Ngày xưa, cán bộ “về với nhân dân như nai về suối cũ”, còn giờ công bộc về gặp dân thì phải đón tiếp thật long trọng mới được.
LTS: Những ngày này, người dân Việt Nam hướng về Đại hội Đảng XI (sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 19-1) với niềm tin tưởng lớn lao: Đại hội sẽ quyết định những quyết sách quan trọng, vạch ra đường hướng phát triển đúng đắn và chọn được những người lãnh đạo ưu tú cho đất nước trong những năm sắp tới. Trước thềm Đại hội Đảng XI, Pháp Luật TP.HCM trân trọng đăng tải một số ý kiến của các chuyên gia với ước nguyện Đảng luôn giữ được niềm tin yêu của nhân dân để lãnh đạo đất nước ngày càng giàu mạnh.
“Đảng phải nghe thực tiễn lên tiếng mới có chủ trương đúng. Đảng phải nói thẳng làm thật, không nên hình thức, nể nang nhau rồi lấp đi những chỗ khiếm khuyết của mình” - ông Phạm Đình Toàn, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng (ảnh), mở đầu những lời góp ý của mình gửi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Không nên ngại người nói thẳng
. Thưa ông, Đảng luôn chú trọng tinh thần phê và tự phê để có thể nghiêm khắc nhìn nhận những khuyết điểm và kịp thời sửa chữa những sai lầm nếu có. Tại sao ông góp ý rằng Đảng “không nên hình thức, nể nang nhau rồi lấp đi những chỗ khiếm khuyết của mình”?
+ Theo tôi, hiện nay nhiều người có tư tưởng cầu an, làm sao để mình yên thân đừng để cho ai nói tới nói lui. Có những người muốn nói thì lại nghĩ: được cái gì? Trong tổ chức thì cũng có tình trạng thành tích thì báo cáo, khuyết điểm thì ít khi dám nhận. Ai phê bình gì thì nói họ là cá nhân chủ nghĩa trong khi đúng ra người lãnh đạo phải lắng nghe, nhìn nhận và tích lũy những điều hợp lý.
Chưa kể còn có tình trạng chính quyền ngại nghe những ý kiến chỉ ra sai phạm của mình. Ngay cả MTTQ khi tổ chức cho đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri cũng rất ngại những người dám nói thẳng, nói ra cái sai của địa phương. Hình như người ta chỉ thích nghe những điều mình đã làm đúng thôi. Trong khi công tác giám sát hiện nay của Quốc hội chưa chặt thì chính ý kiến của người dân sẽ cung cấp thêm chứng liệu. Thế nhưng điều ấy chẳng dễ dàng gì.
. Nhưng Đảng cũng đã tạo ra nhiều kênh để người dân góp ý cho cán bộ, đảng viên, chẳng hạn như việc lấy phiếu tín nhiệm đối với hai chức danh chủ chốt ở cấp cơ sở, thưa ông?
+ Đúng, chủ trương này là biểu hiện dân chủ nhưng thực tế làm còn hình thức lắm. Người dân phê phán cán bộ cũng còn dè dặt. Ngay cả cán bộ, đảng viên với nhau cũng thế. Cán bộ, đảng viên về hưu góp ý hoài họ cũng chẳng thèm sửa, có khi còn cho rằng mấy ông hưu trí “quậy” nên làm thinh. Cán bộ trẻ thì im lặng hoặc có góp ý thì nói tốt, không dám chỉ ra cái sai, cái khuyết điểm vì sợ bị trù dập. Thậm chí có người dân phê bình thì cán bộ còn muốn truy tìm xem ý kiến đó là của ai. Thật buồn.
. Từ một chủ trương đúng như trên đến việc thực hiện không như bản chất của nó sẽ dẫn đến những nguy hại gì, thưa ông?
+ Người dân sẽ thờ ơ với quyền làm chủ của chính mình và mang tâm lý muốn cho qua việc. Hệ quả của nó là những chủ trương của Đảng, nhà nước sẽ có thể bị vô hiệu hóa. Người dân dần không mặn mà với chính quyền và lòng tin dần sụt giảm.
Bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm và tặng quà cho nhân dân xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong đợt lũ lụt năm 2010. Ảnh: TTXVN
Nắm thực tiễn để có chủ trương đúng
. Theo ông, Đảng phải làm sao để dân không thờ ơ với quyền làm chủ của chính mình nữa?
+ Dân thờ ơ, không tha thiết với quyền làm chủ của mình là do ta làm không thực sự, làm kiểu chạy theo thành tích. Cho nên Đảng phải có những người nắm thực tiễn và nghe thực tiễn lên tiếng để có chủ trương đúng và thực hiện chủ trương đường lối đó cho thực chất. Họ phải trung thực, phải thực sự vì đảng, vì dân.
. Hiện nay Đảng cũng có chủ trương để đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt về sinh hoạt tại nơi cư trú để nắm thực tiễn. Không lẽ điều này chưa phát huy tác dụng?
+ Chỉ thị về việc đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú là chủ trương đúng đắn của Đảng, giúp đảng viên, nhất là người lãnh đạo, gần gũi, sâu sát với quần chúng. Nhưng thực tế trong sinh hoạt hiện vẫn còn tình trạng nể nang, nhất là trong nhận xét với cán bộ lãnh đạo. Cũng do bệnh thành tích mà cấp dưới phải báo cáo tốt với cấp trên, rồi cấp trên lại báo cáo tốt với cấp trên nữa tạo ra sự bằng mặt lẫn nhau. Đây là điều rất nguy hiểm, là tội rất nặng.
Hồi kháng chiến chúng tôi được dạy rằng “dối Đảng là bước đầu của sự phản Đảng”. Hồi trước đi làm cách mạng, do điều kiện hoạt động bí mật nên có một nguyên tắc “Việt Minh làm thinh là đồng ý”, tức sự im lặng ngày xưa là sự tán đồng cao nhất và người ta sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng. Còn bây giờ, có những chuyện không ai dám phê bình nhưng trong lòng thì ấm ức.
Phải dám làm, dám chịu
. Nhiều ý kiến cảnh báo tình trạng xa dân của cán bộ, đảng viên hiện nay. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa dân với Đảng, thưa ông?
+ Sự xa rời dường như đang thành cái nếp. Nó không chỉ từ cán bộ nữa mà nguy hiểm hơn là nó đã hình thành tâm lý dân ngại và sợ cán bộ, xem cán bộ là người bên trên, ngoài dân chứ không phải trong dân.
Giờ tôi thấy cán bộ cứ mang phong cách nhà quan đi quan hệ với dân chúng. Ngày xưa, cán bộ “về với nhân dân như nai về suối cũ”, còn giờ công bộc về gặp dân thì phải đón tiếp thật long trọng mới được. Điều này làm cho dân thấy cán bộ không gần gũi, không chia sẻ, không tâm sự được. Bệnh quan liêu, xa rời quần chúng ra đời từ đây.
Đó là chưa nói đến chuyện “văn hóa” bao thư, không ít trường hợp lãnh đạo xuống họp hay kiểm tra thì đơn vị đó phải có một loạt bao thư. Chính điều này làm khúc xạ kết quả giám sát, làm cho những nhận định trở nên méo mó, thật trở thành giả, giả trở thành thật.
. Vậy theo ông, Đảng cần làm gì, cần ứng xử như thế nào để giữ mãi được sự tin yêu của dân chúng?
+ Phải dám làm, dám chịu. Dân không bao giờ bỏ lãnh đạo thẳng thắn, hết lòng. Thử nhìn coi, với bao nhiêu sai trái diễn ra hiện nay thì trách nhiệm của các cấp lãnh đạo phải như thế nào? Có ai đứng ra xin lỗi dân chưa, hay chúng ta cứ đổ qua đổ lại và không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm?
Sâu xa hơn, phải xóa bỏ tệ nạn phong kiến “bứt dây động rừng”, xử ông này sợ chạm ông kia; chuyện bênh vực nhau “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”; chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ”… Theo tôi, còn những điều này thì rất khó chống tiêu cực, khó giữ được lòng tin của dân.
. Xin cảm ơn ông.
Tăng cường trả lời, trực tuyến với dân Những năm qua, vấn đề dân chủ đã được Đảng chú trọng hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, cứ học theo tinh thần dân chủ của Bác Hồ. Thời kháng chiến Bác nói: Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Trong di chúc Người cũng viết thế. Ngày nay ta có hòa bình, độc lập, thống nhất rồi thì còn hai vế dân chủ và giàu mạnh phải làm cho được theo ước nguyện của Bác. Đảng cần phải tạo ra một thể chế dân chủ, một môi trường dân chủ. Lấy đối thoại làm trọng, xem góp ý của quần chúng bằng các hình thức trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức của mình là vốn quý trong hoạch định chính sách. Tôi nghĩ phải tạo điều kiện cho phản biện, phải lấy ý kiến nhân dân chứ không thể tùy tiện đưa ra các quyết sách. Các lãnh đạo cao cấp của Đảng phải tăng cường trả lời và trực tuyến với báo chí, trực tuyến với dân hoặc thông qua việc tiếp dân… TS HỒ HỮU NHỰT, Phó Chủ tịch Hội Sử học TP.HCM Sức mạnh của Đảng Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước. (Trích Dự thảo Cương lĩnh bổ sung phát triển 2011, công bố ngày 15-9-2010) |
MINH CƯỜNG thực hiện