"Việc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập tại quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình, ổn định ở khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai; cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Tuổi trẻ |
Về phản ứng của Việt Nam khi mạng nước ngoài đưa tin Trung Quốc đang nghiên cứu về biển Đông trong đó có khu vực nam Trường Sa của Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói:
"Lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông, về Trường Sa, Hoàng Sa đã được nói rất rõ nhiều lần. Biển Đông rất rộng, bao gồm rất nhiều khu vực khác nhau. Cần phải biết các nghiên cứu được tiến hành ở những địa điểm cụ thể nào" mới có thể đưa ra phản ứng cụ thể.
Khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton ngày 15/02/2011 về tự do Internet, trong đó có đề cập đến Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:
“Ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của mọi người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế.
Internet được tạo điều kiện thuận lợi và đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tính đến tháng 12/ 2010, có gần 26,8 triệu người tại Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 31,11% dân số, trong đó có hơn 1,5 triệu blog cá nhân. Tuy nhiên, cũng như ở các quốc gia khác, mọi thông tin trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.
Ở Việt Nam, mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ, đồng thời phải tôn trọng pháp luật. Người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật .
Chúng tôi cho rằng trong quan hệ giữa các quốc gia, mọi khác biệt cần được trao đổi trên tinh thần xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Về sự cố đáng tiếc có liên quan tới tàu chở khách du lịch bị đắm tại Vịnh Hạ Long vào sáng sớm17/2 khiến 12 người thiệt mạng (gồm 10 khách nước ngoài và 2 khác người Việt Nam), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: "Việt Nam vô cùng lấy làm tiếc khi được biết về thông tin này. Khi sự cố xảy ra, các nhân viên trên tàu đã cố gắng tìm cách khắc phục, thông báo cho hành khách trên tàu và triển khai biện pháp cứu hộ. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, chỉ đạo trực tiếp công tác cứu hộ và khắc phục sự cố. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để xử lý vụ việc trên. Nguyên nhân tai nạn được xác định là ở vỏ tàu". Trả lời câu hỏi: Đây là vụ đắm tàu thứ 2 trong khoảng 1,5 năm trở lại đây và về vấn đề tiêu chuẩn an toàn trên biển ở khu vực Vịnh Hạ Long, vụ việc trên có ảnh hưởng tới ngành du lịch Việt Nam hay không, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: "Đây là một sự cố hết sức đáng tiếc. Những sự cố như thế này không thường xuyên xảy ra tại Hạ Long. Trong rất nhiều năm nay Vịnh Hạ Long đón tiếp rất nhiều khách du lịch nhưng đây là một trong những trường hợp rất hi hữu và rất đáng tiếc. Sau sự cố này, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như các công ty kinh doanh du lịch Việt Nam nghiêm túc xem xét lại nguyên nhân của sự việc này để có những biện pháp nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho du khách tới thăm quan Hạ Long. Để Vịnh Hạ Long cũng như cả Việt Nam nói chung tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với du khách quốc tế". |
Nguyễn Hường