Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

'Xử lý nghiêm minh vụ Vinashin'

'Xử lý nghiêm minh vụ Vinashin'
Sau một thời gian báo chí trong nước im ắng về vụ Vinashin, một số cuộc phỏng vấn gần đây với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại có đề cập tới chủ đề này.
Mới nhất là trong chương trình Chào Buổi sáng hôm 01/02 và trên báo điện tử Tầm Nhìn hôm 02/02.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Triết, người dự kiến sẽ về hưu sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng Năm tới, nói các sai lầm trong điều hành sẽ phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) những năm vừa qua làm ăn thua lỗ dẫn tới phải tái cơ cấu.

Nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng phải chịu trách nhiệm trong vụ này.
Ông Dũng là người bổ nhiệm cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình, người đã bị đình chỉ trong tháng 7/2010 và sau đó bị bắt vì các khoản nợ của tập đoàn.
Tuy nhiên, trước và sau Đại hội Đảng XI, trong đó ông Dũng tiếp tục được bầu chọn vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều khả năng tiếp tục lãnh đạo Chính phủ, chủ đề Vinashin dường như không được truyền thông trong nước nhắc tới.
Các nhà quan sát nói một trong các lý do là vì nó liên quan trực tiếp tới uy tín lãnh đạo của ông thủ tướng.
Thậm chí có cáo buộc rằng báo chí Việt Nam "được lệnh" không viết về "chủ đề nhạy cảm" này.
Tuy nhiên, nay khi trả lời báo chí tại Phủ Chủ tịch ngay trước thềm năm mới Tân Mão, ông Nguyễn Minh Triết nói: "Tôi nhận định vụ Vinashin vừa qua đã có những ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế".
"Một số doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh nhưng lại đầu tư tràn lan không đúng với chuyên môn, thế mạnh của mình nên đã dẫn đến đổ vỡ. Vinashin là một ví dụ."
Ông chủ tịch nhấn mạnh rằng "tái cơ cấu lại Vinashin là việc cần làm".
Ông cũng khẳng định: "Những vi phạm, sai lầm trong quản lý điều hành sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm minh theo luật pháp".

Ảnh hưởng về tâm lý

Bên cạnh nhiều thành tựu trong điều hành đất nước, vụ Vinashin bị cho là vết đen trong công tác quản lý kinh tế của Thủ tướng Dũng.
Thế nhưng ông vẫn được trông đợi sẽ tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa tuy kết quả chính thức phải chờ tới sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/05 tới.
Chính phủ cũng có một số động thái hỗ trợ cho tập đoàn đang nợ ít nhất là 4,4 tỷ đôla này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp chính phủ
Ông Nguyễn Tấn Dũng được trông đợi sẽ tiếp tục làm thủ tướng
Mới đây nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định cho Vinashin vay không lãi để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm và trợ cấp.
Vinashin cũng được Bộ Tài chính cho hoãn thuế tới cuối năm sau để có tiền trả nợ.
Trong phỏng vấn đăng trên báo điện tử Tầm nhìn, Chủ tịch Triết nói: "Hiện tại Vinashin đã bắt đầu đi vào tái cơ cấu và ổn định dần nhưng vấn đề quản lý doanh nghiệp và tâm lý của doanh nhân đúng là có bị ảnh hưởng".
"Nhà nước phải góp phần tiếp thêm sức mạnh để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đi lên trong bối cảnh hiện nay."
Tập đoàn Vinashin nay đã thực hiện xong bước một của đề án tái cấu trúc là đã ‘chuyển giao nguyên trạng một số đơn vị vận tải và khu công nghiệp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Việc chuyển giao này theo truyền thông trong nước gồm có bẩy công ty con, 23 công ty cháu và năm dự án, với 5.137 người lao động được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Theo đề án Vinashin được Thủ tướng duyệt, việc tái cấu trúc đợt hai tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh giản bộ máy và việc tái cơ cấu này được thực hiện từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013.

Tổng số lượt xem trang