Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune ngày 20110217
Dân biểu tình - Dựa lưng quân đội hay " dựa lưng nỗi chết" "?
Cứ như dự đoán ban đầu, rằng khủng hoảng khiến cho cứ ba ngày hỗn loạn là xứ này mất một tỷ Mỹ kim, thì cái "hóa đơn" của 18 ngày long trời lở đất là sáu tỷ đô. Sản xuất đình đọng, mua bán đình chỉ, du khách lánh xa trong mùa du lịch cao nhất năm, v.v... là lý do. Chính quyền Ai Cập lại ước tính lạc quan hơn: cho tới nay vụ khủng hoảng làm mất một tỷ rưỡi, chỉ bằng một phần tư những dự đoán ban đầu của thiên hạ.
Trước vụ khủng hoảng, Ai Cập có tổng sản lượng gần 500 tỷ đô la, hàng năm nhận được tiền của kiều dân ở ngoài gửi về khoảng tám tỷ và còn được Ngân hàng Thế giới ngợi khen thành tích cải cách kinh tế. Vì sao bây giờ Ngoại trưởng của Nội các vừa thành lập lại kêu cứu thế giới vì vừa mất một tỷ rưỡi?
Vì vấn đề nó nghiêm trọng hơn một vụ đảo chánh của quân đội với sự yểm trợ của quần chúng biểu tình. Nói cho phũ phàng mà thực tế, dân chúng Ai Cập vừa đuổi xong Mubarak thì lại đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Bài viết tuần trước trên cột báo này (" Khi Máu Chảy Đầy Đường - Là lúc nên mua cổ phiếu"), đã trình bày bối cảnh của vấn đề kinh tế trong sự chuyển động về chính trị đang xảy ra, nào "đổi mới kinh tế" nào xây dựng "kim tự tháp" của quyền lực và quyền lợi... Bây giờ là lúc nhìn lại chuyện đó để hiểu ra nỗi khó khăn của các tướng lãnh và chính phủ lâm thời.
Và sự lầm than sắp tới của người dân....
***
Trước hết, xin ngó vào quân doanh và ngân hàng quốc doanh
Trong hệ thống kinh tế chính trị Ai Cập, quân đội là định chế thực tế lãnh đạo mà không cầm quyền.
Nhưng các doanh nghiệp của quân đội - tạm gọi là hệ thống "quân doanh" - thì cầm tiền. Gần đây, viên tướng Bộ trưởng "Bộ Quân sản" Sayed Meshal cho biết phần sản xuất của các doanh nghiệp đó là 15% tổng sản lượng quốc gia. Nhiều cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế thì ước tính là từ 30 đến 45%. Khó ai ở bên ngoài biết được đích xác là bao nhiêu vì không ai tại Ai Cập được viết gì về quân đội, do một đạo luật ban hành từ 55 năm trước, từ 1956.
Vì chế độ kinh tế chính trị lạ kỳ đó, doanh nghiệp quân đội được vay tiền ngân hàng quốc doanh theo..."diện chính sách". Nôm na là tiền ký thác của dân chúng vào các ngân hàng do nhà nước quản lý được tài trợ cho doanh nghiệp do quân đội quản lý. Vay tiền mà khỏi cần trả thì ai cũng có thể là triệu phú! Nhưng sinh hoạt kinh tế ở bên ngoài bị hút mất vốn như vậy thì thiếu vốn. Đành đi vay hoặc xin viện trợ - chủ yếu của Hoa Kỳ.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, Ai Cập đã gửi quân tham chiến - một xứ Á Rập Hồi giáo hỗ trợ một nước Tây phương tấn công một xứ Á Rập Hồi giáo khác là Iraq để cứu một xứ Á Rập Hồi giáo thứ ba là Kuwait. Nhờ thiện chí đó nên Ai Cập được Hoa Kỳ trả ơn: xoá bớt gánh ngoại trái - nợ ngoại quốc - cho Chính quyền Mubarak.
Nhưng mặc dù viện trợ quân sự vẫn được duy trì - cao nhất, chỉ thua viện trợ cho Israel - nhưng viện trợ kinh tế vẫn giảm dần so với thời Chiến tranh lạnh: từ gần hai tỷ vào năm 1980 thì chỉ còn chưa đầy 500 triệu hàng năm. Hoa Kỳ viện trợ vì lý do an ninh chứ không thể nuôi báo cô mãi mãi.
Ai Cập phải tìm giải pháp khác.
Năm 2004, Nội các của Thủ tướng Ahmed Nazif gồm nhiều chuyên gia mới đẩy mạnh hơn việc "đổi mới" tiến hành từ năm 1991. Ông muốn cải cách và thổi sinh khí vào kinh tế nhưng lại gây vấn đề cho các đại gia trên doanh trường vì đòi tư nhân hóa nhiều cơ sở. Động lực ngầm bên dưới là Gamal Mubarak, con trai của Tổng thống.
Là doanh gia thuộc loại quốc tế - cấp điều hành của Bank of America tại Ai Cập - nhưng có tham vọng chính trị, Gamal muốn thay đổi lề lối tài trợ quái đản trên.
Ngân hàng Trung ương Ai Cập được trao quyền cứu xét lại thể thức cấp phát tín dụng với tiêu chuẩn khắt khe hơn vì mở ra mới thấy là 75% các khoản tín dụng tồn đọng của hệ thống ngân hàng là nợ khó đòi, coi như mất luôn! Vào tay hệ thống quân doanh. Các ngân hàng thương mại của nhà nước được chấn chỉnh và tư nhân hoá.
Làm nguồn tài trợ của hệ thống quân doanh bị cạn
Khi ngân sách quốc gia được chấn chỉnh, bội chi thu hẹp dần, Ai Cập được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới ngợi khen là quản lý kinh tế khả quan hơn. Lần đầu tiên từ nhiều thập niên mà xứ này không phải cầm bát đi vay nước ngoài nữa. Nhưng nợ nần của chính phủ thì vẫn quá cao, hơn 70% Tổng sản lượng quốc gia - trong đó, ngoại trái là nợ nước ngoài chiếm 11% Tổng sản lượng.
Nhân đây cũng xin mở ngoặc đơn để so sánh với hoàn cảnh của Việt Nam: Trước hết, gánh nặng công trái, là nợ nần của khu vực công, đã lên tới mức đáng ngại là hơn phân nửa Tổng sản lượng. Trong số đó, ngoại trái là nợ ngoại quốc lại chiếm tới 60%. Nói cho dễ hiểu, khi dân Việt Nam sản xuất ra trăm tỷ một năm thì nhà nước đi vay hơn 51 tỷ, trong số đó hơn 31 tỷ là nợ nước ngoài. Nguy kịch hơn vậy là, do thủ thuật kế toán, Việt Nam không tính trong gánh nặng công trái đó các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, sở dĩ đi vay được là nhờ có nhà nước đứng sau lưng. Nếu tính cho đúng thì gánh nợ ấy còn cao hơn nhiều, có thể là 40 tỷ nữa. Tức là so với sản lượng quốc dân của cả năm được 100 tỷ, nhà nước đi vay 51 tỷ và còn phải trả nợ cho con em là các doanh nghiệp của nhà nước quãng 40 tỷ. Vị chi là hơn 90 tỷ trong Tổng sản lượng 100 tỷ đô la. Và nay thì dự trữ ngoại tệ chỉ còn chừng 10 tỷ.... Xin đóng ngoặc kép để trở về Ai Cập.
Động lực của Gamal Mubarak và phe cánh của ông ta tất nhiên không phải là quốc thái dân an mà là phá vỡ hệ thống đặc quyền và đặc lợi của các đại gia công thần, kể cả các tướng lãnh. Chi thu của ngân sách quốc gia có ổn định và quân bình hơn trước, sổ sách ngân hàng cũng phân minh sáng sủa hơn, hệ thống kinh doanh của các tướng bị rung chuyẻn trong khi Gamal xây dựng được một mạng lưới kinh doanh mới....
Việc "cải cách" ấy tất nhiên dẫn tới "cách mạng" - cả hai chữ đều trong ngoặc kép!
Bây giờ, cả Hosni và Gamal Mubarak đều thành dĩ vãng, cùng Nội các Ahmed Nazif đã bị Mubarak giải tán từ ngày 28 Tháng Giêng, hiển nhiên là do áp lực của các tướng lãnh - với lý cớ là lòng dân. Việc cải cách tiến hành từ 2004 coi như kết thúc. Xóa bài làm lại.
Ai Cập ngày nay có một định chế rất mạnh là quân đội và một cơ chế vẫn hoạt động là Ngân hàng Trung ương. Mà hoạt động để làm gì?
Để lại đổi mới chánh sách - là làm như trước năm 2004? Tức là trở lại vị trí của một Ngân hàng Nhà nước kaki và điều động hệ thống ngân hàng trở về trò tài trợ cố hữu cho các cơ sở quân doanh. Có thể lắm vì năm ngày sau khi Mubarak từ chức và quân đội nắm quyền, các ngân hàng vẫn chưa mở cửa! Chờ lệnh mới để làm như cũ chăng?
Nếu như vậy, Ai Cập sẽ lại lập cập đi vay trên thị trường tài chánh quốc tế. Chúng ta hiểu vì sao Ngoại trưởng Ahmad Abul Gheit đã kêu gọi như vậy.
Nhưng đi vay với giá nào? Giới đầu tư quốc tế có muốn bỏ tiền ra mua Công khố phiếu Ai Cập trong lúc này không? Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Hoa Kỳ có thể công khai hay kín đáo dàn xếp vể kỹ thuật thì tiền lời đi vay - gọi là phân lời hay yield - sẽ rất cao vì đủ loại rủi ro, từ chính trị đến tín dụng, hối đoái, v.v... vì Chính phủ mắc nợ tới 72% Tổng sản lượng. Viễn ảnh vỡ nợ của Hy Lạp năm 2010 hay Argentina năm 2001 lại chờn vờn trước mặt.
Vì Ai Cập tìm đâu ra tiền để trang trải món nợ đó?
Ai Cập bị nhập siêu - nhập nhiều hơn xuất cảng - hơn hai chục tỷ đô la, và dù có đầu tư nước ngoài thì hàng năm cũng thiếu từ 15 đến 16 tỷ trước khi có vụ khủng hoảng vừa qua. Bây giờ các tướng tính sao? Hay là sẽ lại gọt đầu dân?
Với thất nghiệp gần 10% trong đó, thanh niên từ 15 đến 29 tuổi bị thất nghiệp tới 24%, xứ này có một quần chúng sẵn sàng đi làm cách mạng. sau cuộc cách mạng giả vừa rồi để đuổi cái vỏ dưa héo úa là Mubarak, họ có sẵn sàng gặm vỏ dừa không?
Và nhớ tới cái ngoặc đơn ở trên thì Việt Nam còn có thể chơi trò "đổi mới" để "xây dựng xã hội chủ nghĩa" được bao lâu?