Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Chuẩn bị cho một làn sóng dân chủ mới (Nguyễn Gia Kiểng)

-Chuẩn bị cho một làn sóng dân chủ mới (Nguyễn Gia Kiểng)
“…Sự thay đổi bắt buộc phải đến, và đã đến. Nó bắt đầu tại những nước Hồi Giáo Ả Rập bởi vì đó là những nước chín muồi nhất cho một sự thay đổi chế độ…”
Những biến cố khởi đầu từ Tunisie và tràn sang các nước lân cận, làm sụp đổ các chế độ độc tài tại Tunisia và Ai Cập và làm chao đảo các chính quyền Yemen và Algeria đang khiến thế giới tự hỏi: phải chăng một làn sóng dân chủ mới vừa bắt đầu? Câu hỏi có cơ sở vì tất cả những cuộc xuống đường này đều có chung một mục đích rõ rệt là đánh đổ các chế độ độc tài và đòi dân chủ; càng có cơ sở vì tại nước Côte d'Ivoire cách đó không xa lắm tập đoàn Laurent Gbagbo cũng đang khốn đốn vì không tôn trọng kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ. Đối với người Việt Nam, câu hỏi tự nhiên là: liệu làn sóng dân chủ này có đem lại cho chúng ta một hy vọng nào không?

Dân chủ và những bước thăng trầm

Để trả lời những câu hỏi này, trước hết cần nhắc lại, dù là một cách ngắn gọn, bản chất của dân chủ và ý nghĩa của những đợt bùng phát của nó mà các nhà nghiên cứu gọi là những làn sóng dân chủ.

Cho tới nay nhiều người vẫn tự hỏi có một chủ nghĩa nào làm nền tảng cho dân chủ không. Câu trả lời dứt khoát là có, và đó là chủ nghĩa cá nhân tự do (Liberal individualism), hay gọi tắt là chủ nghĩa cá nhân (1). Dân chủ là thể hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tinh thần nền tảng của chủ nghĩa cá nhân là lấy cá nhân làm đối tượng phục vụ và dành cho cá nhân chỗ đứng trước hết và trên hết. Niềm tin nền tảng của nó là con người tự do sáng tạo hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn, có khả năng lớn hơn và đóng góp nhiều hơn. Cá nhân ở đây không có nghĩa la "bản thân mình" mà phải được hiểu là con người được nhìn một cách độc lập với tư cách thành viên của một tập thể nào đó. Con người này vừa trừu tượng vừa phổ cập, vì không là riêng ai cả nhưng lại hiện diện trong mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, chính kiến, thành phần xã hội v.v., và vì thế được coi là giá trị cao nhất. Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập Về Quyền Con Người (hay Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) có thể được coi là tuyên cáo của chủ nghĩa cá nhân (2); nó qui định một không gian cá nhân không thể xâm phạm và một không gian công quyền thuộc nhà nước, ở giữa là một không gian xã hội dân sự gồm các kết hợp của người dân không lệ thuộc chính quyền. Trong triết lý chính trị này không có "tổ quốc trên hết", quốc gia là một tình cảm và một không gian liên đới, chính quyền được nhìn như công cụ để tổ chức và bảo đảm các quyền tự do cá nhân, để tự do của người này không huỷ diệt tự do của người khác, nhưng tự do của người này chỉ dừng lại để tự do của người khác bắt đầu. Một chính quyền như thế là một chính quyền dân chủ.

Nhìn lại lịch sử loài người ta có thể nhận xét là tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng nói chung con người ngày càng tự do hơn và càng giành được một chỗ đứng quan trọng hơn, nhất là từ hơn hai thế kỷ nay. Có thể nói lịch sử nhân loại là cuộc hành trình của con người về tự do; và vì dân chủ là phương thức tổ chức xã hội để thực hiện tự do nên cũng có thể nói lịch sử thế giới là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ. Trong cuộc hành trình khó khăn đó dân chủ đã gặp nhiều trở ngại, từ những quyền lực thống trị dã man bằng bạo lực không phân biệt con người với thú vật và dụng cụ, đến những ảo tưởng về một thiên đường tương lai đòi hỏi những hy sinh hôm nay, qua những chế độ thần quyền trong đó kẻ cầm quyền tự xưng là đại diện của một thần linh và chỉ chịu trách nhiệm trước thần linh đó, những chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những chủ nghĩa thực dụng coi thỏa mãn những nhu cầu vật chất là ưu tiên cao nhất nếu chưa phải là tất cả, những chủ nghĩa tập thể coi con người chỉ có ý nghĩa như là thành tố của một tập thể được coi là trên hết như tổ quốc, giáo hội, đảng v.v. Đánh phá thâm độc và dai dẳng nhất nhắm vào dân chủ là đồng hoá chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của dân chủ, với chủ nghĩa vị kỷ, với hệ luận là dân chủ dẫn đến rời rạc và hỗn loạn.

Sau những nhắc lại trên, ta có thể nói đã có những làn sóng dân chủ, mỗi lần nhắm vượt qua một loại trở ngại, củng cố thêm ý thức dân chủ và đem chế độ dân chủ đến cho một số quốc gia. Tiếp theo là một giai đoạn trong đó là dân chủ khựng lại thậm chí có thể lùi bước. Sự thăng trầm này có lý do của nó. Đó là vì dân chủ vừa khó đạt được lại vừa khó gìn giữ. Bằng cớ là phải nhiều ngàn năm sau khi con người biết sống có tổ chức dân chủ mới ló dạng tại Hy Lạp rồi tắt lịm, phải đợi thêm hai ngàn năm nữa nó mới xuất hiện trở lại một cách rụt rè tại một vài nơi tại Châu Âu và mới chỉ phát triển mạnh gần đây. Nhưng dân chủ là cách sinh hoạt tự nhiên của xã hội văn minh nên nó chín muồi dần với đà tiến hoá của xã hội và tới một mức độ nào đó nó đủ mạnh để san bằng một số trở ngại đồng thời đánh đổ một số chế độ bạo ngược. Đó là một làn sóng dân chủ. Sự kiện một thanh niên nghèo khổ bán rau bị cảnh sát tát tai và tịch thu xe rau uất ức tự thiêu tại một thị trấn nhỏ không ai biết đến trong một nước Tunisia nhỏ bé đã có thể phát động cả một làn sóng đấu tranh làm sụp đổ các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập, và sắp làm chao đảo nhiều chế độ độc tài khác chỉ có thể có vì tình hình đã chín muồi, chỉ chờ một biến cố khởi động.

Sự khựng lại sau đó là do sự phản công của các thế lực chống dân chủ lợi dụng những sai lầm và lúng túng không tránh khỏi của các chế độ dân chủ mới thành lập trong những ngày đầu khó khăn. Những khó khăn này là tự nhiên bởi vì sinh hoạt dân chủ đặt nền tảng trên các chính đảng trong khi các chế độ độc tài sau suốt quá trình cấm đoán và tiêu diệt các đảng đối lập chỉ để lại một khoảng trống chính trị khi cuối cùng chúng phải sụp đổ. Tuy nhiên sự thoái bộ nếu xảy ra cũng không thể triệt tiêu những thành quả của làn sóng dân chủ trước đó. Nói chung, dù có những giai đoạn thăng trầm, trong dài hạn dân chủ vẫn tiến tới, và tiến tới một cách ngày càng mạnh mẽ hơn. Trào lưu dân chủ hoá không thể đảo ngược. Vài con số đủ để chứng minh sự thực này: ở đầu thế kỷ 20, hơn một thế kỷ sau làn sóng dân chủ đầu tiên, chỉ có khoảng mười nước dân chủ: Mỹ và một vài nước Tây và Bắc Âu. Đã thế, trừ Hoa Kỳ, các nước này cũng chưa hẳn là dân chủ bởi vì đồng thời cũng là những nước thực dân vi phạm nhân quyền ở các thuộc địa. Vào năm 1973 đã có 40 nước dân chủ, chiếm 26% tổng số 150 nước trên thế giới. Năm 1995, sau làn sóng dân chủ thứ ba, đã có 118 nước dân chủ trên tổng số 191 nước (62%). Điều đáng chú ý là dù mọi nghiên cứu đều đồng ý là dân chủ đã thoái bộ từ sau 1995 con số các nước dân chủ vẫn tăng lên chứ không giảm đi. Hiện nay, chưa kể những nước đang chuyển động về dân chủ như Tunisia, Ai Cập, Côte d'Ivoire và Yemen, đã có 121 nước dân chủ trên tổng số 194 nước (63%).


Các làn sóng dân chủ đã diễn ra như thế nào?

Làn sóng dân chủ đầu tiên bắt đầu với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ năm 1776 và Cách Mạng Pháp 1789 và nhắm lật đổ các chế độ quân chủ tuyệt đối dựa trên thần quyền. Trước đó ánh sáng dân chủ chỉ mới le lói tại Hòa Lan và Anh. Tôn giáo bị xét lại trong thời điểm này là Thiên Chúa Giáo. Hoa Kỳ sau khi giành được độc lập đã không lập ra một chế độ quân chủ với một nhà vua chỉ nhận sứ mạng từ Thiên Chúa như các nước Châu Âu mà đã thành lập một chế độ dân chủ lấy sự uỷ quyền của nhân dân làm nền tảng chính đáng. Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã phá các nhà thờ, tàn sát các linh mục và đẩy Thiên Chúa Giáo ra khỏi chính trị. Làn sóng thứ nhất này đã tiếp tục cho đến đầu thế kỷ 20. Nó đã buộc các chế độ quân chủ phải từ bỏ thực quyền để trở thành quân chủ lập hiến, đã đánh gục đế quốc Ottoman và các chế độ quân chủ tại Nga và Trung Quốc.

Làn sóng dân chủ thứ hai đã bắt đầu cùng với Thế Chiến II và nhắm đánh đổ chủ nghĩa quốc gia sô vanh. Chủ nghĩa này coi xung đột giữa các dân tộc là tự nhiên vì mọi dân tộc đều phải bảo vệ và mở rộng không gian sinh tồn của mình; trong cuộc đấu tranh sống còn này các dân tộc yếu nhược sẽ bị đào thải hoặc khống chế, sẽ chỉ còn lại những dân tộc tinh anh. Làn sóng dân chủ thứ hai bác bỏ chủ nghĩa dân tộc quá khích này và khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc và quyền tự quyết của mọi dân tộc. Kết quả là các chế độ Quốc Xã Đức, Phát Xít Ý và Quân Phiệt Nhật bị tiêu diệt, cả ba nước Đức, Ý và Nhật đều trở thành dân chủ, Nhật trở thành nước dân chủ đầu tiên tại châu Á; hầu hết các thuộc địa của Anh cũng trở thành những nước dân chủ. Tuy nhiên làn sóng dân chủ này đã nhanh chóng khựng lại và nhường chỗ cho chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và dân chủ được nhìn vào thời điểm đó như hai công thức dân chủ hoá cạnh tranh với nhau. Điều cần được nhấn mạnh là phong trào cộng sản đã ra đời như một phong trào dân chủ. Các chế độ cộng sản được thành lập sau Thế Chiến II đều tự xưng là dân chủ hoặc nhân dân, hai từ "dân chủ" và "nhân dân" được coi là đồng nghĩa: Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa v.v. Chế độ diệt chủng Pol Pot có tên là Campuchia Dân Chủ.

Làn sóng dân chủ thứ ba nhắm kết thúc cuộc chiến tranh lạnh và loại bỏ các chế độ độc tài sản phẩm của chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu năm 1974 bằng "cuộc cách mạng cẩm chướng" đánh đổ chế độ độc tài Salazar tại Potugal. Lúc đó cuộc tranh luận giữa hai công thức tự nhận là dân chủ, tư bản và cộng sản, đã gần như ngã ngũ; khái niệm dân chủ đã có nội dung đủ chắc chắn. Sự thất bại của công thức cộng sản đã khá rõ rệt, các tiến bộ về giao thông và truyền thông đã phơi bày sự thua kém tinh thần cũng như vật chất của các nước cộng sản so với các nước tư bản. Các đảng cộng sản Tây Âu suy yếu nhanh chóng. Hoa Kỳ và các nước dân chủ không còn lo ngại một thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản nữa và đã đủ tự tin để bỏ rơi các chế độ độc tài chống cộng ngay cả nếu cái giá phải trả là chúng sẽ nhường chỗ cho những chế độ cộng sản.

Làn sóng dân chủ này đã diễn ra trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, từ 1974 đến 1988, nó xô ngã các chế độ độc tài cánh hữu tại Portugal, Espana, Hy Lạp, Philippines, Nam Cao Ly, Đài Loan và nhiều nước khác ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Một số trở thành những nước dân chủ, nhưng một số khác rơi vào quỹ đạo cộng sản, như Nam Việt Nam, Lào, Campuchia, Angola, Ethiopia, Yemen, Nicaragua. Đối với người Việt Nam cần lưu ý là vào lúc đó chế độ Việt Nam Cộng Hòa không được thế giới nhìn như một chế độ dân chủ mà như một chế độ độc tài quân phiệt. Sự sụp đổ của chế độ VNCH đã chỉ gây buồn phiền cho rất ít người, trái lại hầu như mọi quốc gia đều chào mừng chiến thắng của đảng CSVN, ngay chính Hoa Kỳ cũng chỉ mong sớm bình thường hoá quan hệ với nước Việt Nam vừa thống nhất. Nhưng ngay sau đó sự thô bạo của chủ nghĩa cộng sản trở thành hiển nhiên dưới mắt mọi người và trong giai đoạn sau, bắt đầu từ 1988, làn sóng dân chủ tràn tới làm sụp đổ hầu hết các chế độ cộng sản, kể cả Liên Bang Xô Viết, đất thánh của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Làn sóng dân chủ thứ ba này đã khựng lại từ 1995, rồi suy thoái từ 1999. Tại Nga Vladimir Putin lên cầm quyền và một chế độ độc tài mafia dần dần bóp nghẹt các định chế dân chủ vừa thành lập, quân đội đảo chính lật đổ chế độ dân chủ tại Pakistan, Hugo Chavez đắc cử và đưa Venezuela ngày càng tới gần một chế độ độc tài mỵ dân. Trong thời gian này cũng vẫn có những nước chuyển hoá từ độc tài sang dân chủ như Thái Lan, Indonesia, Ukraine, Cộng Hòa Dominican v.v. số các nước dân chủ không giảm đi nhưng mức độ dân chủ sút giảm ở nhiều nơi.

Nguyên nhân của sự suy thoái này cần được phân tích vì nó đóng góp giải thích làn sóng dân chủ thứ tư vừa bắt đầu. Trước hết là tâm lý lạc quan sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt. Người ta nghĩ rằng như thế là dân chủ đã thắng và các chế độ độc tài còn sót lại sẽ đủ khôn ngoan để tự chuyển hoá về dân chủ; có người nói đến "hồi cuối của lịch sử" (Fukuyama: The End of History). Tâm lý này khiến người ta mất cảnh giác và quên rằng tham vọng khống chế nằm ngay trong bản năng của con người, nếu không được kiểm soát nó sẽ xuất hiện. Sau đó là chủ nghĩa thực tiễn, coi quyền lợi là trên hết và mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Tại Mỹ, năm 1992 Bill Clinton đắc cử và bắt đầu một chính sách đối ngoại thực tiễn. Thăng tiến dân chủ và nhân quyền không còn là quan tâm của Hoa Kỳ nữa; mọi chính quyền, dù độc tài và vi phạm nhân quyền, vẫn có thể là bạn của Hoa Kỳ. Sau Clinton, George W. Bush chủ trương cổ võ cho dân chủ nhưng sa lầy tại Iraq và cũng bị cô lập với chính các đồng minh của mình vì vụng về.

Barack Obama đã đẩy chủ nghĩa thực tiễn tới mức độ sống sượng. Trong bài diễn văn nhậm chức ông công khai tuyên bố sẵn sàng bắt tay với các chế độ bịt miệng đối lập nếu họ chìa tay ra. Ba tháng sau, trong bài diễn văn tại Cairo, nơi vừa diễn ra cuộc cách mạng dân chủ mới nhất, ông nói thêm là không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ tốt cho một quốc gia khác. Nói cách khác dân chủ và nhân quyền không còn là những giá trị phổ cập. Obama đã im lặng khi chính quyền Iran đàn áp dã man những cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận. Tồi tệ hơn cả là tổng thống Pháp Jacques Chirac. Không những không cổ võ cho dân chủ, Chirac còn công khai chống dân chủ tại các nước chưa phát triển. Ông giao du thân mật với những nhà độc tài và nhiều lần tuyên bố rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với những nước chưa phát triển. Điều an ủi duy nhất về Chirac là ông không phải là một nhà lãnh đạo tài giỏi, ông là vị tổng thống tồi dở nhất trong lịch sự cận đại của Pháp. Hình như có một tương quan mật thiết giữa bản lĩnh của các chính trị gia và sự gắn bó của họ với dân chủ. Mỹ và Pháp là hai cường quốc hàng đầu thế giới, khi họ lơ là với các giá trị dân chủ và nhân quyền thì dân chủ bị thiệt hại là lẽ dĩ nhiên.

Thêm vào với chính sách đối ngoại thực tiễn này là một chính sách kinh tế không thực tiễn của Hoa Kỳ, cũng bắt đầu với Clinton, theo đó người ta kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích tiêu thụ tối đa, ngay cả với cái giá phải trả là cán cân thương mại thâm thủng nặng (song song với đầu cơ nhà đất và chứng khoán). Chính sách này cuối cùng đã khiến Hoa Kỳ và thế giới khủng hoảng nặng, nhưng trong một thời gian dài nó đã hỗ trợ mô thức kinh tế dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc giàu lên và có phương tiện hỗ trợ các chế độ độc tài. Các chế độ độc tài cũng được dịp thoải mái thực hiện chính sách mở cửa kinh tế để khai thác chính sự nghèo khổ mà chúng là nguyên nhân: bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu với giá thật rẻ, lôi kéo du khách nhờ dịch vụ du lịch rẻ. Trong nhiều trường hợp, như Việt Nam, Ai Cập và Tunisia, các chế độ độc tài này được coi là đã thành công. Cũng nên biết cả ba đảng cầm quyền tại Việt Nam, Ai Cập và Tunisia đều là thành viên của Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa.

Nhưng ngày nay gió đã đổi chiều. Thế giới đã khủng hoảng và phải xét lại trật tự kinh tế. Chirac đã về vườn trong bẽ bàng. Obama sau những thất vọng trong chính sách đối ngoại và sau khi thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng đã thay đổi. Đặc điểm của chủ nghĩa thực tiễn trong đối ngoại là nó sai. Các chế độ bạo ngược tự nhiên không thích dân chủ và Hoa Kỳ, nhân nhượng với chúng không tranh thủ được cảm tình của chúng mà chỉ khuyến khích chúng lộng hành.


Làn sóng dân chủ thứ tư và một cơ hội mới

Làn sóng dân chủ thứ tư vừa bắt đầu nhắm vào các chế độ độc tài mở của về mặt kinh tế. Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả và còn là một xúc phạm đối với lý luận. Chúng không có một lý tưởng nào dù đôi khi những cụm từ nhàm chán như "xây dựng chủ nghĩa xã hội" được nhắc tới một cách gương gạo vô duyên. Chúng thuần tuý là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào, hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Và muốn đàn áp dễ dàng thì tâp đoàn cầm quyền phải mạnh và ngược lại quần chúng phải yếu. Bóc lột và bất công phải gia tăng vì nằm ngay trong logic tồn tại của chế độ. Nhưng đây một logic tự sát, vì nó càng khiến chế độ bị thù ghét hơn trong khi dù muốn hay không chính sách mở cửa kinh tế cũng khiến xã hội mạnh hơn và có khả năng phản kháng hơn. Các chế độ này đã tích luỹ quá nhiều mâu thuẫn và đã đến lúc phải chấm dứt. Sự mở của về kinh tế, và sự tăng trưởng kinh tế kế tiếp, đã thay đổi hẳn con người, xã hội và các tương quan lực lượng. Người dân vừa không còn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu vật chất hằng ngày vừa đủ thông tin để biết rõ sự tầm thường và gian trá của những người cầm quyền. Họ còn có những phương tiện hiện đại để trao đổi với nhau, động viên nhau và phối hợp với nhau. Các chế độ vô lý này đã tồn tại được nhờ sự thụ động của trí thức, nhưng ngày này sự hiểu biết đã được đại chúng hoá, một đội ngũ trí thức mới cũng đã nhập cuộc. Sự thay đổi bắt buộc phải đến, và đã đến. Nó bắt đầu tại những nước Hồi Giáo Ả Rập bởi vì đó là những nước chín muồi nhất cho một sự thay đổi chế độ. Tại đây tham nhũng và bóc lột đã vượt mọi giới hạn chịu đựng trong khi vấn đề đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị để trở về vị trí đúng của một tôn giáo đáng lẽ đã phải giải quyết từ lâu vẫn chưa được giải quyết. Mặt khác các nước này đã có những tổ chức chính trị và phi chính trị không thuộc chính quyền, nghĩa là một xã hôi dân sự đúng nghĩa, dù chưa mạnh. Và cũng phải nhìn nhận trí thức Ai Cập có văn hoá chính trị và chịu dấn thân hơn trí thức Việt Nam. Sau đó, có thể trước cả Nga, sẽ đến lượt Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng. Chúng ta lại sắp có một cơ hội mới để dân chủ hoá đất nước.

Nhưng một cơ hội dù thuận lợi đến đâu cũng chỉ thực sự là một cơ hội cho những ai dám tranh đấu và đã chuẩn bị sẵn để chờ đợi nó. Không thể chỉ trông đợi ở hiệu ứng vết dầu loang. Năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ chúng ta đã có một cơ hội nhiều lần thuận lợi hơn nhưng đã bỏ lỡ phần vì không dám phần vì thiếu chuẩn bị.

Nhưng chuẩn bị như thế nào? Nếu quan sát mọi cuộc cách mạng trên thế giới chúng ta đều thấy là có bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng: một là, sự vô lý của chế độ được phơi bày rõ rệt và toàn dân muốn thay đổi; hai là, đảng cầm quyền ruỗng nát và phân hoá vì mất lý tưởng và chính nghĩa; ba là, có đồng thuận dân tộc trên một chế độ mới và một dự án quốc gia mới; sau cùng là có một tổ chức mạnh để tập trung và thực hiện những nguyện vọng đổi đời.

Có đủ bốn điều kiện đó thì một cuộc cách mạng chắc chắn sẽ xảy ra và thành công. Chúng ta đã có hai điều kiện đầu và cũng gần như có điều kiện thứ ba. Điều mà chúng ta thiếu, cũng là điều không thể thiếu, là một tổ chức dân chủ mạnh. Tổ chức dân chủ này phải được xây dựng song song với cố gắng hình thành các tổ chức chính trị và phi chính trị không lệ thuộc chính quyền cộng sản, nghĩa là song song với cố gắng xây dựng xã hội dân sự.

Nếu dám, trí thức Việt Nam thừa khả năng để học hỏi và tìm ra phương thức đấu tranh phù hợp với hiện tình đất nước để sau đó hướng dẫn quần chúng. Ẩn số lớn nhất là liệu lớp trí thức Việt Nam hôm nay, chủ yếu là lớp trí thức trẻ, có còn ý chí hay không. Chưa có gì cho phép trả lời dứt khoát câu hỏi này. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu trí thức Việt Nam không dám vì nghĩ rằng chế độ cộng sản Việt Nam quá mạnh. Đại hội XI vừa rồi đã chứng tỏ đảng CSVN rất phân hoá trong nội bộ và cũng kiệt quệ về cả trí tuệ lẫn quyết tâm. Không nên vì thấy nó đàn áp hung bạo mà tưởng nó mạnh. Cách đây hai tháng ai có thể nghĩ là các chế độ Ben Ali và Mubarak sắp sụp đổ? Những gì vừa xảy ra chỉ nhắc lại một lần nữa một đặc tính chung của mọi chế độ độc tài bạo ngược, đó là cho tới ngay trước khi sắp sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Nhưng chúng là những chế độ rất không bình thường và có thể chết một cách rất đột ngột.
Nguyễn Gia Kiểng
(02/2011)

Đề nghị đọc thêm:
1. Nguyễn Gia Kiểng, “Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân”, Thông Luận số 208, tháng 11/2006.
2. Nguyễn Gia Kiểng, “Quyền con người”, Thông Luận số 187, tháng 12/2004.

© Thông Luận 2011

Tổng số lượt xem trang