Người dịch: Từ Khiêm
Chi chú của người dịch:
Luận văn này đăng vào năm 2007, nhưng đến nay, 2010, vẫn còn nguyên giá trị, cung cấp cái nhìn rộng, sâu, dễ hiểu và khách quan về tình trạng ô nhiễm đất, nước, khí tại Trung Quốc. Luận văn còn gọi đúng tên các đối tượng liên quan, các biện pháp, khó khăn thực sự và hướng để khắc phục. Những chú thích trong ngoặc vuông [...] là của người dịch.
Tóm tắt:
Tai họa môi trường tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, và nước này đang trở thành một trong những đối tượng gây ô nhiễm hàng đầu thế giới. Tình trạng sẽ còn tệ hơn nữa vì dù Bắc Kinh có đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng để bảo vệ môi trường thì các quan chức địa phương nói chung cứ ngoảnh mặt làm ngơ, vì họ chỉ chú trọng làm sao cho kinh tế tăng trưởng hơn nữa. Để thực sự cải thiện môi trường ở Trung Quốc, cần có những cải tổ chính trị và kinh tế có tính cách mạng từ dưới lên.
Bà Elizabeth C. Economy là Thành Viên Cấp Cao của C.V Starr [một công ty tư của Mỹ về bảo hiểm và đầu tư trên toàn cầu] và Giám đốc Ban Nghiên Cứu Châu Á tại Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế [Council on Foreign Relations, một think tank độc lập và vô vị lợi lớn của Mỹ]. Bà cũng là tác giả của cuốn “The River Runs Black: The Environmental Challenges to China’s Future (Dòng sông hóa đen: Vấn nạn môi trường cho tương lai Trung Quốc).
DẪN NHẬP
Những vấn đề môi trường của Trung Quốc ngày càng chồng chất. Nạn ô nhiễm nước và khan hiếm nước đang đè nặng nền kinh tế, mức ô nhiễm không khí gia tăng đang ảnh hưởng tới sức khỏe hàng triệu người dân, nhiều vùng đất đai đang nhanh chóng bị sa mạc hóa. Trung Quốc đã trở thành nước đầu bảng thế giới về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, đất đai xuống cấp và là một nước góp phần nhiều nhất trong một số vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất thế giới, như khai thác lâm sản trái phép, ô nhiễm thủy sinh và biến đổi khí hậu. Những vấn đề môi trường gia tăng kéo theo sự gia tăng rủi ro về kinh tế, sức khỏe cộng đồng, ổn định xã hội, và uy tính quốc tế của Trung Quốc. Ông Phan Nhạc, phó cục trưởng Tổng Cục Quốc Gia Bảo Vệ Môi Trường (SEPA) của Trung Quốc, đưa ra lời cảnh báo vào năm 2005, rằng “Phép lạ kinh tế sẽ chấm dứt sớm vì môi trường không còn theo kịp.”
Khi Thế Vận Hội 2008 sắp diễn ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố mạnh miệng hơn, đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng về môi trường, công bố những mức đầu tư cao hơn cho môi trường, yêu cầu giới kinh doanh và quan chức địa phương phải làm sạch môi trường tại địa bàn của mình. Thế giới bên ngoài dường như đã đồng tình rằng Bắc Kinh đã vạch ra một đường lối mới: ngay khi Trung Quốc tỏ thái độ thân thiện với môi trường, thì các quan chức của chính quyền Mỹ, Cộng Đồng Châu Âu và Nhật Bản không còn thắc mắc có nên đầu tư vào Trung Quốc hay không, mà là nên đầu tư bao nhiêu.
Tuy nhiên, phần lớn những phấn khích này bắt nguồn từ niềm tin, tuy phổ biến nhưng sai lệch, rằng Bắc Kinh nói được thì làm được. Đúng là chính quyền trung ương đưa ra đường lối cho cả nước, nhưng họ lại không kiểm soát được mọi ngóc ngách của việc thực thi đường lối. Trên thực tế, các quan chức địa phương ít khi quan tâm tới những chỉ đạo của Bắc Kinh về môi trường, thay vào đó, họ tập trung sức lực và tài nguyên cho việc phát triển kinh tế hơn nữa. Quả thực, để thay đổi tình trạng môi trường thì Trung Quốc phải thực hiện nhiều việc khó khăn hơn là đơn thuần đưa ra chỉ tiêu và chi tiền, việc này đòi hỏi những cải tổ có tính cách mạng từ dưới lên, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Một việc cụ thể là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần tạo điều kiện dễ dàng giúp quan chức và chủ nhân xí nghiệp địa phương tuân thủ cách làm ăn đúng đắn để bảo vệ môi trường, bằng cách cho họ những ưu đãi thích hợp. Cùng lúc, họ phải nới lỏng các giới hạn chính trị đang ràng buộc các tòa án, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và giới truyền thông, để thúc đẩy các nhóm này trở nên những tác nhân tích cực và độc lập cho việc bảo vệ môi trường. Về phần mình, cộng đồng quốc tế cần tập trung nhiều vào việc hỗ trợ các cải cách, thay vì chú trọng quá nhiều tới việc chuyển giao công nghệ cao hoặc thực hiện các dự án chỉ có tính thử nghiệm. Làm những việc này có nghĩa là phải sẵn lòng xăn tay áo, dấn thân làm việc trực tiếp cùng các cán bộ, chủ xí nghiệp và các NGO về môi trường tại địa phương; cũng có nghĩa là nhờ các NGO quốc tế hỗ trợ trong việc giáo dục và thực thi chính sách, và thuyết phục các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (MNC) dùng ảnh hưởng kinh tế mình có để buộc các đối tác Trung Quốc phải tuân thủ cách làm ăn tốt nhất cho môi trường.
Nếu không am hiểu tường tận như vậy, không chỉ về những gì Trung Quốc muốn có, mà cả về những gì họ cần có, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nước có thành tích xấu nhất về môi trường trên thế giới, và cả người Trung Quốc lẫn loài người sẽ phải trả giá.
Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ
Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, thường được ca tụng như một phép lạ kinh tế, đã trở thành một thảm họa cho môi trường. Để đạt mức tăng trưởng kỷ lục đương nhiên phải tiêu thụ một mức khổng lồ các tài nguyên, nhưng ở Trung Quốc các nguồn lực đã được sử dụng một cách thiếu hiệu quả và không sạch, tác động khôn lường đến chất lượng của không khí, đất và nước tại đây.
Chẳng hạn, than cung cấp năng lượng cho kinh tế Trung Quốc phát triển, nhưng than cũng làm người dân ngạt thở. Than cung cấp khoảng 70 phần trăm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc: cả nước dùng khoảng 2,4 tỷ tấn than trong năm 2006 – hơn tổng số than dùng tại Mỹ, Nhật Bản và Anh Quốc cộng lại. Vào năm 2000, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức tiêu thụ than vào năm 2020, nhưng thực tế cho thấy con số này sẽ đạt tới vào cuối năm nay [2007]. Than được tiêu thụ ở Trung Quốc với mức khổng lồ một phần vì nó được dùng thiếu hiệu quả: một quan chức Trung Quốc phát biểu trên tạp chí Der Spiegel vào đầu năm 2006 cho biết “Để sản xuất hàng hóa trị giá 10.000 USD, chúng tôi cần tới bảy lần số tài nguyên được dùng tại Nhật Bản, gần sáu lần tài nguyên được dùng tại Mỹ, và – công nhận điều này cũng chẳng hay ho gì – gần ba lần tài nguyên được dùng tại Ấn Độ.”
Cùng lúc đó, việc lệ thuộc vào than đang phá hủy môi trường tại Trung Quốc. Nước này có tới 16 trong số 20 thành phố đông dân nhất thế giới, và bốn thành phố bị tác hại nặng nhất trong số này nằm ở một tỉnh có nhiều than là Sơn Tây, phía đông bắc Trung Quốc. Gần 90 phần trăm khí thải dioxit lưu huỳnh và 50 phần trăm khói bụi tại Trung Quốc là do việc sử dụng than gây nên. Khói bụi, thủ phạm gây nên những vấn đề hô hấp trong dân chúng, và mưa axit, do việc thải khí lưu huỳnh gây ra, rơi xuống trên một phần tư lãnh thổ Trung Quốc và trên một phần ba đất đai nông nghiệp, làm giảm sản lượng nông nghiệp và ăn mòn cả các công trình, dinh thự.
Nhưng, việc dùng than sẽ sớm trở thành vấn đề kém nghiêm trọng nhất trong các vấn đề về chất lượng không khí tại Trung Quốc. Bùng nổ giao thông đang đặt ra thách thức ngày càng lớn về chất lượng không khí. Các nhà thầu Trung Quốc hiện thi công 84.812 km đường giao thông mới khắp cả nước. Khoảng 14.000 xe hơi mới xuống đường mỗi ngày tại Trung Quốc. Tới năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ có 130 triệu xe hơi, và tới 2050 – hoặc có lẽ còn sớm hơn nữa, vào năm 2040 – Trung Quốc sẽ có số lượng xe hơi nhiều hơn cả Mỹ. Bắc Kinh đã phải trả giá cao cho sự bùng nổ này. Một thống kê năm 2006 cho thấy người Trung Quốc đã xếp Bắc Kinh xuống vị trí 15 trong bảng xếp hạng những thành phố có thể sống tốt, so với vị trí thứ 4 vào năm 2005, và sự tụt hạng này chủ yếu là do giao thông và ô nhiễm không khí tăng nhanh. Mật độ khói bụi trong không khí tại Bắc Kinh hiện cao hơn sáu lần so với Thành Phố New York.
Các kế hoạch đô thị hóa quy mô lớn của Trung Quốc cũng làm tình hình xấu đi. Lãnh đạo Trung Quốc dự định từ năm 2000 đến 2030 sẽ tái định cư 400 triệu người – hơn cả dân số toàn nước Mỹ – đưa họ đến các trung tâm đô thị mới thành lập. Trong quá trình này, họ sẽ xây cất một nửa tổng số các tòa nhà cao tầng sẽ được xây cất trên toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Đây là một viễn cảnh đáng ngại vì các tòa nhà của Trung Quốc sử dụng năng lượng rất kém hiệu quả – thực vậy, chúng kém hiệu quả gấp 2,5 lần so với các tòa nhà tại Đức. Thêm vào đó, người dân Trung Quốc khi về sống trong đô thị mới, họ sẽ dùng máy lạnh, TV và tủ lạnh, sẽ tiêu thụ gấp 3,5 lần năng lượng so với người Trung Quốc ở nông thôn. Và mặc dù Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới các sản phẩm tiết kiệm điện như pin mặt trời, đèn huỳnh quang tiết kiệm, cửa sổ tiết kiệm năng lượng, hầu hết những sản phẩm này làm ra là để xuất khẩu. Trừ khi có thêm nhiều những sản phẩm tiết kiệm năng lượng này được dùng trong nước, tình trạng bùng nổ xây dựng đô thị sẽ đẩy mạnh mức tiêu thụ năng lượng và tình trạng ô nhiễm lên mức phi mã.
Đất đai tại Trung Quốc cũng chịu hậu quả tai hại từ việc phát triển tùy tiện và môi trường bị bỏ mặc. Trải nhiều thế kỷ phá rừng, cùng việc khai thác quá mức các đồng cỏ chăn nuôi và canh tác quá mức đất đai trồng hoa màu, phần lớn đất đai tại miền bắc và tây bắc Trung Quốc đã xuống cấp trầm trọng. Thêm vào đó, hơn nửa thế kỷ qua, rừng và ruộng đất đã phải nhường chỗ cho công nghiệp và những thành phố mới mọc lên, dẫn đến việc sút giảm năng xuất trồng trọt, làm mất sự đa dạng sinh học, và làm thay đổi khí hậu tại địa phương. Sa mạc Gobi, hiện bao phủ phần lớn miền tây và miền bắc Trung Quốc, đang lan rộng mỗi năm khoảng 4.921 km vuông. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy mặc dù Bắc Kinh có nỗ lực lớn để tái trồng rừng, hiện vẫn có tới một phần tư đất đai cả nước là sa mạc. Cục Lâm Nghiệp Quốc Gia Trung Quốc ước tính việc sa mạc hóa đã tác động tới khoảng 400 triệu người Trung Quốc, biến hàng chục triệu người trong số trở thành những người tị nạn vì môi trường, họ phải bỏ xứ ra đi tìm nơi khác làm ăn sinh sống. Trong khi đó, hầu hết đất đai có thể canh tác được ở Trung Quốc lại bị nhiễm bẩn, gây ra các lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khoảng gần 10 phần trăm đất ruộng Trung Quốc được cho là đã bị ô nhiễm, và mỗi năm 12 triệu tấn ngũ cốc bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng hấp thu từ đất trồng.
Ô NHIỄM NƯỚC
Thêm vào đó là vấn đề nước sạch. Mặc dù Trung Quốc sở hữu nguồn nước sạch lớn thứ tư trên thế giới (sau Brazil, Nga và Canada), những vấn đề như mức cầu quá lớn, sử dụng quá nhiều, sử dụng kém hiệu quả, ô nhiễm và phân phối không đồng đều đã khiến hai phần ba trong khoảng 660 thành phố tại Trung Quốc có ít nước dùng hơn so với nhu cầu, và 110 thành phố trong số này bị thiếu nước trầm trọng. Theo ông Mã Quân, một chuyên gia về nước hàng đầu của Trung Quốc, một số thành phố gần Bắc Kinh và Thiên Tân ở đông bắc Trung Quốc có thể sẽ cạn nước trong khoảng năm hoặc bảy năm nữa.
Dĩ nhiên mức cầu gia tăng là một phần của vấn đề, nhưng một vấn đề lớn không kém chính là sự phí phạm khổng lồ. Khu vực nông nghiệp dùng tới 66 phần trăm nước tại Trung Quốc, hầu hết là để tưới tiêu, và họ đã phí phạm hơn một nửa số đó. Ngành công nghiệp Trung Quốc cũng rất kém hiệu quả: họ thường dùng nhiều nước hơn từ 10 đến 20 phần trăm các đồng nghiệp tại các quốc gia phát triển khác. Đô thị Trung Quốc cũng là một kẻ phí phạm lớn lao khác: họ làm mất tới 20 phần trăm số nước tiêu thụ vì hệ thống ống nước bị rò rỉ, một vấn đề mà Bộ Xây Dựng Trung Quốc đã hứa sẽ giải quyết trong vòng hai hoặc ba năm tới. Cùng với đô thị hóa và mức gia tăng thu nhập, người Trung Quốc, tương tự như người Châu Âu và Mỹ, trở thành những người tiêu thụ nước nhiều hơn: họ tắm rửa lâu hơn, họ dùng máy giặt và máy rửa chén bát, họ mua căn nhà thứ hai có khoảnh vườn cần tưới nước. Mức tiêu thụ nước tại các thành phố Trung Quốc nhảy vọt 6,6 phần trăm trong giai đoạn 2004-2005. Sự lạm dụng nguồn nước ngầm, tạo nên những đường hầm khổng lồ dưới lòng đất, gây ra một hậu quả, đó là một số những thành phố giàu có nhất Trung Quốc đang bị lún xuống – Thượng Hải và Thiên Tân, hai thành phố này bị lún tới hơn 1,8 mét trong vòng 15 năm qua. Tại Bắc Kinh tình trạng đất lún đã làm hư hại các nhà máy, dinh thự, hệ thống cống ngầm và đe dọa phi trường chính của thành phố.
Nạn ô nhiễm cũng gây nguy hiểm cho nguồn cấp nước tại Trung Quốc. Nước ngầm ở Trung Quốc, vốn cung cấp 70 phần trăm tổng số nước uống cho dân chúng, đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên do khác nhau, chẳng hạn như bởi nước nhiễm bẩn trên mặt đất, bởi các khu rác thải nguy hiểm, các loại thuốc trừ sâu và phân bón. Theo một báo cáo của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, tầng ngậm nước tại 90 phầm trăm các thành phố Trung Quốc hiện bị ô nhiễm. Hơn 75 phần trăm nước sông chảy qua các khu vực đô thị Trung Quốc được cho là không thể uống, không phù hợp để đánh bắt cá, và chính quyền Trung Quốc cũng xác định khoảng 30 phần trăm nước sông trên toàn quốc là không phù hợp để dùng trong nông nghiệp hoặc công nghiệp. Hậu quả là gần 700 triệu người phải uống nước nhiễm bẩn bởi chất thải từ thú vật hoặc người. Ngân Hàng Thế Giới đã phát hiện ra rằng việc không thể cung cấp đầy đủ nước sạch qua ống dẫn cho hai phần ba dân số nông thôn Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến trẻ em dưới năm tuổi chết non, và gây ra ít nhất là 11 phần trăm các trường hợp ung thư dạ dày và đường ruột tại Trung Quốc.
Một khó khăn khác nằm ở chỗ mặc dù Trung Quốc có rất nhiều luật lệ và quy định nhằm bảo đảm cho dân có nước sạch nhưng giới chủ xí nghiệp và quan chức địa phương lại không áp dụng chúng. Một nghiên cứu năm 2005 tại 509 thành phố cho thấy chỉ có 23 phần trăm các nhà máy xử lý nước thải đúng quy trình trước khi xả ra môi trường. Theo một báo cáo khác, hiện nay một phần ba tổng số nước thải công nghiệp và hai phần ba nước thải gia dụng đang được xả vào môi trường mà không qua xử lý. Một số nghiên cứu mới đây của Trung Quốc về hai nguồn nước quan trọng nhất của nước này, Sông Dương Tử và Sông Hoàng Hà, cho thấy những thách thức ngày càng lớn. Sông Dương Tử, chảy dài từ Cao Nguyên Tây Tạng tới Thượng Hải, phải nhận 40 phần trăm nước thải của toàn Trung Quốc, 80 phần trăm số này không được xử lý. Năm 2007, một phần vì lý do ô nhiễm, chính quyền Trung Quốc loan báo tạm ngưng triển khai một kế hoạch lên tới 60 tỷ USD nhằm chuyển dòng chảy của con sông để cung cấp nước cho các thành phố đang khát nước là Bắc Kinh và Thiên Tân. Sông Hoàng Hà cung cấp nước cho hơn 150 triệu người và 15 phần trăm đất nông nghiệp của Trung Quốc, nhưng hai phần ba nước sông được cho là không an toàn để uống và 10 phần trăm nước sông được xếp vào loại nước thải. Đầu năm 2007, các quan chức Trung Quốc loan báo rằng hơn một phần ba các loài cá sống ở Sông Hoàng Hà đã bị tiệt chủng vì hậu quả của việc xây đập hoặc vì nạn ô nhiễm.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng ngày càng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu có thể làm xấu hơn nữa tình trạng môi trường trong nước. Vào mùa xuân năm 2007, Bắc Kinh đã công bố báo cáo đánh giá quốc gia đầu tiên về biến đổi khí hậu, đưa ra dự đoán lượng nước mưa trong vùng nhận nước của ba trong số bảy con sông quan trọng của Trung Quốc – khu vực quanh các con Sông Hoài, Sông Liêu, và Sông Hải – sẽ giảm đi 30 phần trăm,và dự báo mức giảm 37 phần trăm sản lượng lúa mì, lúa gạo, và ngô trong nửa sau của thế kỷ này. Bản báo cáo cũng dự đoán Sông Dương Tử và Sông Hoàng Hà, vì nhận nước từ các băng sơn Tây Tạng, sẽ tràn nước khi băng tan ra và sau đó sẽ khô hạn. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế hiện nay cũng cảnh báo rằng do mực nước biển dâng lên, Thượng Hải có thể bị ngập nước vào khoảng năm 2050.
TAI HỌA CHUNG
Những vấn đề môi trường của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải chịu những trận mưa axit xuất phát từ những nhà máy điện đốt than, và chịu cả những trận bão bụi xuất phát từ Sa Mạc Gobi thổi qua hướng đông vào mùa xuân, mang theo bụi vàng độc hại đổ xuống đất đai của họ. Các nhà nghiên cứu Mỹ hiện đang theo dõi đường đi của bụi, lưu huỳnh, muội, và những hạt vi lượng kim loại tương tự, xuất phát từ Trung Quốc, bay ngang Thái Bình Dương vào Mỹ. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ [EPA] ước tính trong một số ngày nhất định, có tới 25 phần trăm những phân tử bụi trong không khí tại Los Angeles là phân tử bụi xuất phát từ Trung Quốc. {Xem ghi chú 1 cuối bài} Các nhà khoa học cũng tìm thấy nguồn gây ra mức gia tăng thủy ngân lắng đọng trong đất đai ở Mỹ là đến từ các nhà máy điện đốt than và nhà máy xi măng ở Trung Quốc. (Nếu hấp thu vào cơ thể với số lượng lớn, thủy ngân có thể gây ra dị tật thai nhi và khiến trẻ chậm phát triển). Có báo cáo cho rằng, 25 đến 40 phần trăm tổng số thủy ngân thải vào không khí trên toàn thế giới xuất phát từ Trung Quốc.
Những gì Trung Quốc xả vào hệ thống nước của họ cũng làm ô nhiễm những vùng đất khác trên thế giới. Theo Quỹ Môi Trường Hoang Dã Thế Giới (WWF), một NGO quốc tế, Trung Quốc hiện là nước làm ô nhiễm Thái Bình Dương nhiều nhất. Theo lời ông Lưu Khuyên Phong, một cố vấn của Quốc Hội Trung Quốc thì “Gần như không có bất cứ con sông nào đổ nước vào vịnh biển Bột Hải [vùng biển dọc theo bờ bắc Trung Quốc] là sông sạch.” Trung Quốc xả khoảng 2,8 tỷ tấn nước ô nhiễm vào Bột Hải mỗi năm, và lượng kim loại nặng trong bùn đáy biển Bột Hải hiện ở mức 2000 lần nhiều hơn tiêu chuẩn an toàn được phép chính thức của Trung Quốc. Sản lượng tôm đã giảm 90 phần trăm trong 15 năm qua. Vào năm 2006, tại các tỉnh công nghiệp hóa đứng đầu ở miền đông nam là Quảng Đông và Phúc Kiến, gần 8,3 tỷ tấn nước thải được xả vào biển mà không qua xử lý, tăng 60 phần trăm tính từ năm 2001. Hơn 80 phần trăm Biển Đông Trung Hoa, một trong những vùng cá lớn nhất trên thế giới, hiện được xếp vào loại không phù hợp cho đánh bắt cá, vào năm 2000, tỉ lệ này là 53 phần trăm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng khiến dư luận quốc tế quan tâm vì đang nhanh chóng góp phần nhiều hơn gây ra biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo năm 2007 của Cơ Quan Đánh Giá Môi Trường Hòa Lan, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước thải nhiều thán khí nhất vào bầu khí quyển, loại khí này là thành phần chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính. Theo lời cảnh báo của ông Fatih Birol, kinh tế gia chính của Cơ Quan Năng Lượng Thế Giới, đưa ra vào tháng tư vừa qua [2007], thì trừ khi Trung Quốc điều chỉnh cách họ sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau và ứng dụng những kỹ thuật vừa tiên tiến nhất vừa thân thiện với môi trường, chỉ trong 25 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ thải nhiều gấp đôi lượng thán khí của tất cả các nước trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế [OECD] cộng lại.
Những đối tác kinh tế thân cận với Trung Quốc tại các nước đang phát triển cũng phải đối mặt với gánh nặng môi trường vì hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia của Trung Quốc, trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và Đông Nam Á nhằm cung cấp nguyên liệu cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, cũng đang tàn phá môi trường sinh thái tại những khu vực này. Sự khao khát gỗ của Trung Quốc đã bùng nổ trong hơn 15 năm qua, và đặc biệt từ năm 1998, khi các trận lũ lụt khủng khiếp xảy ra đã khiến Bắc Kinh phải mạnh tay ngăn chặn nạn khai phá rừng trong nước. Mức nhập khẩu gỗ của Trung Quốc tăng hơn ba lần, từ 1993 đến 2005. Theo Quỹ Môi Trường Hoang Dã Thế Giới [WWF], nhu cầu về gỗ, giấy và bột giấy của Trung Quốc sẽ có thể tăng lên tới 33% trong khoảng từ 2005 đến 2010.
Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu lớn nhất lượng gỗ khai thác trái phép trên thế giới: khoảng 50 phần trăm số gỗ nhập khẩu được cho là nhập lậu. Khai thác gỗ trái phép tàn phá nghiêm trọng môi trường vì thường nhắm vào những khu rừng già hiếm quý, làm nguy hại đến sự đa dạng sinh thái và không đếm xỉa gì đến những nguyên tắc bảo vệ và tái tạo rừng. Chẳng hạn, vào năm 2006, chính quyền Campuchia, bất chấp luật pháp của nước mình, đã cho tập đoàn Wuzhishan LS Group của Trung Quốc quyền khai thác trong 99 năm một vùng rừng lớn gấp 20 lần diện tích được luật pháp Campuchia cho phép. Những hoạt động của công ty này, gồm cả việc phun thuốc diệt cỏ với khối lượng lớn, đã khiến người dân Campuchia địa phương nhiều lần phải biểu tình phản đối. Theo NGO quốc tế Global Witness [Nhân chứng địa cầu] các công ty Trung Quốc đã phá hủy phần lớn những khu rừng dọc biên giới Trung Quốc và Miến Điện, và hiện đang di chuyển sâu vào những khu rừng già Miến Điện để khai thác gỗ. Trong nhiều trường hợp, việc phá rừng trái phép diễn ra với sự hỗ trợ đắc lực của các quan chức địa phương tham nhũng. Các quan chức chính quyền trung ương tại các nước Miến Điện, Indonesia và các nước nơi các công ty khai thác gỗ của Trung Quốc hoạt động mạnh, đã phản đối với Bắc Kinh về những lề lối hoạt động này, nhưng kết quả cho đến nay vẫn còn rất giới hạn. Những hoạt động này, cùng với hoạt động của các công ty Trung Quốc khai thác quặng mỏ và năng lượng, đã khiến rất nhiều cư dân tại các nước đang phát triển phải thực sự lo lắng về môi trường nước mình.
MẤT VUI NỬA CHỪNG
Tuy vậy, theo cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, thiệt hại gây ra cho môi trường bản thân nó chỉ là mối quan tâm hạng hai. Quan tâm hạng nhất của họ nằm ở những tác động gián tiếp mà ô nhiễm môi trường gây ra: ô nhiễm khiến phép lạ kinh tế ngừng trệ, đe dọa sức khỏe dân chúng, gây bất ổn xã hội và làm xấu uy tín của đất nước tên trường quốc tế. Gộp tất cả lại, những thách thức này có thể đe dọa quyền lực của Đảng Cộng Sản.
Lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng về tác động của môi trường đến nền kinh tế. Một số cuộc nghiên cứu, trong và ngoài Trung Quốc, dự đoán rằng sự xuống cấp của môi trường và nạn ô nhiễm khiến kinh tế Trung Quốc mất đi từ 8 đến 12 phần trăm GDP mỗi năm. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường xuyên công bố những nghiên cứu về tác động của ô nhiễm đối với nông nghiệp, năng xuất công nghiệp và sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như: Có năm ô nhiễm nước làm mất 35,8 tỷ USD, ô nhiễm không khí làm mất 27,5 tỷ USD trong một năm khác, và nhiều hạng mục khác nữa như: tai họa do biến đổi thời tiết (26,5 tỷ), mưa acid (13,3 tỷ), sa mạc hóa (6 tỷ), hoặc mất mùa do ô nhiễm đất (2,5 tỷ). Thành phố Trùng Khánh, nằm vắt qua hai bờ Sông Dương Tử, ước tính việc khắc phục tác hại của ô nhiễm nước trong nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng làm tiêu tốn 4,3 phần trăm tổng sản lượng hàng năm của thành phố. Tỉnh Sơn Tây cung cấp than cho cả nước, nhưng lại phải trả giá đậm khi cây cối lụi tàn, không khí bẩn, nước bẩn và đất lún. Chính quyền địa phương tại đây ước tính chi phí của tình trạng môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm này ở mức 10,9 phần trăm tổng sản lượng năm của tỉnh, và kêu gọi Bắc Kinh bồi thường thiệt hại vì tỉnh đã phải “cống hiến và hy sinh” cho sự nghiệp chung.
Bộ Vệ Sinh của Trung Quốc cũng đang gióng tiếng chuông cảnh báo ngày càng khẩn cấp. Trong một cuộc điều tra tại 30 thành phố và 78 quận huyện, công bố vào mùa xuân [2007], Bộ đã chỉ ra rằng không khí bẩn và nước bẩn chính là thủ phạm gây ra mức tăng đột biến các ca ung thư toàn quốc: tăng 19 phần trăm tại các khu đô thị, và 23 phần trăm tại vùng nông thôn, tính từ năm 2005. Một viện nghiên cứu hợp tác với Tổng Cục Quốc Gia Bảo Vệ Môi Trường (SEPA) cho biết tổng số các vụ chết non tại Trung Quốc do bệnh đường hô hấp, liên quan đến ô nhiễm không khí, lên tới 400.000 mỗi năm. Nhưng dường như đây là ước lượng ở ngưỡng thấp, vì theo một nghiên cứu chung giữa Ngân Hàng Thế Giới và chính quyền Trung Quốc phổ biến năm nay [2007] thì tổng số chết non lên đến 750.000 mỗi năm. (Người ta cho rằng Bắc Kinh không muốn công bố con số này vì lo ngại sẽ gây bất ổn xã hội.) Tác hại của ô nhiễm nước tuy không được thống kê kỹ như ô nhiễm không khí, nhưng thực ra có thể gây những tác hại khủng khiếp hơn lên sức khỏe người dân. Hiện nay, có tới 190 triệu người Trung Quốc mắc bệnh vì uống nước nhiễm bẩn. Dọc tất cả những dòng sông lớn tại Trung Quốc, các xã, ấp đều có báo cáo về mức tăng chóng mặt các bệnh tiêu chảy, ung thư, khối u, bạch cầu, và chậm phát triển.
Bất ổn xã hội vì những bức xúc này đang gia tăng. Mùa xuân 2006, quan chức đứng đầu về môi trường tại Trung Quốc, ông Chu Sinh Hiền, loan báo đã có 51.000 vụ biểu tình liên quan tới ô nhiễm vào năm 2005, tức là gần 1.000 vụ biểu tình mỗi tuần. Các khiếu nại của dân chúng, thể hiện qua những cuộc gọi đến đường dây nóng của nhà nước và qua thư gửi chính quyền địa phương, đang gia tăng ở mức 30 phần trăm mỗi năm, và sẽ lên tới 450.000 khiếu nại trong năm 2007. Nhưng chỉ một số ít khiếu nại được giải quyết ổn thỏa mà thôi, thế là tại nhiều nơi trên cả nước dân chúng xuống đường ngày càng nhiều. Trong nhiều tháng vào năm 2006, cư dân của sáu xã trong Tỉnh Cam Túc đã nhiều lần biểu tình chống lại các nhà máy luyện kẽm và sắt vì họ tin rằng chúng đang đầu độc họ. Một nửa trong số 4.000 đến 5.000 cư dân tại đây mắc các chứng bệnh liên quan đến nhiễm độc chì, từ chứng thiếu vitamin D đến những bệnh trạng thần kinh.
Nhiều cuộc diễu hành vì môi trường diễn ra là tương đối nhỏ và ôn hòa. Nhưng khi những cuộc biểu tình như thế không mang lại kết quả, người biểu tình đôi khi đã dùng đến cả bạo lực. Sau khi cố gắng suốt hai năm kiến nghị lên chính quyền, từ địa phương đến chính quyền cấp tỉnh và chính quyền trung ương, yêu cầu xử lý tình trạng mùa màng nhiễm bẩn và không khí ô nhiễm, vào mùa xuân 2005, có từ 30.000 đến 40.000 người dân tại Tỉnh Chiết Giang đã tràn ngập 13 nhà máy hóa chất, đập vỡ cửa sổ và lật nhào những chiếc xe buýt, tấn công các cán bộ nhà nước và đốt cháy xe cảnh sát. Chính quyền gửi 10.000 cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh Sát Vũ Trang Nhân Dân để đáp trả. Các nhà máy được lệnh đóng cửa, và một số thủ lĩnh hoạt động môi trường, vốn tìm cách giám sát việc chấp hành lệnh đóng cửa của các nhà máy này, sau đó đã bị bắt giam. Lãnh đạo Trung Quốc nói chung đã ngăn chặn được – đôi khi bằng bạo lực – không cho sự bất mãn về vấn đề môi trường lan từ tỉnh này qua tỉnh khác hoặc biến tướng thành các yêu sách lớn hơn đòi hỏi cả những cải tổ chính trị.
Đối diện với những vấn đề vừa kể, lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã phải lên tiếng với độ khẩn trương hơn về nhu cầu bảo vệ môi trường. Trên giấy tờ, điều này đã được cụ thể hóa thành những chiến lược mạnh dạn để tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường, đưa ra các mục tiêu tham vọng về cắt giảm ô nhiễm và tỉ trọng năng lượng [tỉ trọng năng lượng là mức năng lượng dùng để sản xuất một đơn vị GDP], và đưa vào sử dụng những kỹ thuật mới thân thiện với môi trường. Năm 2005, Bắc Kinh đưa ra một số những mục tiêu đầy ấn tượng cho kế hoạch năm năm kế tiếp: họ nhắm mục tiêu sao cho tới năm 2010, 10 phần trăm điện năng sẽ được lấy từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo được, tỉ trọng năng lượng sẽ giảm xuống 20 phần trăm và những chất thải gây ô nhiễm chính như dioxit lưu huỳnh giảm 10 phần trăm, mức tiêu thụ nước giảm 30 phần trăm, và mức đầu tư để bào vệ môi trường tăng 1,3 đến 1,6 phần trăm GDP. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc yêu cầu các quan chức địa phương đóng cửa một số nhà máy trong những công nghệ tiêu hao nhiều năng lượng nhất – như các nhà máy điện, sản xuất nhôm, đồng, thép, than cốc, than thường, và sản xuất xi măng – và giảm mức tăng trường của các ngành công nghiệp khác bằng việc ngưng giảm trừ thuế và các khoản ưu đãi sản xuất khác.
Những mục tiêu này nghe thì hay – trong vài lĩnh vực còn đáng kinh ngạc nữa là khác – nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng sự lạc quan chừng mực thì thực tế hơn; quá khứ cũng cho thấy đạt được những mục tiêu như kể trên thật ra rất khó khăn. Năm 2001, chính quyền Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm khí thải dioxit lưu huỳnh xuống 10 phần trăm giữa năm 2002 và 2005. Nhưng thay vì giảm, lượng khí thải này lại tăng thêm 27 phần trăm. Bắc Kinh hiện khó đạt được những mục tiêu mới nhất họ vừa đưa ra: chẳng hạn, họ thất bại trong mục tiêu đầu tiên nhằm cắt giảm tỉ trọng năng lượng và giảm mức ô nhiễm. Bất chấp cảnh báo của Thủ Tướng Ôn, sáu ngành công nghiệp trong danh sách phải giảm tăng trưởng lại có mức tăng đến 20,6 phần trăm năng xuất trong quý đầu của năm 2007 – tăng 6,6 phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Theo một viên chức cao cấp của công ty Ấn Độ khai thác phong điện Suzlon Energy, chỉ có 37 phần trăm những dự án khai thác điện từ năng lượng gió được chính quyền Trung Quốc phê duyệt vào năm 2000 là được xây dựng mà thôi. Có lẽ vì sợ rằng một mục tiêu nữa cũng sẽ sụp đổ do thất bại nửa chừng, nên vào đầu năm 2007, Bắc Kinh đã điều chỉnh mục tiêu đưa ra trước đó là giảm mức tiêu thụ nước 30 phần trăm vào năm 2010, xuống chỉ còn 20 phần trăm.
Ngay cả Thế Vận Hội cũng là một thách thức. Ngay từ năm 2001, Bắc Kinh đã hứa sẽ tổ chức một “Thế Vận Hội xanh” vào năm 2008, và Ủy ban Thế Vận Hội Quốc Tế đã dồn mọi nỗ lực cho sự kiện này thành công. Trong thành phố Bắc Kinh xuất hiện rất nhiều những hàng cây xanh mới trồng, các xe taxi và xe buýt cải tiến giảm ô nhiễm cũng xuất hiện trên đường phố (một số đường phố sẽ sớm được trang bị đèn chiếu dùng năng lượng mặt trời), các nhà máy gây ô nhiễm nhiều nhất cũng được di dời ra khỏi phạm vi thành phố, và khu lưu trú Thế Vận Hội được thiết kế như những gương mẫu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy vậy, ở những khía cạnh quan trọng, Bắc Kinh lại phải bó tay. Các quan chức chính quyền thành phố đã phải rút lại lời hứa cung cấp nước thủy cục sạch cho toàn bộ cư dân Bắc Kinh nhân dịp Thế Vận Hội; thay vào đó, họ nói sẽ chỉ cung cấp cho cư dân của Làng Thế Vận Hội mà thôi. Họ cũng công bố các biện pháp tình huống mạnh trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, chẳng hạn như cấm không cho xuống đường một triệu trong ba triệu chiếc xe hơi tại thành phố, ngưng sản xuất tại các nhà máy trong và ngoài Bắc Kinh (một số nhà máy đã cưỡng lại quyết định này). Những tiến bộ mà chính quyền thành phố đạt được trong sáu năm trước trước đó – như gia tăng số ngày trong năm thành phố được hưởng không khí sạch – cũng không đủ để bảo đảm không khí sẽ trong lành trong thời gian Thế Vận Hội. Việc chuẩn bị cho Thế Vận Hội đã minh chứng cho tính bất trị của những thách thức môi trường tại Trung Quốc và giới hạn của các biện pháp do Bắc Kinh đưa ra để giải quyết vấn đề.
THỬ THÁCH TỪ ĐỊA PHƯƠNG
Rõ ràng, có vấn đề cần giải quyết. Cái giá của việc thiếu hành động đang ngày càng ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe công chúng và uy tín quốc tế của Trung Quốc. Và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, đó là bất mãn xã hội đang gia tăng. Quần chúng Trung Quốc rõ ràng đang mất kiên nhẫn với sự bất lực hoặc thiếu quyết tâm lật ngược xu thế của hiện trạng môi trường. Nhà cầm quyền cũng hiểu rõ rằng những bất mãn về môi trường rất có thể sẽ kích hoạt các bất ổn xã hội rộng lớn hơn.
Một sự kiện vào mùa xuân này [2007] đặc biệt đã gióng tiếng báo động khiến lãnh đạo Trung Quốc phải quan tâm. Tại thành phố ven biển Hạ Môn, sau nhiều tháng phản đối ngày càng mạnh dự án xây dựng nhà máy hóa dầu trị giá 1,4 tỉ USD gần đó, đến tháng năm, giới sinh viên và giảng viên Đại Học Hạ Môn, cùng các thành phần khác, được cho là đã gửi một triệu tin nhắn qua điện thoại di động đến đồng bào của họ thúc giục mọi người xuống đường vào ngày 1 tháng Sáu. Đúng ngày hẹn, và cả ngày kế tiếp, số người biểu tình được ước tính vào khoảng từ 7.000 đến 20.000 người đã tuần hành trong ôn hòa qua thành phố, một số người tham gia bất chấp việc bị đe dọa đuổi học hoặc khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản. Cuộc biểu tình được quay video, và gửi lên YouTube. Một đoạn video dùng cả một lời thoại rất ám ảnh, nối kết cuộc biểu tình tại Hạ Môn với thảm họa môi trường gần Thái Hồ, hồ nước nằm cách đó 660 cây số (một thảm tảo lớn màu lục lam, hình thành từ nước thải công nghiệp và nước cống đổ xuống hồ đã làm nhiễm bẩn nguồn nước cung cấp cho thành phố Vô Tích). Giọng đọc kia cũng nối kết cuộc biểu tình này với cuộc phản kháng tại Thiên An Môn năm 1989. Giọng đọc nói rằng: Cuộc biểu tình tại Hạ Môn, có lẽ là “cuộc biểu tình đúng nghĩa đầu tiên, kể từ biến cố Thiên An Môn”
Để đáp trả, chính quyền thành phố đã cho hoãn việc xây cất nhà máy kia, nhưng đồng thời, họ cũng tung ra một chiến dịch rộng khắp nhằm làm mất uy tín của những người biểu tình và tính khách quan của những đoạn video. Dù vậy, một số nhận định về cuộc biểu tình và lời kêu gọi chớ quên Thiên An Môn cũng đã xuất hiện trên các trang mạng khác. Những thông điệp như thế, được phổ biến công khai và bất cứ ai cũng có thể tìm đọc, gợi lên nỗi lo sợ lớn nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc, đó là thất bại trong việc bảo vệ môi trường sẽ có ngày trở thành chất xúc tác cho những yêu sách rộng lớn hơn, đòi hỏi cải cách chính trị.
Những cuộc biểu tình công cộng như vừa kể cũng là bằng chứng cho thấy các vấn đề môi trường tại Trung Quốc không thể nào được giải quyết chỉ bằng cách đưa ra những mục tiêu to tát và bằng đầu tư nhiều hơn. Chúng phải được giải quyết bằng những thay đổi nền tảng trong cung cách nhà nước làm kinh tế và bảo vệ môi trường. Cho tới nay, Bắc Kinh đã cấu trúc nỗ lực bảo vệ môi trường của họ theo cùng một cách họ theo đuổi tăng trưởng kinh tế, tức là một mặt cho chính quyền địa phương và giới chủ xí nghiệp quyền tự quyết định hoạt động của mình, và mặt khác tích cực ve vãn để thu hút chuyên môn của cộng đồng thế giới và các NGO Trung Quốc nhưng lại kiểm soát chặt chẽ hoạt động của họ.
Hãy thử xem xét trường hợp sau đây về cơ quan môi trường quan trọng nhất của Trung Quốc, cơ quan SEPA, trụ sở tại Bắc Kinh. SEPA đã trở thành nơi xuất phát những chính sách môi trường sáng tạo nhất tại Trung Quốc: họ cổ vũ cho đạo luật cho phép đánh giá tác hại môi trường; đưa ra đạo luật buộc quan chức địa phương cung cấp thông tin về các thảm họa môi trường, thống kê ô nhiễm, và tên của thủ phạm gây ô nhiễm cho công chúng biết; đưa ra một thử nghiệm tính toán chi phí của tình trạng hủy hoại môi trường và ô nhiễm đối với GDP quốc gia; và một chiến dịch tổng lực để chặn đứng 100 dự án hạ tầng quy mô lớn được tiến hành mà không thông qua quá trình đánh giá tác hại môi trường theo quy định. Nhưng, SEPA chỉ hoạt động với 300 chuyên viên toàn thời gian tại thủ đô, cùng với vài trăm nhân viên khác trên toàn quốc. (Trong khi đó Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ [EPA], riêng chỉ tại thủ đô Washington DC mà thôi, đã có tới gần 9.000 nhân viên.) Và quyền hành để thực thi các quyết định của SEPA lại hoàn toàn nằm trong tay các quan chức địa phương và các cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường tại địa phương dưới quyền họ. Trong vài trường hợp, tình trạng này tạo điều kiện cho các thử nghiệm thú vị. Chẳng hạn như tại tỉnh miền đông Giang Tô, Ngân Hàng Thế Giới và Hội Đồng Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên đã hợp tác tiến hành chương trình Greenwatch [Giám Sát Xanh], nhằm xếp hạng 12.000 nhà máy theo mức tuân thủ tiêu chuẩn xử lý nước thải công nghiệp và sau đó cung cấp những thứ hạng và cả lý do xếp hạng cho những nhà máy này nắm rõ. Tuy vậy, điều thường xuyên xảy ra là hệ thống tản quyền dễ dãi ở Trung Quốc đã làm cản trở nhiều tiến bộ: chỉ có từ bảy đến mười phần trăm trong hơn 660 thành phố Trung Quốc đạt tiêu chuẩn cần thiết để được SEPA công nhận là Thành Phố Môi Trường Kiểu Mẫu Quốc Gia. Theo lời của ông Vương Xán Phát, một trong những luật sư hàng đầu của Trung Quốc về môi trường, chỉ có chưa tới 10 phần trăm các luật lệ và quy định về môi trường của Trung Quốc được thi hành trên thực tế.
Một trong những vấn đề là các quan chức địa phương rất ít có động lực cần thiết để đưa việc bảo vệ môi trường lên hàng ưu tiên. Dù Bắc Kinh cổ vũ cho việc bảo vệ môi trường, nhưng Thủ Tướng Ôn Gia Bảo lại kêu gọi phải làm cho nền kinh tế tăng trưởng gấp bốn lần vào năm 2020. Giá nước đang tăng cao tại một số thành phố, như Bắc Kinh, nhưng tại nhiều thành phố khác giá nước lại chỉ bằng 20 phần trăm giá để làm hệ thống nước mới. Điều này khiến các nhà máy và đơn vị hành chính địa phương không có lý do gì để đầu tư vào việc xử lý nước thải hoặc các nỗ lực bảo vệ nguồn nước khác. Tiền phạt dành cho đối tượng gây ô nhiễm lại quá thấp, nên giới giám đốc nhà máy thường chọn cách đóng tiền phạt thay vì đưa vào sử dựng các công nghệ kiểm soát ô nhiễm thường có giá đắt hơn nhiều. Một giám đốc nhà máy phát điện chạy bằng than giải thích với một phóng viên Trung Quốc vào năm 2005 rằng ông ta mặc kệ, không tuân thủ một quy định buộc tất cả các nhà máy điện mới phải sự dụng thiết bị loại bỏ lưu huỳnh, chỉ vì giá của công nghệ này đắt bằng 15 năm tiền phạt cộng lại.
Chính quyền địa phương cũng ngoảnh mặt làm ngơ trước những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng vì quyền lợi riêng. Quan chức địa phương đôi khi có những quyền lợi trực tiếp trong các nhà máy hoặc quan hệ cá nhân với chủ nhà máy. Các văn phòng phụ trách bảo vệ môi trường, có nhiệm vụ canh phòng tình trạng tham ô đó, lại nằm dưới quyền của chính quyền địa phương, khiến họ trở thành đối tượng dễ dàng bị áp lực chính trị. Trong vài năm qua, truyền thông Trung Quốc đã phanh phui một số vụ, cho thấy quan chức địa phương đã tạo áp lực đối với tòa án, báo chí và cả bệnh viện nữa, để ém nhẹm không cho đưa ra ánh sáng những vụ sai phạm của các nhà máy. (Chỉ trong năm nay thôi, tại tỉnh Chiết Giang, giới chức địa phương được cho rằng đã hứa với các chủ nhà máy, có năng xuất 1,2 triệu USD hoặc cao hơn, rằng họ sẽ không bị nhà nước thanh tra đột xuất mà không được họ đồng ý trước.)
Thêm vào đó, quan chức địa phương lại thường dùng ngân sách bảo vệ môi trường vào những việc không liên quan hoặc những việc râu ria bên lề. Viện Kế Hoạch Môi Trường Trung Quốc, dưới quyền của SEPA, tiết lộ rằng trong năm nay, chỉ có một nửa trong số 1,3 phần trăm của GDP hàng năm trên toàn quốc, được phân bổ cho công tác bảo vệ môi trường trong những năm 2001 đến 2005, là được sử dụng đúng mục đích mà thôi. Theo nghiên cứu này, khoảng 60 phần trăm ngân sách bảo vệ môi trường, được chi ra tại các vùng đô thị trong thời gian vừa kể, đã được dùng để xây dựng nhiều dự án, trong đó có công viên, dây chuyền sản xuất, trạm xăng, và nhà máy xử lý nước cống, thay vì dùng để xây dựng các phương tiện xử lý chất thải hoặc nước thải.
Nhiều quan chức địa phương cũng cản trở nỗ lực buộc họ phải chịu trách nhiệm vì sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Năm 2005, SEPA đưa ra chiến dịch “GDP Xanh”, một dự án nhằm tính toán cái giá do môi trường xuống cấp và ô nhiễm gây ra cho nền kinh tế địa phương, đồng thời cung cấp cơ sở để đánh giá năng lực của quan chức địa phương về cả hai mặt: khả năng điều hành kinh tế và hiệu quả bảo vệ môi trường của họ. Tuy nhiên, một số tỉnh đã chây lỳ trước dự án này, vì lo ngại những con số được tiết lộ sẽ cho thấy mức độ hư hại mà môi trường đang gánh chịu. Cũng vậy, đối tác của SEPA trong chiến dịch, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc, cũng gây khó khăn khi loan báo rằng họ không đủ phương tiện để làm công tác kiểm toán GDP Xanh một cách chính xác, và dù sao đi nữa thì họ cũng không tin các quan chức địa phương cần được đánh giá trên cơ sở vừa kể. Sau khi công bố một báo cáo nửa vời vào tháng 9, 2006, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho công luận những thống kê cho năm kế tiếp [2007].
Một vấn đề khác là rất nhiều công ty Trung Quốc không thấy giá trị trực tiếp của việc họ phải tăng cường nỗ lực bảo vệ môi trường. Công ty sản xuất máy tính Lenovo, và công ty sản xuất linh kiện Haier, được đánh giá cao vì đã có nhiều biện pháp sáng tạo vì môi trường, công ty năng lượng mặt trời Suntech đã trở thành một nhà xuất khẩu pin mặt trời hàng đầu. Nhưng, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 18 phần trăm công ty tại Trung Quốc tin rằng họ có thể vừa gặt hái thành quả kinh tế vừa tích cực bảo vệ môi trường. Một thăm dò khác dành cho giới doanh nhân cho thấy đại đa số đều không thực sự hiểu họ sẽ được quyền lợi gì khi doanh nghiệp của họ hành xử có trách nhiệm, như tham gia bảo vệ môi trường, và họ cho rằng những đòi hỏi đó là quá nặng nề.
CHƯA ĐỦ TỐT
Giới hạn của những cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã khiến giới lãnh đạo nước này phải tìm kiếm sự trợ giúp của những nguồn bên ngoài guồng máy hành chính. Trên 15 năm qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Trung Quốc, giới truyền thông Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế đã trở thành những nhân tố chính trong nỗ lực cứu vãn môi trường của Trung Quốc. Nhưng, chính quyền Trung Quốc lại nghi ngờ họ.
Các nhà hoạt động môi trường tự phát tại Trung Quốc và đồng minh của họ trong giới truyền thông đã trở thành lực lượng có sức mạnh nhất – có cả tiềm năng bùng nổ nữa – trong việc cải thiện môi trường tại Trung Quốc. Chỉ từ bốn hoặc 5 NGO chủ yếu tập trung vào giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sự đa dạng sinh học vào thập niên 1990, phong trào môi trường tại Trung Quốc đã lớn mạnh lên và hiện có hàng ngàn NGO, chủ yếu được những người Trung Quốc rất năng động, ở độ tuổi 30, 40 điều hành. Những nhóm này thường xuyên đưa ra ánh sáng những nhà máy gây ô nhiễm cho chính quyền trung ương nắm rõ, họ cũng giúp đưa ra tòa để đòi quyền lợi cho những dân làng bị đầu độc vì nước bẩn và khí bẩn, cung cấp chi phí khởi đầu cho các NGO nhỏ mới thành lập khắp nơi trên cả nước, và họ cũng sẵn sàng ẩn mình, ẩn danh để đưa ra ánh sáng những công ty đa quốc gia đang phớt lờ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Họ thường gióng tiếng nói qua những lá thư gửi cho chính quyền, trong những chiến dịch vận động bằng internet, và qua các bài xã luận trên báo chí Trung Quốc. Giới truyền thông cũng là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến này: họ lên án những thủ phạm gây ô nhiễm, khui ra những vụ xâm hại môi trường, và nêu ra những điển hình thành công trong bảo vệ môi trường.
Bắc Kinh đã đến mức chấp nhận cho các NGO và báo chí giữ vai trò của những người canh giữ môi trường ở cấp địa phương, nhưng lại cảnh giác không cho họ vượt qua một số giới hạn nhất định, đặc biệt là không được chỉ trích trực tiếp chính quyền trung ương. Hình phạt đối với việc hiểu sai những giới hạn này có thể rất nghiêm trọng. Ông Ngô Lập Hồng làm việc suốt 16 năm để tìm cách giải quyết vụ ô nhiễm ở Thái Hồ (nơi sản sinh thảm tảo độc lục lam), thu thập chứng cớ để buộc đóng cửa 200 nhà máy. Mặc dù vào năm 2005, Bắc Kinh vinh danh ông Ngô như một trong những nhà hoạt động môi trường đứng đầu, nhưng ông cũng đã bị bọn côn đồ địa phương đánh đập nhiều lần trong quá trình điều tra của mình, rồi vào năm 2006 chính quyền của thành phố Nghi Hưng lại bắt ông vì lý do tống tiền, một cáo buộc rất mập mờ. Còn ông Ư Hiểu Cương, người đoạt giải nhất Giải Môi Trường Goldman, một giải thưởng uy tín nhằm vinh danh những nhà hoạt động môi trường tại địa phương, ông lại bị cấm xuất ngoại để trả thù việc ông vạch trần cho dân làng thấy những khuất tất của dự án di dời liên quan đến đập nước tại Tỉnh Vân Nam.
Sự cởi mở của chính quyền Trung Quốc trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ môi trường cũng còn giới hạn. Bắc Kinh mặc dù hoan nghênh những thỏa thuận song phương về phát triển công nghệ hoặc tài trợ các dự án thử nghiệm, nhưng lại lo ngại về những hoạt động khác. Một mặt họ ca tụng những NGO quốc tế về môi trường vì đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường ở Trung Quốc, nhưng mặt khác, họ lại sợ rằng một số NGO có thể quay sang cổ vũ dân chủ hóa.
Chính quyền cũng đặt các công ty đa quốc gia vào một tình huống khó xử. Nhiều tập đoàn tới nay đã đáp ứng kêu gọi của chính quyền, tự lãnh vai trò chủ động trong bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường tiên tiến nhất, tài trợ cho giáo dục về môi trường tại trường học Trung Quốc, tham gia các hoạt động cộng đồng về môi trường, và nâng cao tiêu chuẩn hoạt động trong ngành nghề của họ. Một ví dụ điển hình là Coca-Cola gần đây đã cam kết trờ thành công ty hoàn toàn không phí phạm nước và Wal-Mart sắp tới sẽ tung ra chiến dịch giáo dục và bán hàng toàn quốc để cổ động cho việc dùng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện. Cũng có một số trường hợp các công ty đa quốc gia được trao giải thưởng về môi trường và được dư luận khen ngợi. Nhưng trong hai năm qua, các quan chức chính quyền (và cả các NGO địa phương nữa) đã có thái độ cứng rắn hơn nhiều đối với các công ty đa quốc gia, nhiều lần lập luận rằng các công ty đa quốc gia đã biến Trung Quốc thành thủ đô ô nhiễm của thế giới. Với những vấn đề tương tự như phí phạm điện thì những người phê phán kia nói không sai. Nhưng những công kích của Trung Quốc, như tung bài viết lên mạng tố cáo các công ty đa quốc gia đang thực hành “chủ nghĩa thực dân môi trường”, đã trở nên thái quá. Làn sóng bài ngoại lên đến cao điểm vào năm 2006, sau việc công bố một bản đồ ô nhiễm nêu tên 3.000 nhà máy vi phạm quy chuẩn về ô nhiễm nước. Trong số này, 33 nhà máy gia công cho các công ty đa quốc gia lập tức bị giới truyền thông tập trung đả kích, trong khi cả ngàn nhà máy Trung Quốc khác trong danh sách này lại thoát nạn. Một số quan chức Trung Quốc và các nhà hoạt động môi trường khi nói chuyện riêng đều công nhận các công ty Trung Quốc gây ô nhiễm nhiều hơn hẳn các công ty nước ngoài, nhưng ra vẻ như mũi dùi sẽ vẫn tiếp tục nhắm vào các công ty đa quốc gia trong tương lai trước mắt. Vì hiện nay, quả thực là sẽ tiện lợi cho nhiều phía khi đổ hầu hết tội lỗi cho các tập đoàn nước ngoài gánh chịu.
ĐỎ HÓA XANH
Tại sao Trung Quốc lại không giải quyết được các vấn đề môi trường? Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc muốn có những gì mà Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang có: kinh tế phát triển và môi trường nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng họ lại không muốn trả cái giá chính trị và kinh tế để đạt được mục tiêu này. Thông điệp của Bắc Kinh với quan chức địa phương vẫn tiếp tục là không thể hy sinh phát triển kinh tế vì bảo vệ môi trường – rằng hai mục tiêu cần phải đạt được song song.
Điều này, dĩ nhiên, hiếm khi thành công. Dùng năng lượng hiệu quả hơn có thể mang lại lợi nhuận kinh tế, và đầu tư vào cắt giảm ô nhiễm, như xây các trạm xử lý nước thải, là chi phí có thể được cân đối so với chi phí phải trả nếu mùa màng thất bát vì đất nhiễm bẩn và người lao động nhiễm bệnh. Nhưng điều thường thấy là để đưa ra một đường lối mới cho môi trường thì cái giá phải trả về kinh tế sẽ rất cao vào lúc khởi đầu: phát triển kinh tế sẽ chựng lại trong một số ngành tại một số vùng miền. Một số doanh nghiệp sẽ bị buộc phải đóng cửa. Phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm và ngăn chặn ô nhiễm đòi hỏi đầu tư lớn. Trên thực tế, chính vì nhận ra những cái giá phải trả này mà chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã tập trung theo đuổi lợi nhuận kinh tế ngắn hạn trước tiên, và hầu hết đều phớt lờ những chỉ thị từ Bắc Kinh yêu cầu họ phải thay đổi đường lối.
Đây không phải là vấn đề bất thường. Mọi quốc gia đều bị giằng co khi cân nhắc giữa chi phí phải trả trước mắt để bảo vệ môi trường và cái giá lâu dài nếu môi trường bị hủy hoại. Nhưng Trung Quốc lại gặp một vấn đề lớn hơn. Thảm họa môi trường tại Trung Quốc xuất phát từ hệ thống chính trị phi dân chủ và tham nhũng cũng như xuất phát từ nhu cầu tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Quan chức địa phương và giới kinh doanh thường xuyên không bị hề hấn gì khi bỏ qua các luật lệ và quy định về môi trường, ẵm ngân sách bảo vệ môi trường bỏ trốn, và bịt miệng những người thách thức họ. Vì vậy, cải thiện môi trường ở Trung Quốc không chỉ đơn giản là sử dụng những công nghệ kiểm soát ô nhiễm, mà còn phải cải tổ thói quen chính trị trong nước nữa. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, cần có thông tin minh bạch, quan chức chịu trách nhiệm về việc mình làm và một hệ thống luật pháp độc lập. Nhưng những đặc tính này lại chính là những viên đá tảng của một hệ thống chính trị khác về cơ bản với hệ thống chính trị tại Trung Quốc hiện nay, và cho tới nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc chịu làm chuyện mạo hiểm cho quyền lực của Đảng chỉ để tìm ra lối thoát mới cho vấn đề môi trường. Chỉ trừ khi nào Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẵn sàng mở cửa cho những cải cách như vừa kể, Đảng sẽ không có cách nào để đạt được mục tiêu đầy tham vọng về môi trường, để vừa lãnh đạo công cuộc tăng trưởng kinh tế, vừa giữ cho những vấn đề môi trường nằm trong tầm kiểm soát.
Trước thực tế này, Mỹ – và phần còn lại của thế giới – sẽ phải khôn ngoan hơn khi hợp tác với Trung Quốc để giúp nước này bảo vệ môi trường. Trên hết, Mỹ phải đưa ra được một số các ưu tiên có giới hạn và đồng bộ. Nhu cầu của Trung Quốc rất lớn, trong khi khả năng lại giới hạn, vì vậy, đưa ra một hoặc hai sáng kiến có tầm vóc trong năm hoặc mười năm nữa sẽ có lợi hơn đưa ra một loạt những dự án không có tính đồng bộ. Cần tập trung những sáng kiến này vào các vấn đề chuyên biệt, ví dụ như thay đổi khí hậu hoặc nạn buôn bán gỗ trái phép; những thay đổi cơ cấu như củng cố hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường; hoặc những cải cách rộng rãi, như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Một vấn đề then chốt nữa giúp nâng cao hiệu quả của sự hợp tác Mỹ-Trung, đó là vai trò của bộ phận lãnh đạo nước Mỹ. Mặc dù các NGO và các công ty đa quốc gia của Mỹ thường ở vị trí hàng đầu trong các chính sách về môi trường và về phát minh kỹ thuật bảo vệ môi trường, nhưng chính phủ Mỹ lại không là nhà lãnh đạo thế giới trong các vấn đề then chốt về môi trường. Trừ khi Mỹ cải thiện chính sách và hành động của mình, chẳng hạn trong vấn đề thay đổi khí hậu, buôn lậu gỗ, sử dụng năng lượng hiệu quả, chính phủ Mỹ sẽ có rất ít uy tín hoặc khả năng làm áp lực khiến Trung Quốc thay đổi.
Về phần mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho việc thu hút thêm viện trợ về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, đáp ứng các đòi hỏi này rất có thể là sai lầm. Sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, ví dụ như trong dự án mới công bố nhằm thu hồi khí methane từ 15 mỏ than Trung Quốc, đương nhiên là quan trọng. Nhưng những cải cách có tính hệ thống cần thiết để đưa Trung Quốc vào một lộ trình mới về môi trường bắt buộc Trung Quốc phải có một cải tổ lớn từ dưới lên. Một cách để bắt đầu có thể là đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong các nhà máy và các công trình kiến trúc của Trung Quốc. Chỉ một việc là đưa những nhà máy và công trình kiến trúc này lên chuẩn thế giới về sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cũng đã mang lại những lợi ích khổng lồ. Các NGO quốc tế và của Trung Quốc, cùng với các văn phòng bảo vệ môi trường Trung Quốc và các công ty đa quốc gia có thể kiểm toán và xếp hạng các nhà máy Trung Quốc, dựa trên tiêu chuẩn là quy trình sản xuất và cơ sở vật chất của họ có đạt yêu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả hay không. Điểm của họ (và những yếu tố khiến họ bị chấm điểm như thế) sau đó cần được phổ biến cho công chúng qua mạng internet hoặc trên báo in, và những nhà máy, xí nghiệp nào chưa đạt chuẩn có thể được giúp đỡ phương tiện để cải thiện hoạt động.
Một chương trình thí điểm tại Tỉnh Quảng Đông, được thực hiện với sự hỗ trợ của Lãnh Sự Quán Mỹ tại Hong Kong, cho thấy một quy chế hoạt động như vừa mô tả. Xí nghiệp nào đăng ký để được kiểm toán năng lượng sẽ có thể vay tiền từ các ngân hàng tham gia chương trình để trang trải chi phí cho việc cải tiến của mình, với hy vọng là họ sẽ lần hồi trả được khoản nợ nhờ những khoản tiết kiệm có được do sử dụng ít vật liệu hơn, hoặc do bảo tồn năng lượng nhiều hơn. Nên khuyến khích những chương trình như thế và củng cố chúng bằng cách yêu cầu, chẳng hạn như công ty đa quốc gia của Mỹ, có quan hệ với xí nghiệp tham gia chương trình, đưa ra phần thưởng cho xí nghiệp nào đáp ứng hoặc vượt qua chỉ tiêu, và xử phạt xí nghiệp nào không đạt (thưởng-phạt bằng cách công ty đa quốc gia thêm hoặc giảm đơn đặt hàng dành cho họ chẳng hạn). Các NGO và giới truyền thông Trung Quốc cũng có thể công bố tên của những xí nghiệp từ chối hợp tác. Những sáng kiến như vậy có ưu điểm là phù hợp với thực tế của cơ chế bảo vệ môi trường tại Trung Quốc, cung cấp vừa thưởng vừa phạt để thúc đẩy các xí nghiệp tuân thủ; củng cố vai trò của những nhân tố then chốt như các NGO, giới truyền thông, và văn phòng bảo vệ môi trường địa phương; và thu hút sự tham gia của nhân tố mới là các ngân hàng Trung Quốc. Như đã xảy ra với chương trình GreenWatch, rất có thể là những chủ xí nghiệp và quan chức địa phương chưa quen làm việc minh bạch sẽ chống đối, nhưng nếu thuyết phục được họ rằng việc tham gia tích cực sẽ khiến họ bán được nhiều hàng hơn cho các công ty đa quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, thì nhiều người trong số sẽ dễ chấp nhận minh bạch trước công chúng hơn.
Dĩ nhiên, phần lớn gánh nặng và cơ hội cho Trung Quốc cách mạng hoá phương thức kết hợp bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế, nằm trong tay nhà cầm quyền Trung Quốc. Không bất cứ sự trợ giúp quốc tế nào có thể thay đổi được tình trạng môi trường nội địa của Trung Quốc và sự góp phần của tình trạng này vào những vấn đề môi trường toàn cầu. Thay đổi thực sự chỉ đến từ một đội ngũ lãnh đạo trung ương mạnh và việc triển khai những động cơ và điều kiện thuận lợi khiến quan chức địa phương và người dân Trung Quốc tự nguyện tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Điều này đôi khi có nghĩa là phải đưa ra những quyết định kinh tế khó khăn.
Những cải tổ về sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giống như chương trình được triển khai tại Quảng Đông, là những cải tổ thuộc dạng “hái quả dưới thấp”: vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa tốt cho môi trường. Sẽ khó khăn hơn nhiều khi phải đưa ra những cải tổ đòi hỏi phí tổn kinh tế cao hơn (chẳng hạn những cải tổ làm tăng chi phí sản xuất nhằm khuyến khích giữ gìn và tái chế, hoặc những cải tổ khiến thủ phạm gây ô nhiễm phải đóng phạt nặng hơn), những cải tổ khó được quần chúng ủng hộ hơn (như cải tổ khiến giá nước tăng cao), những cải tố có thể xói mòn quyền lực của Đảng Cộng Sản (như cải tổ khiến giới truyền thông được cởi mở hơn, và xã hội dân sự có nhiều tự do hơn). Nhưng những biện pháp này là thật sự cần thiết. Và cái giá ban đầu của chúng tuy cao vẫn cần phải được cân nhắc với cái giá lâu dài phải trả cho phát triển kinh tế, sức khỏe cộng đồng, và ổn định xã hội mà việc dậm chân tại chỗ của chính quyền Trung Quốc sẽ gây ra. Chính quyền cần bảo đảm rằng quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm bằng cách đẩy mạnh công tác giám sát tại hạ tầng cơ sở, tính minh bạch rộng lớn hơn thông qua giới truyền thông và các kênh thông tin khác, và một hệ thống pháp luật độc lập.
Lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ đã cho thấy khả năng tiến hành các cuộc cải cách táo bạo của mình. Hai thập niên rưỡi trước đây, Đặng Tiểu Bình và cộng sự đã tung ra một loạt các cải cách đầy tham vọng, bất chấp sự chống đối chính trị rất căng thẳng, và mở đường cho phép lạ kinh tế đang diễn ra lâu nay. Để tiếp tục đi tới trên con đường phi thường này, Trung Quốc cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn để đưa ra một loạt những sáng kiến kinh tế và chính trị nhằm thay đổi cung cánh làm ăn của nước mình. Không có những biện pháp ấy, Trung Quốc sẽ không thể dành được vị trí siêu cường toàn cầu trong thế kỷ 21. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ phải chịu trì trệ và tụt hậu – tất cả chỉ vì các nhà lãnh đạo tuy thấy được thử thách trước mắt nhưng lại không muốn làm những gì cần thiết để vượt qua.
Elizabeth C. Economy
Người dịch: Từ Khiêm
Ghi chú 1: Câu chuyện gốc do thông tấn xã Associated Press loan, nguồn của tuyên bố này, có sai sót và đã được đính chính. Thực ra, cơ quan EPA – trích lời một nghiên cứu trong đó cho thấy khoảng 30 phần trăm các hạt bụi lưu huỳnh ở miền tây Mỹ đến từ Châu Á – ước lượng rằng khoảng một phần trăm tổng số bụi độc hại ở Los Angeles đến từ Châu Á.