Facebook, Twitter, You Tube là con dao. Có hai lưỡi...
Thiện và Ác trên không gian ảo....
Từ những biến động tại Tunisie lan qua Ai Cập và nhiều quốc gia từ Bắc Phi tới Trung Đông, người ta nói đến cuộc "cách mạng hoa nhài".
Trên đại thể, các chính quyền Ai Cập, Saudi Arabia và các vương quốc ôn hòa đều đang phải giải tỏa sức ép, và thảo luận với các đồng minh Tây phương về cách xử lý. Ngoài Thủ trướng Anh, một phái đoàn quân sự cao cấp của Hoa Kỳ đang đến tận nơi để nói chuyện. Trong khi ấy, mùi hoa nhài vẫn thơm phức - hay khét lẹt - tùy khứu giác từng người.
Đó là chuyện "cách mạng hoa nhài", có lẽ vì giống hoa này là biểu tượng quốc gia hay quốc hoa của nhiều nước Hồi giáo, như Tunisie, Pakistan hay Indonesia. Trung Quốc gọi hoa nhài là "Mạt Lợi Hoa" cho nên sau khi Bắc Kinh kiểm duyệt hệ thống Internet có những chữ như "Ai Cập" hay "Mubarak" ("Mục Ba Lập Khắc") thì đã cấm luôn các chữ như "cách mạng" hay "mạt lợi hoa cách mạng", vậy mà ngày 20 tháng Hai vẫn bị biểu tình cùng lúc ở rất nhiều nơi....
Một trong những yếu tố loan truyền tin tức và cả lời vận động dân chúng biểu tình chính là hệ thống thông tin điện tử hiện đại, với các phương tiện mới như Facebook, You Tube hay Twitter, v.v.... Trong cuộc vận động chính trị năm 2009 tại Moldovia bên Âu Châu, người ta cũng đã nói đến cuộc "Cách mạng Twitter".
Nhưng đây là một sự cám dỗ nguy hiểm, nhất là khi lại do truyền thông quốc tế thổi phồng. Bài này xin sẽ thọc vào đó.
***
CÓ MẶT ĐẶT TÊN
Trước hết, chúng ta nên gọi hiện tượng thông tin ấy là gì?
Thiên hạ đời nay đã dùng những phương tiện thông tin hiện đại cho nhiều mục tiêu, từ "tìm bạn bốn phương" tới lập hội giao tế hay tương trợ giữa những người ở xa nhau mà có chung một sở thích hay mối quan tâm, như yêu hoa hay thích chó, mê nhạc hay chơi tem, v.v.... Đó là các "mạng lưới xã hội" khá thông thường của xã hội con người trong mọi thời, nhưng thể hiện theo kiểu mới.
Thiên hạ cũng dùng các phương tiện hiện đại cho mục tiêu quảng bá thông tin. Cho nên mình có thể gọi là "truyền thông" - media.
Nhưng truyền thông kinh doanh - để kiếm tiền - của tư nhân lại khác với truyền thông nhà nước, có khi để tuyên truyền hoặc tẩy não người dân. Ngoài ra, có loại truyền thông không nhắm vào mục tiêu kiếm lời hoặc bảo vệ chế độ mà lại theo đuổi nhiều mục đích vô vụ lợi. Kể cả thông tin về mọi khía cạnh xã hội hay rao truyền kỹ thuật, bí quyết, mưu chước, v.v.... hầu làm thay đổi xã hội.
Việc thay đổi ấy có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, kể cả qua cách mạng - hay khủng bố! Chúng ta có thể gọi đó là "truyền thông xã hội". Xin giải ra hai ý: truyền thông là phương tiện thông tin và xã hội là mục đích.
Gọi như vậy để khỏi dùng ngoại ngữ và để phân biệt với truyền thông nhà nước hay truyền thông kinh doanh. Chữ này tương đối dễ hiểu, dễ dùng, trong khi chờ đợi ai đó tìm ra một từ khác.
Chúng ta không quên rằng sau vụ khủng bố 9/11 vào năm 2011 tại Hoa Kỳ, khi bị quốc tế truy lùng rất gắt thì lực lượng khủng bố al-Qaeda hay các nhóm xưng danh "Thánh chiến Jihad" cũng dùng loại truyền thông ấy để liên lạc với nhau. Khi khẳng định yếu tố "xã hội", ta cần lưu ý là các chế độ độc tài - Trung Quốc là một mà không duy nhất - tất nhiên sẽ cho truyền thông quốc doanh xuyên tạc truyền thông xã hội là "phản động", "khủng bố" hoặc nhiều thậm từ khác!
Sau khi định nghĩa, xin lạnh lùng nhìn vào thực tế để tìm hiểu về ưu nhược điểm của loại "truyền thông xã hội". Và tập trung vào loại đấu tranh: muốn giãi bày sự bất mãn trong một xã hội không có tự do thông tin hay diễn đàn chính trị - hoặc vì mục tiêu cao xa hơn, như huy động biểu tình hay làm cách mạng dân chủ hóa đất nước....
***
ƯU THẾ CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Vấn đề chung trong các xã hội độc tài là thiếu tự do mà thừa lạc hậu. Mà vì lạc hậu, người ta cũng ưa hiểu lầm.
Xin hãy chấm dứt tinh thần xu mị tuổi trẻ: thanh niên không làm ra cách mạng, may lắm thì tạo điều kiện cho cách mạng thôi. Trí thức thành phố cũng vậy! Sức mạnh có khả năng làm cách mạng chấm dứt độc tài chính là lòng dân chứ không là thanh niên, trí thức hay truyền thông xã hội. Muốn sức mạnh đó đạt mục tiêu thì cần tổ chức, phương tiện tài chánh và khả năng thuyết phục quần chúng. Các phương tiện truyền thông xã hội chỉ là... phương tiện thuyết phục và những người tham gia vào việc đó chỉ có thể đảm nhiệm chức năng xúc tác mà thôi!
Năm 1979, khi các Giáo chủ Hồi giáo tiến hành "cách mạng" tại Iran, họ chưa có điện thoại di động và truyền hình cũng chưa thông dụng ở mọi nơi, họ dùng các băng ghi âm loại "cassette" để quảng bá huấn dụ hay hiệu triệu của Đại giáo chủ Ruholla Khomeini. Băng ghi âm chỉ là phương tiện. Cũng như Facebook hay Twitter trong cuộc "Cách mạng Xanh" bị hụt tại Iran năm 2009 hay "Cách mạng hoa nhài" ngày nay tại Tunisie, Ai Cập hoặc Trung Quốc.
Một đặc tính cần thấy là loại truyền thông này có góp phần huy động nhưng không là phương tiện vạn năng - mà lại dễ bị phá.
Yếu tố thành công then chốt là khả năng và cả đạo đức của lãnh đạo, và nếu quá lệ thuộc vào phương tiện hiện đại, có khi người ta không cho phép xuất hiện một thế hệ lãnh đạo có khả năng. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này, nhưng hãy nên lãng mạn - mà không sai - nhớ lại rằng trong sự ruỗng nát của tầng lớp quý tộc hay trí thức khoa bảng tại Thăng Long và Thuận Hoá vào những năm 1770-1780, lãnh đạo nổi lên là một thanh niên rất trẻ và rất bình dân ở đất Tây Sơn!
Khi muốn làm cách mạng, người ta phải làm cho người ưa nhàn hay cả kẻ nhu nhược cũng dám từ bỏ sự ấm êm và an toàn mà bước xuống đường và đối đầu với cường quyền. Mà không chạy. Truyền thông xã hội có thể dễ dàng tìm tới người đồng tâm đồng chí - và nhất là rẻ hơn - nhưng phải tiến xa hơn vậy thì mới khiến nhiều thành phần quần chúng cùng đứng dậy và xuống đường.
Thành thử, truyền thông xã hội có thể là mạng lưới kết nạp nhân sự ban đầu để thông tin và huấn luyện ra những người sẽ huy động quần chúng vào việc thiết thực là nhập cuộc, là hành động ngay trên đường phố.
Không có cán bộ mà nhân chuyện hoa nhài lại kêu gọi biểu tình hoặc viết ra khẩu hiệu thì chỉ là đấu tranh cho vui. Trong hoàn cảnh đó, truyền thông xã hội không làm ra phép lạ rải đậu thành binh!
Nếu đã có bài bản - chiến lược chiến thuật, v.v... - và nhân sự tối thiểu, truyền thông xã hội cũng có thể tốn rất ít phương tiện - và tiền bạc - để tiến hành... "du kích chiến". Đó mở cuộc vận động vào những thời điểm và tại những địa điểm do mình chọn lựa, và cứ luân phiên như vậy khiến cường quyền lâm vào thế thụ động, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù để trù dập, làm người dân thêm khổ, thêm oán.
Khi có thể huy động được nhiều người bằng những phương tiện ít tốn kém thì các tổ chức đấu tranh sẽ bớt cần tới sự yểm trợ của bên ngoài - hay nước ngoài - và không vì nguồn yểm trợ ấy mà mất chính nghĩa. Quan trọng nhất chính là chính nghĩa và tinh thần độc lập, tại Trung Quốc hay Ai Cập đều như vậy. Làm gì mà bị nghi ngờ là có Hoa Kỳ, Saudi Arabia hay Iran tung tiền xúi giục thì cách mạng tự ý tiêu tùng.
Nếu lại còn cho biết rằng mình có Mỹ giúp đằng sau thì thà... đi kinh doanh còn hơn.
Từ đó ta suy ra một cái khó rất dễ bó cái khôn: truyền thông xã hội chỉ có tác dụng trong các xã hội đã biết sử dụng mạng lưới Internet một cách phổ biến, càng phổ biến càng có lợi. Trung Quốc có 400 triệu người có thể truy cập Internet - lợi thế vĩ đại. Nhưng xứ này cũng có bộ máy kiểm soát Internet quy mô nhất thế giới.
Nói rằng Trung Quốc có 400 triệu "công dân Internet" - Netizens - thì đừng vội cho là họ văn minh. Các chế độ độc tài thường bị "nghịch lý độc tài" là phải hiện đại hóa xã hội cho mục tiêu kinh tế và dùng phương tiện điện tử để theo kịp thế giới nên cũng tạo hoàn cảnh thuận lợi cho truyền thông xã hội. Nhưng chế độ cũng biết nắm dao đằng chuôi với các phương tiện đó. Chúng ta sẽ xét chuyện này sau.
Mà mặt trái của hiện tượng truyền thông điện tử là chỉ tập trung vào thành phố và thành phần khá giả - vốn rất ngại hai chữ "cách mạng" - chứ khó tiếp cận với những người cùng khốn và sẵn sàng hy sinh tất cả để đi làm cách mạng. Một cuộc cách mạng chỉ có thể thành công nếu huy động được nhiều thành phần xã hội khác nhau tại nhiều địa phương.
Không có điều kiện này mà đòi rải hoa nhài thì sẽ chỉ là chuyện rải đậu thành âm binh, chuyện "Cao Biền dậy non", phát động một cuộc cách mạng trong một thiểu số trí thức thành phố. Dễ bị xuyên tạc và tiêu diệt nên mất toi một thế hệ cán bộ đã đào tạo được.
Người viết hiền lành nên tránh nói về Việt Nam mà chỉ muốn ám chỉ... cuộc Cách mạng Xanh tại Iran năm 2009 khi quần chúng phẫn nộ về cuộc tranh cử tổng thống đầy gian lận vào tháng sáu mà xuống đường. Nhưng bị đàn áp oan uổng và còn bị chế độ độc tài khinh thường là "không đáng kể" hoặc xuyên tạc là trò ma của Satan Hoa Kỳ!
Còn lại, nếu phát động vài ba chuyện ngoạn mục đó chỉ để cho ngoại quốc - người Mỹ - biết rằng chúng tôi có cán bộ đấy thì đấy không là cách mạng. Mà là kinh doanh chính trị - và xúc phạm vào chính nghĩa của người dân. Phương tiện thông tin xã hội rất dễ làm cho người ta bị chiến lược vong bản này cám dỗ!
Sau cùng, trò đời có công thì cũng có thủ... Ví thử đường đời bằng phẳng cả....
***
NHUỢC ĐIỂM CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Truyền thông xã hội có ưu điểm là đi xa mà khỏi tốn tiền - hãy nghĩ đến bài toán của cụ Phan Sào Nam cách đây trăm năm cũ khi bôn ba tứ xứ để tìm người cùng chống Pháp.
Nhưng cũng vì vậy mà truyền thông xã hội lại dễ lộ mật!
Những thông điệp vu vơ hay cách mạng của Facebook có ưu điểm là ai coi cũng được. Ưu điểm ấy lại là nhược điểm khi chính quyền cũng có thể xem. Các chính quyền dân chủ biết tôn trọng pháp quyền thì còn xin trát tòa để... coi lén, xem là ai gửi cho ai xem. Cường quyền độc tài thì dễ xử trí hơn: cấm tiệt để quần chúng khỏi xem, nhưng phần mình thì vẫn xem được là ai gửi cho ai. Nhiều nhà "cách mạng" đầy nhiệt huyết đã gửi điện thư email cho các "đồng chí" trong một danh sách thoòng loòng, dại dột vì cho mọi người biết "cơ sở gồm những ai". Sự tiện lợi khiến ta lười biếng!
Kẻ gian hay cường quyền thì chỉ nắm một mối như nắm lấy cương lĩnh - định nghĩa nguyên thủy - là phăng ra tất cả.
Theo định nghĩa, cường quyền trước hết có quyền. Họ có phương tiện - người và tiền bạc - lẫn thời giờ và chỉ cần mẫn cán chờ đợi. Và vì đấu tranh cho sự sinh tồn - sự tồn tại của chế độ - họ thường mẫn cán hơn những kẻ nhịp giò đi làm cách mạng hay xúi người khác đi làm cách mạng.
Trong một quốc gia, cường quyền chờ đợi những người phát triển mạng lưới điện toán đến xin giấy phép hoạt động. Google, Facebook hay Twitter muốn vào Trung Quốc mà còn phải thỏa hiệp thì ta hiểu ra nỗi khó khăn của các cơ sở cò con. Sự thỏa hiệp đó có nghĩa là phải chia sẻ một số thông tin về người sử dụng, về địa điểm và về mạng lưới giao liên. Chia sẻ những gì, người ta không biết hết được.
Vì vậy, dùng ngả đó thì truyền thông xã hội dễ trở thành một kho thông tin chết người!
Tất nhiên là nhiều người có thể dùng kỹ thuật để giấu căn cước IP, nhưng khi cần phóng thông điệp cho đám đông dễ nhận thì chuyện dễ người dễ ta càng dễ xảy ra. Chính vì vậy mà nhiều nhà cách mạng tay mơ đã sớm bị bắt tại Ai Cập hôm mùng sáu. May là các tướng lãnh lại muốn dùng dân biểu tình để cất Hosni Mubarak đi cho nên... "cách mạng thành công" và người ta kết luận là hoa nhài tỏa hương là nhờ truyền thông xã hội.
Sau cùng, cường quyền cũng có thể gài nội tuyến ngay trên không gian ảo: cho người gia nhập để loan truyền sai những dữ kiện về thời điểm hay địa điểm hầu hóa giải chiến thuật du kích và làm tản lực các tổ chức đấu tranh.
Cho nên truyền thông xã hội có thể là con dao tiện lợi mà thế hệ trước chưa có. Nhưng thế hệ nào cũng phải biết rằng đấy là một sự tiện lợi đôi đàng, cho cả hai bên. Cuộc chạy đua giữa Thiện và Ác không hề thay đổi và cường quyền cũng có người biết về thông tin điện tử.
Mà chuyện không chỉ có vậy.
Mọi cuộc cách mạng chỉ thành công khi nhiều thành phần quần chúng cùng tham gia. Mà tham gia có nghĩa là xuống đường đấu tranh và đấu tranh có nghĩa là sẽ đối diện với đàn áp. Ngoài yếu tố lượng - phe nào đông hơn - lại còn yếu tố phẩm: phe nào quyết chí hơn?
"Động lượng" momentum hay cái trớn của cách mạng chỉ có thể thắng nếu làm bạo lực phải chùn tay, làm cho công an không dám ra tay, làm cho quân đội ngăn chặn công an. Hoặc những kẻ bảo vệ chế độ sẽ băng qua lộ gia nhập hàng ngũ cách mạng. Suốt tiến trình lâu dài và gian khổ từ khi huy động tới khi điều động là cả một sự biến báo linh động.
Lãnh đạo giỏi là người có sự biến báo ấy.
Khả năng biến báo có thể là... lá tử vi. Là sự thiên phú trời cho. Nhưng hơi hiếm vì trời thường không có mắt: cỏ dại thì sống lâu mà anh hùng thường yểu tử. Còn lại là kinh nghiệm thực. Là sự hiểu biết trực tiếp, ở tại chỗ. Truyền thông xã hội có sự tiện lợi tai hại là nhiều người chẳng cần có mặt ở tại chỗ mà vẫn có thể quyết định được.
Tức là khỏi cần kinh nghiệm, nên có khi quyết định sai! Chuyện Cao Biền dậy non là như vậy khi người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm thực. Và càng dễ phát động cách mạng trong lồng kiếng, trong không gian ảo, từ rất xa, mà khỏi cần quan tâm đến các lực lượng cũng đồng tâm đồng chí ở ngay tại chỗ để có thể phối hợp đấu tranh. Sự tiện lợi dễ sinh ra tánh chủ quan! Khi lại được truyền thông Anh ngữ phỏng vấn thì rất dễ say đòn mà tưởng thật về sứ mạng lịch sử của mình.
Chúng ta trở lại trường hợp Nguyễn Huệ - hay cả Nguyễn Ánh.
Họ đều là những người rất trẻ đã tham gia đấu tranh trực tiếp để tích lũy kinh nghiệm từ quân sự đến chính trị - mà quân sự chỉ là phương tiện của chính trị - từ chiến thuật đến chiến lược và nhất là kinh nghiệm giao tế và dùng người. Truyền thông xã hội là phương tiện đấu tranh quá tiện lợi nên không tạo điều kiện cho sự trưởng thành đó của lãnh đạo.
Mà ngoài sự mê muội của cường quyền thì đấy lại là một yếu tố thành bại then chốt!
***
Chúng ta đều nhớ đến điển tích "Chỉ thượng đàm binh" của Triệu Quát thời Chiến quốc bên Tầu, quãng 260 năm trước Công nguyên.
Là con của danh tướng Triệu Xa, Triệu Quát là điển hình của trí thức thành phố chưa từng sống chết với binh lính và thực tế của đấu tranh mà lúc nào cũng luận về việc binh. Vì "bàn việc binh trên giấy" và xa rời thực tế mà đại bại dưới tay Bạch Khởi và nướng hết 45 vạn quân trong trận Trường Bình. Sau Triệu Quát của Tầu hơn 2.200 năm thì có Robert McNamara của Mỹ...
Ngày nay, khi nghe thấy người nói rằng nhờ Facebook, You Tube hay Twitter mà cách mạng sẽ thành công thì nên xem lại, rằng đó có phải là Triệu Quát hay McNamara không!