Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Khi Máu Chảy Đầy Đường

-Khi Máu Chảy Đầy Đường Là lúc nên mua cổ phiếu...
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 20110212 
"Thái tử hụt" Gamal H. Mubarak tại Hội nghị Kinh tế ở Davos
Tối Thứ Năm mùng 10 Tháng Hai, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đọc bài diễn văn hùng biện và cảm động nhất cho sự nghiệp đang kết thúc của mình khi ông thông báo là chuyển lại một số quyền lực cho Phó Tổng thống và tiến hành năm biện pháp cải cách. Mà không từ chức.


Chuyện không từ chức ấy gây ngạc nhiên vì nhiều người - kể cả Giám đốc CIA Leon Panetta và Tổng thống Barack Obama - đã nhanh nhẩu lên truyền hình báo trước, và nói sai.

Ai Cập qua một ngày nhức tim vì các tướng lãnh lâm thế kẹt. Quần chúng sẽ biểu tình dữ dội hơn khi cứ có tin đồn là Mubarak sẽ đi mà sau cùng lại không đi! Lúc đó, nếu quân đội mà đàn áp thì mất hết uy tín; bọc xuôi theo đám biểu tình thì cũng không thể lãnh đạo được nữa.

Chỉ còn giải pháp là... cầm súng ngắn vào dinh Tổng thống.

Tức là Thượng Hội đồng Quân đội do Omar Suleiman cầm đầu phải bước vào kín đáo ép Mubarak thoái vị - trong một cuộc đảo chánh không tiếng nổ. Dường như chuyện ấy đã xảy ra trong ngày Thứ Sáu.

Vì sau khi dàn xếp xong hậu trường, đến tối, Phó Tổng thống Omar Suleiman lên truyền hình thông báo: Hosni Mubarak đã từ chức và trao quyền cho quân đội. Chúng ta trở lại Ai Cập năm 1952 và chuyện này tất nhiên được mọi nhà mọi nơi bình luận dạt dào....

Như một kẻ tinh nghịch có cái đầu lạnh, người viết xin lách qua chỗ khác. Và nói về chuyện bạc tiền trong cách mạng!


***


KHI MÁU CHẢY...


Chuyện bạc tiền là chuyện doanh gia...

Một trong những người sáng lập hệ thống ngân hàng của dòng họ Rothschild từ thế kỷ XIX là ông Nathan Mayer Rothschild. Sinh năm 1777 tại Frankfurt bên Đức, sau này ông qua kinh doanh tại Anh và khi tạ thế năm 1836 để lại tài sản trị giá khoảng 0,86% lợi tức quốc gia của nước Anh. Vương Khải Thạch Sùng gì cũng chỉ có thể khoanh tay canh cửa ở ngoài.

Nổi tiếng là doanh gia có tài tính toán sắc bén, Nathan Rothchsild để lại một giai thoại cho đời.

Trong trận chiến năm 1815 giữa Napoléon với liên quân sáu nước Âu Châu dưới quyền chỉ huy của Quận công Wellington, mạng lưới giao dịch trải rộng khắp nơi của Nathan Rothschild giúp ông sớm biết quân là Napoléon bị đại bại tại Waterloo. Nhưng, ngồi tại Luân Đôn, Rothschild vẫn ra lệnh... bán trái phiếu Anh! 

Vốn biết Rothschild có thông tin trước người khác, kể cả Thống chế Wellington, thị trường bèn kết luận là quân Anh bị thua và lật đật bán tháo.

Sau đó, Nathan mới tung tiền mua lại với giá bèo và kiếm về bộn bạc khi tin đại thắng về đến nơi làm trái phiếu Anh vọt tăng giá.

Xuất phát trong một tài liệu tuyên truyền từ Pháp khoảng ba chục năm sau, năm 1846, giai thoại ấy được phổ biến đến ngày nay, với hàm ý ám chỉ tính mưu mô gian hùng của doanh gia Do Thái. Cùng câu chuyện ấy còn có một châm ngôn cũng tương truyền là do Nathan Rothschild để lại: "khi máu đổ đầy đường thì đấy là lúc nên mua cổ phiếu."

Nôm na là khi bạo lực bùng nổ làm máu chảy đầy đường, thị trường thường hốt hoảng bán tháo. Người có bản lãnh thì tỉnh trí tung tiền mua cổ phiếu và có thể giầu to. Cao điệu hơn vậy thì dùng kế "sấn hoả đả kiếp" trong "tam thập lục kế": châm thêm lửa để dễ bề ăn cướp!

Vì vậy, trong vụ khủng hoảng tại Ai Cập, khi đã có hơn 300 người thiệt mạng và hệ thống chính trị của Mubarak sụp đổ, ta hãy thử tìm hiểu xem các doanh gia loại Nathan Rolthchild tính toán ra sao...

Mà họ là những ai?


***


"ĐỔI MỚI" TẠI AI CẬP


Trước hết, chúng ta cần nhắc lại kinh nghiệm "đổi mới" tại Ai Cập... Vì thấy quen quen.

Khi lên lãnh đạo từ năm 1953, Gamal Abdel Nasser ngả theo Liên bang Xô viết và áp dụng đường lối kinh tế tập trung để canh tân đất nước. Sau khi kế nhiệm Nasser, năm 1974 Tổng thống Anwar Sadate bắt đầu "đổi mới", đưa Ai Cập ra khỏi quỹ đạo Xô viết và tiến hành "Infitah" - mở cửa về kinh tế - để thu hút đầu tư Tây phương.

Kinh tế vốn kiệt quệ sau hai chục năm Nasser "xây dựng xã hội chủ nghĩa... với màu sắc Ai Cập" nên Sadate buộc phải đổi. Nhưng ông vẫn biết nắm dao đằng chuôi: nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Doanh nghiệp nhà nước liên doanh với đầu tư ngoại quốc dưới sự yểm trợ của nhà nước và sự tài trợ của các ngân hàng cũng do nhà nước kiểm soát. Nhà nước đa đoan và vạn năng cứ như một ông Pharaoh vĩ đại vậy.

Kết quả là sự hình thành của một tầng lớp doanh gia cởi mở với thế giới bên ngoài và có quan hệ gắn bó với hệ thống chính trị bên trong. Bên dưới mới là giới tiểu doanh cò con, và ai ai cũng phải cố leo lên bậc trên bằng cách xây dựng quan hệ với những kẻ có chức có quyền ở trên đỉnh kim tự tháp.

Hà Nội chẳng phát minh gì cả và lề lối kinh doanh tại Việt Nam cũng nằm trong hướng ấy.

Ma trong hệ thống kinh doanh đó của Ai Cập, quân đội cũng có phần.

Sau Hiệp định tại Camp David năm 1978, Ai Cập giảng hòa với Israel của dân Do Thái, quân đội bèn "giải tư" - divest, ngược với đầu tư là invest - việc sản xuất chiến cụ để bước qua nhiều lãnh vực kinh doanh khác. Và cũng thành một thế lực trên thương trường.

Khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, Ai Cập lại đổi mới thêm một bước, với hệ thống kinh tế được giải tỏa nhiều hơn theo quy luật thị trường. Chính quyền Hosni Mubarak ký kết thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để cải thiện cơ chế kinh tế, và áp dụng quy luật tự do khiến giá cả trở thành tín hiệu đáng tin hơn của thị trường.

Nhưng về căn bản thì vẫn... hơi giống Việt Nam sau này!

Các ngân hàng quốc doanh kiểm soát chừng 70% tài sản của hệ thống ngân hàng toàn quốc và các doanh nghiệp nhà nước có được giải tư, là tư nhân hoá - hay "cổ phần hóa" nói theo kiểu Hà Nội - mà rất chậm. Khu vực nhà nước thế quyền này vẫn giữ vai trò chủ đạo. Với rất nhiều tham nhũng và móc ngoặc bên trong.

Năm 2004, Nội các gồm nhiều chuyên gia của Thủ tướng Ahmed Nazif mới đẩy mạnh hơn việc cải cách và thổi thêm sinh khí vào kinh tế. Nhưng lại gây vấn đề cho các đại gia trên doanh trường vì đòi tư nhân hóa nhiều cơ sở của họ. Khi nạn Tổng suy trầm 2008-2009 xảy ra, Nội các Ahmed Nazif xoay trở khá thành công và qua năm 2010 lấy lại mức tăng trưởng 7% của các năm trước.

Có dân số xấp xỉ Việt Nam, trên một diện tích rộng gấp ba - mà hai phần ba lãnh thổ lại là sa mạc - Ai Cập đạt tổng sản lượng hơn gấp đôi Việt Nam. Thực tế thì Ai Cập thành cường quốc kinh tế trong khu vực Trung Đông Bắc Phi (Middle East - North Africa, gọi tắt là MENA), với lợi tức người dân thuộc loại trung bình cao. Hơn Việt Nam rất xa.

Mới gần đây, Ai Cập còn được các định chế tài chánh như Ngân hàng Thế giới WB và IMF nhiệt liệt ca ngợi. Trước khi vấp ngã vì khủng hoảng chính trị! Cho nên, nhìn một cách nào đó thì tương tự như trường hợp các nước Đông Á trước cơn khủng hoảng 1997-1998, khi đọc những báo cáo huê dạng của WB hay IMF, ta vẫn không loại bỏ giả thuyết là khủng hoảng sắp bùng nổ! 

Vài tháng sau khi được các định chế quốc tế ngợi ca, nội các của Ahmed Nazif bị giải tán - ngày 28 tháng Giêng!

Thật ra, ngoài lý do là nạn thất nghiệp cao, 10% dân số lao động, và 24% trong thành phần trẻ, từ 15 đến 29 tuổi, việc cải cách của Thủ tướng Nazif có góp phần đẩy mạnh khủng hoảng.

Đó là chuyện kinh tế chính trị học tại Ai Cập.



***


KIM TỰ THÁP CỦA KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC


Hệ thống kinh doanh Ai Cập là một kim tự tháp. 

Trên đỉnh là các đại gia có thể đứng ngang tầm thượng đế, bên dưới là nền móng quyền lực của thiểu số ở trên. Chất keo sơn gìn giữ tất cả là quan hệ và tham nhũng. So với kim tự tháp ấy thì dinh cơ của các đại gia Việt Nam mới chỉ là chùa Diên Hựu. Chùa Một Cột bé xíu!

Trong mấy chục năm đổi mới đó, nhiều doanh gia Ai Cập có thế lực lại còn biết quy luật "ăn cây nào rào cây nấy": các đại gia không chỉ kiếm tiền và giữ vị trí "phi chính trị", họ tích cực tham gia sinh hoạt chính trị, qua đảng cầm quyền là Quốc gia Dân chủ đảng (National Democratic Party NDP). Trung Quốc hay Việt Nam mà kết nạp doanh gia vào đảng thì cũng chẳng có gì là sáng tạo.

Từ bên ngoài, người ta cứ chú ý đến 88 ghế đối lập của lực lượng "Huynh đệ Hồi giáo" - Muslim Brotherhood hay Em Bi - trong Hạ viện Ai Cập có 454 ghế, là đảng đối lập mạnh nhất. Nhưng trong số 440 ghế Hạ viện - gọi là Quốc hội Nhân dân - của đảng cầm quyền NDP, rất nhiều dân biểu, gần một phần tư, là doanh gia.  

Nghĩa là số doanh gia trong chính trường đã tăng liên tục, trong cả Quốc hội lẫn nội các. Tỷ lệ doanh gia tham chánh trong hội đồng chính phủ thì từ 2,4% vào năm 1970, hai chục năm sau đã lên gấp mười. Họ tốt nghiệp đại học, có kiến thức cao và quan hệ rất rộng với thế giới bên ngoài và tạo ra hình ảnh của một Ai Cập tiên tiến. Bên trong, họ trở thành một thế lực chính trị cấu kết và bảo vệ quyền lợi dưới sự thống trị của đảng NDP và Tổng thống Mubarak. Họ văn minh hơn các đảng viên cán bộ của Việt Nam.

Nhưng việc cải cách tiến hành từ năm 2004 có xâm phạm vào kho bạc của thế lực ở trên. Việc Mubarak muốn đưa người con trai là Gamal vai vai trò kế nhiệm là giọt nước tràn ly.

Sinh năm 1963, Gamal Mubarak xuất thân là chuyên gia ngân hàng, lên tới vị trí cao trong ngân hàng Mỹ và thành công tại Anh trong lãnh vực đầu tư tài chánh, sau này mới quan tâm đến chính trị. Mươi năm trước, Gamal tiến dần trong đảng NDP rồi lên tới vị trí Phó Tổng thư ký và cầm đầu ủy ban trù hoạch chánh sách của đảng, cơ chế rất có ảnh hưởng. Khốn nỗi, chính khách Gamal Mubarak lại chủ trương phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hơn nữa việc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Ngẫm lại thì cũng hơi lạ. 

Gamal Mubarak có thể là doanh gia và với tài sản do gia đình và thân tộc thu thập được thì vẫn có khả năng kiếm tiền rất bộn trên thương trường quốc tế sau này. Tại sao lại lăn vào chính trường. Hai là cũng vì... yêu nước như các cậu ấm con quan tại Hà Nội ngày nay?

Tại Ai Cập, Gamal lên tới đâu thì xây dựng thế lực tới đó, với một thế hệ doanh gia trẻ hơn, cũng tham gia chính trị, và có vai vế trong Quốc hội lẫn Nội các. Chính là làn sóng mới ngay trong thượng tầng kinh tế và chính trị Ai Cập mới lại đe dọa các đại gia công thần ở trên cùng.

Nếu Gamal mà lãnh đạo đảng NDP, ra tranh cử và đắc cử Tổng thống vào tháng Chín tới đây, nhiều phần thì Tổng thống Gamal Mubarak sẽ đẩy tiếp việc cải cách và đụng mạnh vào hệ thống quyền lợi của các đại gia. Mâu thuẫn đó có góp phần dẫn tới vụ khủng hoảng ngày nay khi nhiều thế lực trong đảng ngầm phản đối hiện tượng "cha truyền con nối" như vậy.

Cho nên đằng sau sự bất mãn của thanh niên và lòng khát khao dân chủ nói chung, còn có sự va chạm về quyền lợi ngay trên thượng tầng.

Mà trên thượng tầng kinh tế chính trị đó lại có cả Quân đội!

Viên tướng hồi hưu cầm đầu cơ chế đầy quyền lực trong Nội các là... Bộ Quân sản - Military Production Ministry - ước lượng phần đóng góp của quân đội trong kinh tế ở khoảng 15%, mà ông nói là đang giảm dần. Ông Tướng Sayed Meshal này cũng cho biết là các xí nghiệp quân doanh tuyển dụng bốn vạn nhân viên dân sự và đạt doanh thu hàng năm khoảng 435 triệu đô la.

Nhiều nguồn khác thì ước tính một tỷ trọng cao hơn: gần một phần ba nền kinh tế là do Quân đội mà ra. Người ta chỉ biết Quân đội Ai Cập có sản xuất rất nhiều mặt hàng tiêu dùng cho thị trường và còn kiểm soát một số ngành coi là chiến lược cho kinh tế, như vật dụng xây cất, xi măng. Thật ra, ta khó biết được sự thể như thế nào vì Ai Cập có luật lệ nghiêm cấm việc viết về quân đội... từ năm 1956!

Nhưng nên chú ý đến sự kiện là vào năm 2008, các lò bánh mì của Quân đội đã phát lương thực cho đám biểu tình phản đối nạn... bánh mì lên giá! Nghĩa là thế lực kinh tế vốn không nhỏ còn cho Quân đội một khả năng tác động vào xã hội ở dưới, và chính trị ở trên. Việt Nam chưa hề có một cơ chế như vậy, mà yếu tố bất ổn thì lại cao gấp bội.

Bây giờ, các tướng lãnh đang dàn xếp việc Mubarak ra đi trong trật tự để xây dựng một cơ chế chính trị khác cho thời "hậu Mubarak"....


***


Ai cũng có thể mong là nguyện vọng của dân chúng Ai Cập sẽ dẫn tới một sự chuyển hóa chính trị tương đối yên bình ra một thể chế dân chủ hơn. Nhưng thực tế vốn lại cứng đầu hơn lý tưởng.

Lực lượng đối lập mạnh nhất, có ảnh hưởng và cán bộ nhiều hơn các chính đảng khác, là Huynh đệ Hồi giáo, đang tác động vào chính trường và chi phối chính quyền lâm thời của giai đoạn chuyển tiếp. Đó là về mặt chính trị, tôn giáo và ngoại giao.

Nhưng bên trong, thế lực kinh tế của các đại gia và công thần cũng đang lặng lẽ phá vỡ hệ thống kinh doanh của làn sóng Gamal Mubarak. Trong nội các vừa đổ, rất nhiều bộ trưởng là doanh gia và vây cánh của Gamal. Những người còn lại trong nội các mới của một Thủ tướng kaki dưới quyền một Phó Tổng thống cũng là tướng lãnh thì vẫn thuộc phe đại công thần! Kể cả ông tướng Meshal, Bộ trưởng bộ Quân sản... 

Bảo vệ thành quả cách mạng là như vậy!

Nhớ lại chuyện Nathan Rothschil, chúng ta biết là khi máu chảy đầy đường thì hãy nhảy ra mua. Nhìn vào chuyện Ai Cập thì những mảnh vụn của hệ thống Gamal đang bị phá vỡ có thể là tài sản rất bèo... Nhưng quý độc giả đừng vội cầm thông hành và đem tiền vào đó kiếm lời!

Bầu dục đâu đến bàn thứ mười tám: các đại gia công thần và tướng lãnh đã có mặt tại chỗ. Và còn canh chừng để Huynh đệ Hồi giáo không xí phần kinh tế hầu bành trướng ảnh hưởng xã hội và chính trị.

Kim tự tháp của Ai Cập đang lung lay, nhưng không đơn giản là vì cơn địa chấn dân chủ đâu.... Sau đó là gì thì hết là chuyện của Mubarak, Hosni hay Gamal.

Ngẫm cho cùng thì dù "hiệu ứng Gamal" có thể dẫn tới khủng hoảng, nó cũng mở ra một triển vọng khác: chính trị phải thu hẹp bàn tay kinh doanh hầu nhường lại không gian cho tư doanh mà vẫn thu hút được đầu tư ngoại quốc. Để cùng nhau giải quyết bài toán thất nghiệp và quốc kế dân sinh của một xã hội quá trẻ. 

Tuổi trẻ này lại vừa được liều thuốc kích thích là đã lên đường làm cách mạng để trong 18 ngày lật đổ một bạo chúa. Sau khi hò hét, trở về nhà, họ sẽ tự hỏi là làm việc gì bây giờ? Và ai trả lương?...

Mà trông người thì ngẫm chuyện ta. Các đại gia ở nhà đang nghĩ sao về khủng hoảng Ai Cập? Tuổi trẻ nghĩ sao khi máu chảy đầy đường thì lại có các đại xì thẩu từ phương Bắc xuống thủ vai Nathan Rothschild? 

Nhức đầu!

Tổng số lượt xem trang