Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Trung Quốc 'lát đường' cho lãnh đạo kế tiếp

- Trung Quốc 'lát đường' cho lãnh đạo kế tiếp
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã trở về nước sau chuyến công du nhằm hàn gắn quan hệ với nước Mỹ. Trong lần tiếp theo, Nhà Trắng sẽ có những nghi thức trang trọng chào mừng một vị lãnh đạo của Trung Quốc song không chắc là dành cho ông Hồ Cẩm Đào.
Tác giả Edward Wong và Jonathan Ansfield có bài phân tích đăng trên Thời báo New York về ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc và con đường nước này chuẩn bị để vị chính khách nổi tiếng khéo léo trở thành lãnh đạo tiếp theo. VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc.
Tiếp theo một kế hoạch kế nhiệm được giữ kín nhiều năm, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Tập Cận Bình, hiện làm Phó Chủ tịch Trung Quốc. Trong khi ông Tập được cho là sẽ chính thức đảm nhận cương vị lãnh đạo vào năm tới ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thế hai thế giới, với một sức mạnh quân sự đang hiện đại hóa ở mức nhanh nhất, thì ông vẫn như là “bí ẩn” với nhiều người, kể cả ở Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây ấn tượng bằng hình ảnh khiêm tốn, tự lực và độc lập. nh: Zimbio
Nếu có cái nhìn rộng mở vào quá khứ của ông Tập, từ các cuộc phỏng vấn diện rộng và trên các ấn phẩm chính thức của Trung Quốc, có thể thấy sự thăng tiến của ông được xây dựng trên cơ sở phối hợp của nhạy bén chính trị, các kết nối gia đình và tư tưởng khéo léo.
Rất ít tài liệu đề cập việc ông có ý định dẫn dắt Trung Quốc theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Nhưng theo một số nhà quan sát chính trị, ông có thể được sự ủng hộ trong đảng lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn ông Hồ Cẩm Đào. Vì thế, ông có thể rộng đường hơn cho việc trải nghiệm những ý tưởng mới. Ông Tập cũng có mối quan hệ quân sự sâu sắc hơn so với hai người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân khi họ đảm nhận chức vị cao nhất.
Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, đã dẫn dắt những khu vực đang bùng nổ ở vùng duyên hải phía đông, nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty tư nhân phát triển và chính phủ ủng hộ mạnh mẽ doanh nghiệp. Thực tế này đem lại cho ông Tập những kinh nghiệm chính trị và kinh tế mà ông Hồ Cẩm Đào có thể thiếu khi ông lên lãnh đạo đất nước.
Ông không “khắc khổ” bằng ông Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình được gọi là “thái tử” - từ chỉ con cháu hậu duệ các nhà lão thành cách mạng ở Trung Quốc - và cuộc hôn nhân thứ hai của ông chính là với một ca sĩ nổi tiếng, một nữ tướng quân đội, bà Bành Lệ Viện.
Nấc thang danh vọng
Ông Tập Cận Bình đi từng bước vững chắc trên nấc thang danh vọng bởi sự ủng hộ của hầu hết các quan chức cấp cao trong đảng. Ông gây ấn tượng bằng hình ảnh khiêm tốn, tự lực và độc lập cho dù có những quan hệ gia đình nổi tiếng, các quan chức biết ông nói như vậy.
Phong cách tinh tế và thực dụng của ông đã được thể hiện trong cách xử lý một dự án điện đang trên bờ vực sụp đổ vào năm 2002, thời điểm ông phụ trách Phúc Kiến, một tỉnh duyên hải. Công ty Bechtel của Mỹ và một số nhà đầu tư nước ngoài khác đã đổ vào đây gần 700 triệu USD, nhưng bị mắc kẹt trong một cuộc tranh cãi với các quan chức kế hoạch.
Sau khi né tránh yêu cầu của các nhà điều hành nước ngoài về việc tổ chức một cuộc họp, ông Tập đã đồng ý trò chuyện cả đêm với một cố vấn kinh doanh người Mỹ về dự án, người này có cha là bạn của cha ông Tập những năm 1940. Ông Tập giải thích rằng, ông không thể can thiệp mạnh mẽ với các quan chức khác. Nhưng ông cho thấy rõ là, ông nắm dự án rất rõ ràng và ủng hộ nó, hứa sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư “sau khi hai bên đạt được thỏa thuận”. Kết quả là nhà máy điện bắt đầu đi vào hoạt động.
“Tôi nghĩ, con người này là một chính khách lỗi lạc”, vị cố vấn Sidney Rittenberg Jr nói.
Những kỹ năng chính trị của ông Tập đã được “đền bù” lớn nhất vào tháng 10 vừa qua, khi ông trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương - một động thái đồng nghĩa với việc ông hầu như sẽ trở thành người kế nhiệm cương vị Tổng bí thư của ông Hồ Cẩm Đào cuối 2012 và Chủ tịch năm 2013. Ông Hồ Cẩm Đào, hiện là Chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể giữ chức vụ này trong ít năm nữa.
Năm tháng trôi qua, ông Tập đã xây dựng “sức hấp dẫn” của mình “theo cách ông giải quyết các vấn đề chính trị”, Trương Hiểu Tân - một nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa cho biết. “Về cải cách và phát triển kinh tế, ông chứng tỏ còn hiệu quả hơn”, ông Trương đánh giá. “Về cải cách chính trị, ông không tạo ra bất cứ rủi ro nào có thể bị tác dụng ngược”.
Ông Tập Cận Bình còn được đánh giá là “người dung hòa” giữa hai “phe”. Một bên là những người ủng hộ ông Hồ Cẩm Đào, bên còn lại tán thành ông Giang Trạch Dân. Dòng dõi và sự nghiệp cùng với sự phồn vinh của khu vực duyên hải đem lại cho ông Tập sự thân cận hơn với ông Giang. Nhưng giống như ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập cũng có nhiều năm phụng sự ở các tỉnh nội địa. Ông Hồ Cẩm Đào còn từng là người thân cận với cha ông Tập - một nhà cách mạng lão thành của Trung Quốc.
*
Tập Cận Bình: Một 'ẩn số' với phương Tây
Cha của ông, Tập Trọng Huân là một nhà lão thành cách mạng, từng là Phó Thủ tướng Trung Quốc. Ông Tập Trọng Huân được xem là một bậc thầy góp phần kiến tạo nên đặc khu kinh tế đầu tiên đầu những năm 1980 - Thâm Quyến.
Tác giả Edward Wong và Jonathan Ansfield có bài phân tích đăng trên Thời báo New York về ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc và con đường nước này chuẩn bị để vị chính khách nổi tiếng khéo léo trở thành lãnh đạo tiếp theo. VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo cùng bạn đọc.
Vị “thái tử” Tập Cận Bình lớn lên ở Bắc Kinh và tham gia một trường quân sự hàng đầu. Tuy nhiên, ông đã phải “ẩn mình” trong suốt thời gian diễn ra cuộc cách mạng Văn hóa. Ở tuổi 15, ông được gửi tới lao động cùng với các nông trên những quả đồi của tỉnh Thiểm Tây. Ông có 7 năm sống ở làng Lương Gia Hà, cũng là nơi cuối cùng ông đảm nhận chức bí thư chi bộ Đảng.
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, ông Tập đã theo đuổi đường lối phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: theglobeandmail
Tập Cận Bình ghét phải đấu tranh về ý thức hệ. Trong bài xã luận xuất bản năm 2003, ông viết: “Phần lớn tư tưởng thực dụng của tôi bắt nguồn sau đó, và vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng với tôi”.

Ngay từ giai đoạn đầu, phong cách lãnh đạo ôn hoà của ông đã được minh chứng. “Khi một người có sự mâu thuẫn, xung đột với người khác, họ tới gặp ông ấy và ông ấy nói “trở lại trong hai ngày nữa”, Lục Năng Chung, 80 tuổi, một người cao tuổi ở nơi ông Tập từng sống trong 3 năm cho biết. “Sau đó, tự thân vấn đề được giải quyết”.
Ông Tập sau đó theo học ở trường Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị khi là một trợ lý của một quan chức quân sự cấp cao có quan hệ với cha ông Tập.
Vào đầu những năm 1980, các vị lão thành trong đảng đã nhận diện ông Tập như một trong những người có triển vọng lãnh đạo tương lai. Vị trí lãnh đạo cấp tỉnh đầu tiên ông có được là ở Hà Bắc, nơi ông đã thúc đẩy du lịch địa phương và các doanh nghiệp nông thôn phát triển. Sau đó, ông tới tỉnh Phúc Kiến - nơi có vị trí rất gần Đài Loan. Tại đây, ông bắt đầu nỗ lực thu hút các nhà đầu tư Đài Loan. Trong suốt 14 năm, ông còn giám sát các vấn đề quan sự địa phương. Theo Alice L. Miller, một học giả nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Hoover, “quan điểm của ông về vấn đề Đài Loan có thể chia sẻ cách nhìn về mối quan hệ xuyên eo biển trong một chiều hướng linh hoạt”.
Một số dự án đầu tư tham vọng đã được chú ý tới khi ông Tập quản lý Phúc Châu - thủ phủ tỉnh Phúc Kiến.
Giành sự chú ý của Bắc Kinh
Học giả Thành Lực nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Học viện Brooking ở Washington cho hay, có nhiều thành công nhưng khi trở lại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình lại bị nhiều nhà lãnh đạo cấp cao “đề phòng”. Nhưng ông Giang Trạch Dân khi ấy cùng với ông Tăng Khánh Hồng đã giúp cho sự trở lại của ông Tập tiếp tục thăng tiến.
Sự bổ nhiệm tiếp theo với ông là ghế Bí thư Tỉnh uỷ Chiết Giang, nơi kinh tế đang phát triển mạnh. Ông Tập theo đuổi đường lối phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ông mong muốn đưa các công ty trong nước ra với toàn cầu.
Không lâu sau khi tới đây vào cuối năm 2002, ông tới thăm Geely, là nhà sản xuất ô tô duy nhất của tỉnh. Người sáng lập ra hãng này, Lí Thư Phúc, đã bắt đầu nhận được những hỗ trợ tài chính của các ngân hàng nhà nước. “Nếu chúng ta không ủng hộ mạnh mẽ các công ty như Geely, thì chúng ta hỗ trợ ai đây?”, ông Tập từng phát biểu.
Và năm ngoái, Geely đã mua thương hiệu Volvo của hãng Ford Motor.
Ông Tập cũng dành sự công nhân và ủng hộ cho Mã Vân - nhà sáng lập Alibaba, giờ đây là một tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ, là đối tác của Yahoo ở Trung Quốc. Sau khi rời Chiết Giang năm 2007 để trở thành quan chức hàng đầu ở Thượng Hải, ông Tập đã “ngỏ lời mời” với ông Mã. “Ông có thể tới Thượng Hải giúp chúng tôi phát triển không?”.
Vào thời điểm đó, các công ty tư nhân được chú ý phát triển mạnh, nhưng một phần tầm nhìn chung mà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra để đưa công ty và chính quyền gần gụi nhau hơn. Ông Tập Cận Bình cũng thận trọng ủng hộ những cải cách chính trị quy mô nhỏ ở Chiết Giang, nơi những thử nghiệm dân chủ đã lan toả từ cơ sở.
Huyện Vũ Di đã cho phép dân làng chọn lựa ra một uỷ ban gồm ba thành viên để giám sát lãnh đạo của mình, và ông Tập chú ý đến điều này. Ông đưa ra chỉ dẫn góp phần mở rộng chương trình thí điểm khi ấy. Chiết Giang sau đó đã ứng dụng mô hình rộng ra toàn tỉnh. Tập Cận Bình còn hoàn thành một sứ mệnh quan trọng là thúc đẩy quan hệ giữa Chiết Giang với các tỉnh nội địa nghèo hơn. Ông dẫn đầu một nhóm doanh nhân giàu có của tỉnh, gặp gỡ các quan chức một số tỉnh phía tây, thiết lập quan hệ kinh doanh.
Đỉnh cao
Nhiều năm trước một kỳ đại hội đảng vào tháng 10/2007, ông Tập Cận Bình hầu như không được đề cập như một ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo đảng. Gương mặt khi ấy vượt trội hơn là Lý Khắc Cường, người được ông Hồ Cẩm Đào ủng hộ. Nhưng sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình đã đạt tới đỉnh cao vào tháng 3/2007, khi ông tạm đảm nhận chức vụ Bí thư Thành uỷ Thượng Hải sau một vụ bê bối quỹ an sinh xã hội làm người tiền nhiệm mất ghế.
Thượng Hải là “căn cứ địa” của ông Giang và ông Tăng. Trong bảy tháng ngắn ngủi ở đây, trước khi tham gia Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã góp phần xoá bỏ những “tàn dư” của vụ bê bối làm chấn động thành phố, trong khi nhấn mạnh những ưu tiên của Bắc Kinh về biện pháp tăng trưởng vốn được ông Hồ Cẩm Đào ưa chuộng.
Đây là một hành động cân bằng mà ông theo đuổi và thực hiện tốt trong nhiều thập niên.
Kể từ khi tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Tập đã củng cố vị thế của mình. Ở cương vị Hiệu trưởng trường Đảng trung ương, ông đã thực hiện ưu tiên giảng dạy đạo đức chính trị trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và những lý tưởng của Mao Trạch Đông, một xu thế đang hồi sinh trong bộ máy chính phủ.
Quan điểm của ông về phương Tây vẫn còn khó đoán biết. Theo một bức điện tín ngoại giao mật mà trang Wikileaks tiết lộ, ở một bữa tối, ông đã nói với đại sứ Mỹ rằng, ông thích các bộ phim Hollywood và phim về Thế chiến II. Trong khi đó, ông lại bóng gió phê bình Trương Nghệ Mưu - một đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc khi nói, một số nhà làm phim Trung Quốc đã bỏ bê các giá trị mà họ nên thúc đẩy.
Tuy nhiên, trong một chuyến công du tới Mexico năm 2009, khi ông bảo vệ các giá trị Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước các thính giả Hoa kiều, ông nói rằng không thể kiên nhẫn với những nước ngoài lo lắng về sức mạnh mới của Trung Quốc trên thế giới.
Bằng tiếng Trung Quốc, ông bình luận: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi.Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; Thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ ba, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".

Tổng số lượt xem trang