Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Hồi ký Trần Văn Giàu (XV): Phần thứ năm: Tổng khởi nghĩa thành công - Kháng chiến chống Pháp bắt đầu (Đoạn 4)

Tư liệu đăc biệt: Hồi ký Trần Văn Giàu (XV): Phần thứ năm: Tổng khởi nghĩa thành công - Kháng chiến chống Pháp bắt đầu (Đoạn 4) (Diễn Đàn & Viet-studies 16-2-11)  -- Về việc "rước tù Côn Đảo" -- Vấn đề "bốn sư đoàn" ◄◄

9. Quyết định cho tàu ghe cấp tốc
đi rước tù chính trị Côn Đảo về

Ngày 25 kết thúc với cuộc hội nghị liên tịch giữa Uỷ ban và Xứ uỷ, trong đó bọn tôi kiểm điểm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và đặt ra những nhiệm vụ trước mắt.
Nhiều vấn đề được đặt ra, được giải quyết, sau khi ta đã nắm chính quyền.
Có một vấn đề mà tôi nhớ mãi, không phải chỉ vì nó đặc biệt quan trọng, mà vì nó đã làm cho tôi khốn khổ một thời gian dài. Ấy là quyết định đi rước tù Côn Đảo.
Đi rước tù Côn Đảo thì tốt quá chớ “khốn khổ” gì? Ậy! Vậy mà sanh chuyện khá lớn và kéo dài mới lạ cho chớ! Thành ngữ Việt Nam nói “đất bằng dậy sóng”! Có thật như vậy chớ không phải người xưa bày vẽ hình tượng văn chương để mà chơi.
Trong cuộc hội nghị chiều tối ngày 25, tôi có nói với các đồng chí trong Xứ uỷ: Khôi phục lại hệ thống Đảng ở Nam Bộ sau khởi nghĩa Nam Kỳ là công đầu của những anh em vượt ngục Tà Lài hợp sức với một số rất ít những anh em sống sót, ẩn náu sau 1940; xây dựng lực lượng để đi tới khởi nghĩa tháng 8, công đầu của các anh em trên hợp sức với anh em, chị em Bà Rá thoát khỏi căng với số anh em đã ẩn náu khác, đã trở lại công tác sau đảo chánh 9 tháng 3. Bây giờ khởi nghĩa thắng lợi chính quyền về ta, công việc nhiều mà khó khăn mười lần, trăm lần hơn trước. Lênin bảo: giữ chính quyền khó hơn cướp chính quyền; không có anh em ở Côn Lôn về thì không xong. Vả lại, nhiệm vụ của cách mạng là phải giải phóng tất cả tù chính trị mà chính phủ Trần Trọng Kim chưa chịu thả. Phải đưa anh em về ngay, cộng sản lẫn quốc dân đảng, bằng tất cả các phương tiện ta có, với bất cứ giá nào. Đừng chậm trễ, chậm trễ có thể sinh điều bất trắc (ví dụ như hải quân Pháp cản trở). Chắc nội đêm nay anh em ta ở Côn Lôn biết tin Sài Gòn khởi nghĩa cướp chính quyền rồi, họ nóng ruột lắm. Đừng để các đồng chí chờ đợi lâu.
Tất cả anh em đều đồng ý, và do tôi đề nghị, chúng tôi cử Đào Duy Kỳ hợp sức với Nguyễn Công Trung thay mặt Xứ uỷ làm việc gấp rút này. Kỳ có ở Côn Đảo, là nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Kỳ đã liền đó đi tìm sự cộng tác của Ngô Văn Chương – một ông đồng chí cộng sản giàu, có nhiều khả năng thuê tàu, thuê ghe, kiếm tiền – và sự cộng tác của hai anh em Lý Văn Sâm, Lý Văn Chương; Sâm là kỹ sư giám đốc thương cảng. Tôi ký tên ngay cho Đào Duy Kỳ, Lý Văn Chương, em Lý Văn Sâm, trưng dụng tàu nhỏ đi biển, trưng dụng ghe biển miệt Vàm Láng. Xứ uỷ còn chỉ thị cho các tỉnh uỷ Trà Vinh, Sóc Trăng tiếp tay vào việc rước tù Côn Lôn.
Công việc tiến hành có trắc trở ít nhiều, chậm trễ hơi lâu.
Nhưng rồi tất cả đồng chí ở Côn Lôn được rước về, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng v.v… Anh em về đến miền Tây Nam Bộ thì cuộc kháng chiến đã bắt đầu. Anh em liền bắt tay vào kháng chiến. Cụ Tôn năm lần bảy lượt đi qua gần nhà mà không ghé nghỉ; việc dân cần kíp hơn; cụ ông xa cụ bà đã mười bảy năm trường! Chuyện vua Vũ đi trị thuỷ, qua nhà ba lần không vào, so với chuyện cụ Tôn chưa thấm vào đâu!
Bọn tôi lo đón tù chính trị Côn Lôn về như vậy, đó là Nghị quyết đầu tiên của bọn tôi, là Nghị quyết đầu tiên tôi ký tên dưới danh nghĩa Chủ tịch sau khi giành chính quyền. Vậy mà một hôm, sau 1954, trên bục trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội, một lãnh tụ nhóm “Giải Phóng” trước kia, đã công khai tố cáo việc mà lâu nay họ xầm xì truyền miệng nhằm đả phá tôi, Trần Văn Giàu, đả phá “Xứ uỷ Tiền Phong” và “chính quyền Tiền Phong”! Đồng chí ấy nói trước non già một ngàn học viên mà hầu hết là những người có trình độ Tỉnh uỷ, Quận uỷ, Huyện uỷ, rằng: Chính quyền của anh Giàu, Xứ uỷ phe Tiền Phong không chịu rước tù Côn Lôn về, không chịu rước đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng về! Sở dĩ không cho đi rước vì phe Giàu sợ rằng hễ anh em ở Côn Lôn về thì anh em đó sẽ chiếm mất quyền của phe Giàu, lại có thể là Giàu có ý để cho Pháp có đủ thời giờ quay trở lại giữ các đồng chí kia ở Côn Lôn. May nhờ tự lo lấy cho nên các đồng chí ở Côn Lôn mới về được mà tham gia kháng chiến!
Hay tưởng tượng cái phản ứng tự nhiên của hội trường.
Người ta hét lên những câu gì? Không nói ra cũng có thể biết.
Nếu Trần Văn Giàu có mặt ở đó thì có lẽ đã bị đánh chết ngay rồi!
Nhưng, may quá, tôi ở 20 Phan Huy Chú, làm giáo sư dạy ở trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, không phải đi học trường Nguyễn Ái Quốc. Và may hơn nữa là, hôm đó, trong số học viên có Đào Duy Kỳ, người đã lãnh trách nhiệm của Xứ uỷ và của Lâm uỷ hành chánh chiều ngày 25 tháng 8 về cái vấn đề số 1 của buổi họp, vấn đề đưa tàu, ghe đi rước anh em ở Côn Lôn về.
Anh Đào Duy Kỳ cãi lại ngay hôm đó, Kỳ nói: “Chính tôi là người được lệnh của Xứ uỷ và Uỷ ban đi rước anh em kia mà! Và hiện nay, ở Hà Nội còn có ba đồng chí cùng tôi làm việc này, là Lý Văn Sâm, Lý Văn Chương – em của Sâm – và Ngô Văn Chương thuộc Uỷ ban hành chánh Sài Gòn- Chợ Lớn”.
Nỗi công phẫn mấy phút trước nảy lên dữ, bây giờ, sau lời cãi lại của Kỳ nó xuống cũng mau. Người nghe không hiểu tại sao có sự vu cáo kỳ cục và nguy hiểm như vậy?
Hôm sau, Đào Duy Kỳ về Viện Bảo tàng Cách mạng mà Kỳ là Chủ tịch Hội đồng Khoa học, mời các anh Lý Văn Sâm, Lý Văn Chương và Ngô Văn Chương tới phát biểu có ghi âm về việc họ được lệnh và đi rước tù ở Côn Lôn như thế nào. Theo Kỳ nói lại với tôi thì băng ghi âm đó, Viện bảo tàng cách mạng còn giữ. Tôi không được nghe, nhưng tôi được biết là có thật buổi ghi âm đó; Sâm, Chương đều là bạn thân của tôi từ trước những ngày vinh quang tháng 8 ở Sài Gòn.
Vu cáo lớn và hết sức ác này, kể theo thời gian là vu cáo lớn thứ tư. Cái vu cáo này có dịp bùng lên giữa hội trường Đảng nên nó bị nổ tung như cái bong bóng. Nhưng than ôi! Còn tiếng xầm xì, xậm xịt lâu nay thì ai đính chính cho tôi? Không có kiểm điểm sự vu cáo. Ai vu cáo cứ vu cáo; còn ai bị vu cáo cứ phải ráng mà chịu dù sự thật của chúng rõ như ban ngày.

10. “Cuộc đi rước tù chính trị Côn Đảo”
của Lý Văn Chương


Sau đây là bản tự thuật của đồng chí Lý Văn Chương (đã ghi âm và đã đánh máy thành 7 bản) tại Viện Bảo tàng Cách mạng Hà Nội.
Nhắc lại rằng chiều tối ngày 25 tháng 8, khi cuộc biểu tình vũ trang một triệu người đã giải tán thì Xứ uỷ họp kiểm điểm ngày khởi nghĩa và đề ra những nhiệm vụ cần kíp; tôi, chính tôi yêu cầu Xứ uỷ và Uỷ ban ra quyết định cử người đem tàu, ghe rước anh em ta còn ở ngoài Côn Đảo. Riêng tôi ký ngay lệnh lấy chiếc tàu De Lanessan để làm ngay việc đón rước cho mau chóng nhất. Một ban chuyên trách được thành lập ngay gồm ba người: Đào Duy Kỳ (nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ), Nguyễn Công Trung (viết báo Dân Chúng) và Tưởng Dân Bảo (người đã từng ở Côn Lôn). Ban này giao cho Lý Văn Chương thực hiện kế hoạch đi rước. Anh Lý Văn Chương bác bỏ kế hoạch mướn tàu Hải Nam ở Rạch Giá; anh là người Gò Công, chủ một cái tiệm máy móc phụ tùng ở đại lộ De La Somme. Mặt xương xẩu, nói lấp vấp mà tính tình chân thật, thương anh em; quen biết tất cả anh em thủ thuỷ và hoa tiêu Sài Gòn.
Bản tự thuật của Lý Văn Chương (bản gốc còn ở Bảo tàng Lịch sử Hà Nội) kể (nguyên văn):
Việc thi hành nhiệm vụ mà Uỷ ban Ủng hộ Chính trị phạm (chủ tịch Đào Duy Kỳ; uỷ viên: Nguyễn Công Trung và Tưởng Dân Bảo) giao cho tôi tổ chức đoàn ghe biển (ghe đánh cá) đi rước những nhà chính trị bị đế quốc Pháp cầm tù ở Côn Đảo.
(Tôi được mời đến để tự thuật, ngày 23 tháng 9 năm 1965, tại Viện Bảo tàng Cách mạng).
Vào lúc 14 giờ ngày 3 tháng 9 năm 1945, anh Ngô Văn Chương (Sài Gòn), vóc người to lớn, chạy vô tiệm tôi, hơ hãi nói: “Anh Năm, chính phủ mình lấy chiếc tàu De Lanessan giao cho anh em công nhân và các anh Hoá, Trúc (hoa tiêu) lo sửa chữa để ra Côn Đảo rước chính trị phạm nhưng bọn Việt gian cho bọn Pháp hay, Pháp mách (cho Anh, Anh lệnh cho) Nhật Bổn tịch thu chiếc tàu ấy; lấy đâu mà đi rước các nhà chính trị ngoài đó?
Do không có phương tiện đi Côn Đảo liền trong ngày chiếc tàu De Lanessan bị tịch thu, nên Uỷ ban Ủng hộ Chính trị phạm phân công anh Ngô Văn Chương tức tốc xuống tỉnh Rạch Giá tìm mướn tàu Hải Nam, loại tàu chạy buồm của người Trung Quốc thường tới buôn bán ở nơi đó.
Phần tôi cố theo dõi tình hình cũng biết một số tin tức ngoài Côn Đảo từ năm 1940/1941 tới nay là 1945, bọn Pháp giết chóc hơn phân nửa số người chính trị nó đưa ra ngoài đó. Tôi xét thấy anh Tư Ngô Văn Chương xuống Rạch Giá khó tìm loại tàu Hải Nam được (thỉnh thoảng mới có một, hai chiếc ghé đó để bán và mua hàng). Tôi biết là vì tôi là người mua bán khắp các tỉnh, nắm được tình hình buôn bán khắp nơi.
Để giải quyết vấn đề này, tôi nhận thấy chỉ có những loại ghe biển mũi đỏ nhọn, đánh cá, như loại ghe ở ấp Vàm Láng, xã Kiến Phước, tỉnh Gò Công mới có khả năng đảm bảo; ghe mũi nhọn, nhỏng cao lên, đít thì bầu, sóng lớn đánh vào mũi, nó cứ lách mình chạy tới, nó đã được nhiều lần thử thách; gặp gió lớn hay bị bão trôi đi có khi tận đến Phi Luật Tân, Nam Dương, Xiêm La, mà còn trở về được. Từ đất liền đến Côn Lôn đường xa có hơn 120 km đường chim bay, vả lại lúc ấy có chút ít gió nồm nam vào buổi chiều, khi trở về thì xuôi buồm, như thế sử dụng loại ghe biển đó rất thuận lợi.
Đến 19 giờ ngày 3 tháng 9 năm 1945, tôi kêu dây nói báo cho anh Đào Duy Kỳ, nói những ý kiến của tôi, anh Kỳ lúc ấy là chủ bút tờ báo Dân Chúng ở tại đường Lagrandière 1 lại là Chủ tịch Uỷ ban Ủng hộ Chính trị phạm.
Trong hai ngày 4 và 5 anh Đào Duy Kỳ giao cho anh Tưởng Dân Bảo tìm hiểu tôi và thăm dò những ý kiến của tôi đề ra, xem tôi có tích cực, thành thật trong công tác này hay không… Đến ngày 6 tháng 9, các anh Kỳ, Trung, Bảo nói cho tôi biết là Đảng đã chấp thuận ý kiến chương trình của tôi đề ra và tôi được phân công đi Gò Công bằng một chiếc xe hơi gazogène.
Đi vào lúc 9 giờ 30 sáng 6 tháng 9, xe chạy một hơi tới Gò Công; rồi đi luôn xuống nhà quen ở xã Kiến Phước, nhờ anh Nguyễn Văn Kiết xã trưởng đi cùng anh Huỳnh Văn Lúa, với chúng tôi đến Vàm Láng, triệu tập các chủ ghe biển với một số thuỷ thủ tại ấp Vàm Láng – ngày ấy nhằm ngày trời gió nam, biển động, ghe biển đậu tại bến.
Anh Tưởng Dân Bảo trình bày lý do, chúng tôi động viên khuyến khích các chủ ghe và anh em thuỷ thủ đóng góp sức lực cho sự giải thoát chính trị phạm. Lúc đầu các chủ phương tiện dùng dằng viện lý do này lý do khác; nhưng anh em thủy thủ và những tài công (coi lái ghe) đồng tình cương quyết ra đi, cho nên các chủ ghe cũng thuận theo. Kết quả, tổ chức được 50 chiếc ghe biển loại lớn, mỗi chiếc chở được ít nữa 100 người. Phải cho mỗi chiếc ghe mượn từ một trăm đồng trở lên để mua thêm dây neo, buồm và dụng cụ đi biển…
Cách đi ra Côn Đảo trong mùa gió này (là) đi trong sông, ra cửa Cồn Lợi tỉnh Trà Vinh hay ra cửa Định An tỉnh Sóc Trăng, từ đó bắt đầu chạy buồm thì mau hơn, còn nếu bắt đầu từ Vàm Láng thì sẽ bị gió thổi tắp và khó chạy, chạy chậm mất thêm ngày giờ.
Tổ chức, bố trí xong xuôi; anh Lúa, anh Kiết chịu trách nhiệm theo dõi tình hình đoàn ghe biển trong lúc chuẩn bị, sửa chữa neo buồm. Nên chúng tôi trở về Sài Gòn vào lúc 15 giờ ngày 6 tháng 9. Lúc xe chạy ngang nhà, con tôi tên là Toàn mới bốn tuổi chơi trước cửa ngõ, tôi thấy con mà cũng đành để xe chạy luôn, vì đường vô nhà ba mươi thước, không để mất thì giờ ghé thăm cha mẹ và con tôi được. Lo việc cho xong sẽ về thăm, muộn gì. Nhưng, từ đó tới nay tôi đi luôn, hơn hai mươi năm, cha mẹ tôi chết hết, tôi không gặp mặt.
Chúng tôi ghé thị xã Gò Công, ghé Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Côn cho mượn 6.000 đồng để phân phát cho các chủ ghe mượn.
Trở về báo cáo với anh Kỳ, Trung, tôi yêu cầu có tàu dắt đoàn ghe biển theo sông Cồn Lợi cho mau. Tìm được chiếc tàu Rodier, nhưng máy nó yếu, nó kéo không hết đoàn ghe, cần thêm một chiếc nữa. Tôi đến văn phòng cảng Sài Gòn, xin lấy cho một chiếc tàu kéo. Lúc ấy, anh Lý Văn Sâm giám đốc cảng Sài Gòn - Chợ Lớn, anh Sâm là anh ruột tôi, ảnh nói: “Phải có ý kiến và xin giấy phép chính phủ, không nên cảm tình cá nhân anh em”. Tôi báo cáo với anh Đào Duy Kỳ xin lấy chiếc tàu kéo của cảng. Anh Kỳ đến Uỷ ban Nam Bộ, anh Trần Văn Giàu ký giấy cho phép và tôi đến cảng nhận chiếc tàu kéo Remorqueur R.4.
Lúc ấy, gặp những anh em công nhân lo sửa chữa chiếc tàu Phú Quốc để chạy ra Côn Đảo. Vì chiều ngày 5 hay là sáng ngày 6 tháng 9 năm 1945, anh Trần Văn Giàu (đã) ký giấy lấy chiếc Phú Quốc. Tôi động viên anh em sửa chữa nhanh để đi một đoàn cho có bạn.
Ngày 11 tháng 9, vào lúc 19 giờ, anh Đào Duy Kỳ triệu tập tại nhà báo Dân Chúng một cuộc họp để phân công. Tôi chịu trách nhiệm chỉ huy đoàn ghe đi Côn Đảo với danh nghĩa là một uỷ viên Uỷ ban Ủng hộ Chính trị phạm, có giấy giới thiệu và giấy chứng nhận của Ủy ban. Trong cuộc họp này, có tên Tỵ ra ngăn cản với lý do là đoàn ghe biển này đi rước các nhà chính trị phạm không bảo đảm an toàn; nếu có chìm ghe chết người thì vợ con họ kiện chính phủ; cần phải có đủ tàu đi rước mới được. Tôi cam đoan, bảo đảm giữa hội nghị và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm: hội nghị tán thành. Tên Tỵ nó biết chính phủ mới thành lập, không có tàu. Tên Tỵ theo tàu Phú Quốc đi với một số người và một phụ nữ ra Côn Đảo. Ra Côn Đảo nó lên diễn đàn, nói chưa chắc độc lập. Sau nó trở về Sóc Trăng, gạt anh chủ tịch Dương Kỳ Hiệp, lấy 50.000 đồng để mua súng… (sau tôi báo cáo cho anh Nguyễn Văn Tây cái tên Tỵ khả nghi này. Quả nó là gián điệp theo phá hoại cuộc đi Côn Đảo rước chính trị phạm. Tỵ bị bắt).
12-9-1945, Nguyễn Công Trung giao cho tôi 2.000 đồng. Tôi lấy thêm tiền nhà 5.000 đồng. Chỉ một mình anh Lý Văn Sâm biết tôi đi làm gì. Vợ tôi về Gò Công. Cửa tiệm của tôi đã nghỉ buôn bán năm tháng nay để tôi lo công tác. Đến cảng Sài Gòn, tại cột cờ Thủ Ngữ, trình giấy tờ, anh Đức giao cho tôi chiếc R.4 đã có chuẩn bị chu đáo theo lệnh anh Sâm.
14 giờ ngày 12-9, thì R.4 bắt đầu mở máy chạy một mạch đến Kinh Nước Mặn vào lúc 22 giờ ngày ấy. Chiếc Rodier cũng tập trung với đoàn ghe biển. R.4 kéo một đoàn 20 chiếc ghe biển; Rodier kéo 12 chiếc… Chạy đến thị xã Mỹ Tho lúc 18 giờ; đậu lại mua thêm củi cho R.4 chụm lò; đậu cách chợ một cây số sợ anh em thuỷ thủ lên chơi, tập trung lại chậm trễ… Đến quận Trà Ôn vào lúc 4 giờ sáng ngày 15 tháng 9, mua hột vịt, muối, cá khô, gạo, nước ngọt cho mỗi ghe; mua củi cho R.4 trở về Sài Gòn. Còn Rodier chạy đến Đại Ngãi (Sóc Trăng) đậu lại đó chờ đoàn ghe trở về…
Khi đó hàng trăm Thanh niên Tiền phong cầm tầm vông đến tra xét, vì vừa qua Hoà Hảo dậy muốn giành chính quyền ở Hậu Giang; họ bị ta bắt cũng nhiều; anh em Thanh niên Tiền phong có nhiệm vụ tuần tiễu, canh gác nghiêm ngặt, họ sợ đoàn ghe lạ đến giải thoát dân phiến loạn, còn Hoà Hảo nghe tin có đoàn ghe lạ tới, ngỡ là ghe đến chở họ đi, la ó om. Rốt cuộc Thanh niên Tiền phong và nhà chức trách địa phương biết là đoàn chúng tôi đi Côn Đảo đưa chính trị phạm về.
Bản thân tôi, cùng thuyền viên thuỷ thủ trong đoàn ghe hơn 200 người, không một ai biết Côn Đảo. Phải nhờ đồng bào giúp đỡ, ở đây ngư dân thường đánh cá về hướng Côn Đảo nên rõ đường đi; phải nhờ họ giúp.
Chương trình lúc ra đi, có bàn là, tình hình chính trị yên tĩnh thì rước chính trị phạm về thẳng Sài Gòn; không êm thì về Mỹ Tho.
5 giờ sáng ngày 6-9-1945, tôi cho đoàn ghe ra cửa Bảy Xào, theo hướng Côn Đảo mà chạy. Trên đầu cột buồm ghe tôi, có treo một cái khăn bông tắm để làm beo cho các ghe sau thấy, để khỏi lạc. Quá 10 giờ nổi lên một trận giông rất lớn. Các ghe phải lăn buồm thả trôi theo lượn sóng mà chịu. Chiếc ghe mà tôi ngồi là chiếc ghe số 3, chở 9 người thì 3 người nằm mê man, ba người chịu trách nhiệm trước mũi, khi lăn buồm xong cũng bị say sóng, chỉ còn ông lái ghe, ông tát nước và tôi ngồi gần lái mà chịu trận. Sóng đánh trước mũi ra tận sau lái, chiếc trước chạy cách chiếc sau 100 thước mà không thấy cột buồm nhau. Sóng to, gió lớn, mưa nhiều. Lúc ấy, ông lái ghe đòi quay ghe xuôi sóng trở lại sau sẽ trở ra; tôi không đồng ý, cương quyết tiếp tục đi tới, nên giữ gối đầu sóng không cho ghe trôi vào, để làm gương và dẫn đường cho các ghe sau (ghe tôi ngồi là ghe chỉ huy). Chịu đựng gió to, sóng lớn, mưa nhiều như thế suốt hai giờ rưỡi thì gió mới dịu bớt.
Trong trận giông lớn này, tôi nghĩ mười phần chỉ có một phần sống nhưng vì tôi nhận nhiệm vụ và vì tôi thương các nhà chính trị bị đày đoạ ngoài Côn Đảo, nên tôi thà chết, không nghe lời ông lái quay ghe trở lại. Trận giông này làm xiêu bạt hết 9 chiếc ghe và một thuỷ thủ tên là Thủ, còn tuổi thanh niên, làm nhiệm vụ lăn buồm, bị cánh buồm gạt anh sút tay rơi xuống biển mất tích. Trong số ghe trở lại, có một chiếc xiêu bạt đến cù lao Nam Sa, sau sửa chữa trở về được, trong tàu có một thanh niên người Trung Quốc tên là Thang Bửu Minh ở Chợ Lớn, cũng theo ra đón chính trị phạm người Trung Quốc. Một số ghe trở lại Cồn Nóc núp gió trong ba ngày sau mới ra được; tất cả trước sau 25 chiếc, chỉ lạc 7 chiếc.
Khi gió êm, lại bắt đầu chạy… đến 15 giờ thấy trước mặt hình dáng Côn Đảo. 19 giờ ngày 16-9-1945, mới đến bãi Cỏ Ong.
Sáng ngày 17, nhờ anh em trên Côn Đảo đưa chúng tôi leo qua ba hòn núi mới tới trung tâm của đảo, thì lúc đó cũng vừa xong lễ tiếp rước phái đoàn chính phủ – chiếc tàu Phú Quốc của anh Tưởng Dân Bảo đã tới trước…
Đến nửa đêm ngày 22, rạng 23 tháng 9, các nhà cựu chính trị phạm xuống tàu, ghe để về đất liền. Kéo buồm vào lúc 3 giờ sáng. Chiếc ghe tôi, ghe số 3, có nhiệm vụ đi hậu vệ, nó chạy nhanh; nếu có chiếc này chạy chậm tôi cho ghe số 3 quay lại đôn đốc, chiếc nào chạy rời rạc thì làm dấu hiệu cho nó đi theo, không cho đi xa đoàn (vì lúc đó còn nghe nói có hai tàu lặn của Pháp quanh quẩn ở Côn Đảo, nên tôi đề phòng sợ có điều xảy ra không hay).
Khi đến Cồn Nóc vào 20 giờ thì nghe tin Pháp đã chiếm Sài Gòn. Nên đoàn ghe chạy về Đại Ngãi, Sóc Trăng. Năm giờ sáng ngày 24 tháng 9 năm 1945, vào bến đậu lại. Các nhà chính trị lên xe hơi về tỉnh. Chiếc Phú Quốc chạy ra thêm một chuyến nữa, có anh Văn Cừ (Cần Thơ) đi theo để chở anh em còn lại
Đoàn ghe biển Vàm Láng làm xong nhiệm vụ trở về nơi xuất phát.
Khi ấy Nam Bộ kháng chiến vừa bắt đầu”.
 
Cuộc tường thuật ghi âm của Lý Văn Chương ở Viện Bảo tàng Cách mạng Hà Nội có phóng viên các báo, có các uỷ viên hội đồng khoa học của viện, có nhiều học viên các tỉnh học trường Nguyễn Ái Quốc, có một số đồng chí Nam Bộ như chị Mười Thập, chị Sáu Ngãi… chứng kiến.
Vai trò của các đồng chí ở Côn Đảo về rất quan trọng, hết sức lớn lao trong kháng chiến chống Pháp thì người chép sử sẽ càng đánh giá cao sáng kiến và công trạng của đồng chí Lý Văn Chương trong việc đi rước chính trị phạm tháng 9 năm 1945.
Ấy, tình đời như thế ấy. Đề nghị đi rước anh em Côn Đảo là tôi, tôi là người đầu tiên đưa ra (với lý do lịch sử cụ thể); lẽ cố nhiên là nếu tôi không đề ra trước thì cũng có người đề ra sau, ký liên tiếp bốn cái giấy trưng dụng tàu Lanessan, tàu Phú Quốc, tàu Rodier và R.4, là tôi. Vậy mà xậm xì, xậm xịt rằng tôi, Trần Văn Giàu, không chịu rước anh em Côn Đảo “sợ họ giành quyền”! Anh Trọng (Đẹt) nguyên tỉnh uỷ viên Mỹ Tho, nguyên Xứ uỷ viên năm 1940, có lần nói với tôi là ở Côn Lôn về anh đã nghe tụi Sáu Vi (Biện Vi) nói như vậy, anh Trọng hoài nghi có sai trái, vì ở Côn Đảo đồng chí Tưởng Dân Bảo thay mặt chính quyền cách mạng ra rước anh em về, và về tới Mỹ Tho thì Dương Khuy – bí thư tỉnh uỷ, một người của chúng tôi vượt ngục Tà Lài 1941 – rước Trọng, Khuy lúc đó ở cơ quan gần cầu Quây, còn Sáu Vi thì ở mút trong làng Long Hưng. Nhóm Giải Phóng của tụi Sáu Vi, Ba Dự vu cáo thô bỉ quá, ác quá. Vậy mà cũng lắm người lớn nghe! Mãi đến 1965, sau vụ “nổ” ở trường Nguyễn Ái Quốc mới gọi là tạm “hết”, nói cho đúng là “tạm êm”, thì nạn nhân như tôi đã mềm xương rồi, còn gì? Tôi tự an ủi: Vẫn còn may hơn bị vu cáo mà đã chết rồi; chết là thua! Còn tôi thì chưa chết. Chưa chết thì có ngày cải chánh. Nên nói thêm chăng là anh Lý Văn Chương, già, chết ở Chợ Lớn, linh cữu đưa về Gò Công, hôm đó tôi có đi đưa mà không có mấy ai ở Côn Lôn đã được Chương rước về đất liền. Buồn thay! Khi ấy hội cựu tù nhân chưa được tổ chức. Hôm đưa linh cữu Lý Văn Chương về chôn ở quê nhà Gò Công, tôi sống lại câu chuyện tình cảm anh đã ghi khi nhắc lại việc tổ chức đoàn ghe đi rước tù Côn Đảo. Xe hơi anh đi Vàm Láng mướn được ghe biển rồi, anh tức tốc về Sài Gòn, xe hơi chạy qua trước cửa nhà cách lộ vài chục thước, anh thấy đứa con nhỏ chạy ra đón anh, anh chỉ xuống xe vò đầu con mà không vô nhà sợ đi về Sài Gòn trễ việc lấy tàu kéo ghe đi làm nhiệm vụ rước tù chính trị. Người có trách nhiệm quá!

11. Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang.
Vấn đề “bốn sư đoàn”

Tình hình chính trị Sài Gòn và Nam Bộ tháng 8, tháng 9 năm 1945, đã phức tạp vì sự có mặt hết sức nguy hiểm của quân Anh, quân Nhật, quân Pháp, lại càng phức tạp hơn nữa vì sự tồn tại của lực lượng vũ trang của các chính đảng, các giáo phái. Lúc ấy, tôi mấy lần “nói chơi” với Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Lưu là chúng ta đang ở vào cái thế “Xuân thu chiến quốc”. Có anh thạo truyện khác bảo: ấy là thế “thập bát phản vương đầu tuỳ Đường”. Ngoài Bắc đâu có như vậy? Làm sao bây giờ? Gỡ rối bằng cách nào?
Các lực lượng vũ trang của đế quốc (Pháp, Anh, Nhật), chưa nói, chỉ nói của người bản xứ thôi.
– Trong cái “mặt trận quốc gia thống nhất” sớm nở tối tàn kia, đảng Quốc gia độc lập là cái chánh đảng ít đáng sợ nhất. Tuy là đảng cầm quyền, ông giáo Hồ Văn Ngà biết tổ chức cái gì đâu ngoài những lớp trung học cấp hai; nhà báo Nguyễn Văn Sâm viết, nói đều bất tài, mà tổ chức thì càng dở, được chỉ có cái dễ gần, dễ thương. Quân Bảo an của Tây rồi của Nhật để lại thì đã lọt ra khỏi tay họ hết rồi, còn gì đâu? Đáng ngại nhất là phái Cao Đài Trần Quang Vinh. Họ làm việc với quân Nhật từ 1942, họ mộ lính, mộ thợ cho Nhật; Nhật từng cho rằng ở Nam Kỳ không thể lập chính đảng thân Nhật quan trọng mà, làm chính trị ở Nam Kỳ thì phải lợi dụng giáo phái. Cao Đài suy tôn Cường Để; nhiều báo Sài Gòn cổ vũ cho Cường Để, Cường Để được phép lưu trú ở Nhật từ lâu. Từ thời Đông Du, Cường Để có đúng là tay sai của Nhật không, thì không chắc, không có gì làm bằng cớ cho đủ, nhưng Cao Đài suy tôn ông là chủ trương “quân dân cộng chủ”. Hôm 9 tháng 3, quân Cao Đài có tham gia lấy thành “11è RIC” 2 của Pháp bằng “thanh viện” (nghĩa là bằng la ó). Sau 9 tháng 3, quân Cao Đài thêm đông, đóng khắp các trường sơ học Sài Gòn. Ước lượng số quân Cao Đài là trên hai vạn, gần ba vạn. Nhật cho họ bao nhiêu súng lấy của Pháp? Ai biết? Nhưng chắc chắn không phải ít. Bề ngoài thấy quân Cao Đài tập luyện phần nhiều bằng súng gỗ. Còn bên trong? Bọn Vinh trước theo Pháp, rồi theo Nhật. Bây giờ Nhật thua, Pháp dại gì mà không rủ họ trở lại nếu họ chống cách mạng, nếu Pháp chẳng những hứa tha thứ tội thân Nhật mà lại còn ban cho một số quyền lợi, chức vụ nào. Quân lính Cao Đài số đông muốn chống thực dân, nhưng họ lại là tín đồ, dễ nghe theo chức sắc. Quân Cao Đài cũng được gọi là “Phục quốc quân”, gồm nhiều nhóm khác nhau, chống nhau nữa; như phe Lê Kim Tỵ thì chống Trần Quang Vinh. Có vài “chính khách” đầy tham vọng thuộc quân Cao Đài thì cũng cần có hậu thuẫn, mà quân Cao Đài thì cũng cần có chính khách để ra vẻ “có học thức”, có chính trị. Một chính khách loại đó là trạng sư tiến sĩ luật khoa Dương Văn Giáo.
– Kế đó là Hoà Hảo, còn gọi là “Phật giáo Hoà Hảo”, và cũng gọi là “Dân xã Đảng”. Một thời được gọi là “Đạo khùng”: Hễ Thầy (hiện thân của Phật Thầy trước kia) nói trắng thì phải hiểu là đen, nói cho sống thì phải hiểu là giết đi! Huỳnh Phú Sổ thanh niên có lên Sài Gòn, và có một theo một lớp huấn luyện chính trị của các anh Nguyễn Công Trung, Nguyễn Thành A, v.v… ở Uỷ ban “sản xuất công đoàn” hồi 1937. Pháp ngán Huỳnh Phú Sổ, bắt ông an trí tại Bạc Liêu. Nhật đem Huỳnh Phú Sổ từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, sử dụng Huỳnh. Tại Sài Gòn, quân Cao Đài nhiều hơn quân của Hoà Hảo đến ba, bốn lần. Không thấy quân Hoà Hảo ở Sài Gòn có vũ khí gì, nhưng vài năm nay, thì tín đồ Hoà Hảo ở Hậu Giang rất đông người bỏ việc đồng bái, lo tập luyện dao kiếm, võ thuật. Đáng lo là hiện nay Hoà Hảo đã có tập trung người lên Sài Gòn. Còn tương lai chắc không xa mấy, nếu ta yếu thì Hoà Hảo sẽ thực hiện cái mộng lớn chúng tôi được biết là chương trình “minh vương trị vì”, với kế hoạch ba bước: lấy Hậu Giang, để căn cứ vào vựa lúa Hậu Giang mà lấy Nam Kỳ và sau đó căn cứ vào vựa lúa Nam Kỳ mà lấy Việt Nam, như Nguyễn Ánh ngày trước. Kế hoạch tham vọng thôi chớ Hoà Hảo chỉ là một lực lượng địa phương gồm chỉ mấy tỉnh; song ở địa phương đó thì họ mạnh. Tín đồ Hoà Hảo rất mê đạo; mê đạo là một sức mạnh của họ, sau này chắc là lãnh tụ của họ sẽ dắt họ đi đường sai lầm cũng như Cao Đài; nhưng trong thâm tâm họ có tư tưởng chống thực dân Pháp. Có người mình bảo: “Hoà Hảo tán thành Việt Minh”. Có người của Tạ Thu Thâu nói: “Hoà Hảo nói y như nhóm Tranh đấu”. Cả hai ý đều không đúng sự thực; Huỳnh Phú Sổ có tham vọng cá nhân rất cao, rất to. Châu Văn Giác lúc chưa ốm đau được tôi phái đi Long Xuyên nhiều lần. Riêng tôi hai lần tôi đến gặp Huỳnh ở đường Miche 3, sau 9/3/1945, tôi thấy như vậy, tôi tự cho là hiểu bản chất của phong trào Hoà Hảo. Thầy tu Hoà Hảo nuôi tham vọng đế vương, “Minh vương trị vì”, mưu tính tổ chức lực lượng vũ trang lớn, để đạt mục đích ấy chớ họ không phải Việt Minh, hay Trốt-kýt gì cả.
– Những tổ chức quân sự hay bán quân sự khác ở Sài Gòn thì khá nhiều mà mỗi tổ chức như vậy đều là không nhỏ, họ đều có vũ khí (do xin, mua, giật của Nhật, Pháp hoặc do Nhật trang bị huấn luyện). Hãy kể:
(a) Nhóm Quốc gia đảng của Nguyễn Hoà Hiệp. Nhóm này một mặt dựa vào “Tịnh độ cư sĩ” của Ngô Đình Đẩu (người Tân Hiệp, Mỹ Tho), mặt khác dựa vào một số đồng bào Thượng ở miền Đông luôn luôn có cung nỏ. Nguyễn Hoà Hiệp trước kia là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng. Tôi có mấy lần lên chơi nhà Hiệp ở Lái Thiêu hồi những năm 1930; hồi 1943/1945 cũng có gặp. Tinh thần của Nguyễn Hoà Hiệp là tinh thần quân phiệt. Quân của họ đông cả ngàn mà súng ống xem chừng ít thôi.
(b) Nhóm “Huỳnh Long” của Lý Hoa Vinh. Nhóm này nhại theo đảng Hắc Long của Nhật mà tổ chức; nó có chân rết trong đơn vị Heiho (lính “Nhật lô-can”) người Việt do Nhật chiêu mộ, huấn luyện, trang bị, số lượng chừng một ngàn; Huỳnh Long, theo bạn bè của tôi trong đó báo cáo, có non già 400 súng kiểu Pháp, chớ không nhiều nhỏi gì; song ba, bốn trăm cây thôi đã là đáng kể. Điều chắc chắn là họ đã từng liên lạc mật thiết với sở Kim-pê-tai, họ có căn cứ ở một số đồn điền cao su trên Thủ Dầu Một, Gia Định.
(c) Nhóm “Quốc dân quân” và “Võ sĩ đoàn” của Vũ Tam Anh, Lương Văn Tương. Đám này có hơn vài ngàn người, có tham gia biểu tình 25 tháng 8, có ra thông báo trên báo Điện Tín, Sài Gòn. Tôi không biết họ có bao nhiêu súng đạn, chỉ biết rằng bấy lâu nay Nhật ủng hộ họ và trong hàng ngũ của họ có nhiều binh lính cũ của Pháp. Song “cựu binh sĩ” thì có hội riêng (ở 47 Galliéni 4) lập ra với tôn chỉ “chống thực dân trở lại”, và “ủng hộ chính phủ Việt Nam độc lập”, khi cần thì dùng vũ khí đánh bại bất kỳ bọn ngoại xâm nào. Một người cầm đầu hội cựu quân nhân khá đông đúc này là Tô Văn Của. Của là người của ta, và Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Thiện Nghệ, cả ba đều là người Biên Hoà, chưa phải đảng viên cộng sản, mà là bạn thân của tôi.
(d) Những nhóm nhỏ ít trăm người, mấy chục cây súng, đếm sao cho hết? Có cái nhóm “Sao xẹt”, tức “đệ tứ”, tức “Nhóm Tranh đấu”, hoặc “Nhóm Trí thức” là đáng chú ý lắm. Có hai lý do để chú ý đến họ. Lý do thứ nhất là họ đã làm chánh phó giám đốc công an của Nhật; Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh Văn Phương, suốt mấy tháng cai trị của Nhật, họ là chủ của bót Catinat nổi tiếng. Họ tập hợp được lắm súng và giữ khá kín, khá kỹ… Tụi tôi đã ăn cắp của họ được mấy chục cây súng ngắn với khá nhiều đạn. Lý do thứ hai là họ quen thân với Cao Đài, Hoà Hảo, Quốc gia độc lập, các tổ chức đó đều chịu rằng nhóm “Tranh đấu” có nhiều trí thức “cỡ”. Họ mưu chước có thừa; họ sẵn thành kiến sâu sắc với “Đệ tam”, cho nên tuy tham gia biểu tình 25 tháng 8, họ có thể và chắc chắn đã lo quy tụ các tổ chức hay cá nhân nào chống chính quyền cách mạng mà họ đã bắt đầu nói xấu là “Chính quyền Kerensky”, nghĩa là chính quyền tư sản cần phải đánh đổ. “Tranh đấu” không hoặc chưa tổ chức lực lượng vũ trang riêng biệt, chỉ mới lo khôi phục tổ chức chính trị, nhưng đã tích luỹ súng đạn khá nhiều, hàng trăm cây. Trớ trêu là Huỳnh Văn Phương từ 1930, từ ở Pháp là bạn của tôi, anh ấy là chú của Huỳnh Tấn Phát, còn Hồ Vĩnh Ký là bạn của Thạch. Hồ Vĩnh Ký phụ trách công an của Nhật ở Nam Kỳ. Sau 25 tháng 8 năm 1945, chúng tôi phát hiện ra là ngay nhà bà Ký có chứa nhiều súng đạn.
(e) Bình Xuyên thì không thành một tổ chức gì. Có năm, ba Bình Xuyên trong cái tên chung đó. Tôi chơi với hầu hết các thủ lĩnh nhóm Bình Xuyên: Ba Dương (và em là Năm Hà), Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí; mỗi nhóm có địa bàn, có hàng trăm người, có vũ khí khá nhiều, thậm chí có liên thanh và đại bác nhỏ nữa, không biết họ đánh cắp ở đâu. Chúng tôi có đường lối chính sách riêng đối với Bình Xuyên khác với đường lối chính sách đối với các tổ chức chính trị, quân sự vốn thân Nhật. Bình Xuyên không thân Nhật bao giờ, mà hồi 1940, thì nhiều nhóm có hợp tác bước đầu với Đảng Cộng sản. Có anh em chê tôi là “hủ Nho”, nhưng tôi vẫn cho rằng phải phân biệt bạn cũ, bạn mới, bạn xa, bạn nhất thời, bạn lâu dài. Chớ sao?
– Như vậy, ngoài những lực lượng vũ trang được Xứ uỷ tổ chức thì ở Sài Gòn, ở Nam Bộ còn nhiều lực lượng vũ trang khác xuất hiện nhất là từ sau 9 tháng 3 năm 1945. Số lượng tổng cộng của họ ước tính trên dưới bốn mươi ngàn, số vũ khí của họ là một điều bí mật. Có thể là không bao nhiêu nên họ không phô trương, cũng có thể là không phô trương để bọn tôi tưởng đâu là nhiều. Bọn tôi e sợ có lý, có lý để lo ngại. Vì lịch sử đấu tranh từ cổ chí kim, lịch sử cách mạng hiện đại đều dạy rằng các lãnh tụ đã phục vụ một đế quốc này thì dễ dàng phục vụ một đế quốc khác. Làm cách mạng, phải dám tin mà cũng phải biết ngờ. Tin thì chủ yếu là tin nhân dân, quần chúng; ngờ, chủ yếu là ngờ những tay có lịch sử tráo trở, sớm đầu tối đánh, ích kỷ hại nhân. Nếu bị ám ảnh bởi nghi ngờ, sẽ không còn chơi với ai được, hoá ra cô độc, bất lực. Tin lắm, không biết ngờ, thì không đoán trước được những khả năng tai hại, thì cũng như là tự tử. Tôi, các bạn của tôi, đảng của tôi không hề nghi ngờ lòng yêu nước của nhân dân ta là đa số thành viên của các tổ chức trên. Còn lãnh tụ phần nhiều của các tổ chức đó thì tôi đã trực tiếp: Trần Quang Vinh, Huỳnh Phú Sổ, Lê Kim Tỵ, Ngô Đình Đẩu, Nguyễn Hoà Hiệp, Ba Dương, Tám Mạnh, Mười Chí, Bảy Viễn, v.v… Tôi cũng có bạn thân bí mật làm việc với họ lâu nay nên tình ý của họ tôi không xa lạ lắm. Tôi tin rằng có ngày, không xa lắm, hoạt động của bọn Pháp sẽ ra sức chia rẽ họ với tụi tôi. Nhưng vấn đề chính đối với tụi tôi là làm sao cho những người lính, những người dân cầm súng, hay cầm gậy trong hàng ngũ của họ nhận thức được rằng họ là quân của chính phủ cách mạng, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập tự do, chống đế quốc thực dân, chống tất cả các cá nhân hay tổ chức nào đối lập với chính phủ cách mạng. Các lãnh tụ có thể là bạn lâm thời hay lâu dài, có thể là bạn gần hay bạn xa, nhưng anh em binh lính, chiến sĩ chắc phải là bạn lâu dài, gần gũi với ta.
– Cho nên, tôi mới sớm có quyết định thành lập “Dân quân cách mạng” (Dân quân cách mạng chứ không phải là quân đội chính quy).
– Có người bảo: nên giải tán tất cả các tổ chức quân sự và nửa quân sự kia đi có hơn không, để đó mà mang theo chỉ càng thêm tội, thêm cực, thêm nguy, có ích gì? Tôi không nghĩ như vậy.
– Ra lệnh giải tán thì đơn giản nhất, mau chóng nhất. Nhưng liệu có giải tán được không? Lâu nay mình có tổ chức họ đâu, mình có nuôi ăn may mặc cho họ đâu? Nay họ muốn chạy lại mà mình xua họ ra thì gây ác cảm ngay, họ sẽ nói mình không phải là chính phủ của họ nữa. Họ sẽ dễ dàng nghe theo những lãnh tụ vốn không ưa thích ta. Họ cứ tồn tại như bấy lâu nay thì mình làm sao? Đem quân lại giải tán họ? Họ có phải tay không, tay trắng đâu mà dễ dàng giải tán họ? Sao không dùng lực lượng yêu nước của nhân dân mình đánh với thực dân, mà lại bắt đầu bằng sự xung đột giữa người Việt Nam với nhau để đế quốc nó lợi dụng cấp kỳ? Giải tán không phải là một cách hợp lý, hợp tình để giải quyết vấn đề. Hợp tác, hợp tác có điều kiện tối thiểu, mới đúng; điều kiện đó là tuân theo lệnh của chính phủ cách mạng và chống thực dân, chống bọn phá hoại cách mạng. Binh lính của các đảng phái đều tán thành (người ta sẽ thấy nhiều biểu hiện đẹp của sự tán thành đó).
Cho nên, tôi dùng “Dân quân cách mạng” làm hình thức hợp tác, thống nhất các lực lượng quân sự dưới một quyền chỉ huy thống nhất còn lỏng lẻo (và khi ấy không thể không lỏng lẻo được). Song, phải hiểu đây là “dân quân”, “dân quân cách mạng”, chưa phải là quân chính quy; cái tên đó đúng hay không đúng là một vấn đề khác, nhưng việc không giải tán mà chịu hợp tác là cách giải quyết ổn nhất, đúng nhất khi ấy, để ta có thời giờ và điều kiện mà chỉnh đốn, mà gỡ rối, tránh sự bất bình, tránh sự xung đột, cố tạo sự đoàn kết hết sức cần thiết trong cái thế “thập bát phản vương” hay “Xuân thu chiến quốc” này.
Sao gọi là “sư” được không? Có lẽ nếu hồi đó tôi biết lấy chữ “binh đoàn” thì đúng hơn, song hồi đó không ai tìm ra được chữ ấy. Vả chăng, một lực lượng vũ trang hay bán vũ trang đông chín, mười ngàn, hay mười lăm, hai mươi ngàn thì gọi là “sư” không đáng hay sao? Nó hỗn tạp? Vâng! Nhưng nó đông đúc lắm. Có ở Sài Gòn lúc ấy mới biết. Chẳng những họ báo cáo như vậy, mà ở Norodom, ở Charner, họ xếp thành đội ngũ không phải thưa thớt lắm đâu! Bọn tôi (và chánh quyền ta) chưa cho họ kilôgam gạo nào, thước vải nào, chiếc cam nhông nào, họ đã có rồi; và họ tuyên bố ủng hộ chính phủ, ta đưa tay ra cho họ, chẳng hơn là xua đuổi họ hay sao? Vả lại bọn tôi, lúc ấy mới có mấy ngày, mấy tuần lễ, để tìm hiểu và để đặt ra kế hoạch chỉnh đốn quân lực cách mạng, thì Pháp đã đánh rồi; non ba tuần và trong lúc mọi việc mới bắt đầu thì làm được gì? Sao không thấy cho cái điều kiện thời gian quá ngắn ngủi đó? Bọn tôi đâu có chiếc đũa thần? Hỏi những ai cười tôi, nói xiên nói xỏ tôi: anh hãy đặt mình vào chỗ anh Giàu khi ấy, anh sẽ làm được gì hay hơn, tốt hơn nào? Dốt mấy về chính trị cũng biết rằng Đảng Cách mạng phải nắm lực lượng vũ trang thì lực lượng vũ trang mới vững, mới đứng về phía nhân dân, mới tác chiến được, không thì nó sẽ lung tung vô kỷ luật, cướp phá nhân dân, mới tác chiến được, không thì nó sẽ lung tung vô kỷ luật, cướp phá nhân dân nhiều mà chống giặc ít, hoặc tan rã mất, hoá thành lưu manh bất trị. Nhưng trong cái thế có hàng mấy vạn người ghép thành đơn vị của các phái, họ thành lập trước ta nữa, thì làm sao anh nắm được họ trong vài ba tuần? Vài ba tháng? Nếu mình tổ chức đơn vị vũ trang mà phức tạp như vậy thì mới đáng chê, đáng trách, đáng cười chớ? Họ sẵn có, họ chạy lại ta, ta đuổi họ sao? Ta giải tán họ sao? Mà làm sao giải tán êm ả được? Họ chống lại lệnh giải tán thì anh làm sao? Mà địch thì ở trước mặt anh, anh muốn thêm thù chớ không muốn thêm bạn sao? Phải tìm cách bắt tay nhau là thượng sách, rồi sẽ giải quyết lần các vấn đề.
Tôi xin kể lại một câu chuyện thật để nói lên rằng sự công nhận “Dân quân cách mạng” có ảnh hưởng tốt cho cách mạng, ít nhất là ở lúc đầu:
– Sau khởi nghĩa, Huỳnh Văn Nghệ lãnh của tụi tôi một số tiền lớn đi Xiêm để mua súng đạn. Nghệ đi được vài hôm thì Pháp đánh Sài Gòn. Tôi xuống đóng tổng hành dinh ở Bình Điền. Một hôm, Nghệ trở lại báo cáo: bị ăn cướp Cao Miên lấy hết tiền rồi và xin chịu kỷ luật. Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi nói: Kỷ luật thì sau sẽ tính, còn bây giờ thì chú hãy về Biên Hoà, vừa góp phần chỉnh đốn lực lượng quân sự ở đó, ở đó bây giờ có Vũ Tam Anh, Lương Văn Tương mà tôi chưa biết rõ, chưa dám tin cậy. Chú vừa lo xây dựng lại chiến khu Tân Uyên, mà ta đã làm hồi đầu năm, rồi bỏ dở. Nghệ lãnh lệnh ra đi có giấy biệt phái của tôi. Nghệ đi ngay lên Chợ Lớn, đâu chừng một giờ thì trở lại, báo cáo:
– Đây, cái áp phích mới dán, hồ còn ướt của Dương Văn Giáo tự xưng “Chủ tịch Chính phủ Dân quốc lâm thời”, nói rằng Chính phủ Việt Minh đã chạy trốn hết rồi, bây giờ nó lập chính phủ Dân quốc để thương lượng với Đồng minh!
(Theo yêu cầu của Nghệ) tôi liền ký lệnh bắt Dương Văn Giáo vì tội phản quốc; lệnh cho Nghệ có quyền khi cần thì trưng dụng lực lượng vũ trang địa phương. Nghệ trở lên Chợ Lớn với một lái xe và một chiến sĩ. Đến trường đua Phú Thọ, đường lên ngã tư Bảy Hiền, từ xa Nghệ thấy xe Dương Văn Giáo chạy trước! May quá! Chưa tìm mà đã gặp. Nghệ rượt theo. Lên Bà Chiểu, vào đường Cây Quéo; vào một khuôn vườn có nhà rất lớn; cơ quan hang ổ của Giáo. Giáo thuộc đệ nhị sư đoàn (Cao Đài). Ngoài ngõ, một tiểu đội canh gác, súng ống đầy đủ. Nghệ liền lấy thêm quân ở Gò Vấp trở lại ngay nói với tiểu đội canh gác:
– Tôi là phái viên của Uỷ viên trưởng quân sự Trần Văn Giàu, có giấy tờ đây, tôi tới đây để bắt một người phản quốc vừa mới chạy vào trong này; các đồng chí có phải là Dân quân cách mạng của chính phủ không?
– Phải!
– Vậy các đồng chí xem lệnh của đồng chí Uỷ viên trưởng quân sự Trần Văn Giàu. Các đồng chí có cùng tôi vào bắt tên phản quốc kia không?
– Có chớ!
– Vậy chúng ta vào!
Nghệ vào sân gặp Giáo, thì Giáo liền nói:
– Nghệ! Sao mày dẫn xác đến đây nạp mạng cho tao? (Nghệ và Giáo có thâm thù từ Băng Cốc, ở đó Nghệ ám sát Giáo nhưng không thành).
Nghệ liền đáp: “Tao được lệnh của Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Trần Văn Giàu đến đây bắt mày vì tội phản quốc”.
Rồi Nghệ hô lên: “Các đồng chí bắt tên này!”. Anh em dân quân cách mạng bắt Giáo, trói bỏ lên xe của Nghệ. “Chính phủ Dân quốc” của Dương Văn Giáo chỉ sống có một ngày! Nghệ với vài ba anh dân quân chạy xe thẳng về Gò Vấp, nộp Dương Văn Giáo cho Quốc gia tự vệ cuộc do Tạ Văn Hảo chỉ huy. Hôm sau, tôi đi Biên Hoà để chính thức thành lập Uỷ ban kháng chiến miền Đông, ghé Gò Vấp; đồng chí Tạ Văn Hào báo cáo đầu đuôi vụ Dương Văn Giáo “bị bắt tại trận đang phạm tội phản quốc”.
Đó không phải là một trường hợp lẻ tẻ: Dân quân cách mạng phần đông trung thành với lời thề ngày 2 tháng 9, ủng hộ chính phủ cách mạng, thi hành mệnh lệnh của chính phủ dân chủ cộng hoà.
Cách mạng thành công, tôi để phần lớn thì giờ lo việc xây dựng lực lượng vũ trang, gồm cả việc xây dựng sư đoàn 1 mà tôi trực tiếp chỉ huy và các đội dân quân của Công đoàn, của Thanh niên do nhóm Nguyễn Lưu, nhóm Huỳnh Văn Tiểng phụ trách. Lực lượng vũ trang bên Quốc gia tự vệ cuộc thì có anh Bảy Trấn lo, Trấn lấy người của Tổng Công đoàn mà tổ chức. Bên công an, cảnh sát thì có đại ca Hành và Marcel Tươi đứng đầu. Tất cả đều xây dựng lực lượng vũ trang đủ các loại: chính quy, dân quân, tự vệ chiến đấu; những đơn vị này, binh chủng này thì Đảng tổ chức nắm khá chắc, tinh thần chiến đấu khá cao, kỷ luật khá chặt chẽ. Khi ấy, liền sau ngày 25, nhân danh là uỷ viên phụ trách quân sự, tôi có ra bản hiệu triệu như sau, (hiện còn in trên báo Sài Gòn số ra ngày 28 tháng 8), bản ấy nay đọc lại, thấy biểu lộ khá rõ một số ý kiến của tôi về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang bấy giờ; không đến nỗi sai lắm:
Quốc dân!
Toàn thể nước Việt Nam đang trở thành một nước Cộng hoà dân chủ.
Việt Minh đã nắm quyền trong hầu hết các nơi.
Chỉ huy của Chính phủ Trung ương Việt Nam.
Chúng ta muốn độc lập, tự do.
Chúng ta phải có sức mạnh để bênh vực độc lập và tự do ấy, để bảo vệ non sông gấm vóc bằng chí hy sinh vô tận của hàng chục triệu con dân đất Việt.
Thay mặt cho Uỷ ban hành chánh Nam Bộ để sáng lập và chỉ huy “Dân quân cách mạng”, chúng tôi tuyên bố:
1. Giải tán những đoàn thể quân sự và bán quân sự phát xít hay có ý giúp chế độ thuộc địa phục hồi.
2. Nhập tất cả các đoàn thể quân sự và bán quân sự có nhiệt tâm tranh đấu cho Việt Nam độc lập, dân chủ, vào hàng ngũ của “Dân quân cách mạng”.
3. Mở ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ mỗi nơi một phòng chiêu binh.
4. Từ nay quân đội trương cờ đỏ sao vàng.
5. Các tư nhân có binh khí tân thời hãy đem hiến cho chính phủ để chính phủ võ trang cho quân đội.
6. Các đảng cướp hãy tự giải tán, tự đem nạp súng đạn cho chính quyền cách mạng và hãy tự sửa mình.
Đồng bào!
Hãy ủng hộ dân quân cách mạng!
Cựu binh sĩ! Hãy nhập ngũ dưới cờ của Việt Minh. Đây là giờ phút chúng ta có Tổ quốc thương yêu để phụng sự, tận tâm; chúng ta xem tánh mạng nhẹ hơn lông, chúng ta đặt độc lập, tự do của quốc dân lên trên quyền lợi của cá nhân, đảng phái”.
Bản hiệu triệu này được phát ra rộng rãi, nhất là trong các tổ chức quân sự và bán quân sự, được thảo luận sôi nổi. Và từ hôm ấy, cờ của các đảng phái lần lượt được thay thế bằng cờ đỏ sao vàng ở tất cả những nơi đóng quân, dẫu là của Cao Đài, Hoà Hảo. Một bước tiến. Việc đăng ký các tổ chức vũ trang và bán vũ trang bắt đầu có những khó khăn, vấp váp đối với số đông; ai cũng tính giữ thế, giữ miếng, sao khỏi? Nhất là lúc đầu.

Chú thích của người biên tập
1 Lagrandière: sau đổi thành đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng.
2 11e RIC (11ème Régiment d'Infanterie Coloniale): Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11. Thành 11e RIC: trại lính sau gọi là "caserne Martin des Pollières, nằm ở giữa các đường Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai.
3 Miche: nay là đường Phùng Khắc Khoan.
4 Galliéni: nay là Trần Hưng Đạo.

 

16-2-11

Tổng số lượt xem trang