Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

-Những thay đổi tinh vi trong nội bộ Đảng

Đại hội Đảng:Subtle shifts in party politics (ISEAS 14-2-11) -- David Koh cho rằng có những thay đổi ngầm trong nội bộ Đảng (có để ý đến trường hợp Hồ Đức Việt) ◄◄ -Những thay đổi tinh vi trong nội bộ Đảng anhbasam
Institute of Southest Asian Studies- David Koh *

Ngày 14-2-2011
Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức từ ngày 12 tới 19/1/2011. Trong một hệ thống chính trị vốn không mong đợi bất cứ sự thay đổi nào có tính quyết liệt về chính trị trong một thời gian ngắn, người ta thường chú ý đến những mạch lưu sa (cát chảy) trong lòng sông, những dòng chảy mà cuối cùng có thể đưa đến thay đổi trong dài hạn về chính trị. Khi xem xét điều này, sẽ thấy có một vài diễn biến rất đáng lưu ý tại Đại hội.
Tuy nhiên cần phải biết những gì ít có khả năng thay đổi trong trung hạn. Trước hết là các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản về căn bản vẫn nắm quyền quyết định những ai sẽ được chọn lựa vào các định chế chính trị cao nhất, những ai được chỉ định làm lãnh đạo các cơ quan quyền lực chính trị cao nhất. Điều này thể hiện rõ tại Đại hội Đảng. Bộ Chính trị đã quyết định những gương mặt lãnh đạo mới do chính họ lựa chọn. Hội nghị Trung ương phiên toàn thể thứ 14 (đầu tháng 1/2011) của Ban Chấp hành khóa 10 đã phê chuẩn, và Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 do Đại hội Đảng thứ 11 bầu ra thì bỏ phiếu thông qua các lựa chọn đó. Ông Nguyễn Phú Trọng, người được Bộ Chính trị phê chuẩn, nắm cương vị lãnh đạo cao cấp nhất, tức là chức Tổng Bí thư, và mọi người thì đều đã biết trước, biết một cách rộng rãi, ai sẽ giữ các chức Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Ba vị trí này vẫn còn phải chờ bầu cử Quốc hội và chờ được Quốc hội khóa mới xác nhận lại, sau cuộc bầu cử vào giữa tháng 5 tới. Hiện tại quá trình chuẩn bị cho bầu cử đang được tiến hành.
Điều thứ hai “không thay đổi” là vai trò của đảng cộng sản trong việc hoạch định đường lối chiến lược của đất nước. Quá trình soạn thảo văn kiện Đại hội Đảng – cái sẽ hướng dẫn các chính sách của chính phủ – đã diễn ra suốt hai năm. Quá trình này thể hiện quan điểm đồng thuận của một phổ rộng lớn các quan chức, học giả, nhà ngoại giao, và doanh nhân. Trong suốt cả quá trình soạn thảo văn kiện Đảng, Bộ Chính trị thực thi quyền lãnh đạo thông qua quyền chỉ định những nhà lãnh đạo chủ chốt của đội ngũ biên soạn, cũng như xác định giới hạn (OB marker – từ dùng để chỉ những chủ đề có thể được đưa ra công luận bàn thảo – ND), “khoanh vùng” cho các văn kiện. Chẳng hạn, ngay từ đầu, Điều 4 thiêng liêng của Hiến pháp quốc gia đã được xem là bất khả xâm phạm. Điều 4 này phát biểu rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Với quy định ấy, không một đảng chính trị nào khác có thể được hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới cái vỏ kiểm soát và toàn trị, vẫn đang diễn ra những biến chuyển thực sự để tiến đến một sự dân chủ hóa sâu xa hơn, cùng khả năng các yếu tố bên ngoài Bộ Chính trị tham gia thiết kế sự thay đổi, cho dù là thay đổi có chủ định hay chỉ do sức ép của hoàn cảnh.
Trong vòng một năm qua và ngay vào thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc, đã có nhiều cuộc thảo luận về khả năng Đại hội Đảng tiến hành bầu trực tiếp Tổng Bí thư. Thảo luận được một vài cơ quan báo chí làm đậm thêm lên. Chủ trương này xẹp ngay sau đó, tuy nhiên các quan chức cao cấp trong đảng, khi trả lời phỏng vấn báo chí, vẫn nói rằng việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư sẽ thành hiện thực trong tương lai, chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng cách sắp xếp như hiện tại thì rõ là đã đối lập hẳn với quá khứ. Trong quá khứ, Tổng Bí thư, với một đội ngũ cố vấn thân cận, quyết định mọi việc. Giờ đây, việc chọn ra các nhà lãnh đạo cao cấp nhất được tiến hành thông qua bỏ phiếu bí mật trong nội bộ Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, điều ấy có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh phải giành được phiếu từ những đồng chí của mình trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, với gần 200 ủy viên. Ở bốn kỳ đại hội trước, kể từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996, người ta không thể nào dự đoán chính xác tên tuổi các vị sẽ nắm vị trí cao nhất, cho đến phút cuối. Năm 2011 cũng vậy: các chức vụ lãnh đạo cao nhất được quyết định tại Kỳ họp Trung ương thứ 14 (kỳ họp gần cuối trong nhiệm kỳ), chỉ ba tuần trước khi Đại hội Đảng toàn quốc khai mạc.
Thế rồi đến vấn đề xem lại một cụm từ mấu chốt trong Cương lĩnh của Đảng. Tại bản dự thảo Cương lĩnh, Ban Chấp hành Trung ương khóa 10, theo đề xuất của Bộ Chính trị, đã mô tả bản chất của hệ thống kinh tế là “sở hữu nhà nước về các yếu tố sản xuất”. Cụm từ này gây nhiều phản ứng ồn ào trong giới trí thức: liệu chính phủ có thể quốc hữu hóa phần mềm hay vốn đầu tư do người nước ngoài cung cấp không? Ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam nếu còn tồn tại rủi ro quốc hữu hóa, được nêu trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản – “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”?
Do đó khi Đại hội Đảng thảo luận thông qua Cương lĩnh, các đại biểu đã rất nghi ngờ về tính hiệu lực của cụm từ trên, và họ bỏ phiếu với tỷ lệ hơn 65% để quay lại sử dụng một câu trung lập hơn, tránh tạo cảm giác quốc hữu hóa. Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật được xem là người ủng hộ việc giữ lại những câu từ có tính ý thức hệ, đã được hỏi xem ông nghĩ gì về quyết định của Đại hội. Ông bảo Đại hội là cơ quan quyền lực sau chót quyết định vấn đề, và cho dù Đại hội quyết thế nào thì Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị cũng sẽ tuân thủ. Sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, quả thật đã có một không khí “nhẹ cả người” trong tập thể.
Trở lại vấn đề chọn lựa nhân sự, ngoài các ứng viên được Ban Chấp hành Trung ương chính thức đề xuất vào Ban Chấp hành khóa tới, đại biểu tham dự đại hội cũng được phép giới thiệu thêm nhiều ứng viên, và đại biểu với tư cách cá nhân có thể tự ứng cử mà không cần sự hậu thuẫn của các đoàn đại biểu địa phương. Có một trường hợp tự đề cử như thế, và tỷ lệ ứng viên bổ sung mà các đoàn đại biểu địa phương đề xuất đạt mức cao kỷ lục hơn 15%. Tuy vậy, cuối cùng, đại đa số những người trúng cử đều là các ứng viên được Ban Chấp hành cũ đề cử. Mặt khác, theo một nguồn tin nọ, 10 bộ trưởng từng là ủy viên Ban Chấp hành cũ sẽ không được tái đắc cử, mặc dù họ cũng do chính Ban Chấp hành cũ đề cử. Nói cách khác, cái kịch bản viết sẵn kia có nhiều khả năng thay đổi hơn hồi xưa.
Một diễn biến không được nói tới nhiều trên báo chí, cho đến giờ phút này, là sự rút lui của ông Hồ Đức Việt, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương. Việc ông ứng cử để được vào lại Bộ Chính trị bị xem xét rất kỹ lưỡng và bị phê phán gay gắt, do ông đã có một nhiệm kỳ tồi, và ông đã không thể dọn đường cho mình. Tại Đại hội Đảng lần thứ 11, ông mất ghế cả ở Bộ Chính Trị lẫn Ban Chấp hành Trung ương, một thảm bại rất hiếm có đối với một nhà lãnh đạo cấp cao. Nhất lại là khi mà, cho tới giữa năm 2010 nghĩa là chỉ sáu tháng trước Đại hội Đảng, Hồ Đức Việt vẫn được xem như một nhân vật rất có khả năng để cạnh tranh vào chức Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch Quốc hội.
Nói tóm lại về tình hình chính trị trong Đại hội Đảng: Lớp vỏ kiểm soát và toàn trị chứa trong nó một cái lõi mềm. Trong cái lõi này, người ta được phép cạnh tranh để giành ảnh hưởng và chức vụ nhưng phải ở trong một giới hạn nhất định có thể bảo vệ các nhà lãnh đạo cao cấp khỏi những thách thức, khó khăn từ bên ngoài Bộ Chính trị. Các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị, giờ đây đã không còn được miễn trừ việc mất chức. Có thể trong tương lai họ sẽ còn phải vất vả hơn để giành được sự ủng hộ từ những đồng chí của mình trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
David Koh là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang