Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Bắc Kinh hăm dọa láng giềng

-Bắc Kinh hăm dọa láng giềng
Báo của Trung Ương đảng: ‘Không sợ chiến tranh’Ủy viên dự khuyết: Theo Mỹ là chống Trung Quốc
BẮC KINH (NV) - Một bài viết trên báo chính thức của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng, trong đó có nêu đích danh Việt Nam, rằng nếu liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc thì sẽ bị tấn công.
Một đơn vị TQLC Mỹ tham dự cuộc tập trận bắn đạn thật “Hổ Mang Vàng 2011” (Cobra Gold 2011) cùng với TQLC Thái và một số đơn vị các nước khác đang diễn ra ngày 13 tháng 2, 2011 ở khu vực Samesan, Ðông Bắc Thái Lan. Tin TTXVN ban đầu nói Việt Nam cử 3 đại diện tham dự nhưng sau đó đăng bản tin cải chính viện dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc Phòng Hà Nội. (Hình: Lance Cpl Brennan O'Lowney/US Marines)
Bài viết có tựa đề “Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược của Mỹ kềm chế Trung Quốc” (How China deals with the U.S. strategy to contain China) xuất hiện trên trang mạng điện tử Anh ngữ Chinascope ngày 12 tháng 2, 2011 dịch lại bài viết bằng Trung văn trên nguyệt san Qiushi (Cầu Thị) là cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc.
Bài viết đăng tải trên tạp chí Qiushi ngày 10 tháng 12, 2010 của Xu Yunhong (Từ Vận Hồng), một ủy viên dự khuyết của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, sau khi vạch ra chiến lược 6 mặt của Hoa Kỳ nhằm chế ngự Trung Quốc đã đề nghị chiến lược 7 mặt chống lại.
Bài viết còn nêu ra rằng các nước láng giềng đang bị thâm thủng mậu dịch rất lớn với Trung Quốc, nếu làm cho Trung Quốc khổ thì họ khốn khổ hơn. Ðây là mặt chiến tranh kinh tế Bắc Kinh sẽ tận dụng với các ưu thế hiển nhiên.
Có thể nói, bài viết xuất hiện trên một cơ quan ngôn luận chính thức như thế, ít nhất phản ảnh các suy nghĩ của giới lãnh đạo Bắc Kinh, nhất là khi người viết nêu tên trên bài nằm trong Ban Chấp Hành Trung Ương, dù là dự khuyết.
Trong cách nhìn của bài viết, chiến lược 6 mặt của Mỹ đối phó với Trung Quốc gồm: kiện cáo, ép hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc; ép Trung Quốc tăng hối suất đồng nhân dân tệ dù đang là con nợ khổng lồ của Trung Quốc; báo chí Mỹ tuyên truyền chống Trung Quốc; ứng cử viên chính trị Hoa Kỳ công khai chống Trung Quốc; thao diễn quân sự với nhiều nước ở các khu vực chung quanh Trung Quốc; và sau cùng, thiết lập liên minh chống Trung Quốc.
Trong phần thao diễn quân sự với các đối tác và đồng minh ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương, ngoài những cuộc tập trận chung với Hàn, Nhật và một số nước khác với qui mô Hải Không Quân rất lớn, bài viết kể ra cả cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Việt Nam ở vùng biển quốc tế bên ngoài Ðà Nẵng gồm cả hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington ngày 11 tháng 8, 2010.
“Mỹ thường xuyên thuyết phục Nam Hàn, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác là láng giềng của Trung Quốc tham dự tập trận hải quân chung ở biển Nam Trung Hoa” (tức biển Ðông). Bài viết trên tạp chí Qiushi nói. “Mục đích của họ rất rõ: bao vây Trung Quốc bằng quân sự.”
Ðể đối phó lại, có thể nói Xu Yunhong thay mặt Bộ Chính Trị Bắc Kinh đưa ra kế hoạch 7 mặt mà theo đó ông coi là nguyên tắc căn bản phải theo.
“Nếu bạn bè tới, chúng ta mời họ uống rượu. Nếu chó rừng tới, chúng ta có súng cho chúng,” ông Xu viết.
Bài báo trên đề nghị một kế hoạch liên kết với các nước khác “chơi” đồng đô la của Mỹ, làm cho Mỹ khốn đốn kinh tế. Ðồng thời, dùng ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn trên thế giới để thuyết phục các nước lấy đồng nhân dân tệ thay cho đô la Mỹ làm dự trữ ngoại tệ.
Xu cho rằng chẳng có gì sợ các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Diệt các vệ tinh quân sự của Mỹ là các hạm đội Mỹ sẽ lúng túng. Ngày còn chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc còn rất yếu mà không sợ Mỹ thì bây giờ tại sao phải sợ, bài viết trên nói. Trung Quốc đã từng thử nghiệm bắn hạ vệ tinh và Mỹ đã rúng động về khả năng này.
“Các sự kiện cho thấy Mỹ là con cọp giấy đã không đủ khả năng giải quyết chiến tranh ở Iraq và Afghanistan chứ đừng nói gì đến Trung Quốc (hùng mạnh như hiện nay).” Ông Xu viết.
Bài viết kêu gọi Trung Quốc “tấn công các kẻ thù ở gần.”
“Mỹ rất muốn lập các liên minh chống Trung Quốc rất mạnh. Họ không những loan báo quay trở lại Ðông Á mà còn tuyên bố dẫn đầu Á Châu. Cái đặc biệt không thể chấp nhận được là Mỹ trắng trợn khuyến khích các láng giềng của Trung Quốc chống lại Trung Quốc... Những nước như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Việt Nam, Úc, Phi Luật Tân, Indonesia, và Nam Hàn đang cố gia nhập vào nhóm chống Trung Quốc vì hoặc họ từng có chiến tranh với Trung Quốc, hoặc tranh chấp quyền lợi với Trung Quốc. Họ cố kiếm lợi bằng cách lợi dụng Mỹ, và đây là các nước ở chung quanh Trung Quốc.”
Từ cách nhìn như vậy, tờ Qiushi nói rằng: “Lợi ích quốc gia không thể bảo vệ nổi bằng thương thuyết mà phải bằng chiến tranh. Do vậy, Trung Quốc phải bám lấy nguyên tắc căn bản: Chúng ta không tấn công trừ phi bị tấn công; nếu chúng ta bị tấn công, chúng ta chắc chắn phản công. Chúng ta phải gửi tín hiệu rõ rằng cho các nước láng giềng của chúng ta biết rằng chúng ta không sợ chiến tranh và chúng ta đang chuẩn bị cho bất cứ lúc nào chiến tranh xảy ra để bảo vệ quyền lợi quốc gia”.
Ngày 8 tháng 2, 2011, một bài bình luận trên tờ nhật báo Trung Quốc viết về “sự trỗi dậy của con sư tử tỉnh giấc” nói: “Ngày nay, chúng ta có một mối quan hệ hoàn toàn khác với thế giới và Tây phương: Chúng ta không còn phải tùy thuộc vào lòng thương hại của họ. Thay vào đó, chúng ta đã từ từ trỗi dậy và trở nên ngang hàng với họ.”

-Daily News and Analysis of India Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố: Trung Quốc sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia
Thứ Bảy, ngày 12-2-2011
Một bài báo đăng trên một tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gọi những nỗ lực của Mỹ nhằm lấy lòng Ấn Độ và các nước láng giềng khác của Trung Quốc là “không thể chịu nổi”, đồng thời viết rằng Bắc Kinh phải gửi “tín hiệu rõ ràng” tới những nước này, nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bài báo được xuất bản trên tạp chí Qiushi – ấn phẩm chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) – nói rằng Trung Quốc phải tuân thủ một nguyên tắc chiến lược căn bản là không tuyên chiến nhưng sẵn sàng phản công.
“Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng chúng ta không sợ chiến tranh, và chúng ta sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia” – bài báo viết, đề xuất một chiến lược hung hăng để chống lại những liên minh của Mỹ đang nổi lên trong khu vực.
“Trong suốt lịch sử của nước Trung Hoa mới (từ năm 1949), hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ có được bằng cách nhượng bộ, mà chỉ có được thông qua chiến tranh. Việc bảo vệ lợi ích quốc gia chưa bao giờ đạt được thuần túy thông qua đàm phán, mà phải bằng chiến tranh” – theo như bài báo.
Bài báo cũng viết rằng những quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Australia, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc đang ra sức tham gia liên minh chống Trung Quốc, vì họ đang có chiến tranh hoặc mâu thuẫn về lợi ích với Trung Quốc.
“Điều đặc biệt không thể chịu nổi là cách Mỹ trắng trợn khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc chống lại Trung Quốc. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Mỹ, vì lẽ ruồi không nhìn chằm chằm vào trứng bao giờ, nếu trứng không hỏng”.
“Họ (tức các nước láng giềng của Trung Quốc – ND) đang nỗ lực trục lợi thông qua việc lợi dụng Mỹ”.
Bài báo đề nghị Trung Quốc sử dụng thương mại và quyền lực kinh tế làm vũ khí kiểm soát các nước láng giềng.
“Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc cần có quan hệ thương mại quốc tế với Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần họ; đại đa số thâm hụt thương mại của Trung Quốc là do những quốc gia này gây ra”.
“Do đó, họ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ chịu thiệt hại lớn hơn khi đối kháng với Trung Quốc. Trung Quốc nên tận dụng lợi thế thương mại và quyền lực mang tính chiến lược này. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để tránh chiến tranh”.
Bài báo viết rằng Mỹ đã áp dụng một loạt chiến lược để khống chế Trung Quốc, như là thông qua chiến tranh ngoại tệ, thông qua chiến tranh tuyên truyền, bên cạnh việc tiến hành tập trận quân sự và kích động chiến tranh, cũng như triển khai một liên minh chống Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc, theo như bài báo nói, có thể cân nhắc ý định tiến hành chiến tranh kinh tế thông qua các chiến lược nhằm khống chế đồng đôla và sử dụng hiệu quả các diễn đàn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khởi động chiến tranh không gian bằng cách phát triển vũ khí không gian hạng nặng.
Bài báo cũng đề xướng – như một chiến lược phản công – ý tưởng theo đuổi một chính sách mạnh mẽ chống lại các nước láng giềng tham gia liên minh do Mỹ lập nên, thậm chí xúc tiến cả việc tấn công một kẻ thù nào đó ở gần và hình thành các liên minh chống Mỹ ở châu Mỹ Latin và châu Phi.
Bài báo còn viết rằng Trung Quốc cũng nên tiến hành chiến tranh tuyên truyền bằng việc sử dụng hiệu quả hệ thống báo chí tự do ở Mỹ và các nền dân chủ khác.
Mặc dù đề xuất đường lối cứng rắn với các nước láng giềng, nhưng bài báo đề xuất một giới hạn đối với những nước giàu ngoại tệ như Ấn Độ, nhằm trung lập hóa ảnh hưởng của đồng đôla Mỹ.
“Tất nhiên, để chống lại Mỹ, chúng ta phải tìm ra những vũ khí chủ chốt. Đâu là vũ khí mạnh nhất mà Trung Quốc ngày nay có? Đó là tiềm lực kinh tế của chúng ta, đặc biệt kho dự trữ ngoại tệ (2,8 nghìn tỷ USD). Mấu chốt là phải sử dụng chúng cho tốt. Nếu ta sử dụng tốt thì đó là vũ khí, nếu không thì đó trở thành gánh nặng” – bài báo viết.
Trung Quốc nên đảm bảo rằng ngày một ít quốc gia giữ ngoại hối của mình bằng đồng đôla Mỹ.
“Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, và Ả-rập Xê-út đều là những quốc gia có dự trữ ngoại tệ nhiều” – bài báo phân tích khả năng của mỗi quốc gia trong việc liên kết với Trung Quốc chống Mỹ.
“Nhật Bản bị kiềm chế bởi Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ và sẽ không bỏ Mỹ… Anh quốc thì luôn luôn theo chân Mỹ, vì thế khả năng họ hợp tác với Trung Quốc rất thấp”.
“Ấn Độ đã là liên minh thân thiết với Mỹ trong nhiều năm qua, và Obama thì đã hứa hẹn ủng hộ Ấn Độ có quy chế thành viên vĩnh viễn trong Hội đồng Bảo an LHQ. Do đó, khả năng Ấn Độ hợp tác với Trung Quốc cũng không cao”.
“Tuy nhiên sức mua của lượng dự trữ ngoại tệ mà Ấn Độ sở hữu rất hạn chế, vì thế họ không thể gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình chung”.
Do đó, xét những điều trên, Trung Quốc nên “lấy can đảm” và tiến tới mua thật nhiều các ngoại tệ khác, kể cả đồng rupee của Ấn Độ, từ đó giữ vai trò đi đầu trong việc tác động tới thị trường đôla Mỹ.
Cách tiếp cận này là lối tiếp cận theo thị trường và nhờ đó, sẽ không dễ buộc tội Trung Quốc về bất cứ điều gì.
“Tất nhiên, điều kiện quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc phải có đủ can đảm thách thức đồng đôla Mỹ. Trung Quốc có thể hành động theo một trong hai cách. Cách thứ nhất là bán dự trữ đôla Mỹ, cách thứ hai là không mua đôla Mỹ trong một thời gian nào đó”, điều này sẽ làm yếu đồng đôla Mỹ và gây khủng hoảng kinh tế sâu sắc cho Washington.
Với việc Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, hành động của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thấy rõ lên thị trường.
“Nếu Trung Quốc ngừng mua thì các nước khác sẽ chú ý chặt chẽ đến động thái đó và chắc chắn sẽ làm theo. Một khi lượng đôla in thừa ra không bán được, đồng đôla sẽ tăng tốc độ mất giá và ảnh hưởng của việc này tới tài sản của người Mỹ sẽ cực kỳ lớn.
Mỹ sẽ không thể cưỡng lại sức ép đó và sẽ phải hạn chế việc in tiền”, bài báo viết.
Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

-----------

THE HINDU

Ananth Krishnan *

Thứ Bảy, ngày 12-2-2011

Một bài báo trên tạp chí của Đảng cộng sản thúc giục phương án đối phó thích hợp trước những thách thứ mới từ Mỹ.
Bài báo nói rằng Mỹ khuyến khích các nước láng giềng chống lại Trung Quốc.
Sức mạnh kinh tế, đặc biệt là quỹ dự trữ bình ổn hối đoái (foreign exchange reserves), là vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc.
Bắc Kinh: Đảng Cộng sản Trung Quốc biểu lộ thái độ lo ngại trước việc các nước láng giềng, bao gồm Ấn Độ, đang bị lôi cuốn vào “khối liên minh chống Trung Quốc” do Mỹ đứng đầu, đã gợi ý một chiến dịch 7 bước từ việc tăng cường sử dụng lá bài kinh tế của Trung Quốc cho đến việc thành lập những khối liên minh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Bài báo đăng trên số mới nhất của tờ Qiushi (Tìm kiếm sự thật), tạp chí chính thức của Đảng và là tạp chí có tầm ảnh hưởng lớn được lưu hành trong số các đảng viên của đảng, đã kêu gọi xét duyệt lại chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đưa ra phương án đối phó thích hợp trước những thách thức mới từ Mỹ.
Năm vừa qua được nhiều người Trung Quốc nhìn nhận như là thời kỳ thử thách đối với khả năng ngoại giao của đất nước này, do những căng thẳng gia tăng với nhiều nước láng giềng cũng như lo ngại về cam kết mới của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Nước Mỹ dường như hết sức quan tâm đến việc thành lập một khối liên minh rất mạnh để chống Trung Quốc. Họ không chỉ đưa ra thông báo cấp cao về việc quay trở lại Đông Á mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt châu Á,” tác giả Xu Yunhong viết trong bài báo.
“Đặc biệt không thể chấp nhận được là Mỹ công khai khuyến khích các nước láng giêng Trung Quốc chống lại Trung Quốc,” bài báo viết thêm.
“Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Philippines, Indonesia, và Hàn Quốc tham gia vào nhóm chống Trung Quốc bởi các nước này đã từng có chiến tranh hay tranh chấp lợi ích với Trung Quốc.”
Tạp chí có lẽ là ấn phẩm có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc về các vấn đề chính sách, được Đảng Cộng sản phát hành và thường được sử dụng để trình bày các quan điểm chính sách bằng mời lẽ rõ ràng hơn thứ ngôn ngữ ngoại giao từng được các quan chức nhà nước sử dụng.
Mặc dù còn chưa rõ bài báo có thể hiện cái nhìn của chính phủ hay không, song nhiều nhà chiến lược trong nhóm chuyên gia cố vấn chính thức ngày càng bày tỏ những lo ngại tương tự về nỗ lực của Mỹ trong việc “ngăn chặn” Trung Quốc bằng cách “tán tỉnh” các nước láng giềng.
Nhiều láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản và Việt Nam, gần đây đã thắt chặt liên minh quân sự với Mỹ, đổ lỗi cho quân đội ngày càng hung hăng của Trung Quốc gây ra căng thẳng. Nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng lại nổi lên trong năm ngoái. Mỗi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đi xuống do những tranh chấp chủ quyền đảo ở biển Đông Trung Quốc, trong khi xác nhận chủ quyền mới của Trung Quốc trên toàn bộ biển Nam Trung Quốc (biển Đông) tạo nên lo ngại giữa các nước láng giềng Đông Nam Á.
Thêm vào đó, Ấn Độ cũng được các nhà chiến lược ở Trung Quốc – đặc biệt trong giới quân sự – ngày càng n nhận biệt rõ hơn, là đang tiến gần về phía Mỹ như một yếu tố quan trọng trong cái được cho là chiến lược “chính sách ngăn chặn” này.
Bài báo viết, “Khả năng Ấn Độ hợp tác với Trung Quốc không phải là lớn,” ám chỉ tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các các vấn đề kinh tế để đối phó với Mỹ.
“Ấn Độ giữ vai trò đồng minh thân cận với Mỹ trong những năm gần đây, và [Tổng thống Mỹ Barack] Obama hứa sẽ ủng hộ Ấn Độ trở thành một thành viên chính thức trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” bài báo nhận xét.
“Dù sao thì sức mua của quỹ dự trữ bình ổn hối đoái của Ấn Độ khá hạn chế, nên nước này không thể ảnh hưởng nhiều lên tình hình chung,” bài báo nói thêm, gợi ý rằng Trung Quốc cần phải sử dụng lá bài kinh tế để thách thức sự thống trị của đồng tiền Mỹ.
Các phương sách của Mỹ
Bài báo, dịch bởi trang web Chinascope, đã nhận diện 6 phương sách Mỹ sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc: chiến tranh thương mại, chiến tranh tỷ giá hối đoái, chiến tranh công luận, tập trận, một chiến dịch chống Trung Quốc và phát triển khối liên minh với các nước láng giềng.
Bài báo yêu cầu một phương án đáp trả 7 bước, từ việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế ngày một gia tăng của Trung Quốc và thao diễn quân sự với cơ cấu tổ chức tốt hơn đến việc xây dựng liên minh với các nước không thân cận với Mỹ, tập trung vào châu Âu và Nam Mỹ. “Vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay là gì? Đó chính là sức mạnh kinh tế của chúng ta, đặc biệt là quỹ dự trữ bình ổn hối đoái. Quan trọng là tận dụng chúng một cách khéo léo,” bài báo gợi ý.
Trung Quốc cần phải “ra dấu hiệu rõ ràng với các nước láng giềng rằng chúng ta không sợ chiến tranh, và chúng ta được chuẩn bị để ra trận bất cứ lúc nào để bảo vệ các quyền lợi quốc gia.”
Các nước láng giềng của Trung Quốc, bài báo nói thêm, cần “trao đổi mậu dịch quốc tế của Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần họ.” Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là “phương tiện hiệu quả nhất để tránh một cuộc chiến tranh.”
Người dịch: Minh Hạo

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang