MEDEF) cũng không đồng nhất ý kiến về hợp đồng CPE.
Về phía chính phủ, tin tưởng vào ưu thế đa số trong Quốc hội, tin tưởng vào kỷ luật của các dân biểu bầu theo lệnh đảng, đã áp đặt cho Quốc hội thông qua bộ luật ngày 9/3/2006 mà không cần thảo luận.
Do sự chống đối quá mạnh mẽ ngay từ khi bộ luật vừa được đưa ra trước Quốc hội, Tổng thống Pháp, cuối tháng 3, tuy tuyên bố áp dụng bộ luật vừa được Quốc hội thông qua, nhưng lại ra lệnh tạm ngưng áp dụng điều 8 về hợp đồng CPE của bộ luật này. Quyết định của Tổng thống không làm cho tình hình trở lại ổn định, ngược lại, các cuộc biều tình, bãi khóa, đình công vẫn tiếp diễn với cường độ ngày càng cao, có lúc huy động đến 3 triệu người, đưa đến việc tê liệt cả hệ thống giáo dục và đình trệ hoạt động kinh tế.
Cuối cùng, Tổng thống yêu cầu các dân biểu Quốc hội hủy bỏ điều 8 của bộ luật và thay vào đó bằng 4 điều khoản được mọi phía chấp nhận và cũng được Quốc hội thông qua.
Bà Laurence Parisot, chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, trong một buổi hội kiến trước đó với Thủ tướng Pháp đã tuyên bố: “Chúng tôi đã bày tỏ sự quan ngại với Thủ tướng về những biến cố mà đất nước đang trải qua. Trước hết chúng tôi tin rằng những biến cố này làm nguy hại cho nền kinh tế, làm nguy hại cho hình ảnh và uy tín của đất nước và cuối cùng là làm nguy hại đến sự liên đới trong môi trường xã hội”.
Biến cố này cho phép rút ra một nhận định: Nếu dân biểu trong Quốc hội không bị ràng buộc bởi kỷ luật đảng mà bầu theo lương tri của mình thì nước Pháp đã không mất hai tháng xáo trộn vô ích, làm tổn hại như bà Laurence Parisot đã ghi nhận.

Trưng cầu dân ý: Câu chuyện thứ hai từ nước Pháp

Dự thảo Hiến Pháp Âu châu do cựu Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing làm trưởng ban soạn thảo được đề nghị để Quốc hội các nước thành viên chuẩn y. Dự thảo hiến pháp này đã gây nhiều tranh luận ở Pháp. Các đảng chính trị lớn đã hoặc đang cầm quyền và chiếm đa số tuyệt đối đại biểu ở Quốc hội, trong đó có đảng Xã hội (XH), chủ trương chấp nhận Dự thảo này. Như vậy, chỉ cần đưa Dự thảo ra Quốc hội biểu quyết thì sẽ được thông qua lập tức. Nhưng do tính toán chính trị, Tổng thống Chirac quyết định đem ra trưng cầu dân ý vì tin rằng thế nào cũng được đa số cử tri chấp thuận. Sự chấp thuận của cử tri qua cuộc trưng cầu dân ý được lập lờ như là sự khẳng định lại tín nhiệm của quần chúng vào vị Tổng thống đương nhiệm đang gặp nhiều khó khăn.
Lập trường của đảng XH, một đảng đối lập, trong vấn đề này đáng được nêu lên để suy nghĩ. Đa số lãnh tụ của đảng XH chủ trương bầu cho Dự thảo cùng với đảng cầm quyền để tiến thêm một bước trong việc tổ chức Cộng đồng Âu châu. Họ trưng cầu ý kiến nội bộ với kết quả 60% đảng viên thuận để gây áp lực với quần chúng.
Tuy nhiên, một số lãnh tụ đảng XH thực hiện quyền thiểu số theo lương tri của mình, với tư cách cá nhân, đã hô hào quần chúng bác bỏ Dự thảo với lý do nó chỉ thể hiện rõ ràng quyền lợi tài phiệt quá đáng nhưng lại mập mờ trên vấn đề xã hội.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, dựa trên những đồng thuận cơ bản về quan niệm xã hội, đảng XH là đảng duy nhất ở Pháp thực hiện dân chủ đa nguyên nội bộ, thể hiện bằng sự công nhận những luồng suy nghỉ khác nhau, Ban lãnh đạo được bầu theo tỷ lệ phiếu của mỗi khuynh hướng đạt được trong các đại hội đảng.
Có người cho rằng cách tổ chức dân chủ như thế không thể có hiệu quả để giành chính quyền mà phải tổ chức đảng theo kiểu quyền lực cổ điển “trên bảo dưới nghe”. Thực tế của đảng XH cho thấy không hẳn như vậy: với tổ chức dân chủ đa nguyên ngay từ trong nội bộ đảng, đảng này đã cung cấp cho nước Pháp một vị Tổng thống trị vì lâu nhất trong lịch sử với 6 Thủ tướng và hàng trăm bộ trưởng. Đảng XH nhờ tổ chức như thế nên là đảng cầm quyền ít tai tiếng nhất trong vấn đề tham ô ở Pháp.
Nhưng rủi thay (hoặc may thay) ngựa về ngược. Cuộc trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến Pháp Âu châu đưa đến kết quả trái ngược: 54, 87% cử tri bác bỏ, chỉ có 45, 13% thuận. Dự thảo Hiến Pháp Âu châu không được chấp thuận. Âu châu vẫn chưa có hiến pháp chung.

Đảng phái và bè phái

Hai câu chuyện trên cho thấy trong một trường hợp nào đó, có sự so le giữa dân biểu và dân ý. Trong câu chuyện thứ nhất, các dân biểu của đảng cầm quyền chấp thuận hợp đồng CPE, sau đó chưa đầy hai tháng lại chấp thuận thay thế hợp đồng này, nước Pháp bị ngưng trệ trầm trọng trong hai tháng. Các dân biểu của đảng cầm quyền đã theo kỷ luật đảng thay vì theo nguyện vọng của quần chúng trong trường hợp quyền lợi của hai phía có mâu thuẩn. Trong câu chuyện thứ hai, đa số dân biểu, nếu để Quốc hội quyết định, sẽ bầu cho Dự thảo Hiến Pháp Âu châu theo kỷ luật của các đảng chính trị, không phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của dân chúng.
Một nước có truyền thống dân chủ tiên tiến và lâu đời như nước Pháp nhưng trên thực tế trong Quốc hội, vì những lý do riêng, các dân biểu lại bầu phiếu theo chủ trương của đảng là chính, bất luận lợi ích của những người đã bầu mình làm đại diện.
Nếu bắt buộc đảng viên phải tuân thủ kỷ luật đảng trong mọi trường hợp thì quan niệm “lợi ích đất nước trên lợi ích đảng phái” rất khó thực hiện. Làm thế nào để bảo đảm lợi ích của đất nước không bị lợi ích của đảng phái chen chân? Một nước dân chủ cần có đa đảng, nhưng làm thế nào để đảng phái không trở thành bè phái?

Vài suy nghĩ về dân chủ trong quốc hội tương lai ở Việt Nam

Nhiều tác giả đã định nghĩa và giải thích thể chế dân chủ muôn màu muôn vẽ vì trên thực tế các nước dân chủ đã áp dụng nhiều định chế dân chủ khác nhau, tuy nhiên, chỉ có thể khẳng định VN có dân chủ khi bắt đầu có sự hiện diện của một số yếu tố căn bản: đa đảng, tự do bầu cử và ứng cử, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng. Đây là ưu tư trước mắt của những người đấu tranh cho dân chủ hiện nay.Vấn đề còn lại là từng bước hoàn thiện và thăng tiến nội dung của dân chủ mà đảng phái giữ vai trò trọng yếu.
Vì vai trò quan trọng của đảng phái như vậy nên muốn thăng tiến nội dung dân chủ trong xã hội thì trước hết nội dung dân chủ trong các đảng phái phải được thăng tiến. Để đạt được mục đích này, mục tiêu và tổ chức nội bộ ưu tiên của đảng phái dân chủ phải dựa trên sự thăng tiến dân chủ trong đảng và trong xã hội chứ không phải là giành và giữ chính quyền.
Trong một thể chế đa nguyên, làm gì có tư duy độc nhất. Không ai có thể tự cho mình là người đại diện chân chính và duy nhất, không một luồng tư tưởng nào là chính thống, duy nhất. Các đảng tự nhận mình là người đại diện chân chính và duy nhất của giai cấp này giai cấp nọ đã bị sự thật đào thải, điển hình là các đảng cộng sản. Tư tưởng Mác Lê đã được áp đặt như một triết lý khoa học, chính thống bởi các đảng cộng sản, ấy vậy mà nó đã không vuợt qua nổi bức tường Bá Linh, còn tồi dở hơn các triết lý Khổng Mạnh, Phật giáo, Thiên chúa giáo…
Trên thực tế của các nước dân chủ, các cuộc bầu cử tự do đều cho thấy không một lực lượng chính trị nào đạt tiêu chuẩn 100% số phiếu. Ở các nước này, một đảng chính trị đạt được đa số tương đối từ 55 đến 60% được xem như là một thành công vượt bực rồi.
Từ thực tế nói trên, có hai vấn đề phải được suy nghĩ đến: một là tổ chức chính quyền thế nào để khai thác được những điểm tích cực của đa số và thiểu số hầu làm lợi tối đa cho đất nước; hai là tổ chức Quốc hội như thế nào để đưa nội dung dân chủ lên cao hơn, vượt qua giới hạn đảng phái.
Nếu Quốc hội chỉ là nơi thông qua các quyết định của phe đa số nắm quyền thì dân chủ chỉ mới là hình thức, đó là bài học của hai câu chuyện từ nước Pháp kể ở trên. Hai câu chuyện trên cho một cảm giác rằng, các đảng phái ít nhiều chỉ là những bè phái với nghĩa xấu của nó đứng trước lợi ích của dân chúng. Loại dân chủ hình thức này rất nguy hiểm vì có khả năng biến chất đưa đất nước vào một tình trạng độc tài với một nhà nước pháp trị, trường hợp Hitler của nước Đức là một bài học. Trường hợp Việt Nam hiện nay thì ngược lại: đây không phải là một thứ dân chủ hình thức mà chỉ là một sự lươn lẹo vì Đảng Cộng sản dựng lên Quốc hội, đứng trên luật pháp, dùng Quốc hội và luật pháp như một tấm bình phong nhằm duy trì nền độc tài đảng trị của họ.
Tóm lại, trong tương lai, nếu Quốc hội là nơi mà các dân biểu thể hiện ý muốn và lợi ích của cử tri (bất luận có phù hợp hay không với quyền lợi của đảng mà họ là thành viên) thì, đến lúc cần thiết, các dân biểu có cùng một lập trường thuộc thành phần thiểu số trong các đảng phái có thể kết hợp lại với nhau thành một khối tư tưởng để bảo vệ và truyền bá quan điểm của mình mà không bắt buộc phải rời khỏi đảng. Trong một Quốc hội như vậy, các dân biểu không còn là một khối duy nhất đứng về mặt tổ chức đảng phái, mà như những vết dầu loang trên mặt nước, có thể gặp và hòa đồng với nhau thành một khối tư tưởng thống nhất trước từng vấn đề của đất nước và trong một thời kỳ nhất định.
Để đạt được mục đích này, mục tiêu và tổ chức nội bộ ưu tiên của đảng phái dân chủ phải dựa trên sự thăng tiến dân chủ trong đảng và trong xã hội chứ không chỉ là giành và giữ chính quyền. Lúc đó đảng phái mới thật sự hữu ích cho xã hội, đảng phái sẽ không còn là bè phái và chỉ khi đó, sự cao cả của việc hoạt động chính trị mới được xã hội công nhận. ¡
Trần Ngọc Sơn
trích Tuyển tập Dân Chủ Việt Nam tập I

Tổng số lượt xem trang