Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Hội thề, tiểu thuyết lịch sử hay phản lịch sử? (Trần Mạnh Hảo)


--ĐỌC HỘI THỀ CỦA NGUYỄN QUANG THÂN
Phạm Viết Đào.

Hội thề là một cuốn tiểu thuyết có hồn cốt; Có  điều nếu nói theo ngôn ngữ giới nhạc: độ “phiêu linh “ của hồn bay cao, xa tới đâu; độ bền chắc, cứng cáp của “cái cốt” của cuốn tiểu thuyết, cùng với sức tải trọng vấn đề tới mức nào thì sẽ là chuyện cần phải kiểm định, cân đong, đo đếm cẩn thận bằng những thước đo có giá trị quy chuẩn nào đấy; đây là điểm sẽ được bàn tới trong bài viết này…
Trong mặt bằng chung của nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, là một cuốn tiểu thuyết dụng công, sờ chạm tới được những vấn đề có tầm, có những đột phá và thu hút người đọc không dễ tính. Những mảng miếng, lớp lang cấu tứ nên hồn cốt được sắp đặt bởi một tay nghề có hạng trong làng tiểu thuyết Việt đương đại…
Trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân viết về giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hùng áo vải Lê Lợi khởi dựng; sau những năm tháng nghĩa quân phải trải qua hiểm nguy, nằm gai nếm mật, cuộc khởi nghĩa bước sang giai đoạn lịch sử mới: chuyển qua giai đoạn Tổng phản công; nghĩa quân buộc phải ra những đòn tiến công quyết định, tống khứ, chấm dứt sự xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, thiết lập, xây dựng một triều đại mới, triều Hậu Lê…
Đây là một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc, bởi nó có liên quan tới những nhân vật lịch sử có thật được Nguyễn Quang Thân tái hiện; đó là: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Vấn, Lê Sát, Nguyễn Thị Lộ, Phạm Văn Xảo…cùng với những vấn đề còn chìm khuất trong lớp sương mờ của lịch sử, trong lớp bụi thời gian…
Tái hiện lại một giai đoạn với những nhân vật lịch sử cùng với đời sống, thế giới nội tâm và nhân sinh quan của họ thông qua những câu chuyện, tình tiết không lạ trong “ ổ nhớ “ của người đọc bình thường đương đại, quả đây là một việc làm cần được trân trọng, cần được nhìn nhận, đánh giá cẩn trọng…
Hội thề có thể tóm lược: Hai bên nghĩa quân Lê Lợi và tướng nhà Minh Vương Thông đi đến được cái quyết định nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại là đình chiến, thông qua việc tổ chức ra một hội thề. Tại hội thề này, 2 bên đưa ra cam kết trước ba quân, trước thần linh: về phía nghĩa quân không tiếp tục sử dụng vũ lực, dãn vòng vây, cấp lương thảo để cho quân Minh mở cửa thành rút quân về nước an toàn; Còn quân Minh dưới quyền chỉ huy của Vương Thông, trả lại Đông Quan và toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cho nghĩa quân Lê Lợi cam kết không tái xâm lược Đại Việt.
Để đi đến quyết định lịch sử,đến được với cái “ hội thề “ Đông Quan này, trong nội bộ 2 phía đối địch này đã trải qua những diễn biến phức tạp diễn ra không chỉ trong 2 chủ tướng: Lê Lợi và Vương Thông mà là một tiến trình đấu tranh, xung đột trong nội bộ của 2 đạo quân đối địch nhau giữa các phe phái…
Nhà văn cũng giống như anh nông dân, anh thợ mỏ; cái tài của anh là phát hiện tìm ra đã tìm được mảnh ruộng thật sự có chất đất mầu đủ khả năng để cày xới, gieo trồng ra loại nông sản có giá trị; hoặc phát hiện ra vỉa quăng và khai, đào lên được những khoáng sản có thể luyện nên được kim loại quý bán được giá cao…
Khi nhà khai khoáng nghĩ mình đã tìm ra mỏ vàng, nhưng thực ra cái mỏ mà anh đào bới chỉ toàn quặng bauxite, loại này chỉ có thể luyện ra nhôm; anh nói là tìm được thửa ruộng gieo trồng ra nếp cái hoa vàng, một loại nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng thực ra mảnh đất này chỉ có thể trồng được ngô, khoa, sắn hoặc loại lúa tẻ thông dụng; mặc dù có thu hoạch đấy nhưng vẫn là một thứ “ thành tích tầm tầm “ không tương xứng với tiềm năng đầu tư...
Vậy thì cái “thửa ruộng” mà nhà văn lựa chọn để gieo trồng, “ vỉa quặng” mà Nguyễn Quang Thân đầu tư khai thác ấy kết cục cuối cũng ra được sản phẩm gì; bauxite hay vàng; nếp cái hoa vàng hay ngô, khoai, sắn, lúa tẻ? Đây là điều đang gây tranh cãi trên văn đàn giữa một số nhà phê bình, đã lên tiếng chỉ trích chủ yếu trên mạng với giải thưởng của Hội Nhà văn VN khi trao giải thưởng loại A cho tiểu thuyết Hội thề …
Nếu anh chỉ khai thác ra được quặng bauxite, những bằng mánh khóe nghề nghiệp anh đem luyện đúc để cho hình dáng nhẵn bóng giống như vàng, anh đem mạ nó bằng vàng rồi đưa ra tuyên bố đăng lý và nhãn mác là vàng, bán nó theo có giá như vàng, nhận huy chương hàng chất lượng cao; trong khi bản chất chỉ là nhôm có pha chút ít titan và có lớp vàng mã phủ bên ngoài. Tương tự giống như người ta bán gạo tám thơm rởm ngoài thị trường; Gạo tẻ bình thường, nhưng khi vào tay nhà buôn và đại lý bán gạo có tay nghề, người ta tìm cách đánh bóng hạt gạo, ướp vào ít hương vị cho ra mùi gạo tám, trộn thêm ít gạo tám thiệt và đem ra bán theo giá của gạo tám…Hội thề của rơi vào tình cảnh này không ?
Cái nút thắn của cuốn tiểu thuyết Hội thề đó là: tập trung mô tả những xung đột giữa 2 quan điểm kết thúc cuộc chiến chống ách chiếm đóng của nhà Minh; Một phái chủ trương kết thúc chiến tranh bằng giải pháp nhân nghĩa; một phải chủ trương dùng bạo lực, sức mạnh của gươm giáo để khẳng định sức mạnh của quyền uy, để trả hận, để cho kẻ thù biết mặt…; một phái chủ trương “đánh thành”, một phải chủ trương “đánh vào lòng người”…
Từ cái hồn cốt này, Nguyễn Quang Thân muốn gián tiếp tìm ra, lý giải ngọn nguồn của những sự lộn xộn, những bi kịch đen tối mang tính lịch sử của nội tình nhà Hậu Lê sau này, dẫn tới cái chết đau thương của Phạm Văn Xảo, của Trần Nguyên Hãn, của Nguyễn Trãi, của Nguyễn Thị Lộ…những người góp công lớn xây dựng lên triều đại nhà Hậu Lê ?!
Cái hồn cốt đó không phải là một phát hiện gì mới mẻ của Nguyễn Quang Thân, cái mới đó là nó được diễn đạt bằng ngôn ngữ tiểu thuyết, tức bằng hệ thống hình tượng văn học…Sự diễn đạt bằng ngôn ngữ tiểu thuyết nó khác với cách diễn đạt vấn đề của một nhà sử học, của một nhà tuyên huấn hay của một nhà soạn sách giáo khoa…
Cảm nhận đầu tiên của người viết bài này là Nguyễn Quang Thân đã xô được cái mảnh bè này qua được sông an toàn, không bị tan vỡ giữa dòng buộc phải níu kéo chằng buộc, vá víu lại một cách khiên cưỡng, gượng gạo. Như vậy Nguyễn Quang Thân đã làm được cái việc giống với một “lão nông tri điền”, một anh khai khoáng có kinh nghiệm và có tay nghề luyện kim thương phẩm…
Về phương diện tiểu thuyết hóa các vấn đề lịch sử, về mặt hình thức Nguyễn Quang Thân đã thu hoạch được những thành công nhất định, ông có những đột phá về tay nghề, ông đã chế những sản phẩm mang giá trị thương phẩm, không hấp trộn màu mè. Không ít các cuốn sách văn học danh nghĩa tái hiện lịch sử nhưng thực chất là thêm dấm ớt, văn chương vào những chuyện, những điều mà giới sử học đã trình bày…
Vấn đề thứ 2 người viết bài này muốn đi sâu hơn để đánh giá chất lượng của “cái hạt gạo” ấy thuộc loại “  tám “ gì, là “vàng” hay là “alumin”, và nếu nó là cái “thỏi vàng” do Nguyễn Quang Thân day công tôi luyện được có vẻ sáng sủa về mẫu mã ấy là vàng 4, vàng 5 hay vàng 8 vàng 9999 ?
Tham vọng của Nguyễn Quang Thân muốn đẩy vấn đề đi xa hơn ra khỏi cái bối cảnh của “ hội thề “ Đông Quan để cắt nghĩa cái sâu xa về bản chất của một cuộc khởi nghĩa nông dân với những tấn bi kịch mang tính lích sử khi mà anh nông dân giành được quyền lực chính trị về tay mình ? Cái sản phẩm định giá chất lượng mà Nguyễn Quang Thân đăng ký chất lượng sản phẩm là cái tổ hợp các tố chất này chứ không chỉ dừng lại ở cái kết: hội thề xong Vương Thông về nước an toàn, Lê Lợi lên ngôi mở ra triều đại mới ?
Để tạp được “sân khấu” kịch lịch sử này, Nguyễn Quang Thân đã xây dựng lên một hệ thống hình tượng nhân vật đại biểu cho 2 phái: Một phái chủ chiến, một phái chủ hòa. Theo người viết bài này, Phạm Vấn và Lê Sát bị Nguyễn Quang Thân tô quá đậm, có phần phóng đại trong cái bối cảnh không ăn nhập, đó là một chỗ non yếu sinh tử trong cấu tứ của tiểu thuyết Hội thề.  Nói theo ngôn ngữ thể thao, việc mô tả cốt cách của những con người như Phạm Vấn, Lê Sát đại diện cho phái chủ chiến đã không được Nguyễn Quang Thân chọn “điểm rơi”,điểm đệm bóng” đúng thời điểm, vị trí để từ cái “điểm rơi” này mà đệm, đưa bóng vào “cầu môn” đối phương- đó là “chủ đề” đã đề cập ở trên; do chọn “điểm rơi” không chuẩn thành sức công phá của quá bóng có phần bị hụt hơi nếu không muốn nói ra xa cầu môn đối phương…
Chúng ta hãy nghe Nguyễn Quang Thân mô tả về con người Phạm Vấn, Lê Sát trong Hội thề: “Dưới con mắt họ ( Phạm Vấn, Lê Sát ) những kẻ ham đọc sách chỉ là lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần nhổ nước bọt khi thấy ông đọc thơ. Lê Sát từng nói khi biết chúa công giao một cánh quân lớn cho Trần Nguyên Hãn:” Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch. Sat nhiều lần mắng mỏ mấy ông đồ trông coi sổ sách quân lương:” Ngữ các ông không bằng cụ phân…”
Nguyễn Quang Thân đã cài vào mồm Lê Sát những câu như: “ Xưa nay sơn hà đổ nát là do bọn nho sĩ chỉ biết đọc sách mà không dám cầm cung kiếm “…
Về thiếu úy Phạm Vấn, Nguyễn Quang Thân mô tả:” Một người đàn ông đẹp, vẻ đẹp của một võ tướng can trường từng qua trăm trận.Ông cũng bộc lộ ra ngoài cái thỏa mãn của công thần, công tướng, được chúa công tin cậy, yêu dấu.Không những thế, ông ta còn là anh vợ nhà vua.Đôi mắt xếch, trán thấp, không tương xứng với bộ mặt và thân hình cao lớn, làm ông có vẻ mặt của một võ quan nhiều mưu trí lắt léo và một tâm hồn hẹp hòi, lắm tham vọng lớn hơn là một tráng sĩ coi cái chết tựa lông hồng. Nhưng bù lại là cái tính cương quyết và liều lĩnh biểu lộ ra ra từng cử chỉ của đôi cánh tay lực điền. Vị chúa tể đất Lam Sơn biết tất cả những điều đó nhưng chính ngài cũng rất cần những điều đó nơi ông”…( Qua mô tả hình dáng của Phạm Vấn ta thấy ông này có vóc dáng rất giống với một yếu nhân thời hiện đại hay N.Q.T lấy hình mẫu của yếu nhân này để xây dựng hình tượng Phạm Vấn ?!-P.V.Đ)
Có thể nói đó là cách nhìn nhận, mô tả, quán xuyến từ đầu đến cuối của Nguyễn Quang Thân khi mô tả cái đám chủ chiến, phái “ võ biền “ trong lực lượng nghĩa quân Lam Sơn ?!
Còn Lê Lợi thì sao, ngay trước khi tổ chức hội thề, Nguyễn Quang Thân đã mô tả Lê Lợi chỉ là một thủ lĩnh mà đối với những anh học trò Thăng Long, ông chỉ lợi dụng họ mà không dám trọng dụng họ bởi theo như Nguyễn Quang Thân thì đối với Lê Lợi là con người:”Mấy ông nhà nho kia chữ nghĩa đầy bụng nhưng liệu họ có chịu khấu đầu giúp dập ta đến lúc nào ? Có lẽ nghiệp lớn rồi phải trông cậy vào bọn ít học, thô lậu nhưng trung trinh mới nên chăng ?”
“ Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút vừa mới được mụ Lý quẳng vào trong rá . Mụ Lý là người nấu bếp theo ông từ thời Lam Sơn tụ nghĩa. Nghe nói mụ sinh cùng tháng cùng năm với ông, cùng là bạn “lưng trâu” với ông, cùng chơi trò vợ chồng với ông, nhưng gia cảnh mỗi người mỗi khác. Khi nghĩa quân lập trại, dựng cờ mụ đi theo liền.Ông biết mụ không muốn xa ông, thích ông dù mụ biết không thể lấy được ông. Được cái mụ nấu ăn ngon, chỉ mụ mới biết ông thích món gì, mặn nhạt ra sao.Chỉ mụ mới biết cách luộc một con gà sao cho căng da, thịt mềm nhưng không bấy. Có một lần trong cái bếp dã chiến, mụ giả vờ đổ vật vào ông khi ông đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm miếng cơm cháy. Trong một khắc ông không là minh chủ, mụ quýnh lên còn ông làm vội làm vàng, sợ mấy thắng thị vệ nhìn thấy, nhanh như con gà trồng. Mãi đến bây giờ ông vẫn không hiểu sao mình lại làm chuyện đó, vì ông cảm động với cái tài làm bếp và luộc gà củ mụ, hay đơn giản chỉ là một cơn ngẫu hứng của đàn ông ???”
Nguyễn Quang Thân đã viết về cách ứng xử của Lê Lợi đối với các phe phái trong nghĩa quân:”Ông không biết là các đầu mục Lam Sơn bằng mặt mà không bằng lòng, vẫn hậm hực với bốn “ anh học trò “ Thăng Long, cái lũ trâu chậm uống nước trong “, khéo uốn ba tấc lưỡi…”
Trong bóng đá, thông thường, nếu từ quả phạt góc, muốn đá được vào cầu môn đối phương phải có thêm một cú đá bồi hoặc cú đệm bằng đầu thì mới vô hiệu hóa được hàng trung vệ, mới hạ gục thủ môn đối phương. Còn từ điểm phạt góc mà anh đá thẳng được vào cầu môn thì hoặc là cầu thủ xút phạt cực tài, hoặc thủ môn lớ ngớ, hoặc ăn may, vì quả bóng ở điểm xuất phạt này đã cuối tầm…Điều này có thể so sánh giống với quả xút bóng của Nguyễn Quang Thân trong Hội thề; Nguyễn Quang Thân đã chọn điểm xuất phạt và điểm rơi của trái bóng vào khung thành đối phương, có phần hụt hơi…
Xin chứng minh. Nếu nói về sự phân tâm trong nội bộ nhà Hậu Lê, sự chia phe phái tìm cách chèn diệt lẫn nhau thì phải chọn cái thời điểm khi Lê Lợi lên ngôi vua và chia ngôi thứ,công trạng cho nhưng người từng nằm gai nếm mật sau khi đã thu giang sơn về từ tay nhà Minh. Còn chọn thời điểm cận với giai đoạn diễn ra Hội thề Đông Quan là thiếu cơ sở…
Tính cách của con người là một thực thể biện chứng với hoàn cảnh, nó phải trong hoàn cảnh nào thì tính cách này, kia mới phạt lộ sắc nét, đắc địa. Nếu mô tả sự gian ngoan, sự tiểu nhân , chất nông dân hẹp hòi, đê tiện đối với đám quan chức Việt Nam cận đại, nếu nhà văn chọn thời điểm đang xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp, những ngày xả ra Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội thì không ăn, không đúng! Điều này chỉ có thể sau Đại hội X mới có những vụ như PMU 18, sau Đại hội XI mới có những chuyện dắt con cha, cháu ông vào cơ quan quyền lực cấp cao…Còn như chọn thời điểm khác nếu đưa vấn đề này ra thì nó khiên cưỡng không có sức sống…
Nếu như cách mô tả của Nguyễn Quang Thân thì cái đám chủ chiến ấy, cái đám võ biền gắn kết với nhau một cách bản năng, do những tham vọng thôi thúc chứ họ chẳng có lý tưởng gì cao sang; thủ lĩnh của cái đám này tiêu biểu nhất, đừng đầu chính là Lê Lợi? Vì vậy mà đám học trò Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Thị Lộ… lạc vào đây như con công lạc vào đàn quạ ?
Nhìn nhân, đánh giá như vậy liệu có phi lịch sử ? Xin thưa những con người từng gia nhập, đứng dưới cờ nghĩa quân Lam Sơn, từng vào sinh ra tử với Lê Lợi như Phạm Vấn, Lê Sát liệu họ có đúng là do bị thôi thúc bản năng hay chỉ vì tham vọng bản năng nào đó? Xin mở ngoặc, theo mô tả của tác giả; Phạm Vấn là anh vợ Lệ Lợi là con một điền chủ nhà giàu, bỏ cơ nghiệp để theo Lê Lợi và lập được nhiều công thì không thể tầm thường được trong gia đoạn xảy ra Hội thề. “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội “. Nếu Phạm Vấn, Lê Sát đúng như Hội thề mô tả thì lám sao vượt qua được những thử thách chết người thảm khốc ây ? Cách mô tả của Hội Thề có xa lạ với những gì mà Nguyễn Trãi đã từng viết trong Bình Ngô Đại cáo: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”
Đó chính là cái bất cập của Hội thề, cái việc chọn điểm rơi sai; đó cung chính là chỗ yếu, chỗ hụt hơi của Nguyễn Quang Thân khi xây dựng hình tượng nhân vật của 2 tuyến nhân vật: Do đẩy năng không đúng chỗ, đúng thời điểm nên quá bóng được xút vào khung thành đã không đủ sức công phá…
Thực ra, lý giải theo cách của Nguyễn Quang Thân: do Lê Lợi không ưa trí thức dẫn tới nhưng khu biệt đối xử với giới trí thức Đông Đô là một nhìn nhận không chuẩn và không căn cứ vào bối cảnh lịch sử lúc đó. Chính Nguyễn Quang Thân đã có lúc nhét vào mồm Nguyễn Thị Lộ những lý giải sau đây về thời thế sau khi nhà Lê hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi quân Minh:” Trước ngày ông vào, đánh trận nào thắng, các tướng lén cho ngựa thồ vàng bạc lấy được của địc về nhà.Ông lại khuyên vua nghiêm trị kẻ tham nhũng, bản thân ông vẫn dưa muối nài chi gấm là nhưu thời bất đắc chí ở Đông Quan. Họ vào sinh ra tử, ông với tôi suốt ngày quanh quẩn nơi màn trướng. Họ để vợ con trông nom nơi vưởn ruộng ở quê còn ông thì mang tôi vô quân ngũ, hú hí bên nhau.. Họ muốn lập Nguyên Long cháu họ Phạm để dễ bề khống chế về sau, ông vơi hãn một mực nhất mực khen ngợi Tư Tề tài đức, xứng đáng nối nghiệp…”
Theo người viết bài này việc tranh giành quyền lực dẫn tới xung đột căng thẳng chỉ có thể bộc lộ khi chiến tranh kết thúc giữa phái Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo với phái Lê Vấn, Lê Sát…Sự xung đột này bắt nguồn từ việc ủng hộ người kế vị Lê Lợi…Phải Phạm Vấn, Lê Sát muốn Nguyên Long lên làm vua; trong khi Nguyễn Trãi, Trẫn Nguyên Hãn lại cho Tư Tế mới xứng đáng…Cái sự ủng hộ này xuất phát từ các quyền lợi chính trị chứ không phải xung đột giữa anh ít học và anh có chữ, giữa phái võ biền và phái quan văn có chữ nghĩa?
Đọc và đánh giá Hội thề cần nên đọc và cách tiếp cận định giá nó theo tiêu chí của một sản phẩm văn học chứ không phải là một sản phẩm sử học; cả sử và văn đều có trách nhiệm tái hiện lại chân thực đúng bản chất một vấn đề, những nhân vật, những giai đoạn, thời khắc nào đó của lịch sử nhưng mỗi loại hình lại có cách tiếp cận riêng, diễn giải riêng. 
Là một sản phẩm văn học, nếu đòi hỏi nhà văn diễn tả chính xác tới từng chi tiết thì đó là một đòi hỏi không tương thích…Một sản phẩm văn học đòi hỏi nhà văn khi mô tả một con người, một sự kiện, một tình tiết của giai đoạn nào đó của cuộc sống thì cái tình tiết đó phải hàm chứa cho được, diễn tả co đúng được cái lõi, cái bản chất nhất của các tố chất của cái dòng chủ lưu; Nếu anh mô tả về cây lim thì cái lõi của loại thực vật này nhất quyết phải cứng; nếu là cây mít thì lõi phải mềm và có màu vàng; còn nếu là cây lát hoa thì lõi của nó phải có vân đẹp, bắt mắt…
Đối với một tác phẩm sử học, nếu trong thực tế lịch sử Thái Phúc thật sự là một viên tướng Ngô  được chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn thu phục; quan hệ giữa Nguyễn Trãi với Thái Phúc đã trở thành thâm giao thì viết như Nguyễn Quang Thân là đúng. Tất nhiên khi nhà sử học chép lại chuyện này phải có những căn cứ xác thực chứ không được phép gán ghép, bịa tạc.
Thái Phúc trong Hội thề là một sản phẩm văn học, do đó các nhân vật: Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Phạm Vấn, Lê Sát, Thái Phúc, Vương Thông, nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của văn học; do đó nó phải chứa đựng những tố chất của dòng chủ lưu của giai đoạn lịch sử đó, không được trái. Mà dòng chủ lưu của quân xâm lược nhà Minh trong giai đoạn đó là gì trong thái độ ứng xử với cư dân Đại Việt, xin hãy đọc những câu sau:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tại vạ
Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế
Gây binh kết oán trải hai mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi…
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ
Nheo nhóc thay kẻ góa phụ khốn cùng
Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch tanh hôi…
Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bảo thần dân chịu được…
( Bình Ngô đại cáo )
Trở lại gia đoạn lịch sử trước Hội thề, cái tố chất thuộc dòng chủ lưu trong thế giới tinh thần của nghĩa quân Lam Sơn lúc đó theo người viết bài này phải là: trên dưới đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý để đánh đuổi cho được quân xâm lược nhà Minh một thế lực ngoại xâm hùng hậu, tàn ác…
Những điều như Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội Thề về phái “ chủ chiến “, phái “ võ biền “ trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn là không xác thực với dòng chủ lưu đang chế ngự thế giới tinh thần của nghĩa quân…
Nếu quả có sự phân tâm, kèn cựa, ba bè bảy mối, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như Nguyễn Quang Thân mô tả về nội bộ nghĩa quân thì làm sao mà Nguyễn Trãi đã viết lên những dòng sau đây về những điều mà nghĩa quân đã làm được: 
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá đá núi phải mòn
Voi uống nước nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to quét sạch lá khô;
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ
… Trận Bồ Tất như sấm vang chớp dật
Miền Trà Lân như trúc chẻ tro bay”…?!
( Bình Ngô đại cáo )
Những dòng hào sảng như trên chỉ có thể được viết ra từ thực tế lịch sử hào hùng; nếu ai đó viết ra điều này thì hậu thế có thể nghi ngờ, những điều này do một người như Nguyễn Trãi viết ra thì không thể không có căn cứ để khẳng định: thật sự có sự thống nhất cao trong ý chí và hành động trong nội bộ nghĩa Lam Sơn trước khi xảy ra sự kiện lịch sử: Hội thề Đông Quan…Trước Hội thề Đông Quan sử sách vẫn còn lưu lại Hội thề Lũng Nhai !
Nút kịch rối rắm trong Hội thề do Nguyễn Quang Thân dựng lên: xung đột giữa 2 quan điểm chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp “đánh vào lòng người” hay “đánh vào thành”…2 quan điểm này do 2 phái chủ xướng: Phái “học trò” Thăng Long và phái " võ biền " nông dân ít học Lam Sơn…Khó tin cái việc mà đám võ biền quyết chiến đến cùng và ra sức phản đối cái chủ trương đánh vào lòng người do Nguyễn Trãi đề xuất khiến cho Lê Lợi trở nên khó xử, lúng túng…
Lý giải về nguyên nhân quyết chiến của đám Phạm Vấn, Lê Sát như Nguyễn Quang Thân viết:”Tướng sĩ Lam Sơn như ông Vấn, ông Sát, ông Ngân và nhiều ông khác, tôi muốn nói từ các ông ấy đến anh lính trơn, đang như con hổ vồ mồi. Một đống kẻ thù đang chịu trói ở Đông Quan tha hồ chém giết và rửa hận.Một đống của cải, gái đẹp tha hồ chia nhau cướp phá hiếp giết cho thỏa mười năm nhin thèm.Một ngôi báu giành cho ngày mai. Nguyên Long phải lên ngôi trên đầu ngọn giáo, trên võ công của bác nó, của phe cánh của bác nó…”-Lời của Trần Nguyên Hãn thổ lộ với Nguyễn Trãi…Đây là một sự áp đặt, cực đoan: ghét ai thì bôi bằng mọi cách…
Sự kiện nghĩa quân đánh vào thành Xương Giang, Hội thề đã tạo ra một kịch tính ảo: Khi Nguyễn Trãi khuyên Lê Lợi không nên đánh mà dùng biện pháp dụ hàng để đỡ hao tổn binh lực; Lê Lợi đã không nghe Nguyễn Trãi và đã tìm cách biệt đãi, cho giam lỏng Nguyễn Trãi ở trong quân. Đây là một việc làm “ vẽ rắn thêm chân “ của Nguyễn Quang Thân bởi trong chính sử không chép lại chuyện này, còn nếu Nguyễn Quang Thân muốn hư cấu thì sự hư cấu đó không được đối nghịch với dòng chủ lưu…
Bằng nhãn quan của người ít hiểu biết về các kiến thức quân sự, chúng ta cũng dễ dành nhận ra: Quân Minh làm sao lại dễ dàng có thể buông vũ khí đầu hàng được…Làm sao mà tài ăn nói của ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ có thể lung lạc làm cho Nixon thấy ra lẽ phải, để rồi đi đến quyết định cho rút quân Mỹ về nước? Mỹ ký hiệp định Pari và quyết định rút quân sau khi đã bị những đòn đau trên chiến trường miền nam và bị thất bại ê chề khi đưa pháo đài bay B.52 vào đánh  phá Hà Nội…
Để buộc quân Minh rút về nước, dứt khoát phải dùng giải pháp quân sự, vấn đề là đánh vào đâu để chắc thắng và đỡ tổn thương xương máu, đó là một bài toán. Làm thế nào chỉ cần “ giết con gà” mà lại “dọa được con khỉ” ? Đánh Xương Giang là một lựa chọn tất yếu vì thành quách Xương Giang không kiên cố bằng Đông Quan. Và khi đã tiêu diệt được Xương Giang, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc thì việc dụ hàng Vương Thông là giải pháp tối ưu đương nhiên; đây là một mũi tên đạt nhiều mục đích, một hành vi “vuốt mặt nhưng vẫn nể mũi” của Lê Lợi với triều đình nhà Minh, một nước lớn…Điều này giống như quân ta đánh vào Điện Biên Phủ thay cho việc tiến thẳng ngay vào Hà Nội; Đánh vào Buôn Ma Thuột thay cho việc tấn công vào Sài Gòn ngay…
Chắc chắn những cái quyết sách này không thể quá khó khăn lựa chọn của Lê Lợi; hay Nguyễn Trãi cứ cố chấp cái chủ trương đáng vào lòng người ?!
Vậy thì tại sao Nguyễn Quang Thân lại say sưa, sa đà vào chuyện này? Ở đây, theo người viết bài này, Nguyễn Quang Thân cố tình tạo cớ để nhằm đạt một cái đích khác, muốn chứng minh cái mặt trái của tầng lớp nông dân khi có điều kiện nắm được quyền lực chính trị trong tay dễ trở nên độc ác và hiếu sát...
Cách viết này có thể xuất phát từ thực tế lịch sử: sau khi giành được chính quyền, Lê Lợi và sau này là Nguyên Long giết những đại thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ; Từ điểm xuất phát này, Nguyễn Quang Thân đã khái quát lên, quy chụp: đây là một sự trù diệt trí thức của tầng lớp ít học là vơ đưa cả nắm, là phiến diện.
Dùng các sự kiện lịch sử có thật này, Nguyễn Quang Thân đã biến Hội thề thành “mảnh ruộng ” gieo cấy một sản phẩm văn chương: chứng minh và khái quát lên sự đối lập giữa anh nông dân và tầng lớp trí thức, có mày không tao; nông dân mà nắm chính quyền thì trí thức nếu không bị giết thì cũng phải đi ăn mày…
Nguyễn Quang Thân nhìn nhận như vậy là có phần phiến diện, cực đoan; chỉ thấy việc làm này của Lê Lợi, Nguyên Long, chỉ thấy cái ẩm ương lúc này lúc kia của anh nông dân khi có quyền lực trong tay mà chưa nhìn thấy vai trò của nông dân trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc…Cuộc kháng chiến chống quân Tống do Lý Thường Kiệt cầm quân; 3 lần đánh thắng quân Nguyên; Sau Lê Lợi là Nguyễn Huệ, là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn…Họ làm nên được những chiến công này nọ cho lịch sử đất nước đều phải dựa vào con em nông dân chứ dựa vào ai ?
Thực ra khi nghiên cứu về cái chết của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo chính Nguyễn Quang Thân cũng đã có lúc viết ra: đó là hậu quả của các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực chính trị của các phe phái trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn. Khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giành được độc lập, trong triều đình nhà Hậu Lê đã xảy ra cuộc đấu đá tranh giành giữa 2 phái, một phái ủng hộ giòng con trưởng ( Tư Tề ) và và một phái ủng hộ giòng con thứ ( Nguyên Long ) đều là con của Lê Lợi…
Theo người viết bài này, những thảm kịch chém giết trong giai đoạn khởi đầu của triều Hậu Lê bắt nguồn từ nguyên nhân này chứ không hoàn toàn xuất phát từ xung đột giữa nông dân và trí thứ, giữa có học và ít học… Chính sử sách cũng đã ghi lại: Lê Lợi cũng nhận ra là ông thiếu công tâm, sai lầm trong ứng xử với Trần Nguyên Hãn, với Phạm Văn Xảo, với Nguyễn Trãi nên trước khi ông sắp mất, ông đã trăng trối lại với Nguyên Long nên mới dẫn tới việc Nguyên Long cho mời Nguyễn Trãi trở lại triều chính. Vì sự trở lại này mà Nguyễn Trãi đã phải chuốc lấy thảm án Lệ Chi Viên; Một vụ thảm án gây nổ từ một sự kiện rủi ro ngẫu nhiên: Lê Thái tông đã đột tử khi qua đêm với Nguyễn Thị Lộ tại trại vải ở Lệ Chi Viên…Sự kiện ngẫu nhiên này như một gáo dầu dội vào làm bùng lên ngọn lửa do phái ủng hộ dòng thứ phất lên để thiêu trụi những thế lực rắp tâp muốn khôi phục giòng trưởng trong triều đình nhà Hậu Lê…
Cuộc đấu tranh giữa các phe phái này diễn ra dai dẳng trong nhiều năm trong nội bộ nhà Hậu Lê, kết cục cuối cùng giòng trưởng đã giành lại được quyền lực bằng việc đưa Lê Thánh tông lên làm vua, mở ra một giai đoạn thái bình, thịnh trị cho đất nước…
Hội thề không phải là cuốn tiểu thuyết đặt vấn đề ca ngợi chuyện ta thắng địch thua, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như một vài bài phê bình đã viết, mặc dù trong nhiều chương Nguyễn Quang Thân cũng đã viết nên những dòng đẹp về Lê Lợi, Nguyễn Trãi về nghĩa quân…Đây là cuốn tiểu thuyết đi sâu vào thế giới tinh thần của những gương mặt chủ chốt làm nên cuộc khởi nghĩa này. Để làm rõ về đội quân này, Nguyễn Quang Thân buộc lòng phải sử dụng, viễn dẫn tới đám “ quân xanh “ đó là quân tướng nhà Minh…Trong Hội thề, tác giả đã xây dựng đậm nét một số nhân vật như Thái Phúc, Trần Trí, Sơn Thọ, Thôi Tụ… nhưng chủ yếu tập trung vào hai nhân vật chủ đó là Vương Thông và Thái Phúc…
Về phía đội “quân xanh” này, Nguyễn Quang Thân mô tả sai lạc, bịa đặt và gán ghép nhiều tình tiết, đó là điều đáng chê trách. Người đọc hiểu đây là một tác phẩm văn học nên tác giả muốn sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối sánh; Để làm rõ cái chất thô lậu, hung tàn, hiếu sát của một số tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn,  Nguyễn Quang Thân đã làm một cái cái việc không hay ho:mô tả những viên tướng nhà Minh, những kẻ đi xâm lược từng gây ra biết bao tội ác với Đại Việt như những hiệp sĩ, những con người có học và cao thượng?
Việc Hội thề, mô tả Nguyễn Trãi có quan hệ suồng sã với hàng tướng Thái Phúc; nhường khoang thuyền để Thái Phúc cho y hú hí với một cầm ca; Thái Phúc được mô tả như một hàng tướng cao thượng tới mức, mười năm không biết mùi đàn bà:…Để cho Nguyễn Trãi xưng hộ huynh đệ với Thái Phúc và viết nên những đoạn buông tuồng sau đây…Khi nghe Nguyễn Trãi hỏi:” Tôi nghe dân tình nói quân sĩ của huynh mỗi lần ra ngoài thành đều có chuyện cưỡng hiếp. Tôi không tin huynh vô can “. Thái Phúc đã đấm ngực thề rằng:” Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không thể ép liều yếu đào tơ.Huynh có tin hay không thì tùy, nhưng bản thân đệ xin thề là chưa một lần phạm cái tội hèn mạt ấy “???
Nguyễn Quang Thân đã gán vào miệng Nguyễn Phi Khanh khi bị bắt giải sang Trung Quốc, chuyện này đã được Hội thề mô tả qua lời kể của Thái Phúc. Nguyễn Phi Khanh đã nói với Thái Phúc: “Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu câu: Tứ hải giai huynh đệ. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn tôi nhưng xin cho tôi được coi người là anh ?”
Trời đất ơi, một con người như Nguyễn Phi Khanh, gạt nước mắt khuyên Nguyễn Trãi hãy quay về tìm cách cứu nước, đánh đuổi quân Minh, trả thù cho cha…đừng có chạy theo khóc lóc như đàn bà mà lại có thể buông ra những lời thớ lợ như vậy với tên tướng Minh đang áp giải mình hay sao ?
Đây là đoạn được Nguyễn Quang Thân mô tả trong chương Tứ hải giai huynh; chương này tác giả viết về các quan hệ thâm giao như huynh đệ của nhiều cặp có các quan hệ phức tạp: giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn; giữa Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ, giữa Nguyễn Phi Khanh và Thái Phúc, giữa Thái Phúc và Nguyễn Trãi…Người đọc ngạc nhiên trước lời thổ lộ sau đây của Nguyễn Trãi với Thái Phúc được mô tả trong Hội thề:” Hôm ở ải Nam Quan ấy, tôi thật có lỗi vì không kịp chào đại huynh. Nhưng tôi không bao giờ quên lòng ưu ái của ông đối với cha con tôi. Sau khi buộc tôi quay lại, cha tôi nói với tôi câu cuối cùng: Minh Thành Tổ biến hàng vạn người Ngô thành kẻ thù của dân Đại Việt. Nhưng họ không phải là những người phải bỏ đi tất cả. Cũng còn người tốt như ông quan dẫn tù đưa ngựa cho cha hôm nay…”
Thái Phúc mới chỉ cho cưỡi nhờ ngựa một đoạn đường mà hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi đã bùi ngùi, rưng rưng nhận làm em Thái Phúc; ngày nay nếu được tặng một cái ôtô, những đoàn tàu cao tốc, cho vay tiền xây nhà máy luyện nhôm thì ơn nghĩa để đâu cho hết ?  Chắc phải gọi người Tàu bằng cụ mất thôi?! Đời trước mà Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cũng chỉ xoàng thế thôi a ?
Chưa hết, đây là một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:” Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái.Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh với thân phụ tôi và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải bắc. Còn cái vài này là cảm tạ công lớn của đại huynh đối với nghĩa quân và sinh linh hai nước, vài này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút này là Trãi…”
Hay một đoạn đối thoại khác giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:
Nước mắt Nguyễn Trãi tuôn áo vạt áo xanh. Viên lão tướng thì sụt sùi.Ông nói, mếu máo như trẻ con:
-Tôi xin nhận tình huynh đệ.Và cũng xin có một lời thưa.Xưa đến nay, trong các danh tướng, danh thần, tôi thấy chỉ Phạm Lãi là được chết trên giường bệnh.Triều nào cũng có Thượng Quan, đất nào cũng có sông Mịch La, chim phượng hoàng khó tìm chỗ đậu giữa đàn gà mái, người trung trinh nhân hậu khó lòng tìm một chỗ đặt chân.Xin huynh hãy thận trọng với lòng căm thù của kẻ vô học với người có học, của kẻ bất tài tham lam với thiên tài trong sáng…”
Hoặc:” Xin đa tạ lời vàng của hiền huynh. Trãi này cũng nghĩ thế.Nhiều lúc Trãi tự hỏi, tại sao tôi và huynh lại từng là cừu thù mà không phải là một Bá Nha một Tử Kỳ…
Qua những gì Nguyễn Quang Thân viết thì Nguyễn Trãi chỉ có thể tìm được những lời tâm giao từ các đại ca đến từ phương bắc. Còn đối với những chiến hữu của ông thì:”Cái đau khổ nhất của ông là luôn phải cãi nhau với những người anh em Lam Sơn, những đại phu, tướng lĩnh không có mấy chữ nghĩa, kể cả nhà vua. Ông bực bội với những lý sự cùn, những kiến giải bất cập nhiều lúc có thể bẻ lái con thuyền nghĩa quân húc vào ghềnh thác…Ông có thù oán gì họ không ?Thật lòng là không.Ông cảm phục lòng dũng cảm gan góc xả thân của họ…Ông thương yêu họ, thành tâm muốn gần gũi họ dù cứ bị hắt ra như người ta coi chừng kẻ lạc loài gian manh và sớm đầu tối đánh bên cạnh mình.Nỗi đau đến tuyệt vọng vì ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ bọn họ có thể hiểu được ông…”
Liệu những điều mà Nguyễn Quang Thân viết về quan hệ giữa Nguyễn Trãi với Thái Phúc có vênh với nhưng điều Nguyễn Trãi đã viết sau đây:
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngậm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống…
Còn Vương Thông thì được Nguyễn Quang Thần giành cho những trang khá là ưu ái: thua bại đến nơi rồi mà vẫn còn cao thượng, galăng, anh dũng với chị em phụ nữ. Người viết bài này đoán Nguyễn Quang Thân “ suy bụng ta ra bụng bò “. Cứ tưởng ai cũng sẵn sàng xả thân vì chị em như mình. Trước cái đêm mở cửa thành ra để tham gia hội thề, cuốn cờ về nước, Vương Thông còn mang theo 200 kỵ mã, liều chết mở cửa thành để đưa người con gái Đại Việt mà y cướp được trả về cho bố mẹ của cô?
Về cái chết của Thôi Tụ, hãy nghe Nguyễn Quang Thân môt tả rất chi là hoành tráng:”Bỗng có tiếng thét lớn.Thôi Tụ đang cố rướn người như muốn thoát ra khỏi đống giây trói. Tiếng y thét phá tan bầu không khí im lặng lẽ một cách khác thường, mặt y hướng về phía cổng thành chỗ Vương Thông đang biến thành đá:
-Ta không hàng! Hãy chôn ta vào đống cứt còn hơn sống mà làm lũ man di !
-Không hàng thì chết !
Viên tùy tướng đứng cạnh con ngựa Thôi Tụ đang cưỡi, lia lưỡi kiếm đánh xẹt. Chưa ai kịp nhìn, đầu Thôi Tụ đã lăn long lóc dưới đất,vọt ra ba tia máu làm đỏ rực cả cỏ…”
Trong Hội thề nếu Thái Phúc được mô tả như một bậc trí giả; Tổng đốc Vương Thông không chỉ đường bệ trước ba quân mà còn rất yêng hùng với gái thì Thôi Tụ lại được mô tả thông qua cái chết oai hùng, nghĩa sĩ ?
Trong khi đó thì Nguyễn Trãi đã viết về Thôi Tụ và vua quan nhà Minh như thế nào về y trong Bình Ngô đại cáo:
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội; Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng ???
…Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạch Thăng đem dầu chữa cháy
…Bí thế giặc quay mũi giáo đánh nhau
…Trần Trí Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía
Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân…
…Nghe Thăng thua ở Cầu Trạm, quân Mộc Thạch xéo lên nhau chạy để thoát thân…
…Mã Kỳ Phương Chính cấp cho năm trăm chiến thuyền ra đến biển mà vẫn còn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn còn tim đập chân run…”
( Bình Ngô đại cáo...)

Nếu để ý những gì Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội thề thì các vị tướng Tàu này hoàn toàn ngược với những điều Nguyễn Trãi đã viết…
Cũng nên chia sẻ với Nguyễn Quang Thân khi đọc Hội thề của ông: Có lẽ do những vấn đề của đời sống hiện tại tác động vào ông quá đậm đặc, làm ông bức xúc nên ông đã mượn cuộc khởi nghĩa của những người áo vải Lam Sơn để trút vào đó những điều ông bị dồn nén. Có điều do Nguyễn Quang Thân cầm bút viết trong trạng thái bốc đồng thái quá, vấn đề ông nêu lại đụng đến một trong những vấn đề nhiều người đang đau đáu như ông: Đó là vấn đề vai trò và hệ lụy khi người nông dân nắm quyền lực chính trị…Đó là một vấn đề lớn, có tính thời sự.Có điều như ngạn ngữ đã đúc kết: No thì mất ngon mà giận thì mất khôn. Đó là cảm nhận bước đầu của người viết bài này khi đọc xong, gấp cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân và nghiền ngẫm nhiều đêm về những gì mà Nguyễn Quang Thân đã dồn bao tâm huyết, sức lực để biến nó thành con chữ...
Mong người đọc hiểu, thông cảm, chia sẻ với Nguyễn Quang Thân điều này; tránh quy chụp cho ông điều nọ điều kia mà tội cho ông trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung đang rối rắm như hiện nay. Tôi biết Nguyễn Quang Thân không thuộc nhóm nhà văn cơ hội, phò “quan phương”…Nếu không tỉnh táo thì người đọc chúng ta lại mắc vào cái lỗi mà chính Nguyễn Quang Thân đã lỡ mắc phải: Giận mất tỉnh táo ?!
Kể ra chỉ vì quá căm ghét sự ngu xuẩn, tham tàn bạo ngược của mấy ông quan Việt mà quay sang ca ngợi ông Tây, ông Tàu, ông Mỹ thì cũng chẳng khác gì..."tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa " !



-Hội thề, tiểu thuyết lịch sử hay phản lịch sử? (Trần Mạnh Hảo)
“…Rất nhiều trang tác giả nhét vào mồm, vào đầu Nguyễn Trãi những lời thoá mạ độc ác tướng lĩnh Lam Sơn, thậm chí còn dùng Nguyễn Trãi làm phát ngôn cho Mao Trạch Đông…”
“Hội thề” là tên cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân, do NXB Phụ Nữ ấn hành đầu năm 2009, viết về giai đoạn cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn sau trận đại thắng quân Minh ở Chúc Động, Tốt Động, Chi Lăng.
Năm 2010, tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng hạng A cuộc thi tiểu thuyết ( 2006-2010) có 247 nhà văn dự thi. Xin quý vị vào http://goole.com , đánh từ khóa “Hội thề” sẽ hiện ra mấy chục bài báo ca ngợi hết lời cuốn sách này của Nguyễn Quang Thân.

Đầu năm 2009, khi ra hiệu sách, chúng tôi đã toan mua cuốn này, nhưng thử đọc bốn dòng đầu: “ Trời đất xám xịt, cùng một màu, dồn nén và bất trắc. Hai người cưỡi ngựa phi nước đại trên con đường mòn giữa bãi ngô. Ngô uốn lượn bí ẩn như cái bẫy đang chờ sập xuống…”, chúng tôi bèn tắc lưỡi: viết tào lao, năm 1427, năm Lê Lợi tiếp nhận sự đầu hàng của Vương Thông, cũng là năm diễn ra các sự kiện của cuốn tiểu thuyết này, thì Việt Nam ta làm gì đã có cây ngô mà Nguyễn Quang Thân dám tả như thế? Hư cấu kiểu này, khác gì tác giả tả cảnh đầu thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi và người vợ lẽ của ông là Nguyễn Thị Lộ vừa uống cà phê vừa hát ca ra ô kê (!)
Xin quý vị vào http://google.com, đánh từ khóa “Ngô” sẽ tìm thấy trong từ điển mạng Wikipedia nói về nguồn gốc cây ngô như sau:
“Ngô, bắp hay bẹ (danh pháp khoa học: Zea mays L. ssp. mays) là một loại cây lương thực được thuần canh tại khu vực Trung Mỹ và sau đó lan tỏa ra khắp châu Mỹ. Ngô lan tỏa ra phần còn lại của thế giới sau khi có tiếp xúc của người châu Âu với châu Mỹ vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16.”
Nên nhớ cây ngô sinh ra từ Trung Mỹ, sau khi Christopher Columbus ( 1451-1506) tìm ra Mỹ Châu, cây ngô mới được các lái buôn mang về trồng tại châu Âu rồi lan tỏa ra khắp thế giới. Năm 1427, khi Phạm Vấn băng qua bãi ngô ven sông Hồng theo cách tả phi hiện thực của Nguyễn Quang Thân, người tìm ra Mỹ châu 24 năm sau mới sinh, thì cây ngô sao có được ở đại lục Âu-Á  hả trời?
Viết truyện lịch sử trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử, tuy rằng cần phải có hư cấu mới thành tiểu thuyết; nhưng việc hư cấu ra cây ngô khi nó chưa có mặt trên cõi Việt Nam như tác giả “Hội thề” đã viết thì chỉ là sự hư cấu phi hiện thực.
Trong “Hội thề”, tác giả cũng từng hư cấu ra bao nhiêu thứ phi lịch sử.
Ví dụ khi tác giả viết về bà Nguyễn Thị Lộ vào năm 1427: “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ (tức Nguyễn Thị Lộ)…”. Xin thưa, chức đại học sĩ của bà Lộ mãi đến mười năm sau mới có, khi sách “Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua thích vợ của thừa chí Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ gọi vào cung làm lễ nghi học sĩ”…
Ở trang 324, tác giả tả cảnh người dân Thăng Long ăn mừng đại thắng quân Minh dưới Khuê Văn Các. Thưa rằng, Khuê Văn Các do Tổng trấn Bắc hà Nguyễn Văn Thành xây từ năm 1802, tức là tác giả đã bịa ra Khuê Văn Các trước khi nó được xây dựng tới 375 năm; bó tay!
Trang 307, tác giả tả Vương Thông cưỡi ngựa chạy trên đường Cổ Ngư. Thưa hơn ba trăm năm sau sự kiện này đường Cổ Ngư mới được dân ba xã quanh Hồ Tây đắp nên, làm gì có đường cho quân Minh phi ngựa lúc đó?
Tiền thân của tiểu thuyết “Hội thề” là kịch bản phim truyện “Hội thề Đông Quan” của chính tác giả, đã được giải nhất cuộc thi kịch bản phim truyện trong cuộc thi viết kịch bản phim mừng 1000 năm Thăng Long. Trớ trêu thay, kịch bản giành giải nhất này không được dựng thành phim vì như tác giả trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Lập báo “Sài GònTiếp thị” như sau:
“Chỉ nghe nói dựng phim Hội Thề Đông Quan là một việc nhạy cảm, không được phép, thế thôi”
Trong(Ma chiến hữu): Nhà văn Bảo Ninh từng tiết lộ sở dĩ kịch bản “Hội Thề” không được dưng phim là do “nhậy cảm” :
“một người trong ngành văn hoá cho biết rằng, có nhiều lý do lắm ạ, mà lý do thấy rõ nhất là “tính nhậy cảm”. Hội Thề, tuy là hội thề để đem lại hoà bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì… không có lợi.” Thì ra là thế!
Từ kịch bản phim truyện rất hoành tráng tả cảnh chiến thắng oai hùng ( rất cứng) của Lê Lợi trước quân Minh, tác giả đã  sửa cho “mềm” hơn khi triển khai thành tiểu thuyết.
Có lẽ, vì muốn tiểu thuyết “Hội thề” “mềm” hơn kịch bản phim “Hội thề Đông Quan”, để khỏi bị chê là “nhậy cảm”, hợp với quốc sách “16 chữ vàng” hơn mà Nguyễn Quang Thân đã bị nhà văn Trần Hoài Dương chê là “Hội thề nhằm bôi nhọ nghĩa quân Lam Sơn và ca ngợi giặc Minh” trên web lethieunhon.com được trannhuong.com đưa lại, khiến thiên hạ mới chú ý đến cuốn sách này? Sau tết Nguyên đán, nhà văn Hoàng Tiến đã cho in bài “Sáng tác cần tôn trọng lịch sử”, phê bình “Hội thề” một cách khá khoa học, nghĩa là mọi kết luận đều có dẫn chứng:
“Tóm lại, một cuốn sách như thế mà trao giải nhất về tiểu thuyết, thì Ban chấm giải cần xem lại. Có chịu sức ép ở đâu không? Ban giám khảo có công bằng trong giám định không? Đọc có kỹ không? Trình độ Ban giám khảo thế nào?
Tôi cũng có một suy nghĩ như nhà văn Trần Hoài Dương…”; nghĩa là “Hội thề” ca ngợi giặc Minh và hạ bệ nghĩa quân Lam Sơn

Từ hai bài viết của Trần Hoài Dương và Hoàng Tiến, người ta mới chú ý đến tiểu thuyết “Hội thề”.
Chúng ta đều biết, trong các giặc phương Bắc xâm lược từ Ân, Thương, Tần, Hán , Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh …xâm lược nước ta thì quân Minh là thứ giặc tàn bạo nhất, độc ác, gian hiểm nhất.
Minh Thành Tổ (Chu Đệ) (1402-1424) đã sai các tướng Chu Năng, Trương Phụ, Mộc Thạnh cầm đầu đoàn quân viễn chính sang xâm chiếm Đại Ngu, đã đánh bại nhà Hồ và bắt cha con Quý Ly đưa về Trung Quốc, sau khi nhà Hồ sụp đổ, ông đã đặt Bố chính ti để cai trị đất Đại Việt
Khi đoàn quân viễn chinh sắp lên đường, Thành Tổ ra lệnh cho tướng Chu Năng:
“Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở của đạo Phật và đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ (…) đều phải đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy cho hết…”
—Minh Thành Tổ[4]
Lịch sử Việt Nam ( sách giáo khoa) dạy học trò viết :
“Quan lại nhà Minh thi hành chính sách triệt để cướp bóc, vơ vét chỉ trong 6 tháng xâm lược, quân Minh đã cướp của nước ta 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; 13.600.000 thạch thóc; 8.670 chiếc thuyền và nhiều vàng bạc, châu báu đem về Trung Quốc. Chính quyền đô hộ tăng thuế ruộng đất lên gấp ba lần (bằng cách bắt ghi một mẫu thành ba mẫu) so với thời nhà Hồ. Tất cả nghề thủ công, buôn bán, v.v. đều bị đánh thuế. Chính quyền đô hộ kiểm soát việc sản xuất muối, nắm độc quyền buôn bán muối. Người đi đường chỉ được phép mang nhiều nhất là ba bát muối. Nhân dân còn phải cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc, mò ngọc trai dưới biển, khai thác lâm thổ sản, các hương liệu quý, đi lao dịch. Nhiều người còn bị bắt làm nô tỳ, hoặc bị bắt đưa về Trung Quốc, phục dịch bọn quan lại nhà Minh. Năm 1407, Trương Phụ bắt đem về nước 7.700 thợ thủ công. Nhiều thầy thuốc, thợ thủ công, dân phu, phụ nữ, trẻ con, đào hát, phường nhạc cũng bị bắt đem về Trung Quốc.
Quân Minh còn cướp ruộng đất của nhân dân chung quanh trại của chúng, biến thành đồn điền giao cho quân lính cày cấy.
Đồng thời, các quan lại nhà Minh còn ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc.
Trong suốt hai mươi năm đô hộ nước ta (1407-1427), chính quyền đô hộ nhà Minh đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp từ tinh vi đến trắng trợn nhằm xoá bỏ quá khứ đấu tranh, dựng nước và giữ nước bất khuất của dân tộc ta, thủ tiêu những di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân Đại Việt để chiếm đóng vĩnh viễn đất nước ta. Nhà Minh nhiều lần đốt sách vở, kể cả sách học của trẻ em, phá huỷ các bia đá. Tháng 8 – 1418, chính quyền đô hộ tịch thu những sách còn sót lại đem về nước. Nhiều tác phẩm có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, quân sự về thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XIV trở về trước đều bị cướp hoặc bị thiêu huỷ, trong số đó có bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu, Vạn Kiếp bí truyền, Binh thư yêu lược của Trần Quốc Tuấn, Tử thư thuyết của Chu An, các bộ luật Hình thư, Hình luật của nhà Lý, nhà Trần, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, v.v.. Năm 1414, chính quyền đô hộ mở trường học ở phủ, châu, huyện để tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng mê tín với đội ngũ giáo viên là những thầy cúng, thầy chùa, thầy phù thuỷ, đạo sĩ. Chúng bắt nhân dân Đại Việt ăn mặc theo phong tục tập quán người Hán. Năm 1414, cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn, phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài.
Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi từng viết :
Quân cuồng Minh thưà cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lòng người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha;

Sách “ Việt thử thông giám cương mục” từng viết : “Giặc Minh đi đến đâu chém giết thả cửa, chất thây người làm núi, rút ruột người cuốn vào cây, rán thịt người lấy mỡ, làm nhục hình bào lạc để mua vui, mổ bụng người có thai, cắt tay của mẹ và con để dâng cho giặc…”. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư viết : “…Những người sống sót bị bắt hết làm nô tì và bị đem đi bán mà tan tác bốn phương…”
Sách “Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn viết : “ Theo Lê Qúy Đôn thì “đời nhà Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gởi theo đường sông về Kim Lăng và sau đó nhà Lê ra sức thu thập, nhưng mười phần còn được bốn năm phần”. Tướng giặc Vương Thông còn cho quân phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí đàn áp nhân dân ta…” (tr.13)
Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Lạ thay, hai tướng giặc là Thái Phúc và Vương Thông được Nguyễn Quang Thân mô tả trong “Hội thề” là những kẻ rất nhân từ, hào hoa phong nhã, mã thượng, hết lòng thương quý dân Đại Việt, như thể hai kẻ hung thần này chợt biến thành hội viên hội từ thiện quốc tế vậy.
Thái Phúc từng là đô đốc trấn thủ thành Nghệ An, tội ác mà ông ta và binh lính quân Minh gây cho vùng Hoan Ái quả tình không bút nào tả xiết. Thái Phúc đã quy hàng nghĩa quân Lam Sơn vì ham sống sợ chết. Nhờ sự độ lượng và động viên của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Thái Phúc đã giúp nghĩa quân một số việc ví như tham gia kêu gọi đầu hàng một số thành trì quân giặc chiếm đóng.
Việc tác giả “Hội thề” mô tả Nguyễn Trãi và Thái Phúc kết giao thân tình kiểu Bá Nha, Tử Kỳ là hư cấu quá đà, không logic; rằng trong hàng ngũ nghĩa quân, Nguyễn Trãi rất cô đơn, chỉ có Nguyễn Thị Lộ là vợ lẽ và Thái Phúc là bạn tâm giao để bớt nỗi u uẩn bị số đông tướng lĩnh võ biền vô học của Lê Lợi tẩy chay. Nên nhớ Nguyễn Trãi từng đậu tiến sĩ, đạo “chính danh” ông thuộc làu làu, không có kiểu ông ngồi trong thuyền đánh cờ huynh huynh đệ đệ cá mè một lứa với kẻ hàng tướng như Nguyễn Quang Thân mô tả. Lạ hơn nữa, quân hồi vô phèng hơn nữa là hình ảnh Nguyễn Trãi, một chính nhân quân tử, nhân vật số hai của khởi nghĩa Lam Sơn lại nhường “khoang mũi ấm cúng luôn có nến thắp sáng” trên thuyền cho Thái Phúc chơi gái…Thái Phúc còn tâm sự với “người bạn” tri kỷ Nguyễn Trãi về đức tính nhân từ rất ư đạo đức của một tướng sĩ Trung nguyên như sau : “Thú thực với huynh, mười năm đánh nhau hết Thanh hóa đến Nghệ An, đệ không hề biết mùi đàn bà…Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không được o ép liễu yếu đào tơ…” (tr.23). Với một đội quân xâm lược tàn bạo hơn quân Nguyên như giặc Minh sang cướp nước ta từ năm 1407-1927, cướp của giết người, hãm hiếp đốt phá hãi hùng như thế mà lại có một vị tướng từ bi như Phật sống thế này thì hỏi Nguyễn Quang Thân đang viết chuyện lịch sử hay phản lịch sử đây ?
Nguyễn Quang Thân tả tiếp bằng cách bộc bạch nội tâm nhân vật Nguyễn Trãi: có vẻ cảm động vì mối tình cao đẹp của hàng tướng Thái Phúc với một cô ca kỹ ông ta cứu trên đường đi thuyết phục Mộc Thạnh trở về. Nguyễn Trãi bèn nhớ đến cảnh các tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn ( phái võ biền vô học – theo cách gọi của Nguyễn Quang Thân) như Phạm Vấn, Lê Ngân, Lê Sát, Nguyễn Chích…nghĩa là đa số các anh hùng quê Thanh Hóa dự hội thề Lũng Nhai ( trừ bốn vị Nho sĩ Bắc Hà khoa bảng là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú…) đều là bọn tướng vô đạo, khác hẳn vị hàng tướng nhà Minh Thái Phúc rất thanh cao này, bằng những từ thóa mạ như sau : “Họ dũng mãnh trên trận tiền, có thể cầm giáo xông vào doanh trại chém đầu tướng giặc, lúc lên cơn có thể sai lính bắt vào lều những cô thôn nữ ngây thơ để chiếm đoạt trinh tiết của họ. Khi có lệnh chúa công phải giữ nghiêm quân kỳ, họ có thể tự tay chém đầu những kẻ phạm tội cướp hay hiếp, những cái tội chính họ đã từng phạm không ít lần nhưng được bộ hạ giấu nhẹm cho mà thôi. Họ không đủ lòng bao dung để nhìn người khác hạnh phúc, không đủ lòng nhân để rung động trước một yểu điệu thục nữ, không đủ liêm sỉ để tự răn mình…” (tr. 24)
Sao Nguyễn Quang Thân lại dám nhét vào đầu Nguyễn Trãi những ý nghĩa vô cùng bậy bạ, “phủ nhận sạch trơn” tính nhân văn và tính chính nghĩa của tướng lĩnh Lam Sơn, trong khi lại ca ngợi tướng giặc là hiền nhân quân tử, là nhân bản, nhân tình, là thương dân Việt, chưa từng hãm hiếp một cô gái nào suốt gần hai mươi năm tham chiến? Vậy thì để giặc Minh đồng hóa nước ta, cai trị dân ta cho rồi, cớ gì phải dùng bọn “tướng lĩnh Lam Sơn” quá ư vô đạo, vô luân, vô học, phi nghĩa kia “ giải phóng”? Thế này là thế nào hả trời?
Trong cuốn tiểu thuyết viết rất kém này, Nguyễn Quang Thân luôn dùng các nhân vật làm cái loa phát ngôn của mình. Không, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Tư Tề, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân, Nguyễn Chích…không thể nghĩ như thế, không thể nói như thế, không thể làm như thế …Tất cả tâm trạng, ý nghĩ của hầu hết nhân vật trong cuốn sách này đều bị bàn tay thô kệch của tác giả áp đặt một cách vô lối và phi lý…Từ đầu đến cuối sách, mặc dù tác giả tả Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nhiều nhân vật khác, nhưng tất cả chỉ là hình nộm, chỉ là chiếc loa vô hồn, tất cả chỉ còn một nhân vật nói năng vung vít, đánh tráo thiện ác, địch ta…là chính Nguyễn Quang Thân…
Rất nhiều trang tác giả nhét vào mồm, vào đầu Nguyễn Trãi những lời thóa mạ độc ác tướng lĩnh Lam Sơn, thậm chí còn dùng Nguyễn Trãi làm phát ngôn cho Mao Trạch Đông (tác giả câu nói nổi tiếng : trí thức không bằng cục phân) khi quy kết tướng lĩnh Lam Sơn căm thù trí thức bằng những lời rất Nguyễn Quang Thân như sau : “Là người từng sống nhiều năm với chúa công và tướng lĩnh Lam Sơn, ông biết họ không thuộc dòng thi thư, niềm vui của họ là tuốt kiếm ra. Dưới mắt họ những kẻ ham đọc sách chỉ là một lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần lén nhổ nước bọt khi ông đọc thơ. Lê Sát từng nói khi biết chúa công giao một cánh quân lớn cho Trần Nguyên Hãn : “ Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch”. Sát nhiều lần mắng mỏ mấy ông đồ coi sổ sách quân lương : “Ngữ các ông không bằng cục phân…”…(tr.29)…Còn đây là sự khinh rẻ, thóa mạ các tướng lĩnh Lam Sơn của Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi : “ …Bọn người vô học trong cái triều đình không ngai…”(tr.40)…
Theo sử, Lê Lợi tuy ở chốn thôn dã nhưng ngài vừa luyện võ vừa đam mê kinh thư, nghĩa là văn võ song toàn, trí dũng toàn tài. Các tướng lĩnh quê Thanh Hóa của ngài tuy học không cao, nhưng cũng có đọc sách, tuy là tướng võ nhưng mưu lược hơn người, hầu như cầm quân đi là chiến thắng…Họ, những tướng lĩnh cùng quê với Lê Lợi là những người trọng chữ thánh hiền, không bao giờ dám khinh rẻ thi thư, càng không căm thù trí thức đến nỗi phải mượn lời của kẻ sinh sau mình 500 năm là Mao Trạch Đông để nguyền rủa trí thức …Nguyễn Quang Thân viết như thế này mà dám gọi là tiểu thuyết lịch sử ư?
Đây là đoạn Nguyễn Quang Thân, sau khi lên án sự vô đạo, vô học, vô văn hóa của tướng lĩnh Lam Sơn, bèn tả hàng tướng nhà Minh Thái Phúc là con người cao cả, tuyệt vời nhân nghĩa và bao dung, hào hoa phong nhã, ngay cả một gái điếm (ca kỹ) mà viên tướng giặc này còn nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thông qua tâm trạng của nàng ca kỹ : “Từng là kỹ nữ chốn kinh kỳ, cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, đã qua vòng tay nàng không biết bao nhiêu đàn ông trẻ có, già có. Nhưng nàng không thương lấy được một người. Cho đến lúc nàng được gặp ông qua bản vắng. Thoạt tiên, nàng không biết ông là người phương Bắc.Ông nói với nàng tiếng Đại Việt lớ giọng Nghệ, giọng nói ông thô lậu nhưng chân thành, rắn chắc. Ông nhận miếng trầu nàng têm mời. Ông dắt nàng xuống cầu thang gỗ. Bàn tay ông ấm áp, tin cậy. Rồi ông cõng nàng qua suối….Ông ấy yêu nàng, chăm sóc nàng như một công tử tốt bụng lại hào hoa, phong nhã, chẳng chút thô lậu võ tướng…” (tr. 68)
Thông qua mối tình của hàng tướng Thái Phúc và mối tình của Vương Thông với một cô gái Việt, ta có cảm tưởng đám tướng giặc Minh này đều là những chàng Kim Trọng sang Đại Việt để làm từ thiện, để cứu vớt chúng sinh, để khai hóa, để làm phúc cho dân tộc Việt Nam, chứ không phải sang đây để cốt cướp nước, cốt đốt sách, hãm hiếp con dân Đại Việt như chính sử của ông cha ta từng viết. (Nguyễn Quang Thân tả Vương Thông trước ngày đầu hàng Lê Lợi, nửa đêm, bế người yêu là thiếu nữ Đại Việt từng là vợ y lên ngựa, tặng hết châu báu cho nàng, dắt theo hơn 200 kỵ binh thiện chiến, mở đường máu vượt qua mấy vòng vây của quân Lam Sơn để mang người yêu Đại Việt về trả cho cha mẹ nàng. Cuộc phá vòng vây máu của tình ái, của cao thượng, của nhân từ hết mực và cao cả sáng trưng chính nghĩa Trung nguyên này của tướng giặc Vương Thông đã thí mạng hơn trăm lính quân Minh và bằng ấy lính Đại Việt…).
Hình ảnh hàng tướng Thái Phúc còn hiện ra qua ngòi bút Nguyễn Quang Thân là một người giàu lòng nhân ái, không bao giờ giết chóc hoặc hành hạ tù nhân Đại Việt. Tác giả kể rằng khi Thái Phúc là vị tướng dẫn một đoàn tù rồng rắn gồm toàn bộ triều đình nhà Hồ và những người tài giỏi của Đại Việt bị bắt sang Trung Quốc, thấy Nguyễn Phi Khanh đi bộ mang nặng kiệt sức ngã lên ngã xuống, tướng giặc này đã tìm một con ngựa gày gò mời người cha Nguyễn Trãi cưỡi ngựa mà đi vào chỗ chết cho sướng. Thật là nhân đạo thay ! Trong khi, qua ngòi bút Nguyễn Quang Thân, nghĩa quân Lam Sơn thường chém đầu tù hàng binh : “ Họ thường chặt đầu tù binh tế cờ…” (tr.199). Cảnh tác giả tả tướng Lê Sát chém đầu mấy người tù binh xem ra thật tàn ác và rùng rợn. Cảnh tác giả tả nghĩa quân Lam Sơn chém tù binh là hàng tướng Thôi Tụ trước thành Đông Quan để cảnh cáo Vương Thông thật là cảnh man rợ hết chỗ nói. Trong khi Vương Thông, cũng qua ngòi bút tác giả bắt được tù binh Nguyễn Thống, kẻ vừa bắn trật tướng Minh Sơn Thọ, lại được đối đãi quá tử tế và tha mạng cho về. Thật là hai bức tranh trái ngược: quân Minh càng nhân đạo bao nhiêu thì nghĩa quân Lam Sơn càng man rợ, tàn bạo bấy nhiêu.
Đây là hình ảnh các tướng Thanh Hóa của Lê Lợi mà Nguyễn Quang Thân nhét vào mồm Trần Nguyên Hãn, xem ra các tướng cùng Lê Lợi ăn thề thưở Lũng Nhai chỉ là một bọn thổ phỉ không hơn không kém : “Một đống của cải giái đẹp tha hồ chia nhau cướp phá hiếp giết cho thỏa mãn mười năm nhịn thèm” ( tr 253)…
Chúng tôi xin trích những lời Nguyễn Quang Thân phỉ báng, bôi nhọ tận cùng các tướng lĩnh Lam Sơn (trừ có bốn tướng khoa bảng Bắc Hà : Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Văn Xảo) thông qua các nhân vật hình nộm mà Nguyễn Quang Thân dùng làm loa phát ngôn cho mình, như sau: “Ta đâu có lạ cái máu dê của các người (tr.84)…” Lê Sát là kẻ học mọn”…”đôi mắt hơi nhỏ bộc lộ tính khí cố chấp, nhiều dục vọng và có chút gì đó thô bạo” ( tr.96,97)…” bụng hẹp như trôn kim”…(103)…”Đám công thần can trường dũng cảm nhưng ông biết là vô học, nhiều khi vô đạo, hễ ông quay gót là giở trò ngu ngốc cho thỏa cái bất kham của họ” (tr.111)…”Bọn Vấn, Sát, Ngân vẫn thường thả cửa cho quân tướng lạm dụng đồ tế nhuyễn của riêng tây của giặc Ngô và cả của dân chúng khi tràn vào chiếm lại cái thành phố giàu có nào đó…” (115)…”Lê Sát rút gươm lia mấy đường, máu phun lên xối xả. Ba cái đầu lâu lăn lóc dưới đất. Đám lính hầu thất sắc, nhớn nhác…”( 117)…”Tranh nhau chiến lợi phẩm” (134)…”Bọn Sát, Ngân thù ghét, miệt thị Trãi, Hãn ra mặt” ( 136)…” Đưa tất cả về Thanh cho bà lớn…Dặn chôn chặt cất kỹ và khâu miệng bọn gia nhân lại…Ta lột được của thằng Hoàng Phúc. Nó lạy như tế sao, nói là vật hộ mạng truyền từ đời cụ kị nhà nó. Ha ha. Bây giờ viên ngọc sẽ hộ mệnh cho họ Phạm này…” (tr.170)…”Tôi thì chôn sống hết lũ chuyên khua môi múa mép, cái lũ trí thức không bằng cục phân ấy”(tr.171)…” Ta nhường họ phần thanh cao, chỉ xin phần thô tục” ( tr.172)…” Nó chịu hàng thì tôi bú buồi cho các ông” ( 173)…”Viên tùy tướng đứng cạnh con ngựa Thôi Tụ đang cưỡi, lia đường kiếm đánh xẹt. Chưa ai kịp nhìn, đầu Thôi Tụ đã lăn lóc dưới đất, vọt ba tia máu làm đỏ rực đám cỏ” ( tr.183)…”Các tướng lén cho ngựa thồ vàng bạc lấy của địch về nhà”( tr.199) …” Kẻ vô học tham lam”…” đám vô học” ( 200)…”Cứ có lợi thì chuyện xấu xa mấy người ta cũng làm”(tr.201)….”Đôi mắt thăm dò sắc như dao và nham hiểm của Phạm Vấn”(219)….”v…v…và v…v…
Chúng tôi tin rằng, cuốn sách này có thể sẽ được Trung Quốc dịch in, biết đâu sẽ được giải thưởng lớn từ Bắc Kinh vì nó phục vụ đắc lực cho chiến lược “16 chữ vàng”…của những hậu duệ Minh Thành Tổ, Trương Phụ, Vương Thông…hôm nay.
Lê Tư Tề con bà vợ cả Trịnh Thị Lữ với Lê Lợi là một tướng Lam Sơn văn võ song toàn, một con người theo Nguyễn Quang Thân mô tả là học trò cưng của Nguyễn Trãi, có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một người chí tình chí nghĩa, thấm nhuần tinh thần đạo lý Nho gia : “trai thì trung hiếu làm đầu”. Thế mà, lạ thay, Nguyễn Quang Thân đã nhét vào đầu Lê Tư Tề một ý nghĩ đại bất hiếu, đại nghịch, “phủ nhận sạch trơn” cha mình – một anh hùng dân tộc, chỉ vì Lê Lợi trót mắng con trai trưởng vì tội dám đánh em ruột cùng cha khác mẹ là Lê Nguyên Long, như sau : “ Tư Tề dần dần hiểu ra. Ông biết sau lưng mình từ lâu người ta đã có những âm mưu hắc ám. Vua cha bận trăm công nghìn việc đâu có thì giờ tĩnh tâm để phân biệt phải trái, chính tà…”
Cái ý ngĩ quá bậy bạ này Nguyễn Quang Thân nhét vào đầu Lê Tư Tề không phải ngay sau khi ông bị vua cha Lê Lợi mắng, mà đã qua nhiều ngày “ từ từ ông hiểu ra”…Nghĩa là sau khi ông nghiền ngẫm rất lâu mới đi tâm sự với Nguyễn Trãi và cho cha mình là kẻ “không phân biệt được phải trái, chính tà”, tức là Lê Lợi qua sự lên án của người con trưởng, chỉ là tên hôn quân bạo chúa…
Ý nghĩ vô đạo này dứt khoát không thể có trong đầu Lê Tư Tề một con người tôn sùng cha mình như Trời Phật, một người coi trung là hiếu, coi hiếu là trung, thà có ai chặt cổ ông, ông cũng không dám nghĩ xấu về cha mình như thế …Bằng kết luận này của Nguyễn Quang Thân áp đặt vào nhân vật Tư Tề, dù tác giả có ca ngợi Lê Lợi bằng nhiều trang sách cũng chỉ là công cốc mà thôi. Sao một vị anh hùng dân tộc, suốt mười năm nằm gai nếm mật với tài cao đức lớn có lòng dân ủng hộ, với bao hi sinh, mười năm kháng chiến (không có sự giúp đỡ hết mình của Liên Xô, Trung Quốc, lại chưa có đảng lãnh đạo) mà vẫn đuổi được giặc Minh, dành lại nước cho chúng ta hôm nay, lẽ nào Nguyễn Quang Thân lại chơi xỏ ngài, vu cho ngài là một người có bộ óc bã đậu, một kẻ tiểu nhân vô học vô luân không phân biệt được phải trái, chính tà…đến như thế này ư?
Lê Lợi người từ bé đã ham mê tập võ nghệ và ham mê đọc sách thánh hiền theo sử chép, chẳng lẽ lại hiện ra dưới ngòi bút Nguyễn Quang thân như một anh cu trâu mù chữ, như một chú mõ làng láu cá, đê tiện khi hau háu nhìn bà Nguyễn Thị Lộ bằng cái nhìn đầy dục tính, mê đắm một bà vợ thuộc cấp theo tác giả tả là khá xấu và già, lúc đó đã ba mươi bảy tuổi, như sau : “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút…” (tr.11)…Đây phải chăng là hình ảnh vua Lê Lợi : “Ông ( tức Lê Lợi) đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm một miếng cơm cháy. Trong một khắc ông không còn là minh chủ, mụ (tức mụ bếp) quýnh lên còn ông thì làm (làm tình) vội làm vàng, sợ mấy thằng thị vệ nhìn thấy, nhanh như con gà trống…” (tr.12)
Với những hình ảnh trên, dù tác giả đã để nhiều trang ca ngợi Lê Lợi, thì chỉ bằng sự quy kết của Lê Tư Tề rằng Lê Lợi là kẻ “không phân biệt được phải trái, chính tà”, thì quả tình Nguyễn quang Thân đã phủ nhận công việc chính nghĩa sáng ngời của nghĩa quân Lam Sơn là cứu nước, giành lại độc lập dân tộc đã bị nhà Minh cướp mất suốt hai mươi năm, đồng thời tô son trát phấn cho hai viên tướng giặc là những nhà nhân đạo chủ nghĩa, những chính nhân quân tử…Có phải bằng việc này, Nguyễn Quang Thân muốn đánh tráo chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa theo một câu thơ rất sai có xuất xứ từ bên Nga : “Trong mọi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Không, ngàn lần không, năm 1427, sau mười năm kháng chiến, vua Lê Lợi đã chiến thắng giặc Minh xâm lược; chiến thắng của Ngài cũng chính là chiến thắng của đất nước và của nhân dân Đại Việt. Nhờ đó mà chúng ta còn có một nước Việt Nam hôm nay.
Cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi là một nhân vật chính trong “Hội thề”. Nguyễn Quang Thân đã dành nhiều trang ca ngợi công đức Nguyễn Trãi. Trong chương gần chót có tên “ Tứ hải giai huynh”, Nguyễn Quang Thân đã hạ bệ nhà đại trí thức của nước Việt xuống hàng phải nói là quá ngớ ngẩn. Xin chứng minh.
Trang 263, Nguyễn Quang Thân tả cuộc đối đáp của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn với hàng tướng Thái Phúc, y từng khoe đã rước Nguyễn Phi Khanh lên ngựa để đi cho đỡ cực trên đường bị bắt đi đầy sang Trung Quốc:
“Nguyễn Trãi cười buồn hỏi:
-    Thân phụ tôi nói gì?
-    Người nói : Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu thế nào là câu “tứ hải giai huynh đệ”. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn nhưng xin cho tôi được gọi ngài là anh tôi. Ôi giá như đức Khổng Khâu nói tứ hải giai huynh thì thiên hạ đã thái bình…”

“Nguyên Hãn ha hả:
-    Hay ! Giá như người Ngô các ông đừng ỉ thế mà biết nói “thiên hạ giai huynh” như ông dượng của tôi thì hay biết mấy”…
….
“Mắt Nguyễn Trãi mờ đi.Ông thì thầm như đang nói mê : “Tứ hải giai huynh ! Thật chí lý. Thế nhưng mấy người làm được vậy ?” (tr.265)
Nguyễn Quang Thân sao dám mang cái bất cập của mình mà gán cho cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi. Câu thành ngữ : “Tứ hải giai huynh đệ” không phải là câu của Khổng tử mà là một câu ngạn ngữ cổ Trung Hoa. Theo cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Hoa Việt dày 1156 trang, do Lê Khánh Trường-Lê Việt Anh dịch- GS. Lê Trí Viễn hiệu đính, NXB Văn Hóa và Thông Tin 1998, trang 808 định nghĩa như sau : “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” : Năm châu bốn biển đều là anh em. Hết thảy mọi người đều nên giúp đỡ lẫn nhau, như người một nhà. Năm châu bốn biển đều là anh em : tứ hải giai huynh đệ”
Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn là những người thông kim bác cổ, không đời nào các ông lại nhầm câu thành ngữ trên là của Khổng Khâu. Vả, các vị trí thức lớn Đại Việt trên không ngu dốt đến mức bỏ đi một từ trong câu ngạn ngữ kia để thành: “Tứ hải giai huynh” vừa vô nghĩa, vừa ngầm phục vụ cho mộng bá chủ thiên hạ của các hoàng đế Trung Nguyên. “Tứ hải giai huynh” chỉ có nghĩa là: “bốn biển đều là anh” hay “bốn biển đều là của anh”. Nếu cả ba vị trên đều tâm đắc với câu ngạn ngữ cụt đuôi trên, tức là họ đã mắc mưu Thái Phúc, kẻ vừa bịa ra lời Nguyễn Phi Khanh để lừa dân Việt: “bốn bể đều là anh hai Hoa Hạ, bốn biển đều là của anh hai Đại Hán” để truyền chỉ mệnh lệnh thiên triều: bốn bể đều là của hoàng đế Trung Hoa, dưới gầm giời này không chỗ nào không thuộc quyền trẫm”. Như vậy, có khác nào chính Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đã nhờ Nguyễn Quang Thân công khai tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng: Nước Việt Nam ta muôn đời chỉ là thuộc quốc của Trung Hoa. Như thế này có phải là phản “Bình Ngô đại cáo” hay không?
Thông điệp “Tứ hải giai huynh” mà Nguyễn Quang Thân dùng các nhân vật trên để phát ngôn có phải là tư tưởng chủ đề của tác phẩm “Hội Thề” vừa được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hạng A chăng?
Sài Gòn chủ nhật 13-02-2011
© Trần Mạnh Hảo
© Thông Luận 2011

Tổng số lượt xem trang