Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Xoặc Cẳng Đo Xem...

-Xoặc Cẳng Đo Xem...Kinh Tế Cũng Là Chính Trị   
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20110214  

Lò Xo Kinh Tế Nỗi Lo Thiên Triều  

-Sau 18 ngày biến động, Ai Cập nhặt lại tờ lịch năm 1952 khi quân đội lãnh đạo và cầm quyền để xây dựng một chế độ chính trị đã tồn tại được gần sáu chục năm.

Là định chế vững mạnh và có uy tín trong xã hội, quân đội giải tán Quốc hội và cai trị ngoài hiến pháp, nay đã thành giấy lộn, cho đến khi xây dựng được một chính quyền dân sự khác. Lạc quan thì mất sáu tháng, thực tế có khi là nhiều năm. Điều mọi người mong là chính quyền ấy sẽ dân chủ hơn. Nhưng, ngoài vấn đề an ninh và những suy tính của lực lượng "Huynh đệ Hồi giáo", điều mà mọi người lo trước mắt là chính quyền quân sự lâm thời sẽ giải quyết hồ sơ kinh tế ra sao: Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Hosni Mubarak chính là kinh tế.

Căn bệnh này thì các ngự y của Thiên triều tại Bắc Kinh cũng hiểu.


***


CÁI LÒ XO KINH TẾ


Một bóng ma - không, sức ép - đang ám ảnh nhiều quốc gia, đó là nạn thanh niên thất nghiệp. Dù tốt nghiệp đại học cũng thất nghiệp. Càng thất nghiệp.

Các chế độ độc tài muốn canh tân quốc gia nhờ giáo dục và nâng cao năng suất nhờ đào tạo thì cũng mở tầm nhìn của tuổi trẻ. Khi tuổi trẻ thấy tương lai mờ mịt vì kiếm việc không ra, họ khó chấp nhận được hiện tại mà họ biết là bất công. Các chế độ độc tài từ Bắc Phi qua Trung Đông đều bị chung hiện tượng "nghịch lý của độc tài": canh tân đất nước lại gây nguy cơ cách mạng.

Ai Cập có mức thất nghiệp gần 10% nhưng đã lật vì 24% những người trẻ, tuổi từ 15 đến 29, lại không có việc làm. Đó là lò xo ở dưới.

Nhìn lại thì kinh tế Trung Đông đã bị đông lạnh từ mấy chục năm nay mà cứ tưởng là phồn vinh chỉ nhờ dầu hỏa. Nhà nước ở trên phân phối sự thịnh vượng đó theo kiểu ưu tiên cho cây nhà lá vườn, ấn bản Á Rập của "chủ nghĩa tư bản thân tộc" - crony capitalism - được các nước tư bản ngợi ca và các thân tộc bảo vệ.

Cả một thế hệ lớn lên với ảo tưởng là rồi cũng sẽ làm quan, tức là chui vào hệ thống thân tộc ấy để làm giàu.

Nhưng sau khi tốt nghiệp và đã hiểu biết hơn, họ thấy khó chen chân vào hội lạc nếu không có quan hệ, mà tư doanh ờ ngoài lại không kịp tạo ra việc làm cho họ. Chế độ phúc lợi như mưa móc ở trên ban xuống không rơi đến họ.

Dân số trẻ và giáo dục cao là hai làn sóng ngầm đã xoi mòn hệ thống kinh tế chính trị mà nhiều người lại nhìn không ra. Như ở nhiều quốc gia khác.

Thế rồi, trên thượng tầng chính trị của quyền lực và quyền lợi, một chốt bật khác càng thúc đẩy biến cố người ta lạc quan gọi là "cách mạng".

Sau 30 năm củng cố chế độ, với doanh gia khoác áo chính khách và chia quyền cùng các tướng lãnh làm chủ các cơ sở "quân doanh" - kinh doanh của quân đội - một thế hệ chính khách và doanh gia trẻ hơn đã xuất hiện.

Họ muốn "đổi mới kinh tế", sửa lại luật chơi và giảm dần vai trò của hệ thống doanh nghiệp nhà nước để tư doanh và các cơ sở khác - của họ - cùng tham dự cuộc chơi. Họ cũng sinh hoạt chính trị, tham gia nội các và đe dọa quyền lợi của các đại gia và công thần, cả dân lẫn quân sự.

Là doanh gia thành công, con trai của Hosni Mubarak đã xây dựng thế lực trong nhóm này và mơ ngày lên làm Tổng thống. Vì vậy, nhà độc tài Mubarak lãnh thêm tội "gia đình trị", có ý đồ "cha truyền con nối". Làm chủ một sản lượng kinh tế từ 15% đến 30% tổng sản lượng quốc gia, quân đội càng phải sớm cất chiến hữu Mubarak qua một bên. Giải pháp lý tưởng là nhờ quần chúng xuống đường yểm trợ một vụ đảo chánh, được trình bày như một cuộc cách mạng.

Bây giờ, nếu quân đội cầm quyền mà dân vẫn cầm bát mẻ và các đại gia ở trên lại tái phối trí cơ sở để duy trì đặc quyền đặc lợi cũ thì đảo chánh giả sẽ thành cách mạng thật.

Có thể lắm!

Vì sau gần ba tuần làm nên lịch sử, quần chúng trở về nhà tự hỏi là "có vậy thôi à?" Và nhìn vào khạp gạo mà giật mình: Ai Cập phải nhập cảng lương thực, mà lương thực trên toàn cầu lại trở thành khan hiếm như thời 1995-1996 và sẽ vọt tăng giá như thời 2007-2008. Các tướng lãnh có thể lập ra nội các gồm nhiều chuyên gia để lo việc quốc kế dân sinh, nhưng nếu không sớm tạo ra phép lạ, họ sẽ là phù thủy gặp âm binh.

Lò xo kinh tế sẽ bật - ròn rã hơn cò súng.


***


NỔI LO THIÊN TRIỀU


Ngoài một chuỗi 16 quốc gia trong khu vực MENA - Trung Đông và Bắc Phi, Middle East and North Africa - có một đại gia ở rất xa cũng thấy giật mình về "hiệu ứng Ai Cập". Đó là Thiên triều tại khu vực Trung Nam Hải ở Bắc Kinh.

Trung Quốc đang bị một trận hạn hán nguy kịch nhất kể từ 60 năm nay. Cũng ở trong tình trạng vặt mũi bỏ mồm, xứ này có sản lượng lương thực cao nhất thiên hạ mà nhập cảng ngũ cốc nhiều nhất thế giới. Hạn hán sẽ đánh lủng nồi cơm của nhiều người. Dù chỉ chừng 10% dân số bị đói hoặc thấy là mình đói thì cũng là 130 triệu dân!

Lương thực khan hiếm càng thổi bùng lạm phát, chính thức thì hơn 5% mà thực tế có thể là gấp đôi. Tuần qua, khi Ngân hàng Nhà nước Bắc Kinh tăng lãi suất 25 điểm căn bản (0,25%) mà lãi suất huy động ký thác chỉ có 3%, bằng 60% mức lạm phát chính thức, thì dân có tiền tiết kiệm coi như vẫn mất béng 40% tiền gửi ngân hàng! Lãi suất sẽ còn tăng và lạm phát - cái lò xo kinh tế của vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989 - sẽ còn bật lên trời. 

Thiên triều ở trên có biết sợ.

Ngay trước mắt, hoặc sau lưng, chế độ Bắc Hàn đang bị nạn đói nên gõ cửa Thiên triều xin gạo. Nhìn qua khu vực Á Rập, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu ra quy luật đồng thanh tương ứng: cùng nguyên nhân thường dẫn tới cùng hậu quả.

Chế độ lừa phỉnh bao tử người dân ở lý luận: đảng đem lại cơm áo cho nhân dân. Lừa phỉnh vì đảng không làm ra tiền, chính là sức lao động và sản xuất của người dân mới cải thiện cuộc sống. Đảng không làm ra tiền, nhưng các đại gia của đảng thì hái ra tiền nhờ hệ thống kinh tế bất công ấy.

Chế độ lừa phỉnh cái đầu của người dân ở lý luận khác: đảng đem lại uy thế cho quốc gia. Lừa phỉnh vì uy thế không chỉ là sản lượng hay võ khí mà còn là khả năng hành xử văn minh và biết điều. Sản lượng là do người dân tạo ra mà võ khí lại tập trung vào nhà nước, với ngân sách cho cảnh sát võ trang còn cao hơn cho "Giải phóng quân" thì ngòi lửa Ai Cập rất dễ bén vào Trung Nguyên.

Trong khi ấy, tin tức bên trong lại có chiều nổi cộm.

Sau Tết nhất Tân Mão, người ta khám phá một sự lạ: quốc gia đông dân nhất địa cầu lại... thiếu lao động!

Từ sáu bảy năm nay, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để hội nhập vào kinh tế thế giới và sau khi lãnh đạo ra sức hội nhập các tỉnh lạc hậu bên trong vào công cuộc phát triển, Bắc Kinh nghiệm thấy một điều: trước và sau Tết, kinh tế vẫn có nhiều tháng mà doanh nghiệp tạm thời thiếu nhân công.

Lý do là hàng ngũ mấy trăm triệu "dân công" từ các tỉnh nghèo đói tìm ra nơi có việc tại khu vực duyên hải lại về quê ăn Tết.

Họ ăn rất khoẻ nên gây áp lực lạm phát từ cuối năm đến đầu năm! Họ sợ kẹt đường nên rời xưởng lên xe rất sớm và lên đường kiếm việc khá trễ sau Tháng Giêng. Từ 2004 đến nay, chu kỳ nhất thời khan hiếm lao động như vậy đã là quen thuộc - và bình thường. Chuyện bất thường là hiện tượng nhất thời ấy lại trải rộng trong suốt năm 2010 vừa kết thúc: Cục Thống kê Quốc gia vừa cho biết là bốn mùa trong năm qua đều có nạn khan hiếm lao động!

Lý do thì có nhiều lắm, kể ra chỉ được một phần.

Chính sách "mỗi hộ một con" được áp dụng từ năm 1970 đã có hiệu quả: thành phần ở tuổi lao động sung mãn nhất, từ 30 đến 40, đang giảm dần! Trong làn sóng dân công, lớp tráng niên ở tuổi 25-35 cũng ít dần. Vài chục năm nữa sẽ là hiện tượng lão hóa dân số, người già chiếm tỷ lệ cao hơn. 

Mà chẳng đợi vài chục năm nữa.

Ngay trước mắt thì cái vựa người là làn sóng dân công từ bên trong đổ ra ngoài kiếm việc cũng cạn dần. Chính sách "Tây tiến", chuyển dịch đầu tư từ khu vực duyên hải vào các tỉnh lạc hậu trong nội địa, đã phần nào hiệu quả. Các tỉnh như Tứ Xuyên, An Huy hay Hồ Bắc nay cần nhân công chẳng kém gì các tỉnh miền Đông. Dân công thích ca bài "anh ở lại nhà" vì vật giá trong nội địa rẻ hơn ở vùng duyên hải.

Và phép lạ kinh tế Trung Quốc như một tấm huy chương cũng lật ra mặt trái của nó.

Xứ này khai thác lợi thế người đông lương rẻ để tranh thủ thị trường thế giới. Lợi thế ấy đang mất dần. Người vẫn đông mà lương hết rẻ, từ năm ngoái công nhân đã biểu tình đòi tăng lương. Người vẫn đông mà doanh nghiệp lại thiếu nhân công nên lương sẽ chỉ tăng chứ không giảm.

Và chiến lược kinh tế thâm dụng nhân công - thay vì thâm dụng tư bản bằng kỹ thuật cao - lại dẫn tới một nghịch lý... Ai Cập: thành phần tốt nghiệp trung học hoặc thấp hơn thì dễ kiếm việc hơn trong những ngành cần bắp thịt hơn kiến thức. Kế tiếp là thành phần tốt nghiệp cao đẳng chuyên môn. Ngược lại, dân tốt nghiệp đại học lại khó kiếm việc nhất! Trong thập niên vừa qua, dân số tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc tăng gấp năm và đang đôn quân cho hàng ngũ thất nghiệp.

Tức là sau khi đầu tư công sức và tiền bạc để có kiến thức cao hơn, thanh niên có học tại Trung Quốc lại khó kiếm việc hơn. Kiến thức mới giúp họ nhìn ra sự bất công và dễ đồng cảm với nỗi bất mãn của thanh niên Ai Cập.

Hèn chi Thiên triều chẳng bàng hoàng!

Lạm phát và nhân dụng là hai cái lò xo kinh tế có thể bật vào chính trị. Việc Bắc Kinh phong tỏa mạng lưới thông tin để ngăn ngừa hiệu ứng Ai Cập là chuyện không hợp tình mà hợp lý. Nhưng đấy mới chỉ là bịt nồi xúp de cho nắp khỏi bung. Chứ lửa nung ở dưới thì không thể giảm....


***


Trước cơn khủng hoảng, Ai Cập được khen là quốc gia cường thịnh nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi MENA. Đứng đầu MENA về sản lượng và dân trí, đo lường ở tỷ lệ tốt nghiệp đại học. Nhưng sản lượng phân chia không đều và thiểu số ở trên nhả xuống cái gì thì đa số ở dưới được hưởng. Đa số ở dưới nay đã có học mà chẳng được hưởng và thấy như bị hành thì họ hành động. Xuống đường!

Ngay trước cơn khủng hoảng Ai Cập, Trung Quốc cũng được ngợi khen là đệ nhị cường quốc thế giới vì qua mặt kinh tế Nhật Bản trong năm 2010. Nhưng trong năm đó, lãnh đạo ở trên đã thấy ra những bất toàn của cả hệ thống. Không cải sửa thì sẽ loạn, mà cải sửa lại càng dễ gây loạn hơn nữa.

Bài học mà họ tiếp thu được từ Ai Cập là Nội các đầy những chuyên gia của Thủ tướng Ahmed Nazif đã ráo riết cải cách kinh tế từ năm 2004 - trước sự ngợi khen của thế giới - để kịp thời giải quyết vấn đề. Mà vẫn bị Tổng thống Hosni Mubarak giải tán ngày 28 vừa qua. Mươi ngày sau, đến lượt Mubarak tự giải tán....

Kinh tế cũng là chính trị, cái chân kinh tế đã xoạc ra mà cái chân chính trị vẫn bất động thì người hùng nào cũng té!... Chỉ mong là Thiên triều đừng té vào nhà tôi.

Vì nhà tôi cũng đã lung lay với cái chân co chân duỗi!


___________________________________________________

Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này của Người Việt, xen kẽ giữa hai chủ điểm: về quốc tế là "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" và về kinh tế là "Kinh Tế Cũng Là Chính Trị". Từ năm 2011, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa thực hiện một blog riêng: www.dainamax.org để giới thiệu các bài viết từ nhiều nguồn gốc tới quý độc giả gần xa cùng tham khảo, và phê bình.

Tổng số lượt xem trang