Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Москва không tin vào những giọt nước mắt

--Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 1: Tình một đêm
Misha Đoàn
Những câu chuyện kể về cuộc sống của người Việt tại Nga trong thập niên ’80 trước khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ của tác giả Misha Đoàn.
DCVOnline: Tập tự truyện “Москва không tin vào những giọt nước mắt” của tác giả Misha Đoàn gồm nhiều truyện ngắn. Mỗi truyện, như tiêu đề riêng mà nó mang, là một câu chuyện kể trong muôn mặt đời thường của người Việt Nam tại Moscow mà chính bản thân tác giả đã có cơ hội trải nghiệm.

Những trải nghiệm này của anh vô cùng phong phú. “Rất ít chất “sáng tác” trong những câu chuyện này, mà ngược lại, phải chắt lọc bớt những dữ kiện đầy ắp khi tôi viết về cuộc sống của người Việt ở xứ này”, Misha Đoàn đã nói như thế với DCVOnline.

Học tập và làm việc tại Nga từ những năm đầu thập niên ’80, Misha Đoàn luôn dành tình cảm đặc biệt cho nước Nga như một quê hương thứ hai.

“Москва không tin vào những giọt nước mắt” đang được viết tại Hoa Kỳ, nơi tác giả sống và làm việc từ vài năm nay.

“Tình một đêm” là truyện ngắn đầu tiên trong tập tự truyện này...


Vào giữa những năm 80 trở đi để trả nợ cho Liên Xô, chính phủ Việt Nam đã ồ ạt “xuất khẩu” công nhân sang làm việc tại các nhà máy tại Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết.

Thành phần dân lao động chủ yếu là lao động chân tay, trình độ thấp và háo hức sang Liên Xô với ước mơ “đổi đời”. Vì Liên xô cần lao động chủ yếu vào các ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, đóng giày... nên phần lớn lao động xuất khẩu từ Việt Nam qua thuộc về phái nữ. Sự khác biệt về địa lý, văn hóa, bất đồng về ngôn ngữ... đã làm đa số chị em cảm giác bơ vơ, sợ hãi, bị shock.

Thường thường các nữ công nhân Việt Nam ở trong những ký túc xá lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn người toàn nữ. Kỷ luật của các ký túc xá là tuyệt đối không được đưa người khác phái lên phòng, có khách thì chỉ được gặp gỡ ở phòng đợi dưới cửa ký túc xá, nơi có các bà bảo vệ luôn nghiêm khắc xoi mói.


Nước mắt
Nguồn: wayn.com

Đang thuộc lứa tuổi hừng hực sức sống nên các chị em cũng có nhu cầu yêu đương cả về thể xác lẫn tinh thần, thế nên đã có những trường hợp thương tâm xảy ra. Để đưa bạn trai lên phòng các cô gái để lấy tấm trải giường cuộn lại thành dây, thòng xuống đất qua cửa sổ cho người yêu leo lên. Và đã có những chàng trai sinh viên đã bỏ mạng hoặc bị thương tật vì dây đứt, dây tuột.

Các cô gái lúc mới sang hay ôm nhau nằm khóc làm các bà trực ký túc xá người Nga hoảng hốt vì ngỡ là dân đồng tính luyến ái, đôi khi khóc thành dây chuyền làm đang đêm cả ký túc xá râm ran tiếng nức nở như là đang có tang...

* * *


Một lần nó được một thằng bạn học cùng giao phó cho nhiệm vụ đi lên một thành phố phía Bắc để thăm mấy cô công nhân đồng hương Đà Nẵng đồng thời kết hợp “đánh quả” luôn.
Hồi đó nói chung nó tuy không còn trinh trắng nhưng còn hoàn toàn trong sáng nên nhận lời một cách rất vô tư.

Bay mất hơn 5 tiếng mới tới nơi, thành phố đón nó bởi những cơn gió biển thốc vào lạnh buốt với băng tuyết mịt mù. Tại sân bay đến đã thấy hai cô bé Á châu lũm chũm vì bị trùm kín trong đống đồ lạnh ôm hoa đứng chờ. Thật cảm động vì biết hoa mùa đông ở thành phố phương Bắc này cực đắt và lương công nhân của các cô cũng không nhiều nhặn gì cho cam. Tự nhiên nó có cảm giác tội lỗi vì lâu nay nó chỉ toàn mua hoa tặng mấy em tóc vàng học cùng lớp hay cùng ký túc xá mà thôi.

Khi taxi gần về đến ký túc xá, một em gái lôi ra cái áo khoác nữ dài thườn thượt và một cái mũ lông to đùng ấn vào tay nó: “Anh mặc vào đi!”. Nó ớ cả người: “Sao vậy?” Cô gái giải thích: “Anh mặc vào giả nữ rồi đi theo tụi em vào cửa. Nhớ để ý tụi em đẩy cửa tay nào thì anh cũng phải làm như vậy. Nếu anh lúng túng bị phát hiện là không vào được đâu đấy!” À, vụ này có nghe kể nhưng nó không ngờ giờ đến lượt nó phải thực hành.

Taxi dừng lại trước một tòa nhà nhiều tầng xám xịt hình chữ U. Nó và hai cô bé chui ra xe rồi rồng rắn bám vào nhau để khỏi bị té trên đám băng bóng nhẫy loạng choạng đi vào cửa ký túc xá. Tim đập lạc nhịp, ấn cái mũ sùm sụp gần như lấp cả mắt nó cố lấy vẻ tự nhiên đẩy cửa bước vào. Bà già Nga trực cửa uể oải nhướng mắt nhìn đám con gái nhốn nháo đi vào mà không hỏi lấy một tiếng. Thế là thoát, cả bọn chạy thình thịch ở hành lang cười nói khoái chí.

Leo lên tầng, vào phòng thì đã thấy ba cô gái vừa bày đồ ăn lên bàn, vừa bẽn lẽn chào nó. Cởi đồ “ngụy trang” xong một cô bé dẫn nó ra bathroom công cộng cuối hành lang. Bởi đây là ký túc xá nữ nên cô bé phải đứng canh để cho nó rửa mặt và làm những chuyện tế nhị khác. Nói chung là nó được vây bọc bởi một không khí ấm áp với những sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo.

Buổi tối hôm đó bàn tiệc được bày ra với bao món Cộng mà lâu lắm rồi nó không được thưởng thức vì toàn ăn món Nga ở canteen sinh viên. Một cô có vẻ là “chị cả” của phòng cầm chai champagne lắc lắc rồi mở cho nút bắn bụp vào tường trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của những người còn lại.

Cầm ly, cô nói những lời khai mạc chúc tụng thường có và kết thúc bằng một câu làm nó giật cả mình: “Anh là người con trai đầu tiên bước chân vào căn phòng này của tụi em”.

Đáp lễ, nó đứng lên cầm ly cụng và nói đại khái là rất cảm động về sự đón tiếp và hứa sẽ làm “anh trai tốt” của tất cả mọi người. Nói chung bữa ăn tối rất ngon và đầm ấm và nó cảm thấy không uổng công khi lặn lội lên đây.

Trong lúc ăn, nó để ý thấy một thùng giấy đựng tủ lạnh để sát bàn ăn và thắc mắc sao lại để choán chỗ, bất tiện. Các cô gái phá lên cười và giải thích là đề phòng Kamedan (người quản lý) lên kiểm tra đột xuất thì sẽ úp thùng đó lên người khách để che dấu.

Ôi, lắm trò thật đấy, đúng là phụ nữ Cộng rất xứng đáng với mấy chữ vàng mà Bác đã trao cho! Thế rồi đúng là cầu được, ước thấy, nghe tiếng chân huỳnh huỵt và tiếng Nga léo xéo ngoài hành lang, chả kịp úp thùng tủ lạnh nữa, các cô ấn ngay nó xuống dưới gầm bàn. Có tiếng gõ cửa rồi hình như mấy người vào phòng. Tiếng người đàn bà Nga và tiếng người phiên dịch hỏi các cô có ai có nhu cầu khám phụ khoa không rồi nhắc nhở ăn ở vệ sinh, chấp hành nội quy nhà máy và ký túc xá, không được dẫn khách nam lên phòng ...vân vân và vân vân.

Rồi người phiên dịch hỏi bằng tiếng Việt “Nghe tụi nó nói lại là phòng này có đem bạn trai lên phải không? Nó đâu rồi? Lại chui trong thùng tủ lạnh kia hả?” Mấy cô gái chối đây đẩy, đâu có, không tin thì bảo bà ấy nhấc hộp ra mà coi. Nói qua, nói lại một hồi cuối cùng người phiên dịch kết thúc câu chuyện bằng lời đề nghị “Mấy em có mua thừa bàn ủi hay máy khâu thì để lại cho chị một ít, sắp đóng hàng rồi mà chị không kịp mua, hàng đợt này hiếm quá. Còn có cây son môi nào không, cho bà Kamedan này đi, có gì bà ấy nhẹ tay cho”.

Ngồi co ro như con chó dưới gầm bàn, cố hé mắt qua những kẽ chân của chị em mà nó vừa buồn cười, vừa bực cái con bé phiên dịch làm tiền đồng hương của mình.

Tối đó nó nằm trên một giường riêng chăn ấm, nệm êm, thơm phức mùi hương bột giặt và thiếp đi một giấc ngon lành, chẳng để ý đến 5 cô gái trằn trọc vây quanh.

Buổi sáng nó tỉnh dậy bởi mặt trời chói vào mắt trong căn phòng vắng lặng. Một phần ăn sáng đã được đặt ngăn nắp trên bàn với mảnh giấy để cạnh có dòng chữ dặn hạn chế tối đa đi ra hành lang và không được đi vào bếp vì có thể bị Kamedan và trực nhật phát hiện. Nó vươn vai sảng khoái tập thể dục rồi huýt sáo đi rửa mặt. Hành lang vắng lặng và bathroom không một bóng người vì các cô gái ở đây đều đi làm hết rồi. Ăn xong nó hết nằm đọc sách lại nhỏm dậy bật nhạc chờ các cô gái về vì cảm thấy quá gò bó trong khung cảnh như bị giam lỏng này.

Đến khoảng 2 giờ chiều thì các cô đi làm về, ríu rít hỏi anh ở nhà một mình có buồn không, có đói không? Sau đó nó ra phố cùng một cô bé có vẻ xinh nhất đám và cô này là đồng hương chính của thằng bạn nó đã gửi gắm.

Đi lòng vòng một số phố chính nhưng lạnh quá nên quyết định đi về. Lúc đi qua con đường trung tâm nơi tập trung bao nhiêu danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố, đột nhiên cô gái kéo tay nó: “Mình đi xuống pớd van này đi anh”. (Pớt van tiếng Nga có nghĩa là tầng ngầm - xin giải thích thêm là trên con đường chính đó những tầng ngầm thường được sử dụng làm quán ăn, bar hay rạp chiếu phim).

Nghĩ cảnh ngồi xem phim hoặc nhâm nhi ly cà phê trong không gian mờ ảo, nó thấy ấm cúng hẳn lên, gật đầu và hỏi lấy lệ: “Ở đó là rạp phiếu phim hả em?”, “Không anh ạ, dưới này có cửa hàng hay bán máy khâu lắm!”

Nó thất vọng cùng cực, kìm lắm mới khỏi văng ra một câu chửi thề. Đấy là lúc đầu tiên nó cảm giác được sự khác biệt của hai thế giới giữa nó và các cô bé dễ thương còn lại kia. Miễn cưỡng chui xuống ai ngờ có bán máy khâu thật.

Thực ra ở thành phố nó học vì quá xa xôi nên rất ít người Cộng, với lại toàn dân sinh viên nên những thứ hàng mà Việt Nam cần như máy khâu, bàn ủi, đồ điện rất sẵn. Vả lại sinh viên không có quyền đóng gửi về hàng quý như công nhân nên cũng chả ai mua tích trữ làm gì. Còn ở cái thành phố hàng chục ngàn người Cộng ở đây lại khác, hàng hóa khan hiếm, thậm chí phải mua giá chợ đen.

Cô gái hớn hở líu lo như chim sáo còn nó cúi gằm mặt thiểu não xách cái máy khâu lên xe bus bởi cảm giác như hành khách trên xe đều quay lại nhìn mình.

Về đến ký túc xá, lại vẫn cái màn mặc giả đồ con gái để lọt vào cổng. Lúc đi lên hành lang, bao chị em xúm lại trầm trồ và trong thoáng chốc cả ký túc xá đã loan truyền tin “Con N. và thằng người yêu mới mua được máy khâu trên Nhepski prospest”.

Tối đó là tối thứ bảy nên cả nhà vui như hội, lại tiếp tục bày màn ăn uống. Nó vừa buồn, vừa vui nên tu champagne như nước lã. Chi em có uống chút xíu nhưng cũng đủ để mặt đỏ lên và cử chỉ có vẻ phấn khích. Nhạc bật lên hết cỡ từ chiếc máy quay đĩa Radioteknika cổ lỗ sĩ làm một số chị em các phòng khác kéo sang chơi.

Thế rồi chiếc bàn ăn được dẹp sang một bên để trống chỗ cho discoteka (tiếng Nga có nghĩa là nhảy disco), các cô gái uốn éo, nhảy loi choi, giơ tay múa may và hét “You're my heart, you're my soul” theo đĩa nhạc Model Talking đang thịnh hành hồi đó. Chị em cười hăng hắc lôi nó vào giữa đám rồi đẩy nó qua lại từ người này qua người khác như chuyền bóng vậy.

Có một cô bé dong dỏng mặc cái váy cũn cỡn nói giọng Bắc cứ ôm vai nó hỏi anh từ đâu tới, anh là người yêu của cái N. hả, sao cái N. nó sướng thế cưa được anh sinh viên... Tất nhiên là nó chối bởi vì nó coi tất cả các cô ở đây như em gái, nó có thể bẹo má, vuốt tóc, hôn trán... hoàn toàn tự nhiên, không một tà ý gì.

Thi thoảng mấy cô trong phòng nó đang ở lại xông tới, kéo tay lôi nó ra khỏi cô kia rồi tiếp tục đẩy nó qua lại giữa đám con gái lắc lư đang phấn khích. Thật sự nó chả thích thú gì với màn discoteka này cả tuy ở dưới thành phố nó học, nó chuyên môn đi discoteka đã làm quen, tán tỉnh mấy cô bé Nga. Thế nên nó cầm cả chai champagne vừa lắc mông, vừa ngửa cổ ra tu trong lúc chị em vỗ tay reo hò cổ vũ.

Rồi cũng đến lúc nó phải chếnh choáng và trong lúc cô bé nói giọng Bắc đặt hai tay trên vai nó thì nó chủ động hỏi “Em ở phòng nào?” Cô gái ghé môi vào sát vai nó thì thào “Em ở tầng trên, lên phòng em chơi nhé?” Nó gật đầu và cô gái len lén kéo tay nó thoát ra khỏi đám nhảy nhót.

Tại cửa, N. đã đứng khoanh tay chặn lại: “Không được!”. Tuy say nhưng nó vẫn đủ tỉnh táo để nói láo: “Anh ra toilet chút!” Còn cô bé giọng Bắc kia thì thật thà hơn: “Cho anh ấy lên phòng tớ chơi một lát rồi tớ dẫn anh ấy về lại cho!” N. lắc đầu “Đi sao được mà đi, Kamedan bắt được có mà chết hả?” “Kamedan đâu giờ này nữa, cuối tuần bà về nhà với chồng con rồi, đừng lo, tớ chịu trách nhiệm!” N. quay sang hất hàm hỏi nó “Anh tính sao?”. Chắc vì say quá nên nó gật đầu “Ừa, anh lên một chút xíu rồi anh quay trở lại” N. vùng vằng “Kệ mấy người”. Nhạc vẫn còn đập thình thịch “Cheri Cheri Lady” nhưng cả đám người đã thôi nhảy, im lặng nhìn ra cửa nơi 3 đứa đang dằng co...

Nó không nhớ là nó phải vịn tay vào tường hay cô gái Bắc dìu nó đi nhưng khi leo lên tầng, vào phòng lạ, nó ngã vật ra giường và bắt đầu nôn thốc, nôn tháo xuống nền nhà. Cô gái cuống quít lấy thau hứng rồi lấy khăn ướt lau mặt, lau miệng cho nó. Nó rên lên khe khẽ rồi thiếp lúc nào không biết.

Trong cơn mê nó bồng bềnh ở xứ vô hình nào đó. Nó cảm giác như nó đang bay chập chờn giữa những sườn núi phủ đầy hoa, bên những dòng suối róc rách trong xanh có những cánh bướm dập dờn. Rồi nó bay vút lên trời cao thăm thẳm và bất chợt nó rớt xuống, lao như tên bắn vào một khoảng trống vô tận. Nó rùng mình và mở mắt ra rồi nhắm mắt lại vì không tin vào mắt mình, không thể xác định được mình đang phiêu dạt cõi nào.

Thân xác nó đang lơ lửng , nửa hư nửa thực. Tấm màn treo cửa hồng hồng kia màu lạ quá. Mà sao mờ mờ, ảo ảo thế này? Mùi con gái lẩn quất đâu đây. Ơ hay, mồm nó bị khóa chặt bởi một vật gì ẩm ướt. Nó cố giẫy dụa để hồi tỉnh lại. Sao mà đê mê thế này? Nó say đến thế sao?

Theo phản xạ tay nó quờ quạng liên hồi. Một tấm vải lụa mềm mại, một làn da ấm áp, một khuôn mặt kề sát mắt nó hổn hển. Nó có say không nhỉ? Bỗng một giọng nói kéo nó về thực tại: “Nằm yên nào, anh say say quá rồi, để mặc em...” Rồi mắt nó hoa lên bởi bộ ngực trần đung đưa, mái tóc xõa rũ rượi lắc lư theo nhịp lên xuống, tiếng thở hổn hển lẫn với tiếng rên ư ử... Không kìm được nữa, nó rùng mình thật mạnh và cả thân xác bãng lãng vào cõi hư vô.

Nó cảm giác nhột nhạt bởi làn môi ướt át chu du khắp thân thể nó. Theo quán tính nó quờ tay định kéo quần lên nhưng mới hay mình đang trần truồng như nhộng. Xấu hổ, nó kéo tấm chăn phủ lên nửa người. Hình như có cặp mắt sâu thăm thẳm nuốt nó vào đó và giọng nói liêu trai: “Anh ngoan lắm, anh là một người đàn ông tuyệt vời mà lần đầu em gặp. Em yêu anh!” Rồi những cái hôn ẩm ướt phủ đầy mắt nó, môi nó, cổ nó, ngực nó và xuống sâu, sâu nữa...

Nó rùng mình ưỡn người ra và theo quán tính bật người dậy, đè mình lên tấm thân trần nóng hổi đang hừng hực đam mê kia. Đêm như dài vô tận...

Khi nó mở mắt ra thì mặt trời đã treo trên cửa sổ bám đầy băng. Căn phòng lạ hoắc. Một người con gái mặc áo choàng đang lui hui dọn dẹp phòng. Phát hiện nó mở mắt, người con gái chào buổi sáng bằng một giọng Nga trọ trẹ. Theo phản xạ nó dụi dụi mắt và hỏi lại bằng tiếng Nga tên em là gì? Cô gái cười bẽn lẽn bằng tiếng Việt: “Em tên là H., anh quên rồi sao?” Nó kịp lẩm bẩm trong tâm thức: “Đã biết bao giờ đâu mà quên?” nhưng lại hỏi hoàn toàn về chuyện khác “Sao phòng vắng vậy em? Mọi người đâu hết rồi?”

Cô gái có vẻ bối rối: “Thiên hạ đi ngủ nhờ phòng khác để khỏi quấy rầy tụi mình đấy!” Đến lúc này thì nó mới thật sự tỉnh ra: “Thôi chết, anh phải xuống kẻo N. đợi!” Cô gái nháy mắt có vẻ rất ranh mãnh: “Từ từ nào anh, có đợi thì cũng đợi suốt đêm qua rồi!”.

Thế rồi cô gái dọn bữa sáng cho nó kèm theo cả ly cà phê phin thơm phức. Nó mới nghiệm ra rằng chưa bao giờ trong cuộc đời sinh viên nó được chăm sóc chu đáo như thế. Ở dưới thành phố nó học, được giáo dục bởi nền văn hóa lịch sự của Nga nên nó là người chuyên chủ động chăm sóc, hầu hạ các cô gái không bao giờ nói tiếng Việt.

Vừa ăn, vừa nói chuyện nó biết thêm luật bất thành văn của ký túc xá này là trai trong phòng của ai thì người ấy giữ nhưng ra ngoài hành lang rồi là trai tự do, ai tài thì chiếm hữu lấy. Đó chính là lý do mà các cô gái đã cảnh báo nó không được lang thang ra hành lang hoặc bếp khi các cô vắng mặt.

Cô người Bắc cũng thành thật thừa nhận là đêm qua cô xử sự không được đẹp lắm khi kéo nó lên đây nhưng sau đó cô lại tự bào chữa: “Nhưng anh chủ động đấy nhé. Mà này, anh có thích em không? Về rồi, anh có còn nhớ em không?”, rồi tự nhiên quay ra hờn giỗi: “Em biết rồi, bọn anh sinh viên có coi tụi em ra gì đâu. Chỉ là đồ chơi qua đường cho bọn anh thôi!”

Nó vừa bối rối, vừa giận dữ: “Đúng là hâm nặng!”, nhưng nó vẫn cầm lấy địa chỉ mà cô gái viết cho vào một mảnh giấy và hôn hờ hững lên má cô trước khi chạy xuống tầng dưới.

Khi nó đẩy cửa bước vào thì căn phòng lạnh tanh chỉ có N. đang lui hui với mấy cái quạt điện tai voi. Nó bối rối có vẻ biết lỗi: “Đêm qua anh say quá!”. N lạnh lùng đưa cho nó một tờ giấy chi chít số má: “Số hàng của anh em đã nhét hết vào mấy cái quạt này rồi. Tổng cộng là từng này... Anh đã đưa cho em từng này... Còn lại từng này...”

N. cầm một tập tiền đã chuẩn bị sẵn quăng lên mặt bàn rồi lục túi lấy ra tấm giấy màu hồng hồng: “Em đã mua vé tàu cho anh đi Москва vào trưa nay, anh phải giao hàng ở đó mà, phải không? Thôi, anh đi tắm giặt vệ sinh rồi ăn một chút đi xong ra ga là vừa!” Nó lầm lũi làm theo lời N. chỉ bảo như một đứa con biết mình có lỗi.

Trước lúc chui vào taxi nó dang tay ôm N. và định hôn một cái lên má từ biệt nhưng N. ngoảnh mặt tránh đi làm cái hôn rơi vào tai N. dưới lọn tóc xoăn xoăn ngai ngái mùi con gái. Bẽn lẽn nó nắm tay N. xiết chặt rồi cuống quít: “Thôi anh đi, gửi lời chào mọi người!” Đến lúc này nó mới để ý thấy mắt N. ngân ngấn nước: “Dạ, anh đi bình an nhé!”.

Taxi chuyển bánh, nó chồm người ra phía sau nhìn qua cửa kính hậu. Chỉ còn có tuyết vần vũ bay mịt mù như những con ruồi trắng. Trắng cả đất trời...



Bài do tác giả gửi, DCVOnline biên tập và minh hoạ.
- Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 2: Con buôn
Misha Đoàn

Chuyện kể về những cuộc mua bán của các “con buôn” người Việt tại Nga trong thập niên ’80 trước khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ của tác giả Misha Đoàn.
Nói không ngoa là đến 99% người sang Liên Xô học, công tác, làm việc... đều có dính dáng đến “buôn bán”.

Hàng từ Việt Nam mang sang chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm (dỏm), đồ điện tử... và từ Liên Xô mang về thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám từ tủ lạnh, máy khâu, bàn ủi đến cả dây cột nón, shampoo, xà phòng, dây ma nhê xo (để làm bếp điện - thời nay không còn ai dùng nữa).

Với bối cảnh Việt Nam những năm 80 là thời bao cấp đói nghèo, bị cấm vận thì lượng hàng hóa từ Liên Xô chuyển về qua con đường phi mậu dịch đã nuôi sống bao gia đình, cải thiện tình trạng khan hiếm hàng hóa cố hữu của nền “thương nghiệp quốc doanh” và góp phần xây dựng đất nước theo phương châm “dân giàu, nước mạnh”.

Thời đó giao lưu giữa các nước rất hạn chế, đi lại khó khăn và hàng rào thuế quan xuất nhập rất khắc nghiệt. Ví dụ mỗi khi xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh vào Liên Xô mỗi người chỉ được phép mang 2 quần Jeans, vài cái áo phông, vật dụng đủ dùng cho cá nhân... Đến đầu những năm 90 khi Liên Xô sắp sụp đổ và Việt Nam mới “mở cửa” thì Hải quan cả hai nước cởi mở hơn.

Thế nên những hình ảnh hài hước nhưng khá quen thuộc ở sân bay Sheremachevo, nơi các chuyến bay từ Việt Nam qua đều tập kết ở đó là những người Việt Nam bé tí nhưng to kềnh càng và đi đứng khệnh khạng như những con robot. Vì sao? Bởi vì một số người Việt để lách luật hải quan đã mặc vào người một lúc 2, 3 quần bò và mấy chiếc áo phông...

Hải quan Liên Xô hầu như đều biết chuyện đó nhưng vẫn cho qua. Tuy vậy thi thoảng vẫn có người bị bắt lại, đem vào phòng bắt cởi ra và tịch thu nên khóc hu hu giữa sân bay.

Vì sao mọi người cứ cố mang đồ sang như vậy? Bởi lúc bấy giờ Liên Xô cũng bị Tây phương và Mỹ cấm vận mà công nghiệp nhẹ của Liên Xô thì cực kỳ yếu kém, sản phẩm quần áo thô kệch, chủng loại nghèo nàn. Thế nên một quần Jeans từ Việt Nam mang sang bán có thể mua được 2 - 3 cái tủ lạnh Saratov là một gia tài bao người mơ ước ở Việt Nam thời đó.

Bởi vậy từ những chuyến chuyên cơ cấp chính phủ đến sinh viên, công nhân xuất khẩu, các đoàn du lịch hay công tác ngắn hạn từ Việt Nam sang đều lỉnh ca lỉnh kỉnh tha đồ sang Liên Xô. Thú vị là mang gì sang Liên Xô cũng bán được và mang gì về Việt Nam cũng tiêu thụ được hết, “hai bên cùng có lợi”. Nhưng mâu thuẫn ở một điều là theo Luật Hình sự của cả Việt Nam lẫn Liên Xô thì hành động đó (trao đổi hàng hóa) bị khép tội “đầu cơ, tích trữ” và xã hội của cả 2 nước (trên mặt lý thuyết) đều lên án, coi thường những kẻ “con buôn” đó.


* * *


Nó còn nhớ, hồi nó bé tí sơ tán về một làng quê ở Thái Bình. Có một bà cụ bán hàng xén ở chợ rất thương tụi con nít sơ tán như nó, thậm chí khi phát hiện ra nó mua lưỡi câu giả vờ đưa tay lên đầu gãi để giấu mấy lưỡi câu vào tóc bà vẫn hồn hậu cười, gỡ ra cho nó luôn mà không lấy tiền. Đến dịp Tết là bà cho nó mấy viên pháo tép, cho kẹo lạc và cành đào... Thế nhưng khi nghe người lớn xì xào là “bà ấy không chịu vào Hợp tác xã, đồ con buôn” thì nó đâm ra sợ và cố tình lảng tránh mỗi khi bà cụ gọi nó lại để cho gì đó. Với nó, trong tiềm thức từ thuở ấu thơ thì từ “con buôn” thật là xấu xa và khủng khiếp lắm.


Người lao động VN (làm đến 20 giờ/ngày) tại xưởng may ở Nga
Nguồn: BBC News

Khi học xong khóa dự bị tiếng Nga và chuẩn bị đi sang bên đó nó vẫn thờ ơ khi tụi bạn xung quanh xì xào bàn tán với nhau là nên mua đồ này, đồ kia để mang đi.

Một hôm nó cùng thằng bạn cùng lớp lang thang ngoài trung tâm Sài Gòn, vô tình ghé vào một “Hợp tác xã mua bán”. Chợt thằng bạn kéo tay nó chỉ: “Tao nghe tụi nó nói là bên Liên Xô chuộng quần bò Montana lắm, bán một cái là mua được mấy tủ lạnh và TV đó!”

Nó cầm cái quần lên xem thấy xấu xí quá so với cái quần Kingjo của Thailand mà lại đề Made in Indonesia nhưng được cái không quá đắt, tặc lưỡi, thôi mua để mặc vậy. Mua xong ra đường Lê Lợi đứng tán chuyện thì chợt có một thanh niên rụt rè tiến tới hỏi bằng giọng Bắc: “Hai anh mua quần bò này ở đâu vậy?” Nó chỉ cái cửa hàng bên kia đường. Khi người kia hỏi giá bao nhiêu thì thằng bạn đi cùng chả biết lý do gì mà lại nói giá vống lên tăng gần gấp 3-4 lần.

Thế nhưng người kia lại cứ kỳ kèo xin để lại cho anh ta tuy nó đã bảo qua bên kia mà mua, có đầy ở đó. Anh ta bảo anh ta mới vào Nam, lạ lẫm nên ngại lắm, “mấy anh người trong này, cầm tiền của em rồi đi mua cái khác cũng được”. Tóm lại cuối cùng cũng đành nhượng bộ để lại cái quần cho anh ta với cái giá gấp 3-4 lần rồi hai đứa chui ngay vào chợ Bến Thành và... chạy bởi sợ người kia đòi tiền lại.

Lúc về kể với bà dì thuộc loại “tư sản đỏ” (tức tầng lớp thuộc dân Bắc sau 75 mới giàu lên), bà trợn mắt: “Đưa tiền đây tao xem có phải tiền giả không?” Nó cười: “Giả hay thật thì bọn cháu cũng đã xài hết rồi!”, rồi nó chìa cho bà xem một số đồ nó mua được bằng số tiền “chênh lệch” kia để chuẩn bị mang sang Liên Xô.

Bà dì cười: “Đấy, mày bắt đầu bước vào con đường buôn bán rồi đấy! Phi thương bất phú cháu à, ông bà đã dạy thế rồi!”


Mừng Đảng Mừng Xuân!
Nguồn: /i.dtinews.vn

Lần đầu tiên xuất ngoại, khi ở Tân Sân Nhất cô hải quan nhìn cái vali rỗng tuyếch của nó có vẻ ngạc nhiên lắm. Rồi cô cầm bó bút chì kẻ mắt có hai đầu màu đen và nâu lên hỏi mang đi làm gì? Nó cúi mặt lí nhí là để tặng các bạn LX. Cô ấy vất lại vali và nói có vẻ thương hại: “Kẻ bằng đất sét thế này có mà toét mắt con người ta ra hả? Mà sao em không có ai chỉ dẫn, đi Tây mà chả có gì thế này phí quá. Cái cần mang thì không mang mà đi mang mấy thứ vất đi.”

Sang đến Sheremechovo nó sợ cuống cuồng vì có mang theo khoảng 10 cái kính mát tráng thủy ngân mà nó mua ngoài vỉa hè Lê Lợi của mấy bà hàng xén. Nghe tụi nó kháo nhau là khi sang Liên Xô những thứ độc hại cho sức khỏe sẽ bị tịch thu và cho máy ủi cán nát còn người mang sang có thể bị đuổi về nước ngay lập tức. Nó định vào toilet vất nhưng sợ có camera theo dõi nên không dám. Đến lúc người hải quan Nga xem vali của nó hỏi có bao nhiêu kính thì nó sợ run người nói đại khái là không phải hàng của tao, người khác gửi, mày có muốn lấy thì lấy. Có vẻ người hải quan không quan tâm đến đống kính và bút chì kẻ mắt “đất sét” lắm mà khám rất kỹ mấy cái quần đã mặc trong vali, thậm chí còn dùng tay lần theo cạp quần để tìm kiếm gì đó. Sau đó anh ta cầm gói dầu cá mà nó mang theo lên ngắm nghía rồi đưa cho một người khác để người đó mang đi đâu ấy.

Thấy nó bị khám lâu quá, người cán bộ Sứ quán ra đón đến hỏi chuyện gì? Nó lắp bắp kể về lọ dầu cá thì ông ấy bĩu môi nhìn cái vali trống rỗng “Không mang đồ giống như moị người thì họ nghi là đúng rồi!”

Khi mới về trường, ở ký túc xá cho khoa Dự bị tiếng Nga (dân học các môn xã hội phải học thêm 1 năm tiếng Nga sau khi đến Liên Xô, còn dân học và tự nhiên thì vào học chính thức luôn) tụi sinh viên Việt mới qua hầu như tách riêng 2 nhóm: nhóm đi từ miền Bắc (thường được gọi là nhóm Thanh Xuân theo tên trường Ngoại ngữ ở Hà Nội) và nhóm đi từ phía Nam (được gọi là nhóm Sài Gòn).

Học được khoảng nữa năm nó để ý thấy cứ sáng thứ bảy và Chủ nhật thì hầu như đám con trai Thanh Xuân biến đi đâu mất, phải đến sau 12 giờ trưa mới về. Còn đám dân Sài Gòn thì chỉ nằm lăn lóc ngủ hoặc đánh bài, chờ tụi Thanh Xuân về mới đi đá banh cùng. Tò mò quá, hỏi tụi Thanh Xuân nhưng chả đứa nào hé răng cả nên nó đành đi hỏi tụi Sài Gòn đã qua đây trước đang ở ký túc xá khác. Tụi đàn anh mới cho hay là ở thành phố này có một chợ trời họp vào buổi sáng cuối tuần và dân sinh viên Cộng Thanh Xuân thường ra đó bán đồ.

Nó nghe vừa ngạc nhiên vừa háo hức nên nhờ đàn anh giới thiệu cho tham gia. Có mấy anh dân Bắc học năm trên thương tình bày vẽ và đưa đồ cho bán thử. Nó còn nhớ lần đầu tiên tham gia cái nghiệp “con buôn” mà nó hằng khinh bỉ đó.

Một buổi sáng lạnh tái tê nó cầm hai cái quần Jeans Montana, loại cực model lúc đó, chằng chịt túi và dây kéo, có logo hình con đại bàng sải cánh của Tây Đức được mang từ Ba Lan sang Moscow rồi từ đó tỏa đi các thành phố khác, và mấy cái kính mát nữ Ba Lan to vành vạnh như đáy hai chai bia. Muốn đến chợ phải đi Metro (subway) đến tận ga cuối cùng rồi đi xe bus tiếp. Chợ chỉ là một khoảng đất trống, không có hàng rào hay sạp hàng, thiên hạ lố nhố kẻ bán người mua nhộn nhịp.

Nó cầm hai cái quần mà mặt cúi gầm xuống vì xấu hổ. Mấy đứa đứng cạnh đã bán được bao nhiêu rồi mà chả ai thèm hỏi nó cả. Bỗng nhiên có ai đập vào vai nó, ngước lên thấy một người đàn ông địa phương hỏi giá bao nhiêu? Nó lí nhí nói giá và người ấy bảo đi ra chỗ trống để thử. Nó lầm lũi đi theo vừa mừng, vừa lo. Rồi khi nó trao quần, người đàn ông không thèm thử mà rút ra một cái thẻ màu đỏ gí vào mặt nó: “Tao là Công an. Ai cho mày đứng bán bất hợp phát ở đây?”

Nó đờ người vì sợ hãi, không nghĩ đến chuyện đọc xem thẻ viết gì hay la lên để kêu cứu nữa. Người “Công an” thấy nó còn cầm cả cái kính nên sau khi hỏi giá cũng giật luôn và cảnh cáo trước khi bỏ đi “Xéo đi, tao mà còn thấy mặt mày ở đây là tao bắt đuổi học cho về nước luôn!”

Nó đi như kẻ mộng du, về lại ký túc xá nơi mấy người giao hàng và kể cho họ nghe mọi chuyện. Mấy người vò đầu, bứt tai “Tại nó thấy mày lạ và sợ sệt nên nó bắt nạt đó. Mà nhìn mày lanh lợi thế mà cũng ngốc nghếch nhỉ?” Nó quay về phòng nằm thở dài thườn thượt, mấy thằng bạn Sài Gòn hỏi đi đâu về cũng không nói.

Rồi cái tin nó đi chợ trời bán hàng bị trấn lột cũng bị lan ra, tụi Sài Gòn nhìn nó bằng cặp mắt khinh bỉ, tụi Thanh Xuân thì hả hê. Nó thì làm phép tính: để đền từng đó đồ thì ba má nó ở Việt Nam có bán hết đồ đạc trong nhà đi cũng không đủ (xin nói thêm ba má nó là công chức cực kỳ trung thành với chế độ và cực kỳ liêm khiết tới mức ngớ ngẩn), còn với học bổng của nó (80 rub/tháng), nó phải ăn bánh mì và uống nước lã khoảng nửa năm mới trả hết.

Thế là khoảng một tháng sau, lấy hết cam đảm nó lại vác mặt ra cái chợ trời đó để kiếm tiền trả nợ. Nợ trả xong thì nó lại thấy có nhu cầu kiếm tiền để bia bọt, để ăn chơi... Thế là nó lao vào cái vòng xoáy của cuộc đời và trở thành “con buôn” lúc nào chẳng hay. Nhưng nó vẫn luôn thấy xấu hổ, rất sợ thầy cô hay bạn học biết được. Nó không có được cái phong thái hồn nhiên và chây bựa như tụi Thanh Xuân cùng lứa đứng mời chào rối rít.

Mà đi bán chợ trời cũng có những chuyện vui. Một lần có khách hỏi nó cái quần giá bao nhiêu, nó bảo 200, nghĩ là 180 nó sẽ bán vì quần này chủ hàng đưa cho nó với giá 150 (nói thêm: quần này do những sinh viên Cộng mua vải jean về may lấy nên mới có giá đó. Lương kỹ sư mới ra trường của Liên xô thời đó là 120 rub/tháng). Người mua hỏi vậy 24 mày bán không? Nó hỏi lại 24 là sao thì người kia lấy ngón tay vẽ lên đám tuyết bám trên cốp xe hơi đứng gần đó con số 240. Nó ngạc nhiên quá nhưng đồng ý. Rồi khi ra khuất góc để thử thì người mua kêu lạnh, nói nếu mày chịu 22 thì tao lấy luôn, không thử nữa. Nó cầm 220 rub , đếm đi, đếm lại mà ngơ ngác không hiểu tại sao lại như vậy. Về kể và hỏi tụi bạn thì tụi nó cũng chịu, không thể nào hiểu được cái logic của người mua.

Ở trường nó học có một anh học năm trên may rất giỏi, quần anh ấy may ra không kịp để tiêu thụ, tụi Cộng học trường trung cấp kỹ thuật đêm thứ 6 hàng tuần phải đến phòng anh ấy ngủ để kịp lấy hàng đi bán vào sáng cuối tuần. Đôi khi may xong không kịp cắt chỉ, đóng cúc nữa, anh ấy phát cho cái cúc đồng, ra chợ tranh thủ lấy gạch đập đập đóng vào quần. Thậm chí nếu cũng không kịp nữa thì đưa luôn cho người mua chiếc cúc bảo mang về tự đóng lấy.

Sao người mua Liên Xô hồi đó dễ tính thế, cái gì họ cũng gật miễn sao là mua được hàng. Có lần ngẫu hứng anh thợ may thêu mấy đường lượn loằn ngoằng trên túi quần. Vậy mà mấy phiên chợ sau đó có khách hàng đòi mua quần phải có hình như vậy, không chịu mua quần khác. Về bảo anh kia thì anh ấy bảo bố tao cũng chả nhớ hôm đó tao thêu cái gì nữa!

Vui nhất là cho các cô gái thử đồ. Bãi đất trống chả có fiting room nên cứ kéo nhau ra sau mấy chiếc xe hơi rồi các cô cởi tuột đồ ra, tồng ngồng với đám đồ lót. Tụi nó xăng xái giúp kéo nút để “lợi dụng đụng chạm” mà các cô gái Nga vẫn hồn nhiên cười tươi như hoa nở khi xuân về. Công an cũng rất dễ tính và bảo vệ dân ngoại quốc bán hàng, đôi khi còn cho đi nhờ xe free đến trạm Metro nữa. Và nó bắt đầu không cảm giác hồi hộp, lo lắng mà thậm chí còn nóng lòng chờ đến weekend để được đi chợ, vừa có tiền, vừa vui.

Rồi học hết năm dự bị thì có màn kiểm điểm hạnh kiểm cuối năm để phân đi học chính thức ở các thành phố khác. Anh Đảng viên phụ trách khóa dự bị đó biết tỏng tính tình của nó nên lôi nó lên đầu tiên trong buổi tự kiểm điểm đó để đánh “phủ đầu” dằn mặt những kẻ khác. Nó rất thật thà nên khai vanh vách là có tham gia buôn bán. Thế nên những thằng có đi chợ trời cũng phải khai theo luôn.

Kết quả nó và những kẻ tham gia buôn bán cùng với những ai “trai gái” đều bị hạnh kiểm loại B và bắt ở lại cái thành phố heo hút, xa xôi đó học chính thức còn dân hạnh kiểm loại A thì được chuyển về Moscow, Lenigrad và các thành phố khác thuộc Nga.

Với Sứ quán thì thành phố mà nó học là một chốn “đi đày” dành cho những thành phần bất hảo. Thế là từ một thằng trong trắng, ngơ ngác, chỉ chưa đầy một năm ở nước ngoài nó đã trở thành một “con buôn”.

Nhưng đó chỉ là sự chập chững ban đầu, quá nhỏ bé, nực cười so với những gì đang chờ nó trên con đường đầy chông gai, bão tố ở phía trước...


Bài do tác giả gửi, DCVOnline biên tập và minh hoạ.

- Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 3: Vượt biên
Misha Đoàn

Chuyện về những người Việt “vượt biên” từ Nga sang Ba Lan để từ đấy đi vào một quốc gia Tây Âu trong những năm trước và sau khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.
DCVOnline: Sau truyện “Vượt biên”, chúng tôi tạm ngưng đăng tải loạt bài “Москва không tin vào những giọt nước mắt” của tác giả Misha Đoàn.

Misha Đoàn cho biết anh đang làm việc với một nhà xuất bản để tiến hành in ấn tập tác phẩm đầu tay này, vì vấn đề bản quyền giữa tác giả và Nhà xuất bản nên rất tiếc anh phải tạm chia tay với độc giả DCVOnline.

Xin chúc mừng Misha đoàn, và hy vọng đứa con tinh thần đầu tiên của anh sẽ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt trong tương lai.


Thời Liên Xô và khối XHCN Đông Âu còn tồn tại thì việc đi lại giữa các nước với nhau, thậm chí trong một nước cũng khá khó khăn vì “bức tường sắt” và chế độ Visa rất ngặt nghèo. Chỉ sau khi bức tường Berlin sụp đổ cộng với sự hỗn loạn trong thời điểm “gió đổi chiều”, việc giao lưu mới được nới lỏng và dân Việt từ Liên Xô đã lợi dụng cơ hội này để đi sang Đông Âu buôn bán và chạy qua Tây Âu tị nạn.

Hồi đó khoảng những năm 90 - 91 chỉ cần dùng Hộ chiếu Việt Nam đóng thêm 1 dấu có chữ “AB” vào là thoải mái đi qua Ba Lan không cần thêm Visa, và từ Ba Lan muốn đi đâu tiếp thì đi. Mà dấu AB đó thì đóng dấu “củ khoai” cũng được, chả ai kiểm soát xem thật hay giả.

Sau khi việc phân chia lãnh thổ đã trở nên rõ ràng tại Liên Xô cũ và bên Đông Âu cũng gia nhập liên minh với Tây Âu thì mọi việc di chuyển giữa các nước trở nên khó khăn và ngặt nghèo như hoặc thậm chí hơn cả thời còn Liên Xô và khối XHCN Đông Âu. Nhưng điều đó không làm các tổ chức đưa người “vượt biên” từ Việt Nam sang Tây Âu nản chí.

Thay vì trước đây dân Việt bỏ nước ra đi “tị nạn” bằng thuyền trên biển thì những năm 90 và đầu thế kỷ 21 dân “vượt biên” chủ yếu bằng máy bay. Đó là các chuyến bay từ Việt Nam đưa người qua Trung quốc, Kazakstan, Uzbekistan... rồi từ đó tập kết tại Nga làm điểm transit để tìm cách đi tiếp qua châu Âu.

* * *


Bà chị kết nghĩa của nó ở Moscow có một con bé đàn em, hồi xưa cũng đi lao động xuất khẩu, ở chung một nhà máy. Con bé đó hình thức chẳng có gì nổi bật, được cái chăm chỉ, lễ phép.

Bẵng đi một thời gian, nó chợt nhớ ra hỏi bà chị: “Chị ơi, cái N. đâu rồi mà lâu nay em không thấy nó?” Chị trả lời: “Chị cũng chẳng biết nó sống chết ra sao nữa, vượt biên 2 năm nay rồi không tin tức!” Nó ớ người ra: “Vượt biên là sao hả chị?” “Thì ở đây có đường dây đưa người qua Ba Lan rồi tứ đó đi qua châu Âu mà.” “Nó lấy đâu tiền mà đi hả chị? Mất bao nhiêu?” Bà chị nhún vai: “Chị có biết gì đâu. Tiền thì nó dành dụm bao năm ở Nga mà rồi nó còn mượn chị mấy ngàn đô nữa. Nếu nó tèo là chị cũng mất số tiền đó!”.

Rồi một lần chị hồ hởi báo tin “Cái N. nó liên lạc với chị rồi, nó đang ở Đức, có con rồi!” “Ôi, nó lấy được chồng rồi hả chị? Sướng nhỉ!” Bà chị lắc đầu: “Sướng gì mà sướng, đang ở trong trại tị nạn ấy, đứa nào là cha đứa con mình cũng không biết.”

Rồi chị lục ngăn kéo tìm ra lá thư đưa cho nó đọc. Qua những lời chị thuật lại những cuộc nói chuyện qua phone với N. và lá thư của N. gửi cho chị thì bức tranh tổng thể về cuộc “vượt biên” của N. vắn tắt như sau:

Từ Moscow N. được đưa bằng tàu lửa đến Bratsk, một thành phố của Belarus sát với biên giới Ba Lan. Ở đó những người vượt biên được tập hợp lại trốn chui, trốn nhủi dưới những căn hầm trong rừng. Họ không có khái niệm không gian, thời gian, địa điểm. Chỉ biết khi nào được lệnh thì chạy băng qua những khoảng rừng rậm rạp cây cối, lội qua những con suối, chạy ngã dúi ngã dụi mà không được đứng lại để thở. Chạy như vậy cho đến một điểm tập kết khác rồi lại chui xuống hầm chờ.


Xe lửa Russia
Nguồn: hdgmvietnam.org
Khoảng thời gian chờ không thể xác định được bao lâu, cứ ngồi thu lu trong hầm nghe tiếng chó sủa thì co rúm lại vì sợ cảnh sát biên phòng tuần tra. Lương thực chủ yếu là mì gói và đồ hộp, đôi khi đói quá thì cứ vơ được lá hay rễ cây thì cứ thế mà nhai nuốt, có lúc say nước dãi trào ra rồi nôn mửa tùm lum. Người bị phù thũng vì thiếu rau tươi và ánh sáng mặt trời cộng với ghẻ lở, hôi hám vì rất ít khi có điều kiện vệ sinh thân thể. Rồi phải chui rúc trong một đường hầm sâu hun hút, qua được bên cuối đường hầm là lãnh thổ Ba Lan.

Có lần sang được đến Ba Lan rồi thì bị bắt và tống trả lại Belarus. Bọn dẫn đường hối lộ gì đó nên cảnh sát biên phòng Belarus thả cho đi và lại tiếp tục chuỗi ngày chui rúc đó.

Trong thời gian ở hầm, N. bị một số đàn ông đè ra hiếp. Thực ra lúc đầu N. có dãy giụa nhưng sau thì kệ. Trong hầm không gian chật hẹp, không ánh sáng, chẳng biết ai là ai, cứ quan hệ như theo bản năng súc vật và quán tính. Chả riêng gì N. mà 2 cô đi cùng trong đám cũng chung số phận. Đôi khi có gặp những thằng bảo kê người Chechnia hoặc dân Kavkaz tới nhưng chắc chúng nó chê hôi nên không đụng đến đám đàn bà, chỉ đòi vặt thêm tiền thôi.

Cuối cùng thì cũng thoát qua được Ba Lan rồi từ đó đi tàu và xe hơi qua Đức, tuy vẫn phải trốn nhưng dễ thở hơn nhiều thời trốn trong rừng.

Đến Đức lang thang ngoài bến ga, công viên... vì không ai thân thích rồi cuối cùng bị cảnh sát Đức bắt. Vì N. đang mang thai ở những tháng cuối cùng nên họ cho vào trại tị nạn. Giờ N. vẫn tạm thời sống ở đó với đứa con đỏ hỏn trên tay, không biết bố nó là ai, không biết tương lai cả của hai mẹ con sẽ thế nào, điều gì sẽ chờ ở phía trước. Không tiền bạc, không hộ chiếu, không biết tiếng, không có gì cả ...

Nó chép miệng “Sao cái N. nó chạy qua đó làm gì hả chị?” “Thì nó biết làm gì ở xứ Nga này? Cứ đi liều biết đâu có gì hơn, còn hơn là ở đây thì biết chắc là chả có gì tốt đẹp cả!” Hỏi chị tiếp: “Thế bọn nào đưa cái N. đi hả chị?” “Thì nhóm thằng C. đó!” “C. nào?” Bà chị trề môi: “Thì thằng C. trước làm Phó đại diện cơ quan em chứ ai nữa!” Nó mắt chữ A, mồm chữ O: “Ôi trời ơi, thằng C. nhà mình ấy hả?”

Tất nhiên thằng C. thì chả xa lạ gì với nó. Hồi nó mới lên Moscow làm việc, nếu theo cấp bậc thì thằng C. là sếp phó của nó. Tuy chức vụ kêu to thế thôi chứ mọi người đối xử với nhau rất thân thiện và bình đẳng. Về mặt cơ cấu tổ chức thì thằng C. hơn, nó tuy không chức vụ gì cụ thể nhưng lại là người phụ trách chính mảng kinh tế của cơ quan, thế nên 2 bên dựa vào nhau mà tồn tại.

Thằng C. còn trẻ lắm, chưa tới 30 mà lại làm nghiên cứu sinh, tiếng Nga ú ớ nhưng vẫn bảo vệ được luận án để có cái bằng. C. rất giàu và chắc đồng tiền đóng vai trò quyết định trong việc học hành của C. Rồi lại phấn đấu được vào Đảng tại Moscow nữa chứ. Hôm kết nạp xong C tổ chức một bữa tiệc ê hề với bao nhiêu là quan khách.

Nó rất thắc mắc nên tâm sự với một thằng cùng đơn vị “Này, tao không hiểu là thằng C. nó vào Đảng để làm gì? Nó giàu thế, dính líu gì vào Đảng điếc cho rách việc ra!” Thằng kia lắc đầu: “Tư duy của ông anh kém quá, giới trẻ bây giờ nó nghĩ khác cơ anh ơi. Anh tính xem buôn gì cho bằng buôn quan? Này nhá, thằng C. nó có tiền, có bằng cấp, giờ nó Đảng viên rồi nên con đường hoạn lộ của nó đang mở thênh thang. Nó làm ở cơ quan mình chỉ là một bước đệm để đi lên thôi chứ cái chức Phó của nó thì xơ múi được gì? Nhưng để được chức Phó đó nó đã tốn bao nhiêu tiền để lobby và xây dựng các mối quan hệ. Cơ quan mình là trực thuộc Bộ. mà Bộ mình thì anh biết rồi đấy!” Nó ú a, ú ớ cứ lặp đi, lặp lại “Thế á, thế á...?” Thằng đối thoại cười “Ông anh đổi mới tư duy đi, làm tiền cò con như anh biết bao giờ nên người? Bộ anh tưởng em vào cơ quan mình vì tiền chắc?”

Nói thêm là cu cậu này cũng thuộc dạng “đại gia” ở Moscow đấy, nó cũng chả rõ cu cậu đâm đầu vào cơ quan nó để phải hầu hạ các sếp lớn mỗi khi sang Nga công tác để làm gì.

Quay trở lại thằng C. thì nó chẳng có gì có thể phàn nàn vì thằng C. đối xử với nó rất chu đáo. Khi nó mới chân ướt chân ráo đến Moscow, thằng C. bảo cứ về chỗ nó ở tạm. Khi đến ký túc xá thì thấy thằng C. chiếm trọn gần như một nửa tầng gồm nhiều căn phòng. Nó không hiểu sao Nghiên cứu sinh mà được ở rộng thế thì C. bảo mua Kamedan (người quản lý) hết rồi.

Ngoài thằng C. ra thì còn một số thằng đàn em sinh viên ở cùng, suốt ngày chơi game điện tử và nhậu nhẹt. Đặc biệt là luôn luôn có một số người cả nam lẫn nữ mà qua cách giao tiếp thì có vẻ không phải là dân du học ở cùng với đám thằng C.

Nó tìm được nhà trọ cách Ký túc xá không xa nên tuần nào cũng ghé chỗ C. chơi hoặc nhậu nhẹt. Nó để ý có một người đàn bà Việt Nam nhỏ con lưng gù hay lầm lũi lụi cụi nấu ăn dọn dẹp mỗi khi nhậu nhẹt là ở lâu tại phòng thằng C, còn những người không phải sinh viên khác thì luôn có những khuôn mặt lạ.

Thấy có mấy cô gái hay ngồi vạ vật bám vai, bám cổ mấy thằng đàn em sinh viên của C. nó đoán là bồ bịch. Nhưng sau đó thi thoảng thấy những cô cũ biến mất và xuất hiện những cô mới nên nó nửa đùa, nửa thật “Chúng mày thay bồ như thay áo ấy, chả bù cho anh!” C. cười khoát tay: “Anh máu không, mang một hai em về nuôi nhá?” Nó cũng cười “Lấy đếch đâu ra tiền và sức mà nuôi mấy em nó?”

Thằng C. ghé vào tai nó thì thầm tuy xung quanh chả có ai cả “Em nói nghiêm túc đó, thích thì chọn một em về ở cho vui, không phải nuôi lâu đâu, lâu nhất là một tháng rồi nếu thích tiếp thì em điều em khác cho!” Nó ớ người ra “Thằng em đừng trêu anh chứ!” “Không, thật đấy. Anh em mình cùng cơ quan cả mà, vả lại em cũng quý anh nên mới đề nghị vậy.” Nói chung câu chuyện cũng chả đi đến đâu, và cuộc sống cứ vậy mà trôi qua.

Rồi một hôm anh Giám đốc chi nhánh kéo nó vô phòng làm việc hỏi có vẻ căng thẳng: “Em nhận xét sao về thằng C.?” Nó thật lòng nói những gì nó nghĩ: C trẻ, có học, biết phấn đấu, tốt bụng... Anh trưởng nói “Mấy sếp ở nhà quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm thằng C. làm Phó chi nhánh rồi!” Nó ngạc nhiên “Sao vậy hả anh?” “Bên Bộ Công an và Interpol báo là thằng C. điều hành đường dây đưa người trái phép từ Viêt Nam ra nước ngoài. Mà anh là người giới thiệu thằng C. vô cơ quan và trực tiếp chịu trách nhiệm ở bên này, găng quá!”

Rồi anh ngồi vẽ ra viễn cảnh tương lai của thằng C. nếu nó tiếp tục làm tại cơ quan mình: với tấm bằng master, trẻ, Đảng viên thì nó sẽ được cất nhắc lên chức cao hơn, phong quân hàm... rồi vân vân và vân vân ... Nói chung anh Giám đốc trước đây từng là tùy viên tham tán quân sự nên bệnh “nghề nghiệp”, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Thằng C. bị mất chức và ra khỏi cơ quan sau đó ít lâu. Nó thì vẫn giữ quan hệ tốt với thằng C. và nghĩ thế có khi còn hay hơn cho C. Sau này phải di chuyển tùm lum nên nó cũng bặt tin thằng C. Chỉ đến khi nói chuyện với bà chị về số phận con bé N. nên mới nhắc đến thằng C. Hỏi chị thế thằng C giờ đâu thì chị bảo nghe nói về Việt Nam lấy một con bé nào và sang Mỹ rồi.

Lan man chuyện thằng C. xong nó cầm tấm ảnh bé N. bế một đứa bé đứng cạnh một hàng rào sắt cao hơn đầu người lên ngắm. Cả hai mẹ con đều cười nhưng chỉ nụ cười của đứa bé là có thật. Chợt trong đầu nó lởn vởn mấy vần thơ của Lermontov mà nó học thuộc lòng từ hồi dự bị tiếng Nga:

Белеет парус одинокий
В тумане моря голубом ....
Что ищет он в стране дапекой ?
Что кинул он в краю родном ?


Một cánh buồm cô đơn đang dần trắng
Trong màn sương của nước biển ngời xanh
Buồm đi tìm chi ở nơi xa vắng?
Và tại vì sao từ giã quê mình?…


Bài do tác giả gửi, DCVOnline biên tập và minh hoạ.

Tổng số lượt xem trang