Ngày 14/1, trang mạng Jamestown Foundation đăng bài “Twelfth-Five Year Plan Accelerates Civil-Military Integration in China's Defense Industry” phân tích về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đến năm 2020.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ từ những khó khăn trong quá khứ. Mặc dù còn nhiều yếu kém và hạn chế, song trong những năm gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã chế tạo hàng loạt hệ thống vũ khí hiện đại để tăng cường khả năng của quân đội. Sau khi Trung Quốc công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh dự định thúc đẩy cải cách ngành công nghiệp quốc phòng trong 5 năm tới, theo đó sẽ tăng cường các khả năng ở trong nước, công nghệ quốc phòng và hợp nhất các công ty dân sự và quân sự, để có thể đóng góp quan trọng vào chương trình hiện đại hóa dài hạn các khả năng quân sự của đất nước.
Tại hội nghị Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp của Ủy ban Quốc phòng tổ chức tại Bắc Kinh ngày 30/12/2010, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) và cũng là Giám đốc Cơ quan Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND) Chen Qiufa đã đưa ra 7 nhiệm vụ lớn trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015):
1. Hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại vũ khí quân sự;
2. Nỗ lực xây dựng các khả năng của công nghiệp quân sự tiên tiến cơ bản;
3. Tăng cường đổi mới khoa học và công nghệ (S&T);
4. Tích cực thúc đẩy Nghiên cứu và Phát triển khoa học thông tin liên lạc;
5. Hoàn thiện việc hội nhập hệ thống phát triển chung quân và dân sự;
6. Tiếp tục mở rộng hợp tác toàn cầu;
7. Củng cố các nguồn nhân lực của ngành công nghiệp quân sự.
Ông Chen còn cho biết mục tiêu chủ yếu trong năm 2011, năm mở đầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, gồm: duy trì mức tăng trưởng công nghiệp quân sự ít nhất 15%; nâng cao khả năng của ngành công nghiệp quân sự cơ bản; đẩy mạnh đổi mới Khoa học và Công nghệ; thúc đẩy hội nhập quân-dân sự; thực hiện thành công các dự án lớn như: thăm dò Mặt Trăng và chuyển một số tiềm năng quân sự sang khu vực dân sự. Duy trì ít nhất mức tăng trưởng 15%/năm của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc để thúc đẩy hiệu quả Nghiên cứu và Phát triển của ngành công nghiệp quân sự, dẫn đến phát triển các công nghệ mới thông qua đầu tư vào các ngành công nghiệp lưỡng dụng cả trong khu vực quân và dân sự. Hơn nữa, sự hiện diện ngày càng tăng của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc trên các thị trường quốc tế, đặc biệt các thị trường ở phương Tây, sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận hơn nữa các công nghệ lưỡng dụng và tạo thêm nguồn thu nhập để trực tiếp đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển quân sự.
Gần đây, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch hoàn thành việc cổ phần hóa ngành công nghiệp quân sự trong 3-5 năm tới, trước khi kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 để thúc đẩy tiến trình hội nhập với các công ty kinh doanh dân sự và thu thêm ngân sách từ các thị trường vốn.
Là một trong bảy nhiệm vụ lớn về khoa học, công nghệ và công nghiệp liên quan đến quốc phòng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, vấn đề "thị trường hóa" các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc chắc chắn sẽ thu hút các nguồn vốn và nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp quân sự, từ đó thúc đẩy đổi mới, đáp ứng đòi hỏi của các hệ thống vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Hoàn thành các chương trình cải cách cũng là một trong năm mục tiêu của Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Quân sự Trung ương theo đường lối phát triển hệ thống nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại. "Chương trình Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc phòng giai đoạn 2006-2020" và "Chương trình Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung và Dài hạn từ năm 2006 đến 2020" - cả hai chương trình ra đời năm 2006 - là kế hoạch chi tiết toàn diện và tham vọng nhằm tạo ưu thế cho ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc vào năm 2020. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Liu Jiangping cho biết: "Đường lối chỉ đạo là nâng hội nhập quân và dân sự thành chiến lược quốc gia. Đây là cách để đem lại sức sống mới cho các công ty thông qua việc tích cực tham gia cạnh tranh thị trường".
Thực tế tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc dường như đang đạt được những bước tiến quan trọng trong việc loại bỏ các tiêu chuẩn không hiệu quả và dưới chuẩn của họ. Sức mạnh của thị trường đang thúc đẩy Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Như đánh giá trong tài liệu "Những Phát triển Quân sự và An ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2010" của Bộ Quốc phòng Mỹ, các chương trình cải cách đã cho phép Trung Quốc phát triển và chế tạo nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ công nghệ giữa những năm 1990 trên nhiều lĩnh vực và một số hệ thống, đặc biệt các tên lửa đạn đạo-từ đó trở thành đối thủ cạnh tranh trên thế giới".
Tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một số yếu kém. Tuy nhiên, khi cải cách công nghiệp quân sự của Trung Quốc được thúc đẩy, những đột phá công nghệ về sản xuất và nghiên cứu-phát triển các loại vũ khí sẽ xuất hiện, từ đó cho phép quân đội Trung Quốc nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách về khả năng và công nghệ so với các cường quốc công nghệ quân sự hiện đại trên thế giới.
Trần Quang
Theo Jamestown Foundation