Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Bắc Kinh và Washington: những điều bất ngờ

-Bắc Kinh và Washington: những điều bất ngờ--Eurasia Review--Conn Hallinan Ngày 24-2-2011
Đọc các tít báo đưa về quan hệ Mỹ – Trung có thể khiến người ta đi đến kết luận là căng thẳng hiện nay giữa hai nước liên quan đến những khác biệt về chính trị thì ít mà liên quan đến thuốc thang thì nhiều: Con hổ Trung Quốc “giơ móng vuốt” còn Mỹ thì “quá mềm mỏng” trong đường lối ứng xử với Trung Quốc. Cứ như thể các nhà báo đang ngầm đề xuất việc dùng thuốc (có lẽ một liều Thorazine-thuốc an thần-chăng?) thay vì dùng ngoại giao làm giải pháp.
Có tồn tại những khác biệt thật sự và một cơ sở chung, nhưng sàng lọc chúng ra là một việc mệt mỏi vì phải phân tích sâu. Liệu những căng thẳng đó có phải là vì Bắc Kinh ngày càng hung hãn hơn và đang bắt đầu khẳng định mình trong một thế giới vốn trước kia do Mỹ thống trị? Hay là vì Washington đang bao vây Trung Quốc bằng một vòng vây đồng minh và các căn cứ quân sự, nhằm ngăn chặn sự nổi lên của một đối thủ cạnh tranh quốc tế đầy hứa hẹn?
Nhìn trên bề mặt, sự đối kháng này giống như cuộc tranh giành vai trò đế quốc giữa Anh và Đức vào cuối thế kỷ 19. Nhưng thế giới vào năm 2011 rất khác với năm 1914. Thế giới bây giờ được kết nối chặt chẽ hơn nhiều, phụ thuộc lẫn nhau hơn nhiều, và hậu quả sinh ra từ đối đầu cũng nguy hiểm hơn nhiều. Giờ đây cứ khi nào một bên nào đó viện đến quân sự, căng thẳng lập tức gia tăng, mà tìm kiếm giải pháp thì khó khăn.
Phụ thuộc về kinh tế
Quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Washington được xây dựng dựa trên tiền và thương mại. Hiện tại Trung Quốc nắm giữ gần một nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Mậu dịch hàng năm giữa hai nước đạt hơn 400 tỷ USD, tương đương kim ngạch mua bán của Trung Quốc với toàn thể EU. Cả hai nền kinh tế đều phụ thuộc lẫn nhau; vấn đề của một nước nói chung cũng là vấn đề của nước kia.
Lần lượt là nền kinh tế đứng thứ nhất và thứ hai trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh để tìm kiếm thị phần và nguyên liệu thô.
Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ năng lượng thứ hai thế giới. Từ nay tới năm 2015, quá trình bùng nổ công nghiệp hóa ở nước này sẽ cần đến 11,3 triệu thùng dầu một ngày. Do Trung Quốc chỉ tự sản xuất 3,7 triệu thùng dầu một ngày, nên chính sách đối ngoại của họ chủ yếu nhằm đảm bảo một nguồn cung cấp ổn định. Làm sao nhiên liệu ấy đến được Trung Quốc, ai là nhà cung cấp, sẽ là việc phải tính.
Ba nước cung cấp dầu chủ yếu cho Trung Quốc là Ả-rập Xê-út, Angola và Iran. Điều đó có nghĩa là 80% lượng cung cấp nhiên liệu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua hai điểm nút: eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Cả hai nơi đều do hải quân Mỹ kiểm soát.
Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược hai hướng nhằm giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Thứ nhất, các nhà cung cấp năng lượng Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng hệ thống đường ống chạy từ Nga và Trung Á. Cả tuyến đường ống Turmenistan-Tân Cương và Đông Siberia-Thái Bình Dương, xuất phát từ Nga, đều đang vận hành.
Thứ hai, Trung Quốc củng cố hải quân và thiết lập một “chuỗi ngọc trai” những hải cảng thân thiện với Trung Quốc ở Myanmar, Sri Lanka, và Gwadar, Pakistan. Cảng Gwadar có tiềm năng trở thành điểm xuất phát của một tuyến đường ống Iran-Ấn Độ-Pakistan-Trung Hoa. Iran và Pakistan đã đồng ý ký kết. Ấn Độ và Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm. Nếu Mỹ gây áp lực thành công buộc Ấn Độ phải rút lui thì Trung Quốc sẽ nhảy vào rót tiền đầu tư.
Trung Quốc củng cố quân đội
Việc Trung Quốc củng cố quân đội phản ánh nỗi lo lắng của họ về hoạt động bảo vệ tuyến đường biển và quyết tâm không lặp lại lịch sử gần đây. Hồi năm 1996, chính quyền Clinton đã gửi hai tốp hàng không mẫu hạm chiến đấu đến eo biển Đài Loan trong một giai đoạn căng thẳng giữa Đài Loan và Đại lục. Do Trung Quốc khi ấy không có hàng không mẫu hạm, cũng không có nhiều vũ khí để làm một cuộc biểu dương quyền lực đáng kể, nên Bắc Kinh đã phải rút lui. Người Trung Quốc chưa quên nỗi nhục đó.
Hải quân Trung Quốc không đem lại một thách thức nghiêm trọng nào đối với Mỹ. Tàu sân bay duy nhất của họ do Nga thiết kế cách đây đã hàng thập kỷ, và chỉ bằng nửa kích thước của một tàu sân bay hạng Nimitz (mà hải quân Mỹ sở hữu tới 10 chiếc).
Trung Quốc có một tên lửa đạn đạo mới với nhiều cải tiến, mà gần đây Đô đốc hải quân Mỹ Robert Willard tuyên bố đó là một mối đe dọa lớn đối với các tàu khu trục của Mỹ. Tuy nhiên tên lửa này chưa hoạt động, và khả năng của nó đến đâu thì chưa biết.
Nhà phân tích quân sự người Trung Quốc Liu Mingfu nói: “Trung Quốc củng cố quân đội không phải để tấn công Mỹ, mà để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không bị Mỹ tấn công”.
Những cử chỉ nghênh ngáo
Việc Trung Quốc nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi khu vực mà Trung Quốc coi là “cốt lõi” cũng đã đặt họ vào xung đột với một số quốc gia phía nam châu Á, vốn có những yêu sách về chủ quyền đảo trên Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) tương tự Trung Quốc. Vài xung đột trong số đó xuất phát từ chủ trương “đánh lẻ” rất mạnh mẽ mà Bắc Kinh theo đuổi. Bắc Kinh yêu cầu mỗi nước có liên quan chỉ được đàm phán với Trung Quốc mà thôi. Tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói năng gần như một tên đế quốc khi tuyên bố thái độ phản đối: “Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là nước nhỏ, đó đơn giản là sự thật”.
Tuyên bố vỗ mặt đó đã tạo cho Washington cơ hội để mở rộng sự ủng hộ đến các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, một nước đã rất hoan nghênh tàu hải quân Mỹ trở lại Vịnh Cam Ranh và đã tiến hành các cuộc tập trận chung với kẻ thù cũ của họ.
Bắc Kinh coi các nỗ lực của Mỹ nhằm “hòa giải” tranh chấp tại khu vực “cốt lõi” của Trung Quốc là một phần của một chiến dịch bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh và căn cứ quân sự thù địch. Mỹ hiện có hơn 100 căn cứ ở Nhật Bản, 85 cơ sở ở Hàn Quốc, một ở Philippines, một ở Guam, thậm chí một vài căn cứ ở Trung Á.
Simon Tay, chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Singapore, nói: “Nếu là một nhà tư duy chiến lược ở Trung Quốc thì không cần phải là một nhà lý luận hoang tưởng, bạn đã nghĩ ngay là Mỹ đang cố vận động châu Á chống lại Trung Quốc”.
Trong vụ Đài Loan năm 1996 và trong các tranh chấp chủ quyền gần đây trên Biển Đông, những nguy cơ về quân sự đã mang lại kết quả ngược với mong đợi của cả Trung Quốc và  Mỹ. Chính sách ngoại giao pháo hạm (đe dọa dùng vũ lực – ND) của chính quyền Clinton đã châm ngòi cho chương trình củng cố hải quân của Trung Quốc, mà hiện giờ là một thách thức trong khu vực đối với Mỹ. Còn chính sách hung hăng của Trung Quốc đối với các láng giềng nam châu Á của họ tạo cho Washington một lối vào, trong khi lại là bước lùi về ngoại giao của Trung Quốc.
Cũng vậy, thái độ nóng nảy của Trung Quốc đối với Ấn Độ về vấn đề biên giới chung khiến Mỹ có ảnh hưởng lớn hơn ở New Delhi. Xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku-Diaoyus (Điếu Ngư) gây tranh cãi đã đẩy Tokyo xích lại gần Washington.
Giới hạn của sức mạnh quân sự
Những mối đe dọa về quân sự, kể cả kín đáo, nói chung thường đi tới kết cục là nổ tung trên đầu người tạo ra chúng. Phần nào chúng phản ánh những khác biệt giữa thế giới năm 1914 và thế giới ngày nay. Hồi năm 1914, những cú mạo hiểm của các nước đế quốc nói chung đều có lợi cho họ. Ngày nay khái niệm “mạo hiểm” gần như đồng nghĩa với khái niệm “hăm hở đi quá xa”.
Mỹ có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng việc họ lưu trú ở Iraq là một thảm họa mang tính chiến lược, và họ cũng đã sa lầy trong cuộc chiến không thể thắng ở Afghanistan. Họ có thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc giao tranh theo kiểu truyền thống nào (nguyên văn: conventional battle, nghĩa là chiến tranh quy ước, không sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học, không sử dụng chiến thuật du kích – ND) trên hành tinh này, nhưng càng ngày càng khó thắng trong chiến tranh nói chung. Họ có thể san phẳng Iran, nhưng liệu có ai tin rằng người Iran sẽ đầu hàng không? Khả năng giá dầu tăng vọt – như một hệ quả – làm lung lay các nền kinh tế trên toàn thế giới, sẽ càng lớn hơn.
Ngược lại, Trung Quốc gần đây đã hủy bỏ một thỏa thuận mua bán dầu với Iraq và khoáng sản với Afghanistan, mà chẳng mất một người lính nào. Họ cũng đã đầu tư 120 tỷ USD vào ngành công nghiệp năng lượng của Iran và trở thành đối tác thương mại số 1 của Tehran.
Trong khi Mỹ đang xây dựng căn cứ quân sự mới ở Trung Á và tổ chức Hạm đội Bốn, đe dọa gây chiến ở châu Mỹ Latin, thì Trung Quốc với vai trò đối tác thương mại lớn của châu lục này đã làm vị thế của Mỹ nghiêng ngả.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung gần đây diễn ra êm ả, thách thức những luận điệu cho rằng hai người khổng lồ này đang bước vào một cuộc đối đầu. Tuy nhiên, mặc dù Washington và Bắc Kinh có nhiều điều để đồng ý với nhau và cùng rón rén đi qua những điểm họ bất đồng, nhưng căng thẳng vẫn còn đó.
Cả hai bên đều không được phép để quân đội quyết định tiến trình quan hệ giữa hai nước. Dù nói gì đi chăng nữa thì mọi vị đô đốc đều muốn có tàu mới và mọi viên tướng đều muốn có tên lửa mới. Việc của quân đội là đánh thắng – và điều ấy đòi hỏi nhiều thứ bất ngờ.
Nhưng ngày nay những thứ bất ngờ ngày càng đắt đỏ hơn và chắc chắn là sẽ gây tổn thất hơn là giành được vòng nguyệt quế.
Conn Hallinan là người phụ trách chuyên mục trên  tờ Foreign Policy In Focus


Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang