Diện mạo cuộc chiến Việt Nam
Hồ Tùng Nghiệp
Cuộc đổ bộ Ðà Nẵng ngày 8 tháng 3, 1965 của 3,500 TQLC Mỹ mở đầu sự kết thúc; chỉ 9 tháng sau, quân Mỹ ở Việt Nam là 180,000 người.
Cuốn sách có nhan đề “America Takes Over” trong bộ “The Vietnam Experience” có chủ đề mở đầu bằng ngày 8 tháng 3, 1965, cuộc đổ bộ của 3,500 TQLC Mỹ xuống bãi biển Ðà Nẵng. Bài của Hồ Tùng Nghiệp dựa vào cuốn này, và một cuốn khác nữa, “The Vietnam War Almanac.” |
Những ai đọc lại sử sách về cuộc chiến Việt Nam, chỉ quanh cuộc đổ bộ của Mỹ quân vào Ðà Nẵng không thôi, sẽ thấy những khác biệt làm cho một người dân vô tâm nhất cũng phải quan tâm. Là một người giữ Sổ Luân Lưu cho trang trong một nhật báo, khi kiểm điểm những sự kiện tháng 3, chúng tôi đọc thấy sự khác biệt này, nên xin tường trình cùng bạn đọc, nhất là bạn đọc của Người Việt đa số là những vị đã ở tuổi trên năm mươi, sáu mươi, là những người xưa kia từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Ðất Nước Tự Do, ngày nay vẫn còn thói quen theo dõi thời cuộc, biết đâu chúng ta sẽ tìm ra được một câu trả lời thú vị, và chính xác, dù chỉ để cho riêng mình.
Sự kiện: Ngày 8 tháng 3, 1965, 3500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từ USS Henrico, Union và Vancouver đổ bộ Ðà Nẵng, mở một trang sử mới cho một giai đoạn mới trong cuộc chiến Việt Nam, Mỹ quân thực sự cầm súng dàn trận chiến đấu với xe tăng, đại bác, không chỉ là cố vấn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như trước kia.
1. Theo tác giả Ðoàn Thêm, “8 tháng 3, 1965, [...]1500 TQLC Mỹ tới Ðà Nẵng.” (“1965: Việc Từng Ngày” trang 45.)
2. Theo Hoàng Cơ Thụy, “Ngày 8 tháng 3, 1965 hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (les Marines) với đầy đủ võ khí nặng đổ bộ lên bãi biển Ðà Nẵng. Chính phủ Phan Huy Quát có được ‘hỏi ý kiến’ trước, cố nhiên ưng thuận. Cho nên các sĩ quan Mỹ chỉ huy quân đổ bộ được các thiếu nữ VNCH choàng hoa tiếp đón, với những biểu ngữ “hoan nghênh các Marines đến bảo vệ tiền đồn Thế giới Tự do.” (“Việt sử Khảo luận,” trang 3360.)
3. Theo Bạch Hạc Trần Ðức Minh, “Ngày 8 tháng 3, 1965 Hoa Kỳ đưa Thủy Quân Lục Chiến đến bảo vệ phi trường Ðà Nẵng. Theo lời Tướng Westmoreland: 'Tôi coi việc yêu cầu đưa TQLC đến Ðà Nẵng không phải như một bước đầu tiên trong một cuộc dính líu ngày càng gia tăng mà là một phương cách bất khả kháng... để bảo vệ cho một phi trường cốt tử... '” (“Một thời nhiễu nhương,” 1945-1975, tập I, trang 815.)
4. Theo tác giả Lâm Vĩnh Thế: “Theo ông Bùi Diễm, bộ trưởng Phủ Thủ Tướng trong chính phủ Phan Huy Quát, quyết định của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa hai tiểu đoàn TQLC vào bảo vệ phi trường Ðà Nẵng tương đối là một bất ngờ với chính quyền VNCH.” (“Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa,” tr. 69.) Trong vấn đề này, có lẽ ông Lâm Vĩnh Thế là tác giả (Việt Nam) viết kỹ càng nhất, từ trang 153 tới trang 176, với 32 chú thích qua nhiều tài liệu dẫn chứng. Ông mổ xẻ vấn đề từ hai phía chính quyền, rồi đi đến kết luận như sau: “Về phía VNCH, Thủ Tướng Phan Huy Quát; Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Quân Lực; Trung Tướng Trần Văn Minh, tổng tư lịnh QLVNCH; và Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân Ðoàn I có được tham khảo [...]nhưng nội các và cả bộ trưởng Phủ Thủ Tướng hoàn toàn không được thông báo gì cả cho đến khi TQLC đổ bộ vào Ðà Nẵng. (“Bạch hóa tài liệu, tr. 174)
Sự hiện diện của Mỹ quân ở Việt Nam, trực tiếp và dàn trận chiến đấu, là một đổi thay cả chiến lược chiến thuật, không phải chỉ là vấn đề bảo vệ một phi trường. Nó cũng đã cho Việt Cộng một khẩu hiệu lừa dối mới: Chống Mỹ Cứu Nước. Và làm cho người quân nhân miền Nam ở vào cái thế kẹt, há miệng mắc quai. Ngày 8 tháng 3, 1965 là ngày “Mỹ hóa cuộc chiến tranh Việt Nam” cộng với “các màu cờ” (của các nước đồng minh). Bài ghi nhận sau đây của Ban Chủ Bút cuốn “America Takes Over, 1965-1967,” trong Bộ “The Vietnam Experience,” Boston Publishing Co., 1982, cho chúng ta nhìn thấy một sự việc lớn, ở ngoài tầm hiểu biết của mình, cho đến khi người ta “giải mật,” hay “bạch hóa.”
“Từ ngày 8 tháng 3, 1965, hai tiểu đoàn TQLC gồm 3,500 quân nhân đã đổ bộ Ðà Nẵng. Tới giữa tháng 4 thêm hai tiểu đoàn nữa được bổ sung và một căn cứ mới được lập nên ở Phú Bài, cách Ðà Nẵng 45 dặm về phía Bắc, gần Huế. Ở đây, vào ngày 20 tháng 4, có mặt 8,607 quân nhân đặc phái TQLC kể cả nguyên tiểu đoàn 3 của Lữ Ðoàn 4 (3/4) TQLC dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Frederick J. Karch với 10 trực thăng UH-34. Ðầu tháng 5 đơn vị Lục Quân đầu tiên của Hoa Kỳ có mặt tại miền Nam, sư đoàn Nhảy Dù vào Vũng Tàu, bộ chỉ huy đặt tại Biên Hòa, 12 dặm phía Bắc Sài Gòn. TQLC trách nhiệm vùng chiến thuật 3 đặt tại Chu Lai. Tới cuối tháng 5, thêm 20 ngàn người được tăng cường - bảy tiểu đoàn TQLC và các đơn vị hỗ trợ và 2 tiểu đoàn lục quân, nâng quân số Mỹ lên tới 46,500 người.”
Vẫn theo bài viết này, TQLC là lực lượng có mặt đầu tiên, vì “đuôi của họ ngắn,” điều động nhanh, cho nên họ đánh trước, vì tới trước. Sau họ là những kẻ “đuôi dài,” được tiếp tục đưa đến, gây rất nhiều vấn đề mà Tướng Westmoreland cần đến hơn một năm mới giải quyết xong.
Vài con số thống kê sau đây sẽ cho ta thấy những vấn đề đó.
Tính đến 31 tháng 12, 1965:
-1.3 triệu tấn hàng khô đã được chở từ Mỹ tới miền Nam Việt Nam.
-35 triệu Mỹ kim trị giá vật liệu xây cất.
-75 triệu thùng tấn dầu xăng nhớt.
-65 tấn đạn dược.
Một cách vắn tắt, mỗi tháng có 165,000 tấn đồ của Mỹ nhập vào các hải cảng và phi trường Việt Nam.
Ði vào vài chi tiết của các món hàng, ở Mỹ ít ai biết, trừ những nơi sản xuất: Madison, Wisconsin sản xuất 2.6 triệu hộp thịt heo cho quân nhân Mỹ ở Việt Nam. Chicago gửi đi hơn 700,000 cái mũ sắt. Alabama gửi đi 253,907 đôi bốt nylon đi rừng. New Jersey gửi đi 100,000 cái áo mưa. Xe Jeep Kaiser bán cho quân đội Mỹ ở Việt Nam trị giá 58 triệu và trực thăng, 1600 cái trị giá 50 triệu. Tất cả bắt đầu và chỉ tính tới 31 tháng 12, 1965, xin nhắc lại.”
Theo The Vietnam War Almanac: “Tới ngày 31 tháng 12, 1965: Khoảng 180,000 quân nhân Mỹ đã có mặt ở Việt Nam, nhưng Tướng Westmoreland đã nói rõ, năm tới ông cần thêm 250,000 người nữa, và Tổng Thống Johnson cũng bảo đảm Tướng Westmoreland sẽ có số quân ông muốn. Quân lực Mỹ bắt đầu đưa ra các kiểm điểm: 1,350 người hy sinh; 5,300 bị thương; 150 người mất tích hay bị bắt làm tù binh. Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder) ném bom xuống miền Bắc đã thực hiện 55,000 phi vụ; ném 33,000 tấn bom; thiệt hại 171 phi cơ rớt (tính tới 31 tháng 12, 1965). Phía VNCH chết 11,100 quân; 22,600 bị thương; 7,400 mất tích hay bị bắt làm tù binh. Phía Cộng quân 34,585 người chết; 5,746 người bị bắt làm tù binh, Bắc quân xâm nhập khoảng 36,000 người qua đường mòn Hồ Chí Minh. (?)
Như thế, từ cuộc đổ bộ ở Ðà Nẵng của TQLC Mỹ ngày 8 tháng 3, 1965 cho tới hết năm 1965 thôi, chiến tranh Việt Nam là toàn diện, trong khi đó, Thủ Tướng Phan Huy Quát và Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bất đồng về vấn đề nhân sự (người Bắc người Nam trong chính phủ) đưa đến tổ chức biểu tình chống và biểu tình ủng hộ, cả hai không ai nhường ai, phải trả lại chính quyền cho phe Quân Lực, và Nội các Chiến tranh xuất hiện ở Sài Gòn, và Bàn thờ xuống đường ở Huế, và VC lũ lượt đi trên đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam. Ðó là chúng ta chưa nói tới xã hội dân sự trong cuộc đổi thay này ở miền Nam.
(Hồ Tùng Nghiệp biên soạn, 15 tháng 3, 2011)