Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Vì sao tương lai của Việt Nam không đến nỗi bi đát?

Vì sao tương lai của Việt Nam không đến nỗi bi đát?
Vietnam Business News-Ngày 24-2-2011
Michel Tosto, giám đốc phụ trách bán hàng và môi giới ở công ty chứng khoán VietCapital, nói về GDP, dự trữ ngoại hối của Việt Nam và niềm tin vào đồng nội tệ của nước này.
Nhiều người có cái nhìn bi quan về viễn cảnh của Việt Nam, nhất là khi nói về triển vọng của cán cân thanh toán. Ông thì lạc quan hơn. Vì sao vậy?
Tôi nghĩ mọi người đặt nặng quá vấn đề chứng khoán mà không thật hiểu về cách vận hành của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vẫn còn tồn tại những thách thức, nhưng những nỗi lo sợ đã bị thổi bay rồi. Nhiều người dồn chú ý vào thâm hụt mậu dịch, khoảng 12 tỷ USD trong năm 2010, hay là tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng ít ai thấy được rằng thâm hụt đã được bù đắp còn nhiều hơn thế bởi dòng chảy vào 11 tỷ USD tiền vốn đầu tư trực tiếp, 8 tỷ USD kiều hối và 2 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức, cho chúng ta một luồng vốn ròng đầu vào, trên lý thuyết, là xấp xỉ 9 tỷ USD, hay là 9% GDP. Luồng vốn chảy vào Việt Nam này còn được kỳ vọng sẽ tăng lên trong năm 2011, trong khi đó thâm hụt mậu dịch chắc chắn sẽ giảm xuống, bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục cao hơn tốc độ nhập khẩu.
Điều tương tự cũng xảy ra với lãi suất cơ bản. Người ta đang tập trung chú ý vào mức lãi suất cơ bản chính thức 9%, thấp hơn tỷ lệ lạm phát 12% một khoảng 300 điểm cơ bản (điểm cơ bản [basis point] được định nghĩa là 0,0001 hoặc là 0,01%. Ví dụ nếu lãi suất tăng từ 6% lên 8% có nghĩa là nó đã tăng lên 200 điểm cơ bản, hay là tăng 2 điểm phần trăm – ND). Nhưng ít người để ý rằng lãi suất chiết khấu ở các ngân hàng đang nằm trong khoảng 12% đến 14%, còn lãi suất cho vay thì từ 18% đến 20% – không hề thấp dù theo bất cứ tiêu chuẩn nào.
Cuối cùng, tôi muốn chỉ ra rằng vào năm 2008, một vài ngân hàng đầu tư lớn đã ra báo cáo đánh động về một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán kiểu Thái Lan, đang sắp diễn ra. Họ trích dẫn những lý do tương tự như lý do người ta bây giờ đang đưa ra. Chẳng bao lâu sau những báo cáo đó, các quỹ bảo hiểm chống lạm phát toàn cầu đã bán tháo trái phiếu Việt Nam đồng của họ với bất kỳ mức giá nào, doanh thu lên tới 21%. Những người mua các trái phiếu đó đã thực hiện thương vụ hời nhất năm, nhất là khi cuộc khủng hoảng ấy đã không bao giờ xảy ra.
Trở lại với con số dự trữ ngoại tệ, chúng ta có thể tin được vào số liệu được cung cấp không? Nhiều người lo ngại rằng lượng dự trữ ngoại tệ thật sự của Việt Nam chưa được báo cáo chính xác…
Chắc chắn là dòng ngoại tệ ròng chảy vào kho dự trữ ngoại tệ của Việt Nam nhỏ bé hơn rất nhiều so với con số 9 tỷ USD trên lý thuyết, do cái gọi là “rò rỉ nội bộ”: Về căn bản, dân chúng bán tiền đồng đi để mua các phương tiện dự trữ giá trị khác, là đôla Mỹ và vàng. Những dòng vốn đó rất khó ước đoán, nhưng chúng tôi không tin rằng chúng lớn một cách bất thường, phản ánh một sự thiếu tin tưởng vào tiền đồng. Một số người cho là các dòng ngoại tệ và vàng bị găm giữ đó cao đến mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã thu hẹp trong năm 2010, đẩy đất nước tới gần một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Mặt khác, Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính dự trữ ngoại tệ đã tăng 2,6 tỷ USD trong năm 2010 và họ kỳ vọng con số sẽ tăng cao hơn vào năm 2011. Lượng dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam là một thông tin không được công khai. Thị trường tự điều chỉnh đã khiến dự trữ ngoại hối hiện giờ đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, nhưng chẳng ai chắc chắn được về con số đó. Cũng có người nói là Việt Nam có 2-3 kho dự trữ ngoại hối bí mật với quy mô xấp xỉ nhau, điều này có lẽ cũng đúng, ở một chừng mực nào đó.
Ông có nghĩ Việt Nam quá phụ thuộc vào hàng nhập khẩu?
Nhờ vào mức tiền công, tiền lương thấp và người dân lao động cần cù, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt vào những ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, do đất nước này vẫn còn trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nên họ cần nhập khẩu máy móc và nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu đó. Ví dụ, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn về hàng dệt – ngành nhập khẩu phi nhiên liệu lớn nhất của nền kinh tế – nhưng phần lớn số hàng dệt nhập khẩu này lại được tái xuất dưới hình thức hàng may mặc, là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong ngành đồ gỗ và nội thất cũng vậy. Điều đó hàm ý rằng nếu một ngày nào đó, việc xuất khẩu bất thình lình bị đình lại, nhập khẩu cũng sẽ giảm rất mạnh. Sẽ là thiển cận nếu vẽ ra một kịch bản khủng hoảng BOP mà không xem xét xem nhập khẩu sẽ giảm tới mức nào nếu xuất khẩu đột nhiên chấm dứt.
Ok, vậy các vấn đề có thể không tồi tệ như chúng tỏ ra thế – và dự trữ ngoại hối có thể cao hơn mức nhiều người tưởng. Nhưng có một sự mất tin tưởng vào đồng Việt Nam, ông có nghĩ vậy không?
Rõ ràng. Bất ổn vĩ mô thật sự đối với Việt Nam bắt nguồn từ việc người dân mất lòng tin vào tiền đồng, do tốc độ in tiền cao, lạm phát cao và những lần phá giá nối tiếp nhau mỗi khi tỷ giá USD/VND trên chợ đen vượt ra ngoài biên độ chính thức mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp đặt. Dân chúng vẫn nhớ rõ mồn một thập niên 80 của thế kỷ trước – khoảng thời gian mà lạm phát ba con số bùng nổ không kiềm chế được, khi ấy giá một bao thuốc lá chỉ là 2 đồng. Bây giờ, cũng bao thuốc lá như thế, giá lên tới 70.000 đồng. Tất nhiên đất nước đã trải qua một chặng đường rất dài từ hồi đó tới nay, nhưng ký ức về thời lạm phát trước kia vẫn còn tươi rói trong trí óc nhiều người Việt Nam, và vì thế họ phải bảo hiểm cho tiền tiết kiệm của mình.
Vào ngày 11-2, tỷ giá USD/VND đã được ngân hàng nhà nước điều chỉnh từ 18.932 lên 20.693 – chính thức phá giá 9,3%. Nhưng ông vừa lập luận rằng chuyện đó không quan trọng lắm. Vì sao vậy?
Việc phá giá đã được nhiều người dự đoán và đã được xác định trước rồi. Bạn thấy đấy, lãi suất liên ngân hàng đã ở mức 20.800 trước đợt phá giá. Do đó khi nó tăng lên thành 20.915 sau lần phá giá ngày 11-2, các nhà đầu tư không bị sốc bởi một tỷ lệ phá giá thực chất chỉ là 0,1%, chứ không phải 9,3% như những dòng tít lớn trên báo chí phản ánh. Vào ngày hôm đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng lên 21.405, nghĩa là mất giá 0,28%, nhưng cũng không có gì đáng báo động cả. Có vẻ như những người bị sốc là những người không theo sát tình hình Việt Nam. Điều mà đợt phá giá thật sự thay đổi là nó làm cho các nhà quản lý quỹ nước ngoài và các công ty tham gia vào mậu dịch quốc tế dễ dàng mua bán tiền tệ hơn và không phải trả cái mà người ta gọi là “thuế của Việt Nam”, tức là bán USD ở tỷ giá chính thức 19.500 (trước khi phá giá), trong khi lại mua USD ở tỷ giá thực tế 20.800 (về bản chất là 19.500 cộng với xấp xỉ 7% “phí ngân hàng”).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây bóng gió rằng họ sẽ theo đuổi một hệ thống quản lý tiền tệ linh hoạt hơn – có vẻ sẽ là cơ chế tiền tệ gần như thả nổi. Tiền đồng được neo vào USD và trên lý thuyết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp vào thị trường để duy trì hối suất. Sự thực là Ngân hàng Nhà nước hiện tại chưa làm thế và họ muốn để nội tệ yếu còn hơn là làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Cơ chế vận hành như thế này: Đầu tiên, thị trường liên ngân hàng dịch chuyển ra ngoài biên độ mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, giữ như thế một thời gian, sau đấy Ngân hàng Nhà nước chính thức phá giá đồng tiền để đạt tỷ giá thị trường liên ngân hàng đó.
Thế thì phá giá tiền tệ như vậy có đáng không?
Mặc dù ít nhiều cũng cần thiết để làm cho thị trường ngoại tệ vận hành đúng đắn hơn, song phá giá nội tệ sẽ chỉ làm tồi tệ thêm vấn đề, do nó làm cho lạm phát căng thẳng hơn (có lẽ không nhiều hơn mức 1%) và do nó khiến mọi người nghĩ rằng trong tương lai, sẽ còn nhiều lần phá giá tiền nữa. Cả hai điều ấy đều là nguyên nhân gốc rễ cho tâm lý không tin tưởng vào đồng Việt Nam. Giải pháp thay thế cho việc phá giá lẽ ra nên là duy trì tỷ giá hối đoái và cái gọi là “thuế của Việt Nam” mà tôi vừa giải thích. Như thế sẽ không có lợi cho hoạt động kinh doanh, nhưng cuối cùng có lẽ giải pháp này sẽ cho dân chúng thấy rằng họ nên bán USD và vàng thay vì găm giữ chúng, và tận dụng tỷ lệ lãi suất tiền đồng tương đối cao (14% so với 6% nếu gửi bằng USD). Theo ước đoán, Việt Nam có 800 tấn vàng dự trữ và khoảng 28% tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, chủ yếu là USD. Như vậy là xấp xỉ 50% GDP đã bị găm giữ dưới hình thức “dự trữ giá trị”. Đảo ngược các dòng chảy nội tệ, ngoại tệ và vàng, có thể giúp Việt Nam đồng tăng giá đáng kể.
Đồng thời, chúng tôi cho rằng Việt Nam nên theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để có thể kiểm soát thành công tốc độ tăng tiền cũng như lạm phát, chấm dứt tâm lý găm giữ ngoại tệ, và sau cùng sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Khi nói ra điều này, chúng tôi đồ rằng chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên tăng trưởng và nói chung là sẽ cảm thấy miễn cưỡng nếu phải thắt chặt chính sách tiền tệ vì sự ổn định vĩ mô. Họ muốn tăng trưởng, và họ muốn tăng trưởng ngay bây giờ. Quan điểm của họ là tăng trưởng kinh tế dưới 6% sẽ đưa đến tình trạng số công ăn việc làm được tạo ra ít hơn so với số lao động gia nhập thị trường, và dẫn đến mất ổn định chính trị xã hội. Tuy nhiên khi tăng trưởng trở nên quá nóng, chính phủ thật sự đã nhận ra rằng cần phải làm gì đó cho dù đã muộn.
Thực tế là, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện một số việc nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất hiện khá cao (như tôi vừa nói ở trên) và tốc độ tăng trưởng tín dụng quả thật đã giảm mạnh trong tháng giêng, chỉ tăng có 0,35% so với mức tăng 2,4% hồi tháng 12; tuy nhiên vào ngày 17-2, ngân hàng trung ương đã tuyên bố tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 200 điểm cơ bản – đó là mức lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng đối với các ngân hàng thương mại vẫn còn cầu thanh khoản chưa đáp ứng được vào cuối mỗi ngày làm việc. Tuyên bố này không có gì đáng lo ngại bởi phần lớn ngân hàng, ngoại trừ những ngân hàng nhỏ nhất, không sử dụng chính sách lãi suất tái cấp vốn, nhưng nó được coi là một bước đi đúng hướng. Vào ngày 18-2, Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố rằng họ đang cố gắng thuyết phục chính phủ cho phép hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay – vốn là một trong những động lực của việc tăng cung tiền. Chính phủ cần phải hành động gấp, vì tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã di chuyển đến mức 22.500 kể từ lần phá giá gần đây nhất, do nhà nước không có chính sách nào để thay đổi tình hình. Chúng tôi mong đợi chính phủ có những hoạt động chính sách mạnh mẽ hơn trong những tháng tới đây, vì chúng tôi tin là còn cần phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây, đối với Việt Nam?
Việt Nam đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế vĩ mô, đồng thời vẫn ít được cộng đồng đầu tư quốc tế đầu tư xứng tầm. 2010 chắc chắn là năm của những thị trường đang nổi lên, và chúng ta đã chứng kiến dòng vốn khổng lồ đổ vào các thị trường đó cùng quá trình tăng tỷ lệ giá trên thu nhập (tức chỉ số P/E, price-to-earnings: đo lường số tiền mà nhà đầu tư trả cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu – ND). Thế nhưng trong năm 2010, Việt Nam chỉ nhận được một phần rất nhỏ bé dòng tiền nóng rót vào thị trường. Tôi ước tính rằng không đầy 20% tổng nguồn vốn vào thị trường chứng khoán đến từ dòng tiền nóng đó. Hiện nay, trong khi nhiều thị trường nổi lên đang đầu tư ròng những khoản khổng lồ ra bên ngoài, thì Việt Nam nằm trong số ít những nước trong khu vực vẫn phải nhận vốn đầu tư ròng từ bên ngoài cho thị trường chứng khoán. Hơn nữa, định giá chứng khoán vẫn rất thấp so với mức trung bình của khu vực, với tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 10, và một số công ty vẫn tìm cách nâng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (earnings-per-share) thêm 20%.
Người dịch: Thủy Trúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang