Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Nói và làm: Trống đánh xuôi, kèn có thổi ngược?

Nói và làm: Trống đánh xuôi, kèn có thổi ngược?
(VEF.VN) - Chưa bao giờ quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô lại được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo như lúc này. Nhưng thực tế triển khai lại thấy có độ "vênh" khá lớn.
Thủ tướng rốt ráo, bộ ngành có đáp lời?
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội là những thông điệp rõ ràng từ đầu năm 2011 trong công điện mà Thủ tướng Chính phủ gửi tất cả các bộ ngành và địa phương. Cùng với đó là sự quyết liệt chỉ đạo sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Có lẽ, chưa bao giờ quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô lại được chỉ đạo rốt ráo đến thế! Doanh nghiệp, doanh nhân không khỏi nức lòng khi đọc các dòng chỉ thị của Thủ tướng. Cánh cửa sản xuất kinh doanh dường như đã mở toang, ngay cả trong thời kỳ khó khăn này.

Nhưng thực tế, diễn biến phức tạp của nền kinh tế cho thấy từ quyết tâm tới việc thực hiện là cả một vấn đề nan giải.
Chính phủ chỉ đạo phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt và thận trọng. Để chống lạm phát ngoài những yêu cầu về kiểm soát giá cả, cung - cầu thì vấn đề cốt yếu là siết chặt tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, việc phối hợp đồng bộ giữa hai chính sách này lại có độ "vênh" khá lớn.
Trong khi chính sách tiền tệ lo thắt chặt với công cụ chính là lãi suất, kiểm soát tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán... thì đầu tư, nhất là đầu tư công vẫn được mở rộng. Nếu như lãi suất của Việt Nam liên tục tăng và ở mức cao ngất ngưỡng, tăng trưởng tín dụng luôn được dè chừng... để chống lạm phát thì tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Năm 2008, tỷ lệ đầu tư/GDP lên đến 43,1%, còn 2009 vẫn không hề giảm đi. Mặc dù vậy tốc độ tăng trưởng lại không tương xứng. Hệ số ICOR liên tục tăng cao và đạt tới 8 trong năm 2009 so với 6,6 trong 2008.
Vậybiết "túm tóc" ai khi phối hợp thiếu đồng bộ? Hay lại hòa cả làng, và cuối cùng thì bộ ngành nào cũng toàn thấy báo cáo thành tích là chính?!
Ảnh: DĐDN
Ai thực sự cần kêu cứu?
Trong buổi đối thoại với thường trực Chính phủ hôm 15/2, các Tập đoàn đồng loạt "kể khổ" với Thủ tướng và không quên giãi bày rằng điện là "con nợ" của than, than là "cục nợ" của xăng dầu... Ai cũng là con nợ của nhau cả! Ai cũng chất chồng khó khăn như thể các "vai trò chủ đạo" của nền kinh tế chết đang hấp hối nếu không được hỗ trợ. Rồi DNNN lại kêu than rằng xã hội đang hiểu sai và có cái nhìn méo mó về mình trong khi DN đang oằn vai gánh trọng trách.
Nghe vậy các doanh nghiệp tư nhân "thấp cổ bé họng" không được vinh dự gánh vác trọng trách của anh doanh nghiệp nhà nước chắc hẳn thèm thuồng, ước chi mình được ghé vai gánh vác chỉ 1/3 cái "vai trò chủ đạo" đó thì có lẽ đổi đời rồi .
Kỳ lạ nhất là tập đoàn nào cũng kêu cứu, nhưng báo cáo cho thấy 20/21 tập đoàn đang làm ăn có lãi.
Nghịch lý đã được chỉ ra rằng người nào kêu to thì được cứu, và nguồn vốn cấp cứu đó lại chưa chắc chảy về đúng nơi đang khát nhất. Hậu quả là, trong khi hàng trăm ngàn DN khó khăn do lãi suất lên cao thì vẫn có những tập đoàn nhà nước đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát .
Chính phủ quyết liệt chỉ đạo  đẩy nhanh tiến độ, không đầu tư dàn trải bằng cách giãn, hoãn thậm chí dừng những dự án chậm tiến độ, không hiệu quả để dồn vốn cho các công trình hiệu quả và cấp bách. Tuy nhiên, năm nào cũng có một "dàn đồng ca" của ngành giao thông, điện, thủy lợi... kêu dự án chậm tiến độ, xin tăng vốn đầu tư. Tiền đổ ra nhiều nhưng hiệu quả thấp, không tạo ra sức bật cho nền kinh tế mà còn là nguyên nhân sâu xa của lạm phát.
Chính vì thế, sau chủ trương đúng luôn cần phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng, công khai hiệu quả, kết quả thực hiện, để nhìn vào đó chúng ta biết thời điểm nào, ai ở đâu, làm cái gì, liên quan đến ai và cần phối hợp thế nào. Nếu ai làm không tốt phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý công khai, thông báo cho toàn dân biết.
Chỉ có ba chữ Nói và Làm thật ngắn gọn, mà sao khoảng cách xa vời?

Tổng số lượt xem trang