Người ta hẳn sẽ lại nói đến câu chuyện tái cơ cấu, đến thuật ngữ “thị trường phát điện cạnh tranh” và tất nhiên là cả chuyện tăng giá điện- trước sức ép của “bạn” chẳng hạn, trong mùa khô năm nay. Nhưng cái cần tái cơ cấu đầu tiên có lẽ phải là trách nhiệm của ngành độc quyền này khi họ luôn sẵn sàng chấp nhận sự tầm gửi lệ thuộc, trong khi hống hách và quá thiếu trách nhiệm với những gì họ cho là chưa cần thiết.
Ở Phú Thọ, điện cắt ngày chẵn. Ở Đồng Nai, điện cắt ngày lẻ. Có tỉnh thì cắt điện ban ngày. Tỉnh khác thì cắt ban đêm. Có lẽ vì là “tỉnh lẻ chân đất” nên ít có nhu cầu? Hay vì là “dân quê cổ ngắn” nên ngành điện bịt mắt cắt bừa?
Mùa khô năm nay điện sẽ thiếu 2 tỷ, hay 3 tỷ kwh? Có lẽ cả EVN lẫn Bộ Công thương đều chưa thể đưa ra con số chính xác. Chỉ biết là chưa đến mùa khô thì điện đóm ở hầu hết các tỉnh đã rơi vào tình cảnh cắc bụp cắc xoè. Cứ nhìn vào động thái của EVN thì chả cần phải là Bộ trưởng Bộ Công thương cũng biết mùa khô năm nay điện sẽ thiếu trầm trọng như thế nào. Cách đây hai hôm, chủ động một cách bất thường, thông tin Trung Quốc đòi tăng 15% giá bán điện cho Việt Nam được tung ra hầu hết các báo. Mà Trung Quốc là gì? Là hơn 4,6 tỷ KWh, là điện cho ngót chục tỉnh miền Bắc. EVN cho biết là họ chưa đồng ý với giá mới, nhưng có lẽ sẽ phải đồng ý, bởi lẽ từ khi tiến hành mua điện của “bạn”, EVN ngày càng chứng tỏ sự tầm gửi của mình. Năm 2005, khi bắt đầu mua điện từ Trung Quốc, sản lượng chỉ 180 kWh, cũng chỉ để cung cấp cho hai tỉnh miền núi là Hà Giang và Yên Bái. Tới 2007, EVN mua 2,67 tỉ kWh và phân phối cho 8 tỉnh miền Bắc. Năm 2008, lượng điện nhập khẩu lên đến 3,5 tỉ kWh. Và năm 2011, lượng mua dự kiến lên tới 4,671 tỉ kWh.
EVN nói “chưa chấp nhận”, nhưng rõ ràng quyền mặc cả thuộc về người mua, còn chuyện có chấp nhận hay không, lại là quyền của người bán. Còn nhớ năm ngoái, giá điện “bạn” bán cho ta cũng đã tăng thêm 12%. Vả lại trong thực tế, “bạn” cũng đã từng chứng tỏ cái quyền của người bán: Vào tháng 3-2010, đúng lúc các nhà máy thuỷ điện miền Bắc “rớt xuống mực nước chết” thì “bạn” tạm ngưng cấp điện với lý do lãng xẹt là…bảo trì đường dây.
Không ai có thể chắc rằng tình cảnh đó không lặp lại vào mùa khô năm nay.
Nhưng sự tầm gửi- hay lệ thuộc, chỉ là một nguyên nhân khiến EVN không thể chủ động nguồn điện. Nguyên nhân thứ hai: Tính chất con buôn trong những cái đầu EVN đã làm lãng phí một nguồn điện quan trọng: Các thuỷ điện nhỏ. Tuần rồi, các thuỷ điện nhỏ ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đồng loạt la làng vì câu chuyện có điện rồi nhưng không thể bán lên lưới của EVN. Báo chí dẫn lời chủ đầu tư thủy điện Đăk Ne cho biết nhà máy, có công suất hơn 8MW, liên tục bị phía điều độ cho tạm dừng phát điện vì quá tải đường dây, dù trong hợp đồng với EVN có điều khoản cam kết Tập đoàn độc quyền truyền dẫn này cam kết thu mua hết sản lượng điện của doanh nghiệp. Nguyên nhân được nhìn thấy ngay sau đó, thoạt nghe rất ngớ ngẩn: Đường truyền tải của EVN không đủ để truyền tải điện. Và thế là các thuỷ điện phải hoạt động cầm chừng, sản xuất cầm chừng, và đứng trước nguy cơ đình chỉ, phá sản vì không bán được điện, nhấn mạnh là trong bối cảnh điện đang thiếu và cắt cúp bất tử trên toàn quốc.
Đăk Ne chỉ là một trong số ngót chục thuỷ điện tư nhân là nạn nhân của sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng lưới điện của EVN. Và trường hợp Đăk Ne năm nay chỉ là cái gạch nối cho sự liên tục những bất cập, bất cập một cách vớ vẩn, và ngớ ngẩn kéo nhiều năm nay.
Trước Đăk Ne, hàng chục thuỷ điện nhỏ cũng “kêu cứu” vì làm ra điện nhưng không có dây để bán. Chẳng hạn như Lào Cai- vương quốc của thuỷ điện. Hơn 100 nhà máy thuỷ điện đã ngóng… dây, đã trông vào lời hứa của EVN suốt từ năm 2004. Bởi vì đường dây 220 KV và các trạm biến áp là lĩnh vực độc quyền của EVN. Mà không độc quyền các DN thuỷ điện cũng chịu không thấu khi xuất đầu tư đường truyền vào khoảng 2,5 tỷ vnd/km. Chuyện lãng phí thuỷ điện nhỏ rõ như ban ngày. Nhưng vì sao, từ năm 2004, sự bất cập đã được phát hiện, mà chuyện “thuỷ điện không dây” vẫn tồn tại? Đơn giản là vì EVN còn phải tính toán. Đơn giản là vì họ độc quyền, muốn mua thì có dây, không mua thì xin mời các vị bán cho… Trung Quốc.
Người ta hẳn sẽ lại nói đến câu chuyện tái cơ cấu, đến thuật ngữ “thị trường phát điện cạnh tranh” và tất nhiên là cả chuyện tăng giá điện- trước sức ép của “bạn” chẳng hạn, trong mùa khô năm nay. Nhưng cái cần tái cơ cấu đầu tiên có lẽ phải là trách nhiệm của ngành độc quyền này khi họ luôn sẵn sàng chấp nhận sự tầm gửi lệ thuộc, trong khi hống hách và quá thiếu trách nhiệm với những gì họ cho là chưa cần thiết. Điện đã tăng 15,28% từ 1-3. Nhưng nếu có tăng tới 60%, như tính toán của các quan chức, thì với cách quản lý “kiểu độc quyền EVN” như hiện nay, mùa khô chắc chắn sẽ vẫn và mãi là cơn ác mộng đối với dân chúng