Le Monde- Philippe Delalande
Ngày 9-2-2011
Việt Nam thường là một hình ảnh xấu trên mặt báo châu Âu: một đất nước có chế độ cộng sản toàn trị có rất ít tự do. Các nhà bình luận bỏ qua đất nước Đông Nam Á nghèo này. Các cơ quan tài chính quốc tế cáo buộc Việt Nam quá ưu tiên và từ chối tư nhân hóa khu vực công, tiền tệ không có khả năng chuyển đổi, rào cản của những quy tắc thị trường. Điều này đang thay đổi.
Trong số các nước mới nổi, nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) thu hút mọi sự chú ý. Nhưng những chữ viết tắt mới đang nở rộ, VISTA (Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina) hay CIVETS (Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi). Chữ “V” của Việt Nam có mặt ở hai chữ viết tắt này. Từ vị trí không đáng kể, Việt Nam trở thành đất nước hứa hẹn. Nó đã trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới với mức tăng trưởng 5,3% năm 2009, 6,5% năm 2010 và chắc chắn sẽ đạt gần 7% năm 2011. Như thế không phải là tệ! Theo khảo sát của BVA Gallup về mức độ lạc quan ở 53 nước, Việt Nam đứng đầu bảng – dấu hiệu năng động của xã hội mà bề ngoài không mấy bị phiền toái bởi bản chất của chế độ.
Song những khó khăn hiện tại của đất nước, vào đầu năm 2011, là nghiêm trọng. Một cán cân thanh toán rất thâm hụt làm khô cạn dự trữ ngoại hối, gần như bằng không; một mức lạm phát đến 13% năm 2010, khiến xã hội bất bình; việc hầu như phá sản, lừa đảo của doanh nghiệp nhà nước Vinashin, để lại cho Nhà nước một khoản nợ 5 tỉ đôla, dấu hiệu của tham nhũng tràn lan. Chính trong hoàn cảnh này, thuận lợi về dài hạn nhưng khó khăn trong ngắn hạn, đã diễn ra Đại hội Đảng cộng sản từ ngày 12 đến 19/1. Hoàn cảnh tương phản giải thích phần nào kết quả của Đại hội. Liệu họ có thể chịu rủi ro trước những khó khăn hiện tại?
Các văn kiện đã được thông qua, gồm báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, không làm ngạc nhiên: cải thiện hoạt động của đảng, tăng tổng sản phẩm quốc nội gấp 2,2 lần từ nay đến 2020, tiếp tục con đường Đổi mới một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế thị trường bên ngoài, tiếp tục công nghiệp hóa, cải thiện bảo trợ xã hội, cơ sở hạ tầng, đào tạo, quản lý khu vực công, môi trường, đấu tranh chống tham nhũng…
NHỮNG ĐỔI MỚI KHIÊM TỐN
Phương thức bổ nhiệm các lãnh đạo mới đã gây thất vọng. 10 tỉnh thành trước đó đã thực hiện thí điểm bầu trực tiếp bí thư ở các hội nghị đảng bộ diễn ra trước đại hội toàn quốc. Một ban của đảng chịu trách nhiệm nghiên cứu áp dụng quy trình này ở đại hội toàn quốc. Đổi mới này đã có thể mở ra một cuộc tranh luận về bầu cử trong 3,5 triệu đảng viên, những người này giới thiệu đại biểu của mình để đại biểu dự đại hội lựa chọn. Đó đã có thể là một bước tiến dân chủ trong nội bộ đảng. Nhưng đã không có gì xảy ra. Ban chấp hành Trung ương khóa trước, vào tháng 12/2010, đã “giới thiệu” tên của vị tổng bí thư tương lai và tên những thành viên chủ chốt trong Bộ Chính trị cũng như chức vụ của họ trong Nhà nước, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội. Chính BCH TƯ do đại hội bầu ra sau đó đã bầu Bộ Chính trị theo những giới thiệu của BCH TƯ. Sự kết nạp đã phát huy những thỏa thuận của nó trong bóng tối hoàn toàn.
Những đổi mới là khiêm tốn. 9 năm sau Trung Quốc, đại hội đã mở cánh cửa của đảng cho các chủ doanh nghiệp tư nhân, bằng cách sửa điều 1 của điều lệ với 74,5 % số phiếu tán thành của 1 376 đại biểu. Số lượng ủy viên BCH TƯ đã tăng từ 160 lên 175 để các tỉnh thành có nhiều đại diện hơn, và để giảm số lượng những người thất vọng trong số 218 ứng viên.
Lý luận là tính cách của tân tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng, một trong 9 ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Nhưng ở Việt Nam, tổng bí thư chỉ là một primus inter pares – người đứng đầu bình đẳng – trong một ban lãnh đạo tập thể. Cũng như người tiền nhiệm, ông từng đảm nhận chức chủ tịch Quốc hội. Mối quan hệ tin cậy giữa Bộ Chính trị và Quốc hội, và sự gắn kết của Bộ Chính trị là những chìa khóa để chế độ vận hành tốt. Chính sự thực thi quyền lực sẽ thử thách sự gắn kết này. Liệu Đại hội XI là một đại hội của sự tiếp nối do những khó khăn kinh tế hiện tại đặt ra, hay là một đại hội của sự bất động, nguy hiểm cho tính bền vững của chế độ? Tương lai sẽ trả lời.
Philippe Delalande là nhà kinh tế học, tác giả cuốn Việt Nam, con rồng quyền lực (L’Harmattan, 2007), Việt Nam đối mặt với tương lai (L’Harmattan, 2000). Trước đây ông từng là Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan liên chính phủ Pháp ngữ trong 5 năm tại Hà Nội.
Người dịch: Văn An