Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Cấm Bay và Cấm Chạy tại Libya

-Cấm Bay và Cấm Chạy tại Libya
Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 110319

Hoa Kỳ quả nhiên là đã bị lôi vào một trận chiến khác....


    Chiến đấu cơ Pháp bắt đầu vào Libya - Ảnh  AFP

Một trong những mâu thuẫn của Hoa Kỳ về hồ sơ Libya là quyết định hai mặt của bộ Ngoại giao. Vừa kết án việc Vương quốc Bahrain bé tí xíu đưa quân vào dẹp đám nổi loạn trong cộng đồng Shia lại vừa yêu cầu Bahrain góp quân yểm trợ phe nổi loạn chống lại chế độ Gaddafi tại Libya.

Chi tiết nhỏ này đã lọt khỏi sự chú ý của dư luận và của nhiều nhà bình luận.

Sau hai tuần lúng túng, Chính quyền Barack Obama đã nhập cuộc, phần là vì bị kéo vào một quyết định mà Tổng thống muốn tránh. Phần kia là ông bị đẩy vào việc phải lấy quyết định. Xin hãy nói về sức kéo và sức đẩy...

Dù đã lần lữa, ông Obama bị một số quốc gia Âu Châu kéo vào cuộc, và yếu tố then chốt là khi một số quốc gia trong Liên đoàn Á Rập cũng kêu gọi can thiệp để tránh một vụ tàn sát tại Libya. Phần kia, ở bên trong, ông bị đẩy tới vì lời thuyết phục của nhiều cố vấn có lập trường thiên tả và chủ trương can thiệp vì đạo lý về nhân quyền. Nhân vật giữ vị trí bản lề trong quyết định chiến-hòa này là Ngoại trưởng Hillary Clinton. Là người bày tỏ sự ngần ngại ngay từ đầu, bà đã bọc xuôi theo áp lực của các đồng minh tại Âu Châu và khiến Chính quyền Obama xoay ngược.

Xin chào mừng sự bất nhất của nước Mỹ. Và xin chờ đợi nhiều hậu quả bất lường khác.


****


Do chỉ thị của Tổng thống Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc là Susan Rice đã vận động 14 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an soạn thảo và thông qua một nghị quyết cho phép quốc tế can thiệp vào Libya. Yếu tố quyết định là hậu thuẫn của một số quốc gia Á Rập khiến Liên bang Nga và Trung Quốc khó ngăn chặn nghị quyết bằng lá phiếu phủ quyết. Ngày 17, hai hội viên thường trực này bỏ phiếu trắng cùng ba nước khác là Đức, Brazil và Ấn Độ. Mười hội viên còn lại ủng hộ nghị quyết, dẫn đầu là Anh, Pháp, Mỹ, cùng Bồ Đào Nha, Nam Phi, Nigeria, Gabon, Lebanon, Colombia và Bosnia-Herzegovina.

Trong cuộc họp báo chiều Thứ Bảy 20 tại Paris, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh nhiều lần, rằng Hoa Kỳ yểm trợ nỗ lực quốc tế tại Libya. Chúng ta chú ý đến khía cạnh "yểm trợ" thay vì "lãnh đạo", như trong chiến dịch A Phú Hãn hay Iraq thời George W. Bush. Khác biệt là như vậy - và chỉ có vậy.

Bây giờ, hãy nói về tiến trình quyết định:

Bên trong ban tham mưu của ông Obama, một số cố vấn hay nhân vật then chốt, như Samantha Power hay Gayle Smith trong Hội đồng An ninh Quốc gia và Đại sứ Suzan Rice, là những người thuộc cánh tả lý tưởng. Xưa kia họ từng phục vụ trong Chính quyền Bill Clinton và y như  ông Clinton, họ ân hận là đã không can thiệp để ngừa nạn diệt chủng tại Rwanda ở Phi Châu nên không muốn phạm sai lầm cũ. Và họ gây áp lực qua dư luận của cánh tả.

Chúng ta không nói đến sự bất nhất của nhóm dư luận này khi nhân quyền bị chà đạp ở nơi khác, như Trung Quốc hay Miến Điện. Mà cũng chẳng nhắc tới sự kiện một nhà sư Tây Tạng 21 tuổi vừa tự thiêu tại Tứ Xuyên để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc. Hơi đâu mà để ý tới chuyện vặt đó?

Ngược lại, một số nhân vật cũng then chốt trong nội các Obama thì tỏ ý ngần ngại, đó là Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates và các tướng lãnh trong Ngũ giác đài, cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon và Phụ tá của ông là Denis McDonough.

Ban đầu, Ngoại trưởng Clinton cũng không muốn Hoa Kỳ lại dẫn đầu một nỗ lực can thiệp và muốn Âu Châu nhận lấy trách nhiệm đó. Sau cùng, hôm 15, khi bà báo tin về lời yêu cầu của các đồng minh Âu Châu và khối Á Rập cùng hậu thuẫn của Nam Phi, Lebanon, Nigeria, Tổng thống Obama đã nhúc nhích.

Nhớ lại thì từ mùng ba đến 17 Tháng Ba, Hoa Kỳ đã nán đợi.

Hôm mùng ba, Tổng thống Barack Obama tuyên bố là Moammar Gaddafi phải đi, lập tức. Nghĩa là thực tế can thiệp vào nội tình một quốc gia khác với một điều kiện căn bản là phải thay đổi chế độ chính trị tại Libya. Sau đó, ông giữ im lặng trong khi chế độ Gaddafi tổng phản công và giành thắng lợi chứ không lập tức sụp đổ, như Giám đốc Tình báo Quốc gia là James Clapper Jr. đã cảnh báo trước Quốc hội. Quả nhiên là phe nổi loạn bị đàn áp và tàn sát.

Một vụ đảo chính hụt dẫn đến nội chiến mà lãnh đạo vụ nổi dậy là những ai thì chính Hoa Kỳ cũng chưa rõ. 

Họ có thể là nhân vật ôn hòa trong Chính quyền Gaddafi và đào thoát qua phe đối lập, như Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdul Jalil hay một số Đại sứ của Libya. Họ có thể là tộc trưởng của các bộ lạc xưa nay vẫn không chấp nhận sự cai trị của Gaddafi, mà cũng có thể là các lãnh tụ Hồi giáo có quan hệ với phe cực đoan quá khích, kể cả khủng bố và đang tìm một nơi lập hậu cứ....

Sau khi đòi Gaddafi phải đi, mà chưa biết ai sẽ thay thế, Chính quyền Obama mất hai tuần bất động. Gaddafi được rộng quyền tàn sát cho tới khi có thể chiếm lại thành phố Benghazi - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy - thì Obama mới quyết định can thiệp.

Nhưng vì hai tuần trì hoãn đó, Nghị quyết số 1973 của Liên hiệp quốc hết là một nghị quyết "cấm bay" - cấm Không quân của Gaddafi cất cánh trên toàn lãnh thổ Libya - mà còn cho liên quân quốc tế mọi quyền khác ("all necessary measures"). Nếu Gaddafi không tôn trọng đề nghị hưu chiến mà Ngoại trưởng của ông lập tức đưa ra hôm 18 sau khi có Nghị quyết của Liên hiệp quốc, và lại cho quân tấn công vào Benghazi như đã có tin đồn, việc quốc tế can thiệp sẽ không chỉ thu gọn vào chuyện cấm bay mà mở ra nhiều kiểu tấn công khác.

Nghĩa là vừa cấm bay vừa cấm chạy. Mục đích là để làm gì? Và chạy vào rồi thì làm sao chạy ra?

Ngày mùng ba, Tổng thống Obama đòi Gaddafi phải đi; qua ngày 18, ông không nhắc tới điều kiện đó nữa. Mục đích chỉ là để chấm dứt một vụ tàn sát thường dân. Nhưng mở ra một viễn ảnh chính trị mù mờ. Gaddafi phải đối thoại hoặc chia quyền với phe nổi dậy? Libya sẽ bị phân chia thành nhiều mảnh và tiếp tục nội chiến - dưới sự giám sát của các phi cơ hay hỏa tiễn quốc tế? Nếu một phi cơ quốc tế bị hỏa tiễn cầm tay loại S-7 của phe Gaddafi bắn hạ và phi công bị giữ làm con tin thì cộng đồng quốc tế đó sẽ tính sao?...

Hay Liên hiệp quốc phải có một nghị quyết khác về quyền giám hộ quốc tế trên lãnh thổ Libya sẽ bị xé vụn làm nhiều mảnh? Mà "quốc tế" đó là ai? Và Hoa Kỳ làm gì trong trò chơi quốc tế này khi vẫn chưa giải quyết xong hai chiến trường nóng là Iraq và A Phú Hãn? Chúng ta nên e rằng trên lãnh thổ Libya bị tanh bành làm nhiều mảnh, các lực lượng khủng bố Hồi giáo sẽ lặng lặng phát triển cơ sở, y như tại A Phú Hãn thời nội chiến.

Khác với Chính quyền Bush 43 là bước ra lãnh đạo quốc tế trong hai chiến dịch A Phú Hãn 2001 và Iraq 2003, Chính quyền Obama chỉ giữ vai trò yểm trợ quốc tế và nhường cho chiến đấu cơ của Pháp cái vinh dự khai hỏa - đang xảy ra khi bài này được viết vội.

Nhưng thủ thuật ngoại giao và "chính nghĩa quốc tế" của việc can thiệp vẫn không làm thay đổi bản chất và thực tế ở tại chỗ: Sau A Phú Hãn và Iraq, Hoa Kỳ cùng các nước Tây phương vừa tấn công một quốc gia Hồi giáo.

Một trong nhiều lý do khiến Moammar Gaddafi đã có thể cầm quyền trong 41 năm liền chính là vì ông ta khéo khai thác tinh thần độc lập dân tộc và phản ứng chống Tây phương của thần dân ở dưới. Việc quốc tế can thiệp sẽ cho lãnh tụ hung đồ thêm một lý cớ hiệu triệu quốc dân và phe đảng. 

Nhớ lại thì từ cuối tháng Hai, Gaddafi khéo viện dẫn lý cớ tấn công phe nổi dậy là sự xúi giục của khủng bố al-Qaeda. Ngầm bên dưới là một tín hiệu cho Hoa Kỳ: không chống Mỹ đâu! Bây giờ, Gaddafi nêu đích danh thủ phạm là Tây phương để khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng.

Chúng ta nhớ lại là sau chiến dịch Iraq của Mỹ năm 2003 thì từ năm năm nay, Gaddafi đã biết sợ và biết xoay. Người thi hành việc chuyển hướng đó chính là con thứ của ông, Seif al-Islam, một nhân vật không phải là kém cỏi. Một kỹ sư, kiến trúc sư, hoạ sĩ, tiến sĩ, v.v... người vận động cho dân chủ và cởi mở tại Libya. Mục đích là để cứu gia đình và xứ sở với bộ mặt có vẻ nhân bản và văn minh hơn, cho thời "hậu Gaddafi".

Nhưng gia đình này xoay chưa kịp thì vụ khủng hoảng Tunisie và Ai Cập bùng nổ. Họ bị đẩy vào chỗ phải có một chọn lựa sinh tử. Cây cầu hòa dịu với Tây phương bị gẫy, gia đình Gaddafi không đầu hàng hay bỏ chạy mà tấn công ngược vào phe nổi dậy và mở ra cuộc tàn sát.

Trong hai tuần nóng bỏng ấy, Chính quyền Obama cũng phải chọn lựa. Rồi quyết định vào thời điểm bất lợi nhất.

Với mục tiêu không xác định.


****


Bây giờ ta lùi lại mà nhìn vào chính trường Hoa Kỳ.

Cánh hữu trong chính trường, bên đảng Cộng Hoà, cũng có người chủ chiến nhưng vì nhiều lý do khác hơn là lý tưởng của cánh tả. Về đạo lý thì quả là phải chấm dứt hành động tàn sát của Gaddafi, đó là lập trường của các Nghị sĩ như John McCain hay Lindsey Graham. Nhưng, bên Cộng Hoà cũng có người nêu quan điểm về phương thức, như Nghị sĩ lão thành Richard Lugar thì cho là Hành pháp cần xin Quốc hội phê chuẩn quyết định can thiệp.

Người khác thì cực đoan hơn mà đặt vấn đề là tại sao phải đợi Liên hiệp quốc cho phép hay Âu Châu yêu cầu rồi Hoa Kỳ mới nhập trận, nhất là khi tình hình có thể đã quá trễ?

Một số nhân vật xưa kia đã từng tác chiến từ chiến trường Việt Nam tới Iraq thì có sự dè dặt khác của phe chủ chiến: Hoa Kỳ có lợi gì trong việc can thiệp? Họ đặt lại câu hỏi: mục tiêu là gì, khi nào thì coi như hoàn thành mục tiêu? Thế nào là thắng hay bại khi phải sử dụng đến sức mạnh quân sự đã căng quá mỏng trong hoàn cảnh mắc nợ tứ tung? 

Đó là phe bảo thủ mà thực tiễn về quyền lợi và về tính chất khả thi của việc can thiệp quân sự. Chỉ miễn cưỡng dụng binh, khi xác định mục tiêu và phương tiện cho rõ rệt chứ không thể vì cảm quan lý tưởng mà nhảy vào ổ kiến lửa và chẳng thấy đường ra!

Vụ tranh luận tả hữu ấy - bên trong từng phe còn có tranh luận khác  về lẽ chiến hòa và phương thức tác chiến lẫn chỉ  thị về mục tiêu và cách hành xử, v.v... - sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2012. Thực tế thì Barack Obama đã mở ra một cuộc chiến khác, cuộc chiến Libya của ông.

Obama không thể đổ lỗi cho Bush được nữa.

Ngày 24 tháng Hai, người viết đã nêu câu hỏi là liệu Hoa Kỳ có bị lôi vào cuộc chiến Libya hay không? Câu hỏi đó đã có câu trả lời! Nhưng câu trả lời lại dẫn tới nhiều câu hỏi khác....

Tổng số lượt xem trang