Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Mi Na và Tsunami

-Mi Na và Tsunami
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài  
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20110221   
    Sóng thần gây bần thần và... ụp vào nhau   

Từ một tháng nay, biến cố dồn dập trong thế giới Hồi giáo từ Bắc Phi qua Trung Đông được một số dư luận so sánh với sóng thần - "Tsunami".   Sự thể sẽ ra sao, làm sao biết được?   


Trước hết, xin có đôi dòng lịch sử...

Khu vực ngày nay được gọi tắt là Middle East and Africa hay MENA - Mi Na cho dễ nhớ - có khoảng hai chục quốc gia lớn nhỏ, quy tụ 400 triệu dân cùng theo đạo Hồi. Nhưng là đạo Hồi thuộc hai hệ phái Sunni và Shia, của nhiều sắc tộc khác nhau, chính yếu là Á Rập, Thổ và Ba Tư.

Đây là những mảnh vụn của Đế quốc Ottoman bị tan từ Thế chiến I, được hai Đế quốc Âu châu là Anh và Pháp xào chung rồi lại phân thành từng nước với nhiều mâu thuẫn về tôn giáo và sắc tộc trong lãnh thổ. Trong khu vực đó, khái niệm dân chủ như ta thường biết thật ra còn xa lạ, chỉ phổ biến trong thành phần thượng lưu thành phố có giao tiếp với bên ngoài. Và lại bị ghìm trong nhiều nhu cầu ưu tiên hơn như tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa quốc gia, v.v...

Hãy nghĩ đến trò chơi xếp hình "puzzle" hay "jigsaw" của trẻ em. Mà lũ trẻ quái quỷ có thể xén mẩu hình để nhét cho vừa một lỗ nhỏ hơn - và tạo ra một bức tranh dị dạng! Có lẽ khu vực Mi Na này là một tập hợp còn rắc rối hơn chuyện Xuân Thu Chiến Quốc thời xưa.

Xin quý độc giả liếc vào những mảnh puzzle ấy để xác định vị trí...




***

CHIẾN TRANH LẠNH VÀ XUNG ĐỘT NÓNG


Trở lại lịch sử: lụn bại vì chiến tranh, các cường quốc Âu châu triệt thoái dần - trả lại độc lập - và Chiến tranh lạnh khiến hai siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ cùng tìm cách chi phối các nước với nhiều kết ước về an ninh...

Cục diện như hiện nay thành hình từ bốn chục năm trước khi Hoa Kỳ thừa hưởng di sản quái đản của Âu châu (Anh, Pháp). Nước Mỹ hàm oan vì nhiều tội ác của Âu châu mà dân Mỹ không biết! Với tư thế siêu cường, Mỹ phải giữ vai trò bảo hộ thực tế tại trung tâm là Vịnh Ba Tư.

Mươi năm sau đó, Hoa Kỳ hoàn thành kỳ công với Hiệp định Camp David năm 1978 để hòa giải các nước Á Rập (Ai Cập và Jordan) với quốc gia Israel của dân Do Thái. Nhưng lại tự gieo mầm họa với cách xử trí rất tối tại Iran vào năm 1979, khiến xứ này trở thành tiền đồn chống Mỹ trong cả khu vực. Và muốn dùng tư thế ấy lãnh đạo khối Hồi giáo mà đa số lại theo hệ phái Sunni.

Rồi biến cố 9-11 năm 2001 khiến Hoa Kỳ còn mở rộng và đảo lộn một trật tự vốn đã bấp bênh.

Mở rộng khi Mỹ tấn công A Phú Hãn vào Tháng 10 năm 2001 để tiêu diệt lực lượng khủng bố al-Qaeda, khiến bài toán đã nhiêu khê tại Mi Na còn kéo sâu vào Trung Á, tới rặng Hindu Kush và bao trùm lên Pakistan và Ấn Độ. Trật tự tại Mi Na bị đảo lộn với việc Mỹ tấn công một cường quốc là Iraq và lật đổ chế độ thống trị của thiểu số Sunni là Saddam Hussein vào năm 2003.

Sau ba năm lúng túng tại Iraq, Hoa Kỳ có góp phần xây dựng một quốc gia Á Rập Hồi giáo với ảnh hưởng rất mạnh của hệ phái Shia ngay giữa khu vực sinh sống của đa số theo hệ phái Sunni. Nhớ lại thì sự kiện có quốc gia mà đa số dân theo hệ phái Sunni hay Shia lại bị thiểu số kia cai trị là một nghịch lý mà phổ biến: Iraq, Syria hay Bahrain là các thí dụ nóng nhất.

Nhìn từ bên ngoài, trong mấy thập niên Hoa Kỳ đã có ba mục tiêu chiến lược tại đây, là 1) duy trì một tương quan lực lượng đủ quân bình giữa các nước để dung hòa nhiều mâu thuẫn thừa hưởng từ lịch sử; 2) bảo đảm sự ổn định để chuyển vận dầu khí hầu tránh khủng hoảng kinh tế vì năng lượng; 3) ngăn chặn và đẩy lui trào lưu Hồi giáo quá khích dùng khủng bố làm phương pháp khuynh đảo thế giới Hồi giáo.

Sách lược áp dụng là phải đạt mục tiêu này mà không cản trở hai mục tiêu kia. Bài toán ba vế thật ra lại rối bù và có khi Mỹ chẳng đạt mục tiêu nào cho trọn vẹn.

Bây giờ lại chêm vào mục tiêu thứ tư và có khi lại gọt dũa ra một tấm hình quái dị khác.
***

GIEO GIÓ DÂN CHỦ GẶT BÃO TSUNAMI?


Chỉ vì Tháng Giêng năm 2005, trong bài diễn văn khai mạc nhiệm kỳ hai Tổng thống George W. Bush bỗng đề cao việc xây dựng quốc gia và phát huy dân chủ. Quan điểm này ngược với chủ trương khiêm cung của ông khi tranh cử năm 2000. Năm 2005 đó, người ta tưởng Bush nêu ra mục tiêu khác cho thế giới Hồi giáo để biện hộ quyết định tham chiến tại Iraq.



    Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã tới Cairo năm 2005 để chỉ đường ra   


Nhưng khi Ngoại trưởng Condoleezza Rice đọc bài diễn văn tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào đầu tháng Sáu năm 2005 - đúng năm năm trước bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama cũng tại Cairo - bà khai triển chủ trương của Hoa Kỳ. Và cảnh báo các chế độ độc tài trong khu vực là phải chuyển hóa để tôn trọng nguyện vọng dân chúng.

Hoa Kỳ gieo gió từ đó, giờ này có gặt hái dân chủ hay bão tố thì người ta chưa thể biết.

Người lạc quan thì tin rằng dân chủ là ước vọng phổ biến và quy luật tất yếu. Người thận trọng thì e là ngần ấy tác nhân trong cuộc sẽ vận dụng dân chủ làm chiêu bài huy động quần chúng cho mục tiêu riêng. Chúng ta sẽ hiểu ra trong phần sau.

Nhưng muốn biết đúng sai thì ta nên nhớ rằng lần đầu tiên từ một thế hệ mà tuổi trẻ Hồi giáo đã thấy thế nào là một cuộc cách mạng lật đổ một chế độ hung đồ trong một xứ Á Rập Hồi giáo. Saddam Hussein hết là thần tượng hay nỗi sợ hãi truyền thống. Và thực tế thì chánh sách viện trợ Mỹ - do mục tiêu an ninh - cũng gây sức ép về cải cách kinh tế lẫn chính trị trong các nước thân Mỹ.

Từ đấy, các chế độ chuyên quyền đều phải nhìn xuống dưới, xem những ai là quần chúng của mình để mua chuộc và bảo vệ hầu giúp mình tồn tại trên đỉnh quyền lực.

Nhìn từ bên ngoài, một số người kết luận rằng các xứ Hồi giáo đồng minh của Mỹ đều phải có cuộc cách mạng quét sạch chế độ độc tài do Mỹ bảo trợ: từ Đại tây dương qua Địa trung hải vào vịnh Ba Tư là Maroc, Algérie, Tunisie, Ai Cập (Egypt), Jordan, Saudi Arabia, tới Bahrain hay Yemen, v.v.... Hàm chứa bên dưới có lý luận kết tội Mỹ là dung túng độc tài. Phải chăng vì dân chủ trong một nước độc tài thân Mỹ là trách nhiệm của Hoa Kỳ? Đây là lý luận của cánh tả chống Mỹ ngay trong xã hội Hoa Kỳ và của những người lý tưởng trên thế giới.

Trong khi ấy, ít ai nói hay nghĩ gì về làn sóng chống đối cũng tại các nước chống Mỹ, như Lybia, Syria hay Iran. Chưa nói đến Venezuela hay Miến Điện... Phải chăng vì dân chủ trong một xứ độc tài chống Mỹ là chuyện nội bộ của họ - mà Hoa Kỳ không được phép can thiệp?

Hèn gì, các chế độ độc tài chống Mỹ thường lâu bền và lãnh tụ sống thọ hơn các lãnh tụ bị gọi là tay sai của Mỹ - có khi vì bị Mỹ lật... Đây là lý luận của cánh hữu với hàm ý là phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Chuyện không dễ nếu ta nhớ tới bốn mục tiêu có vẻ mâu thuẫn - mà rất hợp lý - của Hoa Kỳ. Khi tường thuật hay bình luận, chúng ta không quên cái bối cảnh nhiễu nhương đó và nhớ lại là các lãnh tụ Saudi Arabia hay Jordan đều than phiền về cách ứng xử của Chính quyền Obama trong vụ khủng hoảng ở Ai Cập.

Mà vấn đề không chỉ có vậy!


***

NHÂN DUYÊN CỦA CÁCH MẠNG 



Xin lại trở về Mi Na với sóng thần Tsunami...

Câu chuyện khởi đầu không là vụ tự thiêu vào tháng trước tại Tunisie - hay tuần qua tại Algérie - khiến đất bằng nổi sóng và lan khắp nơi. Vấn đề là vì sao có người tự thiêu và xuống đường phản đối? Ngọn sóng chỉ là cái "duyên", địa chấn ở dưới mới là cái "nhân".

Cái nhân đầu tiên rất mơ hồ là "thiếu dân chủ" - mấy chục năm nay như vậy rồi, mà sao bây giờ mới bung? Vì ông Bush hay ông Obama? Không, vì ông thần kinh tế đã ra khỏi cây đèn thần!

Toàn cõi Mi Na ngày nay có chung mối nguy là thanh niên thất nghiệp quá nhiều mà càng đỗ đạt lại càng khó kiếm việc. Chuyện thứ hai là cơm áo thì ngân sách gia đình ở khu vực này phải giành tối thiểu 36% cho lương thực - tại Mỹ là 7%, Anh là 9%. Mà giá lương thực lại tăng vọt trên thế giới và dội vào nồi cơm ở nhà. Nỗi ưu lo và phẫn hận của trẻ lẫn già lại không có nơi giãi bày vì quần chúng không có đại diện. Hễ có phản ứng là lại bị đàn áp, trong khi thuộc tính của độc tài là tham nhũng lại tràn lan.

Vì vậy, từ trẻ đến già đều bất mãn. Trước sự bất mãn đó của quần chúng, các chế độ không ngồi yên.

Họ xoa và xoá.

Xoa là xả bớt sức ép bằng cách tăng lương hay trợ cấp, là cho "nổ cầu chì ở dưới" khi giải tán nội các, hoặc hứa hẹn cải tổ hiến pháp, tổ chức bầu cử, thu hồi luật khẩn cấp và trong nhiều trường hợp tìm ra khuôn mặt mới để kế nhiệm.

Xóa là cho tay chân của chế độ, từ cánh sát dã chiến tới lính đánh thuê, bọn chém mướn - Ai Cập và Lybia - ra tay giải tán biểu tình.



    Đầu gấu Ai Cập cưỡi lạc đà đánh dân   



Mỗi xứ lại có một kiểu đấu tranh của dân chủ và đàn áp của chính quyền. Ngoại trừ Tunisie là nơi quần chúng biểu tình tương đối có tổ chức - mà chưa xong - các chế độ kia vẫn còn khả năng ứng phó: chưa tung hết dụng cụ trấn áp. Lại còn dùng mưu thuật phân hoá lực lượng biểu tình, mua chuộc các chính khách cò mồi.

Ngoài ra, từ nội bộ phong trào đấu tranh cho dân chủ cũng đã có tranh chấp về quyền lực "sau ngày cách mạng thành công"...

Đó là nét chung của trận Tsunami đang vần vũ nổi lên. Nhưng mỗi nơi lại các tác động mỗi khác...


***


RÁC RƯỞI CỦA TSUNAMI



Sau đây là một số yếu tố chúng ta không nên quên. Vì giấy báo có hạn, xin khỏi đi vào chi tiết ở từng quốc gia, khi nào hữu sự thì sẽ nghe truyền thông nói tới.

Trong một số quốc gia, Quân đội vẫn là thế lực có ảnh hưởng nhất vì không gián tiếp lãnh đạo thì thực tế cầm quyền - như ở Algérie, Tunisie hay Ai Cập. Các tướng lãnh có thể biến loạn thành trị - hoặc tiếp tục thống trị để bảo vệ đặc quyền và đặc lợi kinh tế. Có khi ngược hay thuận với sự chọn lựa của Hoa Kỳ.


    Quân đội đề huề với dân biểu tình

Trong nhiều quốc gia, việc kế vị lãnh đạo được đặt ra vì lãnh tụ đã luống tuổi hoặc lâm trọng bệnh, là trường hợp Ai Cập, Algéria, Lybia, Saudi Arabia. Những tranh giành quyền lực trong hậu trường có thể mượn lá cờ dân chủ mà tiến hành đảo chánh! Là chuyện Ai Cập và cả Tunisie.

Hoặc Algérie với đạo diễn là viên tướng cầm đầu an ninh quân đội Mohamed "Toufik" Mediene. Là người có ảnh hưởng nhất, Mediene dùng các chính đảng và nghiệp đoàn thách đố uy quyền của Tổng thống Abdel Aziz Bouteflica hầu quyết định về người sẽ kế nhiệm Tổng thống!

Tại Lybia, lãnh đạo từ năm 1969, người hùng chống Mỹ là Moammar al-Gaddafi bần thần trước hai con trai đều có tham vọng: Motasem cầm đầu an ninh hay Seif al-Islam, cầm đầu phe "đổi mới", với một tạ muối cho chữ "đổi mới" này. Trong khi ấy thất nghiệp của tuổi trẻ đã lên tới... 40-50%.


 
    Lãnh tụ Gaddafi và nữ cận vệ đón chào khách xộp: Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi
Hai người con nắm hai cơ chế là doanh nghiệp NCO hay các tổ chức NGOs cùng sách động quần chúng để gây ảnh hưởng mà lại gây nguy cơ phân hóa ngay trong quân đội. Và "phụ hoàng" ở trên ra lệnh đàn áp thẳng tay khi các thị tộc al-Zuwayya ở miền Đông và al-Tabu cùng Warfalah ở miền Nam đã thừa cơ nổi dậy.

Ngày 21, khi hỗn loạn từ miền Đông lan vào thủ đô Tripoli thì Seif al-Islam xuất hiện như khuôn mặt kế vị để đả kích những "phần tử gây chia rẽ": ta hiểu thế nào là nội chiến. Vấn đề không chỉ có đấu tranh cho dân chủ!

Mai này, khi quần chúng hiểu ra những rác rưởi ngụy trang cách mạng, họ sẽ lại xuống đường nữa. Mà câu chuyện không chỉ có đảo chánh thật hay cách mạng giả hoặc loạn sứ quân vì còn các yếu tố Hồi giáo hay quốc tế.


***


ALLAH THEO PHE NÀO?


Tuần qua, sau khi đuổi Hosni Mubarak ra khỏi ghế Tổng thống để cầm quyền, Quân đội tại Ai Cập lại cho một lãnh tụ có liên hệ với lực lượng Huynh đệ Hồi giáo là Yussuf al-Qaradawi được hồi hương từ xứ Qatar để đăng đàn thuyết pháp trước quảng trường Tahrir. Đồng thời còn cho phép Iran đưa hai chiến hạm qua kênh đào Suez để tới Syria, khiến cả Israel lẫn Hoa Kỳ đều chú ý tới khía cạnh Hồi giáo quá khích và bàn tay Iran trên bàn cờ Ai Cập.

Syria là quốc gia có đa số dân theo hệ phái Sunni lại không hài lòng với chế độ cha truyền con nối của Tổng thống Bashar al Assad - đã thuộc hệ phái Shia thân Iran lại và còn kín đáo yểm trợ hai lực lượng Hồi giáo quá khích là Hamas trên Dải Gaza và Hezbollah tại Lebanon. Một tình trạng bấp bênh rất dễ bị lật - dưới chiêu bài dân chủ. Ai sẽ lật ai thì mình chưa biết được!

    Bão tràn vào Bahrain khi Thái tử ôn hoà bị Thủ tướng bảo thủ ngáng cẳng và Iran quậy phá   


Hay Bahrain, vương quốc hải đảo nhỏ xíu chỉ có hơn triệu dân, nhưng là căn cứ Hải quân của Bộ chỉ huy Trung ương CENTCOM và của Đệ ngũ Hạm đội Hoa Kỳ trong một khu vực hiểm yếu. Quốc vương Bahrain là lãnh tụ ôn hòa của hệ phái Sunni trong một xứ lẫn lộn cả hệ phái Shia. Khi biến động xảy ra, Iran (hệ phái Shia) liền tố Saudi Arabia (hệ phái Sunni) là gửi biệt kích vào dẹp biểu tình để bảo vệ chế độ.

Thực tế thì Tehran giúp phe Shia chống lại chủ trương thân Mỹ của vương triều và gọi đó là cách mạng dân chủ. Nhiều xứ Á Rập khác trong vùng Vịnh cũng báo động về bàn tay khuynh đảo của Tehran. Đâm ra, dân chủ có khi chỉ là cái cớ và Thượng đế của đạo Hồi bị hai phe giành giựt.

Nhưng ngay tại Iran, các Giáo chủ không chỉ nhìn vào thế giới Á Rập để quậy cho thêm nát mà cũng sợ dư ba của Tsunami lại quét ngược vào trong: dân Iran đã biểu tình và nêu đích danh độc tài không phải Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad mà chính lãnh tụ tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei. Bahrain hay Syria mà rung chuyển thì làn sóng chống đối bị dẹp từ cuộc tranh cừ lem nhem năm 2009 sẽ lại dập vào Iran! Có khi lại dẫn tới dân chủ thật!

Mà Hoa Kỳ có muốn quạt sóng hay thổi lửa vào đấy không? Sao không?


***


Nếu chỉ nhìn sơ qua - đã ba ngàn chữ rồi - ta thấy rằng trận Tsunami đang đẩy ra nhiều lớp sóng hỗn loạn khác nhau. Và cuồng phong lại tùy nơi mà thổi ngược chứ không nhất thiết gieo mầm dân chủ. Có những nơi mà sự thể diễn biến như Hoa Kỳ mong muốn, có những nơi mà phù thủy lại bị âm binh quật ngã!

Nhưng còn một quy luật chúng ta nên nhớ: khi có tổn thất về an ninh hay tình báo thì mọi người đều om xòm phanh phui và bình nghị. Chứ khi thắng lợi thì người trong cuộc lại ngậm miệng ăn tiền! Dại gì mà khoe?

Và lời cuối, lại xin nói ngược:

Tại Ai Cập, tướng lãnh khéo vận dụng đám biểu tình để cất Mubarak hầu cứu vãn chế độ được Quân đội lập ra từ 1952 - và cứu vãn các cơ sở "quân doanh" của các tướng. Bây giờ, Quân đội đang hoàn thành vở kịch cách mạng với một số thay đổi ngoài da. Trong thực tế, chế độ dân chủ vẫn chưa hề có mà khó khăn kinh tế thì đã bắt đầu. Ở nhiều nơi khác cũng vậy....

Hoa Kỳ tính sao?

Tổng số lượt xem trang