- -Về đâu, Trung Đông-Bắc Phi? (Đất Việt)-Hàng trăm năm trước, ngã ba Á-Âu-Phi đã xảy ra nhiều cuộc chiến tương tàn vì tôn giáo, sắc tộc, lãnh thổ, giàu nghèo... Ngày nay, ngọn lửa tự thiêu của người thanh niên 26 tuổi Mohamed Bouazizi (Tunisia) đã châm ngòi cho trận cuồng phong dữ dội.Làn sóng xuống đường bắt đầu từ Tunisia đã lan nhanh sang Ai Cập – một nước lớn ở Bắc Phi. Biểu tình chống đối đồng loạt nổ ra ở Yemen, Jordani, Bahrain, bị chặn lại ở Iran, quay trở lại Bắc Phi với tầng nấc cao hơn ở Gibuti, Algieria, Morocco và đang sôi sục ở Libya. Mới hơn 1 tháng, nhưng làn sóng biểu tình tuần hành đã dẫn tới khủng hoảng chính trị, thậm chí có nước đối mặt với nguy cơ nội chiến. Quá trình này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Biến động trên có bất ngờ không?
Nguyên nhân đầu tiên là chậm đổi mới về điều hành kinh tế. So với nhiều nước châu Phi và Trung Đông khác, thu nhập đầu người hằng năm ở Tunisia (10.000 USD), Ai Cập (hơn 5.000 USD) – tính theo sức mua – không phải là thấp.
Nhưng mâu thuẫn âm ỉ ở chỗ phân phối không công bằng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều chính sách kinh tế, thương mại bất cập, phúc lợi xã hội không hợp lý… Những yếu tố trên đã làm xói mòn lòng tin của người dân.
Thứ hai, ở Tunisia, Ai Cập, Libya… quyền lực chính trị, sự lãnh đạo đất nước chỉ tập trung vào một nhóm rất nhỏ, thậm chí, chỉ có một gia đình Tổng thống. Trên tất cả là Tổng thống có quyền lực tuyệt đối với người dân, 10 triệu người ở Tunisia hay 80 triệu người ở Ai Cập. Cựu Tổng thống Tunisia Ben Aili cầm quyền liên tục 24 năm, ông Hosni Mubarak ở Ai Cập 30 năm. Trong suốt thời gian ấy, sự trì trệ chính trị ngày càng dẫn đến sự bất mãn cao độ.
Thứ ba là tác động của sự bùng nổ thông tin, có ý kiến gọi là “công nghệ lật đổ”. Điều này không có gì mới. Ở Ai Cập, Gamal Abdel Nasser lên cầm quyền năm 1954, ngoài việc lãnh đạo phong trào dân tộc Ai Cập từ 1952, còn sử dụng triệt để sức mạnh của các đài phát thanh, phương tiện thông tin nhanh nhất, phổ cập nhất thời đó.
Nay ở Bắc Phi-Trung Đông, lực lượng biểu tình lật đổ cũng tận dụng các trang mạng xã hội, điện thoại di động… để tập hợp xuống đường. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự kết nối các tổ chức trong ngoài nước, thông qua nhiều thanh niên du học về.
Bất ổn chính trị ở Bắc Phi-Trung Đông có hai đặc điểm lớn. Biểu tình lan nhanh từ nước này sang nước khác vì tương tự về kinh tế, chính trị, xã hội, liền kề về địa lý, các mâu thuẫn cơ bản khá giống nhau. Cùng là người Ả Rập, phong tục, truyền thống văn hóa chung cội nguồn, rất dễ lan truyền.
Thứ hai, các cuộc biểu tình, có nơi dẫn đến loại bỏ lãnh đạo cũ nhưng chưa có lãnh đạo mới để dẫn đường đất nước lâu dài, tạm ở thời kỳ chuyển tiếp. Có nước xuất hiện sự “dàn xếp” giữa phía chống đối và chính quyền như ở Bahrain, có nước rất căng thẳng như ở Libya. Ở Tunisia và Ai Cập, có thể thấy cái cũ đã bị xóa, nhưng cái mới như thế nào, chưa rõ. Có thể nhận thấy điều này qua khẩu hiệu biểu tình đòi người lãnh đạo cũ ra đi, còn xây dựng cái mới, chỉ xoay quanh giải quyết nạn thất nghiệp, bình ổn giá cả, chống tham những, đòi dân chủ…
Hơn nước nào hết, Mỹ đã có những lời nói và hành động vì quyền lợi lớn của mình ở khu vực này. Mỹ đặc biệt quan tâm đến Ai Cập, Bahrain, Iran hơn những nơi khác. Vì sao?
Sau cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez 1956, ảnh hưởng của Anh và Pháp giảm nhiều, Mỹ tăng lên. Đến cuộc “chiến tranh 6 ngày” năm 1967, Ai Cập mất bán đảo Sinai vào tay Israel, Tổng thống Ai Cập lúc đó là El Sadat ngả dần về Mỹ, rời bỏ sự giúp đỡ từ Liên Xô. Đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Ai Cập hơn 30 tỷ USD. Phía Bắc Ai Cập là Địa Trung Hải, có Hạm đội 6 của Mỹ ngày đêm án ngữ. Từ 1971, Anh rút khỏi Bahrain, Mỹ thay chân. Ở Bahrain, Mỹ có sở chỉ huy Hạm đội 5, Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) đảm trách Trung Đông – Trung Á có 23 vạn quân gồm 16 vạn lục quân, 3 vạn không quân, 2,8 vạn hải quân, 1 vạn hải quân đánh bộ cùng nhiều phương tiện, vũ khí rất hiện đại.
Như vậy, trên cả hai phương diện kinh tế và quân sự, Mỹ rất có nhiều quyền lợi ở khu vực. Trước “cách mạng hoa nhài”, báo cáo tình báo dày 19 trang đã báo động cho Mỹ ngọn lửa có thể bùng lên ở khu vực, nhiều nơi từ mức vàng lên da cam và cao hơn. Mỹ hiểu không thể giữ nguyên trạng, nhưng muốn sự thay đổi theo kịch bản của Mỹ, từ ổn định đến mất ổn định, rồi ổn định theo mô hình Mỹ.
Ai Cập đang khôi phục trật tự, tạm thời ổn định để hướng tới tổng tuyển cử trong 7 tháng nữa. Ở Libya, chính quyền vẫn tỏ thái độ cứng rắn. Cuộc khủng hoảng Bắc Phi-Trung Đông đã gióng lên tiếng chuông về sự cần thiết thay đổi trong điều hành kinh tế-chính trị gắn với xã hội. Từng nước sẽ tìm ra con đường phù hợp nhất cho mình. Dù là con đường nào, sẽ ổn định lâu dài nếu đại đa số yêu cầu của dân chúng được đáp ứng.
Lịch sử cứ 10 năm có biến động lớn cho 1 quốc gia lớn hay 1 khu vực. Năm 2001, chứng kiến nước Mỹ bị khủng bố ngay tại New York. Bắc Phi-Trung Đông gắn với người dân Ả Rập, với đạo Hồi. Vì thế, có thể nhận thấy: các nước lớn, kể cả Mỹ, cũng không đủ “lực” để xếp đặt sự việc theo ý mình. Sự kiện tháng 1.2011 sẽ gây ra nhiều dư chấn trong quan hệ quốc tế thế kỷ XXI.