Trung quốc dàn trận (Trần Khải)
“… Hãy nhìn lại Đàì Loan, vụ một ông Tướng bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Đúng vậy, Trung Quốc không hề đưa quân đội bắt cóc ông Tướng La Hiền Triết để cưỡng ép làm gián điệp …”
Trung Quốc đang có vẻ như đang thi hành một chính sách thực dân kiểu mới tại Phi Châu, theo cái nhìn của một số nhà phân tích Tây Phương. Có phải Trung Quốc thực sự muốn khai hóa Phi Châu, hay chỉ vì muốn khai thác tài nguyên nhân vật lực nơi này với giá rẻ? Hay phải chăng, trong khi giới tu sĩ Ky Tô Giáo trước giờ đã tràn vào Phi Châu với chính sách truyền giáo, và bây giờ lại gặp một chủ nghĩa thế tục kiểu Trung Quốc đang tràn vào để cạnh tranh với các thế lực nhà thờ? Hay chỉ đơn giản vì Trung Quốc có thừa nạn nhân mãn, thế là bằng mọi cách phải tràn sang Phi Châu, nơi đất còn rộng và người còn thưa?Thực tế là, hiện đang có một triệu người Trung Quốc, từ kỹ sư cho tới đầu bếp, đã sang Phi Châu làm việc trong thập niên vừa qua. Mọi chuyện y hệt như trong phim, với kịch bản người dân TRUNG QUốC rủ nhau sang Phi Châu tìm vàng, và được hưởng lợi vì Hoa Kỳ và Châu Âu bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố nên có vẻ như để trống nơi đây, nơi trước giờ chỉ có các giáo sĩ sang cắm thập tự giá và rồi bị lôi cuốn hay bó tay với các cuộc chiến -- hoặc là nội chiến hay cuộc chiến khu vực, hoặc là chiến tranh vì kim cương hay mỏ dầu, hoặc là các trận thảm sát và hiếp dâm để trả thù sắc tộc, để cố tình lây bệnh HIV/AIDS... Nhân loại sầu thảm như thế ở đây, có vẻ như Thượng Đế, nếu có, vẫn đang hằn học trả thù cả nhiều triệu người dân các nước Phi Châu.
Trong hoàn cảnh đó, người Trung Quốc ôm tiền tới, và thế là được đón nhận nồng nhiệt.
Báo The Guardian hôm 6/2/2010 đã có bài viết nhan đề là “China’s economic invasion of Africa”, trong đó ghi lại cuộc phỏng vấn nhiều người Trung Quốc tới làm việc ở Phi Châu, giảỉ thích được một số khía cạnh của hiện tượng này.
Kỹ sư Liu Hui giám sát công trường xây cất xã lộ giữa Nairobi và Thika |
Vào tháng 12-1999, có chàng thanh niên 24 tuổi tên là Zhang Hao đã rời bỏ mùa đông băng giá ở quê nhà Shenyang để bay sang Uganda. Zhang lúc đó lo lắng, vì không biết chữ tiếng Anh nào. Chàng không nghĩ tới chuyện đi, nhưng là do người cha, từng làm việc ở Uganda mấy năm trước đó trong dự án đánh cá liên hệ tới chính phủ Trung Quốc.
Ông bố nói với Zhang, “Nếu con muốn khởi sự cái gì – và muốn làm chủ -- Phi Châu là nơi để tới làm được”.
Zhang đã bỏ ngang trường đạị học để bay sang Phi Châu, và anh thấy không cần văn bằng nào để thấy rằng tiền quá dễ kiếm nơi này, ngay khi vừa đặt chân tới Kampala: hàng hóa ở Trung Quốc quá rẻ, nhưng nơi đây lại quá đắt, hoặc kiếm không ra. Thế là Zhang liền khởi nghiệp bằng nhập cảng giày. Rồi túi đi học cho học trò, rồi lưới để ngư dân đánh cá, rồi đinh và xe đạp.
Zhang kể lại, “Tôi nhập cảng mọi thứ. Lúc đó, họ cần tất cả”.
Kinh doanh tăng vọt mau chóng, sau vài năm, hai vợ chồng Zhang mua khoảnh đất lớn ở Kampala. Trên đó, họ xây một nhà hàng kiểu nửa Trung Quốc, nửa Đại Hàn, có các phòng ăn riêng, có các phòng ca nhạc karaoke, và có một hội trường tiệc ăn với 500 chỗ ngồi. Bên hông tiệm ăn, họ xây một phòng ngủ, rồi trở thành nhà ở. Rồi thì, Zhang mở thêm một lò bánh, một công ty bán máy truyền hình màn ảnh phẳng, và lập một công ty an ninh.
Zhang nói, bây giờ Zhang là công ty Trung Quốc lớn nhất ở Uganda, với 1,200 nhân viên địa phương. Zhang được mời tặng một thẻ hộ chiếu Uganda, nhưng Zhang từ chối, cũng như từng từ chối việc chọn một tên tiếng Anh cho dễ gọi, “Tôi là người Hoa, và chúng tôi cần xây dựng một cái tên Trung Quốc nơi đây -- để mọi người biết rằng Trung Quốc không phaỉ như ngày xưa. Chúng tôi giaù hơn rồi, bắt kịp thế giới rồi.”
Thực ra, Zhang không cần nói, vì ai cũng thấy thế. Hồi năm 1999, khi Zhang tới, chỉ có vài trăm người Trung Quốc ở đây, kể cả nhân viên sứ quán Trung Quốc . Bây giờ là khoảng 7,000 người Trung Quốc , từ người bán đủ thứ bên các vỉa hè khu Phố Tàu, cho tới các kỹ sư đã và đang xây các tòa nhà cao tầng ở Kampala, và các giám đốc hãng dầu hỏa thường tới tiệm ăn của Zhang.
Không phảỉ chỉ ở Kampala của Uganda, mà các chuyện tương tự đã xảy ra khắp lục địa Phi Châu. Con số thật khó tìm chính xác, nhưng một thập niên trước thì chưa tới 100,000 người Trung Quốc làm việc ở Phi Châu. Bây giờ là khoảng 1 triệu người Trung Quốc.
Thương mại giữa Trung Quốc và Phi Châu tăng từ 6 tỉ đôla năm 1999 để tới hơn 90 tỉ đôla trong năm 2009, quân bình là nưả nhập cảng và nửa xuất cảng.
Tài nguyên thiên nhiên Phi Châu - dầu, sắt, bạch kim (platinum), đồng, và gỗ - rủ nhau chở sang các hãng xưởng ở Trung Quốc, để chế biến thành những sản phẩm từ đồ gỗ nội thất cho tới xe vận tải từ Trung Quốc xuất cảng sang lại Phi Châu.
Năm ngoái (2010), giao thương hai chiều Trung Quốc với Phi Châu ước tính đã tới mức 100 tỉ đôla.
Nhưng không phảỉ là chính phủ Trung Quốc đứng ngoài các luồng giao thương này. Chính phủ Trung Quốc liên hệ sâu đậm tới giao thương nơi đây. Cụ thể, là thò tay dàn dựng yểm trợ giao thương. Mỗi năm, Bắc Kinh bơm nhiều tỉ đôla tiền hỗ trợ và tiền cho vay cho các chính phủ Phi Châu để bôi trơn, nhằm thắng các hợp đồng mua nguyên liệu thô hay là để tài trợ các dự án xây cất hạ tầng và làm lợi các công ty Trung Quốc .
Thực tế, cũng chính một số quốc gia như Uganda đã tích cực chào mời Trung Quốc vào đầu tư. Trong năm 2010, TRUNG QUốC đã thay thế Anh Quốc để trở thành nước bơm tiền đầu tư trực tiếp (tiền FDI) nhiều nhất vào Uganda.
Một trong những công ty lớn Trung Quốc tại Uganda là ZTE, công ty thiết bị viễn thông lớn thứ nhì của Trung Quốc. Trong năm 2010, hãng ZTE đã bán hơn 500,000 điện thoại ở Uganda.
Dù vậy, vẫn có những mặt trái của vấn đề. Tại nhiều nơi ở phía nam Phi Châu, nhiều con buôn Trung Quốc đã tới bằng chiếu khán du lịch và ở lại bất hợp pháp. Tại Zambia, các quản đốc một mỏ than Trung Quốc mới đây đã bắn 2 công nhân Zambia đang biểu tình phản đối về lương bổng, gây phẫn nộ khắp nước này. Và tại Sudan và Ethiopia, các nhóm phiến quân đã giết các công nhân Trung Quốc vì họ cho là các người Trung Quốc là tay chân thân tín của các chính quyền địa phương.
Xu Hui đã rời bỏ chức biên tập cơ quan thông tấn nhà nước Tinhua để sang Kenya, mở hãng nhập cảng đồ chơi hồi giữa thập niên 1990. Rồi Xu nhập cảng máy điện toán, rồi máy truyền hình hiệu Trường Thành, và nhập cả các khối giấy nhà cầu để sang đây gói lại và bán ra.
Xu nhìn Kenya như quê hương của ông, và mới đây thì do dự gửi gia đình về lại Trung Quốc vì lý do học đường. Với cương vị từng làm biên tập viên thông tấn, Xu nhìn thấy người Tây Phương nghi ngại vì Trung Quốc chạy đua vào Phi Châu.
Xu nói, “Các nước Tây Phương cũng mua dầu, và có các hầm mỏ khắp thế giới. Người ta không nói thế là “vơ vét tài nguyên” hay là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” ở các nơi đó. Vậy sao laị nghĩ thế cho người Trung Quốc? Chúng tôi không gửi quân đội sang các nước và nói, “Hãy bán chúng tôi thứ này, thứ kia”. Khi quý vị không cạnh tranh nổi chúng tôi, quý vị cứ biện hộ này nọ để giải thích. Y hệt như hai đứa con nít đánh nhau, đứa thua chạy tới khóc với ba mẹ là bị chơi gian lận...”
Hãy nhìn lại Việt Nam. Đúng vậy, Trung Quốc không gửi quân đội tới Việt Nam – nhưng vẫn được cưa đôi Thác Bản Giốc để khai thác du lịch, được tới Tây Nguyên để khai thác bauxite, được hợp đồng 50 năm thuê 300,000 cây số vuông rừng đầu nguồn để khai thác lâm nghiệp... Mà đó là do chính phủ CSVN tự giác cống nạp.
Hãy nhìn lại Đàì Loan, vụ một ông Tướng bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Đúng vậy, Trung Quốc không hề đưa quân đội bắt cóc ông Tướng La Hiền Triết để cưỡng ép làm gián điệp, mà chỉ đưa một tuyệt sắc giai nhân người Úc gốc Hoa sang dâng hiến thân xác cho chiến dịch bông hồng đỏ.
Hãy nhìn thêm, khi Trung Quốc dàn trận bơm tiền để mua ưu thế ở Phi Châu, dàn trận mỹ nhân để bắt hồn các tướng lãnh Đàì Loan... hãy tin rằng Trung Quốc cũng sẽ dàn đủ thứ trận đồ bát quái tại Việt Nam.
Trần Khải
© Thông Luận 2011