Ông Võ Hồng Phúc là Bộ
trưởng Kế hoạch - Đầu tư
Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa ra con số này.
Thực ra, ngay tại Đại hội Đảng XI họp hồi tháng 1/2011, Bộ trưởng Phúc đã đưa ra cảnh báo về mức dự trữ ngoại hối.
Lúc đó, ông Võ Hồng Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, nói: "Năm 2010, tăng tưởng của nước ta đạt 6,8%, nhưng lạm phát cao, dự trữ ngoại hối chỉ khoảng 10 tỷ đôla".
"Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện; cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc."
Như vậy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã sụt dần trong mấy năm trở lại đây, gây quan ngại lớn.
Kinh tế gia kỳ cựu Lê Đăng Doanh nhận xét: "Dự trữ ngoại tệ thấp như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm vì chỉ còn tương đương khoảng 5-6 tuần nhập khẩu, trong khi mức tối thiểu phải có là 12 tuần theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF".
"Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không tránh khỏi và sẽ diễn ra không xa vì sức chịu đựng của dự trữ ngoại tệ không cáng đáng nổi nữa. Tỷ giá như hiện nay cản trở xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu."
Mới đây, các nhà phân tích của Citigroup dự đoán tiền đồng Việt Nam sẽ mất giá thêm 3% trong quý I/2011.
Các chuyên gia cảnh báo việc tiền đồng mất giá, lạm phát cao sẽ đi kèm nhiều vấn đề xã hội.
Tiến sỹ Trần Văn Thọ, Giáo sư Kinh tế Đại học Waseda (Nhật Bản), nói chính phủ Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng trước việc phá giá đồng tiền hay nâng giá các mặt hàng thiết yếu.
"Tăng giá hàng hóa trong lúc này luôn đi kèm nguy cơ bất ổn xã hội."
Năm ngoái, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam là 11,75%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng chính phủ trong nước đang có những nỗ lực lớn để giảm thâm hụt ngân sách và giảm chi tiêu công, nhưng "kết quả còn phải chờ mới rõ".
Trong một phỏng vấn mới với báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng khẳng định Nhà nước đã cố gắng giảm bội chi ngân sách và "đang cố gắng những năm tới sẽ đưa trở lại mức 5%".