Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Cụ Rùa và những chuyện khó tin chỉ có ở... Hồ Gươm -Xót xa hình ảnh cụ rùa ăn cá chết

-Cụ Rùa và những chuyện khó tin chỉ có ở... Hồ Gươm
Sự nguy cấp của sức khỏe Cụ Rùa cho thấy có những chuyện cực vô lý, tưởng như đùa, nhưng đã - đang diễn ở Hồ Gươm cả mấy chục năm.
"Nỗi đau sâu thẳm trong mỗi tâm hồn Việt"
Là lời phát biểu khai mạc của ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, người chủ trì Hội thảo Khoa học bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm được tổ chức ngày 15/2 vừa qua. Lời phát biểu của ông thật chí lý và thật "sâu thẳm", đặc biệt trong thời điểm Cụ Rùa liên tục nổi lên với vô số thương tích như hiện nay.

PGS, TS Hà Đình Đức, người được gọi là "nhà rùa Hồ Gươm học" đã theo sát, nghiên cứu Cụ Rùa gần 20 năm nay gọi hội thảo này là "động thái tích cực đáng ghi nhận của những người có trách nhiệm đối với Cụ Rùa".
Năm 2004, Ban quản lý khu vực Hồ Gươm được thành lập với 1 Giám đốc, 2 Phó giám đốc và khoảng 10 thành viên. Năm 2009 và 2010, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư cùng dư luận từng xôn xao khi Ban quản lý này được duyệt xây dựng trụ sở "hoành tráng" trên đường Lê Thái Tổ để tiện hơn công tác quản lý hồ. Dự án đã phải dừng lại sau khi các nhà khoa học và dư luận phản đối gay gắt.
Cái "được" lớn nhất qua vụ việc là người dân được biết Hồ Gươm có một Ban quản lý hùng hậu, được đầu tư ưu ái nhiều thế. Nhưng so với trước khi Ban quản lý được thành lập, dường như tình hình Cụ Rùa và bản thân Hồ Gươm vẫn không có nhiều thay đổi.
Cụ Rùa nổi lên dưới nước ô nhiễm đặc quánh và ăn cá chết trước sự xót xa của nhiều người dân chứng kiến, Ảnh Đất Việt
Các nhà khoa học, cụ thể như PGS Hà Đình Đức vẫn kiên trì gửi những kiến nghị lên lãnh đạo Thành phố và Chính phủ "xin" có những giải pháp bảo vệ Cụ cũng như khu vực hồ thiêng liêng. Trong đó, có những kiến nghị được ông đưa ra từ năm 1997: thường xuyên vệ sinh hồ, không để người dân vứt rác thải, làm cống lưu thông nước...  Đặc biệt, năm 1998, PGS Hà Đình Đức đã viết thư khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ trình báo về việc Cụ Rùa bị thương, khả năng Cụ bị dính lưỡi câu của những kẻ câu trộm. PGS khẩn thiết đề nghị Chính phủ có những biện pháp bảo vệ Cụ khỏi những sự xâm hại này.
Chuyện những kẻ câu trộm xuất hiện đàng hoàng giữa 'trái tim Thủ đô", xâm hại linh vật của dân tộc ngay trước mắt hàng ngàn người qua lại tưởng đã khó tin; nhưng còn khó tin hơn khi Ban quản lý Hồ Gươm được thành lập, Cụ Rùa vẫn tiếp tục bị xâm hại, ngày càng nghiêm trọng hơn. Không những thế, còn có các lực lượng dân phòng, công an... thực hiện nhiệm vụ xung quanh khu vực hồ. Nhưng càng ngày Cụ càng phải nổi lên nhiều hơn, mỗi lần mang thêm một thương tích. Khi cõng trên lưng rùa tai đỏ, khi kéo theo cả chùm lưỡi câu lở loang khắp người.
Hơn nữa, tất cả những diễn biến và cảnh báo về nguy cơ của Cụ đều do người dân phát hiện cung cấp, và những nhà khoa học có tâm lên tiếng. Ngay vừa đây thôi, sáng 23/2, bao người dân Hà Nội chứng kiến không khỏi xót xa nhìn Cụ Rùa nổi lên trong lớp nước ô nhiễm đặc quánh, lặng lẽ ăn xác một con cá chết.
Một sinh vật quý hiếm, các nhà khoa học cho rằng (nếu có) cũng chỉ còn vài cá thể trên toàn thế giới, hoặc duy nhất ở Hồ Gươm. Một linh vật sống qua nhiều thế kỷ, chứng nhân lịch sử - văn hóa thiêng liêng của đất nước bị đối xử không chỉ bất công mà quá nhẫn tâm. Nỗi đau "sâu thẳm" của những người lãnh đạo thành phố có thể hiểu được, chỉ tiếc giá nó sớm biến thành hành động thì tốt hơn.
Những nhà nghiên cứu qua báo và kiến nghị "tham khảo..."
Trong lúc nước sôi lửa bỏng, tình hình sức khỏe của Cụ Rùa ngày càng đáng lo ngại, mình mẩy trầy xước khắp nơi. Động thái của những người có trách nhiệm là... tổ chức hội thảo. Nhiều nhà nghiên cứu trong ngành thủy hải sản và rùa được mời tới, có cả các chuyên gia nước ngoài.
Kết quả hội thảo: trở về từ đầu - như PGS Hà Đình Đức cho biết. Hầu hết những người tham gia hội thảo đều không nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, đều chỉ nhìn ảnh trên báo và "phán". "Hội thảo đó là ví dụ điển hình của câu chuyện Thầy bói xem voi. Mỗi người mỗi ý chả liên quan gì đến rùa Hồ Gươm."
Cụ Rùa nổi với vết thương trên mai

Rất nhiều ý kiến và tâm huyết của các diễn giả được đưa ra, nhưng tựu trung vẫn là mấy vấn đề: thường xuyên làm sạch môi trường hồ, thu gom rác và các chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm cho Cụ, ngăn chặn nạn phóng sinh bừa bãi các sinh vật lạ vào Hồ Gươm như rùa tai đỏ, ngăn chặn những người câu trộm...  những việc tưởng như phải là chuyện đương nhiên cần thực hiện hàng năm, hàng tháng chứ không nhất thiết phải trở thành ý kiến của các nhà nghiên cứu trong một cuộc hội thảo.
Có những bài tham luận dài được chốt lại là: xin ý kiến các nhà khoa học.
Tóm lại, "trở về từ đầu, vẫn không ai biết phải làm gì", như PGS Đức nói.
Không cần phải nói thêm về giá trị (cả về ý nghĩa văn hóa hay thương mại) của khu vực Hồ Gươm và Cụ Rùa ở đất Thăng Long 1000 năm tuổi; nhưng với những gì Cụ được đón nhận và đối xử thật khó tin, nhưng lại là sự thật.


-Xót xa hình ảnh cụ rùa ăn cá chết
Đoạn clip được đưa lên mạng Youtube một vài ngày gần đây ghi lại những hình ảnh cụ rùa Hồ Gươm khiến nhiều người bàng hoàng.





Cách ly chứ không đưa 'cụ' Rùa khỏi hồ Gươm (VNN)

Tổng số lượt xem trang