Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

"Bão giá" là do người giàu tạo ra?

-"Bão giá" là do người giàu tạo ra?
Những ngày qua, do thời tiết lạnh và rét, nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm, các lò mổ chỉ cung cấp bằng một nửa lượng bình quân hàng ngày, cộng với dịch bệnh trước Tết khiến giá rau, giá thịt tăng đột biến.
Tại một số chợ lớn ở Hà Nội, giá rau củ tăng bình quân 30%, giá thịt lợn tăng 25% so với cách đây 1 tháng, trong khi đó, giá trứng tăng “chóng mặt” lên tới 45%.
 “Mới cuối tháng trước, tôi mua thịt lợn nạc vai mới có giá 80.000 đồng, vậy mà giờ đã lên tới 105.000 đồng/kg”, mỗi lần xách làn đi chợ, chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) lại than ngắn thở dài vì giá thực phẩm "leo thang" nhanh chóng.

Tiểu thương: Giá thay đổi từng giờ
Các tiểu thương buôn bán tại hầu hết các chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội đều phân bua: Đừng so sánh giá cả  của ngày hôm qua với hôm nay bởi giá rau, giá thịt có thể thay đổi theo từng giờ, đặc biệt là những ngày mưa, rét, một số mặt hàng còn không đủ để bán cho khách.
Hàng trong siêu thị rẻ hơn ngoài chợ (IE)
Theo những tiểu thương buôn bán nhỏ tại các chợ cóc, tuy họ không phải mất quá nhiều tiền vào việc thuê mặt bằng nhưng họ lại vấp “cái khó” là phải mua qua tay nhiều người. “Nếu tôi đi sớm, lấy được nguồn hàng chở ở quê ra, tôi sẽ mua vào với giá rẻ được 500 đồng/kg, còn nếu đi muộn hoặc trong thời buổi hàng hóa khan hiếm như hiện nay, tôi phải mua qua tay nhiều người, thông thường, giá mỗi sản phẩm đắt thêm 500 đồng/kg”, một tiểu thương buôn rau cho biết.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm tại chợ không ngừng tăng một phần do tình trạng tiểu thương “tát nước theo mưa”, tăng theo tâm lý của người dân khi thấy giá cả các hàng hóa khác tăng “phi mã” nhất là khi giá xăng, dầu tăng lên một ngưỡng cao mới.
Đại diện của một siêu thị hàng đầu trên địa bàn Hà Nội cho biết: Giá cả các mặt hàng thực phẩm phụ thuộc vào nguồn cung và yếu tố thời vụ. Cho đến thời điểm này, giá các mặt hàng thực phẩm trong siêu thị tương đối ổn định bởi họ luôn luôn cố gắng hạn chế tối đa việc điều chỉnh giá nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo vệ sức mua của người tiêu dùng.
Loại bỏ "trung gian":
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, nói: “Có làm giá, có đẩy giá lên, có hét giá, có trông mặt đặt giá, tôi công nhận điều này. Nhưng vấn đề vẫn là loanh quanh ở hệ thống phân phối. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua các cầu từ người trồng ra chợ đầu mối, rồi đến bà buôn, bà buôn lại bán cho tiểu thương. Nhiều tiểu thương còn cho người vào siêu thị vét hàng để lấy chênh lệch, thậm chí nhân viên siêu thị xếp dầu ăn (mặt hàng bình ổn giá) ra kệ vào buổi chiều thì tiểu thương đã vào mua gần nửa”.
Theo ông Phú, chuyện té nước theo mưa ở chợ, các tiểu thương có đẩy giá không nhiều mà phải nhìn vào những đầu nậu mua thẳng hàng hóa như dầu ăn, đường, xi măng, sắt thép… từ các nhà máy sau đó bán lại, dẫn tới thao túng thị trường. Việc các mặt hàng liên tục đội giá là do xã hội có những mối liên hệ chằng chịt.
Ông Phú lưu ý, 20% người giàu cũng là nguyên nhân đẩy giá lên, họ tiêu thụ 40-41% lượng hàng hóa trên thị trường và là những đối tượng chi tiêu không mặc cả.
Về biện pháp khắc phục tình trạng làm giá của tiểu thương, ông Phú cho rằng: “Tổ chức lại hệ thống phân phối, đẩy nhanh phát triển các hệ thống siêu thị. Thu mua tận gốc giảm khâu trung gian. Đẩy kênh thương mại văn minh, khoa học, chuyên nghiệp lên. Còn biện pháp hành chính hiện rất khó để giải quyết. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội có khoảng 700 người, còn lượng tiểu thương ở Hà Nội đã lên đến khoảng mấy chục vạn. Vì vậy cần giải bài toán cung cầu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chú trọng chuỗi sản xuất phân phối loại bỏ trung gian”.
Ông Phú cũng nhấn mạnh, yếu tố năng suất lao động ở nước ta thấp hơn khu vực Asean 2-15 lần kèm hệ thống phân phối qua nhiều khâu trung gian nên làm cho giá bị đẩy lên. Một số doanh nghiệp không mua được các mặt hàng như dầu ăn, sắt thép trực tiếp từ nhà máy mà phải qua trung gian, trong khi đó, qua mỗi trung gian lại thêm 15% giá. Ngoài ra, việc buông lỏng bán buôn khiến một số mặt hàng như xi măng, sắt thép, dầu ăn… phải qua các khâu trung gian.
Trước đây, giá ngoài chợ thấp hơn siêu thị, còn hiện nay giá bán siêu thị thấp hơn chợ. Vì siêu thị bán thịt sạch nhưng siêu thị lớn có nguồn hàng lớn, mua nhiều, đặt hàng nên ổn định giá.
Cũng theo ông Phú, hiện nhiều người bắt đầu có xu hướng đi siêu thị nhưng siêu thị mới chỉ đảm nhận được 20% nhu cầu. Theo chiến lược phát triển của TP.Hà Nội, từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ nâng kênh siêu thị lên 35-40%.
(theo VTC.news)

Tổng số lượt xem trang