Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Mục đích Trung Quốc phát động chạy đua vũ trang?

Mục đích Trung Quốc phát động chạy đua vũ trang?

(Toquoc)-Làm suy yếu kinh tế các nước trong khu vực và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ chính là mục tiêu quan trọng của Trung Quốc trong chiến lược phát động một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á - Thái Bình Dương.

Giới quân sự nhận định, nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà Trung Quốc chính là nước phát động. Đây chính là “mũi tên” nhằm nhiều đích của Trung Quốc, vừa làm kinh tế các nước trong khu vực kiệt quệ, từ đó mất đi khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh, vừa thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng
Bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc vẫn tăng ngân sách quốc phòng. Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, năm 2010, nước này đã chi 78 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, tăng từ mức 17 tỷ USD của năm 2001. Tuy nhiên, giới quân sự phương Tây lại cho rằng, trên thực tế, con số này lớn hơn nhiều. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chi phí quốc phòng của Trung Quốc có thể lên tới 150 tỷ USD chứ không phải 78 tỷ USD như Bắc Kinh tuyên bố.
J20 lần đầu cất cánh
Trung Quốc không tiết lộ chi tiết về các thương vụ mua sắm vũ khí của mình. Số liệu chính thức do Chính phủ Nga công bố cho thấy, từ năm 2001-2010, Bắc Kinh đã bỏ ra hơn 17 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí của Moscow. Nhiều chuyên gia châu Âu khác cũng cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng khoảng 150 tỷ USD để mua sắm vũ khí mới trong thập kỷ qua.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay, sớm hơn so với các kế hoạch trước đó. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cũng đã được Trung Quốc trình làng chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tháng trước. Theo Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc hiện có 62 tàu ngầm và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ được biên chế thêm 15 tàu ngầm trong vài năm tới. Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển từ Vladivostok ở phía bắc đến Eo biển Malacca ở phía nam, ra đến quần đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippine và quần đảo Greater Sunda. Hướng phát triển tiếp theo là vươn ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương. Trong đó, PLAN chú trọng tới mục tiêu cản trở Hải quân Mỹ tiếp cận vùng biển kế cận, kiềm chế Nhật Bản ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kiềm chế Ấn Độ ở Nam Á, kiểm soát các tuyến hàng hải gần và yểm trợ các đòi hỏi chủ quyền trên biển. Mục tiêu lâu dài của PLA là thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Các nước chạy đua
Việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và chưa thực sự minh bạch các chương trình này khiến nhiều quốc gia láng giềng hết sức quan ngại. Từ đó các nước đã vô tình lao vào cuộc chạy đua vũ trang do chính Trung Quốc phát động mà không biết rằng đây chính là chiến lược đã được các nhà cầm quyền Bắc Kinh hoạch định.
Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Ân Độ liên tục tăng, trong khi năm 2006-2007 chỉ là 19,11 tỷ USD, năm 2007-2008 là 20,56 tỷ USD, năm 2008-2009 là 29 tỷ USD, thì năm 2009-2010 đã là 32 tỷ USD. Quan chức có tên Ashwani Kumar của đảng cầm quyền Ấn Độ cho rằng: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về kinh tế và quân sự. Ấn Độ tăng cường tiềm lực quốc phòng là để bảo vệ lợi ích của mình”.
Tháng 12/2010, Nhật Bản cũng đã xem xét lại các đường hướng chỉ đạo quốc phòng, qua đó đặt ra các kế hoạch mua 5 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 12 máy bay chiến đấu, 10 máy bay tuần tra và 39 trực thăng. Hàn Quốc và Malaysia cũng đang đẩy mạnh hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự. Seoul hết sức lo ngại việc Trung Quốc hậu thuẫn Bình Nhưỡng, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng và tiếng nói của Mỹ ngày càng thiếu trọng lượng so với Bắc Kinh. Năm 2006, Hàn Quốc đã phát động chương trình hiện đại hóa quốc phòng kéo dài 15 năm, trị giá 550 tỷ USD, trong đó 1/3 ngân sách được dùng cho mua sắm vũ khí. Thậm chí Singapore, một quốc gia có diện tích rất nhỏ cũng có kế hoạch mua 2 tàu ngầm, hiện đang đứng trong tốp 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Australia cũng có kế hoạch chi tiêu khoảng 279 tỷ USD trong 20 năm tới để sắm mới tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu.
Nhận thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Chiến lược Quân sự Quốc gia do Mỹ vừa công bố nhấn mạnh: “Các lợi ích và ưu tiên chiến lược” của Washington sẽ được tăng cường ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tài liệu của Lầu Năm góc cho biết, Mỹ sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào khu vực Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Washington sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh tại khu vực này khi nhiều nước không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự.
Tại sao phát động chạy đua vũ trang?
Ngoài việc bảm đảm an ninh đất nước, chống lại sự bất ổn nội bộ (các khu vực tự trị như Tây Tạng, Tân Cương có xu hướng ly khai mạnh mẽ), thì tăng cường sức mạnh quốc phòng còn giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong các cuộc tranh chấp với nhiều nước láng giềng. Bên cạnh đó, tiềm lực quân sự cũng giúp Bắc Kinh bảo vệ thành quả phát triển kinh tế và gia tăng can dự vào nhiều khu vực của thế giới.
Trung Quốc có số lượng tàu ngầm lớn và đa dạng
Giới phân tích cho rằng, thông qua tăng cường tiềm lực quốc phòng, Trung Quốc đang phát động một cuộc chạy đua vũ trang nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương, từ đó giảm khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vừa đi qua, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Nếu các nước tiếp tục đầu tư quá lớn vào quốc phòng, họ sẽ rơi vào chiếc hố mà Nga đã mắc phải trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, bởi hiện nay tiềm lực kinh tế của Trung Quốc là rất lớn. Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, thông qua chiến lược hiện đại hóa quân sự này, Trung Quốc đang thách thức vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ đối đầu trực tiếp với Hải quân Mỹ như vụ va chạm của 5 tàu Trung Quốc với tàu USNS Impeccable (Mỹ) ở phía Nam đảo Hải Nam hay việc 1 tàu ngầm Trung Quốc va chạm với thiết bị định vị ngầm được kéo bởi tàu USS John McCain (Mỹ) cách vịnh Subic, Philippine khoảng 125 hải lý về phía tây bắc mà giờ đây Trung Quốc còn trở thành nước xuất khẩu vũ khí được các nước thuộc thế giới thứ ba lựa chọn. Trung Quốc đã và đang cung cấp vũ khí cho các nước được Mỹ liệt vào danh sách “đáng quan tâm”, và điều này ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ trong khu vực./.
Thế Phương (Tổng hợp)

Tổng số lượt xem trang